WHĐ (28.12.2023) – Nhân dịp Ủy ban Giáo sĩ và Chủng sinh tổ chức Hội nghị thường niên của các Đại Chủng viện ở Việt Nam, tại Tòa tổng Giáo phận Hà Nội, từ ngày 07-10/8/2023, với chủ đề: “Đồng hành Tòa trong và Tòa ngoài trong việc đào tạo linh mục tại Việt Nam,” xin gửi tới quý độc giả một số bài viết cho Hội nghị của Linh mục Phêrô Nguyễn Văn Hương, Phó Giám đốc Đại Chủng viện Thánh Phanxicô Xaviê.
Bài 5:
NGHỆ THUẬT ĐỒNG HÀNH ƠN GỌI LINH MỤC
Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương
Dẫn nhập
Cha Anthony de Melo kể lại một câu chuyện rất ý vị: Một ngày nọ, có một chú chuột đi kiếm ăn. Chuột ta thấy một miếng thịt bò ở trong một tủ đựng thức ăn. Chuột tìm cách đề vào nhưng không có cách gì vào trong được. Tìm hết cách, bỗng nhiên, chú chuột phát hiện ra ở phía dưới cửa tủ, có một lỗ thông khí, nên nghĩ là sẽ chui vào trong được. Nhưng khổ nỗi, lỗ thì nhỏ mà mình chuột thì to quá; sau bao nhiêu cố gắng cũng bất thành. Chuột mới phát sinh một sáng kiến, để vào trong đó, cần phải nhịn ăn để mình nhỏ lại. Thế là chuột đã nhịn ăn mấy ngày, và cuối cùng chuột thành công. Chú vào trong và ăn hết miếng thịt bò cách ngon lành. Sau khi ăn xong, chuột lại mập ù lên và không thể nào thoát ra được. Thế là chuột lại phải tìm diệu kế ăn kiêng, cuối cùng đâu vào đấy, chú chuột gầy ra và thoát chết sau khi được miếng thịt bò.
Câu chuyện ngụ ngôn có thể giúp chúng ta xem lại quan niệm về thiên chức linh mục. Chức linh mục không phải như “miếng thịt bò trong mắt chuột”, cũng không phải là phần thưởng, “đặc ân” hay địa vị, bằng mọi cách, với mọi giá, “chấp nhận nín thở qua sông” để tìm kiếm và chiếm giữ cho bằng được, khi đạt được rồi thì muốn sống thế nào thì sống. Nhưng trở thành linh mục là sự đáp trả tình yêu cho một lời gọi cao quý của Thiên Chúa qua một quá trình rèn luyện, biến đổi mình nên giống Chúa Kitô, khuôn mẫu lý tưởng của linh mục.
Không ai có thể tự nhiên là thánh, cũng không ai có thể tự nhiên là quỷ, thánh hay quỷ là một quá trình trở nên. Ơn gọi linh mục cũng thế. Trở nên linh mục, cần phải trải qua một quá trình huấn luyện bởi, trong và cho Giáo Hội.
I. KHÁI NIỆM VÀ Ý NGHĨA
Trong tiến trình huấn luận, có ba hạn từ quan trọng mà chúng ta cần đặc biệt lưu tâm, đó là: giáo dục (education), huấn luyện (formation) và đồng hành (accompagnament). Educere có nghĩa là dẫn ra, phân biệt, làm cho rõ. Áp dụng trong đào tạo, nó có nghĩa là đào bới, kéo ra, là đưa ra ánh sáng sự thật về mình, giáo dục là giúp biết mình, giúp khám phá cái tôi hiện tại (actual self) của người thụ huấn.
Hạn từ huấn luyện trong tiếng Latinh dùng động từ formare, có nghĩa là “đưa ra một khuôn mẫu, tạo một hình thức mới để trở nên.” Huấn luyện là tạo nên căn tính mới, đời sống mới nơi ứng sinh, là tạo nên cái tôi lý tưởng (ideal self). Theo nghĩa này, huấn luyện không chỉ là năng động tự thể hiện mình (self-realization), mà còn là năng động tự siêu việt bản thân (self-transcendence) theo một khuôn mẫu lý tưởng là Đức Kitô.
Còn hạn từ đồng hành (accompagnement) từ thời Trung Cổ, trong tiếng Latinh dùng là từ “cum-panio”, có nghĩa là chung một tấm bánh. Tự bản chất, đồng hành có nghĩa chia sẻ. Theo ý nghĩa này, đồng hành là muốn nói đến sự chia sẻ, chia sẻ điều gì đó từ cuộc sống như “của ăn đàng”, đó là đức tin, là ký ức về Thiên Chúa, kinh nghiệm về cuộc chiến đấu thiêng liêng, về việc tìm kiếm và cả tình yêu dành cho Người.[1]
Theo ý nghĩa thần học, huấn luyện linh mục là công trình của Ba Ngôi: Chúa Cha giáo dục, Chúa Con huấn luyện và Chúa Thánh Thần đồng hành.
Theo ý nghĩa Giáo Hội học, huấn luyện là sứ vụ được giao phó cho các nhà đào tạo và là trách vụ của các ứng sinh. Sứ vụ này được cụ thể hóa trong việc đồng hành ơn gọi.
Có nhiều cách định nghĩa về việc đồng hành thiêng liêng, trong số đó, chúng ta chỉ chọn một định nghĩa được nhiều người đón nhận. Đó là định nghĩa của cha Manenti SJ.: “Đồng hành là một sự giúp đỡ tạm thời (temporaneo) và như phương tiện (strumentale) mà một người làm cho người khác để họ có thể nhận ra hành động của Thiên Chúa nơi bản thân và đáp trả lại hành động này bằng việc dần dần sống kết hợp với Thiên Chúa qua việc bắt chước Chúa Kitô”[2].
Liên quan đến vấn đề này, Bộ Giáo Sĩ nói rất chí lý như sau: “Trong các giai đoạn khác nhau của tiến trình đào tạo, chủng sinh cần những người có trách nhiệm về đào tạo đồng hành cách riêng, mỗi vị theo vai trò và thẩm quyền riêng của mình. Mục đích của việc đồng hành cá nhân là giúp phân định ơn gọi và đào tạo người môn đệ truyền giáo”[3].
Khi nói đến những phương tiện đào tạo, Bộ Giáo Sĩ nói đến hai hình thức của việc đồng hành cá nhân và cộng đoàn: Về việc đồng hành cá nhân, Ratio hướng dẫn: “Vì nhắm đến sự ngoan ngùy (docibilitas) đối với Chúa Thánh Thần, nên việc đồng hành riêng với từng người là một phương tiện đào tạo thiết yếu. Những cuộc trao đổi riêng (colloquio personale) với các nhà đào tạo phải được diễn ra đều đặn và thường xuyên. Như vậy, trong thái độ ngoan ngùy với Chúa Thánh Thần, chủng sinh sẽ dần dần nên giống Chúa Kitô. Việc đồng hành này phải đưa vào mọi khía cạnh của nhân cách và phải giáo dục để chủng sinh biết lắng nghe, biết đối thoại, biết ý nghĩa đích thực của đức vâng lời và đạt được sự tự do nội tâm. Mỗi nhà đào tạo, theo lãnh vực và thẩm quyền riêng, có nhiệm vụ giúp chủng sinh ngày càng sẵn sàng đối với tác động của ân sủng, đồng thời sáng suốt về chính con người mình, về những tài năng đã lãnh nhận và cả về những mỏng giòn nơi chính mình.”[4]
Về thời gian đồng hành, Bộ Giáo Sĩ khuyên: “Việc đồng hành phải được thực hiện từ lúc khởi đầu của tiến trình đào tạo và suốt cả đời, mặc dù sẽ được làm theo một cách khác sau khi chịu chức.”[5]
Bộ Giáo Sĩ còn nói đến việc đồng hành cộng đoàn: “Đời sống cộng đoàn phải ảnh hưởng trên mỗi chủng sinh, thanh lọc ý hướng của họ, biến đổi cách sống của họ, để từng bước họ nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô.” Chủng viện là “ngôi nhà và trường của tình hiệp thông và có được mối hiệp thông từ sự hiệp thông của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, linh mục được mời gọi trở nên ‘con người của hiệp thông.’ Vì vậy, ở chủng viện, những mối dây liên kết được dệt nên giữa nhà đào tạo và chủng sinh cũng như giữa chính chủng sinh với nhau phải mang đậm dấu ấn tình phụ tử và tình huynh đệ.”[6]
II. MÔ HÌNH ĐỒNG HÀNH
Có nhiều mô hình đồng hành như mô hình đồng hành của Gioan Tẩy Giả với các môn đệ ông (x. Ga 1,29; 3,30), mô hình Chúa Giêsu nói chuyện với người phụ nữ Samari bên bờ giếng Giacóp (x. Ga 4,5-15) v.v…, nhưng sau khi suy nghĩ và bàn luận, Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới về giới trẻ (2019) đã chọn mô hình đồng hành Emmaus để áp dụng cho việc huấn luyện người trẻ.[7]
Theo đó, Chúa Giêsu đã thực hiện một cuộc hành trình với hai môn đệ trên đường về Emmaus. Sự đồng hành này là hình tượng của mọi hình thức đồng hành trong đức tin. Theo đó, Chúa Giêsu gặp gỡ, cùng bước đi với hai môn đệ, trò chuyện với họ, nói cho họ nghe những chuyện xảy ra, đi vào trong đêm tối của họ và giải thích cho họ hiểu các sự kiện dưới ánh sáng Lời Chúa. Rồi sau đó, cùng với họ Người “bẻ bánh,” họ nhận ra Người, lòng họ bừng lên, mắt họ sáng ra và liền quay trở về Giêrusalem để loan báo cho mọi người biết Chúa đã sống lại (Cf. Lc 24, 13-35).[8]
Theo mô hình này, đồng hành là một tiến trình, trong đó có thể phân biệt ba giai đoạn, hay có 3 năng động: Nhìn (Vedere), hiểu (Comprendere) và hành động (Agire), hay nói cách khác có ba bước đồng hành: khởi đầu, cùng hợp tác và kết thúc.
1. Nhìn (Vedere), “Người cùng đi với họ” (Lc 24,17-24)
Như Chúa Giêsu đã làm trên hành trình Emmaus, đồng hành là nghệ thuật tiếp cận, tiến lại gần, đi bên cạnh với một người được đồng hành, để nhận diện và tình trạng đời sống, cũng như thấy vấn đề của họ nhờ sự quan sát.
Trong giai đoạn khởi đầu này, trước hết, nhà đồng hành và người được đồng hành cần tạo những mối tương quan gần gũi, thân thiện, tin tưởng và cởi mở với nhau. Đặc biệt hai bên tạo nên “môi trường tin tưởng và chân thành” với nhau.
Sau đó, cần xác định phạm vi đồng hành: về thời gian, lúc nào, bao nhiêu lần? Đâu là mục đích của việc đồng hành thiêng liêng (ơn gọi); vai trò của nhà đồng hành (khác với vai trò của giám đốc, giáo sư, giám học, quản lý…).
Để việc đồng hành hiệu quả, cần tìm hiểu về lịch sử ơn gọi, lịch sử đời sống của ứng sinh, đọc lại hồ sơ của họ để hiểu biết họ đầy đủ hơn.
2. Thấu hiểu (Comprendere), “mắt họ liền mở ra” (Lc 24,25-27)
Nhờ sự gần gũi lắng nghe và chia sẻ dưới ánh sáng Lời Chúa, Chúa Giêsu làm cho hai môn đệ trên đường về Emmaus thấu hiểu những gì đang xảy ra và ý nghĩa của các biến cố trong cuộc sống của họ. Chúa thấu hiểu nỗi buồn, sự thất vọng và dự định của họ sau biến cố thập giá.
Đồng hành là nghệ thuật tiếp cận để thấu hiểu một hoàn cảnh, một vấn đề của người được đồng hành trong toàn bộ đời sống của họ. Trong đồng hành, Lời Chúa đóng vai trò rất quan trọng trong việc soi sáng để nhận biết thực tại và đương sự. Sự hiểu biết này không thể là sơ sài, hời hợt, bên ngoài, nhưng là sự hiểu biết đúng, đầy đủ và sâu xa; hiểu rõ hoàn cảnh, tình trạng và vấn đề của người thụ huấn, cùng nhau đào bới, đưa ra ánh sáng sự thật về mình, tìm hiểu lý do, nguyên nhân và hậu quả của chúng để tìm giải pháp và quyết định thay đổi dưới sự tác động của Chúa Thánh Thần hướng dẫn.
Đây là giai đoạn hợp tác giữa hai bên. Chỉ khi tương quan đồng hành được thiết lập cách ổn định và lành mạnh, chúng ta mới có thể thực hiện việc khám phá bản thân để hiểu biết mình.
Trong giai đoạn này, đồng hành là giúp người thụ huấn khám phá và nhận thức một cách chính xác nếp sống, các hành vi, thái độ sống, thói quen, tâm tư, tình cảm, cảm xúc, động lực bên trong, chọn lựa nền tảng; giúp nhận diện những sở thích, sở trường, các phản ứng, phán đoán trước một hoàn cảnh v.v… Tất cả những điều này có phù hợp với các giá trị Tin Mừng và lý tưởng linh mục không?
Quá trình đồng hành là cố gắng giúp ứng sinh khám phá những bất nhất nền tảng thuộc vô thức, nghĩa là làm cho người thụ huấn ý thức về điều mà họ đang sống trong cách thế vô thức và giải quyết những bất nhất nền tảng vô thức đó.
3. Hành động (Agire), “họ trở lại Giêrusalem” (Lc 24,28-35)
Sau khi đã gần gũi, chia sẻ với họ, Chúa Giêsu cùng cử hành lễ Bẻ Bánh, nhờ Lời Chúa và Thánh Thể, mặt họ sáng ra, lòng họ bừng cháy lên lửa yêu mến và lòng nhiệt thành tông đồ, họ nhận ra Chúa đã phục sinh và quay trở lại Giêrusalem để loan báo cho mọi người.
Mục đích của đồng hành là giúp người thụ huấn nhận ra chính Chúa đang hiện diện trong cuộc sống mình, nhờ sự chia sẻ kinh nghiệm đức tin, nhờ Lời Chúa và cử hành Thánh Thể, họ càng ngày càng gia tăng lòng yêu mến Chúa và trở nên người tông đồ nhiệt thành cho tha nhân.
Trong giai đoạn cuối này, đồng hành là cùng nhau đưa ra chương trình hành động, là tìm ra giải pháp cho vấn đề đang xảy ra trong họ.
Trong giai đoạn này, huấn luyện là tiến trình xây dựng nơi người thụ huấn con người mới trong Đức Kitô, hình thành nơi họ cách sống mới, thái độ sống mới, lối suy nghĩ mới, tâm tình và ước muốn của chính Chúa Kitô. Ở đây, mầu nhiệm thập giá và mầu nhiệm phục sinh gắn liền nhau. Phải qua hy sinh, tự hủy, chết đi thì mới phục sinh phục sinh con người mới trong Đức Kitô nhờ Thánh Thần. Nghĩa là trở nên đồng hành đồng dạng với Chúa Kitô, là Đầu và Mục Tử.
Nhà đồng hành cần khôn ngoan biết dành khoảng trống cho người được đồng hành tự đảm nhận trách nhiệm của mình, tự quyết định và hành động để thay đổi cuộc sống mình tốt hơn. Nhà đồng hành cuối cùng cũng phải như Gioan Tẩy Giả, nghĩa là ý thức mình là người dọn đường, người dọn chỗ, mà không chiếm giữ họ, nhưng vui vẻ với sứ vụ của mình là “bạn của chàng rể”: “Giờ đây, niềm vui của tôi được trọn vẹn. Người phải lớn lên, con tôi phải nhỏ lại” (Gv 3,30).
Ngày nay trong sư phạm giáo dục, người ta thích nói đến vai trò chủ động của người thụ huấn, nhờ sự đồng hành, cuối cùng họ được mời gọi trở nên tự trưởng thành, người có khả năng tự đứng vững trên đôi chân của mình, dù phải đối diện với những khó khăn thử thách.
III. NHỮNG PHẨM CHẤT VÀ THÁI ĐỘ ĐỒNG HÀNH
Ai trong chúng ta muốn hay chấp nhận đồng hành với một người nào đó trên hành trình tiến tới sự trưởng thành thiêng liêng và tự do nội tâm, người ấy cần phải được cảm hứng bởi một quan niệm tích cực về con người và mở ra giá trị hướng tới sự siêu việt.
Theo quan điểm triết học, con người không được nhìn như là một vấn đề (problème), nhưng là một huyền nhiệm (mystère) (x. Gabriel Marcel).
Theo quan điểm Kinh Thánh, con người là hình ảnh Thiên Chúa (St 1,26). Bởi thế, người ta không được phép giảm thiểu con người chỉ là vấn đề. Con người cưu mang trong mình nguồn lực phong phú vô tận mà Thiên Chúa phú bẩm và những khát vọng vô biên, hướng tới sự tự siêu việt bản thân, tới giá trị cao cả.
Nhưng nơi con người cũng mang dấu ấn của những giới hạn và những nét mỏng giòn: bất toàn, yếu đuối, sợ hãi, tội lỗi v.v… Đây là thực tại nghịch lý hiện hữu trong chính con người. Mỗi ứng sinh là một “mầu nhiệm” đối với chính mình (Ratio 28).
Để thực hiện tốt việc đồng hành, nhà đào tạo và cả người thụ huấn cần có những phẩm chất và thái độ thiết yếu cho công việc này.
1. Đòi hỏi từ phía nhà đồng hành
Về phẩm chất, Bộ Giáo Sĩ đòi hỏi: “Các nhà đào tạo được mời gọi giữ kín về những gì liên quan đến cuộc đời chủng sinh. Nếu muốn đồng hành một cách đúng đắn, quân bình, với thái độ kính trọng sự tự do và lương tâm của người khác, cũng như giúp cho sự phát triển nhân bản và thiêng liêng của họ, thì mỗi nhà đào tạo phải có những điều kiện thích hợp và những khả năng về nhân bản, thiêng liêng, mục vụ và chuyên môn xứng đáng… Ngoài ra, bất cứ ai được trao cho trọng trách đào tạo cũng phải được chuẩn bị một cách chuyên biệt và phải có lòng tận tụy quảng đại. Nhà đào tạo phải hiện diện toàn thời gian, và trước hết, họ phải là chứng nhân qua lòng yêu mến và phục vụ dân Chúa, bằng cách xả thân hết mình cho Giáo Hội mà không tính toán”.[9]
2. Đòi hỏi từ phía người được đồng hành
Sau đây là những thái độ cần thiết mà người thụ huấn cần có:
* Chân thành: tránh mưu mẹo, lươn lẹo, khéo mồm, nhưng thành thật, chân tình. Có nói có, không nói không, còn gian dối là ma quỷ (x. Mt 5,37). Ratio đòi hỏi: “Tiến trình đào tạo đòi hỏi chủng sinh phải hiểu biết chính mình và để cho mình được hiểu biết nhờ vào một mối tương quan thành thật và trong sáng với các nhà đào tạo” (số 45). Vì sự thật sẽ giải thoát chúng ta và làm cho chúng ta được tự do (x. Ga 8,20.32).
* Tin tưởng: Bộ Giáo Sĩ nói rằng: “Sự tin tưởng lẫn nhau là một nhân tố thiết yếu trong tiến trình đồng hành. Trên bình diện giáo dục, cần xác định rõ những phương thức cụ thể nhằm nuôi dưỡng và nâng đỡ một sự tin tưởng như thế. Trước hết, cần phải tạo điều kiện để có được một bầu khi thanh thản thuận lợi cho sự tín nhiệm hoàn toàn và tin tưởng nhau.”[10] Hễ ai tin cậy Chúa Thánh Thần thì cũng tin cậy những trung gian của Người. Hễ ai biết phó mình trong tay Chúa Thánh Thần thì không lo sợ khi chia sẻ lịch sử đời mình với người đồng hành trong sự cởi mở, tin tưởng và phó thác.
* Cởi mở: Điều kiện để đồng hành và biến đổi là thái độ cởi mở. Ứng sinh sẵn sàng bộc lộ thế giới nội tâm của mình, những trở ngại và tổn thương, hy vọng và lo âu, thói quen và tật xấu, sở trường và sở đoản, cả sự bất nhất nền tảng vô thức và có ý thức v.v… với các nhà đào tạo, nhất là cha Linh hướng. Không có cởi mở không có đào tạo. Vì thế, việc đồng hành chỉ làm cho qua chuyện, là tán gẫu!
* Thái độ ngoan ngùy (Docibilitas): Đây là thái độ sẵn sàng của một người luôn “biết học để lớn lên.” Học từ mọi người, mọi hoàn cảnh, kể cả từ những sai lầm của mình và của người khác để trưởng thành. Người luôn ở trong tình trạng huấn luyện.
Ngoan ngùy cũng có nghĩa là trở nên dễ bảo, dễ uốn nắn, thay vì cứng cỏi, cứng đầu, cứng lòng.
Về điều này, Bộ Giáo Sĩ quả quyết: “Vì nhắm đến sự ngoan ngùy đối với Chúa Thánh Thần, nên việc đồng hành riêng với từng người là một phương thế đào tạo thiết yếu.”[11]
Như thế, để việc đồng hành này có kết quả, cần hội đủ nhiều yếu tố: 1) Yếu tố ân sủng của Thiên Chúa và tác động của Chúa Thánh Thần. 2) Yếu tố đáp trả của ứng sinh là thiết yếu và cần thiết. 3) Yếu tố giáo hội học là vai trò của các nhà đào tạo và cộng đoàn Giáo Hội. Nhờ đó, công cuộc huấn luyện linh mục mới hứa hẹn những kết quả tốt đẹp như Chúa và Giáo Hội mong muốn.
IV. PHƯƠNG PHÁP ĐỒNG HÀNH
Đồng hành với một người là một nghệ thuật của các nghệ thuật. Người thi hành sứ vụ này cần phải có sự hiểu biết, phương pháp và chiến lực đồng hành phù hợp thì mới hy vọng việc đồng hành đó có kết quả tốt.
Carl Rogers cung cấp cho chúng ta một phương pháp mới để thực hiện sứ mạng này trong hành trình hướng tới sự trưởng thành nội tâm của người thụ huấn.
1. Carl Rogers và liệu pháp “trọng tâm nhân vị” (client-centered psychotherapy)
Carl Rogers (1902-1987) sinh ở Illinois, tại Oak Park, là một khu phố ở Chicago, từ một gia đình rất hiệp nhất, ông là một trong những cha đẻ sáng lập nên khoa tâm lý duy nhân bản. Ông đưa ra một lối tiếp cận và phương pháp giúp làm sáng tỏ tầm quan trọng của những nguồn năng lực và những khả thể tiềm ẩn trong mỗi cá thể.
Carl Rogers phát triển lối tiếp cận tư vấn tâm lý “tập trung trên bệnh nhân hay trên nhân vị,” dựa trên một quan niệm tích cực (positive) về con người, khởi đi từ giả thiết rằng mỗi người có những giá trị nội lực vô tận, khả năng tự xác định, khả năng tự giải quyết và tự siêu việt chính mình. Theo lối nhìn này, Rogers cho rằng chính những “bệnh nhân” hay người được đồng hành là nhân vật chính trong việc khám phá khả năng tái lập sự quân bình cho mình cách tốt hơn; chính họ là người tự thân tìm ra giải đáp cho chính mình dựa trên “sức mạnh nền tảng” (forza di base); chính họ có khả năng để hiểu và tái cấu trúc, tái tổ chức bản thân từ những nguồn lực và sức mạnh nội tại nơi mình.
Theo phương pháp này, người tư vấn hay nhà đồng hành chỉ đóng vai trò là người “hộ sinh,” nói theo ngôn ngữ của triết gia Socrates. Nghĩa là chỉ đóng vai trò đi bên cạnh, trợ giúp và khơi thông những nguồn lực đó nơi bệnh nhân hay người được đồng hành để họ phát huy tối đa tố chất và năng lực của mình cho một sự phát triển toàn diện, cũng như để chính họ tìm ra giải pháp cho những khó khăn trong hành trình của mình. Nhiệm vụ của người hướng dẫn đơn giản chỉ là như thế, nghĩa là đi bên cạnh và giúp đỡ chứ không áp đặt cách một chiều mọi giải pháp cho người được đồng hành.
Đây là một phương pháp được gọi là “giúp những người khác biết tự giúp mình”. Hình thức giúp đỡ này đặt vai trò của người được đồng hành như là nhân vật chính trong hành trình của mình hướng tới sự trưởng thành. Chính vì lý do này mà ngày nay, người ta thường thích dùng hạn từ “đồng hành” (accompagnamento) để diễn tả công việc này hơn là hạn từ “hướng dẫn” (direzione).
Chúng ta có thể mượn câu chuyện trong tiểu thuyết “Nghìn lẻ một đêm” với câu chuyện “Ông già xứ Ba Tư” để diễn tả thực tại này. Ở Ba Tư, có người nông dân đang sở hữu một nông trại rộng lớn, vườn rộng ao sâu, nhiều hoa quả và thú vật quý hiếm. Ông ta nghe lời một vị đạo sĩ nên bán hết ruộng vườn để đi tìm kim cương. Ông lặn lội đi tìm hết nước này sang nước khác, nhưng không tìm thấy kim cương đâu cả. Cuối cùng, hết tiền, đói khổ, quần áo rách rưới, cùng đường, ông đâm đầu xuống sông tự tử. Trong khi đó, người mua lại nông trại của ông đã tìm ra một mỏ kim cương khổng lồ ngay trong nông trại đó. Ông già Ba Tư ấy ngồi ngay trên mỏ kim cương, sở hữu mỏ kim cương kia mà không hề hay biết gì. Câu chuyện này diễn tả thực tế là chúng ta thường lo tìm kiếm những nguồn lực hay sự trợ giúp từ bên ngoài nhưng nhiều lúc lại quên rằng chúng đang ở trong ta mà không hề hay biết.
2. Phát triển lối đồng hành “trọng tâm nhân vị”
Theo Carl Rogers, lý thuyết này sẽ rất hữu ích đối với việc tư vấn cho bệnh nhân, nhưng nó không luôn có một giá trị tuyệt đối và bao quát hết mọi khía cạnh trong mọi trường hợp…
Tương quan của đồng hành là nguyên nhân cho sự trưởng thành của mỗi người và của từng nhóm. Tương quan quan trọng hơn cả lý thuyết và vấn đề. Theo cái nhìn này, bổn phận nền tảng của nhà đồng hành không hệ tại ở việc giải quyết những vấn đề và những khó khăn của người khác, nhưng hệ tại ở việc thiết lập một bầu khí tin tưởng và tín nhiệm đối với người được đồng hành để họ dễ dàng thông tri về trình trạng của chính mình. Đó là điều kiện để cá nhân biết dùng lương tâm trong sáng mà giải bày và thổ lộ thế giới nội tâm của mình với nhà đồng hành, qua đó họ cảm thấy khả năng được lắng nghe và đón nhận; với sự trợ giúp của người đồng hành, họ tự đảm nhận trách nhiệm của mình về những quyết định trong việc thay đổi bản thân cũng như trung thành với những nhiệm vụ đã được giao phó.
Phát triển việc đồng hành “tập trung trên người thụ huấn” dựa trên bốn nguyên tắc nền tảng sau đây: tính phù hợp; đón nhận vô điều kiện, thấu cảm và không chỉ thị.
Những khía cạnh nền tảng này giúp thiết lập một tương quan lành mạnh giữa người đồng hành và người được đồng hành. Chúng kiến tạo một bầu khí dễ dàng cho việc đối thoại, phù hợp với sự tiến bộ của con người, không chỉ trong tâm lý trị liệu, mà cả trong tương quan liên vị, trong linh hướng và huấn luyện.
Giờ đây chúng ta cần tìm hiểu từng phương diện:
2.1. Tính phù hợp (Congruence)
Tính phù hợp nhiều lúc được gọi là sự “chân thực” hay “tính chân thực” của người đồng hành. Theo Rogers, sự phù hợp tâm lý không gì khác ngoài việc trở nên người lành mạnh, trong sáng. Tính phù hợp trong tương quan liên vị có nghĩa là người đồng hành phải là một người chân thật và trong sáng, không có gì giả tạo cũng như không che giấu cảm xúc và suy nghĩ của mình đằng sau chiếc mặt nạ chuyên môn. Một người đồng hành phù hợp là người không lấy kinh nghiệm của mình làm thước đo cho mọi sự một cách chủ quan. Nhưng với đồng cảm, họ truyền đạt chính xác những gì mà người được đồng hành đang cảm nghiệm. Bởi vì, có sự phân biệt giữa điều nhà đồng hành và điều người được đồng hành cảm nhận và suy nghĩ.
Trở nên trong sáng là sự diễn tả một điều kiện được kinh nghiệm từ nhà đồng hành khi đặt mình cách tự do và từ sâu thẳm trong tương quan với người được đồng hành trong suốt hành trình đối thoại và đồng hành. Cần phải xác định chính xác rằng người ta phải luôn là chân thực, cả trong sự liên hệ với những cảm xúc tiêu cực, để không đưa ra những thông điệp mang tính mập mờ và mâu thuẫn nhau. Vì thế, tính phù hợp phải là:
- Tính xác thực (Authenticity): trước hết đó là thái độ mà nhà đồng hành phải sống đối với người được đồng hành. Điều này đòi hỏi nơi ngài khả năng đi vào trong tương quan với chính thế giới nội tâm của mình, khi chấp nhận chính mình với những giới hạn và bất toàn mà không rơi vào trong những cám dỗ dễ dàng ẩn dấu mình bên trong những mặt nạ giả tạo, giả hình. Nhà huấn luyện phải là người chân thực.
- Tính trong sáng (Transcendency): Nếu nhà đồng hành là người chân thực, ngài sẽ có khả năng để thiết lập một tương quan trong sáng với chính mình, với người khác và cả với Thiên Chúa. Họ phải là người trong sáng trong tư duy, lời nói và cung cách nết ở của mình trước người thụ huấn. Để việc đồng hành có hiệu quả, họ phải biết xây dựng tương quan trong sáng với người thụ huấn.
- Tính chân thành (Sincerity): Nghĩa là phải có sự đón tiếp cách hồn nhiên và cởi mở, được gợi hứng từ sự kính trọng chân thành đối với người thụ huấn và tin tưởng, xác tín về những nguồn lực hiện diện trong mỗi con người. Sự chân thành phát xuất sự an nhiên tự tại sẽ trở thành nền tảng để xây dựng tương quan tốt trong tương lai.
- Kinh nghiệm (Experience): Là người có kinh nghiệm và biết gửi những nghĩa cử không lời phù hợp với từng hoàn cảnh để bày tỏ tình thân ái và sẵn sàng giúp đỡ.
- Khả năng truyền đạt hay truyền thông tốt (Communication) giúp người khác thấu hiểu thông điệp mình muốn diễn tả.
2.2. Đón nhận vô điều kiện (Unconditional positive regard)
Khái niệm này liên hệ đến điều kiện là chúng ta không được đặt ra những điều kiện để đón nhận người khác, mỗi người được đánh giá và nhìn nhận mà không rơi vào việc đánh giá có tính chọn lọc, thiên kiến hay thành kiến, nhưng xét như một nhân vị và huyền nhiệm, mỗi người được nhìn theo mức độ là một chủ thể phân biệt, đặc biệt và duy nhất, với những năng lực, tình cảm, tính cách, hoàn cảnh và kinh nghiệm riêng của họ. Đón nhận người khác vô điều kiện là đón nhận họ như họ là, với một thứ tình cảm tự nhiên, một lối tiếp cận tích cực, mà không được ưu tiên hay phân biệt, không có sự đánh giá chủ quan. Nó loại bỏ mọi hình thức của việc xét đoán hay suy đoán chủ quan về người khác theo hệ quy chiếu của mình.
Theo phương pháp này, trong cuộc đối thoại và đồng hành, nó đòi hỏi nhà đồng hành phải từ bỏ những quy chiếu chủ quan mà chúng gợi hứng cho chính cách sống của mình, để có thể dìm mình vào trong thế giới khách quan của người khác để hiểu họ.
Sự đón tiếp vô điều kiện như thế làm phát sinh những lợi thế rất ý nghĩa cho từng cá thể, đó là: sự khích lệ đi vào trong thế giới nội tâm để nhận biết và để chấp nhận chúng; khởi đầu đi vào một tiến trình của hoàn thiện hình ảnh bản thân; vượt qua những tình trạng thất vọng có thể xảy ra, sự thất vọng hoặc buồn phiền; thủ đắc dần dần một sự tự lập lành mạnh cá nhân; gia tăng sức mạnh để vượt qua những giây phút khủng hoảng trong hành trình hướng tới hoàn thiện.
Bởi thế, sự đón nhận vô điều kiện hệ tại trong những yếu tố sau:
- Về sự kiện, tình trạng và giá trị của từng người phải được đón nhận như họ là (così come è). Đây là thái độ của Chúa Giêsu trong dụ ngôn “lúa và cỏ lùng” (Mt 13,24-30). Đó là thực tại tốt và xấu, nhân đức và tội lỗi đồng hiện hữu trong cuộc sống, nơi từng người mà chúng ta phải chấp nhận.
- Không xét đoán và vội vàng đánh giá như Chúa Giêsu đã dạy và đã sống: “Đừng xét đoán, để không bị xét đoán” (Mt 7,1). Chẳng hạn đối với các tội nhân. Chúa Giêsu không kết án và lên án họ. Nếu ta kết án ai vì một lỗi lầm, điều đó có nghĩa là hiển nhiên ta việc hạ giá người đó với lỗi lầm của họ; sự la mắng vì sự yếu đuối được cảm nhận như sự từ chối con người yếu đuối và bất nhất. Vì thế, cần phải biết phân biệt giữa tội nhân và tội lỗi. Tội lỗi cần phải từ chối nhưng tội nhân thì cần đón nhận.
- Không tán thành hay từ chối theo tiêu chuẩn chủ quan của người đồng hành nhưng phải dựa trên hệ giá trị khách quan.
- Tương quan “đích thực” của nhà đồng hành với người được đồng hành phải được xây dựng dựa trên nhu cầu căn bản là muốn được nhìn nhận như một nhân vị (persona).
- Người đồng hành có thái độ tích cực cho những khởi hành mới: nhà đồng hành có thể bình thản gợi hứng cho tinh thần này và loại bỏ sang một bên những khía cạnh tiêu cực, ngài có thể chỉ ra một cách chính xác những lý do mà chúng thúc đẩy người thụ huấn hướng tới sự tốt lành và trưởng thành.
2.3. Sự thấu cảm (Accurate empathy)
Rogers mô tả sự thấu cảm như là một cách hiện diện với người khác: “Đó là đi vào trong thế giới cảm thụ riêng của người khác và trở thành hoàn toàn tự nhiên với thế giới ấy. Nó gắn liền với sự nhạy cảm trong từng khoảnh khắc đối với những cảm nhận đang dâng lên trong lòng người khác, cùng sợ hãi, cùng phẫn nộ, cùng xúc động, cùng hoang mang… với đương sự. Nó có nghĩa là phải tạm thời sống chính tình trạng của người khác mà không đưa ra một nhận xét nào… Nó cũng có nghĩa rằng bạn cảm nhận thế giới của người khác bằng đôi mắt trong sáng, điềm nhiên trước những yếu tố làm cho đương sự khiếp sợ. Nó có nghĩa là bạn phải thường xuyên kiểm tra với người khác để biết mình cảm nhận có đúng không, căn cứ vào thái độ hưởng ứng của đương sự để thẩm tra sự cảm nhận ấy của mình.”[12]
Ở đây, chúng ta không đề cập đến một sự hiểu biết thuần túy thuộc phạm vi lý trí, nhưng là một sự hội nhập hoàn toàn vào trong thế giới của người khác. Hơn cả mọi lý lẽ, người đồng hành cần phải có tính nhạy bén, khả năng “đồng điệu và hòa nhịp,” và sự sẵn sàng để vét cạn chính mình khỏi những hệ quy chiếu, phạm trù riêng để đặt mình trong hệ quy chiếu và thế giới của người khác.
Marian Kinget định nghĩa sự thấu hiểu như sau: “Thấu hiểu là khả năng đặt mình ở vị trí của người khác, để thấy thế giới của họ như họ thấy.”[13] Theo Carl Rogers, đây là định nghĩa đầy đủ nhất về sự thấu hiểu: “Là sự cảm nhận thế giới cá vị của người khác như nó là của chúng ta mà không bao giờ đánh mất chất lượng của chúng như chúng là… cảm nhận sự sợ hãi, nóng giận, sự lo lắng của bệnh nhân như chúng là của chúng ta, tuy nhiên, chúng ta không thêm vào đó cơn giận của chúng ta, sự sợ hãi và cả sự lo lắng của chúng ta.”[14]
Như thế, thấu cảm là hành vi ra khỏi mình và đặt mình trong “tà áo của người khác” để nhìn và cảm nhận như họ. Thấu cảm cũng là hành vi tự siêu việt bản thân. Vì thế, sự thấu cảm quan trọng hơn cả kiến thức lý thuyết và kinh nghiệm riêng của bản thân.[15]
Vì là một hình thức của insight (thấu hiểu), sự thấu cảm mang lại sự thấu hiểu sâu xa về thông điệp sâu thẳm được thông truyền bởi người khác, nó được thực hiện qua khả năng lắng nghe tích cực và dễ dàng thiết lập những insight về người khác.
Chúng ta có thể tóm tắt khả năng thấu cảm như sau:
- Là cảm nhận với người khác như họ là.
- Là cái nhìn mới về người khác.
- Là sự thấu hiểu trong việc giải quyết vấn đề.
- Là sự gặp gỡ sống động: có thể đưa ra một nghĩa cử gần gũi, thân thiện như bắt tay, ôm v.v…
- Là thái độ luôn tích cực, nhạy bén và cởi mở đón tiếp… hướng về sự thiện.
2.4. Không chỉ thị (non directive)
Như đã nói, đây là phương pháp “trọng tâm nhân vị,” chứ không tập trung trên nhà đồng hành, trên sự hiểu biết hay trên vấn đề mà chúng ta muốn giải quyết.
Rogers gọi liệu pháp của mình là “liệu pháp không chỉ thị” (non-directive therapy). Ông khám phá ra rằng nếu có hai điều kiện sau đây thì trình trạng của thân chủ thường sẽ được cải thiện: một là, khi nhà tư vấn có thể biểu hiện sự quan tâm tích cực đối với thân chủ, không phán xét thân chủ và biết đón nhận thân chủ như một con người mà không hề đặt một điều kiện tiên thiên nào cho sự đón nhận đó; hai là, khi nhà tư vấn có thể cho thấy mình thấu cảm đối với thân chủ.
Ông nhấn mạnh vào tính chất đặc trưng của nhà trị liệu là không hướng dẫn bệnh nhân của mình. Mục đích trị liệu là tạo ra một bầu không khí cởi mở và không can thiệp. Đây là phương pháp diễn tả một ý nghĩa kép: trước hết là phương pháp hướng chủ thể tới một mục đích mà người hướng dẫn muốn; thứ đến là phương pháp để chứng thực một cách cụ thể sự tin tưởng của nhà đồng hành vào người được đồng hành có những nguồn năng lực nội tại và về khả năng hướng tiến tới sự thực hiện bản thân.
Chúng ta dẫn chứng ở đây một minh họa về phương pháp này: Người ta kể rằng có một người phụ nữ rất buồn khổ, bà đến gõ cửa rất nhiều cha linh hướng và các nhà tâm lý trị liệu để được giải thoát khỏi tình trạng đau khổ này. Bà được chữa lành một cách nhanh chóng chỉ nhờ cuộc gặp gỡ với cha Maurice Zundel, một nhà thần học, một tác giả tu đức nổi tiếng người Thụy Sĩ, cũng là bạn thân Đức Giáo Hoàng Phaolô VI. Khi người ta hỏi bà rằng, cha Zundel đã khuyên bà lời khuyên nào mà làm cho bà được chữa lành nhanh như thế, bà trả lời: “Cha không nói một lời nào cả, ngài chỉ đơn giản lắng nghe tôi, ngài nhìn tôi khóc. Và sau đó, ngài đã khóc với tôi. Chúng tôi đã khóc với nhau một hồi lâu.” Sự thấu cảm sâu xa với nỗi đau của người khác nhiều lúc không chỉ an ủi họ mà còn chữa lành những tổn thương bên trong những dòng nước mắt. Sự thấu cảm càng hiệu quả hơn trong tương quan đồng hành. Nó trở thành hình ảnh của sự đón tiếp đầy nhân ái mà Chúa Cha trên trời đã dành cho mỗi tội nhân. Đó là dấu chỉ hữu hiệu về lòng thương xót, hay là bí tích của sự chữa lành mà Thiên Chúa dành cho tội nhân.
Trong những phương pháp chỉ thị (directive), sự hướng dẫn đóng một vai trò trực tiếp khuyên bảo, chỉ dạy, hướng dẫn làm theo ý của mình; ngược lại, trong phương pháp không chỉ thị, người đồng hành tự giới hạn để hoạt động một cách gián tiếp mà không đưa ra chỉ thị trực tiếp, không áp đặt theo ý riêng, nhưng gợi ý và giúp người được đồng hành trở về với chính nguồn lực của mình.
Phương pháp không chỉ thị là một hình thức can thiệp trong đó người hướng dẫn tập trung nơi sự phát triển của con người, khi giúp họ tự ý thức về chính thế giới cảm xúc của mình, để suy tư về những phương diện khác nhau của tình trạng được bày tỏ, và đánh giá ý nghĩa nhân bản, luân lý của chính thái độ của mình, và đi đến quyết định khi dám chịu trách nhiệm về những quyết định đó. Phương pháp không chỉ thị hệ tại ở:
- Không ép buộc người khác, không áp đặt, không chỉ dẫn chủ quan, ít đề nghị và tránh khuyên bảo nhiều, nhưng chú trọng đến năng lực nền tảng của người khác.
- Tránh kiểu nói “kẻ cả”, giọng “bề trên”, tỏ ra hơn người, thái độ “cha chú” đối với người khác, nhưng đặt mình ngang hàng, cùng và trong tư thế của họ.
- Tránh nguy cơ chọn lọc tương quan và con người.
- Chống lại mọi nỗi sợ hãi phải thay đổi.
- Chống lại những hệ thống đánh giá, hay hệ quy chiếu chủ quan.
- Hiểu biết và thấu cảm về người khác.
3. Đánh giá về phương pháp này
Đây là một phương pháp mới mẻ, khác biệt, theo đó, con người được đặt ở trung tâm của việc đồng hành chứ không đặt người đồng hành hay vấn đề ở trung tâm. Thiết nghĩ, trong cách thức nào đó, Chúa Giêsu đã thực hành phương pháp này trong khi thi hành sứ vụ của mình, chẳng hạn trong trường hợp về người phụ nữ ngoại tình bị tố cáo (Ga 8,3-11), đặc biệt, Chúa Giêsu đã đồng hành với hai môn đệ Emmaus sau khi phục sinh, Người đã giúp họ khám phá sức mạnh để quay trở lại với ơn gọi của mình khi khám phá ra nơi mình sức mạnh của niềm tin vào Đấng Phục Sinh.
Phương pháp của C. Rogers không chỉ hướng tới từng cá thể, mà cả từng nhóm, cả những công ty, những tổ chức như các trường học. Ngoài ra, nó được khuyến khích dùng cả trong đào tạo, trong việc linh hướng.
Đối với con người hôm nay không thích thái độ độc tài, áp đặt, duy luân lý, và gia trưởng, nhưng rất nhạy bén với những giá trị của dân chủ, tự do, tự lập, và tự đảm nhận trách nhiệm. Phương pháp này có thể rất hữu ích cho sứ vụ mục vụ của các linh mục khi áp dụng trong việc tư vấn hay hướng dẫn mục vụ cho dân Chúa. Chúng ta có thể nói như H. Faber rằng: “Tôi được thuyết phục rằng chỉ với sự đón nhận này về những con người mới có thể mang lại một lời loan báo xác thực về Lời Chúa và hoạt động mục vụ hiệu quả. Nếu thiếu sự đón nhận này, mục vụ hóa thành một sự chỉ dạy đơn thuần.”[16]
Trên phương diện trị liệu tâm lý, phương pháp dựa vào nguồn lực từ chính người được đồng hành. Trên phương diện tu đức, nhà đồng hành đóng vai trò trợ giúp, chứ không “bao sân” hết mọi phạm vi, người được đồng hành đóng vai trò chủ động hay chủ lực trong sự phát triển bản thân, còn có một chỗ dành cho ân sủng. Như thế, ở đây có sự hòa nhập giữa các yếu tố bên trong, bên ngoài và bên trên.
Trong bối cảnh ở Việt Nam, văn hóa Khổng Giáo vẫn là văn hóa nền vốn đã khuôn đúc nếp nghĩ và lối hành xử của người Việt ở ngoài đời và trong Đạo. Tính một chiều trên xuống, tính phẩm trật và lối nghĩ tiêu cực về người dưới vẫn còn ảnh hưởng sâu rộng trong cách nhìn và đánh giá của các cá nhân và tổ chức xã hội, tôn giáo. Trong bối cảnh văn hóa đó, phương pháp này có thể được coi là xa vời, không có đất sống. Đây là một thách đố mà chúng ta cần có sự can đảm để thay đổi tư duy và lối tiếp cận.
Tóm lại, phương pháp đồng hành “trọng tâm nhân vị” này làm thay đổi viễn tượng truyền thống của chúng ta. Thông thường chúng ta thường tập trung trên người hướng dẫn, hay trên người đồng hành. Đối với người được đồng hành, họ thường có suy nghĩ rằng mọi giải pháp cho mình là ở nơi người hướng dẫn. Chỉ cần đến gõ cửa nhà họ là có ngay. Trong khi lại quên rằng những khả năng ấy lại ẩn chứa ngay trong chính mình. Còn đối với nhà đồng hành, họ lại nghĩ là chỉ có mình mới có thể đưa ra câu trả lời cho những vấn đề của người khác, nên áp đặt một chiều mà không ý thức rằng giải pháp của mình có thể không phù hợp và không mấy hiệu quả đối với họ. Rogers giúp chúng ta thay đổi lối tiếp cận và phương pháp để mở ra với những khám phá mới nơi chính bản thân, nhất là nơi người được đồng hành hầu khơi những nguồn chưa ai khơi, và sáng tạo những điều chưa ai đụng tới.
--------------
[1] x. A. Cencini, I sentimenti del Figlio. Il cammino formativo della vita consacrata, Bologna 1998, 48-49.
[2] A. Manenti, Comprendere e accompagnare la persona umana, EDB, 2016, 205.
[3] Bộ Giáo Sĩ, Đào Tạo Linh Mục. Hồng Ân và Ơn Gọi Linh Mục, Nxb. Tôn Giáo, Tp. HCM, 2016, số 44.
[4] Ibidem, số 45-46.
[5] Ibidem, số 48.
[6] Ibidem, số 50.52.
[7] Trong Đức Giáo Hoàng. Phanxicô, Tông Huấn Chúa Kitô đang sống, Nxb. Tôn Giáo, Tp. HCM 2019, số 291-297.
[8] Cf. Sinodo dei Vescovi XV, Documento finale, Giovanni, Fede e Discernimento vocazionale, Vaticano 2018, n.4.
[9] Bộ Giáo Sĩ, Đào Tạo Linh Mục. Hồng Ân và Ơn Gọi Linh Mục, Nxb. Tôn Giáo, Tp. HCM, 2016, số 49
[10] Bộ Giáo Sĩ, Đào Tạo Linh Mục. Hồng Ân và Ơn Gọi Linh Mục, Nxb. Tôn Giáo, Tp. HCM, 2016, số 45.
[11] Bộ Giáo Sĩ, Đào Tạo Linh Mục, số 45.
[12] C. R. Rogers, A Way of Being, Houghton Mifflin, Boston, 1980, 142.
[13] C. R. Rogers, - Marian Kinget, Psychothérapie et relations humaines: théorie et pratique de la thérapie non-directive, Publications Universitaires, Louvain 1962-1965, p. 92.
[14] Cf. A. Di Fabio, Counseling. Dalla teoria all’applicazione, Giunti, Firenze 1999, pp. 130-131.
[15] Cf. Ibidem.
[16] H. Faber – E Van Der Schoot, Praktikum, … p. 90, citato da Giordani – A. Mercatali, La direzione spirituale come incontro di aiuto, op. cit., p. 175.
Nguồn: WHĐ (28.12.2023)