![Header](https://hdgmvietnam.com/_next/image?url=https%3A%2F%2Fimages.hdgmvietnam.com%2Fimages%2FVinh%2Fab7d83d3-d4a2-447c-8182-f06bb3b76ceb.jpg&w=1920&q=75)
NĂM THÁNH TRONG BỆNH TẬT
WHĐ (06/02/2025) - Tìm kiếm ánh sáng trong bệnh tật và sự hòa giải trong đau đớn.
Đức Giáo hoàng Phanxicô, dù tuổi cao sức yếu, đã kêu gọi Năm Thánh của Hy vọng. Sắc chỉ triệu tập không thiếu những lời nhắc đến tuổi già và bệnh tật.
Hiểu được tâm hồn con người, ta nhận ra khát khao hy vọng luôn muốn vươn tới những góc tối tăm nhất của đau khổ.
Đối với người đau bệnh, đây cũng là một Năm Thánh của Hy Vọng.
Khi tôi còn phụ trách Mục vụ Y tế, chúng tôi luôn nhấn mạnh rằng một người ở trong tình trạng bệnh, chứ không phải là người bệnh, như thể bệnh tật không định nghĩa căn tính của họ, mà chỉ là một khía cạnh khác của cuộc sống, một trạng thái nhất thời. Nhưng giờ đây, sau hơn 10 năm sống chung với bệnh Parkinson, dù tôi không thể khẳng định rằng căn bệnh này định nghĩa con người mình, nhưng chúng tôi phải thừa nhận rằng có một ranh giới rõ ràng trước và sau chẩn đoán. Khi bệnh tật trở thành mãn tính, nó giống như một người bạn đồng hành trên chuyến hành trình—một vị khách không mời mà vẫn luôn hiện diện. Giống như một hành khách ngồi cạnh ta trên chuyến tàu, ta không thể phớt lờ sự hiện diện của họ. Ta không nên để họ lấn át mình, nhưng cũng không thể không lưu tâm đến những đòi hỏi của họ. Ta nên chấp nhận những hạn chế mà họ mang lại, nhưng không để mình bị khuất phục.
Hầu hết các căn bệnh đều phức tạp, mang tính cá vị, và không thể chuyển giao. Những triệu chứng có thể nhận thấy bên ngoài thường chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, thứ mà người khác có thể nhìn thấy, nhưng đằng sau đó là cả một danh sách những khó khăn mà bệnh nhân phải âm thầm chịu đựng trong một nỗ lực liên lỉ để giữ được sự bình thường. Cố gắng để người khác không nhận ra điều đó. Và vì thế, ngoài việc chối bỏ triệu chứng, chúng ta còn cảm thấy tội lỗi vì những khiếm khuyết mà bệnh tật gây ra. Trầm cảm và lo âu, chẳng hạn, là những trạng thái phổ biến, thường đi kèm với hầu hết các căn bệnh và gây ra nhiều khó khăn hơn cả tình trạng cứng cơ hoặc các cử động không kiểm soát trong bệnh Parkinson. Các triệu chứng tâm lý, vốn thường bị những người không trải qua hiểu lầm, thậm chí đôi khi lại bị quy chụp là do ý chí kém của bệnh nhân. Khi điều này xảy ra, và bệnh nhân tự trách mình vì nỗi buồn và sự lo âu của bản thân, họ rơi vào một vòng luẩn quẩn khiến trầm cảm càng trầm trọng hơn. Điều này giúp ta hiểu được tại sao người Do Thái xưa lại liên kết bệnh tật với tội lỗi. “Ai đã phạm tội, anh ta hay cha mẹ anh ta?” – người ta hỏi Chúa Giêsu trong Gioan 9, 2-3. Ngày nay, dù bệnh tật không còn bị đồng nhất với tội lỗi, nhưng vẫn có xu hướng phán xét cách hành xử của người bệnh, quy trách nhiệm cho họ về tình trạng của mình. Béo phì bệnh lý, chẳng hạn, thường bị chỉ trích nặng nề, cũng như các bệnh lý tâm thần. Câu nói "Bạn bị như vậy là do chính bạn muốn như thế" không phải là điều hiếm gặp.
Bạn bè của ông Gióp nói với ông rằng Thiên Chúa không bao giờ sai lầm. Ngược lại, chính bệnh nhân lại là người thường xét đoán Thiên Chúa vì đã giáng xuống họ nỗi đau này. Đây là một cuộc xung đột đức tin: "Nếu Chúa yêu con, tại sao con lại phải chịu bệnh tật?"
Đôi khi, chính người bệnh tự kết án mình là một người con bất xứng của Thiên Chúa. Bởi vì tinh thần uể oải, bi quan, mệt mỏi và kiệt sức không được xem là hậu quả của bệnh tật, mà là do thiếu đức tin. Người ta vẫn hay nói: "Một vị thánh buồn là một vị thánh đáng buồn". Điều này tạo ra cảm giác thất vọng và tội lỗi vì không có được niềm vui. Đặc biệt là khi trong một thế giới quá đề cao sự "tích cực", nỗi buồn thường bị xem như dấu hiệu của sự thất bại. Nhiều cuộc khủng hoảng ơn gọi trong đời sống tu trì cũng như hôn nhân đều bắt nguồn từ việc không thể chấp nhận sự thất bại mà bệnh tật mang lại.
Năm Thánh sẽ không chữa khỏi chứng trầm cảm hoặc tình trạng mệt mỏi mãn tính của chúng ta, nhưng nó đặt chúng ta vào quan điểm của sự tha thứ. Tha thứ là nguồn cội của niềm vui. Tha thứ cho chính mình vì những lo âu và trầm cảm là khởi đầu của Sức khoẻmà Chúa Giêsu đến để mang lại.
Liệu pháp tâm lý rất quan trọng trong việc làm rõ hành vi và phát triển các chiến lược đối phó, nhưng như Josef Pieper đã viết trong cuốn sách về khái niệm tội lỗi, chỉ có sự tha thứ mới đủ để hàn gắn những tổn thương đã gây ra. Có nhiều triết lý cố gắng lý giải về điều ác và trách nhiệm của con người đối với tội lỗi, nhưng không triết lý nào có sức mạnh như của Đấng có thể tha thứ cho chúng ta từ tận gốc rễ.
Những người khác - những người sống cùng người bệnh, gia đình, bạn bè và xã hội nói chung - cũng bị ảnh hưởng bởi căn bệnh. Các mối tương quan bị cản trở. Đôi khi, người càng gần gũi với bệnh nhân thì vết thương lại càng bị chạm đến nhiều hơn.
Tôi nhớ về một bệnh nhân AIDS, vào giai đoạn đầu của căn bệnh khi nó vẫn còn là án tử. Anh ấy đau khổ đến mức tự cô lập với tất cả mọi người, giấu kín nỗi đau của mình, không muốn tỏ ra yếu đuối, mà ngược lại, anh rất tử tế và nhã nhặn, thực là một bệnh nhân đáng mến. Nhưng khi mẹ ruột của anh đến thăm, anh lại trút hết mọi nỗi tức giận lên bà, đến mức bà luôn ra về trong nước mắt vì những lời trách móc đầy giận dữ của con trai. Chỉ có người đã mang nặng đẻ đau mới là người mà anh có thể trút bỏ cơn giận dữ. Chỉ có bà mới thực sự là một “người mẹ” trước nỗi đau của con mình.
Năm Thánh của Hy vọng, với mong muốn đưa chúng ta trở về trạng thái ban đầu của bí tích Rửa Tội, cũng đề xuất bí tích Hòa Giải như một cơ hội để nhìn nhận tội lỗi và xin tha thứ cho những tác động mà bệnh tật của chúng ta gián tiếp gây ra trong mối tương quan với người khác.
Tha thứ cho người khác
Sự bất toàn, nỗi buồn, vụng về về thể chất, ám ảnh, chậm chạp, sợ hãi, rối loạn nhận thức, và những hậu quả khác của bệnh tật thường khó được người khác chấp nhận.
Có một xu hướng muốn che giấu người bệnh. Người ta tự hỏi: "Tại sao một nhà lãnh đạo, mục tử hoặc chính trị gia mắc bệnh nào đó không từ chức?". Tiêu chuẩn của sự bình thường rất khắt khe.
Áp lực về năng suất mà thế giới đặt ra khiến người bệnh bị gạt ra bên lề. Trong sắc chỉ, Đức Giáo hoàng đã nói về sự kiên nhẫn - điều mà người bệnh buộc phải học nhưng lại không dễ dàng để người khác thấu hiểu. Ngài nói:
“Chúng ta đã quen với việc muốn có mọi thứ ngay lập tức. Chúng ta không còn thời gian để gặp nhau và thường thì việc gặp gỡ và bình tâm nói chuyện với nhau, ngay cả trong gia đình, cũng trở nên khó khăn. Tính nóng vội làm mất kiên nhẫn, gây nguy hại nghiêm trọng cho con người. Thật vậy, điều đó gây ra bất khoan dung, căng thẳng, đôi khi cả bạo lực vô cớ, dẫn đến bất mãn và khép kín” (số 4).
Tuy nhiên, những quan niệm sáo rỗng, những phương thuốc vạn năng, các kiến thức khoa học và giả khoa học có thể dễ dàng tiếp cận qua truyền hình hay Internet khiến người bệnh cảm thấy bất lực trước những giải pháp mà người khác đề xuất. Ví dụ, và cũng để thêm chút hài hước, tôi nhớ lại đã từng nghe những “lời khuyên” hết sức phi lý về bệnh Parkinson như: "Uống một tách cà phê là khỏi ngay", hoặc "Tắm nước thật nóng, gần như bỏng, sẽ giúp phục hồi khả năng vận động".
Nguyên nhân chính là bệnh tật thường gây ra một nỗi lo lắng nhất định cho người khác. Đó cũng là lý do tại sao việc thăm nom người bệnh trở nên khó khăn, bởi vì bệnh tật tạo ra cảm giác bất an cho người đến thăm. Cách để chấm dứt hoặc thoát khỏi sự bất an này là né tránh trách nhiệm với bệnh nhân. Người ta đưa ra lời khuyên và kê toa thuốc dù họ không phải là chuyên gia y tế, hoặc ngược lại, họ giới thiệu bệnh nhân đến các hội nhóm dành cho người mắc bệnh để họ cảm thấy được bảo vệ. Mối tương quan với bệnh nhân trở nên mang tính chuyên môn hóa. Các nhóm hỗ trợ, dù mang lại nhiều lợi ích, nhưng cũng phản ánh sự buông xuôi của xã hội trong việc chấp nhận và hòa nhập những người có hoàn cảnh đặc biệt.
Những người khác, trong đó có cả chúng ta, dù đang mang bệnh hoặc tiếp xúc với những căn bệnh khác với bệnh của mình, cũng không nhất thiết phải hiểu bệnh tình của người khác.
Vấn đề nảy sinh khi, do thiếu thấu hiểu về bệnh tật của mình, chúng ta tự cô lập, hoặc tạo ra những nhóm chỉ dành riêng cho những người có chung hoàn cảnh.
Những người không hiểu bệnh tình của chúng ta có quyền không biết, có quyền đưa ra ý kiến và cố gắng "giúp đỡ" để cảm thấy an lòng. Có rất nhiều thiện chí, dù đôi khi những lời nói vụng về có thể gây tổn thương. Chúng ta có thể cảm nhận điều đó như một sự xúc phạm hoặc chỉ là một ý tốt không phù hợp—điều này tùy thuộc vào cách chúng ta đón nhận. Tha thứ chính là chìa khóa giúp mở ra đối thoại, và từ sự tha thứ sẽ dẫn đến sự thật.
Năm Thánh mời gọi chúng ta sống tinh thần hòa giải. Nếu chúng ta đã chất chứa nhiều nỗi oán giận và hiểu lầm, thì Năm Ân Sủng mà Năm Thánh đại diện chính là cơ hội giúp ta tái lập những mối tương quan tốt đẹp với những người xung quanh. Đức Giáo hoàng nhắc nhở chúng ta trong sắc chỉ triệu tập:
“Niềm hy vọng nơi tâm hồn mỗi người như nỗi khao khát và chờ đợi những điều tốt đẹp sẽ đến, dù chúng ta không biết ngày mai sẽ ra sao. Dù vậy, tính bấp bênh của tương lai lại gây ra những cảm xúc đôi khi trái ngược: từ tin tưởng đến lo sợ, từ thanh thản đến chán nản, từ xác tín đến nghi ngờ. Chúng ta thường gặp những người chán nản, họ nhìn về tương lai với thái độ hoài nghi và bi quan, như thể chẳng điều gì có thể mang lại hạnh phúc cho họ. Mong sao Năm Thánh là cơ hội cho mỗi người nhen nhóm lại niềm hy vọng” (số 1).
Hòa giải và trở thành người hòa giải
Năm Thánh cho phép chúng ta bước vào tiến trình của sự tha thứ—cả khi nhận lãnh lẫn khi trao ban. Đây là một sự trở về với khởi nguyên.
Nếu bệnh tật gây ra sự khó chịu, khiến các triệu chứng trở nên trầm trọng hơn, thì cũng đã có những bằng chứng cho thấy rằng, dù tâm trạng tồi tệ và nỗi buồn là điều khó tránh khỏi, nhưng thái độ sống tích cực có thể giúp đối diện với bệnh tật theo một cách khác và thậm chí dường như còn giúp cải thiện triệu chứng. Tôi nhớ đến một người bạn, một người vợ, một người mẹ, thuộc nhóm các cặp vợ chồng trong giáo xứ. Cô mắc bệnh ung thư và phải nằm viện ba tháng. Sau một thời gian, tôi hỏi thăm về trạng thái tinh thần của cô, Nhận ra sự ngạc nhiên của tôi trước tinh thần lạc quan của cô, cô mỉm cười và nói: “Tôi không chọn căn bệnh này, tôi không thể, nhưng tôi có thể chọn cách sống cùng với nó”.
Dưới ánh sáng của Năm thánh Hy vọng, bệnh tật được trải nghiệm theo một cách hoàn toàn khác. Tôi muốn kết thúc bằng một đoạn khác trong sắc chỉ:
“Nhưng trong thực tế, mỗi người cần tìm lại niềm vui sống bởi vì con người, được tạo dựng theo hình ảnh và giống Thiên Chúa (x. St 1,26), không thể bằng lòng với việc chỉ sống cho qua ngày, khi chấp nhận chỉ hài lòng với thực tại vật chất mà thôi. Những điều này giam hãm chúng ta vào chủ nghĩa cá nhân và làm xói mòn niềm hy vọng, gây nên nỗi buồn trong tâm hồn và khiến nó trở nên cay đắng và bất bao dung” (số 9)
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: exaudi.org (04/02/2025)
Nguồn:hdgmvietnam.com