Giải đáp các câu hỏi về Thánh lễ: Kinh Xin Chúa thương xót

27/09/2022
2395


24. Kinh Xin Chúa thương xót

“Sau hành động thống hối, bao giờ cũng xướng kinh Lạy Chúa, xin thương xót trừ khi đã đọc lời tung hô này trong hành động thống hối. Vì là bài ca các tín hữu dùng để ca tụng và kêu cầu lòng thương xót của Chúa, nên thông thường mọi người cùng hát, nghĩa là cả dân chúng lẫn ca đoàn hay ca viên đều góp phần vào đó” (QCSL, số 52).

 

Sách lễ sau Vaticanô II, kinh thương xót được đặt sau kinh Cáo mình, đặc biệt, mẫu III gộp nghi thức thống hối và kinh thương xót làm một, qua việc xướng ba lần “Xin Chúa thương xót chúng conXin Chúa Kitô thương xót chúng conXin Chúa thương xót chúng con” (mẫu III).

Như vậy, kinh “Xin Chúa thương xót” được đặt sau nghi thức thống hối, trước kinh “Vinh danh”, vậy nó có phải là thành phần của nghi thức thống hối hay mang một ý nghĩa khác ?

Xin Chúa thương xót chúng con” tiếng Hy lạp là “Kyrie eleison”; tiếng Latin là “Domine misere”. Tuy nhiên, sách lễ Rôma bằng tiếng Latin, kinh này thay vì dùng tiếng Latin thì vẫn được dùng bằng tiếng Hy lạp: “Kýrie, eléison. – Kýrie, eléison” “Christe, eléison. – Christe, eléison”. “Kýrie, eléison. – Kýrie, eléison[1].

Kyrie” nghĩa là “Lạy Đức Chúa”; “eleison” nghĩa là “Xin thương xót”. Cả câu “Kyrie eleison”, nghĩa là “Lạy Đức Chúa ! Xin thương xót !”.

Trong Cựu ước, “Kyrie” dành để thưa với Đức Giavê, nhưng sang Tân ước, từ này dành riêng cho Chúa Giêsu. Tuy nhiên, sau này, có lẽ từ thế kỷ VIII, “Kyrie” dành cho Ba Ngôi Thiên Chúa, nhất là từ khi Giáo hội chống lại lạc giáo Ariô, mầu nhiệm Ba Ngôi lại được đề cao hơn nữa, thế nên hát ba lần “Kyrie eleison”; “Christe, eléison” Kyrie eleison”, lời khẩn nài không chỉ hướng về Chúa Cha, nhưng còn hướng lên cả Ba Ngôi Thiên Chúa; và ba lần ba, tổng cộng là chín lần, tưởng nhớ chín ca đoàn ở trên trời[2].   


[1] Cho tới cuối thế kỷ III, Giáo hội dâng Thánh Lễ bằng tiếng Hy lạp, rồi sau đó, tiếng Latin thay thế tiếng Hy lạp.

[2] Jungmann, Missarum sollemnia, quyển II, Aubier, Paris 1952, tr. 88-103.
 

25. Lịch sử kinh Xin Chúa thương xót?

 

Lời cầu xin “Kyrie eleison” xuất hiện nhiều lần trong Kinh Thánh Cựu và Tân ước (Tv 4,2. 6,3. 9,14. 25,11. 121,3; Mt 9,27; 20,30; Mc 9,27. 10,47. Lc 16,24. 17,13).

Vấn nạn, lời cầu xin “Kyrie eleison” được đưa vào Thánh Lễ để làm gì ? Được đặt ở vị trí nào ? Không có tài liệu nào rõ ràng trả lời hai câu hỏi này. Vì thế, các sử gia đã đưa ra nhiều câu trả lời khác nhau, tập trung ở hai ý kiến sau đây[1].

Ý kiến thứ nhất: bắt nguồn gốc từ lời nguyện tín hữu

Bên Đông Phương, đặc biệt là phụng vụ Hy lạp, theo tác phẩm “Hành hương” của Egeria (tk. IV)[2], tại Giêrusalem, cuối giờ kinh chiều, một thày Phó tế xướng các ý cầu nguyện, sau mỗi ý cầu nguyện, cộng đoàn đáp “Kyrie eleison”.

Cũng vào thời này (tk. IV), trong Thánh lễ, sau bài Tin Mừng, trước khi giải tán các người dự tòng, một thày Phó tế xướng các ý nguyện, và cộng đoàn đáp lại “Kyrie eleison”, tương tự như lời đáp “Xin Chúa nhận lời chúng con” sau mỗi ý cầu nguyện trong lời nguyện các tín hữu hiện nay.

Bên Tây phương, sau phần phụng vụ Lời Chúa cũng có các ý cầu nguyện, nhưng do vị chủ sự đọc, như hình thức lời cầu nguyện trong nghi thức tưởng niệm cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu vào chiều thứ sáu tuần thánh hiện nay. Vào thế kỷ V, Đức Giáo Hoàng Giêlasiô (492-496) du nhập vào phụng vụ Tây phương hình thức lời cầu của Đông phương, thày Phó tế xướng ý nguyện, cộng đoàn đáp “Kyrie eleison”. Tới thời Đức Giáo Hoàng Grêgôriô Cả (590-604), vào ngày thường, ngài bỏ đi phần xướng các ý nguyện và chỉ giữ lại lời cầu “Kyrie eleison”. Tiếp đến, Ordo Romanus I (tk. VII-VIII) bãi bỏ mọi lời khẩn nài trong các Thánh Lễ.

Ý kiến thứ hai: bắt nguồn từ kinh cầu hát lúc rước vào Thánh lễ

Cách giải thích nêu trên không được mọi người chấp nhận, vì kinh “Kyrie eleison” gắn liền với các ý nguyện mà ngày nay chúng ta gọi là lời nguyện tín hữu, hoặc lời nguyện phổ quát, trong khi kinh “Kyrie eleison” mà chúng ta đang đề cập tới diễn ra vào đầu lễ. Vì thế, một số cho rằng, kinh “Kyrie eleison” là vết tích kinh cầu đọc khi vị chủ sự và các thừa tác viên tiến vào thánh đường.

Sách phụng vụ Ordo Romanus I cho biết, khi Đức Giáo Hoàng tiến vào thánh đường, cộng đoàn hát “Kyrie eleison”, Đức Giáo Hoàng hôn bàn thờ, quỳ gối thinh lặng (dài ngắn tùy ý), cho tới khi ngài ra hiệu và xướng “Vinh danh Chúa Cha và Chúa Con cùng vinh danh Thánh Thần Thiên Chúa” thì khi ấy kinh “Kyrie eleison” mới kết thúc. Cho nên, không ai biết số lần hát “Kyrie eleison” là bao nhiêu. Hơn nữa, với thời gian, trước kinh “Kyrie eleison”, người ta thêm các câu xướng (tropen) vào, mỗi nơi mỗi cách, và vào thời này, người ta thấy, có hàng trăm các câu xướng khác nhau. Đức Giáo Hoàng Piô V (1570) cấm hoàn toàn các câu xướng (tropen) này.


[1] Vincenzo Raffa, Liturgia eucharistica. Mistagogia della Messa: dalla storia e dalla teologia alla pastorale practica, Roma 2003, tr. 1308.

[2] Egeria, Peregrinatio, c. 24 (CSEL, 39, tr. 72; Sources chrétiennes, XXI, tr. 193); x. Jungmann, Missarum sollemnia, quyển II, Aubier, Paris 1952, tr. 88-89.
 

26. Ý nghĩa kinh Xin Chúa thương xót?

Lời khẩn nài “Xin Chúa thương xót” xuất hiện nhiều lần trong Cựu ước, nhất là trong các thánh vịnh thống hối: “Lạy Chúa, xin thương xót con vì con đã phạm tội với Ngài” (Tv 50,1).

Tân ước cũng ghi lại lời của người thu thuế khi ông cầu nguyện trong đền thờ: “Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi” (Lc 18,13). Ngoài lời khẩn nài của người thu thuế hướng lên Chúa Cha, các Tin Mừng còn ghi lại khá nhiều lời khẩn nài “Kyrie eleison” hướng lên Chúa Giêsu: người mù ở Giêricô (x. Mc 10,48); người phong cùi (x. Lc 17,13). Do đó, các lời khẩn nài “Kyrie eleison” vừa hướng lên Chúa Cha vừa hướng lên Chúa Ba Ngôi. Trong mẫu nghi thức sám hối III chúng ta thấy rõ nhất, cả ba câu xướng đều hướng về Chúa Kitô, mỗi câu tuyên xưng một đặc tính của Chúa Kitô. Lời tuyên xưng và khẩn nài cũng xuất hiện trong kinh “Vinh danh”: “Lạy Con Một Thiên Chúa, Chúa Giêsu Kitô, Lạy Chúa là Thiên Chúa, là Chiên Thiên Chúa…”.

27. Thực hành việc đọc hoặc hát kinh Xin Chúa thương xót?

Trước đây, mỗi lời khẩn nài “Kyrie eleison” được lặp lại ba lần, ngày nay chỉ có hai lần, hình thức mang tính cách đối đáp. Tuy nhiên, số lần lặp lại “Kyrie eleison” có thể nhiều hơn hai lần vì một số lý do: “Thường mỗi lời tung hô được hát hai lần, nhưng tùy theo đặc tính của ngôn ngữ khác nhau, hoặc nghệ thuật âm nhạc, hoặc vì hoàn cảnh, cũng có thể hát nhiều lần. Khi lời tung hô Lạy Chúa, xin thương xót được hát như là một phần của hành động thống hối, thì thêm một câu ngắn trước mỗi lời tung hô” QCSL, số 52).

Kinh “Kyrie eleison” được bỏ khi có một hành vi tương đương, chẳng hạn rảy nước thánh ngày Chúa nhật (x. QCSL, số 51), hoặc hành vi thống hối thứ tư Lễ Tro, hoặc khi có một nghi thức phụng vụ đi trước Thánh Lễ như rước nến (02/02), rước lá (Lễ Lá), hoặc khi kết hợp giờ Kinh Sáng và Kinh Chiều với Thánh Lễ (x. Quy chế tổng quát Sách Các Giờ Kinh Phụng Vụ, số 94). Như vậy, kinh “Kyrie eleison” là thành phần của nghi thức sám hối chứ không phải là thành phần độc lập.

 

Còn tiếp…

Lm. Giuse Đào Hữu Thọ

Nguồn: tonggiaophanhanoi.org: 

 

Giải đáp các câu hỏi về Thánh lễ 1

Giải đáp các câu hỏi về Thánh lễ 2

Giải đáp các câu hỏi về Thánh lễ 3

Giải đáp các câu hỏi về Thánh lễ 4

Giải đáp các câu hỏi về Thánh lễ 5

Giải đáp các câu hỏi về Thánh lễ 6

Giải đáp các câu hỏi về Thánh lễ 7

Giải đáp các câu hỏi về Thánh lễ 8

Giải đáp các câu hỏi về Thánh lễ 9

Giải đáp các câu hỏi về Thánh lễ 10

Giải đáp các câu hỏi về Thánh lễ 11

Giải đáp các câu hỏi về Thánh lễ 12

Giải đáp các câu hỏi về Thánh lễ 13