VÌ SAO NGƯỜI TRẺ DẤN THÂN - ĐỘNG LỰC HAY PHẢN LỰC?

13/11/2024
583

WHĐ (12/11/2024) - Lý do nào khiến các bạn trẻ sẵn sàng hy sinh những sở thích và thú vui khác để dấn thân vào các sinh động của Giáo hội, có lẽ cần một sự thúc đẩy nào đó. Để phân tích điều này, tôi xin chia sẻ lại câu chuyện “thanh xuân với Chúa” của chính bản thân mình, từ đó cùng với mọi người tìm hiểu về động lực này.

Dẫn nhập

1. Động lực từ sự ủng hộ và định hướng của gia đình

2. Động lực từ những chứng nhân tình yêu

3. Động lực từ môi trường sống

4. Động lực từ chính mình

5. Động lực từ những nén bạc Chúa trao

6. Động lực từ Giêsu

7. Động lực từ cảm thức được thuộc về Giáo hội

8. Động lực từ những người trẻ khác

9. Động lực từ việc cảm nhận tình bạn sâu xa với Thiên Chúa

10. Động lực từ câu hỏi “Cùng đích của đời tôi là gì?”

 

Dẫn nhập

“Tình yêu Đức Kitô luôn thúc bách tôi
Mời tôi đi loan truyền Tin Mừng muôn nơi
Bằng tài năng, ơn riêng Chúa trao
Bằng nhiệt huyết suy tư, sáng tạo
Khát khao mở rộng nước Chúa.”

Những ca từ trong nhạc phẩm Lời Nguyện Truyền Thông của tác giả trẻ Viết An đã khiến tôi suy nghĩ rất nhiều, đặc biệt là trong những năm gần đây, Giáo hội hướng đến sự hiệp hành, hiệp thông, tham gia và sứ vụ.

Từ khi hạt giống Tin Mừng được các nhà truyền giáo Dòng Tên mang đến với đất nước hình chữ S, giáo dân Việt Nam đã rất hăng say trong các hoạt động truyền giáo tại quê hương, thậm chí chấp nhận đổ máu đào để minh chứng cho niềm tin ấy. Noi gương ông cha ta đã đi trước, đáp lại lời kêu gọi của Giáo hội, người trẻ ngày nay cũng tích cực tham gia rất nhiều hoạt động Tông đồ Giáo dân. Tại Việt Nam, trải qua hàng chục năm, hàng trăm nhóm trẻ được thành lập, duy trì, hoạt động với những mục tiêu và lĩnh vực khác nhau. Điều đó cho thấy nhận thức và lòng mến yêu của người trẻ đối với Mẹ Giáo hội cũng như các phong trào mà Giáo hội khởi xướng. Vậy lý do nào khiến các bạn trẻ sẵn sàng hy sinh những sở thích và thú vui khác để dấn thân vào các sinh động của Giáo hội, có lẽ cần một sự thúc đẩy nào đó. Để phân tích điều này, tôi xin chia sẻ lại câu chuyện “thanh xuân với Chúa” của chính bản thân mình, từ đó cùng với mọi người tìm hiểu về động lực này:

1. Động lực từ sự ủng hộ và định hướng của gia đình

Từ khi được đi học giáo lý Xưng tội rước lễ lần đầu, tôi đã có cơ hội được ba mẹ cho tham gia các chương trình tại giáo xứ nhà như: dâng hoa, dâng lễ vật, ca đoàn thiếu nhi, trại hè Giáo lý. Nó như một phần niềm vui không thể thiếu của tuổi thơ. Không ngại mưa gió, ba tôi vẫn đưa đón tôi đều đặn đến nhà thờ để cộng tác các hoạt động và tham dự thánh lễ. Không biết tự bao giờ, nó đã trở thành một thói quen của tôi và gia đình, nhà xứ trở thành nơi “tá túc” thường xuyên của tôi vào những ngày cuối tuần. Đây cũng là nơi đặt nền móng đầu tiên cho ý thức đơn sơ của tôi về việc Tông đồ, có lẽ nhiều bạn trẻ khác cũng như vậy.

“Gia đình Công giáo là trường học đức tin đầu tiên, là môi trường sống các bí tích và thực hành các nhân đức Kitô giáo. Gia đình Công giáo trở thành nơi gặp gỡ đặc biệt, có sức thánh hoá với tình yêu của Đức Kitô”.

2. Động lực từ những chứng nhân tình yêu

Lúc tham gia tại giáo xứ, tôi thường xuyên bắt gặp hình ảnh cha sở giúp việc phụ hồ, làm vườn, lau dọn. Trong túi cha lúc nào cũng có kẹo để tặng cho những thiếu nhi giống như chúng tôi. Hình ảnh ấy khiến tôi rất ấn tượng, dù Ngài có hơi khó tính một xíu nhưng phong cách bình dân của Ngài là vẻ đẹp khiến tôi phải ngưỡng mộ và kính trọng. Từ đó, dung mạo một vị cha sở nghèo, hết mực yêu thương thiếu nhi luôn là động lực của tôi, cha cho tôi thấy thế nào là “sống vì người khác” với những hy sinh thầm lặng cho bà con giáo dân.

“Người thời nay tin vào các chứng nhân hơn là thầy dạy, và nếu họ có tin vào thầy dạy là vì các thầy dạy ấy đã là những chứng nhân” (Đức Thánh Cha Phaolô VI)

3. Động lực từ môi trường sống

Lớn lên một chút, đi học đại học, đến với vùng đất Sài Gòn hoa lệ, tôi được vào ở tại một lưu xá sinh viên do các sơ Salêdiêng coi sóc. Cách giáo dục và đồng hành của các sơ giúp tôi lớn lên mỗi ngày về nhân bản lẫn thiêng liêng, và dĩ nhiên không thiếu những hoạt động tông đồ như bán hàng gây quỹ bác ái, caritas, thiện nguyện hè… Mỗi việc được giao phó, tôi đều được khuyên nhủ là làm hết sức mình, bằng trách nhiệm của cả con tim, đặt tình yêu vào công việc mình làm. Nhìn cách các chị em trong lưu xá miệt mài và hy sinh cho công tác chung, tôi cảm thấy bản thân tràn đầy năng lượng để cố gắng, điều đó cho tôi thêm sức mạnh để phục vụ tốt hơn qua những việc dù là nhỏ bé nhất. Lúc đó, từ từ hình thành trong tôi khái niệm “cùng sống cho Chúa”, tôi bắt đầu đặt Chúa vào một trong những mục tiêu của đời mình.

“Khi các con nhiệt tình sống đời sống cộng đoàn, các con sẽ có khả năng hy sinh lớn lao cho người khác và cho cộng đồng. Trái lại, sự cô lập làm cho các con yếu đi và dễ rơi vào những xấu xa tồi tệ nhất của thời đại chúng ta.” (Christus vivit, 110)

4. Động lực từ chính mình

Ra trường đi làm, không còn sự ủng hộ trực tiếp từ ba mẹ, không còn sự thúc giục của các vị đồng hành, tôi bắt đầu quay cuồng với những công việc và dự tính thăng tiến. Rời khỏi lưu xá, không còn là sinh viên, tôi bắt đầu lao mình vào con đường sự nghiệp đầy chông gai. Lúc ấy, một khoảng thời gian dài gần một năm, tôi không tham gia bất kì hoạt động gì, chỉ tập trung cho công việc. Quãng thời gian đó tuy thoải mái về thời gian, nhưng tâm hồn tôi lại thấy trống trải và thiếu vắng điều gì đó, mặc dù vẫn đều đặn tham dự thánh lễ mỗi tuần đâu đó vài ngày. Tôi cảm thấy chính mình cần phải thay đổi và bước ra khỏi vùng an toàn, tôi bắt đầu đăng ký tham gia một số nhóm và hoạt động giới trẻ Công giáo, trong đó Catholic Design chính là bước đệm đầu tiên để tôi trở lại cộng tác với Giáo hội vì lĩnh vực Marketing - Truyền thông hiện tại của tôi đang làm có liên quan đến vị trí mà nhóm mời gọi cộng tác. Một bước đi tái khám phá lại chính mình và sở thích của mình. Tôi phát hiện tôi rất yêu thích các hoạt động tông đồ.

“Chính người trẻ là tác nhân của Mục vụ Giới trẻ. Chắc chắn họ cần được hỗ trợ và hướng dẫn, nhưng đồng thời họ cũng phải được tự do phát triển những cách thức mới với tinh thần sáng tạo và táo bạo.” (Christus vivit, 203)

5. Động lực từ những nén bạc Chúa trao

Khi càng tìm hiểu sâu về các nhóm trên internet và thực tế, tôi bắt đầu phát hiện ra mình có những tài lẻ có thể cộng tác được, như giọng hát với Lumen, viết nội dung với Chuyên Đề Giáo Dục, dẫn chương trình với Jescom, thiết kế với Tông đồ IT… Lúc ấy, tôi nghĩ rằng, tôi sẽ không để những nén bạc ấy bị chôn vùi, nhưng tôi sẽ cố gắng sinh lời cho Chúa hết sức có thể. Tôi tạ ơn Chúa vì những đặc sủng Chúa ban và tận dụng những điều ấy để làm việc cho Ngài.

“Con sống cho Chúa, chắc chắn rồi! Nhưng Ngài muốn con cũng sống cho người khác nữa, và Ngài đã phú cho con rất nhiều phẩm chất, khuynh hướng, ơn huệ và đặc sủng không phải dành cho con, mà dành cho những người khác.” (Christus vivit, 286)

6. Động lực từ Giêsu

Khi bắt đầu hoạt động Tông đồ trở lại, tôi phải đối mặt với những “căng thẳng mới”, những sự bất đồng trong ý tưởng, những mâu thuẫn trong tính cách mỗi người, những kỳ vọng khác nhau và cả cái tôi của chính mình khi vô tình bị đẩy lên cao. Có những lúc tôi thực sự muốn từ bỏ vì những việc ấy khiến tôi bất an và muộn phiền khá nhiều. Nhưng thay vì rời đi, tôi chọn chậm lại, tôi tìm đến các khóa tĩnh tâm cuối tuần, linh thao hè để phân định lại mọi thứ: “đâu là điều Chúa thực sự muốn tôi thực hiện?”. Và quả thực, giai đoạn “sạc pin” này đã đem lại cho tôi nhiều điều, giúp tôi hàn gắn những đổ vỡ và đón nhận sự khác biệt của nhau vì mục đích chung. Tôi hiểu được rằng: Tôi nên chọn Chúa chứ không phải chọn việc của Chúa.

“Giữa những thập giá này mà người trẻ phải vác lấy, có Đức Giêsu ở đó để trao ban cho họ tình bạn, niềm an ủi và sự đồng hành có sức chữa lành của Người.” (Christus vivit, 83)

7. Động lực từ cảm thức được thuộc về Giáo hội

Trở về từ Đại hội Giới trẻ thế giới tại Lisbon 2023, lần đầu được tận mắt chiêm ngưỡng sự năng động của giáo hội hoàn vũ, được trải nghiệm những khoảnh khắc gắn kết cùng các bạn trẻ thuộc nhiều sắc tộc, văn hóa khác nhau, tôi lại càng có những cảm thức rõ rệt sự thuộc về Giáo hội của bản thân cũng như của các bạn trẻ. Tôi cảm nhận được sự quan tâm và ủng hộ hết lòng của các vị chủ chăn dành cho giới trẻ và những sáng kiến của người trẻ khi làm việc với các ngài. Trong tôi rực sáng lên ước mơ bước đi cùng nhịp đập của Giáo hội, khao khát được dấn thân trong niềm vui Tin Mừng và hy vọng ấp ủ một tương lai tốt đẹp, nơi đó Giáo hội địa phương là nhịp cầu để các bạn trẻ được đến với Giêsu và đồng hành với Ngài như những người bạn đích thực.

“Hội Thánh đang cần đà tiến của các con, cần những trực giác và đức tin của các con. Và khi các con đến nơi mà chúng tôi chưa đến, các con hãy kiên nhẫn chờ đợi chúng tôi.” (Christus vivit, 299)

8. Động lực từ những người trẻ khác

Làm việc nhóm, sinh hoạt cộng đoàn thực sự đòi hỏi tính hòa nhập, khiêm nhường và kiên nhẫn khá nhiều. Đặc biệt là khả năng lắng nghe và yêu thương những “bất toàn” cũng như chấp nhận chậm lại để cùng sửa chữa, thăng tiến lẫn nhau. Từng bước một, tôi cảm nhận được hơi ấm của tình thương nơi các nhóm mà tôi phục vụ, nơi những bạn nóng tính nhưng nhiệt huyết, nơi những người bạn chậm chạp nhưng kỹ tính, nơi những người bạn khó gần nhưng sâu sắc... Mỗi người đều cho tôi chiêm ngắm những ưu điểm và nhược điểm riêng biệt, tuy khác nhau về mọi mặt nhưng đều một lòng với Chúa; như cành nho gắn liền với cây nho, không cành nào giống cành nào, thế mà nó vẫn gắn chặt vào cây để sinh trưởng và đơm hoa kết trái. Tôi được giúp đỡ khi gặp khó khăn, được tha thứ khi lỗi phạm, được đón nhận khi yếu đuối, được ủi an khi thất vọng, được hun đúc thêm niềm tin khi nguội lạnh. Và được đồng hành để lớn lên trong Chúa.

“Kinh nghiệm nhóm cũng là một thuận lợi rất lớn để chia sẻ đức tin và giúp nhau làm chứng. Người trẻ có khả năng dẫn dắt người trẻ khác và sống một đời tông đồ đích thực giữa những người bạn của mình.” (Christus vivit, 219)

9. Động lực từ việc cảm nhận tình bạn sâu xa với Thiên Chúa

Đối với tôi, việc dấn thân vào đời sống Giáo hội là một hành trình chông gai nhưng lại đầy ắp niềm vui và hạnh phúc. Nó không phải là một con đường đầy hoa hồng, nhưng là một xa lộ đầy gai nhọn và đích đến là một vườn hoa hồng. Trên hành trình ấy, người trẻ được lớn lên qua các công việc mình đảm nhận, qua các sinh hoạt và thậm chí qua những yếu đuối và đổ vỡ. Thiên Chúa luôn tìm cách thánh hóa người trẻ và đón nhận họ như chính họ là, luôn gửi đến họ sự trợ giúp cần thiết, luôn an ủi và chăm sóc họ như dìu dắt đứa con thơ đang tập đi, mỉm cười trìu mến nhìn nó vấp ngã rồi chập chững đứng lên, luôn quan sát và bảo vệ nó với một khoảng cách vừa đủ, không phải để nó trở nên thật hoàn hảo nhưng là để nó trở nên gần Ngài hơn bao giờ hết.

“Thiên Chúa không kỳ vọng các con phải “hoàn hảo” nhưng muốn các con bước đi với Người như “những người bạn” (Đức Giáo hoàng Phanxicô)

10. Động lực từ câu hỏi “Cùng đích của đời tôi là gì?”

Tôi luôn bị đánh động bởi đoạn Tin Mừng Mc 10,17-27. Đây là câu chuyện nói về cuộc đối thoại của anh thanh niên giàu có và Đức Giêsu. Câu hỏi của anh thanh niên cũng là câu hỏi xoáy vào tâm khảm của tôi và những người trẻ khác: “Thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?”. Người trẻ ngày nay bị cuốn vào quá nhiều bận rộn và vấn đề của cuộc sống: điểm số, deadline, KPI, áp lực đồng trang lứa, kỳ vọng của cha mẹ, cái nhìn của mọi người xung quanh, khuôn mẫu hoàn hảo của xã hội... Họ không có thời gian cho bản thân, cho các mối tương quan và cho Thiên Chúa. Họ không tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống, họ có một trái tim dễ tổn thương và thiếu nội lực, thậm chí năng lượng tiêu cực này cám dỗ họ buông thả hoặc hủy hoại chính mình. Họ tìm đến rất nhiều cách để chữa lành, để xây dựng lại kịch bản cuộc đời, để được là chính mình. Vì trong họ đang thiếu Chúa.

Chính trong những khó khăn ấy, hoạt động tông đồ, sinh hoạt mục vụ lại là một ngọn lửa chiếu sáng và sưởi ấm họ, giúp họ lấy lại động lực sống và mục tiêu cuộc đời, thấy mình có ý nghĩa và thấy được cùng đích đời mình không hệ tại những phù hoa tạm bợ của hiện tại. Tôi cũng như những người trẻ khác đều trải qua những điều này, và được nâng đỡ rất nhiều trong các sinh động của cộng đoàn mà mình tham gia. Từ những cảm nghiệm đó, tôi bắt đầu định vị lại chính mình giữa thế giới, lãnh đạo bản thân trước các vấn đề của cuộc sống và khám phá ra chính Chúa mới là mục đích cuối cùng của cuộc đời tôi, nơi Ngài sự sống và niềm vui luôn triển nở. Lúc đó tất cả những gì tôi làm, tôi suy nghĩ và thao thức đều quy hướng về Ngài, những vấn đề khác trở nên nhẹ nhàng hơn bao giờ hết. Động lực ấy giúp tôi kiên trì và bền đỗ với mọi sứ vụ mình được trao phó dù nhỏ bé hay lớn lao, khó khăn hay dễ dàng.

“Chúa đã dựng nên chúng con cho Chúa nên lòng chúng con khắc khoải cho đến khi nghỉ yên trong Chúa.” (Thánh Augustinô)

Trên đây là 10 động lực mà bản thân tôi suy tư khi dấn thân và tham gia vào các hoạt động của Giáo hội. Nó là một con đường mà Thiên Chúa bước đi cùng tôi, một lộ trình của tình yêu. Còn bạn, động lực của bạn là gì khi đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa? Hãy nhìn lại và viết ra cho chính mình, lúc ấy bạn sẽ thấy rằng: Thiên Chúa yêu ta nhường nào qua Giáo hội của Ngài.

Sandy Ngọc

Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGMVN, Số 142 (Tháng 7 & 8 năm 2024)

Nguồn: hdgmvietnam.com