Chúa Thánh Thần và Ơn Gọi Nên Thánh Của Linh Mục

20/08/2016
1758
CHÚA THÁNH THẦN VÀ ƠN GỌI NÊN THÁNH CỦA LINH MỤC
 

1. Linh mục hãy nhớ mình là người Kitô hữu.

Đời sống thiêng liêng của linh mục cũng triển nở theo những qui luật chung dành cho mọi Kitô-hữu: qui luật cầu nguyện là qui luật đức tin, và qui luật đức tin là qui luật đời sống.

Mọi Kitô-hữu đều phải tiếp xúc với Chúa Ki-tô, gặp gỡ Ngài trong lòng Giáo Hội, trong cử hành phụng vụ. Mọi Kitô-hữu đều phải củng cố và nuôi dưỡng đức tin, và đức tin ấy phải là đức tin sống động, đi vào cuộc sống thực tế.

Sự thánh thiện của người Kitô-hữu là
nên hoàn hảo như Cha trên trời là Đấng Hoàn Hảo. Mọi Kitô-hữu được mời gọi nên hoàn hảo trong tình yêu. Bác ái là cốt lõi của sự thánh thiện, vì phản ánh bán chất của Thiên Chúa là Tình Yêu.

Mọi Kitô-hữu đều được hiến thánh trong phép rửa ( 1 Cr. 6, 1 1 ), nên đều được kêu gọi nên thánh: Thiên Chúa đã kêu gọi tất cả chúng ta, từ đời đời Người đã tiền định cho tất cả chúng ta trở nên con cái của Người cùng với Đức Ki-tô và trong Đức Ki-tô ( Rm 28, 28-30 ). Người muốn cho ta được thông phần cương vị làm con Thiên Chúa của Đức Ki-tô, và ban cho ta hạnh phúc làm con. Đó là gia tài mà chúng ta được thừa tự, đồng thừa tự với Đức Ki-tô (Rm 8,16 ).

Chúa Thánh Thần mạc khải cho chúng ta biết ơn gọi Kitô-hữu và trở nên nguyên nhân, động lực, nguồn suối cho đời sống và việc thể hiện ơn gọi. Chính Ngài là Đấng Thánh Hóa, là sự Thánh Thiện của Thiên Chúa được thông ban cho ta, trở thành sự sống của chúng ta. Có Chúa Thánh Thần trong chúng ta, chúng ta được chia sẻ, được thông phần sự thánh thiện của Thiên Chúa, tình yêu và sự sống, và chính bản tính của Thiên Chúa (2Pr 1, 4).

Vì là Thần Khí của Chúa Ki-tô, Chúa Thánh Thần làm cho chúng ta trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Ki-tô trong cương vị làm Con Thiên Chúa của Người, trong tình yêu hiếu thảo của Người đối với Chúa Cha. Đó là điều sâu thẳm nhất nơi Đức Ki-tô và cũng là điều cốt yếu nhất. Chúa Thánh Thần làm cho chúng ta nên giống Chúa Ki-tô, học sống đạo với Chúa Ki-tô, học yêu mến Chúa Cha với Chúa Ki-tô, chia sẻ tình yêu gắn bó, mật thiết, say đắm của Chúa đối với Chúa Cha.

Chúa Thánh Thần còn làm cho chúng ta nên giống Chúa Ki-tô trong lòng mến của Người đối với anh em. Chúa Thánh Thần cho chúng ta chia sẻ tình yêu tự hiến của Chúa, lúc nào cũng sẵn sàng hy sinh sự sống vì những người mình yêu. Chúa Thánh Thần còn cho chúng ta chia sẻ kinh nghiệm được Chúa Cha yêu thương của chính Chúa Ki-tô. Ngài cho chúng ta chia sẻ tất cả những gì sâu kín nơi Chúa Ki-tô.


2. Đời sống thánh thiện của linh mục.

Linh mục có bổn phận nên thánh như các Kitô-hữu khác, và còn được mời gọi nên thánh cách đặc biệt hơn. Nói theo kiểu Phao-lô, linh mục phải là người thần thiêng trọn hảo, là người cởi mở, luôn săn sàng lắng nghe Thánh Thần. Các ngài bước đi theo Thánh Thần, sống theo Thánh Thần :

Những ai thuộc về Đức Giêsu-Kitô thì đã đóng đinh xác thịt vào thập giá làm một với các tình dục và đam mê. Nếu sống bởi Thần Khí, thì ta cũng hướng theo Thần Khí mà tiến bước (Gl 5, 25).

Là thừa tác viên của Đức Ki-tô Phục Sinh vinh hiển, Đấng đã trở nên Thần Khí tác sinh, linh mục phải trở nên thần thiêng cùng với Ngài, vì kẻ kết hiệp với Chúa, thì nên một Thần Khí với Ngài ( 1 Cr. 6, 1 7 ).

CĐ Vatican II khẳng định linh mục nên thánh nhờ thừa tác vụ. Điều đó rất đúng và rất phù hợp, vì thừa tác vụ của linh mục là thừa tác vụ của Thánh Thần (2Cr.3,8), thừa tác vụ công chính hóa ( 2 Cr 3, 9 ).

Linh mục được xức dầu Thánh Thần và sai đi giống như Chúa Ki-tô. Trong bí tích truyền chức, linh mục được hiến thánh vì sứ vụ. Các ngài nhận lãnh Chúa Thánh Thần như một lời mời gọi và một hồng ân thánh hóa trong và qua thừa tác vụ.

Chính lúc thi hành
thừa tác vụ Thần Khí và sự công chính, các linh mục đâm rễ sâu vào đời sống thiêng liêng, miễn là họ biết đón nhận Thần Khí ban sự sống của Đức Ki-tô và để cho Thần Khí dẫn đưa.

Linh mục nên thánh nhờ công việc rao giảng: bài học khiêm nhường- bài học kiên trì - bài học đức tin- bài học chịu khó- rao giảng còn đi với cầu nguyện cho chính mình và cho người nghe. Việc rao giảng là cơ hội để linh mục không ngừng tiếp xúc với Lời Chúa, và chính Lời Chúa sẽ dưỡng nuôi linh mục, vì Lời Chúa là Lời Sự Sống, đầy Thần Khí. Vả lại tác giả chính của Lời Chúa là Chúa Thánh Thần. Khi tiếp xúc với Lời Chúa, linh mục tiếp xúc với Chúa Thánh Thần là tác giả, được Chúa Thánh Thần hướng dẫn, dạy dỗ. Sách Kinh Thánh mà linh mục không ngừng sử dụng là môi trường tốt nhất
để kinh nghiệm về Chúa Thánh Thần. Khi giảng dạy, linh mục hãy nhớ giảng dạy cho chính mình trước.

Linh mục nên thánh nhờ cử hành các bí tích. Mọi bí tích đều mang lại ân sủng, không những cho
thụ nhân, mà cho cả chủ sự cử hành. Mọi bí tích đều là bí tích đức tin, nên sẽ nuôi dưỡng và củng cố đức tin cho thừa tác viên cử hành xứng đáng. Mỗi lần cử hành bí tích là một lần gặp gỡ giữa Đức Ki-tô và Giáo Hội. Linh mục thể hiện đức ái mục tử bằng việc siêng năng cử hành bí tích, sẵn sàng hy sinh thì giờ, sức khoẻ, để ban bí tích cho con chiên. Linh mục còn cử hành phụng vụ để giáo dục Dân Chúa, và chính linh mục cũng được hường nhờ sự giáo dục của Chúa Thánh Thần trong phụng vụ.

Linh mục là người phân phát các mầu nhiệm (1Cr.4,1). Mầu Nhiệm chủ yếu là Đức Ki-tô, Đấng trong Chúa Thánh Thần, là nguồn sự thánh thiện và là Đấng kêu gọi nên thánh. Mầu Nhiệm Ơ giữa lòng cuộc sống của linh mục, và là
mầu nhiệm ơn cứu độ, là sự sống thần thiêng mà linh mục được hưởng nhờ. Là người phân phát mầu nhiệm, linh mục là người mang Thần Khí Đức Ki-tô đến cho nhân loại. Mầu nhiệm còn là mầu nhiệm thập giá Chúa Ki-tô mà linh mục uốn mình cho phù hợp với.

Linh mục còn nên thánh nhờ các công việc mục vụ khác: hướng dẫn Dân Chúa, chăm sóc các linh hồn. Linh hồn của các công việc mục vụ phải là
đức ái mục tử, mà Chúa Thánh Thần đổ tràn trên con người linh mục, khi ngài được hiến thánh trong bí tích truyền chức, để thừa tác vụ của linh mục là một dịch vụ yêu thương. Mỗi linh mục đều phải đón nhận thừa tác vụ của mình như một nghĩa vụ tình yêu (officium amoris ), với tất cả ý thức và tự do, đón nhận vào trong trí tuệ và trái tim, đưa vào trong các quyết định và hành động.

 
Đức TGM. Phaolô Bùi Văn Đọc