Chiếc Áo Kỳ Diệu

06/07/2018
1795
Trong thời gian tôi thực tập mục vụ ở Giáo xứ Mẹ Vô Nhiễm, một lần trong dịp Chầu Lượt của Giáo xứ, ông phó hội đồng hỏi tôi: "Sao hôm nay thầy không thay áo dòng ra để mặc đồ đẹp đón khách ?". Một cách tự nhiên, tôi trả lời ngay: "Đây là áo đẹp nhất của con rồi!". Có ý vui thôi, nhưng sau này nghĩ lại thấy đúng thật. Từ khi tôi được trao áo chùng thâm, tôi vô cùng hạnh phúc khi mỗi lần được khoác chiếc áo ấy vào mình. Có thể nói, đó là chiếc áo cho tôi cảm giác an toàn và tự tin nhất. Và khi ngẫm nghĩ tại sao chiếc áo dòng lại có ý nghĩa đặc biệt như vậy, chợt lóe ra trong trí tôi nhiều điều thật tuyệt vời.

I. Ý nghĩa về màu sắc

    1.  Màu đen là màu hấp thụ ánh sáng

Nếu để một vật màu đen dưới ánh nắng mặt trời, chỉ một lát sau bạn sẽ thấy vật đó nóng lên, chứng tỏ màu đen hấp thụ ánh sáng rất nhanh và mạnh. Cuộc đời là sự pha trộn giữa ánh sáng và bóng tối, Thiên Chúa và ma quỷ. Sứ mệnh của những người linh mục tương lai là tìm kiếm ánh sáng - Chúa Giêsu. Vì màu đen hấp thụ ánh sáng, màu đen của áo chùng thâm sẽ giúp người môn đệ dễ hấp thụ ánh sáng Chúa Ki-tô, ánh sáng của sự sống và tình yêu. Nhờ hấp thụ ánh sáng ấy, người môn đệ vừa kín múc nguồn năng lượng nơi Chúa để hăng say rao giảng Tin Mừng, vừa lan truyền ánh sáng ấy đến những người xung quanh, đặc biệt là những ai đang cần Chúa.

    2. Màu đen tượng trưng cho sức mạnh vượt qua sóng gió

Một tác giả đã chia sẻ: "Bạn càng tô thật nhiều, nó lại càng đậm nét. Ví như con người ta khi lướt qua những sóng gió cuộc đời, họ lại càng lớn hơn và chững chạc thêm một chút. Mọi người có biết, khi ta trộn lẫn tất cả các màu sắc lại, nó sẽ tạo thành màu đen không? Màu đen có tất cả các tính chất linh hồn của màu khác". Không có con đường nào trải đầy hoa hồng, con đường ơn gọi cũng thế và còn hơn thế nữa. Để trở thành một nhân viên văn phòng, bạn phải mất ít nhất 3 đến 4 năm rèn luyện dưới mái trường Cao Đẳng hay Đại Học, nhưng để trở thành một Linh mục, bạn phải được đào tạo ít nhất 7 đến 8 năm ở môi trường Chủng viện. Giáo dân vẫn thường hay ví von rằng "các cha học hết sách hết vở". Trước khi ra trường, các bạn sinh viên chỉ cần nửa năm hoặc một năm thực tập và làm báo cáo, nhưng  các anh em chủng sinh phải mất ít nhất 2 đến 3 năm thực tập mục vụ, chưa kể đến những kì thực tập ngắn hạn trong năm học và mùa hè. Thời gian đào tạo và thực tập lâu hơn đương nhiên sẽ có nhiều thử thách hơn và đòi hỏi nhiều sự kiên nhẫn hơn. Thình thoảng có mấy người bạn hỏi tôi học bao lâu mới được làm linh mục, và họ phải la lên "Ôi trời! Lâu thế!" mỗi khi tôi nói "phải hơn 10 năm". Chưa hết, trong suốt quãng đời Linh mục, người môn đệ ấy còn phải gồng gánh nhiều trọng trách lớn lao hơn nữa như Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã nhiều lần nhấn mạnh về thập giá và sự mệt mỏi của đời Linh mục. Nhiều thử thành và nhiều khó khăn như thế, nhưng người môn đệ vẫn một lòng trung thành không quan ngại khó khăn. Có thể màu đen của chiếc áo chùng thâm đã phần nào bảo vệ và nâng đỡ người môn đệ trước những thử thách gian truân. Khi khoác lên mình chiếc áo "đen" ấy, người môn đệ cảm thấy được không chỉ là sự an toàn mà còn là sức mạnh để luôn sẵn sàng dấn thân.

    3. Màu đen đem lại năng lượng của sự bền vững và sự ổn định

Một nghiên cứu về phong thủy cho rằng: "Đen là sắc màu phong thủy của sự bí ẩn và tinh tế; nó gìn giữ năng lượng của quyền uy và sự an toàn. Nó có khả năng che lấp mọi cái xấu, mọi cái không tốt của con người. Nó làm tăng chiều sâu, độ đậm và sự rõ nét cho bất kì không gian nào". Giáo dân vẫn thường gọi những linh mục hay chủng sinh chuyển hướng là "cha đó hoặc thầy đó cởi ‘áó về rồi". Đúng như thế, khi người linh mục hay chủng sinh cởi bỏ chiếc áo chùng thâm, họ cởi bỏ đi sự "uy quyền" thánh thiện tỏa ra nơi họ qua sự nhìn nhận của Giáo dân. Cởi bỏ chiếc áo là rời bỏ sứ vụ của một người môn đệ theo Chúa trên bước đường thánh hiến. Trái lại, khi mang trên mình chiếc áo chùng thâm, người môn đệ ấy được nhìn với một "chiều sâu, độ đậm và sự rõ nét" của người môn đệ thật sự của Chúa Kitô. Bao lâu người môn đệ còn khoác trên mình chiếc áo ấy với niềm vui và sự trân trọng, thì bấy lâu người môn đệ ấy còn bền độ và an bình bước đi trong ơn gọi của mình.

II. Ý nghĩa về kiểu dáng

Áo chùng thâm rất dài phủ kín từ cổ đến gót chân. Nhờ vậy, nó che chở người môn đệ khỏi nắng gió mưa sa của cuộc đời, cho người môn đệ cảm giác an toàn. Dọc theo chiều dài của chiếc áo là một hàng nút rất đều, rất thẳng. Hàng nút ấy gợi lên trong tôi hình ảnh của sự liên kết bền chặt của người đệ với Chúa Kitô. Mỗi hột nút là một nguyên tố nối kết tình yêu với Chúa. Khi còn yêu, người môn đệ luôn muốn níu giữ tình yêu đó qua việc tha thiết được cài nút và mặc lấy chiếc áo chùng thâm. Khi hết yêu, người môn đệ cởi bỏ những nút áo “tình yêu” và rời bỏ cuộc hành trình. Những chiếc nút ấy thắt chặt tình yêu của người môn đệ với Thầy mình.

Giữa một màu đen tinh tuyền của chiếc áo chùng thâm, chỉ có một chiếc cổ côn màu trắng nho nhỏ bắt ngang một phần của cổ áo. Thế nhưng sự nho nhỏ của nó lại làm nổi bật lên vẻ đẹp thiêng liêng cả chiếc áo. Giữa những đen tối của cuộc đời, sự hiện diện của người môn đệ như sự phản chiếu ánh sáng của chân lý. Chiếc cổ côn chứa đựng ý nghĩa ấy vì nó làm tỏa sáng cả chiếc áo đen. Nó tượng trưng cho ánh sáng Chúa Kitô lan tỏa ra những người xung quanh.       

 “Chiếc áo chùng thâm sẽ như áo giáp âm thầm đỡ nâng” (Lm. Nguyễn Địa Đàng). Chiếc áo chùng thâm chính là sức mạnh và sự nâng đỡ cho người môn đệ, là dấu chỉ của tình yêu và sự bền độ của người môn đệ đối với Chúa Kitô. Với những ý nghĩa đặc biệt như vậy, chiếc áo chùng thâm càng phải được trân trọng hơn nữa để mỗi khi người môn đệ khoác trên mình chiếc ái ấy, mọi người cảm nhận được hình ảnh và ánh sáng của Chúa. Ý thức được như vậy, người môn đệ sẽ lớn lên trong tình yêu mỗi lần mang áo chùng thâm. Mặc dù chiếc áo dòng không làm nên thầy tu, nhưng với tình yêu và ân ủng, người môn đệ sẽ trở nên những hình ảnh đích thực của Chúa Kitô qua chiếc áo dòng. Xin Chúa gìn giữ chúng con qua chiếc áo kì diệu này! Amen.

Nguyễn Hoài Huy

(Nguồn: Giáo phận Phan Thiết)