Chiến tranh sẽ để lại dấu ấn đời đời cho người dân Ukraine

18/05/2022
1028

Chiến tranh sẽ để lại dấu ấn đời đời cho người dân Ukraine

 

Đức Phanxicô đặt câu hỏi: “Chuyến thăm nào dành cho người cắm cờ trên thành phố đổ nát?” | Ảnh: một phụ nữ đi trên đường phố Bucha, Ukraine ngày 3 tháng 4 năm 2022 © AP Photo / Rodrigo Abd / Flickr / CC BY 2.0

Ngày thứ hai 16 tháng 5, người đứng đầu các chi nhánh địa phương của Caritas giải thích trong cuộc họp báo được tổ chức tại trụ sở của Đài phát thanh Vatican: “Chiến tranh sẽ không kết thúc bằng một hiệp định hòa bình đơn giản, nhưng cần phải chữa lành tâm hồn và ký ức của người dân, bối cảnh quá đau thương này sẽ đánh dấu mãi mãi cuộc đời của hàng triệu người Ukraine.”

Các nhà lãnh đạo Caritas Ukraine và Caritas Spes làm việc với Giáo hội công giáo hy lạp và Giáo hội công giáo la-tinh trình bày chi tiết các hoạt động được thực hiện kể từ khi Nga bắt đầu tấn công Ukraine ngày 24 tháng 2.

Cuộc chiến này đã làm cho người dân phải sơ tán, trong nước cũng như ra nước ngoài trên một tầm mức chưa từng thấy ở Âu châu kể từ  khi Thế chiến tranh thứ hai kết thúc. Hơn 14 triệu người đã phải rời bỏ nhà cửa, đó là một phần ba dân số Ukraine. Ông Aloysius John, tổng thư ký Caritas Quốc tế cho biết 1,8 triệu người tị nạn là trẻ em. Ông giải thích, Ukraine đang sống trong “cơn ác mộng” và ước tính chi phí để tái thiết khoảng 600 tỷ đô la, đã có 116 nhà thờ bị phá hủy.

Ông báo động, mạng lưới Caritas được huy động ở Ukraine và ở các nước láng giềng, nơi “phụ nữ và trẻ em dễ dàng trở thành nạn nhân của nạn buôn người”. Ông cũng nêu lên, cả thế giới đang bắt đầu gánh chịu hậu quả của cuộc chiến này, với khó khăn về nguồn cung cấp lương thực, khủng hoảng năng lượng và nguy cơ suy thoái toàn cầu.

Hơn nữa, sự gia tăng đầu tư cho quân sự sẽ kèm theo chi phí cho xã hội và sự lưu tâm đến các tình huống khủng hoảng khác trên thế giới. Ông tổng thư ký Caritas Quốc tế báo động: “Người nghèo sẽ phải trả giá đắt nhất.”

Chữa lành vết thương và chăm sóc cho tương lai

Linh mục Vyacheslav Grynevych, chủ tịch Caritas Spes, một tổ chức liên kết với Giáo hội công giáo la-tinh có trụ sở tại Kyiv xác nhận: “Rất khó để chia sẻ tất cả sự thật, tất cả sự việc” trong hoàn cảnh chiến tranh trên địa bàn cũng là chiến tranh của truyền thông.

Ngoài trường hợp khẩn cấp, cơ quan Caritas huy động các nhóm của cơ quan để viện trợ dài hạn, đặc biệt là chú trọng đến vấn đề đi học của trẻ em.

Linh mục đặt câu hỏi: “Ai sẽ là bác sĩ, giáo viên, lãnh đạo của chúng ta trong tương lai?”, ông nhấn mạnh chiến tranh đã đánh dấu một rạn nứt mới trong quá trình giáo dục, làm tăng thêm những khó khăn do đại dịch gây ra.

Nhưng cha cũng ghi nhận sức mạnh lan tỏa rộng lớn của tình đoàn kết quốc tế, cũng như sự sáng tạo của chính người dân Ukraine. Những người sơ tán lại tự nguyện làm thiện nguyện viên và cho thấy họ có khả năng lãnh đạo. Cha Grynevych ngạc nhiên và ngưỡng mộ trước “sự uyển chuyển của tâm hồn con người” thể hiện cụ thể ở trong tàu điện ngầm Kyiv, nơi một thành phố ngầm được thành lập để chống các cuộc bắn phá. Toàn bộ chuỗi cung ứng đã làm việc rất hiệu quả từ phân phối thực phẩm, dụng cụ vệ sinh cho đến thuốc men và kể cả các buổi chiếu phim giải trí.

Về phần mình, bà Tetiana Stawnychy giải thích: “Tình đoàn kết ở khắp mọi nơi, tạo thành một biểu hiện của phẩm giá và tình yêu giúp khôi phục lại toàn vẹn phẩm giá con người khi phải đối diện với hỗn loạn, tàn phá và chết chóc do chiến tranh gây ra”, bà Tetiana là tổng thư ký Caritas Ukraine liên kết các giáo phận công giáo hy lạp, có trụ sở chính đặt tại Lviv, miền tây đất nước.

Bà cho biết cơ quan cố gắng hết sức để đảm bảo an toàn cho các cộng tác viên và áp dụng các thủ tục bảo mật chính xác, với kinh nghiệm tám năm làm việc tại vùng chiến sự Donbass, nơi việc phục vụ luôn duy trì ở cả hai bên đường phân giới. Một vụ bắn phá văn phòng Caritas ở Mariupol xảy ra vào giữa tháng, nhưng chỉ một tháng sau tin tức mới được đưa ra và chưa có một cuộc điều tra nào thực hiện trên địa bàn. Cuộc tấn công đã làm thiệt mạng bảy người, gồm hai nữ nhân viên và năm người của một gia đình đến ẩn náu tại đây.

Vận động người dân ở các nước láng giềng

Hai cơ quan Caritas ở Ukraine có 50 trung tâm và đã giúp tổng cộng hơn 1,2 triệu người, Caritas cũng giúp các nước nước láng giềng rất nhiều, đặc biệt ở Ba Lan, nơi 1,5 triệu suất ăn đã được phân phát cho hơn 500.000 người từ Ukraine đến. Sự huy động cũng mạnh ở các nước Romania, Slovakia, Cộng hòa Séc, Moldavie, Hungary. Các quốc gia xa hơn cũng đang bắt đầu tham gia vào việc tiếp nhận người tị nạn Ukraine. Điều này đặc biệt xảy ra ở Bulgaria, nơi 2.000 người tị nạn đã được Caritas địa phương giúp đỡ.

Bà Tetiana Stawnychy và cha Vyacheslav Grynevych bên cạnh Đức Phanxicô chiều chúa nhật 15-5, lần đầu tiên Đức Phanxicô dùng gậy.

Chiều chúa nhật 15 tháng 5, Đức Phanxicô đã tiếp hai nhà lãnh đạo Caritas tại Nhà Thánh Marta, họ đã trình bày với ngài các hoạt động của họ, làm chứng cho một “Giáo hội lên đường”. Cha Grynevych cho biết Đức Phanxicô ủng hộ công việc họ, ngài kể cuộc gặp của ngài với các em bé Ukraine bị bệnh được điều trị ở bệnh viện Bambino Gesù, Rôma, ông nói: “Ngài làm cho chúng tôi cảm thấy chúng tôi không đơn độc, và đó là thông điệp mạnh mẽ nhất mà tôi muốn gửi đến Ukraine”, cha nhắc lại tầm quan trọng của việc vận động quốc tế và Đức Phanxicô đã ban phép lành cho các cố gắng của cơ quan Caritas.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

___
nguồn: Phanxico.vn