Truyện ngắn: Bước…!

10/10/2021
827


“Uyên..!” Tiếng nói đầu tiên mà Khang cất lên sau một hồi thinh lặng. Uyên ngồi đối diện, cúi gầm mặt, tay cầm cán muỗng khuấy nước trong ly liên tục. Uyên không nói gì với Khang, Khang thì chẳng biết mở lời thế nào với người mình yêu.

Khang và Uyên quen nhau từ khi hai đứa học chung lớp từ Học kỳ II lớp 10. Uyên là học sinh trường huyện được chuyển lên trường tỉnh học. Học lực của Uyên khá tốt, nhưng vì vào chương trình của trường nửa chừng, nên cần có bạn khá hơn trong lớp đồng hành. Vóc dáng của Uyên cao to, hai má phúng phính với lúm đồng tiền, mắt kính tròn tròn như chú gấu Panda, và cái miệng hay cười đã hút hồn Khang ngay lần đầu thấy Uyên. Càng may mắn hơn khi cô giáo chủ nhiệm xếp cho Uyên ngồi cạnh Khang trong lớp, vì cả hai đứa đều to con như nhau. Tình bạn bắt đầu từ đó và tình yêu cũng dần chớm nở trong lòng hai bạn trẻ.

Uyên chăm học và siêng năng, trong lớp thường hay phát biểu và hỏi bài nên nhanh chóng bắt kịp nhịp học của lớp. Mang danh là người đồng hành với bạn, nhưng chẳng mấy chốc Uyên đã vượt hơn học lực của Khang nhiều lần. Nhưng cả hai đều không quan tâm mấy đến chuyện ai hơn ai, mà quan trọng hơn hết là giúp nhau trong học tập và xây đắp tình cảm mà hai đứa dành cho nhau.

Những giờ nghỉ học chuyển ca, Khang và Uyên vẫn thường hay ra quán nước quen thuộc, gọi những món mà cả hai cùng yêu thích. Khang biết Uyên thích bánh khoai mì, nên mỗi lần hẹn đi uống nước là cậu lại chuẩn bị vài cái bánh khoai mì còn nóng ấm. Chỉ ngồi nhìn Uyên ăn bánh đã khiến lòng cậu hạnh phúc biết chừng nào. Những dịp lễ, tết hay valentine, cả hai vẫn có dịp đi chơi cùng nhau, tình cảm ấy vẫn trong sáng và nguyên vẹn. Mãi cho đến đầu năm lớp 12, khi cả hai bắt đầu dự tính cho mình chuyện tương lai sắp tới:

-“Khang nè! Tương lai chúng ta sẽ làm gì?”

Khang nhìn Uyên đang ngấu nghiến miếng bánh khoai mì, đôi mắt trầm tư suy nghĩ, Khang hỏi ngược lại Uyên:

-“Uyên định làm gì chưa?”

Ậm ờ hồi lâu, Uyên trả lời:

-“Uyên muốn học tiếp! Muốn học ngành gì đó liên quan đến nghệ thuật.”

Khang mỉm cười nhìn Uyên. Đúng rồi! Uyên rất có khiếu nghệ thuật. Hát hay, vóc người đẹp và có chút gì đó liều lĩnh chứ không nhát đảm như bao cô gái khác. Chính Uyên đã tâm sự với Khang điều này vào những ngày đầu vào chung lớp. Trong lớp chỉ cần nhắc tới văn nghệ thì lúc nào Uyên cũng xung phong đầu tiên. Hát cũng được, múa cũng được, mà phụ họa cũng được, miễn sao có làm gì liên quan đến nghệ thuật là được. Khang gật gù ngắm người mình yêu, nhưng đôi mắt của cậu có chút gì đó đượm buồn:

-“Khang! Hai đứa mình…”

Khang giật mình trước câu nói của Uyên. Tình yêu hai đứa giành cho nhau là chân thành, và suốt hơn hai năm qua đôi bạn đã tính chuyện tương lai. Tiếp tục học và sau đó sẽ lập gia đình. Cả hai sẽ có những thiên thần bé nhỏ gọi Uyên là mẹ và gọi Khang là ba. Những dịp cả hai chở nhau đi chơi, Khang và Uyên đã nghĩ đến ngày ra mắt ba mẹ hai bên. Cả hai đều hiểu rằng suy nghĩ đó không là chuyện vu vơ của tuổi học trò như bao người suy nghĩ. Đó là tình yêu thật sự mà cả hai khó có thể dứt ra.

-“Sao nhìn Khang buồn vậy?”

Khang không trả lời, chỉ mỉm cười rồi nói: “Uống nước đi Uyên! Còn bánh nữa nè!”

-“Thưa mẹ! Con đi học mới về!”. Khang chào mẹ và vào phòng riêng đặt chiếc cặp lên bàn. Nhanh chóng đi rửa mặt rồi ra ăn cơm trưa với mẹ.

-“Khang! Sáng nay mẹ đi lễ, cha Sở gọi mẹ lại hỏi con có tham dự kỳ thi vào lớp dự tu của giáo phận không? Sắp tới có mở kỳ thi, nếu con muốn thì nhắn cha sớm để cha lo hồ sơ cho con.”

Khang giật mình, bỗng đâu những điều lúc nãy Uyên nói lại hiển hiện trong đầu rõ mồn một. Mẹ thấy Khang không nhúc nhích, vội lấy tay khều vai con trai:

-“Khang! Nghe mẹ nói gì không con?”

-“Dạ!… Dạ nghe! Mẹ ăn cơm đi, từ từ con suy nghĩ thêm”.

Buổi tối hôm ấy, Khang không thể nào nhắm mắt ngủ sớm như mọi hôm. Trong đầu của cậu lúc này hiện lên hai hình ảnh khiến cậu dường như nhắm mắt lại là nhìn thấy. Một là Uyên, và một là hình ảnh lúc mình được mặc chiếc áo chùng thâm.

Khang vốn được sinh ra trong một gia đình đạo đức, ngay từ bé cậu đã khao khát dấn thân trong đời tu dù lúc đó chưa hiểu nhiều. Chỉ biết mình có khao khát vậy thôi. Khang đã chia sẻ điều này với cha sở và với gia đình mình. Dần dà thời gian trôi mau, ấp ủ ấy vẫn còn nhưng có vẻ không còn đủ mạnh như lúc bé. Khang vẫn tham dự Thánh Lễ mỗi khi không bận đi học, vẫn là một giáo lý viên nhiệt tình và yêu mến các em thiếu nhi, là một anh huynh trưởng gương mẫu cho các em noi theo, là một người con nhiệt thành của họ đạo trong nhiều hoạt động. Nhưng cạnh đó Khang cũng thấy khuôn mặt dễ thương và đẹp đẽ của Uyên hiện lên trong đầu mình. Đồng thời, Khang cũng nhớ những lời tâm sự của hai đứa mỗi khi có dịp đi uống nước và đi chơi cùng nhau. Khang chưa cho mẹ biết về tình yêu của cậu và Uyên, nhưng có lẽ mẹ cũng đoán được phần nào khi nhìn con trai mình hay buồn và suy nghĩ từ hôm mẹ báo tin.

Uyên không cùng đức tin Công Giáo, có lần Uyên hỏi Khang về đạo Công Giáo, và câu hỏi sau đó là: “Nếu Uyên lấy một người Công Giáo thì phải như thế nào?” Khang biết Uyên muốn nói tới ai và cậu trả lời cách chân thành: “Vậy thì Uyên vô đạo, học giáo lý và rửa tội, sau đó làm phép hôn phối”. Uyên cười với Khang và bảo rằng đã thấy lễ cưới trong nhà thờ rất đẹp và trang nghiêm, Uyên thích như thế. Câu trả lời của Uyên sau buổi gặp ấy là: “Uyên sẵn sàng vô đạo”. Sau đó cô tặng cho Khang một nụ hôn trên má.

Đầu năm lớp 11, Khang cũng tâm sự với Uyên về khao khát đi tu của mình. “Tu hả? Khang đi tu làm ông cha nhà thờ ấy hả? Thôi cho tui lạy Khang!” Một câu nói tưởng chừng nói chơi với nhau, nhưng Uyên gần như hiểu vấn đề qua nét mặt nghiêm túc của Khang. Uyên hỏi lại: “Khang! Đi tu sao?” Khang mỉm cười trả lời: “Mình chỉ nói là muốn thôi mà, chứ đã đi tu đâu mà lo!” Uyên cười, đánh trống lảng sang một chuyện khác. Có lẽ sau buổi học ấy Uyên đã hỏi thăm bạn bè là người Công Giáo về chuyện đi tu. Vì những lần hẹn sau đó Uyên hỏi thăm Khang trúng phóc. “Đi tu là vô Đại Chủng Viện phải không?”, “Tu là mặc cái áo dài dài màu đen có dãy nút từ trên cổ xuống…; đi tu là học cái gì Triết học rồi Thần học; đi tu là…” Uyên ngập ngừng không nói tiếp, khang hỏi: “là gì?”… “là không có gia đình, sống độc thân”. Khang gật đầu xác minh “Đúng rồi! Uyên biết hết rồi còn gì?”. Uyên gọi tên Khang: “Khang! Không lấy vợ thiệt hả Khang? Còn tui…” Đó là lần đầu Uyên dám thổ lộ tình cảm với Khang. Khang mỉm cười, cười trong hạnh phúc.  

Nỗi dằn vặt không hề nhẹ trong suy nghĩ của Khang. Cậu cũng nghĩ đến những con người ở họ đạo mà cậu đang phục vụ. Rồi nhìn ra thế giới rộng lớn. Nơi đó có biết bao em nhỏ khao khát biết về Chúa. Bao nhiêu con người nghèo khổ trong họ đạo cần giúp đỡ. Khang không thể quên nụ cười thơ ngây và đầy ý nghĩa của các em thiếu nhi trong lớp giáo lý của mình, có lần một em đã nói: “Anh Khang ơi! Sau này anh làm linh mục nhé! Tụi em ủng hộ anh!” Khang chỉ cười rồi xoa đầu em, một em nhỏ tầm bảy tuổi mà đã biết chuyện. Khang cũng nhớ lời khuyên của các Cha, các Dì đến phục vụ họ đạo. Họ không thúc ép Khang đi tu, nhưng việc làm và đời sống của họ đủ làm gương mẫu cuốn hút cậu. Thêm những lần thăm nỏi, nói chuyện và làm việc chung, Khang thấy mình cũng khó để tách lìa suy nghĩ ấy.

Cầm chiếc điện thoại di động bật lên bài hòa tấu “Trông Cậy Chúa”, Khang mấp máy hát theo. Ngoài trời tiếng ếch nhai đã réo inh ỏi vì cơn mưa rào vừa kéo qua. Khang nghểnh mũi ngửi mùi đất đẫm hơi nước mua. Cái mùi mọi khi là khó chịu với cậu, nhưng ít ta cũng dễ chịu trong lúc này. Dễ chịu hơn nhiều lần so với nỗi băn khoăn mà cậu đang suy nghĩ. Điện thoại chuyển sang bài hát “Dấu Chân” của nhạc sĩ Thông Vi Vu, bài hát thứ hai liền kề bài hòa tấu. Điện thoại Khang có đúng hai bài hát này là được tải về, còn lại đa phần cậu hay nghe nhạc online. Một cảm giác bình an đến lạ khi nhẩm theo lời bài hát: “Hôm nao có dấu chân đôi, đó là Chúa đi bên tôi. Hôm nào còn một dấu chân thôi, là bởi vì Chúa ẵm tôi lên rồi!”. Khang chợt nảy ra suy nghĩ: “Đúng rồi! Vì Chúa! Cần hướng về Chúa!”. Sau đêm đó Khang dành vài ngày ngồi trong nhà Chầu Thánh Thể của họ đạo để suy nghĩ, cuối cùng cậu đã đưa ra quyết định.

-“Uyên! Nhìn Khang nè!”

Uyên vẫn cúi mặt, nước mắt bắt đầu rơi. Tay vẫn khuấy nước trong ly. Cô thút thít một mình trong nỗi lạc lỏng. Khang hiểu tính cách của Uyên. Năm lớp 11, khi nhà Uyên có tang, cô cũng buồn như thế, mãi cả tháng sau cậu mới trò chuyện với Uyên bình thường được. Khang đưa bàn tay nắm lấy bàn tay Uyên đang đặt trên mặt bàn. Uyên muốn rút tay lại, nhưng Khang đã nắm chặt bàn tay cô trong tay mình. Vẫn cúi mặt, Uyên hỏi:

-“Sao vậy Khang?”

Câu hỏi và sắc mặt của Uyên làm Khang buốt cả người. Dù cô đã biết hết mọi chuyện. Biết vì sao có cuộc hẹn này. Biết vì sao Khang cả tháng qua sống trong thinh lặng nhiều. Vậy mà giờ đây cô vẫn hỏi: “Sao vậy Khang?”. Nghe lạnh lùng và đau lòng quá!

-“Khang muốn…”

Cậu không thể nói tiếp khi chứng kiến sắc mặt của Uyên diễn biến theo hướng tiêu cực như lúc này. Một cuộc đấu tranh khủng khiếp diễn ra trong đầu Khang. Nói hay không? Thà một lần nói rồi thôi, còn hơn dây dưa thì thêm khổ và thêm khó cho nhau. Thôi thì nói rồi tìm cách an ủi Uyên sau.

-“Khang muốn… đi tu!”

Uyên ngước mắt nhìn Khang. Nước mắt lưng tròng. Ánh nhìn đầu tiên từ lúc vào quán nước cho tới giờ. Giọng của Uyên cứng rắn hỏi:

-“Khang muốn xa tui!”

Khang lắc đầu nhè nhẹ, muốn nhận cũng không xong, mà muốn chối cũng không được. Tâm trạng của Uyên đang đối diện thì chính Khang cũng đã đương đầu cả tháng nay. Không trách Uyên được vì con gái thì đâu dễ chấp nhận, chứ huống chi là người mình yêu thương. Khang nói:

-“Uyên nghe Khang nói nhé! Khang thương Uyên, thương thiệt lòng. Không có gì tách rời tình yêu của Khang dành cho Uyên. Nhưng… Có một tình yêu khác lớn hơn, Uyên à!”

-“Khang quen một người khác?”

-“Không! Sao lại quen người nào khác ngoài Uyên. Tình yêu khác mà Khang muốn nói ở đây là tình yêu dành cho người nghèo, trẻ em mồ côi, những phận người cù bất cù bơ mong có hạnh phúc. Uyên hiểu không?”

-“Nhưng Khang làm được gì cho họ?”

-“Không làm được gì cả Uyên à! Vì con người ai cũng giới hạn thì làm được gì. Khang chỉ muốn làm người bạn đồng hành với họ. Vậy thôi!”

-“Đồng hành thì cả đống người, mắc chi tới Khang mà Khang đi lo chuyện bao đồng. Khang còn tui để lo mà!”

-“Uyên! Mình không sống ích kỷ như vậy được Uyên à! Sống cho đi chứ đâu nhận riêng mình, Uyên không nhớ câu đó sao?”

-“Ngụy biện! Tất cả là ngụy biện!”. Tiếng nói cuối cùng trước khi Uyên bỏ đi. Khang lặng lẽ nhìn ly cà phê dần tan trắng nhách. 

Uyên khóc. Khang cũng khóc. Những buổi học sau đó là những buổi học lặng ngắt. Ra chơi Uyên tụ tập với các bạn nữ thay vì trò chuyện với Khang như mọi hôm. Khang lặng lẽ xoay cây bút trên chiếc bàn. Bánh khoai mì Khang vẫn để trong cặp. Chắc đã nguội nhưng biết làm sao để đưa cho Uyên ăn. Khang biết chắc có đưa thì Uyên cũng không ăn hay vứt vào thùng rác ngay lập tức.

-“Mẹ ơi! Con phải làm sao?”

Đứng trước đài Đức Mẹ sau giờ tan lễ chiều. Tận dụng bóng chiều sắp tắt và chuyển dần sang bóng tối. Khang khóc. Khóc để không ai thấy. Nhưng trên sân thượng, cha sở nhìn thấy Khang lau nước mắt. Nhẹ nhàng bước ra sân, cha tới bên Khang vỗ nhẹ vai cậu: “Chuyện gì vậy Khang? Nói cha nghe?”

Cậu tâm sự trong nước mắt. Cha Sở nghe xong thì thinh lặng hồi lâu, lát sau cha đề nghị:

-“Bây giờ cha con ta lần chuỗi Mân Côi nhé! Xin Đức Mẹ chỉ cho con đường đi, chỉ cách làm cho con”

Lời kinh râm ran, thi thoảng nghe những tiếng nấc vốn là dư âm của những giọt nước mắt khi nãy. Sau giờ kinh ấy, Khang thấy nhẹ lòng, chào cha ra về. Cha không quên dặn Khang: “Nếu cần người đọc kinh cầu nguyện chung, cha luôn sẵn sàng mọi lúc!”

Mối tương quan của Khang và Uyên ở lớp đỡ lạnh lẽo hơn. Có lẽ ngày qua ngày Uyên dần quen và nỗi đau phần nào nguôi ngoai. Khang lén đặt một bịch bánh khoai mì nhỏ bên ngăn bàn của Uyên. Lòng cứ hồi hộp không biết cô phản ứng thế nào. Uyên đưa tay xuống hộc bàn lấy quyển tập ra ôn bài, cầm phải bịch bánh, Uyên kéo ra nhìn, rồi quay sang nhìn Khang, cô cười. Khang hạnh phúc vô ngần với nụ cười ấy. Sau hơn một tháng im bặt tiếng. Khang vội nói: “Uyên ăn đi! Bánh còn nóng!”. Uyên lấy một miếng đưa cho Khang, “Khang cũng ăn với tui cho vui!”. Trên đường về, Khang ghé ngang nhà thờ, đọc kinh và tạ ơn Đức Mẹ. Khang chạy vào nhà xứ gặp cha sở báo tin. Cha mỉm cười: “Đức Mẹ nhận lời con rồi hén!”

Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông cả Uyên và Khang đều đạt điểm khá tốt. Uyên nộp đơn xin nhập học tại một trường nghệ thuật trên Sài Gòn. Khang đi theo con đường mình đã chọn. Ngày chia tay để Khang lên đường vào lớp dự tu, Uyên nhìn Khang thật chăm chú. Cô tâm sự với Khang nhiều điều:

-“Khang nè! Xin lỗi Khang vì thái độ của tui hôm đó nha!”

Khang lắc tay, ngắt ngang lời Uyên:

-“Đừng! Tui phải xin lỗi Uyên mới phải, tui mới có lỗi mà!”

Uyên ngắt lời Khang:

-“Không! Uyên có lỗi vì ích kỷ, muốn giữ Khang lại cho riêng mình. Thời gian qua Uyên hỏi thăm bạn bè Công Giáo nhiều lắm, biết được những khó khăn và chông gai mà Khang chọn lựa là gì. Khang ráng lên nha! Hành trình dài và nhiều khó khăn lắm. Uyên vẫn luôn ủng hộ Khang.”

Buổi nói chuyện hôm ấy kéo dài hàng giờ đồng hồ, nhưng với cả hai bạn trẻ sao thời gian lại thoảng qua nhanh quá!

Khang cười thật tươi, cám ơn Uyên vì đã hiểu chọn lựa của mình. Cậu vui vì món quà lớn lao mà tình bạn mang lại. Khang và Uyên sống với tình bạn chân thành, tình yêu chân thành và nay, dù không đến được với nhau, cũng vẫn là tình bạn trong sáng chân thành. Cái tâm đối xử với nhau cách chân thành thì dù có phong ba bão táp cách mấy cũng không quật ngã được. Buổi chia tay đầy hạnh phúc. Khang và Uyên bắt tay và ôm nhau lần cuối. Họ không quên bảo nhau rằng: “Mãi là bạn nhé!”.

Little Stream

https://dongten.net/2021/10/10/truyen-ngan-buoc/