GIỚI TRẺ THAM GIA ĐỜI SỐNG GIÁO HỘI

09/11/2024
174

WHĐ (09/11/2024) – Chủ đề của bài viết ‘Giới Trẻ Tham Gia Đời Sống Giáo hội’ theo tinh thần của Thượng Hội đồng Giám mục Thế giới lần thứ XVI được trình bày theo các mục sau: (1) Giáo hội luôn trẻ trung; (2) Nhãn quan Giáo hội về Người trẻ; (3) Người trẻ tham gia đời sống Giáo hội; (4) Một số lĩnh vực tham gia chính yếu (siêng năng cầu nguyện; suy niệm Lời Chúa; cử hành bí tích; loan báo Tin Mừng và bác ái xã hội).

Dẫn nhập

I. Giáo hội luôn trẻ trung

II. Nhãn quan Giáo hội về Người trẻ

III. Người trẻ tham gia đời sống Giáo hội

IV. Một số lĩnh vực tham gia chính yếu

1. Siêng năng cầu nguyện

2. Suy niệm Lời Chúa

3. Cử hành Bí tích

4. Loan báo Tin Mừng

5. Bác ái xã hội

Kết luận

 

Dẫn nhập

Thượng Hội đồng Giám mục Thế giới lần thứ XVI chính thức nhóm họp từ ngày 04 đến 29 tháng 10 năm 2023. Khái niệm căn bản liên quan mật thiết đến Thượng Hội đồng Giám mục Thế giới lần này là ‘synodality’. Khái niệm ‘synodality’ phát xuất từ tiếng Hy-lạp σύνοδος / synodos (được hình thành bởi giới từ σύν / sun: cùng, với và danh từ όδός / odos: đường đi, con đường). ‘Synodality’ thường được dịch sang tiếng Việt là ‘cùng đi với nhau’, ‘đồng hành’, ‘đồng nghị’, ‘hiệp hành’. Theo Đức thánh cha Phan-xi-cô, ‘synodality’ là con đường (pathway) Thiên Chúa muốn cho Giáo hội tiến bước trong thiên niên kỷ thứ ba.[1] ‘Synodality’ là chiều kích thiết yếu của Giáo hội.[2] Khái niệm này cũng được bàn luận khá sâu rộng tại Thượng Hội đồng Giám mục Thế giới về Giới trẻ lần thứ XV (Rô-ma, 03–28 tháng 10 năm 2018) và những năm sau đó. Theo Ủy ban Thần học Quốc tế (International Theological Commission) của Bộ Giáo lý Đức tin, ‘synodality’ như là “hoạt động của Chúa Thánh Thần trong sự hiệp thông của Thân Thể Đức Ki-tô và trong hành trình loan báo Tin Mừng của Dân Thiên Chúa.”[3] Giáo hội hiệp hành (hay Giáo hội đồng hành, Giáo hội đồng nghị, Synodal Church) là Giáo hội trong đó mọi thành phần của Nhiệm Thể Đức Ki-tô được mời gọi hiệp thông (communion), tham gia (participation) và thực thi sứ mệnh (mission).

Chủ đề của bài viết ‘Giới Trẻ Tham Gia Đời Sống Giáo hội’ theo tinh thần của Thượng Hội đồng Giám mục Thế giới lần thứ XVI được trình bày theo các mục sau: (1) Giáo hội luôn trẻ trung; (2) Nhãn quan Giáo hội về Người trẻ; (3) Người trẻ tham gia đời sống Giáo hội; (4) Một số lĩnh vực tham gia chính yếu (siêng năng cầu nguyện; suy niệm Lời Chúa; cử hành bí tích; loan báo Tin Mừng và bác ái xã hội).

I. Giáo hội luôn trẻ trung

Kinh Thánh Cựu Ước cho chúng ta biết nhiều gương mặt trẻ đóng vai trò quan trọng trong lịch sử dân Do-thái, chẳng hạn như Giu-se, người con trai thứ mười một của Gia-cóp (Ít-ra-en). Khi còn trẻ, Giu-se đã khôn ngoan hơn các anh mình trong nhiều việc. Chẳng hạn, Giu-se chiêm bao và giải thích các giấc chiêm bao cho các anh biết (St 37,2-11). Giu-se bị các anh bán cho những người Ít-ma-ên đem sang Ai-cập. Nhờ đó, khi thời gian đói kém ập tới, dân Do-thái được Giu-se trợ giúp (St 39,1-6; St 39,22-23; St 45,7-8). Sa-mu-en cũng là trường hợp điển hình bởi vì khi còn trẻ đã lắng nghe lời của Thiên Chúa (1 Sm 3,1-14). Tương tự như vậy, Đa-vít đã biết lắng nghe và thực thi lời của Thiên Chúa khi còn rất trẻ. Sa-lô-môn, con trai của Đa-vít cũng vậy. Lúc còn trẻ, Thiên Chúa báo mộng cho Sa-lô-môn: “Ngươi cứ xin đi, Ta sẽ ban cho” (1 V 3,5). Sa-lô-môn đã biết phân định bởi vì ông không xin cho được sống lâu, quân thù bị đánh bại, của cải dư đầy. Ông nói: “Xin ban cho tôi tớ Chúa đây, một tâm hồn biết lắng nghe, để cai trị dân Chúa và phân biệt phải trái” (1 V 3,9). Thiên Chúa hứa với ông: “Ta ban cho ngươi một tâm hồn khôn ngoan minh mẫn, đến nỗi trước ngươi, chẳng một ai sánh bằng, và sau ngươi, cũng chẳng có ai bì kịp” (1 V 3,12).

Trong Tân Ước, khi còn rất trẻ, Đức Ma-ri-a đã lắng nghe và vâng theo thánh ý Thiên Chúa qua lời sứ thần Gáp-ri-en để cưu mang Đức Giê-su, Con Thiên Chúa trong thân phận con người. Lúc mười hai tuổi, Đức Giê-su lên Giê-ru-sa-lem và ở đây, Người đã thực thi sứ mệnh của mình. Thánh Lu-ca trình thuật: “Sau ba ngày, hai ông bà mới tìm thấy con trong Đền Thờ, đang ngồi giữa các thầy dạy, vừa nghe họ, vừa đặt câu hỏi. Ai nghe cậu nói cũng ngạc nhiên về trí thông minh và những lời đối đáp của cậu” (Lc 2,46-47). Theo truyền thống Do-thái thời Đức Giê-su, người trên 13 tuổi mới có thể lìa bỏ gia đình để ‘tầm sư học đạo’ nhưng Đức Giê-su chưa đến tuổi đó đã trở thành thầy dạy của các thầy dạy ở Đền Thờ Giê-ru-sa-lem. Trong hành trình loan báo Tin Mừng, Người quan tâm cách đặc biệt người trẻ hay người yếu đuối, chẳng hạn, Người cầu nguyện cùng Chúa Cha: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn” (Mt 11,25). Noi gương Thầy mình, các môn đệ Đức Giê-su cũng đề cao vai trò của người trẻ. Chẳng hạn, thánh Gio-an viết: “Hỡi các bạn trẻ, tôi viết cho anh em: Anh em đã thắng ác thần” (1 Ga 2,13). Thánh Phao-lô khuyên dạy người trẻ Ti-mô-thê: “Chớ gì đừng có ai coi thường anh vì anh còn trẻ. Trái lại, anh hãy nên gương mẫu cho các tín hữu về lời ăn tiếng nói, về cách cư xử, về đức ái, đức tin và lòng trong sạch” (1 Tm 4,12).

Tác giả thư gửi tín hữu Do-thái viết: “Đức Giê-su Ki-tô vẫn là một, hôm qua cũng như hôm nay, và như vậy mãi đến muôn đời” (Dt 13,8). Trong Tông huấn Đức Ki-tô Đang Sống (Christus Vivit, 2019), Đức thánh cha Phan-xi-cô mời gọi người trẻ ý thức về ‘ba sự thật’ căn bản: (1) Thiên Chúa yêu thương các bạn; (2) Đức Giê-su cứu độ các bạn và (3) Đức Giê-su đang sống.[4] Đặc biệt, theo Đức thánh cha: “Đức Giê-su trẻ trung muôn đời, Người muốn ban cho chúng ta những trái tim luôn trẻ.”[5] Cũng theo ngài: “Điều quan trọng cần phải nhận thức rằng Đức Giê-su là một người trẻ. Người đã hiến dâng mạng sống mình khi Người là, theo ngôn ngữ của thời đại hôm nay, người trưởng thành trẻ.”[6] Đức Giê-su lịch sử, Đức Giê-su ‘bằng xương bằng thịt’, đã hiện diện trên trần gian ba mươi ba năm. Người giống chúng ta mọi sự, ngoại trừ tội lỗi (Dt 4,15). Người đã chịu nhiều đau khổ, chịu chết, phục sinh và lên trời. Tuy nhiên, tính lịch sử của Biến Cố Đức Giê-su vẫn tiếp diễn nơi Giáo hội, Nhiệm Thể của Người.

Câu hỏi đặt ra là ‘tại sao Giáo hội luôn trẻ trung?’ Thưa, vì Giáo hội là bí tích của Đức Giê-su, mà Đức Giê-su muôn đời trẻ trung, do đó, Giáo hội luôn trẻ trung. Thánh I-rê-nê (130-202) viết: “Đức tin mà chúng ta lãnh nhận từ Giáo hội và chúng ta bảo toàn, luôn được Thần Khí Thiên Chúa đổi mới và làm cho tươi trẻ như thể là kho tàng quý báu trong chiếc bình quý giá. Đức tin đó cũng làm cho chiếc bình được đổi mới để trẻ trung luôn mãi.”[7] Trong Sứ điệp gửi các bạn trẻ khi kết thúc Công đồng Vatican II (ngày 08 tháng 12 năm 1965), các Nghị phụ của Công đồng nhấn mạnh: “Giáo hội là sự trẻ trung đích thực của thế giới. Giáo hội mang vốn liếng làm nên sức mạnh và vẻ đẹp của tuổi trẻ: Đó là khả năng biết hoan hỉ trước những gì mới bắt đầu, biết cho đi mà không mong trả lại, biết tự đổi mới và ra đi tìm những chinh phục mới.” Trong Tông huấn Đức Ki-tô Đang Sống, Đức thánh cha Phan-xi-cô viết: “Giáo hội trẻ trung khi Giáo hội là chính mình, khi Giáo hội luôn nhận được sức mạnh luôn mới phát sinh từ Lời Chúa, Bí tích Thánh Thể, và sự hiện diện hằng ngày của Đức Ki-tô cũng như quyền năng của Thánh Thần Ngài trong đời sống chúng ta. Giáo hội trẻ trung khi diễn tả khả năng không ngừng trở về cội nguồn của mình.”[8]

Đức Giê-su trẻ trung, Giáo hội trẻ trung, do đó, ai thuộc về Giáo hội thì cũng ‘trẻ trung’ bởi vì ‘trẻ trung’ ở đây không còn mang nghĩa thời gian theo tiến trình lịch sử hoặc tuần tự từ quá khứ tới hiện tại và tương lai (χρόνος, chronological or sequential time) mà là thời gian theo nghĩa ‘biến cố’ hay ‘thời thích hợp’, thời quyết định (καιρός). Do đó, ai thuộc về Giáo hội thì không chỉ quan tâm đến thời gian theo nghĩa lịch sử hay định lượng (χρόνος, quantitative), mà quan trọng hơn là thời gian theo nghĩa định tính (καιρός, qualitative). Quả thực, trẻ không phải là tình trạng tuổi tác mà là tình trạng trái tim, tình trạng tâm hồn. Đức thánh cha Phan-xi-cô giải thích: “Tuổi trẻ đích thực có nghĩa là có một trái tim có khả năng yêu thương, trong khi mọi thứ ngăn cách chúng ta với người khác làm tâm hồn già cỗi đi.”[9] Cũng theo ngài: “Tuổi trẻ không chỉ đơn giản là một khoảng thời gian; nó là trạng thái tâm trí. Đó là lý do tại sao một thể chế xưa cũ như Giáo hội có thể kinh nghiệm sự đổi mới và trở lại tuổi trẻ ở những thời điểm khác nhau trong lịch sử lâu dài của mình.”[10] Như vậy, ai cũng có thể là ‘người trẻ’ bởi vì ai cũng có thể cộng tác với Thiên Chúa trong Giáo hội hầu làm cho trái tim mình có khả năng yêu thương như Đức Giê-su, Đấng trẻ trung muôn đời. Khi loan báo Tin Mừng, Đức Giê-su mời gọi mọi người sống với tinh thần phục vụ trong khiêm hạ. Người nói: “Ai lớn nhất trong anh em, thì phải nên như người nhỏ tuổi nhất, và kẻ làm đầu thì phải nên như người phục vụ” (Lc 22,26).

Giáo hội không bao giờ là thực thể già cỗi chỉ biết quan tâm quá khứ và lưu giữ những gì thuộc quá khứ. Đức thánh cha Phan-xi-cô viết: “Chúng ta cầu xin Chúa giải thoát Giáo hội khỏi những người muốn làm cho Giáo hội già đi, đặt Giáo hội vào trong quá khứ, kìm hãm hoặc làm cho Giáo hội đứng yên tại chỗ.”[11] Giáo hội cũng không phải là thực thể chạy theo những cái mới mà quên đi căn tính, đời sống và sứ mệnh của mình phát xuất từ Đức Giê-su. Đức thánh cha Phan-xi-cô cũng mời gọi mọi người: “Chúng ta hãy cầu xin Chúa giải thoát Giáo hội khỏi cám dỗ khác: Cho rằng Giáo hội trẻ trung bởi vì Giáo hội chấp nhận mọi thứ thế giới ban tặng, rằng Giáo hội được đổi mới bởi vì Giáo hội đặt sứ điệp của mình sang một bên và hành động như bao người khác.”[12] Như vậy, chúng ta cần loại trừ ‘hai hình thức cám dỗ’ mà Đức thánh cha vừa nêu bằng hai hình ảnh khá phổ biến sau đây: (1) xem Giáo hội như ‘viện bảo tàng’ và (2) xem Giáo hội như ‘trung tâm trưng bày hàng hóa’. Giáo huấn của Công đồng Vatican II giúp chúng ta hiểu rõ hơn hai hình ảnh này: “Giáo hội tin rằng đầu mối, trung tâm và cùng đích của toàn thể lịch sử nhân loại đều ở trong Ðức Ki-tô là Chúa và là Thầy của Giáo hội. Hơn nữa, Giáo hội còn xác nhận rằng qua mọi thay đổi, có nhiều điều vẫn không đổi thay vì nền tảng cuối cùng của những điều không thay đổi này là Chúa Ki-tô, Ðấng hôm qua, hôm nay và mãi mãi.”[13] Tiếp tục tư tưởng của Công đồng Vatican II, ngày 26 tháng 01 năm 2019, tại Đại hội Giới trẻ Thế giới lần thứ XVI (22–27 tháng 01 năm 2019, Panama), Đức thánh cha Phan-xi-cô khẳng định: “Chúng ta không thể lớn lên nếu chúng ta không có gốc rễ khỏe mạnh nâng đỡ và giúp chúng ta đứng vững. Thật dễ dàng bị trôi dạt khi không có gì để bám víu, hỗ trợ.” Nói cách khác, Giáo hội luôn trẻ trung và Giáo hội luôn trung thành với nội dung đức tin của mình giữa những thách đố, thay đổi, bấp bênh của thế sự. Giáo hội luôn trẻ trung bởi vì Giáo hội luôn trở về nguồn, đọc dấu chỉ và không ngừng đổi mới theo sự quan phòng của Thiên Chúa.

II. Nhãn quan Giáo hội về Người trẻ

Trong thư gửi tín hữu Cô-lô-xê, thánh Phao-lô viết rằng Đức Giê-su là: “Trưởng tử sinh ra trước mọi loài thọ tạo, vì trong Người, muôn vật được tạo thành trên trời cùng dưới đất, hữu hình với vô hình” (Cl 1,15-16). Đồng thời, Đức Giê-su cũng là: “Trưởng tử trong số những người từ cõi chết sống lại, để trong mọi sự Người đứng hàng đầu” (Cl 1,18). Điều này có nghĩa rằng Đức Giê-su là ‘Anh Cả’ của thế giới thụ tạo. Đặc biệt, Người là ‘Anh Cả’ của đàn em đông đúc thuộc gia đình nhân loại. Trong hành trình trần thế, Người đã đến với muôn người. Dưới nhãn quan của thánh I-rê-nê (130-202), Đức Giê-su là người cho mọi giai tầng của gia đình nhân loại. Đặc biệt, theo thánh nhân: “Đức Giê-su là một người trẻ cho những người trẻ, trở nên gương mẫu cho những người trẻ và thánh hiến họ cho Đức Chúa.”[14]

Nhìn lại lịch sử, đôi khi người lớn chưa đánh giá đúng mức khả năng người trẻ trong việc tham gia đời sống Giáo hội. Cụ thể là người lớn chưa để tâm, chưa hiểu biết đủ về người trẻ để giúp họ rèn luyện kỹ năng hầu đóng góp phần mình trong việc xây dựng Giáo hội. Quả thực, nói đến người trẻ là nói đến tinh thần hăng say dấn thân cho sự nghiệp to lớn (vĩ nghiệp) hầu làm cho khuôn mặt của Giáo hội ngày càng được sáng đẹp hơn giữa lòng thế giới. Do đó, Giáo hội không chỉ quan tâm người trẻ cách chung chung mà còn ‘hy vọng vào người trẻ’, ‘yêu mến người trẻ’, ‘phó thác cho người trẻ’. Đặc biệt, Giáo hội ‘trao quyền’ (empower) cho người trẻ thực thi những tác vụ phù hợp với lứa tuổi và khả năng của họ. Nhờ đó, họ có thể nhận ra phẩm giá và vai trò cao quý của mình và thành tâm phục vụ Giáo hội cũng như xã hội.

Trong Sứ điệp gửi các bạn trẻ khi kết thúc Công đồng Vatican II (ngày 08 tháng 12 năm 1965), các Nghị phụ của Công đồng thổ lộ tâm tình cùng người trẻ: “Ròng rã bốn năm qua, Giáo hội đã làm việc để làm trẻ lại khuôn mặt mình, sao cho mỗi ngày một phù hợp với ý định của Ðấng sáng lập, Ðấng Hằng Sống Cao Cả là Chúa Ki-tô muôn đời trẻ trung.” Đồng thời, các Nghị phụ còn bày tỏ: “Giáo hội nhìn đến các bạn với lòng đầy tín cẩn và yêu thương. Vốn mang một dĩ vãng lâu dài và hằng sống động trong mình đồng thời luôn luôn đi tới sự hoàn thiện nhân loại qua thời gian cũng như vừa tiến tới những chân trời sau cùng của lịch sử và sự sống.” Đặc biệt, theo các Nghị phụ: “Giáo hội tin tưởng rằng: Các bạn sẽ gặp được một sức mạnh và một niềm vui lớn lao đến độ các bạn sẽ không bị quyến rũ như một số đàn anh, buông mình theo những triết thuyết ích kỷ và khoái lạc, thất vọng và hư vô… các bạn có thể củng cố lòng mình tin tưởng ở đời và tin chân lý làm cho đời sống có một ý hướng: Đó là xác tín có một Thiên Chúa công bình và tốt lành.”

Trong Tông huấn Đức Ki-tô Đang Sống, Đức thánh cha Phan-xi-cô khẳng định người trẻ là ‘hiện tại của Thiên Chúa’ (you are the now of God).[15] Thông thường, chúng ta cho rằng người trẻ là tương lai của Giáo hội, của xã hội, của đất nước, của thế giới. Tài liệu Đúc kết của Thượng Hội đồng Giám mục Thế giới Về Giới trẻ năm 2018 khẳng định: “Người trẻ Công giáo không chỉ đơn giản là những người tiếp nhận hành động mục vụ mà là các thành viên sống động của thân thể Giáo hội duy nhất, những người được rửa tội trong Thần Khí của Chúa đang sống và hành động. Họ đóng góp vào việc làm phong phú điều Giáo hội là, chứ không chỉ điều Giáo hội làm. Họ là hiện tại và không chỉ là tương lai của Giáo hội mà thôi.”[16] Cũng theo Tài liệu này: “Người trẻ là người chủ động trong nhiều sinh hoạt của Giáo hội, nơi họ quảng đại cống hiến việc phục vụ của mình, đặc biệt qua việc dạy giáo lý và phụng vụ, chăm sóc những người đau yếu, tham gia việc thiện nguyện phục vụ người nghèo. Các phong trào, hiệp hội và hội đoàn tôn giáo cũng cung cấp cho người trẻ cơ hội dấn thân và đồng trách nhiệm.”[17] Như vậy, Giáo hội không chỉ hy vọng vào người trẻ hay khuyến khích người trẻ cố gắng chuẩn bị cho tương lai mà còn nhận diện năng lực phong phú nơi người trẻ và mời gọi họ tham gia tích cực cũng như đóng góp phần mình trong việc xây dựng Giáo hội. Quả thực, người trẻ cần ý thức hơn ‘thời hiện tại’ của đời mình và sống ‘thời hiện tại’ cách sung mãn nhất. Những lời khôn ngoan trong sách Huấn ca đáng được người trẻ cũng như mọi người suy gẫm: “Con ơi, nếu có của, hãy làm cho đời con được tốt đẹp, và tiến dâng lễ vật lên Đức Chúa sao cho xứng… Đừng từ chối không hưởng một ngày vui, hoài bão của con, đừng để cho phần nào trôi đi mất” (Hc 14,11.14). Nói cách khác, người trẻ cần tận dụng thời hiện tại để làm cho đời sống mình cũng như các hình thức cộng đoàn mà mình tham dự ngày càng sống động, tươi đẹp và lớn mạnh hơn.

Người lớn không chỉ dạy dỗ người trẻ mà còn học hỏi từ họ nữa. Chẳng hạn, người lớn không chỉ dặn người trẻ ‘hãy làm điều này hay điều kia’ mà là cố gắng hiểu thấu họ, nói chuyện với họ và xin ý kiến từ họ nữa. Trong mọi hoàn cảnh, người lớn cần biết luôn chân thành với người trẻ. Quả thực, người lớn không phải là người có thể trả lời mọi câu hỏi, mọi vấn nạn người trẻ nêu lên. Do đó, người lớn cần biết nhìn nhận những khiếm khuyết hay giới hạn của bản thân và thành tâm nói ‘không’ với những gì mình không biết. Theo Đức thánh cha Phan-xi-cô: “Nhờ việc học hỏi lẫn nhau, chúng ta có thể phản ánh tốt hơn thực tại đa diện tuyệt vời mà Chúa Ki-tô đã định cho Giáo hội của Người. Giáo hội sẽ có thể thu hút người trẻ, vì sự hiệp nhất của Giáo hội không phải là độc khối (monolithic), mà đúng hơn, là một mạng lưới gồm các hồng phúc đa dạng mà Chúa Thánh Thần không ngừng tuôn đổ trên Giáo hội, đổi mới Giáo hội và giúp Giáo hội thoát khỏi sự nghèo nàn.”[18] Cụ thể là người lớn cần tìm hiểu ‘môi trường sống của người trẻ’, ‘văn hóa của người trẻ’, ‘ngôn ngữ của người trẻ’ để có thể cộng tác với họ cách hữu hiệu hầu làm cho Giáo hội ngày càng được tỏ hiện rõ ràng hơn trong các hình thái xã hội của gia đình nhân loại.

Sống là chọn lựa, chọn lựa điều tốt. Hành trình trần thế của Đức Giê-su cho mọi người ‘tiêu chuẩn’ để có thể chọn lựa cách đúng đắn nhất. Hơn ai hết, các môn đệ Đức Giê-su đã đón nhận, thực hành và truyền lại ‘tiêu chuẩn’ đó cho hậu thế. Chẳng hạn, thánh Phao-lô khuyên dạy người môn đệ trẻ Ti-mô-thê: “Anh hãy tránh xa các đam mê của tuổi trẻ, cố gắng trở nên người công chính, giàu lòng tin và lòng mến, ăn ở thuận hòa cùng những ai kêu cầu Chúa với tấm lòng trong sạch” (2 Tm 2,22). Ngài nhắn nhủ người môn đệ trẻ Ti-tô: “Anh cũng hãy khuyên các thanh niên phải giữ chừng mực trong mọi sự. Chính anh hãy làm gương về mặt đức hạnh. Khi anh giảng dạy thì đạo lý phải tinh tuyền, thái độ phải đàng hoàng, lời lẽ phải lành mạnh” (Tt 2,6-8). Theo tinh thần thánh Phao-lô, Giáo hội giúp người trẻ biết phân định các hình thức đam mê hay hoài bão của mình. Đồng thời, Giáo hội tạo điều kiện để người trẻ thực thi đam mê hay hoài bão đó cách phù hợp nhất. Hơn nữa, Giáo hội mời gọi người trẻ biết sử dụng đam mê lành mạnh của mình trong việc phục vụ anh chị em đồng loại. Có như thế, người trẻ mới có thể phát huy sức mạnh nội tại của mình. Cùng với sự nâng đỡ của nhiều người khác, người trẻ thấy được hoa trái của mình ngay trong cộng đoàn mình hiện diện và hoạt động. Đặc biệt, dưới nhãn quan của Giáo hội, người trẻ không chỉ là người biết lắng nghe và học hỏi mà còn là người được mời gọi phát triển các kỹ năng lãnh đạo trong bối cảnh hiện tại cũng như mai ngày. Thực tế cuộc sống cho thấy rằng nhiều khi người lớn không hiểu người trẻ như ‘người trẻ là’. Điều này dẫn tới sự ngăn cách không đáng có giữa người lớn và người trẻ. Giáo hội mời gọi những ai thi hành tác vụ hướng dẫn và chăm sóc người trẻ: Hãy để cho người trẻ phát triển khả năng sáng tạo, chịu trách nhiệm về những gì họ làm và khuyến khích họ dấn thân trong những công việc và môi trường mới hầu tôi luyện và tham gia đóng góp cho sự phồn thịnh của Giáo hội giữa lòng thế giới.

III. Người trẻ tham gia đời sống Giáo hội

Với Bí tích Rửa Tội, các Ki-tô hữu trở nên thành phần trong Giáo hội, Nhiệm Thể Đức Ki-tô, và được tham dự sự sống của Thiên Chúa ngay trong hành trình trần thế này. Trong thư thứ nhất, thánh Phê-rô viết: “Anh em là giống nòi được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân thánh, dân riêng của Thiên Chúa, để loan truyền những kỳ công của Người, Đấng đã gọi anh em ra khỏi miền u tối, vào nơi đầy ánh sáng diệu huyền. Xưa anh em chưa phải là một dân, nay anh em đã là Dân của Thiên Chúa; xưa anh em chưa được hưởng lòng thương xót, nay anh em đã được xót thương” (1 Pr 2,9-10). Là Ki-tô hữu, nghĩa là được tham dự vào chức tư tế, ngôn sứ và vương giả của Đức Giê-su. Người Ki-tô hữu được mời gọi trở nên đồng hình đồng dạng với Người trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống mình.

Mọi thành phần Dân Chúa với ơn gọi phân biệt nhau nhưng cùng chung mục đích là ‘làm cho danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến’, nghĩa là làm cho Nước Thiên Chúa hiện diện nơi các hình thái xã hội của gia đình nhân loại. Quả thực, với sự hiện diện và hoạt động của Đức Giê-su, Nước Thiên Chúa thực sự đã hiện diện và hoạt động giữa gia đình nhân loại. Chính Đức Giê-su đã thiết lập Giáo hội để Giáo hội trở thành dấu chỉ và khí cụ của Người hầu mang ơn cứu độ của Thiên Chúa cho mọi người (LG 1). Điều này có nghĩa rằng, sự hiện diện của Giáo hội chính là sự hiện diện của Nước Thiên Chúa. Cụ thể là: Sự hiện diện và hoạt động của Giáo hội giúp mọi người tiếp cận ân sủng của lòng Chúa thương xót theo cách cụ thể nhất. Nhờ đó, đời sống của mọi người luôn được định hướng về Nước Thiên Chúa viên mãn khi Thiên Chúa quy tụ mọi loài trên trời dưới đất dưới quyền một Thủ Lãnh là Đức Ki-tô (Ep 1,9-10). Do đó, các thành phần của Giáo hội đều có bổn phận tham gia hầu làm cho Giáo hội thực thi sứ mệnh của mình cách trọn vẹn nhất.

Trong Tông huấn Đức Ki-tô Đang Sống, Đức thánh cha Phan-xi-cô viết: “Trong thời gian Thượng hội đồng, một trong các dự thính viên trẻ tuổi từ Quần Đảo Samoa đã nói về Giáo hội như một chiếc xuồng, trong đó người già giúp giữ cho đúng đường bằng cách phán đoán vị trí nhờ các vì sao, trong khi những người trẻ tiếp tục chèo xuồng, tưởng tượng về điều đang chờ đợi họ ở phía trước.”[19] Cũng theo ngài: “Chúng ta hãy tránh xa những người trẻ nghĩ rằng người lớn đại diện cho một quá khứ vô nghĩa, và những người trưởng thành luôn nghĩ rằng họ biết những người trẻ nên hành động ra sao. Thay vào đó, tất cả chúng ta hãy leo lên cùng một chiếc xuồng và cùng nhau tìm kiếm một thế giới tốt đẹp hơn, với đà tiến không ngừng đổi mới của Chúa Thánh Thần.”[20] Đối với Đức thánh cha Phan-xi-cô, tùy theo đặc sủng của mình, người trẻ hay bất cứ thành phần nào khác của Giáo hội, đều có thể góp phần làm cho Giáo hội ngày càng thể hiện rõ nét giữa lòng thế giới. Điều này được thánh Phao-lô trình bày khúc chiết trong các thư của ngài, chẳng hạn, trong thư gửi tín hữu Ê-phê-xô, ngài viết: “Người [Đức Ki-tô] đã ban ơn cho kẻ này làm tông đồ, người nọ làm ngôn sứ, kẻ khác làm người loan báo Tin Mừng, kẻ khác nữa làm người coi sóc và dạy dỗ. Nhờ đó, các thánh được chuẩn bị để làm công việc phục vụ, là xây dựng thân thể Đức Ki-tô, cho đến khi tất cả chúng ta đạt tới sự hiệp nhất trong đức tin và trong sự nhận biết Con Thiên Chúa, tới tình trạng con người trưởng thành, tới tầm vóc viên mãn của Đức Ki-tô” (Ep 4,11-13).

Giáo hội luôn đánh giá cao tinh thần hăng say phục vụ của người trẻ; Giáo hội cần người trẻ tham dự mọi hoạt động trong đời sống Giáo hội và xã hội; Giáo hội cần người trẻ chuyên chăm tham dự các bí tích, nhất là Bí tích Thánh Thể; Giáo hội cần người trẻ siêng năng học hỏi Lời Chúa; Giáo hội cần người trẻ sống đúng căn tính và sứ vụ của mình; Giáo hội cần người trẻ biết thao thức trước những đau khổ của anh chị em đồng loại; Giáo hội cần người trẻ biết quan tâm vận mệnh của dân tộc, của đất nước; Giáo hội cần người trẻ là mẫu gương cho các tầng lớp người khác trong Giáo hội. Như vậy, người trẻ tham gia đời sống Giáo hội với lòng thâm tín rằng họ được mời gọi trân quý những giá trị mà họ lĩnh nhận từ Giáo hội, sống theo những giá trị đó và chuyển tải những giá trị đó cho anh chị em mình.

IV. Một số lĩnh vực tham gia chính yếu

1. Siêng năng cầu nguyện

Để có thể tham gia đời sống Giáo hội, người trẻ được mời gọi kết hiệp mật thiết với Đức Giê-su bằng đời sống cầu nguyện. Họ được mời gọi theo Đường Đức Giê-su trong hành trình trần thế, Đường Cầu Nguyện, bởi vì trong mọi hoàn cảnh, Người luôn cầu nguyện để được kết hiệp mật thiết với Chúa Cha. Qua muôn thế hệ, biết bao người luôn dõi theo Đường Cầu Nguyện của Đức Giê-su. Chẳng hạn, trong Tông huấn Đức Ki-tô Đang Sống, Đức thánh cha Phan-xi-cô viết: Thánh Têrêxa sống theo con đường bé nhỏ hoàn toàn tin tưởng vào tình yêu của Chúa và quyết tâm dùng lời cầu nguyện quạt cho ngọn lửa tình yêu bùng cháy trong lòng Giáo hội.”[21] Cũng theo ngài: Với một người bạn, chúng ta có thể nói và chia sẻ những bí mật sâu sắc nhất. Với Chúa Giê-su cũng vậy, chúng ta luôn có một cuộc đối thoại… Cầu nguyện cho phép chúng ta chia sẻ với Người mọi khía cạnh của cuộc sống chúng ta và tin tưởng nghỉ ngơi trong vòng tay của Người.”[22] Như Đức Ma-ri-a, ‘nữ tỳ trẻ trung’ đã thưa ‘xin vâng’ theo thánh ý Thiên Chúa để cưu mang Ngôi Lời Thiên Chúa là Đức Giê-su Ki-tô trong tâm hồn và thân xác mình, người trẻ cũng cần biết thưa ‘xin vâng’ với lời mời gọi của Người.

Giữa thế giới đầy những tối tăm, cám dỗ, không có con đường nào khác làm cho người trẻ gần gũi và hiệp nhất nên một với Đức Giê-su bằng con đường cầu nguyện. Theo Đức thánh cha Phan-xi-cô: “Ngày nay, sự căng thẳng và tốc độ nhanh chóng của một thế giới liên tục kích thích, không còn chỗ nào cho sự im lặng nội tâm để chúng ta có thể nhận diện ánh mắt của Chúa Giê-su và nghe tiếng gọi của Người.”[23] Nhờ cầu nguyện, người trẻ có đủ ánh sáng để đón nhận Lời Chúa, suy niệm Lời Chúa và đồng hóa Lời Chúa. Với việc cầu nguyện liên lỉ, người trẻ không những vượt qua những cạm bẫy của thế giới bóng đêm, ma quỷ, xác thịt mà còn trở thành khí cụ phản chiếu khuôn mặt Đức Giê-su và Tin Mừng của Người cho mọi người mà mình gặp gỡ.

Trong bối cảnh ‘thế giới phẳng (the flat world), người trẻ cần phải học hỏi nhiều ngôn ngữ để trở thành ‘công dân toàn cầu’ (global citizens). Đây là điều cần thiết. Tuy nhiên, là Ki-tô hữu, người trẻ được mời gọi học hỏi và luyện tập ‘ngôn ngữ thinh lặng’ bởi vì thinh lặng là ‘ngôn ngữ của Thiên Chúa’. Bao lâu, người trẻ chưa học hỏi và thực hành ngôn ngữ này thì bấy lâu vẫn còn thiếu sót nghiêm trọng. Các thánh trong lịch sử Giáo hội có thể khác nhau nhiều điểm nhưng điểm chung nhất là các ngài biết thinh lặng và cầu nguyện để được kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa hầu kín múc năng lực cần thiết cho sự hiện diện và hoạt động của mình. Đức thánh cha Phan-xi-cô viết: “Cần tìm kiếm sự thanh thản và yên tĩnh giúp các bạn suy ngẫm, cầu nguyện, nhìn rõ hơn thế giới xung quanh các bạn, và sau đó, với Chúa Giê-su, tiến đến chỗ nhận ra ơn gọi của các bạn trong thế giới này.”[24]

Người trẻ hôm nay bị cuốn hút bởi thế giới kỹ thuật số (the digital world), môi trường kỹ thuật số (the digital environment) hay không gian mạng (cyberspace). Họ dành nhiều thời gian và sức lực cho ‘thế giới này’, ‘môi trường này’ hay ‘không gian này’ nhất. Đức thánh cha Phan-xi-cô mời gọi người trẻ kết nối với Đức Giê-su, ở lại trực tuyến với Người, nối mạng với Người (remain online with Him).[25] Quả thực, ai cầu nguyện với Đức Giê-su thì không cô đơn; ai cầu nguyện với Đức Giê-su thì ‘nối mạng với Người’ và ‘giữ được mạng mình’; ai cầu nguyện với Người thì kiên vững trước những cám dỗ của thế sự; ai cầu nguyện với Người thì ‘ở lại’ (abide) với Người. Quả thực, trước khi bước vào cuộc khổ nạn, Đức Giê-su nói với các môn đệ ‘hãy ở lại với Người’, ‘hãy gắn bó với Người’ là Cây Nho Thật như cành nho gắn liền với cây nho để được Người chăm bón, cắt tỉa và sinh nhiều hoa trái (Ga 15,1-8). Người trẻ chỉ có thể là ‘hiện tại’ của Thiên Chúa, ‘hiện tại’ của Giáo hội cũng như ‘hiện tại’ của xã hội khi luôn biết cầu nguyện với Đức Giê-su, nhờ đó, được hiệp nhất nên một với Người.

Các trình thuật Tin Mừng không cho chúng ta biết tuổi tác của các môn đệ Đức Giê-su. Tuy nhiên, chúng ta có thể nhận định rằng đa số trong họ là người trẻ. Theo truyền thống, Gio-an, người môn đệ Đức Giê-su thương mến (the beloved disciple) là người trẻ nhất. Trong Bữa Ăn Cuối Cùng của Đức Giê-su với các môn đệ, khi Người nói về một trong Nhóm Mười Hai sẽ phản bội Người, Phê-rô ra hiệu cho Gio-an hỏi Đức Giê-su về người đó. Gio-an đã ‘ghé tai vào Trái Tim Đức Giê-su’ để hỏi Người và Người đã cho Gio-an biết người môn đệ phản bội. Vì ghé tai vào Trái Tim Đức Giê-su, nối kết với Trái Tim Đức Giê-su, Gio-an đã được Người củng cố đức tin và mặc khải nhiều điều. Đó là lý do tại sao trong cuộc khổ nạn, Phê-rô thì chối Đức Giê-su, Giu-đa thì bán Đức Giê-su, các môn đệ khác đều bỏ chạy tán loạn, còn Gio-an trung tín với Người. Chỗ đứng cuối cùng của Gio-an là chân thập giá. Trong biến cố này, chính ngài chứng kiến Đức Giê-su cúi đầu xuống và trao Thần Khí, cũng như chứng kiến Trái Tim Đức Giê-su bị đâm thủng, máu cùng nước chảy ra (Ga 19,25-37). Sau khi Đức Giê-su phục sinh cũng vậy, khi thấy mộ trống thì Phê-rô bỡ ngỡ, còn Gio-an ‘đã thấy và đã tin Đức Giê-su phục sinh’. Như vậy, người trẻ được mời gọi luôn cầu nguyện, luôn để trái tim mình kết nối với Trái Tim Đức Giê-su, chung nhịp đập với Trái Tim Người, hầu có thể trở nên môn đệ và tông đồ thực thụ của Người giữa lòng thế giới.

Nói đến người trẻ là nói đến tình bạn. Triết gia Aristotle (384–322 trước Công nguyên) đề cập đến ba hình thức tình bạn chính yếu là ‘tình bạn lợi ích’, ‘tình bạn vui thú’ và ‘tình bạn đức hạnh’.[26] Ông mời gọi mọi người quan tâm và dõi theo ‘tình bạn đức hạnh’. Tình bạn của Đức Giê-su đối với các môn đệ còn vượt xa ‘tình bạn đức hạnh’ mà Aristotle nói tới. Quả thực, trong hành trình trần thế, trước khi bước vào cuộc khổ nạn, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng Người không gọi họ là tôi tớ nữa vì tôi tớ không biết việc chủ làm nhưng Người gọi họ là bạn hữu vì những điều Người nghe được từ Chúa Cha thì Người cũng cho họ biết. Đặc biệt, Người nói: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13). Quả thực, Đức Giê-su đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của Người là tất cả mọi người trong gia đình nhân loại. Khi người trẻ nhìn nhận Đức Giê-su là Bạn của mình cũng là khi họ có thể làm bạn với mọi người trong gia đình nhân loại. Người trẻ được mời gọi luôn gần gũi với Đức Giê-su, hiệp nhất nên một với Người trong thinh lặng, trong cầu nguyện và suy niệm Lời Chúa. Theo Đức thánh cha Phan-xi-cô: “Cho dù các bạn sống với biết bao trải nghiệm trong những năm tháng tuổi trẻ này, các bạn sẽ không bao giờ biết ý nghĩa sâu sắc và đầy đủ nhất của chúng trừ khi mỗi ngày các bạn gặp người bạn thân nhất của mình, người bạn có tên là Giê-su.”[27] Cũng theo Đức thánh cha Phan-xi-cô: “Các môn đệ nghe Chúa Giê-su gọi họ là bạn của Người. Đó là một lời mời không gây áp lực cho họ, nhưng nhẹ nhàng kêu gọi sự tự do của họ.”[28]

2. Suy niệm Lời Chúa

Tác giả thư gửi tín hữu Do-thái khai bút như sau: Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử” (Dt 1,1-2). Đức Giê-su là Lời Chúa, Lời vĩnh cửu, Lời đã trở thành người phàm và ở giữa gia đình nhân loại (Ga 1,14). Nhờ Người, Thiên Chúa sáng tạo muôn vật muôn loài. Cũng nhờ Người, Thiên Chúa cứu độ và thánh hóa muôn vật muôn loài. Các sách Cựu Ước đều hướng về Đức Giê-su, Lời duy nhất của Thiên Chúa và các sách Tân Ước diễn tả Lời duy nhất này. Qua dòng thế kỷ, Giáo hội không ngừng loan báo Đức Giê-su và Tin Mừng của Người cho muôn dân tộc. Trong Diễn từ Bánh Hằng Sống, Đức Giê-su nói rằng Người là Bánh Hằng Sống và ai ăn Bánh này thì được sống muôn đời (Ga 6,51). Hơn nữa, ai ăn Người thì được ở lại trong Người và Người ở lại trong họ (Ga 6,54-56). Khi nghe những điều đó, dân Do-thái lần lượt bỏ đi vì “Lời này chướng tai quá! Ai mà nghe nổi?” (Ga 6,60). Đức Giê-su hỏi Nhóm Mười Hai: “Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ đi hay sao?” (Ga 6,67). Nhân danh các môn đệ, Phê-rô trả lời: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời” (Ga 6,68).

Đối với tác giả thư gửi tín hữu Do-thái, Lời Chúa phân biệt với lời của con người, bởi vì: Lời Thiên Chúa là lời sống động, hữu hiệu và sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi: Xuyên thấu chỗ phân cách tâm với linh, cốt với tủy; lời đó phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người” (Dt 4,12). Lời Chúa được đúc kết trong Kinh Thánh. Theo Công đồng Vatican II: Giáo hội luôn tôn kính Thánh Kinh như chính Thân Thể Chúa, nhất là trong Phụng Vụ Thánh, Giáo hội không ngừng lấy bánh ban sự sống từ bàn tiệc Lời Chúa cũng như từ bàn tiệc Mình Chúa Ki-tô để ban phát cho các tín hữu” (DV 21). Cũng theo Công đồng Vatican II: Khoa Thần học dựa trên Thánh Kinh và Thánh Truyền như dựa vào một nền tảng vĩnh viễn. Trên nền tảng này, thần học được củng cố hết sức chắc chắn và mãi mãi được trẻ trung trong khi tìm kiếm, dưới ánh sáng đức tin, mọi chân lý tiềm ẩn trong mầu nhiệm Chúa Ki-tô” (DV 24). Thánh Giê-rô-ni-mô (342-420, người dịch Kinh Thánh từ tiếng Do-thái, A-ram và Hy-lạp sang tiếng La-tinh, Bản Phổ Thông - Vulgata) quả quyết: “Không biết Thánh Kinh là không biết Chúa Ki-tô.”[29] Người trẻ chỉ có thể trở nên chứng nhân của Đức Giê-su và Tin Mừng của Người khi không ngừng học hỏi, suy niệm và sống theo Lời Chúa được đúc kết trong Kinh Thánh. Ngạn ngữ La-tinh có câu: ‘Nemo dat quod non habet’ (No one gives what they do not have/ Không ai có thể cho cái mình không có). Người trẻ ‘cần có’ Kinh Thánh, cần có Lời Chúa để có thể sống và loan truyền lòng thương xót của Người cho anh chị em đồng loại.

Giữa thế giới đầy những thông tin đa chiều, trong một khoảng thời gian ngắn, người trẻ có thể lĩnh hội ‘vô số lời’ khác nhau. Tuy nhiên, để người trẻ có thể đón nhận và đồng hóa các lời đó cách xứng hợp, điều cần thiết là người trẻ biết quan tâm đặc biệt Lời Chúa. Tác giả Thánh Vịnh 119 đặt câu hỏi và cho câu trả lời: Làm thế nào giữ được tuổi xuân trong trắng? Thưa phải tuân theo Lời Chúa dạy” (Tv 119,9). Trung thành với Lời Chúa là điều kiện thiết yếu để được luôn gần gũi với Người: “Lời Chúa hứa, lòng con ấp ủ, để chẳng bao giờ bội nghĩa bất trung” (Tv 119,11). Lời Chúa luôn luôn chiếm vị trí ưu tiên trong đời sống người trẻ: “Hừng đông chưa xuất hiện, con đã kêu xin, con hằng cậy trông ở Lời Chúa” (Tv 119,147).

Nhờ sức mạnh Lời Chúa, người trẻ ngày càng được lớn lên trong đức tin, đức cậy và đức mến. Lời Chúa giúp người trẻ biết hồi tâm, biết hoán cải, biết sống khiêm tốn, biết hướng về chân trời mới. Dưới ánh sáng Lời Chúa, người trẻ có thể phân định để nhận ra những dấu chỉ Thiên Chúa muốn nơi mình, đọc được những dấu chỉ đó và hành động theo những dấu chỉ đó cách trung tín nhất. Quả thật, Lời Chúa giúp người trẻ thực hiện giấc mơ của mình trong việc hoàn thiện bản thân và góp phần hữu hiệu trong việc thiết lập các mối tương quan trong cuộc sống: Tương quan với Thiên Chúa, với nhau và với muôn vật muôn loài trong thế giới thụ tạo.

Người trẻ siêng năng học hỏi Lời Chúa hơn bất cứ lời của ai khác bởi vì “cỏ héo, hoa tàn, nhưng lời của Thiên Chúa chúng ta đời đời bền vững” (Is 40,8); người trẻ siêng năng suy niệm Lời Chúa bởi vì Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi” (Tv 119,105). Như Đức Ma-ri-a, người trẻ được mời gọi ở lại với Lời Chúa, lắng nghe Lời Chúa, tin tưởng vào Lời Chúa, suy niệm Lời Chúa và làm cho Lời Chúa trở nên ‘Của Ăn’ nuôi sống tâm trí mình. Trình thuật Tin Mừng Đức Giê-su theo thánh Lu-ca cho chúng ta biết rằng trong biến cố Giáng Sinh, khi chứng kiến những điều kỳ diệu về sự quan phòng của Thiên Chúa, Đức Ma-ri-a “hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 2,19). Tương tự như vậy, khi tìm được Đức Giê-su ở Giê-ru-sa-lem và trở về Na-da-rét, Đức Ma-ri-a “hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng” (Lc 2,51). Nhờ gắn bó với Lời Chúa, đặc biệt, gắn bó với Đức Giê-su là Lời Chúa trong thân phận con người, Đức Ma-ri-a đã trung tín với Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh. Như tông đồ trẻ Gio-an, chỗ đứng cuối cùng của Đức Ma-ri-a trong hành trình trần thế là chân thập giá và sau khi Đức Giê-su phục sinh, Đức Ma-ri-a ở lại với các môn đệ để cùng nhau cầu nguyện, suy niệm Lời Chúa và cử hành Bí tích Thánh Thể (Cv 1,14; 2,42).

3. Cử hành Bí tích

Theo Công đồng Vatican II: “Ðặc tính thánh thiện và có tổ chức của cộng đoàn tư tế được thể hiện trong hành động nhờ các bí tích và các nhân đức. Các tín hữu tháp nhập vào Giáo hội bởi phép Thánh Tẩy, và nhờ ấn tích, họ được đề cử thi hành việc phụng thờ Ki-tô giáo và, được tái sinh làm con Thiên Chúa, họ có bổn phận tuyên xưng trước mặt mọi người đức tin mà họ nhận lãnh từ Thiên Chúa qua Giáo hội” (LG 11)Khi Giáo hội cử hành các bí tích cũng là khi Giáo hội ý thức về sự hiện diện đặc biệt của Đức Giê-su, Đấng trẻ trung muôn đời. Người trẻ cần tìm cho mình chỗ đứng thực sự trong đời sống bí tích của Giáo hội bởi vì không tham dự đời sống bí tích của Giáo hội cũng đồng nghĩa với việc tự loại mình khỏi Giáo hội. Theo Tài liệu Đúc kết của Thượng Hội đồng Giám mục Thế giới về Giới trẻ năm 2018: “Để đạt đến chiều kích sâu nhất của lương tâm, theo nhãn quan Ki-tô giáo, ta phải hết sức chú ý đến đời sống nội tâm, bao gồm, trước hết, là những giờ thinh lặng, chiêm niệm và lắng nghe Lời Chúa, được trợ giúp bởi các bí tích và giáo huấn của Giáo hội.”[30]

Người trẻ tham gia đời sống Giáo hội qua việc tham gia cử hành các bí tích. Quả thực, như đề cập ở trên, Giáo hội là bí tích của Đức Giê-su. Bảy bí tích (Rửa Tội, Thêm Sức, Mình Thánh Chúa, Giải Tội, Xức Dầu Thánh, Truyền Chức Thánh và Hôn Phối) cụ thể hóa căn tính bí tích Giáo hội. Các bí tích liên quan mật thiết đến đời sống Ki-tô hữu trong hành trình trần thế. Các bí tích đem lại sự sống mới cho người tham dự, các bí tích giúp người trẻ gắn kết với Đức Giê-su và Giáo hội của Người. Đặc biệt, tham dự việc cử hành các bí tích giúp người trẻ quan tâm hơn về đời sống thể lý, đời sống luân lý và đời sống vĩnh cửu của bản thân cũng như của anh chị em mình. Quả thực, sứ mệnh trần thế của Đức Giê-su là cho mọi người được sống và sống dồi dào trong bối cảnh hiện tại cũng như tương lai mai ngày trong Nước Thiên Chúa (Ga 10,10; Pl 3,20). Người trẻ luôn được mời gọi trở thành những tác nhân sống động trong việc cử hành các bí tích. Nhờ đó, họ có thể tham gia đời sống Giáo hội cách tích cực và hữu hiệu hơn.

Tình yêu của Thiên Chúa trong thế giới thụ tạo chính là lòng thương xót của Người. Thiên Chúa tỏ bày lòng thương xót qua các bí tích hầu nuôi dưỡng sự sống và ban ơn cứu độ cho người lĩnh nhận. Người trẻ tham dự việc cử hành các bí tích với lòng thâm tín rằng, nhờ đó, họ được kết nối với Đức Giê-su, Đấng trẻ trung muôn đời. Tham dự việc cử hành các bí tích giúp người trẻ ngày càng trưởng thành hơn trong ơn gọi Ki-tô hữu của mình. Đồng thời, người trẻ được bồi bổ đời sống tâm linh hầu có thể đương đầu với muôn hình thức khó khăn, bấp bênh giữa lòng thế giới. Hơn nữa, tham dự việc cử hành các bí tích làm cho người trẻ ý thức hơn về tính cộng đoàn trong đời sống mình giữa muôn hình thức chủ nghĩa nảy sinh trong thế giới đương đại, nhất là chủ nghĩa cá nhân (individualism), chủ nghĩa lãnh đạm (indifferentism) và chủ nghĩa tiêu thụ (consumerism).

Để tham dự các bí tích (nhất là Bí tích Thánh Thể) cách tích cực, năng động và hữu hiệu, người trẻ cần luôn tỉnh thức, luôn chuẩn bị. Chúng ta biết rằng bốn tác giả Tin Mừng đều trình thuật biến cố Đức Giê-su thực thi phép lạ (dấu lạ) cho hơn năm ngàn người ăn từ năm chiếc bánh và hai con cá của một người trẻ. Điều đáng chúng ta quan tâm là trong khi hơn năm ngàn người không hề ‘chuẩn bị hành trang’ để theo Đức Giê-su thì một người trẻ lại chuẩn bị. Dưới nhãn quan của thánh Gio-an, Đức Giê-su thực thi dấu lạ này để trình bày Bí tích Thánh Thể (Ga 6,1-71, Diễn từ Bánh Hằng Sống). Sự đóng góp của người trẻ thật nhỏ bé nhưng hiệu quả thật lớn lao, bởi vì nhờ đó mà mọi người được ăn no thỏa, lại còn dư mười hai thúng đầy. Qua dấu chỉ hóa bánh ra nhiều cho dân Do-thái khỏi lâm cảnh đói khát, Đức Giê-su mời gọi mọi người hướng về Bí tích Thánh Thể, hướng về Thịt và Máu của Người trong bí tích này. Chính Đức Giê-su khẳng định: Tôi là Bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn Bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và Bánh tôi sẽ ban tặng, chính là Thịt tôi đây, để cho thế gian được sống” (Ga 6,51); “Ai ăn Thịt và uống Máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy” (Ga 6,56). Đây là dấu chỉ giúp mọi người nhận thức về tầm quan trọng của người trẻ và sự tham gia của người trẻ trong Giáo hội.

Bí tích Thánh Thể làm nên Giáo hội. Bí tích này đóng vai trò quan trọng trong đời sống Giáo hội cũng như đời sống các tín hữu. Công đồng Vatican II khẳng định rằng Bí tích Thánh Thể là: “Nguồn mạch và chóp đỉnh của đời sống Ki-tô giáo, họ dâng lên Thiên Chúa Lễ Vật thần linh và cùng với Lễ Vật ấy họ tự dâng chính mình họ” (LG 11). Đức Giê-su đã xuống thế làm người, sống thân phận con người, giống con người mọi sự ngoại trừ tội lỗi. Người đã chịu nhiều đau khổ, chịu chết, phục sinh và lên trời. Tuy nhiên, Người ở cùng với mọi người trong gia đình nhân loại cho đến tận thế, đặc biệt, trong Bí tích Thánh Thể. Trung thành với giáo l‎ý về Bí tích Thánh Thể của Công đồng Tren-tô (1545-1563), Giáo lý Hội Thánh Công giáo khẳng định: “Trong bí tích cực thánh, có sự hiện diện đích thực, thực sự và bản thể của Mình và Máu Đức Ki-tô, cùng với linh hồn và thiên tính của Người, nghĩa là Đức Ki-tô trọn vẹn" (GLHTCG 1374). Ai tham dự Bí tích Thánh Thể cách trọn vẹn, ai rước lấy Đức Giê-su trong Bí tích Thánh Thể thì ở lại trong Đức Giê-su và Đức Giê-su ở lại trong người ấy. Nhờ đó, người ấy mới có thể là chứng nhân thực thụ của Đức Giê-su và Tin Mừng của Người giữa dòng đời.

4. Loan báo Tin Mừng

Câu chuyện hai môn đệ trên đường Em-mau giúp người trẻ nhận ra sự cần thiết để gắn bó với Đức Giê-su và cộng tác với Người trong việc loan báo Tin Mừng. Thánh Lu-ca cho chúng ta biết rằng sau khi Đức Giê-su chịu đau khổ và chịu chết, hai môn đệ thất vọng trở về Em-mau, phía Tây của Giê-ru-sa-lem. Chúng ta biết rằng hướng Tây là hướng mặt trời lặn, hướng của đêm tối, ‘hướng của sự chết’. Hơn nữa, họ trở về Em-mau trong cảnh chiều tà. Như vậy, thất vọng, hướng Tây, chiều tà giúp chúng ta hiểu thêm về tâm trạng của hai môn đệ. Họ rời bỏ Giê-ru-sa-lem hoa lệ, rời bỏ các môn đệ đồng trang lứa với lòng nặng trĩu vì niềm hy vọng vào Đức Giê-su, vào tương lai xán lạn của mình tan biến. Trong cảnh thê lương đó, Đức Giê-su phục sinh đã hiện ra với họ, đàm đạo với họ và giúp họ hiểu Kinh Thánh. Với lòng hiếu khách, họ đã mời Đức Giê-su ở lại nhà mình và dành thời gian cho Người. Đặc biệt, khi đồng bàn với họ trong bữa ăn tối, Đức Giê-su ‘cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho họ’. Nhờ đó, họ nhận ra Người.

Câu chuyện này có thể tóm lại trong ‘ba thì’ (1) cử hành Lời Chúa, (2) cử hành bí tích và (3) loan báo Tin Mừng. Là những người Do-thái thuần thành, chắc rằng hai môn đệ trên đường Em-mau siêng năng đọc Kinh Thánh Cựu Ước. Tuy nhiên, họ không nhận ra Đức Giê-su là ‘Điểm Đến’ của Cựu Ước và là ‘Điểm Đầu’ của Tân Ước, của chương trình Thiên Chúa tái tạo, hướng về Quê Hương vĩnh cửu khi Thiên Chúa quy tụ muôn vật muôn loài. Nhờ người khách bộ hành Giê-su chia sẻ và quảng diễn, họ mới hiểu được. Là môn đệ Đức Giê-su, họ đã chứng kiến việc Đức Giê-su thiết lập Bí tích Thánh Thể trong Bữa Tiệc Ly, Bữa Ăn Cuối Cùng (the Last Supper, Mt 26,26-29; Mc 14,22-25; Lc 22,19-20; 1 Cr 11,23-25). Cử chỉ Đức Giê-su ‘cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho họ’ không giống cử chỉ của bất cứ người nào khác mà họ đã từng chứng kiến. Đây là cử chỉ không lẫn vào đâu được! Sau khi người khách bộ hành biến mất, lòng tràn ngập niềm vui, bình an, hạnh phúc, hai môn đệ đã nhanh chân trở về Giê-ru-sa-lem, hướng Đông, hướng dương, hướng Đức Giê-su Mặt Trời Công Chính để chia sẻ niềm vui phục sinh với các môn đệ. Đồng thời, cùng với các môn đệ, họ đã ra đi loan báo Đức Giê-su và Tin Mừng của Người bằng đời sống mình.

Lời của Thiên Chúa trong Cựu Ước loan báo sự cộng tác của người trẻ trong việc loan báo Tin Mừng: “Ta sẽ đổ thần khí Ta trên hết thảy người phàm. Con trai con gái các ngươi sẽ trở thành ngôn sứ, người già được báo mộng, thanh niên thấy thị kiến” (Ge 3,1). Quả thật, trước khi về trời, Đức Giê-su nói với các môn đệ: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,19-20). Theo Công đồng Vatican II: Các tín hữu tháp nhập vào Giáo hội bởi phép Thánh Tẩy, và nhờ ấn tích, họ được đề cử thi hành việc phụng thờ Ki-tô giáo và, được tái sinh làm con Thiên Chúa, họ có bổn phận tuyên xưng trước mặt mọi người đức tin mà họ nhận lãnh từ Thiên Chúa qua Giáo hội” (LG 11). Người trẻ luôn ý thức rằng, Giáo hội tiếp tục sứ mệnh loan báo Tin Mừng mà Đức Giê-su ủy thác. Việc loan báo Tin Mừng thuộc về bản tính của Giáo hội, do đó, loan báo Tin Mừng cũng thuộc về bản tính của các Ki-tô hữu, của người trẻ.

Người trẻ không chỉ loan báo Tin Mừng cho người trẻ hay cho người trẻ hơn mà còn loan báo Tin Mừng cho hết mọi người. Quả thực, các chứng nhân trẻ trong lịch sử Kinh Thánh, lịch sử Giáo hội đã trở nên những mẫu gương sáng ngời cho mọi người trong mọi thời và khắp mọi nơi, chẳng hạn như I-xa-ác, Mô-sê, Giu-se (người con trai thứ mười một của Gia-cóp), Ghít-ôn, Rút, Đa-vít, ngôn sứ Sa-mu-en, Ê-li-sa, Hô-sê, A-mốt, I-sai-a, Giê-rê-mi-a, Đa-ni-en; Đức Ma-ri-a; thánh Pê-pê-tu-a, thánh An-nê, thánh Lu-xi-a, thánh Ma-ri-a Gô-rét-ti, thánh Đa Minh (Đô-mi-ni-cô Sa-vi-ô), thánh Tê-rê-xa Hài Đồng Giê-su. Trong thời đại hôm nay, không thiếu những người trẻ là những chứng nhân của Đức Giê-su và Tin Mừng của Người. Đời sống thánh thiện của họ phản chiếu khuôn mặt trẻ trung vĩnh cửu của Đức Ki-tô, chẳng hạn như Darwin Ramos (1994-2012, Bậc Đáng Kính, ở Phi-luật-tân), đứa trẻ nhặt rác đường phố hay Carlo Acutis (1991-2006, Chân phước, ở Ý), người trẻ thành thạo kỹ năng máy tính, thiết kế websites, say mê Bí tích Thánh Thể.

Người trẻ loan báo Tin Mừng cách hữu hiệu bằng đời sống chứng tá của mình. Trong Tông huấn Đức Ki-tô Đang Sống, Đức thánh cha Phan-xi-cô viết: “Trái tim Giáo hội cũng đầy những vị thánh trẻ đã hiến mạng sống mình cho Chúa Ki-tô, nhiều người trong số các ngài thậm chí đã tử vì đạo. Các ngài là những phản chiếu tuyệt diệu Chúa Ki-tô trẻ trung; chứng tá rạng rỡ của các ngài khuyến khích chúng ta và đánh thức chúng ta ra khỏi sự thờ ơ của mình.”[31] Các sách Tân Ước giúp người trẻ ý thức rằng hành trình loan báo Tin Mừng của Đức Giê-su luôn phải đương đầu với muôn vàn khó khăn. Tương tự như vậy, trong Giáo hội sơ khai, các môn đệ Đức Giê-su cũng luôn đối diện với nhiều phong ba bão táp trong hành trình làm chứng cho Đức Giê-su và Tin Mừng của Người. Lịch sử Giáo hội qua dòng thế kỷ để lại cho hậu thế nhiều kinh nghiệm quý báu trong việc làm cho Tin Mừng Đức Giê-su được bén rễ trong các nền văn hóa của gia đình nhân loại.

5. Bác ái xã hội

Người trẻ có thể đóng góp phần mình diễn tả sự trẻ trung của Giáo hội giữa lòng thế giới qua việc bác ái xã hội. Trong Sứ điệp gửi người trẻ khi kết thúc Công đồng Vatican II (ngày 08 tháng 12 năm 1965), các Nghị phụ nhấn mạnh: “Giáo hội lưu tâm muốn cho xã hội các bạn sắp thiết lập biết tôn trọng phẩm giá, tự do, quyền lợi của con người, cũng là chính con người các bạn.” Cũng trong Sứ điệp này, các Nghị phụ ngỏ lời với người trẻ: “Nhân danh Thiên Chúa và Con Ngài là Chúa Giê-su, chúng tôi khuyên các bạn hãy mở rộng tâm hồn ra tới mọi chiều hướng của thế giới, lắng nghe tiếng gọi của các anh em và đem những nghị lực trẻ trung ra phục vụ cho họ.” Đặc biệt, các Nghị phụ khuyến khích người trẻ: “Hãy chiến đấu chống mọi ích kỷ. Hãy chống lại, đừng tự buông thả theo các bản năng hung bạo và hận thù, là mầm mống gây nên chiến tranh và biết bao điều khốc hại khác. Xin hãy đại độ, trong sạch, kính cẩn và chân thành.” Như vậy, viễn kiến của Công đồng Vatican II vẫn mang tính thời sự cho người trẻ hôm nay và luôn mãi.

Trong Tông huấn Đức Ki-tô Đang Sống, Đức thánh cha Phan-xi-cô mời gọi mọi người hãy ý thức về ‘tiềm năng’ của người trẻ trong việc tham gia đóng góp phần mình xây dựng Giáo hội để Giáo hội thể hiện mình cách rõ nét hơn giữa lòng xã hội. Ngài viết: “Người trẻ có thể trợ giúp Giáo hội trẻ trung. Họ có thể ngăn Giáo hội khỏi phải hư hỏng; họ có thể giúp Giáo hội tiến về phía trước, ngăn Giáo hội khỏi kiêu ngạo và bè phái, giúp Giáo hội trở nên nghèo khó hơn và làm chứng tốt hơn, đứng về phía người nghèo và người bị ruồng bỏ… Người trẻ có thể cống hiến cho Giáo hội vẻ đẹp của tuổi trẻ bằng cách đổi mới khả năng của Giáo hội để ‘vui mừng với những khởi đầu mới, cống hiến hết mình, để được đổi mới và hướng tới những thành tựu lớn lao hơn nữa’.”[32] Quả thực, trong khi nhiều người lớn không quan tâm đúng mức tầm quan trọng của người trẻ tham gia các tác vụ của Giáo hội giữa lòng xã hội thì Đức thánh cha Phan-xi-cô lại đề cao sự tận tâm, lòng nhiệt huyết và đóng góp cách hào phóng của họ hầu giúp Giáo hội trình bày rõ nét hơn khuôn mặt của Đức Giê-su cho mọi người.

Đức thánh cha Phan-xi-cô nhìn nhận: “Nhiều người trẻ bị thu hút bởi khả năng giúp đỡ người khác, nhất là trẻ em và người nghèo. Hình thức phục vụ này thường là bước đầu tiên để khám phá hoặc tái khám phá cuộc sống trong Chúa Ki-tô và Giáo hội.”[33] Ngài mời gọi các bạn trẻ mạnh dạn dấn thân giữa lòng xã hội khi viết: “Các bạn trẻ thân mến, các bạn hãy tận dụng tối đa những năm tháng tuổi trẻ của mình. Đừng quan sát cuộc sống từ ban công. Đừng lẫn lộn hạnh phúc với chiếc ghế bành hoặc sống cuộc đời trước màn hình. Dù bạn làm gì, đừng trở thành cảnh tượng đáng tiếc của một chiếc xe phế thải! Đừng như những chiếc xe ở bãi đậu, nhưng hãy mơ ước một cách tự do và đưa ra các quyết định tốt.”[34] Đặc biệt, ngài mời gọi các bạn trẻ đừng thờ ơ, đừng hững hờ, đừng sợ hãi nhưng hãy chú ý, hãy quan tâm, hãy năng động: “Đừng trải qua cuộc sống trong tình trạng bị gây mê hoặc tiếp cận thế giới như những người du lịch. Hãy náo động! Hãy vứt bỏ những nỗi sợ làm tê liệt các bạn, để các bạn không trở thành những xác ướp trẻ. Hãy sống động! Trao cho mình những điều tốt đẹp nhất của cuộc sống. Mở cửa lồng, thoát ra ngoài và bay xa! Xin vui lòng, đừng nghỉ hưu sớm.”[35] Điều này có nghĩa rằng người trẻ cần gắn bó với những con người cụ thể, cần dành thời gian cộng tác với Giáo hội, với môi trường sống của mình trong khi vẫn học hỏi, tiếp thu những điều tốt đẹp và hữu ích qua màn hình ti-vi, máy tính, điện thoại di động cũng như các phương tiện truyền thông hiện đại khác.

Đức thánh cha Phan-xi-cô nhắn nhủ người trẻ: “Các bạn trẻ thân mến, đừng để thế giới lôi kéo các bạn vào những điều sai lầm và hời hợt. Hãy học cách bơi ngược dòng, hãy học cách chia sẻ Chúa Giê-su và đức tin Người đã ban cho các bạn.”[36] Giữa sóng dữ cuộn trào của xã hội đương đại, để trung tín với Đức Giê-su, lắm lúc người trẻ phải bơi ngược dòng. Đặc biệt, người trẻ cần biết nói ‘không’ với bất cứ điều gì ngược lại nội dung đức tin (Kinh Thánh, Truyền Thống và Giáo Huấn) mà mình đón nhận từ Giáo hội. Để có thể phản chiếu đức tin, tình yêu và hy vọng của bản thân vào chương trình mặc khải của Thiên Chúa mà đỉnh cao là Biến cố Đức Giê-su hiện diện và hoạt động trong hành trình trần thế, người trẻ được mời gọi không ngừng đọc Lời Chúa, suy niệm Lời Chúa và hành động theo Lời Chúa trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống mình.

Các giá trị nảy sinh từ Lời Chúa giúp người trẻ đóng góp phần mình xây dựng xã hội hầu giúp mọi người sống xứng đáng với phẩm giá mình là thụ tạo được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa và được mời gọi trở thành con cái Thiên Chúa. Người trẻ thường nhạy bén trong việc nắm bắt thực tại, do đó, với những gì tích lũy từ đời sống, đức tin của người trẻ sẽ đơm hoa kết trái trong hành động của họ. Hơn nữa, người trẻ không ngại gian lao, mạo hiểm khi phải đương đầu với nhiều thách đố. Đồng thời, khi vượt qua những thách đố đó cũng là khi người trẻ được trưởng thành hơn và sẵn sàng đối diện với những thách đố mới không ngừng nảy sinh trong các hình thái xã hội mà họ hiện diện và hoạt động.

Người trẻ có thể giúp Giáo hội bày tỏ những ưu phẩm được Thiên Chúa ban tặng giữa lòng thế giới. Người trẻ có thể làm cho Giáo hội luôn là thực thể trung tín với nội dung đức tin mà Giáo hội lãnh nhận, sống và chuyển tải. Đồng thời, người trẻ giúp Giáo hội luôn biết tích hợp những điều lành thánh, tốt đẹp từ các nền văn hóa khác nhau của gia đình nhân loại hầu làm cho Giáo hội ngày càng thể hiện tốt hơn vai trò ngôn sứ của mình giữa muôn dân nước. Với tâm thức bén nhạy và lòng nhiệt thành quảng đại, người trẻ đóng góp phần mình làm cho Giáo hội luôn là thực thể hướng về phía trước, thực thể của tiến trình bắt đầu (process of beginnings), tiến trình hoán cải (process of conversions), tiến trình đổi mới (process of renewals) luôn mãi cho đến thời cánh chung (eschaton) khi Thiên Chúa quy tụ muôn vật muôn loài trong Đức Ki-tô, Con Yêu Dấu của Người (Ep 1,10).

Kết luận

Chúng ta có thể kết luận rằng Đức Ki-tô là Đấng trẻ trung muôn đời. Trong hành trình trần thế, Người đã thiết lập Giáo hội để Giáo hội tiếp tục thực thi sứ mệnh loan báo Tin Mừng cho mọi người qua muôn thế hệ. Là bí tích, nghĩa là dấu chỉ và khí cụ của Đức Ki-tô giữa lòng thế giới, Giáo hội là thực thể trẻ trung luôn mãi theo khuôn mẫu Đức Ki-tô. Hơn nữa, Giáo hội trẻ trung luôn mãi vì Chúa Thánh Thần không ngừng canh tân, đổi mới để Giáo hội luôn là Hiền Thê trung tín với Đức Ki-tô là Phu Quân của mình. Đặc biệt, Giáo hội luôn trẻ trung bởi vì Giáo hội luôn nhận được sức mạnh từ Lời Chúa, từ việc cử hành các bí tích, nhất là Bí tích Thánh Thể. Nhờ sự hiện diện và hoạt động của Giáo hội trẻ trung, ân sủng của Thiên Chúa không ngừng tuôn chảy đến mọi người trong gia đình nhân loại.

Giáo hội nhìn nhận người trẻ là thành phần năng động, nhiệt huyết trong sự hiện diện và hoạt động của Giáo hội giữa dòng đời. Giáo hội ý thức rằng người trẻ không chỉ là tương lai mà còn là hiện tại của Giáo hội. Với kinh nghiệm lịch sử, Giáo hội giúp người trẻ nhận ra chương trình của Thiên Chúa đối với Giáo hội cũng như đối với họ cách rõ ràng hơn. Đặc biệt, Giáo hội giúp người trẻ thực thi những đam mê và hoài bão của mình cách phù hợp hơn giữa nhiều thách đố và muôn hình thức cám dỗ trong thế giới thụ tạo. Hơn nữa, Giáo hội giúp người trẻ biết nhận ra những dấu chỉ của Thiên Chúa, đọc được những dấu chỉ đó và hành động theo những dấu chỉ đó cách trung tín nhất. Giáo hội luôn ý thức rằng nhờ sự hiện diện của người trẻ, khuôn mặt của Giáo hội ngày càng được tỏ hiện cách rõ nét hơn giữa muôn dân tộc.

Người trẻ luôn ý thức rằng nhờ Bí tích Rửa Tội, họ được tham dự sự sống của Đức Ki-tô cũng chính là sự sống của Giáo hội. Nhờ đó, họ được trở nên bạn hữu của Người trong hành trình trần thế này. Đặc biệt, người trẻ luôn ý thức rằng họ được mời gọi trở thành môn đệ và tông đồ của Đức Ki-tô giữa dòng đời. Người trẻ luôn ý thức rằng thời trẻ trung của mình là thời hồng phúc. Để có thể trở nên dấu chỉ và khí cụ hữu hiệu của Đức Ki-tô cho anh chị em, người trẻ được mời gọi luôn cầu nguyện, suy niệm Lời Chúa, tham dự việc cử hành các bí tích, nhất là Bí tích Thánh Thể. Người trẻ tham gia đời sống Giáo hội cách chân thành khi biết sống theo những giá trị của Nước Thiên Chúa giữa lòng xã hội mà Đức Ki-tô đã loan báo và minh chứng trong hành trình trần thế mà cao điểm là sự đau khổ, sự chết và phục sinh của Người. Trong mọi hoàn cảnh, người trẻ ý thức rằng họ được mời gọi hiệp nhất nên một với Đức Ki-tô, nhờ đó, được hiệp nhất nên một với Thiên Chúa, với anh chị em mình và với muôn vật muôn loài trong thế giới thụ tạo hôm nay và luôn mãi.

Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGMVN, Số 142 (Tháng 7 & 8 năm 2024)

Gm. Phêrô Nguyễn Văn Viên

_______

[1] Pope Francis’ Address at Commemorative Ceremony for the 50th Anniversary of the Synod of Bishops, 17 October 2015.

[2] International Theological Commission: Synodality in the Life and Mission of the Church (2nd March 2018), 1.

[3] Ibid. 46.

[4] Christus Vivit 112.118.124., tại https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/tong-huan-christus-vivit-chua-kito-dang-song-38964

[5] Christus Vivit 13.

[6] Christus Vivit 23.

[7] St. Irenaeus, Against Heresies, Book III,24.1.

[8] Christus Vivit 35.

[9] Christus Vivit 13.

[10] Christus Vivit 34.

[11] Christus Vivit 35.

[12] Christus Vivit 35.

[13] Gaudium et Spes 10.

[14] St. Irenaeus, Against Heresies, Book II,22.4.

[15] Christus Vivit 178.

[16] Tài liệu Đúc kết của Thượng Hội đồng Giám mục Thế giới về Giới trẻ (ngày 27 tháng 10 năm 2018), 54.

[17] Ibid. 54.

[18] Christus Vivit 207.

[19] Christus Vivit 201.

[20] Christus Vivit 201.

[21] Christus Vivit 57.

[22] Christus Vivit 155.

[23] Christus Vivit 277.

[24] Christus Vivit 277.

[25] Christus Vivit 158.

[26] Aristotle, Nicomachean Ethics, Book VIII,3.

[27] Christus Vivit 150.

[28] Christus Vivit 153.

[29] St. Jerome, Commentary on Isaiah, Prol.: PL 24,17; cf. DV 25.

[30] Tài liệu Đúc kết của Thượng Hội đồng Giám mục Thế giới về Giới trẻ (27 Tháng 10, 2018), 108.

[31] Christus Vivit 49.

[32] Christus Vivit 37.

[33] Christus Vivit 225.

[34] Christus Vivit 143.

[35] Christus Vivit 143.

[36] Christus Vivit 176.
 

 

Nguồn: hdgmvietnam.com