Phụ nữ cần hiện diện nhiều hơn trong việc đào tạo linh mục

02/05/2020
741
Romilda Ferrauto
Phaolô Nguyễn Quốc Hưng dịch từ vaticannews.va/it


WHĐ - Theo nguyệt san “Donne Chiesa Mondo” số tháng 5, ấn bản online ngày thứ bảy 25.04 của Osservatore Romano, Đức Hồng y Marc Ouellet, Bộ trưởng Bộ Giám mục, lưu ý các khía cạnh khác nhau liên quan đến vai trò của phụ nữ trong việc đào tạo linh mục, trong các cộng đoàn giáo xứ và, bao quát hơn, trong đời sống của Giáo Hội.

Rõ ràng là phụ nữ chiếm phần lớn trong số những người lãnh nhận các hoạt động mục vụ của linh mục cũng như cộng tác với linh mục trong các hoạt động đó. Số 151 của Ratio fundamentalis 2016 có viết: sự hiện diện của phụ nữ có giá trị riêng trong tiến trình đào tạo chủng viện, kể cả trong việc nhìn nhận sự bổ trợ giữa nam nữ. Nhưng đối với Đức Hồng y Marc Ouellet, Bộ trưởng bộ Giám mục, vẫn còn nhiều việc phải làm. Vẫn còn là mô hình giáo sĩ. Cần phải có một cuộc cách mạng văn hóa.
Romilda Ferrauto thực hiện cuộc phỏng vấn:

ĐHY đã cổ võ sự hiện diện của phụ nữ trong việc đào tạo các linh mục và trong việc đồng hành thiêng liêng. Xin ĐHY cho biết tại sao và nhằm mục đích gì?

Phụ nữ có thể tham gia [tiến trình đào tạo] bằng nhiều cách: dạy thần học, triết học, linh đạo. Họ cũng có thể là thành phần của ban đào tạo, đặc biệt là trong việc phân định ơn gọi. Trong lãnh vực này, chúng ta cần ý kiến của các phụ nữ, cần trực giác và khả năng của họ trong việc nắm bắt những khía cạnh nhân bản nơi các ứng viên, khả năng trưởng thành tình cảm hay tâm lý của các ứng viên. Về mặt đồng hành thiêng liêng, chắc chắn phụ nữ có thể trợ giúp, nhưng tôi tin rằng một linh mục đồng hành cho ứng viên linh mục thì tốt hơn. Thay vào đó, phụ nữ có thể đồng hành trong việc đào tạo nhân bản, mà theo tôi, đây là phương diện chưa khai triển đủ trong các chủng viện. Cần đánh giá mức độ tự do của các ứng viên, khả năng thống nhất [bốn chiều kích đào tạo], khả năng thiết lập chương trình sống và cả căn tính tâm lý xã hội và tâm lý giới tính của các ứng viên.

Việc đào tạo linh mục dường như vẫn còn thiếu sót trong lãnh vực huấn luyện tình cảm. Có một câu hỏi nhạy cảm khác: chủ nghĩa giáo sĩ trị, tinh thần phân biệt đẳng cấp của các linh mục, đôi khi cả cảm thức được miễn trừ hình phạt. Theo ĐHY, đối với những điểm mấu chốt này, sự hiện diện của phụ nữ trong ban đào tạo có thể trợ giúp gì hay không?

Tôi tin rằng kinh nghiệm hợp tác bình đẳng với phụ nữ giúp ứng sinh hoạch định tác vụ tương lai của mình và nhận ra cách thức tôn trọng và cộng tác với phụ nữ. Nếu không được bắt đầu ngay trong thời gian đào tạo, linh mục có nguy cơ sống mối tương quan giáo sĩ trị đối với phụ nữ.

Ratio fundamentalis 2016, do Bộ Giáo sĩ ban hành, đề nghị việc đào tạo linh mục toàn diện, có khả năng thống nhất các chiều kích nhân bản, thiêng liêng, tri thức và mục vụ. Trong chiều hướng này, sự hiện diện của phụ nữ mang tính “bổ sung” hay “nền tảng”?

Tôi tin rằng bản văn này cần được mở rộng và phát triển hơn nữa. Chúng ta luôn mang quan niệm giáo sĩ trị trong việc đào tạo, tuy vẫn nỗ lực để tiến bộ nhưng lại tiếp tục những gì đã làm. Còn nhiều yếu tố liên quan đến đào tạo nhân bản, nhưng tôi tin rằng những gì liên quan nhằm bổ sung phụ nữ vào việc đào tạo thì còn nhiều thiếu sót.

Người ta thường nghe nói rằng cần phải cho các phụ nữ đảm nhận trách nhiệm. Chắc chắn đây là điều quan trọng. Nhưng nếu tôi hiểu rõ, phải chăng trước hết ĐHY ước muốn một cuộc cách mạng văn hóa? Có lẽ là một sự thay đổi não trạng chăng?

Vâng, chính xác. Trong một tham luận mới đây của tôi ở Hội nghị khoáng đại về Giáo dục Công giáo, tôi đã thừa nhận giá trị sáng tạo trong lời tựa tài liệu Veritatis gaudium (Niềm Vui Chân Lý) của Đức Thánh Cha (Tông hiến về các đại học và các phân khoa Giáo Hội, ngày 29.01.2018) để đổi mới những nghiên cứu cao cấp. Tuy nhiên tôi đã lưu ý rằng chiều kích đặt vấn đề về phụ nữ và lời giải đáp của Giáo Hội vẫn còn thiếu sót. Đây không chỉ là sự thăng tiến phụ nữ mà còn là xem phụ nữ như thành phần toàn vẹn của tất cả tiến trình đào tạo. Lẽ ra cần phải có ít là một ám chỉ đến điều đó, trong văn bản có tầm quan trọng như thế này, một văn bản hướng đến tương lai. Điều này chứng tỏ chúng ta vẫn còn dậm chân tại chỗ! Lúc tôi phát biểu tại phiên họp khoáng đại của hội nghị về Giáo dục Công Giáo, có các vị viện trưởng các đại học ở Roma; có nhiều phụ nữ nhưng tỉ lệ là một trên mười. Còn nhiều điều phải làm trong các nghiên cứu cao cấp của các đại học Công giáo. Cuộc cách mạng văn hóa có nghĩa là phải thay đổi não trạng. Quay lại với việc đào tạo linh mục, một linh mục có thể được chuẩn bị để giảng giải tốt, hoàn thành các phận vụ phải làm. Tuy nhiên mục vụ trước hết là việc chăm sóc con người. Và việc quan tâm đến con người là một phẩm chất nữ tính tự nhiên. Điều đáng nói đó là phụ nữ có sự nhạy cảm đối với con người, ít ra là về mặt chức năng. Đức Thánh Cha Phanxicô, trong tất cả những cải tổ mục vụ của ngài, mời gọi chúng ta chú tâm đến dân chúng và đòi hỏi chúng ta phải làm sao đồng hành với họ để giúp họ tiến triển. Cho đến nay điều chúng ta quan tâm nhất là tính chính thống, là hiểu rõ giáo lý, dạy tốt giáo lý. Nhưng vấn đề là tất cả dân chúng đáng thương này phải tiếp thu giáo lý đó… Chúng ta làm thế nào để đồng hành với họ?

Các mối tương quan giữa linh mục và phụ nữ còn chịu tác động bởi nhiều điều kiện. Thường “dè chừng” lẫn nhau. Trước đây ĐHY đã nói đến nỗi khó khăn khi phải thiết lập một mối tương quan bình đẳng. Khó khăn đó xuất phát từ đâu? Có phải từ thiếu sót nào đó trong việc đào tạo linh mục hay không?

Có lẽ vấn đề mang tính chất sâu xa hơn, do cách thức đối xử với phụ nữ trong các gia đình. Có dè chừng bởi vì có sợ hãi… từ phía nam giới đối với phụ nữ hơn từ phía nữ giới đối với nam giới. Với một linh mục, với một chủng sinh, phụ nữ bị coi là mối nguy hiểm! Trong khi, thực tế, những người nam không có mối tương quan hài hòa với phụ nữ mới là mối hiểm nguy thực sự. Đó là nỗi hiểm nguy trong tác vụ linh mục, là nỗi hiểm nguy chúng ta cần phải triệt để thay đổi. Do đó trong thời gian đào tạo, điều quan trọng là phải có sự gặp gỡ, so sánh, trao đổi. Điều này giúp ứng sinh tương tác cách tự nhiên với nữ giới cũng như giúp họ đương đầu với thách thức trước sự hiện diện của phụ nữ, trước sức hấp dẫn của phụ nữ. Điều đó phải được dạy và học ngay từ khởi đầu, đừng cô lập các linh mục tương lai kẻo rồi họ bị ngỡ ngàng bởi thực tại và đến lúc đó họ có thể mất tự chủ.

Nhiều người nghĩ rằng nếu phụ nữ được tham dự nhiều hơn vào việc đào tạo (và vào đời sống) linh mục, cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục sẽ không đạt tới mức độ thê thảm như đã thấy. Có đúng thế chăng hoặc đây có là một kiểu mẫu hay chăng?

Chắc chắn có một phần sự thật trong đó. Bởi lẽ đàn ông là một hữu thể có tình cảm. Nếu thiếu sự tương tác giữa hai giới, sẽ có nguy cơ phát triển sự bù trừ… Có thể là bù trừ trong việc ăn uống, hoặc được tỏ bày trong cách hành xử quyền bính, hoặc trong các mối tương quan đóng kín, sự đóng kín này trở thành thao túng, kiểm soát… và có thể dẫn đến lạm dụng lương tâm và lạm dụng tình dục. Tôi tin rằng đối với linh mục, việc học cách tương quan với phụ nữ, trong lãnh vực đào tạo, là một yếu tố nhân bản giúp cân bằng nhân cách và tình cảm của người nam.

ĐHY đã nhiều lần nói rằng vấn đề phụ nữ đòi hỏi từ phía Giáo Hội một sự đầu tư quan trọng, nhưng đã không được làm đủ. Tại sao chúng ta không nhận thức được tính khẩn cấp của vấn đề này?

Bốn mươi năm qua, xã hội được ghi dấu bởi những biến chuyển lớn, ít ra là ở phương Tây. Việc có được ý thức về sự hiện diện của phụ nữ trong thế giới lao động, trong đời sống công cộng vẫn còn là điều mới mẻ, có thể nói là như vậy. Giáo Hội bước đi chậm chạp. Chúng ta đã chậm trễ và cần phải thu ngắn khoảng cách vì xã hội đã tiến xa hơn. Giáo Hội cũng đã góp phần kìm hãm việc đòi hỏi phải đạt tới một sự bình đẳng hoàn toàn, về mặt thừa tác, như thể sự khác biệt giới tính chẳng có chút giá trị nào. Cả ở đây chúng ta cũng đối diện với sự áp đặt ý thức hệ thừa nhận nam giới. Thực sự chúng ta cần sáng tạo sao cho phụ nữ hiện diện nhiều hơn, chẳng hạn trong lãnh vực tiên báo, trong việc làm chứng tá và cả trong quản trị. Trong nhiều bộ có các phụ nữ làm chưởng ấn, họ điều phối hoạt động mục vụ. Nhưng vấn đề là mô hình Giáo Hội học mang tính giáo sĩ. Trong Giáo Hội có những người có vai trò hàng đầu: rao giảng Lời Chúa, ban các Bí tích, như thể các linh mục là thực tại chủ yếu của Giáo Hội, nhưng không phải là như thế. Trung tâm của Giáo Hội không phải là thừa tác vụ, mà là Bí tích Rửa tội, nghĩa là đức tin. Và chứng tá của đức tin chính là nơi mà phụ nữ có thể chiếm lĩnh một vị trí đặc biệt.

ĐHY trả lời thế nào cho các phụ nữ Công giáo bất bình vì sự tán dương thiên tài phụ nữ, tán dương một số mẫu mực của nữ tính?

Ai đó đã viết rằng người ta đi từ thù ghét phụ nữ đến tích cực thần thoại hóa phụ nữ! Cả hai thái độ đều sai lầm và rốt cuộc cũng giống nhau vì thiếu cái nhìn sâu xa. Về điểm này, tôi nghĩ rằng ngay cả suy tư thần học cũng có những bước phải vượt qua, kể cả suy tư nhân loại học và suy tư linh đạo về phụ nữ hay về mối tương quan nam-nữ. Suốt nhiều thế kỷ, khoa chú giải đã xây dựng học thuyết Imago Dei, Hình ảnh của Thiên Chúa một cách hết sức trừu tượng. Tại sao? Bởi vì Thiên Chúa thì thiêng liêng. Nhưng ý nghĩa bản văn Sáng thế là sự năng động của tình yêu giữa đàn ông và đàn bà vốn là hình ảnh của Thiên Chúa. Nghĩa là, một đôi với tư cách là một đôi. Giờ đây, các nhà chú giải đã khai triển tư tưởng này. Nhưng để đưa tư tưởng này vào văn hóa cần phải thấu triệt những gì là đàn ông và đàn bà.

Sự vượt trội của phụ nữ giữa những người tích cực tham gia sinh hoạt cộng đoàn giáo xứ rút cục là điều ai cũng biết, thế thì từ đâu lại có ý tưởng cho rằng Giáo Hội là một thực tại nam giới? Có lẽ bởi vì thừa tác vụ chức thánh được dành riêng cho nam giới và điều này, dù có nói thế nào, ngay từ đầu đã khiến phụ nữ trở nên thấp kém trong Giáo Hội, giam cầm phụ nữ vào những bổn phận kém “cao quý” hơn?

Cám ơn anh đã đặt câu hỏi quan trọng này. Câu trả lời đó là: bởi vì mô hình giáo sĩ. Nếu phụ nữ không có quyền chức, họ không tồn tại. Trong khi trách vụ chỉ là thứ yếu và rất phụ thuộc vì nó phục vụ cho Bí tích Rửa tội, nó phải làm sống động tử hệ thiêng liêng trong tâm hồn con người. Chính đây mới là Giáo Hội! Và tất cả những gì còn lại, rao giảng Lời Chúa, ban Bí tích, đều dùng để làm sống động thực tại cốt lõi này. Đức Thánh Cha Phanxicô nói điều đó khi lặp lại ý tưởng của Hans Urs von Balthasar. Ngài nói rằng trong Giáo Hội, Đức Maria trổi vượt hơn Phêrô, bởi vì Mẹ thể hiện chức tư tế của Phép rửa trong ý nghĩa tròn đầy nhất của nó, Mẹ là đấng trung gian trao ban Ngôi Lời nhập thể cho nhân loại. Và do đó, khuôn mẫu của Giáo Hội là nữ giới bởi lẽ đức tin là sự tiếp nhận Lời và ở nền tảng của sự tiếp nhận ân sủng chính là nữ giới. Đức Maria là biểu tượng của điều đó. Đây chính là Giáo Hội học mà tôi gọi là “lễ cưới”, bởi vì khi nói lễ cưới tôi đặt tình yêu ở bình diện cao nhất. Điều này có giá trị không chỉ đối với các đôi hôn phối nhưng ngay cả đối với đời sống thánh hiến, đời sống linh mục và thừa tác vụ, tất cả được hợp nhất trong mối quan hệ hôn phối giữa Đức Kitô và Giáo Hội. Chính Giáo Hội mạc khải cho thế giới mầu nhiệm Thiên Chúa là tình yêu.

(Nguồn: Truyền thông HĐGM VN)