Giải đáp các câu hỏi về Thánh lễ 2

24/09/2022
1351

 

Giải đáp các câu hỏi về Thánh lễ 1

Giải đáp các câu hỏi về Thánh lễ 2

Giải đáp các câu hỏi về Thánh lễ 3


10. Người Hy lạp và Rôma cổ sử dụng hương như thế nào để tôn kính các thần minh?

Thời cổ xưa, trước Chúa Giêsu, người Hy lạp đốt củi thơm để tôn kính các thần minh. Trầm hương chỉ được sử dụng từ thế kỷ VIII TCN. Người ta đốt hương để bày tỏ lòng tôn kính các vị thần. Người ta đốt hương cùng với lễ vật có máu hoặc không có máu, trộn hương với lễ vật, hoặc rảy hương trên lễ vật rồi thiêu cháy tất cả. Người ta dâng hương trong các lễ nghi diễn ra nơi công cộng hay trong gia đình. Trầm hương được xem là quà tặng quý giá. Ba vua dâng lễ vật: vàng, nhũ hương và một dược.

Người Rôma tiếp nhận văn hóa của người Hy lạp. Khi chưa khám phá ra trầm hương, người ta đốt các loại cây có hương thơm. Khi dâng lễ vật, người ta dùng trầm hương. Trước khi đốt cháy lễ vật, người ta đổ hương và rượu lên bàn thờ. Ngoài phạm vi tôn giáo, người Rôma thường sử dụng hương trong gia đình, nơi công cộng để tạo bầu khí thoải mái, dễ chịu.

11. Các Kitô hữu tiên khởi sử dụng hương như thế nào trong phụng vụ?

Các Kitô hữu tiên khởi, mặc dù chịu ảnh hưởng của Do thái giáo về ý nghĩa và cách sử dụng hương trong phụng vụ, nhưng họ vẫn nghi ngờ việc sử dụng hương trong các nghi lễ phụng vụ, nhất là khi họ nhìn thấy việc dâng hương trong các nghi lễ của ngoại giáo.

Nhìn chung, gần bốn thế kỷ đầu, các Ki-tô hữu không sử dụng hương trong các nghi lễ phụng vụ. Một số giáo phụ, chẳng hạn thánh Giustinô lên án việc dâng lễ vật có máu và dâng hương: “Thiên Chúa mà các Kitô hữu tôn thờ, không cần đến các thứ ấy”.

Trong khi các giáo phụ lên án việc dùng hương trong các lễ nghi phụng vụ, thì các ngài lại ủng hộ dùng hương trong các nghi lễ an táng để diễn tả việc tôn kính người đã qua đời. Các Kitô hữu tẩm thi hài người quá cố bằng hương hoặc xông hương xung quanh quan tài để bày tỏ lòng tôn kính, như thói quen của người Do thái: “Ông Nicôđêmô mang theo chừng một trăm cân một dược trộn với trầm hương. Các ông lãnh thi hài Đức Giêsu, lấy băng vải tẩm thuốc thơm mà quấn, theo tục lệ chôn cất của người Do Thái” (Ga 19,39-40).

Tuy nhiên, theo sách “Di chúc của thánh Ephreim[1] (+373), trước khi qua đời, ngài căn dặn không dùng trầm hương khi an táng ngài, nhưng trong thánh đường, hãy dâng hương lên Thiên Chúa để mọi người bước vào đều được hưởng mùi thơm tho. Như vậy, bên Giáo hội Đông phương đã sử dụng hương trầm trong thánh đường từ thế kỷ IV. Bên Giáo hội Tây phương, mãi tới cuối thế kỷ IV, chúng ta mới tìm thấy chứng từ nơi thánh Ambrôsiô khi ngài giải thích Lc 1,11: adolere altaria (xông hương bàn thờ). Tuy nhiên, bản văn không cho biết rõ, hương được sử dụng lúc nào và như thế nào trong phụng vụ. Phải đợi các tài liệu tiếp theo chúng ta mới biết rõ.

Các sách phụng vụ cổ xưa cho chúng ta biết, nghi thức xông hương được chia thành hai loại như sau: thứ nhất xuất xứ từ phụng vụ Roma cổ, gồm dùng hương và nến cao khi rước ra, rước về và rước Tin Mừng; thứ hai xuất xứ từ phụng vụ Pháp và Đức cổ gồm xông hương bàn thờ do chủ tế hay một giáo sĩ cấp dưới khác.

12. Nguồn gốc việc xông hương?

Loại thứ nhất, hương và nến cao là dấu hiệu danh dự mà phụng vụ Roma du nhập từ thói quen của tòa án Roma. Thật vậy, các thẩm phán có quyền xét xử. Nhằm diễn tả danh dự và quyền bính của thẩm phán, người ta rước khi ông tiến vào tòa án, đi đầu đoàn rước là người cầm huy hiệu của thẩm phán, tiếp đến là bốn cây đuốc cháy sáng và cuối cùng là Liber mandatorum (đặc quyền của hoàng đế). Phụng vụ Roma đã thay thế Liber mandatorum bằng sách Tin Mừng. Cách sắp xếp trong tòa án Roma cũng như cách sắp xếp trong các vương cung thánh đường (basilica), Liber mandatorum và các cây đuốc được đặt ngay trước mặt thẩm phán, cũng tương tự, sách Tin Mừng và các cây nến cao được đặt trước mặt Đức Giám Mục. Nhiều tác giả cho rằng bình hương chỉ là lò lửa được mang theo để thắp sáng các cây đuốc, nếu như đuốc bị tắt, phụng vụ dần dần thay thế lò lửa bằng bình hương thật sự.

13. Từ khi nào các Đức Giám Mục áp dụng các dấu hiệu này vào phụng vụ ?

Không ai biết chắc chắn. Có lẽ từ thời hoàng đế Constantinô (274-337), khi ông ban cho một số Đức Giám Mục được quyền xử án, cho nên khi tiến vào tòa án, thay vì rước huy hiệu của thẩm phán, người ta rước huy hiệu của Đức Giám Mục; các Đức Giám Mục du nhập vào phụng vụ hình thức cuộc rước vốn diễn ra nơi tòa án.

14. Từ khi nào, nến cao và hương được sử dụng trong lúc hát Tin Mừng?

Thánh Giêrônimô (340/347-420) có nói đến hai cây nến. Sách Hành hương của Etherie (Peregrinatio Etheriae) vào cuối thế kỷ thứ IV xác nhận việc sử dụng hương trong khi hát Tin Mừng tại Giêrusalem. Sách Sacramentarium Gelasianum (tk. VII-VIII) nói về cuộc rước Phúc Âm với nến cao và hương trầm, trong nghi thức ban phép Rửa tội. Có lẽ việc rước Tin Mừng bắt nguồn từ phụng vụ Roma.

Việc xông hương bàn thờ bắt nguồn từ phụng vụ Pháp cổ.

Tóm lại, phụng vụ Roma chỉ có việc rước chủ tế và sách Tin Mừng, không có việc xông hương hai đối tượng này. Xông hương bàn thờ, lễ vật và mọi người bắt nguồn từ phụng vụ Gallican và Germany và được xác định không đổi từ Đức Giáo Hoàng Piô V (1570). Ngoài việc dùng hương trong Thánh Lễ, các Kitô hữu còn dùng hương khi tôn thờ Thánh Thể, tôn kính thánh tích, trước tượng Đức Kitô, Đức Mẹ, các thánh và trong lễ an táng.

15. Theo luật phụng vụ hiện nay, việc xông hương được quy định như thế nào?

Quy chế tổng quát Sách lễ Rôma số 276 trình bày về ý nghĩa việc xông hương như sau:

“Việc xông hương bày tỏ sự tôn kính và cầu nguyện, theo ý nghĩa trong Sách Thánh (x. Tv 140,2; Kh 8,3).

Có thể tùy nghi dùng hương trong bất cứ hình thức Thánh lễ nào:

a) Khi đi rước ra bàn thờ;

b) Đầu lễ, xông hương thánh giá và bàn thờ;

c) Khi rước sách Tin Mừng và trước khi công bố bài Tin Mừng;

d) Sau khi đặt bánh và chén trên bàn thờ, xông hương lễ vật, thánh giá và bàn thờ, rồi cũng xông hương linh mục và cộng đoàn;

e) Khi nâng Bánh thánh và Chén thánh sau truyền phép”.

Quy chế tổng quát Sách lễ Rôma số 277 quy định về việc việc xông hương như sau:

“Linh mục bỏ hương vào bình và thinh lặng làm phép bằng một dấu thánh giá.

Trước và sau khi xông hương, cúi mình chào người hoặc vật được xông hương, trừ bàn thờ và lễ vật dùng cho Thánh lễ.

Xông hương ba lần: trước Thánh Thể, gỗ Thánh giá, các ảnh Chúa được trưng bày cho người ta cung kính, thánh giá của bàn thờ, sách Tin Mừng, nến Phục sinh, linh mục và cộng đoàn.

Xông hương hai lần: trước xương và ảnh các Thánh được trưng bày cho người ta tôn kính, và chỉ làm lúc đầu lễ khi xông hương bàn thờ.

Xông hương bàn thờ từng nhịp một theo cách thức sau đây:

a) Nếu bàn thờ cách biệt vách tường, linh mục vừa đi chung quanh bàn thờ vừa xông hương;

b) Nếu bàn thờ không cách biệt vách tường, linh mục vừa đi qua vừa xông hương phía tay mặt bàn thờ, rồi vừa đi qua vừa xông hương phía tay trái.

c) Nếu thánh giá đặt phía trên bàn thờ hay tại bàn thờ, thì xông hương thánh giá trước khi xông bàn thờ; nếu không thì xông hương khi linh mục đi ngang qua trước thánh giá.

Linh mục xông hương ba lần trên lễ vật trước khi xông thánh giá và bàn thờ, hoặc dùng bình hương vẽ hình thánh giá trên lễ vật.

Tại Việt Nam, được phép vái nhang hay đổ hương vào lư hương thay cho xông hương. Nếu vái nhang, thông thường chỉ vái nhang lúc đầu lễ trước bàn thờ. Chủ tế cầm nhang, giơ cao lên để dâng rồi cúi mình ba lần để tỏ lòng tôn kính, sau đó cắm nhang vào bát nhang. Nếu trong phần dâng lễ, khi muốn cho một số đại diện cộng đoàn lên vái nhang cùng với chủ tế, thì cũng có thể vái nhang lần nữa vào lúc này. Trong trường hợp vái nhang chung với một số người đại diện, thì nên vái nhang ngay sau khi nhận của lễ để những người dâng của lễ khỏi phải đứng chờ trên cung thánh.

Nếu đổ hương vào bình than cháy trong lư hương, thì sau khi đổ hương sẽ chắp tay cúi mình một lần để tỏ lòng tôn kính. Có thể đổ hương lúc đầu lễ, sau khi dâng bánh và rượu và trước khi truyền phép Mình Máu Thánh. Không đổ hương trước khi đi đọc Tin Mừng, vì lần xông hương này chủ ý để tôn kính sách Tin Mừng, vì thế phải làm trước Sách Tin Mừng, chứ không làm trước bàn thờ. Chủ tế không bỏ bàn thờ xuống đổ hương trước khi truyền phép Mình Máu Thánh, nhưng để cho thừa tác viên làm việc này”.

16. Ý nghĩa việc làm dấu Thánh Giá trong phụng vụ?

Các Kitô hữu bắt đầu và kết thúc lời cầu nguyện và các nghi thức với việc làm dấu Thánh Giá: Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Vì thế, không thể thiếu việc làm dấu Thánh Giá khi khởi sự cử hành Thánh lễ.

Dấu Thánh Giá nhắc nhớ nguồn mạch công trình thánh hóa là hy tế thập giá của Đức Kitô. Dấu Thánh Giá cũng là lời tuyên xưng đức tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi.

17. Ý nghĩa các lời chào trong Thánh lễ?

Dấu Thánh Giá là lời chào của cả cộng đoàn hướng lên Thiên Chúa, bây giờ đến lượt vị chủ sự Thánh lễ chào cộng đoàn, theo thể thức đối thoại.

Vị chủ tế trao đổi lời chào với cộng đoàn: Chúa ở cùng anh chị em, hoặc Bình an của Chúa ở cùng anh chị em… Lời chào của vị chủ sự vừa diễn tả Chúa Kitô đang ở giữa cộng đoàn, vừa diễn tả mầu nhiệm Giáo hội là cộng đoàn được Chúa Kitô quy tụ.

18. Ý nghĩa lời chào thứ nhất trong Thánh lễ: Chúa ở cùng anh chị em?

Chúa ở cùng anh chị em (Dominus vobis cum) là công thức cổ điển nhất trong phụng vụ. Sách lễ sau Công đồng Vaticanô II thêm vào hai công thức dài hơn, cả ba đều bắt nguồn từ Thánh Kinh.

Trong thánh lễ, bốn lần Linh mục chào cộng đoàn bằng công thức Chúa ở cùng anh chị em: khởi đầu Thánh Lễ, trước khi nghe đọc Tin Mừng, trước kinh Tiền tụng, trước phép lành giải tán. Mỗi lần chào, lời chào có ý nghĩa khác nhau.

Lần chào thứ nhất, Chúa ở cùng anh chị em có thể hiểu vừa như là lời cầu chúc, xin Chúa hiện diện và ban ơn cho anh chị em, vừa như là lời tuyên bố xác nhận, Chúa Kitô đang hiện diện ở giữa cộng đoàn. Lời đáp của cộng đoàn Và ở thần khí cha chứ không ngắn gọn như chúng ta đang sử dụng hiện nay Và ở cùng cha. Có người giải thích, Và ở thần khí cha là kiểu nói của người Sê-mít tương đương với và ở cùng cha. Nhưng cũng có người giải thích, sự hiện diện mà chúng ta đang nói ở đây là sự hiện diện trong Thần khí.

Lần chào thứ hai và ba, Linh mục như người đại diện cộng đoàn nhắc mọi người chuẩn bị thực sự vào việc chúng ta sắp làm: nghe Lời Chúa, hay chuẩn bị lặp lại nghi thức bữa Tiệc ly.

Hai câu đối đáp đều gặp thấy trong Thánh Kinh Cựu ước và Tân ước (x. Xh 10,10; R 2,4; 2Sb 15,2; Ds 14,42; 1Sm 17,37; 1Cr 10,23; 2Tx 3,16; 2Tm 4,22; Lc 1,28), tuy với khác biệt không nhỏ: danh hiệu Chúa trong Cựu ước chỉ Đức Giavê; còn trong Tân ước chỉ Đức Giêsu (x. Pl 2,11).

Còn tiếp…

Lm. Giuse Đào Hữu Thọ

Nguồn: tonggiaophanhanoi.org: 

 

Giải đáp các câu hỏi về Thánh lễ 4

Giải đáp các câu hỏi về Thánh lễ 5

Giải đáp các câu hỏi về Thánh lễ 6

Giải đáp các câu hỏi về Thánh lễ 7