Giải đáp các câu hỏi về Thánh lễ: Kinh Vinh danh

27/09/2022
4235


28. Lịch sử kinh Vinh danh?

 

Bản chất của kinh Vinh Danh là một bài ca chúc tụng. Có lẽ nó được soạn ra để bênh vực thiên tính của Đức Giêsu, nhằm chống lại các lạc giáo, nhất là lạc giáo Ariô[1].

Kinh này, ban đầu không được soạn cho Thánh Lễ, vì thế, không được sử dụng trong Thánh Lễ bên Đông cũng như bên Tây.

Không rõ ai là tác giả của kinh này. Kinh này được du nhập vào phụng vụ Rôma thời thánh Giáo hoàng Lêô Cả (440-461), tuy chỉ sử dụng vào lễ Chúa giáng sinh. Đức giáo hoàng Simacô (498-514) mở rộng tới các Thánh Lễ Chúa nhật và lễ các thánh tử đạo khi được Giám mục cử hành. Thế kỷ XI, kinh này được dùng trong mọi Thánh lễ, ngoại trừ những ngày thống hối.

29. Ý nghĩa kinh Vinh danh?

 

Kinh Vinh Danh là thánh thi chúc tụng và khẩn nài, hướng lên Chúa Cha và Chúa Kitô (x. QCSL, số 53). Chúa Thánh Thần cũng được nhắc tới nhưng rất ngắn: “[…] Vì, lạy Chúa Giêsu Kitô, chỉ có Chúa là Ðấng Thánh, chỉ có Chúa là Chúa, chỉ có Chúa là Ðấng Tối Cao, cùng Ðức Chúa Thánh Thần trong vinh quang Ðức Chúa Cha. Amen”.


[1] Năm 320, linh mục Ariô cho rằng, Chúa Giêsu chỉ là thụ tạo như các thụ tạo khác.

30. Thánh lễ nào thì đọc hoặc hát kinh Vinh danh?

Kinh Vinh Danh được hát hay đọc trong các Chúa nhật ngoài mùa Vọng và Mùa Chay, trong các lễ trọng, lễ kính và trong các dịp cử hành khá long trọng. Quy chế tổng quát sách lễ Roma nói về kinh Vinh danh như sau: “Vinh danh là một thánh thi có từ rất lâu đời và đáng kính mà Hội Thánh, được Chúa Thánh Thần quy tụ, dùng để tôn vinh Chúa Cha và Chiên Con và cầu khẩn với Chiên Con. Không được thay thế bản văn của thánh thi này bằng bản văn nào khác. Linh mục, hoặc tùy nghi, một ca viên hay cả ca đoàn xướng, rồi hoặc tất cả mọi người cùng hát, hoặc cộng đoàn hát luân phiên với ca đoàn, hoặc một mình ca đoàn hát. Nếu không hát thì phải đọc, hoặc mọi người đọc chung, hoặc chia hai bè. Thánh thi này được hát hay đọc trong các Chúa nhật ngoài Mùa Vọng và Mùa Chay, trong các lễ trọng và lễ kính, và trong các cử hành đặc biệt khá long trọng” (số 53).

31. Lời tổng nguyện hoặc lời nguyện nhập lễ?

Lời tổng nguyện là tột đỉnh và kết thúc các nghi thức mở đầu.

Lời nguyện này, tiếng Latinh là collecta, bắt nguồn từ động từ colligere, nghĩa là thu góp, được giải thích theo hai nghĩa:

Là lời tổng nguyện, vì vị chủ sự thu góp tất cả các ý nguyện của cộng đoàn và dâng lên Chúa thay mặt cộng đoàn.

Lời nguyện được đọc sau khi cộng đoàn đã tụ họp tại một địa điểm nào đó trước khi họ tiến tới nơi dâng lễ.

Được đặt vào vị trí cuối nghi thức mở đầu để dẫn nhập vào buổi lễ và dẫn nhập vào các bài đọc.

Diễn tiến bao gồm bốn chặng: mời gọi, thinh lặng, lời nguyện và kết luận (x. QCSL, số 54).

Lm. Giuse Đào Hữu Thọ

Nguồn: .tonggiaophanhanoi.org

Giải đáp các câu hỏi về Thánh lễ 1

Giải đáp các câu hỏi về Thánh lễ 2

Giải đáp các câu hỏi về Thánh lễ 3

Giải đáp các câu hỏi về Thánh lễ 4

Giải đáp các câu hỏi về Thánh lễ 5

Giải đáp các câu hỏi về Thánh lễ 6

Giải đáp các câu hỏi về Thánh lễ 7

Giải đáp các câu hỏi về Thánh lễ 8

Giải đáp các câu hỏi về Thánh lễ 9

Giải đáp các câu hỏi về Thánh lễ 10

Giải đáp các câu hỏi về Thánh lễ 11

Giải đáp các câu hỏi về Thánh lễ 12

Giải đáp các câu hỏi về Thánh lễ 13

Giải đáp các câu hỏi về Thánh lễ 14