Thường Huấn Linh Mục 2017: Tòa Án Hôn Phối: Thủ Tục và Án Lý

17/05/2017
4008
Lm. J.B. LÊ NGỌC DŨNG
 
NỘI DUNG
 
Bài 1 : TỔNG QUÁT CƠ CẤU TÒA ÁN GIÁO PHẬN.. 1
1.  Tổ chức tòa án. 1
a. Tòa án cấp một 1
b. Tòa án xử cấp hai, cấp kháng án. 2
2. Các loại và nhân sự tòa án hôn phối 3
a- Tòa án thông thường (đ. 1673§3) 3
b- Tòa án một thẩm phán duy nhất (đ. 1673§4) 5
c- Giám Mục xử với thủ tục ngắn gọn (đ. 1683-1687) 5
Bài 2: TIẾN TRÌNH THỦ TỤC VỤ ÁN VÔ HIỆU HÔN NHÂN.. 7
Tóm lược tiến trình xử án. 7
1. Khởi sự vụ án. 8
1.1. Đệ đơn thỉnh cầu (libellus) lên tòa án có thẩm quyền (đ. 1501- 1506) 8
1.2. Quyết định chấp nhận đơn xin và triệu tập. 9
1.3. Đối tụng- thiết lập nghi vấn. 12
1.4. Cách thức lập thể thức nghi vấn. 12
1.5. Xử theo thể thức ngắn gọn hơn hoặc thông thường. 13
1.6. Tóm lược tiến trình đầu tiên: nhận đơn và thiết lập thể thức nghi vấn. 13
2. Giai đoạn thẩm cứu vụ án. 14
2.1. Sắc lệnh thẩm cứu vụ án. 15
2.2. Thẩm cứu vụ án. 15
2.3. Sắc lệnh kết thúc thẩm cứu và công bố án từ. 17
3. Nghị án và tuyên án. 18
3.1. Chuẩn bị nghị án: gởi hồ sơ đến các vị hữu trách. 18
3.2. Họp nghị án (đ. 1609) 19
3.3. Soạn thảo và ban hành bản án. 20
3.4. Cách thức soạn thảo bản án (sentencia iudicialis) 21
4. Công bố bản án. 22
4.1. Công bố. 22
4.2. Ghi chú vào sổ Rửa Tội và Hôn Phối 22
5. Tóm tắc thủ tục xử ngắn gọn. 23
 
Bài 3 : TỔNG QUÁT NHỮNG ÁN LÝ VỀ SỰ VÔ HIỆU CỦA HÔN NHÂN.. 27
1. Nền tảng: sự vô hiệu của hành vi pháp lý. 27
1.1. Luật bãi hiệu hay bãi năng. 27
1.2. Luật về hành vi pháp lý. 28
2. Sự vô hiệu của kết ước hôn nhân. 29
2.1. Ngăn trở tiêu hôn. 30
2.2. Hà tỳ ưng thuận. 32
2.2.1. Thiếu khả năng kết hôn (đ. 1095) 32
2.2.2 Không biết (đ. 1096) 34
2.2.3. Lầm lẫn: 34
2.2.4. Kết hôn giả hình, simulatio (đ. 1101§2) 35
2.2.5. Kết hôn với điều kiện (đ.1102) 37
2.2.6. Kết hôn do sợ hãi nghiêm trọng (đ. 1103) 38
2.3. Thiếu thể thức giáo luật (forma canonica) 39
Bài 4 : THIẾU KHẢ NĂNG KẾT HÔN (Đ. 1095) 41
1. Không sử dụng đủ trí khôn (đ. 1095,10) 42
1.1. Ý nghĩa. 42
1.2. Phân biệt 42
2. Thiếu nghiêm trọng khả năng phân định thích đáng (đ. 1095,20) 43
2.1. Ý nghĩa. 44
2.2. Đối tượng của sự phân định. 44
2.3. Nguyên nhân thiếu phân định. 47
2.4. Những vụ án thường xét theo điều 1095,20 50
3. Thiếu khả năng đảm nhận (đ. 1095,30) 51
3.1. Thiếu khả năng đảm nhận. 52
3.2. Những nguyên nhân thuộc bản chất tâm lý. 54
3.3. Vô hiệu theo đ. 1095,20 hay đ. 1095.30 ?. 55
3.4. Chỉ là những khó khăn. 55
3.5. Một số yếu tố giúp thẩm định sự thiếu khả  năng. 56
3.6. Giám định viên. 57
4. Những vụ án minh họa cho điều 1095,20&30 58
4.1. Vụ án cấp giáo phận. 58
4.2. Vụ án tại Tòa Thượng thẩm Roma. 61
 
Bài 5 : KẾT HÔN VÔ HIỆU DO LẦM LẪN (Đ. 1097) 69
1. Lầm lẫn về nhân thân (persona), đ. 1097§1. 70
2. Lầm lẫn tư cách, đ. 1097§2. 71
2.1. Lầm lẫn về một tư cách không làm hôn nhân bất thành. 71
2.2. Lầm về một tư cách được trực tiếp và chính yếu nhắm đến  72
2.3. Tính chất của chủ ý. 73
2.4. Chứng cứ về lầm lẫn. 76
4. Lầm lẫn theo điều 126. 77
3. Vụ án điển hình về lầm lẫn kết hôn. 78
Bài 6 : KẾT HÔN VÔ HIỆU DO LỪA GẠT (Đ. 1098) 81
1. Lầm lẫn do lừa gạt 82
1.1. Lầm lẫn về một tư cách và sự vô hiệu. 82
1.2. Lừa gạt tích cực và lừa gạt tiêu cực. 83
2. Tư cách tự bản chất có thể làm xáo trộn nghiêm trọng sự hiệp thông vợ chồng. 85
2.1. Những tư cách. 85
2.2. "Có thể" hay "phải" gây ra. 86
2.3. Chủ quan hay khách quan. 87
3. Những tiêu chuẩn để thẩm xét 88
4. Những vụ án minh họa về kết hôn lầm lẫn do lừa gạt 89
Bài 7 : KẾT HÔN VÔ HIỆUDO GIẢ HÌNH, SIMULATIO, (Đ. 1101§2) 93
1. Ý nghĩa. 93
1.1. Loại trừ bằng hành vi tích cực của ý chí 93
1.2. Hành vi tích cực của ý chí 94
1.3. Loại trừ minh nhiên hay mặc nhiên. 95
1.4. Những hoàn cảnh giúp suy đoán kết hôn giả hình. 96
2. Những loại trừ: 98
2.1. Loại trừ chính hôn nhân. 98
2.2. Loại trừ tính bất khả phân ly. 101
2.3. Loại trừ sự chung thủy. 102
2.4. Loại trừ thiện ích con cái 103
3. Những vụ án minh họa. 104
3.1.Vụ án cấp giáo phận. 104
3.2. Vụ án tòa Thượng thẩm Roma. 106
Bài 8 : KẾT HÔN VÔ HIỆU DO SỢ HÃI (Đ. 1103) 109
1. Ý nghĩa. 109
1.1. Người ta buộc phải lựa chọn hôn nhân để tự giải thoát 110
1.2. Sợ hãi nghiêm trọng từ bên ngoài (ad extrinseco) 111
1.3. Mặc dầu không cố tình gây nên. 112
2. Chứng cứ. 112
3. Sự kính sợ (timor reverentialis) 113
3.1. Ý nghĩa. 113
3.2. Khảo sát án lý Tòa Thượng Thẩm Roma. 116
4. Những vụ án minh họa. 122
4.1. Tòa án giáo phận. 122
4.2. Tòa Thượng Thẩm Roma. 126
Bài 9 : KẾT HÔN VÔ HIỆU DO ĐẶT ĐIỀU KIỆN (đ. 1102) 128
1. Ý nghĩa. 128
2. Đặt điều kiện cho một hôn nhân. 129
2.1. Một điều kiện có thể được đặt ra cách hàm ẩn. 130
2.2. Không cần đòi có những nghi ngờ. 130
2.3. Không biết vô hiệu. 131
2.4. Sự quan trọng khách quan và chủ quan của điều kiện. 132
2.5. Điểm căn bản của hôn nhân với điều kiện. 132
2.6. Không phải điều kiện, chỉ giống như là điều kiện. 133
2.7. Sự hoàn thiện cá nhân như một điều kiện. 133
3. Chứng minh kết hôn có điều kiện. 135
4. Những liên hệ. 136
4.1. Liên hệ giữa điều kiện và lầm lẫn tư cách (đ. 1097§2) 136
4.2. Liên hệ giữa điều kiện và lầm lẫn do lừa gạt (đ. 1097§2) 137
5. Những trường hợp thông thường. 137
6.  Vụ án minh họa về điều kiện kết hôn. 138
PHỤ LỤC : CÁC ÁN TỪ (HỒ SƠ) CỦA MỘT VỤ ÁN.. 142

 -------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Bài 1

TỔNG QUÁT CƠ CẤU

TÒA ÁN GIÁO PHẬN

1.  Tổ chức tòa án

a. Tòa án cấp một

- Tòa án giáo phận
Mỗi giáo phận có tòa án riêng, do Giám Mục giáo phận thiết lập. Giám Mục giáo phận buộc phải đặt một vị Đại Diện tư pháp (Vicarius iudicialis)[1] có thường quyền xét xử. Vị nầy phải khác với cha Tổng Đại Diện (Đại diện Giám Mục về hành pháp) để thay ngài xét xử tư pháp, trừ vụ án ngài dành riêng chính ngài xét xử (đ. 1420).
Bên cạnh vị Đại Diện tư pháp (vicarius iudicialis) được đặt làm chánh thẩm (đ. 1420§2), Giám Mục còn có thể đặt một hay nhiều vị phó Đại Diện tư pháp (đ. 1420§3) và các thẩm phán khác (đ. 1421).[2]
Tòa án giáo phận xét xử các vụ án hộ sự (chức thánh, hôn phối, kiện tụng quyền lợi…) và hình sự (tội có thể bị vạ, sa thải…).
Tòa án có thể được thiết lập để xử các loại vụ án hộ sự và hình sự hoặc chỉ xử một vài loại vụ án, như  tòa án hôn phối để xử  vô hiệu dây hôn phối và ly thân.
Một số loại án phải được xử bởi hiệp đoàn 3 thẩm phán, như các vụ án hộ sự về dây ràng buộc chức thánh và dây ràng buộc hôn phối hoặc vụ án hình sự mà có thể đưa đến hình phạt sa thải khỏi hàng giáo sĩ hay phạt vạ tuyệt thông (đ. 1425§2). Giám Mục có thể ủy thác vụ án khó hơn hay quan trong hơn cho tòa án ba hay năm thẩm phán (đ. 1425§2).
Tòa án cấp một có quyền xử ở cấp một.
- Tòa án liên giáo phận
Các Giám Mục có thể thỏa thuận để thành lập tòa án liên giáo phận với thẩm quyền xử vài loại (Vd. Chỉ xử vụ án về vô hiệu hay ly dị của hôn phối) hay tất cả các loại vụ án. Sự thành lập tòa án liên giáo phận cần được Tòa Thánh châu phê (đ. 1423).
Ở Việt Nam, khi thiếu nhân sự chuyên môn, nên thiết lập tòa án hôn phối liên giáo phận cho những giáo phận gần nhau.

b. Tòa án xử cấp hai, cấp kháng án

Tòa án xử cấp hai giữ vai trò xét xử lại các vụ án của tòa án cấp một khi có kháng án.
Tòa án xử cấp hai thông thường là các Tòa án Tổng Giáo Phận. Tòa án Tổng Giáo Phận vừa xử cấp một cho vụ án thuộc quyền mình, vừa có thể xử cấp hai cho các vụ án trong giáo tỉnh.
Hội Đồng Giám Mục có thể thiết lập một hay nhiều tòa án cấp hai, với sự chuẩn y của Tông Tòa, để xử cấp hai các vụ của tòa án liên giáo phận cấp một (đ.1423) hay của tòa án giáo phận.
Tòa Thượng Thẩm Roma có nhiệm vụ xử cấp hai, cấp ba và cấp cao hơn (đ.1444§1) cho Giáo Hội hoàn vũ. Vì vậy, trong một số trường hợp, cũng có thể kháng cáo hợp pháp lên Tòa Thượng Thẩm Roma (đ.1444§1,10).

2. Các loại và nhân sự tòa án hôn phối

a- Tòa án thông thường (đ. 1673§3)

Tòa án xử vô hiệu của hôn nhân thông thường gồm ba thẩm phán, một bảo hệ viên và một lục sự.
- Thẩm phán (iudices): phải là giáo sĩ, được Giám Mục bổ nhiệm (đ. 1421§1). Hội Đồng Giám Mục có thể cho phép giáo dân làm thẩm phán (đ. 1421§2).
Có hai nhiệm vụ cần biết:
- Thẩm phán dự thẩm (giudice istruttore) có nhiệm vụ thẩm cứu vụ án (thẩm vấn, thu thập chứng cứ…). Thẩm phán dự thẩm sẽ quyết định rằng những chứng cứ nào cần thu thập.[3] Thẩm phán dự thẩm có thể được giúp hay được thay thế bằng một dự thẩm (auditor) để thẩm cứu vụ án. Dự thẩm này được chỉ định bởi thẩm phán, có thể là giáo dân hay giáo sĩ, được Giám Mục chuẩn nhận (đ. 1428§1-2).
- Thẩm phán phúc trình viên hay báo cáo viên phụ trách viết bản án, được gọi là ponens.[4]
- Bảo hệ viên (defensor vinculi): Có nhiệm vụ trình bày tất cả những gì có thể dẫn chứng hợp pháp để chống lại sự tuyên bố hôn nhân hay chức thánh vô hiệu.
Trong bất cứ vụ án xử vô hiệu hôn nhân nào, đều cần có sự tham gia của bảo hệ viên; nếu không, các án từ vô hiệu (đ. 1433).
- Lục sự (notarius): Còn gọi là công chứng viên) phải có mặt trong tất cả các vụ kiện. Lục sự có nhiệm vụ ký vào các hồ sơ vụ án, công chứng các văn kiện, tài liệu (đ. 1437).
Những nhiệm vụ khác không buộc phải có:
- Luật sư: Ngoài 5 vị cần thiết cho vụ án vô hiệu của hôn phối, nên có thêm luật sư tuy không buộc phải có.
- Công tố viên (promotor iustitiae): có nhiệm vụ bảo vệ công ích (đ. 1430). Trong giáo phận khi Giám Mục nhận định rằng vụ án có thể nguy đến công ích, ngài chỉ định công tố viên can thiệp vào vụ án (đ. 1431§1). Trong vụ án vô hiệu của hôn nhân, công tố viên thường không tham dự.
Chỉ khi có những hôn nhân trái luật hay bê bối, gây thiệt hại cho công ích, luật mới định cho công tố viên: "khi sự bất thành của hôn nhân đã trở thành phổ biến, nếu hôn nhân không thể thành sự hóa, hoặc không thích hợp nếu thành sự hóa" thì công tố viên có quyền tố vụ hôn nhân này ra tòa án (1674§2).

b- Tòa án một thẩm phán duy nhất (đ. 1673§4)

Giám mục, nếu thiếu nhân sự, không đủ thẩm phán để thiết lập tòa án hiệp đoàn ba thẩm phán thì ngài ủy thác những vụ án cho một thẩm phán giáo sĩ duy nhất.
Vị thẩm phán duy nhất có thẩm quyền thi hành những chức năng dành cho hiệp đoàn, cho vị chánh án hay cho báo cáo viên, trừ khi rõ ràng là trái ngược. Nếu có thể được, vị thẩm phán duy nhất được giúp thêm bởi hai hội thẩm (assessor), (đ. 1673§4).

c- Giám Mục xử với thủ tục ngắn gọn (đ. 1683-1687)

Điều 1683 quy định:
Chính Giám Mục giáo phận có thẩm quyền xét xử những vụ án hôn nhân bất thành với thủ tục ngắn gọn hơn mỗi khi:
Đơn thỉnh cầu được cả hai người phối ngẫu đệ trình hay do một trong hai bên, với sự đồng ý của bên kia;
2° Những sự kiện về người và về sự việc, được xác thực bởi các chứng cứ hoặc tài liệu mà không cần phải điều tra hay thẩm cứu kỹ lưỡng hơn, và chúng phải làm cho sự bất thành được sáng tỏ.
Được phép áp dụng xử ngắn gọn chỉ khi chứng cứ đã có được khá đầy đủ mà không cần thẩm cứu nhiều thêm và có sự đồng ý chia tay của cả hai bên.
Đại Diện tư pháp sau khi nhận đơn sẽ quyết định là sẽ xử theo thủ tục thông thường hay ngắn gọn. Giám Mục có vai trò thẩm phán để quyết định vụ án. Ngài có thể chỉ cần xem xét hồ sơ (án từ) được đại diện tư pháp trình lên ở giai đoạn cuối và nếu ngài thấy có chắc chắn luân lý là hôn nhân vô hiệu thì ngài chấp nhận bản án xác nhận vô hiệu. Nếu thấy không chắc chắn thì ngài trả vụ án về xử theo thủ tục thông thường (đ. 1687§1). 
Luật mới cho phép Giám Mục xử theo thủ tục ngắn gọn không phải vì thiếu nhân sự, vì luật mới vẫn cho phép xử bởi một thẩm phán duy nhất. Thủ tục này, đáp ứng khi có nhu cầu giải quyết vụ án xong sớm.
d- Xử án dựa trên tài liệu:
Vụ án cũng có thể xử rất đơn giản bằng thủ tục dựa trên tài liệu. Xử theo thủ tục này khi có một tài liệu không thể bị phản đối hay khước biện chứng minh rằng chắc chắn có một ngăn trở tiêu hôn hay thiếu thể thức giáo luật, miễn là tài liệu này phải hiển nhiên và phải xác tín rằng ngăn trở đã không được miễn chuẩn (đ. 1688).
Thủ tục xử án dựa trên tài liệu được đơn giản vì chỉ cần một thẩm phán duy nhất, được phép bỏ qua những thể thức của tố tụng thông thường, trừ việc triệu tập các bên ra tòa và sự can thiệp của bảo hệ viên, có thể tuyên bố hôn nhân bất thành bằng một bản án (đ. 1688).
 

Bài 2

TIẾN TRÌNH THỦ TỤC

VỤ ÁN VÔ HIỆU HÔN NHÂN

Tóm lược tiến trình xử án

1. Khởi sự vụ án
1.1. Thỉnh cầu đơn (libellus): Nguyên đơn đệ đơn lên tòa án có thẩm quyền (đ. 1501- 1506);
1.2. Quyết định chấp nhận đơn xin và triệu tập các bên
1.3. Đối tụng - Thiết lập nghi vấn:  Tòa thiết lập công thức nghi vấn tiêu hôn (đ. 1677).
2. Giai đoạn thẩm cứu vụ án
2.1. Sắc lệnh thẩm cứu vụ án;
2.2. Thu thập chứng cớ;
2.3. Sắc lệnh kết thúc thẩm cứu và công bố án từ
3. Nghị án và tuyên án
3.1. Chuẩn bị ý kiến
3.2. Họp nghị án (đ. 1609)
3.3. Soạn thảo và ban hành bản án
3.4. Cách thức soạn thảo bản án (sentencia iudicialis)
4. Công bố bản án
4.1. Công bố bản án
4.2. Thông báo ghi chú vào sổ Rửa Tội và Hôn Phối

 

1. Khởi sự vụ án

Nếu sơ khởi thấy có được nền tảng vô hiệu nào đó, nguyên đơn sẽ được vị chuyên môn hướng dẫn làm đơn thỉnh cầu lên Tòa án Giáo Phận.
Tuy nhiên, thẩm phán chỉ nhận xử vụ án hôn nhân vô hiệu, chỉ khi nào sự tan vỡ hôn nhân đã đến mức không thể tái lập đời sống chung được nữa (đ. 1675).[5]

1.1. Đệ đơn thỉnh cầu (libellus) lên tòa án có thẩm quyền (đ. 1501- 1506)

Thỉnh cầu đơn phải có những yếu tố sau (đ. 1504):
  1. Vụ án được khởi sự trước Tòa án hay thẩm phán nào và yêu cầu điều gì, với ai;
  2. Đối tượng của vụ án, tức là, chỉ rõ cuộc hôn nhân nào và xin được công bố hôn nhân đó vô hiệu, dựa trên những lý do nào, nghĩa là, trên nền tảng hay những nền tảng nào khiến cho hôn nhân đó vô hiệu;
  3. Chỉ ra, ít nhất là cách chung, những sự kiện và những chứng cớ chứng tỏ những nền tảng vô hiệu đó;
  4. Được ký nhận, có ghi ngày tháng năm, cũng như địa chỉ nơi cư ngụ của nguyên đơn hoặc người bảo hộ;
  5. Ghi rõ cư sở hay bán cư sở của bị đơn.
Trong trường hợp đặc biệt không thể nào tìm ra được địa chỉ của bị đơn, thì cần buộc nguyên đơn làm một văn bản trình bày lý do và ký nhận. Nếu thẩm phán thấy lý do là hợp lý thì có thể dựa vào đó để ra văn bản xác nhận lý do không thể tham gia vụ án của bị đơn.
Ngoài những yếu tố đòi buộc trên, một số yếu tố khác cũng cần có trong đơn xin:
  1. Họ tên, điện thoại (email nếu có) của các nhân chứng;
  2. Cha quản xứ xác nhận cư sở hoặc bán cư sở của nguyên đơn. Cần lưu ý là, trong đơn xin, tòa án không yêu cầu cha quản xứ xác nhận về tình trạng hay làm chứng, hoặc hỏi cha có đồng ý cho hôn nhân vô hiệu hay không. Những điều này, nếu có, tòa án sẽ tham khảo ý kiến của cha sở ở giai đoạn thu thập chứng cứ.
  3. Đính kèm: Chứng nhận Rửa tội và Hôn Phối của hai bên; những tài liệu có giá trị chứng cớ.
Để thuận tiện, tòa án có thể ấn định cho nguyên đơn đính kèm một bản tường trình tóm tắt về cuộc sống hôn nhân, trong đó có nêu những sự kiện chứng tỏ hôn nhân vô hiệu.

1.2. Quyết định chấp nhận đơn xin và triệu tập

1.2.1. Xác định có nền tảng để chấp đơn hay không

Sau khi nhận đơn Tòa án có thể (đ. 1506): chấp đơn; bác đơn; thinh lặng[6].

1.2.2. Sắc lệnh ở cuối đơn xin

Điều 1676§1 quy định, khi chấp đơn, Đại Diện tư pháp phải ra sắc lệnh ở cuối chính đơn thỉnh cầu và, truyền lệnh gởi bản sao cho bảo hệ viên.

1.2.3. Sắc lệnh chấp đơn và triệu tập

Sau khi nhận đơn và ghi sắc lệnh ở cuối đơn truyền cho bảo hệ viên tham gia vụ án, Đại Diện tư pháp ra sắc lệnh chấp đơn và triệu tập các bên.
Sắc lệnh chấp đơn và sắc lệnh triệu tập nên được thực hiện chung với nhau trong một văn bản.
a- Quy định:
Một số chi tiết pháp lý được quy định như sau:
- Thời hạn ra sắc lệnh triệu tập là trong vòng 20 ngày, sau khi nhận đơn (đ. 1507§2).
- Cho phép bên bị đơn có ý kiến với thời hạn là 15 ngày sau khi nhận thông báo triệu tập (đ. 1676§1).
- Nếu lệnh triệu tập bị đơn không được thực hiện hoặc không được thông báo cách hợp lệ, các án từ đều vô hiệu (đ.1511), do quyền bào chữa của bị đơn đã bị vi phạm.
- Bị đơn nào từ chối không nhận giấy triệu tập, thì coi như đã được triệu tập cách hợp lệ (đ. 1510).
     b- Triệu tập
Triệu tập có mục đích là để cho hai bên cùng với thẩm phán thỏa thuận với nhau để xác định đối tượng chính yếu mà họ tranh tụng. Triệu tập ở giai đoạn này không có nghĩa là gọi đến để thẩm vấn. Phần thẩm vấn hay thu thập chứng cứ sẽ được thực hiện ở giai đoạn kế tiếp, sau khi đã thiết lập được đối tượng tranh tụng.
c- Cách thức
Ngay khi nhận đơn, thẩm phán nên liên lạc với bị đơn qua điện thoại, nếu bị đơn từ chối hay không quan tâm đến vụ án hoặc không có ý kiến gì cả thì cũng coi như đã được triệu tập. Thẩm phán không cần gởi sắc lệnh triệu tập cho bị đơn nữa.
Trong thực tế, khi bị đơn là người lương hay là người tân tòng mà không có đức tin thì họ thường đã tái hôn và không quan tâm gì đến vụ án. Đại Diện tư pháp ghi chú sự không quan tâm và lý do vào án từ. Để thuận tiện, nên ghi chú ở cuối đơn thỉnh cầu, bên dưới lệnh truyền gởi bản sao cho bảo hệ viên.[7] Khi vụ án kết thúc, có thể chỉ trao cho bị đơn phần quyết định của bản án.
- Dignitas Connubii, Art. 13. 6 có quy định: “sau khi điều tra kỹ lưỡng mà không biết bị đơn ở đâu thì điều này phải được ghi nhận bằng văn bản trong hồ sơ vụ án”. Vì vậy, nên buộc nguyên đơn làm một văn bản trình bày hoàn cảnh lý do không tìm ra được địa chỉ hay số điện thoại bị đơn và ký nhận.

1.3. Đối tụng- thiết lập nghi vấn

Đối với vụ án vô hiệu của hôn nhân đối tụng được diễn tả bởi một thể thức nghi vấn, có thể gọi là “nghi vấn tiêu hôn”.
Nếu định xử theo thủ tục ngắn gọn hơn, thẩm phán là Giám Mục giáo phận, Đại Diện Tư Pháp tiến hành chiếu theo qui tắc của điều 1685:
Vị Đại diện tư pháp, bằng cùng một sắc lệnh, phải ấn định thể thức nghi vấn, chỉ định thẩm cứu viên và hội thẩm và triệu tập tất cả những ai phải tham dự cho một giai đoạn phải được tiến hành theo nguyên tắc điều 1686 không quá ba mươi ngày sau.

1.4. Cách thức lập thể thức nghi vấn

Thể thức nghi vấn phải xác định xem hôn nhân thành sự bị kháng nghị vì lý do nào hoặc vì những lý do nào (đ. 1676§4).
Ví dụ sau là một thể thức nghi vấn, với hai lý do:
Có chắc chắc rằng hôn nhân giữa ông A và bà B, ngày …, tại …, là vô hiệu với lý do là:
a- bà B đã vì sợ hãi nên đành kết hôn để tự giải thoát, chiếu theo điều 1103 hay không?
b- ông A đã thiếu khả năng kết hôn vì bản chất tâm lý không thể chu toàn nghĩa vụ hôn nhân, chiếu theo điều 1095n3 hay không?

1.5. Xử theo thể thức ngắn gọn hơn hoặc thông thường

Sau thời hạn 15 ngày thông báo triệu tập:
- Nếu cả hai bên hoặc một bên với sự đồng ý của bên kia và sự kiện về người và về sự việc đáp ứng với yêu cầu của điều 1683,20 thì Đại Diện tư pháp, hợp với những tiêu chuẩn của Giám Mục đề ra, ra sắc lệnh xử theo thủ tục ngắn gọn hơn. Theo nguyên tắc của điều 1685, ngài phải ấn định thể thức nghi vấn, chỉ định thẩm cứu viên và hội thẩm và triệu tập tất cả những ai phải tham dự cho một giai đoạn phải được tiến hành theo nguyên tắc điều 1686 không quá ba mươi ngày sau.
- Nếu không đạt được những yêu cầu nói trên vụ án được xử theo thể thức thông thường.

1.6. Tóm lược tiến trình đầu tiên: nhận đơn và thiết lập thể thức nghi vấn

Nhận được đơn thỉnh cầu (libello), Đại Diện tư Pháp:[8]
1- Chấp đơn nếu thấy có nền tảng nào đó;
2- Ra sắc lệnh ở cuối đơn xin, thông báo cho bảo hệ viên và bị đơn (trừ khi bị đơn đã ký vào đơn xin);
Nếu thông báo cho bị đơn, thì cho thời hạn 15 ngày để bị đơn tỏ ý kiến về đơn xin của nguyên đơn. Sau thời hạn đó:
3- Lập thể thức nghi vấn, trong đó xác định một hay những lý do tiêu hôn (capo o capi di nullità);
4- Quyết định vụ án được xử theo thể thức thông thường hay ngắn gọn hơn.
Nếu xử theo thủ tục thông thường Đại Diện Tư pháp lập hiệp đoàn 3 thẩm phán để xử vụ án hoặc Giám Mục ủy thác vụ án cho một thẩm phán duy nhất, nếu có thể được, với hai hội thẩm. Nếu xử theo thủ tục ngắn gọn hơn thì theo các nguyên tắc riêng của điều 1685.

2. Giai đoạn thẩm cứu vụ án

Trong tập “Sussidio Applicativo del Motu pr. Mitis Iudex Dominus Iesus, xuất bản bởi Tòa Thượng Thẩm Roma, tháng 1 năm 2016, có cho nhận xét về những điểm mới mẻ của Tự sắc Mitis Iudex về việc thu thập chứng cứ như sau:[9]
- Giá trị chứng minh đầy đủ của lời khai của các bên: lời tự thú tư pháp và những lời khai của các bên, mà sự đáng tin của họ có thể được cũng cố bởi các nhân chứng, có thể được thẩm phán đánh giá là có hiệu lực chứng minh đầy đủ, sau khi vị này đã cứu xét tất cả những dấu hiệu và những yếu tố giúp xác thực mà không thấy có những yếu tố nào khác phủ nhận (đ. 1678§1).
- Một nhân chứng duy nhất có thể đáng tin hoàn toàn: Lời khai của một nhân chứng duy nhất có thể đáng tin hoàn toàn, nếu đó là một nhân chứng có phẩm cách cung khai về những điều được thực hiện theo chức vụ của mình, hoặc những sự kiện về người và sự việc gợi lên điều ấy (đ. 1678§2).
- Có thể miễn giám định y khoa: Trong những vụ án về sự bất lực hay về hà tì ưng thuận do bệnh tâm thần hoặc do những bất thường thuộc bản chất tâm lý, thẩm phán phải nhờ đến sự giúp đỡ của một hay nhiều giám định viên, trừ khi hoàn cảnh cho thấy rõ việc giám định không cần thiết (đ. 1678§3).

2.1. Sắc lệnh thẩm cứu vụ án

Sau khi thông báo thể thức nghi vấn, nếu các bên không có phản đối gì, chánh án ra một sắc lệnh khởi sự thẩm cứu vụ án.

2.2. Thẩm cứu vụ án

Vị thẩm phán dự thẩm sẽ đảm trách giai đoạn thẩm cứu vụ án, bởi chính ngài hay nhờ thêm một dự thẩm (auditor) khác.
Sự thẩm cứu được thực hiện qua việc thu thập chứng cứ qua việc: xem xét bản khai, tài liệu, giám định y khoa; thẩm vấn các bên, các nhân chứng do các bên đưa ra hoặc do tòa án tùy chọn (cha mẹ, bà con, bạn bè, cha sở…), hoặc lấy thêm thông tin từ các nguồn khác.
a- Nơi thẩm vấn: Thường là chính tại trụ sở tòa án, nhưng vẫn tùy theo thẩm phán định đoạt (đ. 1158).
b- Lời thề: Không buộc phải thề. Thẩm phán tùy nghi và theo sự khôn ngoan của mình để bắt người được thẩm vấn thề hay không.
c- Thẩm vấn riêng biệt từng người một: Việc thẩm vấn được thực hiện riêng biệt, không công khai (đ. 1560§1).
d- Có sự hiện diện và ghi chép của công chứng viên: Đối với những vụ án riêng về hôn phối, vì bản chất khác biệt, các câu trả lời của các bên và của các nhân chứng được ghi lại bằng văn bản, nhưng không cần ghi nguyên văn mà chỉ cần một cách tóm tắt và chỉ ghi lại những gì liên quan chủ yếu đến chính vấn đề hôn nhân đang bàn cãi.[10]
Bảo hệ viên, công tố viên và luật sư có quyền hiện diện (đ. 1559, 1678§1) và có thể đề nghị câu hỏi cho thẩm phán (đ. 1561). Các bên, các nhân chứng không được quyền hiện diện hoặc nghe thẩm vấn (đ. 1677§2).
e- Câu hỏi: phải ngắn gọn, hợp với sự hiểu biết, không gợi ý trả lời, không được thông báo trước câu hỏi cho các nhân chứng (đ. 1564, 1565).
f- Gởi câu hỏi nhờ người khác thẩm vấn: Có thể nhờ cha sở hoặc người có khả năng và đáng tin để thẩm vấn dựa theo những câu hỏi mà thẩm phán cho sẵn.
g- Gởi câu hỏi qua bưu điện hay email:  Có thể gởi các câu hỏi qua bưu điện hoặc email để các bên hoặc nhân chứng trả lời, khi không thể dùng các phương tiệc khác.
h- Dùng máy ghi âm: Có thể chấp nhận việc dùng máy ghi âm và sau đó ghi chép lại trên giấy tờ, và có thể được, người cung khai ký tên vào đó (đ. 1567§2).
i- Dùng điện thoại để thẩm vấn: Có thể dùng máy điện thoại có phần ghi âm, dùng tương tự như việc dùng máy ghi âm và ghi lại thành văn bản.[11]
k- Thân nhân làm chứng: Trong vụ án hôn phối thẩm phán nên thẩm vấn các thân nhân vì chính họ thường biết rõ hơn về các sự kiện.
l- Ký tên: Theo nguyên tắc chung cho tất cả các loại thủ tục án hình sự hay hộ sự, nhân chứng, thẩm phán và công chứng viên phải ký vào án từ sau khi đã đọc lại cho nhân chứng nghe và để nhân chứng sửa chửa, thay đổi lời cung khai (đ. 1569).
Tuy nhiên đối với vụ án hôn phối, vì bản chất khác biệt, các bên hay nhân chứng có thể miễn ký tên vào bản thẩm vấn.
Thông thường, các cuộc thẩm vấn được ghi trực tiếp (tốc ký bằng tay) trên giấy hay được thu nhận qua máy ghi âm hay điện thoại, phải được đánh máy vi tính sau đó và in thành văn bản. Nếu muốn người trả lời thẩm vấn ký tên vào văn bản đó thì phải gọi họ đến văn phòng tòa án hoặc gởi văn bản đến cho họ ký và gởi trả lại cho tòa án. Công việc nhiều khi có bất tiện và kéo dài thời gian. Vì vậy, nếu có thể được thì để họ ký, còn nếu thấy bất tiện thì có thể miễn ký (đ. 1567§2). Tuy nhiên chữ ký của thẩm vấn viên và công chứng viên (lục sự) thì không thể thiếu.

2.3. Sắc lệnh kết thúc thẩm cứu và công bố án từ

Sau khi thấy việc thu thập chứng cứ đã đủ thì ra sắc lệnh kết thúc thẩm cứu (đ. 1599) và công bố án từ.

2.3.1. Kết thúc thẩm cứu

Sau sắc lệnh kết thúc thẩm cứu, việc lấy thêm chứng cớ là không được phép, trừ khi có nguy cơ gian lận hoặc hối lộ, man khai trầm trọng, tài liệu giả dối…khiến bản án sẽ bất công (đ. 1600).

2.3.2. Công bố án từ

Theo quy định chung của tố tụng, sau khi kết thúc việc thẩm cứu, thẩm phán phải ấn định một thời gian để các bên trình bày các lời bào chữa hay nhận xét (đ. 1601).
Riêng về tố tụng hôn nhân, trong thủ tục xử ngắn gọn hơn, có quy định thời hạn 15 ngày. Thời gian này cũng thích hợp cho lối xử theo thủ tục thông thường.
Nên ban hành hai sắc lệnh kết thúc thẩm cứu và công bố án từ trong cùng một văn bản.

3. Nghị án và tuyên án

3.1. Chuẩn bị nghị án: gởi hồ sơ đến các vị hữu trách

Sau khi kết thúc thẩm cứu, cùng trong ý nghĩa công bố án từ, bản sao toàn bộ hồ sơ vụ án phải được gởi:
- Đến các thẩm phán để các ngài xem xét trước và viết bản kết luận. Bản kết luận phải có trưng dẫn những lý do về pháp lý cũng như sự kiện (đ. 1609§2).
- Đến Bảo hệ viên để vị này viết bản ý kiến chống lại sự hủy bỏ dây hôn phối.
- Đến người bảo hộ hay luật sư viết lời biện hộ nếu có.
Hồ sơ được gởi đi trước khi nghị án ít là 15 ngày, hợp với thời hạn thẩm phán ấn định cho việc viết các ý kiến và lời biện hộ. Tuy nhiên, thời hạn này có thể linh động tùy theo ấn định của thẩm phán.

3.2. Họp nghị án (đ. 1609)

Chiếu theo điều 1609§2, khi đi họp nghị án, mỗi thẩm phán phải mang theo bản kết luận của mình về nội dung vụ kiện, với những lý do pháp lý cũng như về những sự kiện đưa đến những kết luận đó. Sau nghị án đã xong, bản kết luận này cũng phải được kèm vào hồ sơ vụ án.[12]
Điều 1609 chỉ quy định là các thẩm phán họp nghị án mà không nói đến Luật sư hay  Bảo hệ viên dự họp. Theo điều 1601 và 1602§1 thì các vị này chỉ phải viết trên văn bản những lời bào chữa hoặc ý kiến sau khi kết thúc thẩm tra. Như vậy, các vị này có thể họp hay không họp nghị án tùy theo quy định riêng của mỗi tòa án.[13]
Mỗi thẩm phán khi tuyên bố kết luận của mình buộc phải đạt được sự chắc chắn luân lý về vấn đề của vụ án. Sự chắc chắn này được tìm thấy từ các án từ và các chứng cớ (đ. 1608§1-2).
Để đạt được sự chắc chắn luân lý cần thiết theo luật, thì sự trỗi vượt đáng kể của những chứng cớ và những dấu chỉ vẫn chưa đủ, mà còn phải hoàn toàn loại trừ bất cứ hoài nghi thận trọng tích cực nào là có thể sai lầm về luật cũng như về sự kiện. Tuy nhiên, sự chắc chắn luân lý không đòi hỏi phải có sự tuyệt đối bất khả sai lầm hay nghịch lý nào đó.[14]
Đối với các chứng cớ, thẩm phán phải thẩm định theo lương tâm mình (đ. 1608§3).
Vị chánh án có nhiệm vụ hướng dẫn cuộc tranh luận, để cuộc tranh luận đi đúng hướng, đúng vào vấn đề cần giải quyết. Vì nếu không, cuộc thảo luận sẽ kéo dài mà không có kết quả.
Sau cuộc tranh luận, mỗi thẩm phán có thể thay đổi kết luận của mình và phán quyết của bản án sẽ lấy theo ý kiến của đa số thẩm phán, hoặc là “xác nhận” (affirmative) hoặc là “phủ nhận” (negative) hôn nhân vô hiệu.

3.3. Soạn thảo và ban hành bản án

Sau cuộc họp nghị án, báo cáo viên hay phúc trình viên (ponens) có nhiệm vụ soạn thảo bản án, dựa vào những lý do được mỗi thẩm phán đưa ra trong cuộc tranh luận, trừ khi đa số thẩm phán ấn định trước những lý do phải được viện dẫn. Sau đó bản án phải được ký nhận chấp thuận của mỗi thẩm phán (đ.1610§2). Nếu là thẩm phán duy nhất, thẩm phán phải tự soạn thảo bản án (đ.1610§1).
Bản án phải được ban hành không quá một tháng, tính từ ngày vụ án đã được xét xử (đ. 1610§3).

3.4. Cách thức soạn thảo bản án (sentencia iudicialis)

Một bản án thường được soạn thảo theo các phần sau:
Mở đầu: “Sau khi kêu cầu danh Chúa, bản án phải lần lượt ghi rõ ai là thẩm phán hoặc tòa án là tòa nào; phải ghi rõ danh tính và nơi cư trú của nguyên cáo, của bị cáo, của người đại diện, và ai là công tố viên, ai là bảo hệ viên, nếu họ tham gia vào vụ án” (đ. 1612§1).
A. Sự kiện (Fattispecie, The Facts): “Trình bày vắn tắt sự kiện cùng với những kết luận của các bên và thể thức của những nghi vấn” (đ. 1612§2).
B. Chủ văn của bản án (đ. 1612§3) gồm hai phần:
1) Pháp lý (In diritto, The Laws): Nêu ra những lý lẽ pháp lý liên quan đến vụ án.
2) Luận chứng (Nel fatto, The Argument): Thẩm phán đưa ra những suy xét và phân định pháp lý về vụ án dựa trên các sự kiện về người và sự việc đã xảy ra.
C. Kết luận
Trả lời “Xác nhận” (Affirmative) hoặc “Phủ nhận” (Negative) cho nghi vấn tiêu hôn.
Phụ chú:
- Chỉ ra khả năng và cách thức kháng án.
- Chỉ ra thời gian bản án bắt đầu có hiệu lực thi hành hoặc cấm tái hôn: những người mà hôn nhân của họ được tuyên bố là bất thành có thể tái hôn, trừ khi lệnh cấm tái hôn được kèm theo chính bản án hay trừ khi Đấng Bản Quyền địa phương ra lệnh cấm tái hôn (đ. 1682§1).
- Nhắc nhở cho các bên biết những nghĩa vụ luân lý hay cả những nghĩa vụ dân sự mà bên này phải có đối với bên kia và đối với con cái họ trong việc cấp dưỡng và giáo dục (đ.1691§1), nếu có.

4. Công bố bản án

4.1. Công bố

Bản án phải được công bố sớm hết sức, phải chỉ rõ những cách thức có thể được dùng để kháng cáo, và chỉ có hiệu lực sau khi được công bố (đ. 1614).

4.2. Ghi chú vào sổ Rửa Tội và Hôn Phối

Điều 1682§2 quy định: 
Ngay sau khi bản án đã có hiệu lực thi hành, vị Đại Diện Tư pháp phải thông báo bản án đó cho Đấng Bản Quyền địa phương nơi hôn nhân đã được cử hành. Vị này phải quan tâm ghi chú việc công bố hôn nhân không thành và những lệnh cấm kèm theo, nếu có, vào sổ hôn phối và sổ rửa tội, càng sớm càng tốt.
Nếu hôn nhân đã được cử hành trong giáo phận nơi tòa án hôn phối đã xử, thì thẩm phán có thể được Đấng Bản Quyền ủy thác để gởi thông báo bản án đến các linh mục quản xứ, nơi cử hành hôn phối và/hoặc nơi rửa tội (trong hoặc ngoài giáo phận nơi tòa án hôn phối đã xử), để ghi chú vào sổ.
Nếu hôn nhân đã được cử hành ngoài giáo phận nơi tòa án hôn phối đã xử, thì gởi thông báo bản án đến Đấng Bản Quyền của nơi cử hành hôn phối, để vị này lo liệu cho các linh mục quản xứ,  nơi cử hành hôn phối và/hoặc nơi rửa tội ghi chú vào sổ. Có thể gởi đến vị Đại Diện tư pháp của nơi cử hành hôn phối, nếu Giám Mục của giáo phận đó đã định liệu như vậy, để vị này lo liệu.

5. Tóm tắc thủ tục xử ngắn gọn

1) Khởi sự vụ án:

Đơn thỉnh cầu
- Do cả hai bên ký hoặc một bên ký với sự đồng ý của bên kia;
- Cần đáp ứng yêu cầu giả định trước:  sự kiện về người và sự việc, được các chứng cớ hay tài liệu xác thực mà không cần điều tra kỹ thêm, có thể làm cho sự vô hiệu hôn nhân được sáng tỏ.
- Cần phải:
trình bày vắn tắt, đầy đủ và rõ ràng những sự kiện làm nền tảng cho sự thỉnh cầu;
2° nêu ra các chứng cứ mà thẩm phán có thể thu thập được ngay;
3° đính kèm những tài liệu làm căn cứ cho thỉnh cầu.

2) Ra sắc lệnh:

Trong cùng một sắc lệnh
- Ấn định thể thức nghi vấn. Đại Diện Tư Pháp có thể ấn định ngay thể thức nghi vấn.
- Chỉ định thẩm cứu viên (istructor) và hội thẩm (assessor) nếu có.
- Triệu tập tất cả những ai tham dự vụ án vào giai đoạn thu thập chứng cứ phải được tiến hành, tối đa là 30 ngày sau.

3) Thu thập chứng cứ

Việc thẩm vấn được thực hiện riêng từng người một, các bên có thể được phép tham dự cuộc thẩm vấn bên kia và các nhân chứng.[15]
Các câu trả lời của các bên và của các nhân chứng được ghi lại một cách tóm tắt và chỉ ghi lại những gì liên quan chủ yếu đến chính vấn đề hôn nhân đang bàn cãi.[16]

4) Trình bản các ý kiến bảo vệ dây hôn phối và bản biện hộ của các bên

Sau gian đoạn thẩm cứu, ấn định thời hạn mười lăm ngày để trình bản ý kiến của bảo hệ viên và bản biện hộ của các bên, nếu có (đ. 1686).

5) Giám Mục Thẩm phán tuyên án

Giám Mục tham khảo ý kiến của thẩm cứu viên và hội thẩm, bảo hệ viên cũng như những biện hộ nếu có của các bên, và nếu thấy đạt đến sự chắc chắn luân lý về sự bất thành của hôn nhân, thì ngài tuyên bố bản  án. Nếu không, ngài đưa vụ án về lại xử theo thủ tục thông thường (đ. 1687§1).[17]

6) Công bố bản án

Bản án thường được ủy thác cho Đại Diện Tư Pháp soạn thảo, có ghi các lý do làm cho hôn nhân vô hiệu, được Giám Mục ấn ký. Toàn bộ bản án với các lý do phải được thông báo sớm hết sức cho các bên. Đây là quy định dành riêng cho thủ tục ngắn gọn. Tuy nhiên, Giám Mục giáo phận ấn định cách thức tuyên bố bản án tùy theo sự khôn ngoan của mình.[18]

7) Kháng án

Kháng án nếu có thì được lên tòa án của Tổng Giám mục giáo tỉnh hay lên Tòa Thượng Thẩm Roma; nếu bản án do Tổng Giám mục giáo tỉnh ban hành, thì được kháng án lên tòa án của Giám Mục cao niên hơn trong giáo tỉnh; và chống lại bản án của một Giám Mục mà không có bề trên nào dưới Đức Giáo Hoàng Roma, thì được kháng án tòa án của Giám Mục đã được ngài chỉ định cách cố định (đ.1687§3).
 
 
====================
Tham khảo chính yếu:
Nguồn:
  • Bộ Giáo Luật 1983, quyển VII về tố tụng (đ. 1400- 1752)
  • 21 điều luật mới về tố tụng hôn nhân trong tự sắc Mitis Iudex
  • MI, Regule procedurali
  • Inst. Dignitas Connubii, ra  ngày 25-1-2005 (Art. 1- 308)
Sách:
  • PIO VITO PINTO, I processi nel codice diritto canonico. Commento sistematico al Lib. VII, Liberia editrice Vaticana, Città del Vaticano 1993.
  • CARLO GULLO – ALESSIA GULLO, Prassi processuale nelle cause canoniche di nullità del matrimonio, Liberia editrice Vaticana, Città del Vaticano 2009.

 
 

Bài 3

TỔNG QUÁT NHỮNG ÁN LÝ

VỀ SỰ VÔ HIỆU CỦA HÔN NHÂN

1. Nền tảng: sự vô hiệu của hành vi pháp lý

Kết hôn là một hành vi pháp lý (juridical act), phát sinh những hiệu quả pháp lý trong đời sống xã hội tôn giáo. Một hành vi pháp lý có thể bị vô hiệu.
 

1.1. Luật bãi hiệu hay bãi năng

Một nguyên tắc cơ bản để xác định hành vi là hữu hiệu hay vô hiệu là nhờ vào quy tắc của điều 10:
Chỉ những luật nào minh nhiên ấn định rằng một hành vi không có hiệu lực hoặc một người không có khả năng, thì mới được xem là luật bãi hiệu hoặc luật bãi năng.
Ví dụ 1
Điều 149§3 quy định: Việc bổ nhiệm vào một giáo vụ do mại thánh, đương nhiên là vô hiệu.

Ví dụ 2
Điều 1103. Hôn nhân bất thành, nếu vì bạo lực hay vì sợ hãi nghiêm trọng từ bên ngoài, mặc dầu không cố tình gây nên, người ta buộc phải lựa chọn hôn nhân để tự giải thoát.
Ví dụ 3
Điều 1191§3. Lời khấn được tuyên hứa do một sự sợ hãi nghiêm trọng và bất công hay do man trá, thì đương nhiên bất thành.

1.2. Luật về hành vi pháp lý

1.2.1. Nguyên tắc

Một hành vi pháp lý còn có thể bị vô hiệu theo quy tắc của điều 124:
§1. Để được hữu hiệu, một hành vi pháp lý phải do một người có khả năng hành động thực hiện và phải hội đủ những yếu tố cấu thành bản chất của hành vi ấy, cũng như phải giữ những thể thức và những điều kiện mà luật đòi hỏi để hành vi được hữu hiệu.
Điều 124§1 kê ra ba yếu tố cần thiết để hành vi được hữu hiệu:
- người có khả năng hành động thực hiện;
- hội đủ những yếu tố cấu thành bản chất của hành vi;
- giữ những thể thức và những điều kiện mà luật đòi hỏi để hành vi được hữu hiệu.

2. Sự vô hiệu của kết ước hôn nhân

Ba yếu tố chính yếu làm nên kết ước hôn nhân (đ.  1057§1) được liệt kê như sau:
  1. được thực hiện bởi người có năng cách pháp lý; 
  2. sự ưng thuận của đôi bên;
  3. sự ưng thuận phải được biểu lộ hợp thức.
Thiếu hoặc khiếm khuyết một trong ba yếu tố này, kết ước hôn nhân có thể sẽ vô hiệu (invalid, null), còn gọi là “không hữu hiệu” hay “bất thành”.
a- Người có năng cách pháp lý, tức là những người được Giáo luật công nhận là có đủ khả năng và tư cách để kết hôn. Không có năng cách pháp lý kết hôn được Giáo luật quy định qua 12 ngăn trở tiêu hôn. Người đang vướng ngăn trở tiêu hôn này thì hôn nhân bị hủy tiêu, nghĩa là vô hiệu.
b- Sự ưng thuận phải được thực hiện trong sự sáng suốt của lý trí và ước muốn tự do. Nếu không, sự ưng thuận có thể bị hà tỳ và sự kết hôn sẽ vô hiệu.
c- Sự ưng thuận phải được biểu lộ hợp thức, nghĩa là sự ưng thuân phải được biểu lộ theo những hình thức mà luật hay lệ quy định. Trong hôn nhân Công Giáo, nó phải cử hành theo thể thức được Giáo luật quy định (forma canonica), tức là cử hành nghi thức kết hôn, trong thánh lễ hay ngoài thánh lễ. Không cử hành hoặc cử hành không đúng theo thể thức luật quy định thì kết hôn vô hiệu.
Sự vô hiệu hôn nhân vì vậy được chia thành ba nhóm:
  1. do mắc ngăn trở tiêu hôn;
  2. sự ưng thuận bị hà tỳ;
  3. thiếu thể thức giáo luật.

2.1. Ngăn trở tiêu hôn

Giáo Luật quy định 12 ngăn trở tiêu hôn, bao gồm (đ.1083-1094):
  1. Tuổi (đ.1083§1): chưa đủ 16-14 tuổi trọn kết hôn bất thành.
  2. Bất lực giao hợp (đ. 1094§1): Bất lực có trước kết hôn và vĩnh viễn, về phía người nam hay người nữ, tuyệt đối hay tương đối thì làm hôn nhân bất thành. Tương đối là chỉ đối với một số người nào đó chứ không với hết mọi người. Người nữ có thể bị bất lực tương đối với một người chồng nào đó, thường do bị sốc tâm lý.
  3. Dây hôn phối (đ. 1085§1): Đang bị ràng buộc bởi dây hôn phối trước, dù chưa hoàn hợp, dù là dây hôn phối của hai người lương, kết hôn bất thành.
  4. Khác đạo (đ. 1086): Kết hôn giữa người Công Giáo và một người không được rửa tội thì bất thành.
  5. Chức Thánh (đ. 1087): Phó tế, linh mục… kết hôn bất thành.
  6. Khấn dòng (đ. 1088): Tu sĩ trong một hội dòng đang bị ràng buộc bởi lời khấn công vĩnh viễn giữ đức khiết tịnh kết hôn bất thành.
  7. Bắt cóc (đ. 1089): Người nữ bị bắt cóc hay bị giam giữ để bị buộc kết hôn thì kết hôn bất thành.
  8. Tội ác (đ. 1090): Người có chủ ý kết hôn và gây ra cái chết của phối ngẫu người ấy hay của mình thì kết hôn bất thành.
  9. Họ máu (đ. 1091): Hai người có liên hệ họ máu hàng dọc kết hôn bất thành. Trong họ máu hàng ngang, hôn nhân bất thành đến hết bậc thứ bốn. Ví dụ, anh em họ con chú con bác hay cậu dì, có liên hệ họ máu hàng ngang 4 bậc, kết hôn bất thành.
  10.  Họ kết bạn (hôn thuộc) (đ. 1092): Họ kết bạn được hình thành do cuộc kết hôn thành sự; kết hôn bất thành bất cứ có liên hệ hôn thuộc hàng dọc nào. Ví dụ, sau khi vợ chết, người chồng kết hôn với mẹ vợ hay con gái riêng của vợ đều bất thành.
  11.  Công hạnh (liêm sĩ) (đ. 1093): Phát sinh do kết hôn bất thành hay sống chung công khai hay hiển nhiên. Ngăn trở này tiêu hôn ở bậc thứ nhất hàng dọc. Ví dụ, người đàn ông kết hôn với mẹ hay con riêng của người đàn bà mà mình đã từng sống chung, thì bất thành.
  12.  Pháp tộc: do việc nhận con nuôi được pháp lý công nhận, kết hôn bất thành ở hành dọc hoặc ở bậc thứ hai thuộc hàng ngang. Có họ thiêng liêng, qua việc đở đầu Rửa tội không gây ngăn trở tiêu hôn.
Ít khi xảy ra kết hôn bất thành do ngăn trở. Ở tòa án hôn phối, đôi khi chỉ xảy ra trường hợp bất lực hoặc dây hôn phối.

2.2. Hà tỳ ưng thuận

Yếu tố quan trọng nhất để kết ước hôn nhân thành sự chính là sự ưng thuận nhận nhau làm vợ chồng. Khi sự ưng thuận này bị khiếm khuyết hay hà tỳ, kết ước hôn nhân bất thành.
Sự ưng thuận là một hành vi của con người với hai yếu tố cơ bản: lý trí và ý chí, nghĩa là, để thực hiện sự ưng thuận hữu hiệu, người đó phải có đủ hiểu biết và có ý muốn tự do.
Sau đây là những lý do hay những cơ sở gây tiêu hôn được Giáo Luật quy định một cách minh nhiên.

2.2.1. Thiếu khả năng kết hôn (đ. 1095)

a. Do thiếu phân định thích đáng về nghĩa vụ hôn nhân

Người thiếu nghiêm trọng sự phân định thích đáng (defectu discretionis iudicii) về những quyền lợi và bổn phận trao ban cho nhau trong hôn nhân thì kết hôn vô hiệu (đ. 1095,20).
Được xem là thiếu phân định thích đáng khi:  1- không làm chủ được hành vi suy biết của mình, hoặc 2- nhận định sai lạc về nghĩa vụ trao ban cho nhau. Ví dụ, chồng coi mình có quyền độc đoán, coi vợ như tỳ thiếp, như nô lệ, như một nơi thỏa mãn nhục dục.
Những nguyên nhân của thiếu phân định có thể là:
- Không có khả năng kiềm chế hay kiểm soát các bốc đồng và các đam mê, được thấy ở một số trường hợp: có bệnh tâm trí, hoang tưởng; nghiện hút; nghiện rượu, đam mê cờ bạc, hung bạo.
- Nhạy cảm thái quá về nhục dục hay đam mê tính, được thấy trong một số trường hợp: sống bê tha vô trách nhiệm.
- Không chắc chắn trong các quyết định (thiếu quả quyết) về tình cảm và xu hướng.
- Rất khó để khôi phục mối tương giao với người khác và với xã hội, thích sống cuộc sống tầm thường vô vị, thiếu ý nghĩa nhất là trong công việc hay là nặng trĩu với những kinh nghiệm nguy hiểm về tình dục.
Những trường hợp cụ thể có thể được Tòa án hôn phối cứu xét là:
- Bị bệnh tâm trí
- Rối loạn nhân cách
- Sống bê tha, rượu chè, cờ bạc…
- Thường xuyên đánh đập vợ con
- Lệ thuộc cha mẹ mà không làm chủ được đời sống vợ chồng
- Sống lập dị hoặc có tư tưởng và phong tục tập quán khác xa xã hội hiện đại.

b. Do bản chất tâm lý không thể chu toàn nghĩa vụ hôn nhân (đ.1095,30)

Những sự kiện có thể xảy ra tương tự như do thiếu phân định thích đáng nhưng lại có nguồn gốc từ tâm lý. Có thể kể các trường hợp:
- Rối loạn nhân cách (personality disorder); loạn thần kinh chức năng (neuroses); loạn thần kinh (psychoses); rối loạn do lo âu (anxiety disorder); rối loạn do tâm thần phân liệt (schizophrenia), rối loạn cảm xúc nặng hay trầm cảm (dysthymic disorde);
- Nghiện rượu (alcohol dependence) và các chất kích thích khác như ma túy…
- Rối loạn tình dục hay rối loạn tâm sinh dục (psychosexual);
- Đồng tính luyến ái (homosexuality).
- Bản chất hung hãn bạo động, thường xuyên đánh đập vợ.
- Có bệnh nguy hiểm như AIDS (Acquired Immune Deficiency Syndrome).
Một số luật gia còn xét theo một ý niệm là sự thiếu “trưởng thành tâm lý tình cảm cho cả hai khoảng số 2 và 3 của điều 1095.

2.2.2 Không biết (đ. 1096)

Không biết hôn nhân là một sự hiệp thông vĩnh viễn giữa một người nam và một người nữ, nhắm đến việc sinh sản con cái do một sự cộng tác nào đó thuộc phái tính, thì kết hôn bất thành (đ. 1096). Ví dụ: Một cô gái tưởng rằng chỉ hôn nhau cũng đã có thể sinh con hoặc tưởng rằng kết hôn là để sống chung với nhau như anh em.

2.2.3. Lầm lẫn:

a. Lầm lẫn nhân thân (đ. 1097§1)

Lầm lẫn nhân thân là lầm người này với người khác; hoặc lầm nhiều đặc tính về một người khiến tưởng người này nhưng hóa ra người khác. Ví dụ, tưởng là anh hùng chiến sĩ nhưng thực tế chỉ là tên tướng cướp hay tên trộm vặt; tưởng là một người có ăn học đàng hoàng nhưng thực ra là một kẻ thất học lêu lổng; tưởng là cô gái nết na nhưng thực ra là gái điếm.

b. Lầm lẫn một phẩm cách được nhắm đến một cách trực tiếp và chính yếu (đ. 1097§2)

Được coi là nhắm đến một cách trực tiếp và chính yếu khi phẩm cách đó được chú trọng hơn là chính con người. Ví dụ, cô nàng kết hôn chỉ vì anh ấy là bác sĩ nhưng thực tế anh ấy chỉ là y tá; anh nhắm đến cô gái còn trinh thì mới kết hôn nhưng thực tế anh bị sai lầm; anh tin rằng cô gái này đã hoàn lương nên anh mới kết hôn nhưng thực tế thì anh bị lầm. Những lầm lẫn khác dù nhiều nhưng đó không phải là điều trực tiếp và chính yếu được nhắm đến thì không làm tiêu hôn.

c. Lầm lẫn do lừa gạt (đ. 1098)

Lầm lẫn do lừa gạt về một điều tự bản chất có thể gây xáo trộn nghiêm trọng trong đời sống vợ chồng thì làm hôn nhân vô hiệu. Ví dụ như che dấu: sự vô sinh, có con riêng, bệnh truyền nhiễm nặng, nợ nần nghiêm trọng; hoặc đóng kịch: giàu có, địa vị cao, quyền lực…. Tuy nhiên, lừa gạt về một điều tự nó không gây xáo trộn đời sống vợ chồng thì không gây tiêu hôn, ví dụ như che dấu việc hay hút thuốc, tính xấu…

2.2.4. Kết hôn giả hình, simulatio (đ. 1101§2)

 Kết hôn giả hình là khi kết hôn đã có ý chí tích cực hay ý muốn loại trừ chính hôn nhân hay một điều chính yếu nào của hôn nhân, như sự thiện ích hôn nhân, tính bất khả phân ly, sự chung thủy đơn nhất, thiện ích con cái.
Ý muốn loại trừ này cũng có thể được hiểu là sự không tôn trọng, coi thường, ví dụ như khi kết ước hôn nhân suốt đời mà trong lòng lại không tôn trọng tính bất khả phân ly, hoặc như khi kết ước hôn nhân mà một người vẫn giữ quan niệm rằng: nếu hôn nhân không hạnh phúc thì sẽ chia tay.

a. Loại trừ (exclude) chính hôn nhân

Kết hôn cốt chỉ lấy hình thức để được lợi điều gì khác chứ không phải vì chính hôn nhân. Ví dụ như kết hôn chỉ để được sang định cư ở Mỹ và sau đó ly dị; hoặc kết hôn chỉ để lấy danh dự sau đó thì chia tay.

b. Loại trừ thiện ích của hôn nhân (bonum coniugum)

Loại trừ thiện ích hôn nhân như loại bỏ bổn phận xây dựng hạnh phúc gia đình. Ví dụ kết hôn với quan niệm người vợ chỉ như người đầy tớ, hay như người phục vụ; hoặc như kết hôn chỉ để lợi dụng tiền bạc, danh tiếng chứ không phải vì những thiện ích vợ chồng; hoặc kết hôn chỉ để trả thù.

c. Loại trừ tính bất khả phân ly (bonum sacramentum), sự chung thủy đơn nhất (bonum fidei)

Sự loại trừ này là có ý định không tôn trọng luật bất khả phân ly hay đơn nhất của hôn nhân.
 Án lệ thường đòi ý nghĩ loại trừ phải minh nhiên, nghĩa là đòi phải có chứng cứ về sự biểu lộ bằng lời nói hay hành vi về sự loại trừ, nhưng án lệ cũng chấp nhận nó có thể là mặc nhiên miễn là có cơ sở để suy đoán ra được.
Sự thiếu đức tin hoặc đã quen sống trong nếp văn hóa, tôn giáo đa thê hay chấp nhận cho lý dị tái hôn có thể góp phần rất lớn trong suy đoán rằng một người đã kết hôn giả hình.
Ngoại trừ những thú nhận minh nhiên của đương sự, những sự kiện sau cũng giúp xác định cho kết hôn giả hình:
  • Thường xuyên ngoan cố trong mối liên hệ ngoài hôn nhân vào thời gian kết hôn hay một thời gian ngay sau khi kết hôn.
  • Dành cho mình quyền quan hệ tình dục với những người khác.
  • Kết hôn nhiều lần: lần hai rồi lần ba...
  • Thời gian chung sống quá ngắn ngũi, do sự rút lui đơn phương và cương quyết dù người kia không muốn và còn đang tìm cách cứu vãn.
  • Người nữ lỡ có thai đành phải kết hôn nhưng trong lòng không muốn kết hôn vĩnh viễn, sau đó có cơ hội thì tự ý chia tay.

d. Loại bỏ thiện ích con cái (bonum prolis): 

Loại bỏ thiện ích con cái (bonum prolis) có thể là loại bỏ sự sinh sản hay loại bỏ sự nuôi dưỡng giáo dục con cái. Ví dụ: phá thai, ngừa thai liên tục với ý không sinh con, có theo đạo mà không cho con được rửa tội; hoặc sinh con ra mà không lo giáo dục mà chỉ bắt chúng lao động kiếm tiền.

2.2.5. Kết hôn với điều kiện (đ.1102)

2.5.1. Điều kiện tương lai (đ. 1102§1)      

Được coi là điều kiện kết hôn khi một điều được đặt ra như một điều tiên quyết để kết hôn, nghĩa là, nếu không đồng ý với điều kiện đó thì bên kia sẽ không chịu kết hôn. Nói một cách khác, người kết hôn ra điều kiện thì người này coi điều kiện là quan trọng hơn là chính người mình sẽ kết hôn.
Ví dụ:
“Anh theo đạo để kết hôn với tôi nhưng nếu anh không giữ đạo tôi sẽ không kết hôn”;
“Nếu sau kết hôn mà anh không định cư ở Úc thì tôi không kết hôn”;
“Nếu sau kết hôn 2 năm mà anh không đậu bằng đại học thì tôi không kết hôn”...
Lý do sự vô hiệu hôn nhân do có điều kiện tương lai là chính ý nghĩa của hôn nhân. Kết hôn là kết ước để yêu và sống với người yêu suốt đời chứ không phải vì một điều khác. Nếu vì điều khác thì coi hôn ước như là phương tiện để đạt được điều khác đó. Vì vậy, ngay cả sau khi kết hôn mà điều kiện đã được hay chưa hoàn thành, hôn nhân đều được xét là vô hiệu.

2.4.2. Điều kiện quá khứ hay hiện tại (đ.1102§2)

Điều kiện về quá khứ, Vd: “Tôi lấy anh, với điều kiện là mẹ anh đã chết”; hoặc hiện tại, Vd. “Tôi lấy em, với điều kiện em còn là trinh nữ”.
Điều kiện về quá khứ hay hiện tại chỉ vô hiệu hôn nhân khi điều kiện không được thỏa mãn.

2.2.6. Kết hôn do sợ hãi nghiêm trọng (đ. 1103)

Sự sợ khiến khiếm khuyết tự do ưng thuận, làm kết hôn vô hiệu. Có nhiều mức độ sợ hãi nhưng Giáo Luật đòi sợ phải là nghiêm trọng để xét là vô hiệu hôn nhân. Một số ví dụ có thể kể như:
  • Bị cha mẹ đe dọa nặng nề (đánh đập, từ bỏ, cắt giảm quyền thừa kế…) nên đành kết hôn,
  • Sợ bị mất danh dự, mất nghề nghiệp, tổn hại… Ví dụ, nếu không kết hôn thì bị chủ sa thải; phụ nữ lỡ có thai nên sợ hãi, đành kết hôn…
  • Do kính sợ cha mẹ, không muốn cha mẹ tức giận hay làm buồn lòng cha mẹ, hay không muốn làm cho cha mẹ đau bệnh thêm nên miễn cưỡng kết hôn.
Đây là một khái niệm mới, gọi là “kính sợ” (timor reverentialis) được án lệ hiện nay chấp nhận xét là vô hiệu hóa hôn nhân.

2.3. Thiếu thể thức giáo luật (forma canonica)

Nếu không cử hành theo thể thức giáo luật hay cử hành mà không thực hiện đầy đủ những yếu tố cần thiết mà luật đòi để được hữu hiệu thì sự kết ước vô hiệu.
Sự vô hiệu hôn nhân do thiếu thể thức ít khi xảy ra. Tuy nhiên cũng có thể kể một số trường hợp cử hành hôn nhân theo đặc ân thánh Phaolô (đ. 1143) nhưng không tra vấn (interpellatio) mà không xin Đấng Bản Quyền miễn chuẩn tra vấn (đ. 1144).

 
Phụ chú
Các thẩm phán cũng không được tự do nhận bất cứ vụ án nào, chỉ nhận xử khi “chắc chắn rằng hôn nhân đã đổ vỡ không còn sửa chữa được, đến nỗi không thể tái lập đời sống chung vợ chồng” (đ. 1675).
Vì hôn nhân đã đỗ vỡ, nếu có sự thiệt hại cho con cái thì đã xảy ra. Tòa án hôn phối khi tuyên bố hôn nhân vô hiệu hầu như không làm tổn hại đến con cái.
 

Bài 4

THIẾU KHẢ NĂNG KẾT HÔN (Đ. 1095)

 
 
Can. 1095
Sunt incapaces matrimonii contrahendi:
1° qui sufficienti rationis usu carent;
2° qui laborant gravi defectu discretionis iudicii circa iura et officia matrimonialia essentialia mutuo tradenda et acceptanda;
 
3° qui ob causas naturae psychicae obligationes matrimonii essentiales assumere non valent.
 
Điều 1095
Không có khả năng kết hôn:
10 những người không sử dụng đủ trí khôn;
20 những người thiếu nghiêm trọng khả năng phân định thích đáng về quyền lợi và nghĩa vụ chính yếu của việc trao ban và lãnh nhận nhau trong hôn nhân;
30 những người không thể đảm nhận những nghĩa vụ chính yếu của hôn nhân vì những nguyên nhân thuộc bản chất tâm lý.
Có vẻ như điều 1095 đưa ra ba yếu tố tương tự như nhau trong việc xét định sự thiếu khả năng ưng thuận kết hôn, nhưng lý thuyết và án lệ (jurisprudence) phân biệt ba yếu tố, cần được khảo sát một cách riêng biệt, cho dù có những nét tương đồng.[19]

1. Không sử dụng đủ trí khôn (đ. 1095,10)

Không có khả năng kết hôn: 10 những người không sử dụng đủ trí khôn (đ. 1095,10).

1.1. Ý nghĩa

Cụm từ “sử dụng trí khôn” chỉ khả năng suy tư độc lập, nhận định điều gì tốt điều gì xấu, phân biệt cái gì đúng cái gì sai hay điều thật điều giả. Luật yêu cầu việc sử dụng trí khôn phải đủ (sufficiente) khi kết hôn, không buộc phải sử dụng trí khôn vượt trội hơn mức bình thường (đ.1058).
Tuy nhiên, để kết hôn thành sự, ít nhất phải hiểu biết cách sơ lược, về hôn nhân như điều 1096 quy định:
- Sống chung hiệp thông với nhau trọn đời;
- Nhắm đến việc sinh sản con cái, do một sự công tác nào đó thuộc phạm vi phái tính.

1.2. Phân biệt

Không sử dụng trí khôn có thể:
- Thường xuyên: như bị tâm thần phân liệt (schizophrenia) hoặc chậm phát triển tâm lý nghiêm trọng (mental retardation)…
Thiếu trí khôn thường xuyên kết hôn vô hiệu.
- Tạm thời: như bối rối, hoang tưởng, giận dữ quá mức, mê sảng, động kinh… say rượu, nghiện ma túy và những chất kích thích tương tự hay trạng thái chập choạng giữa say thuốc và động kinh.
Thiếu sử dụng trí khôn tạm thời, nếu rơi vào thời gian cử hành kết hôn, hôn nhân vô hiệu. Ví dụ, bị say rượu, say thuốc, quá buồn phiền, giận dữ, bị khủng hoảng bởi một biến cố (lỡ mang thai, được tin người yêu chết).
Trong cả hai trường hợp trên, sự vô hiệu cũng có thể thẩm xét theo hai số 2 hoặc 3 của điều 1095, được đề cập ở phần tiếp sau đây.

2. Thiếu nghiêm trọng khả năng phân định thích đáng (đ. 1095,20)

Không có khả năng kết hôn: những người thiếu nghiêm trọng óc phân định thích đáng về quyền lợi và nghĩa vụ chính yếu của việc trao ban và lãnh nhận nhau trong hôn nhân (đ. 1095,20).

2.1. Ý nghĩa

a. Thiếu nghiêm trọng óc phân định thích đáng

Bản Việt ngữ chính thức năm 2007 dùng chữ “óc phán đoán”, xin tu chỉnh thành "óc năng phân định thích đáng".
Thiếu khả năng phân định thích đáng, không chỉ là sự khiếm khuyết về khả năng trí khôn hay trí tuệ nhưng còn là sự khiếm khuyết trong khả năng về ý muốn nữa.[20] Ví dụ, người bị rối loạn nhân cách dạng paranoia có khuynh hướng giải thích hành động người khác như thể là muốn hạ phẩm giá và đe dọa người đó có chủ ý; hoặc như người bị rối loạn nhân cách chống xã hội (antisocal personality disorder) thì không có khả năng gần gũi người khác, không chân thành và dường như không bao giờ muốn nhận biết lỗi lầm của mình.[21]

2.2. Đối tượng của sự phân định

a- Những quyền lợi và nghĩa vụ

 Những quyền lợi và nghĩa vụ chính yếu của hôn nhân, được nói đến trong ba điều "tốt" (bonum) hay ba thiện ích của hôn nhân, khởi xướng bởi thánh Augustino, và vẫn được Giáo Hội dùng trong giáo thuyết hôn nhân:
- Bonum prolis: thiện ích con cái, bao gồm sự sinh sản và giáo dục con cái.
- Bonum fidei: thiện ích chung thủy một vợ một chồng.
- Bonum sacramentum: thiện ích bí tích, dấu hiệu của sự thánh thiện và bất khả phân ly (dấu hiệu của sự kết hợp giữa Đức Kitô và Hội Thánh).
Giáo Luật, dựa theo giáo thuyết Công Đồng Vaticano II, đã thêm Bonum coniugum và đặt nó như một yếu tố chính yếu của hôn nhân:
- Bonum coniugum: thiện ích vợ chồng (đ. 1055)
"Trao ban và lãnh nhận nhau trong hôn nhân" như là đặc điểm của tất cả các các sự thiện ích nói trên mà sự phán định của người phối ngẫu về nó phải đúng đắn. Trong thiện ích hôn nhân (bonum coniugum), những quyền lợi và bổn phận phải bao gồm:[22]
a- Là người đáng được tin tưởng, nghĩa là, sống làm sao để cho người kia biết rõ được căn tính của mình, là tự tỏ lộ ra những gì cần thiết cho đời sống vợ chồng, không dấu diếm lẫn nhau.
b- Tôn trọng người phối ngẫu như một nhân vị khác, nghĩa là tôn trọng người phối ngẫu như là một người với những phẩm giá, quyền lợi, sự độc lập tự do của người ấy.
c- San sẻ tình yêu thương lẫn nhau
Nếu một người không có khả năng chu toàn được những nhiệm vụ này, người ấy thiếu khả năng kết hôn.

b- Hiểu biết người phối ngẫu

Để có thể có được sự phán định thích đáng về nghĩa vụ trao ban cho nhau, tất nhiên là phải biết nhau, ít là biết những điều liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ đó.  Nói cách khác người kết hôn cần phải được biết, nhờ qua một phương cách nào đó, những phẩm cách, tâm hồn, sự tự do, sự hiểu biết, hoàn cảnh, sở thích, cách suy nghĩ … của người kia để hai bên có thể tương giao hợp lý trong cái nhìn và cảm nghiệm, cảm thông nhau.
Nói rõ hơn, người kết ước phải thẩm định được, ít ra là được một phần nào, những khả năng của chính mình và người mình kết ước và tự do quyết định rằng họ mong muốn được thiết lập một sự sống chung hiệp thông trong sự yêu thương chăm sóc nhau suốt đời.[23]
Một sự kết hôn vội vã vì hoàn cảnh nào đó hoặc tuổi còn quá trẻ dễ rơi vào tình trạng thiếu phán đoán về phương diện biết này, mặc dù người ấy đã có những hiểu biết về bản chất cơ bản của hôn nhân mà người qua tuổi dậy thì được giả thiết là đã biết (đ. 1096).

2.3. Nguyên nhân thiếu phân định

2.3.1. Những nguyên nhân nội tại

Nhân tố nội tại, có thể thấy nơi người còn quá trẻ, nơi người bị xáo trộn nhân cách, hoặc nơi người thiếu trưởng thành tâm lý tình cảm (psycho-affective immaturity). Một số tình trạng có thể gây thiếu phán định được kể như sau:
a- Chậm trí khôn
Sự phát triển trí khôn dưới mức bình thường có thể gây thiếu phán định. Theo một quyết định của thẩm phán Roger của tòa Rota, ngày 31-1-1970, một người có chỉ số thông minh IQ dưới 80, được coi là thiếu phán định để kết hôn thành sự.[24]
b- Động kinh (Epilepsy)
Động kinh (epilepsy) là một loại bệnh thần kinh thường gặp, có những biểu hiện từng cơn về rối loạn ý thức, vận động, cảm giác, ngôn ngữ … tái phát nhiều lần, có những lúc bình thường tùy theo đặc điểm tổn thương bệnh lý của não. Bệnh nhân có thể có những giai đoạn loạn tâm thần[25] và có thể có biểu hiện nhân cách: tính không ổn đinh, tính bùng nổ, tính dẻo quyện, tính vị kỷ...[26]
c- Nghiện rượu (alcoholic intoxication)
 Đang trong thời kỳ nghiện rượu mà kết hôn thì được coi là kết hôn trong sự say sưa bất toàn (có độ cồn 0,15%- 0,20%) và nó cũng đủ để làm cho kết hôn bất thành.
d- Những rối loạn nhân cách
“Các rối loạn nhân cách là một tập hợp các trạng thái để biệt định các đối tượng có cách sống, cách cư xử và cách phản ứng hoàn toàn khác biệt với người thường nhưng lại không đủ các triệu chứng của một bệnh lý tâm thần đặc trưng”.[27]
S. Worchel và W. Shebilsue đã kê ra một bảng rối loạn nhân cách có lựa chọn như sau:[28]
Paranoia: Khuynh hướng chủ yếu và không có lý do xác đáng là giải thích hành động của người khác như thể hạ phẩm giá và đe dọa có chủ ý. Mang mối ác cảm, cho rằng mình bị lợi dụng, nghi ngờ người khác và giận dữ rất nhanh.
Loạn tâm thần: Đặc điểm chủ yếu là sự lãnh đạm đối với mối quan hệ xã hội và giới hạn của những biểu hiện tình cảm. Lựa chọn những hoạt động một mình, khen ngợi hoặc phê bình người khác một cách hờ hững, không thích có bạn thân.
Đóng kịch: Đặc điểm chủ yếu là tính đa cảm thái quá và sự chủ ý tìm kiếm. Thường xuyên đòi hỏi được ngợi khen và đồng ý, quan tâm quá mức về sự thu hút của cơ thể, tự coi mình là trung tâm, thể hiện sự nhanh chóng thay đổi và nông cạn của biểu hiện tình cảm.
Tránh né: Đặc điểm chủ yếu là tránh né xã hội, nỗi sợ hãi những đánh giá tiêu cực, và tính rụt rè nhút nhát. Dễ dàng bị tổn thương bởi sự phê phán, sợ bị bối rối đỏ mặt và khóc, tránh những hoạt động xã hội hoặc nghề nghiệp liên quan đến giao tiếp giữa cá nhân với nhau.
Gây hấn thụ động: Đặc điểm chính là sự phản kháng thụ động với những đòi hỏi sự thực hiện xã hội hoặc nghề nghiệp tương xứng. Chần chừ, hờn dỗi và dễ cáu kỉnh khi bị yêu cầu làm một việc gì đó, làm việc chậm có chủ ý hoặc làm việc xấu khi thực hiện những nhiệm vụ không mong muốn, trốn tránh nghĩa vụ bằng cách bảo là “đã quên”, chỉ trích không lý do những người có quyền hành.

2.3.2. Những nguyên nhân ngoại tại

Những nguyên nhân ngoại tại tức là những nhân tố thuộc hoàn cảnh, tác động vào sự phán định, có thể được kể như sau (x. quyết định của coram Davino, 20-3-1985)[29]:
- Kết hôn vội vã, thời gian tìm hiểu nhau quá ngắn ngũi. Ví dụ, người nữ lỡ có thai nên lo kết hôn sớm kẻo bị phát hiện “ăn cơm trước kẻng” và sợ bị phạt vạ.
- Kết hôn cho xong chuyện vì đã muộn màng. Ví dụ, người nữ đã luống tuổi, khi được người làm mai mối giới thiệu là ưng thuận ngay, chưa kịp tìm hiểu người chồng tương lai cho thấu đáo.
- Bị thúc ép kết hôn sớm do cha mẹ. Ví dụ, cha mẹ sắp đi định cư ở nước khác, ép con gái trẻ một mình ở lại nước nhà lấy chồng cho bảo đảm.
- Sợ bị thiên hạ chê cười, vì khuyết điểm riêng của mình hay vì cảnh ngộ nào đó kết hôn thiếu suy nghĩ;
- Muốn được giải thoát khỏi sự bất hạnh, gánh nặng trong gia đình, như một cô gái muốn thoát ra khỏi cảnh cha mình ngày ngày uống rượu say sưa chưởi rủa, đánh đập mẹ con.
- Thiếu giáo dục, như thành viên của một băng nhóm phản xã hội hay thiếu văn hóa kết hôn.
Sự tan vỡ hôn nhân nhanh chóng sau kết hôn là một dấu hiệu khá rõ, chứng minh cho sự cho sự kết hôn thiếu phân định với những nhân tố ngoại tại.

2.4. Những vụ án thường xét theo điều 1095,20

Những trường hợp vô hiệu ở Việt Nam vì thiếu phân định thích đáng thường ở hai nhóm:
a- Nguyên nhân nội tại:
Bệnh tâm trí hay rối loạn nhân cách nghiêm trọng:
- Không có khả năng kiềm chế hay kiểm soát các bốc đồng và các đam mê, nhạy cảm thái quá về nhục dục, được thấy trong một số trường hợp: hoang tưởng, nghiện hút, nghiện rượu, đam mê cờ bạc, hung bạo. sống bê tha vô trách nhiệm…
- Thiếu trưởng thành tâm lý tình cảm: không chắc chắn hay không làm chủ trong các quyết định (thiếu quả quyết) về tình cảm và xu hướng, được thấy trong một số trường hợp: lệ thuộc cha mẹ mà không làm chủ được đời sống vợ chồng, ghen tuông thái quá…
  • Sống lập dị hoặc có tư tưởng và phong tục tập quán khác xa xã hội hiện đại; rất khó để khôi phục mối tương giao với người khác và với xã hội.
b- Nguyên nhân ngoại tại:
Thiếu hiểu biết về đối tượng kết hôn khiến không thể phân định thích đáng về nghĩa vụ trao ban cho nhau:
- Người nữ lỡ có thai nên lo kết hôn sớm. Sau kết hôn họ không thể nào sống trao ban cho nhau. Đây cũng có thể là kết hôn với mục đích xa lạ với mục đích hôn nhân. 
- Bị thúc ép kết hôn sớm do cha mẹ. Người con có thể chỉ bị ép buộc hay sợ hãi nhẹ nhưng đã có quyết định kết hôn vội vã, thiếu suy nghĩ.
 

3. Thiếu khả năng đảm nhận (đ. 1095,30)

 
Không có khả năng kết hôn:  những người không thể đảm nhận những nghĩa vụ chính yếu của hôn nhân vì những nguyên nhân thuộc bản chất tâm lý (đ. 1095,30).
 
 

3.1. Thiếu khả năng đảm nhận

Tình trạng thiếu khả năng kết hôn được xác định ở điều 1095,30 là vì nguyên nhân "thuộc bản chất tâm lý", không thuộc  nguyên nhân ngoại tại, như bị tù bị đày, bị tàn tật, hoặc kết hôn vội vã nên thiếu phán định.[30]
Nguyên nhân thuộc bản chất tâm lý ở đây có ý nói đến sự phát xuất từ một tình trạng của bất thường hoặc bệnh tâm lý.
Nhà lập pháp dùng hạn từ đảm nhận (adsumere) mà không dùng từ chu toàn (adimplere). Chữ đảm nhận nghĩa vụ của hôn nhân ám chỉ đến khả năng đảm nhận của người kết hôn vào lúc cử hành lễ kết ước (in fieri). Chữ chu toàn lại nói đến sự hoàn thành trách nhiệm trong đời sống thực tế của hôn nhân (in facto).
Thông thường hầu hết những dữ kiện về bất thường tâm lý lại xảy ra sau kết hôn, nghĩa là, chúng xảy ra trong cuộc sống hôn nhân khiến người này không thể chu toàn nghĩa vụ hôn nhân. Vậy có thể dựa vào đó để kết luận người này đã không có khả năng đảm nhận hay không? Câu trả lời rất khó, vì có thể kể ra những trường hợp có khả năng xảy ra khác nhau:
a- Không có khả năng đảm nhận và sau đó cũng không chu toàn được (Vd. trước đã có bệnh, sau vẫn bệnh): kết ước hôn nhân vô hiệu.
b- Không có khả năng đảm nhận và sau đó lại chu toàn được vì được phục hồi khả năng (Vd. trước đã có bệnh, sau khỏi bệnh): kết ước hôn nhân vô hiệu.
c- Có khả năng đảm nhận nhưng sau đó lại không chu toàn do bệnh phát ra (trước không có bệnh, sau mới bệnh): kết ước hôn nhân không vô hiệu.
Như vậy, sự không chu toàn được nghĩa vụ sau khi kết hôn có thể đưa đến hai khả năng khác nhau: hôn nhân vô hiệu (a) hoặc hôn nhân không vô hiệu (c).
Trong thực hành, thẩm phán sẽ phải khảo sát vấn đề thiếu khả năng đảm nhận (adsumere) một cách gián tiếp, nhờ qua việc khảo sát trực tiếp những khả năng chu toàn (adimplere). Thẩm phán sẽ khảo sát những thói quen, cách cư xử của đương sự trướcsau hôn nhân. Nếu đạt tới kết luận là người này không có khả năng chu toàn thì thẩm phán cũng kết luận người này không có khả năng đảm nhận, bởi vì rõ ràng là không ai có thể đảm nhận một việc nếu không có khả năng chu toàn.[31]
Dù vậy, trường hợp thứ ba (c) thì ít khi xảy ra. Mặt khác, sự bất thường tâm lý bẩm sinh thường có những dấu hiệu từ trước khi kết hôn, cho dù còn nhẹ nhưng đã biểu lộ là có nguồn gốc bệnh.
Đối với trường hợp thứ hai (b), tuy rất ít khi xảy ra, đó là sự khỏi bệnh. Như vậy khi thấy có sự chu toàn được nghĩa vụ hôn nhân một cách bình thường trong cuộc sống vợ chồng, cũng không nhất thiết phải kết luận rằng người này khi kết hôn là đã có khả năng đảm nhận như người bình thường.

3.2. Những nguyên nhân thuộc bản chất tâm lý

Tâm lý, thuộc bên trong, tự nó, chỉ tất cả lãnh vực tinh thần của một người. Tâm lý bất thường, không có nghĩa chỉ là có bệnh tâm thần hay điên loạn. Nó có thể được hiểu trong liên hệ với những dữ kiện văn hóa, giáo dục, đạo đức và ý muốn của một người.
L.G. Wrenn liệt kê tóm tắt các dạng tâm lý bất thường như sau:
- loạn thần kinh (psychoses);
- loạn thần kinh chức năng (neuroses);
- rối loạn nhân cách (personality disorder);
- đồng tính luyến ái (homosexuality) dạng ego dystonic (ám ảnh và thôi thúc làm). Nếu đôi bạn vẫn có thể thiết lập được mối quan hệ vợ chồng bình thường thì được coi như đủ khả năng đảm nhận nghĩa vụ hôn nhân (x. Coram Serrano, 5-4, 1973). 
Nếu muốn đi sâu vào các dạng thức riêng biệt của các loại tâm lý bất thường trên, cần tham khảo các tài liệu khoa học. Hiện nay, phổ biến nhất là DSM- IV và DSM- V (Diagnostic and Statistical Manual of Mental Disorders), tài liệu chuẩn đoán và hướng dẫn về bệnh tâm lý được Hiệp Hội Khoa Thần Kinh Mỹ (American Psychiatric Association) xuất bản. Khoa thần kinh học tại Việt Nam cũng đang phát triển, cũng có nhiều tài liệu chuyên môn về vấn đề này.

3.3. Vô hiệu theo đ. 1095,20 hay đ. 1095.30 ?

Trong một số vụ án, có thể có cả hai yếu tố tâm trí và tâm lý nói trên đan xen, khó mà phân biệt, được thấy trong một số trường hợp rối loạn nhân cách. Ví dụ trong trường hợp người thường xuyên bạo lực, hành hạ vợ, thì khó mà xác định người này thiếu phân định bổn phận (đ. 1095,2) hay không thể đảm nhận bổn phận do bản tính tâm lý hung bạo (đ. 1095,3). Trong trường hợp này, thẩm phán tùy hoàn cảnh cụ thể, chọn xét yếu tố nào mà những sự kiện xảy ra trong cuộc sống của họ biểu tỏ nhiều hơn.[32]

3.4. Chỉ là những khó khăn

Cần phân biệt sự thiếu phân định hay thiếu khả năng tâm lý để chu toàn bổn phận với những khó khăn (difficulty) trong cuộc sống gia đình. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolo II trong bài diễn văn trước Tòa Thượng thẩm Roma năm 1987 đã minh định: có những khó khăn trong đời sống có thể khiến hôn nhân bị tan vỡ nhưng không làm cho hôn nhân vô hiệu. Những khó khăn này có thể xuất phát từ những: sự lơ là hay coi thường bổn phận; sự không chấp nhận gánh vác những gánh nặng; không vượt qua được những giới hạn của đời sống vợ chồng; sự khống chế của bản năng; đời sống vô luân…
Những hành vi tội lỗi xấu xa như ngoại tình, lừa gạt, dối trá… của một bên khiến cuộc tan nhân tan vỡ, tự nó không làm cho kết ước hôn nhân vô hiệu. Chúng chỉ gây ra những khó khăn trầm trọng cho đời sống gia đình. Tuy nhiên, chúng cũng có thể là biểu hiện cho những nền tảng tiêu hôn như thiếu khả năng phán định, lầm lẫn, hay simulatio

3.5. Một số yếu tố giúp thẩm định sự thiếu khả  năng

Độ bất thường tâm lý phải:
- Nghiêm trọng (severity): Nghiêm trọng là “không đủ mạnh” (not strong enough) để có thể đảm nhận nghĩa vụ chính yếu của hôn nhân. Sự rối loạn tâm lý không thể chữa lành có thể đủ để coi là nghiêm trọng cho sự vô hiệu của hôn nhân.[33]
- Có trước (antecedence): Thiếu khả năng đảm nhận nghĩa vụ có trước và vào lúc kết hôn, đương nhiên làm hôn nhân vô hiệu. Tuy nhiên án lệ không đòi sự biểu hiện rõ ràng sự thiếu khả năng. Cũng đủ để kết luận thiếu khả năng kết hôn khi đã xuất hiện căn gốc hoặc tiềm ẩn, miễn là sự biểu hiện phải xảy ra vào thời gian gần với kết hôn.[34]
- Vĩnh viễn hay không vĩnh viễn: Sự không có khả năng đảm nhận có thể là vĩnh viễn nhưng cũng có thể là tạm thời hay gián đoạn. Bệnh tâm lý có thể là có trước và trong khi kết hôn nhưng nó có thể được chữa lành hay tự khỏi sau kết hôn. Trong trường hợp này kết hôn vô hiệu.
- Không là thiếu khả năng tương đối
 Thiếu khả năng tương đối có nghĩa là một người không có khả năng chu toàn nghĩa vụ hôn nhân chỉ đối với một số người nào đó chứ không phải tất cả mọi người. Ví dụ một người chồng nóng tính, vũ phu thì không thể chu toàn nghĩa vụ yêu thương đối với người vợ cũng nóng tính, cứng cỏi, nhưng người chồng đó lại có thể chu toàn nghĩa vụ đối với người vợ dịu hiền. Thiếu khả năng tương đối, khiến không thể chu toàn nghĩa vụ vợ chồng, thường được nêu ra như là hệ quả của sự không hợp nhau, tính tình xung khắc.
Thẩm phán Mario Pompedda của tòa Rota, đã từ chối xử hôn nhân vô hiệu chỉ với lý do thiếu khả năng tương đối trong việc đảm nhận nghĩa vụ hôn nhân.[35]

3.6. Giám định viên

Trong các vụ án liên quan đến những sự rối loạn nhân cách hoặc có bệnh tâm trí, thẩm phán cần nhờ đến sự giúp đỡ của các chuyên viên để giám định.  Tuy nhiên, nếu thẩm phán thấy rõ là không cần thiết thì có thể miễn sự giám định (đ. 1678&3).
Các thẩm phán cần phải tin tưởng vào kết luận của các giám định viên, tuy nhiên cũng cần phải tham gia xem xét, chứ không phó mặc cho họ.[36]

4. Những vụ án minh họa cho điều 1095,20&30

4.1. Vụ án cấp giáo phận

a. Thiếu phán định về bổn phận và nghĩa vụ hôn nhân (đ. 1095,20)
Angela 21 tuổi, đẹp, duyên dáng và quyến rũ. Roland 24 tuổi, cao, đẹp trai và hấp dẫn. Hai người quen nhau trong buổi dạ vũ mừng sinh nhật của em gái Angela.
Họ gặp nhau thường xuyên sau đó, ai cũng khen họ xứng đôi vừa lứa. Roland lịch lãm với bạn bè, lễ phép với người trên, anh xài tiền khá hào hoa và thường lái những chiếc xe hơi mới khác nhau, mặc dù ngay cả Angela cũng không biết đích xác anh làm nghề gì, khi được bố mẹ hỏi, Angela cũng chỉ cho biết loáng thoáng rằng Roland làm chủ một cơ sở buôn bán xe du lịch.
Chuyện kém may mắn đầu tiên xảy ra cho hai người được Roland kể lại cho Angela khi trao cho cô chiếc nhẫn đính hôn: Chiếc nhẫn này không phải là chiếc nhẫn chính anh mua, chiếc nhẫn anh mua xong để trong xe đậu trong sân đậu xe, khi trở lại vào buổi chiều, kiếng xe đã bị đập bể và kẻ trộm lấy cắp hết tiền bạc và cả chiếc nhẫn. Anh đã xin bảo hiểm đền và hãng bảo hiểm đã đền đầy đủ những thứ bị mất. Chiếc nhẫn anh trao cho Angela là chiếc nhẫn được hãng bảo hiểm đền.
Ðám cưới của hai người tổ chức linh đình với đầy đủ bạn bè tham dự. Sau tiệc cưới, hai người thong dong đi hưởng tuần trăng mật. Khi đến nơi, Roland hoảng hốt cho Angela biết anh để quên "chiếc bóp" ở nhà với tất cả tiền bạc của anh. Angela bèn dùng "credit card" của cô để trang trải mọi phí tổn của tuần trăng mật. Angela hưởng tuần trăng mật một cách kinh hoàng, không phải vì số tiền cô phải trả, nhưng vì Roland quá vũ phu trong hành động vợ chồng, cô bắt đầu cảm thấy chán nản.
Khi về đến nhà, Roland có lẽ vì nhiều công chuyện, nên quên trả lại tiền cho vợ. Bàn đến việc trang hoàng nhà cửa, Roland đưa ra những hoạch định xa hoa và tốn kém để cuối cùng Angela biết rằng Roland là một gã thất nghiệp, du thủ du thực chuyên môn cờ bạc, lường gạt, vay mượn không bao giờ trả. Angela đã lỡ chân, cố gắng đi làm nuôi chồng, cô đề nghị chồng đi tìm việc, Roland hăng hái nhận lời yêu cầu vợ đưa tiền đổ xăng, ăn uống. Mỗi tuần Angela đều cung cấp gần nửa số lương cho chồng đi tìm việc, nhưng không bao giờ chồng tìm được công việc nào cả. Angela quyết định không đưa tiền cho chồng nữa, kết quả đưa đến là việc đánh đập tra khảo tiền bạc. Khi Angela có thai, sự việc càng khủng khiếp hơn nên cô tuyên bố ly dị Roland.
Khi nghe tin Angela sẽ li dị, Roland khóc lóc thảm thiết nài van vợ đừng bỏ anh, anh sẽ không thể sống được nếu không có nàng, cuối cùng, anh dọa sẽ tự tử nếu Angela bỏ anh. Angela nén lòng chịu đựng.
Gần đến ngày sinh, Angela không còn đi làm được nữa, gia đình không có tiền, cô bèn phải về nhà bố mẹ để nương nhờ. Roland tưởng vợ đã bỏ anh, anh dọa sẽ giết cô và cả gia đình, nếu gia đình chứa chấp vợ anh.
Angela bỏ trốn đi một nơi khác, trình bày với Tòa Án Hôn Phối. Sau khi điều tra với những nhân chứng xác thực, Tòa Án tuyên bố hôn nhân giữa Roland và Angela không thành sự đặt trên căn bản việc Roland vũ phu, cách xử thế không bình thường và Roland không có khả năng chu toàn vai trò của người chồng trong gia đình.
(Trích từ Những trường hợp hôn phối đã được tháo gỡ của linh mục Giuse Bùi Đức Tiến).[37]
b. Thiếu khả năng (đ. 1095,20&30) do bạo dâm, bạo động, say rượu
Sylvia Giancomo và Ivan O'Donnell, cả hai là Công Giáo, lãnh Bí Tích Hôn Phối tháng 6 năm 1960. Lúc đó Sylvia 20 tuổi và Ivan 24 tuổi. Hai người sống với nhau 17 năm được hai người con. Ivan là người bạo dâm, bạo động, hay say rượu. Sylvia xin tòa đời ly dị và sau đó thỉnh nguyện tiêu hôn. Theo lời nhân chứng, Ivan là con người bất bình thường, dễ cáu kỉnh. Trong đêm tân hôn Ivan khóc thương mẹ đã chết mấy tháng trước và không giao hợp với Sylvia. Việc giao hợp vợ chồng là một khó khăn cho Ivan, hai người chỉ giao hợp với nhau 20 lần trong suốt 17 năm.
Trong tuần trăng mật, Sylvia mới khám phá ra Ivan nghiện rượu. Ông đi uống rượu đến 4, 5 giờ sáng mới về, trong tuần trăng mật và sau này. Mỗi tháng Ivan chỉ cho Sylvia 70 đô la, trả tiền nhà và ăn uống theo giá biểu thập niên 60. Số tiền còn lại ông đem uống rượu và cờ bạc. Ivan thường hay nổi nóng đánh đập Sylvia, có lần toan xiết cổ bà cho chết. Ðối với con cái, ông hay dọa nạt, đánh đập khiến chúng khiếp sợ, trở nên nhát đảm phải nhờ bác sĩ tâm lý điều trị. Tòa tuyên bố hôn nhân bất thành vì Ivan không có khả năng gánh vác trách nhiệm của khế ước hôn nhân.
(Trích Nguyệt San Trái Tim Ðức Mẹ Số Tháng 7 năm 1992)[38]

4.2. Vụ án tại Tòa Thượng thẩm Roma

a. Thiếu trưởng thành tâm lý tình cảm, còn lệ thuộc cha mẹ, coram Stankiewicz, 11-07-1985
John 20 tuổi, Linda tuổi, theo giám định viên, cả hai bên thiếu trưởng thành tình cảm và chẳng có sự chuẩn bị gì về mặt xã hội cho hôn nhân; bị đơn không có khả năng chu toàn nghĩa vụ hôn nhân và có lẽ thiếu cả khả năng ưng thuận hôn nhân.
Nguyên nhân chính của quyết định tòa án: trước hôn lễ, đối với mẹ, bị đơn chỉ là một đứa trẻ. Sau ngày cưới, anh ta quyến luyến với bố mẹ hơn là đối với vợ. Phần lớn thời gian, trong việc kinh tế anh ta thiếu thực tế, tất cả đều do bố mẹ quyết định cho anh. Sau đám cưới một ngày anh ta muốn xé giấy chứng hôn và trở về nhà bởi gì hôn nhân chẳng có gì tốt đẹp gì như những người bạn nói, và anh ta không muốn chịu làm một người chồngng nữa. Vậy anh ta thiếu khả năng thực hiện ưng thuận kết hôn. Anh ta không phải thiếu khả năng chu toàn nghĩa vụ hôn nhân bởi vì điều đó đã chấm dứt sau khi bố mẹ qua đời. Trong thực tế anh ta đã có mối quan hệ với một người phụ khác và đã có vài con. (Trích Monitor Ecclesiaticus, 1986, tr. 163-172- hoặc Studi Giuridici XXIII, tr. 44-45).[39]
b. Rối loạn nhân cách do nghiện rượu, coram Comac Burk 2.12.1993 (đ. 1095, 20)
Cuộc sống hôn nhân của Maria và Bill kéo dài hơn 30 năm nhưng rồi kết thúc vào năm 1980. Vào năm 1986, Maria đã đệ đơn ra tòa án Omaha xin tuyên bố hôn nhân của mình vô hiệu.
Bị đơn, Bill, là người nghiện rượu kể cả thời gian trước hôn nhân. Khá nhiều nhân chứng rõ ràng và cũng được bệnh viện xác nhận “nghiện rượu, giai đoạn nặng”; “nghiện rượu mãn tính”. Giám định viên tòa Rota trong vụ nầy, giáo sư Claudio Di Liberto, cho rằng có đủ chứng cớ về sự không có khả năng, xuất phát từ sự rối loạn nhân cách nặng nề của bị đơn.
Bill được mô tả là thường xuyên gây bạo lực. Chị dâu Patrricia M. của nguyên đơn xác thực rằng để cứu cuộc sống, cô ta phải cách ly khỏi anh ta. Cũng vậy, anh ta có khuynh hướng muốn thống trị người khác và nhắm đến việc lợi dụng họ, thích gian dối, thiếu tinh thần trách nhiệm đối với gia đình và về tiền bạc. Chứng nghiện rượu đã đưa đẩy anh ta tới đam mê bài bạc. Mọi thứ dường như phù hợp với nhận xét của một nhân chứng: “Tôi cho rằng Bill không có khả năng ứng xử bình thường”. Có nhiều chứng cứ về ảnh hưởng tiêu cực rõ ràng do rối loạn nhân cách đối với con cái của họ, vì vậy con cái của họ cũng đã trải qua cuộc điều trị về tâm thần. Người chị dâu của nguyên đơn khẳng định rằng “Con cái của họ có thần kinh bất ổn ngay khi còn nhỏ”.
Trong bản án, Tòa Rota nhận xét: “Từ những điều nầy, giáo sư Di Liberto đi đến một kết luận về ‘rối loạn nhân cách’ đáng lưu ý: ‘một sự thiếu trưởng thành nhân cách trầm trọng gây ra bởi yếu tố bệnh thái nhân cách… trong mối liên hệ giữa con người với nhau, với tiền bạc và công việc, … chúng ta nhận xét rằng ý kiến các chuyên viên, dựa trên những chứng cứ khác của án từ, thì đủ để có một sự chắc chắn luân lý về sự trầm trọng và rối loạn nhân cách tự bản tính nơi bị đơn và không nghi ngờ là đã có thể hiện ngay trong khi cử hành hôn nhân, đó là điều làm cho anh ta không có khả năng đảm nhận những nghĩa vụ căn bản của hôn nhân”.
Sau khi cân nhắc mọi khía cạnh về luật và sự kiện, Tòa án “xác nhận” nghĩa là “hôn nhân đã được chứng minh là vô hiệu vì lý do tâm lý bị đơn không có khả năng đảm nhận những bổn phận căn bản của hôn nhân”.

c. Thiếu phán định về hôn nhân do mang thai ngoài ý muốn (đ. 1095,20&30), Coram Cormac Burke, 24-10-1994 (Dublin)[40]

Khi còn rất trẻ Denis và Bernadette bắt đầu yêu nhau. Vào tháng 5 năm 1974, cô gái đã bị thương trong một vụ nổ bom khủng bố, trong đó một người bạn cùng làm việc đã bị chết. Cô bị giải phẩu và được điều trị 6 tháng. Bắt đầu từ khi đó, họ có quan hệ tình dục với nhau và Bernadette có thai. Khi gia đình hai bên biết chuyện này họ lập tức chuẩn bị đám cưới ngay vào ngày 1-10-1975. Lúc đó, Berrnadette mới 16 tuổi và Denis 18 tuổi. Sống với nhau đến năm 1982, đã có hai người con, thì Bernadetteb bỏ chồng đi lấy người khác.
Ở Tòa Thượng Thẩm Roma, có những nghi vấn mới được đặt ra cho việc xét hôn nhân vô hiệu và được thiết lập như sau: “Hôn nhân có vô hiệu hay không: a) ở tòa cấp III, trên cơ sở của sự thiếu phán đoán trầm trọng của nguyên đơn; b) như ở tòa cấp I: (I) trên cơ sở thiếu khả năng đảm nhận những nghĩa vụ chính yếu của hôn nhân, của hai bên; hoặc, (II) trên cơ sở của sự bị ép buộc và sợ hãi tác động trên nguyên đơn?”
Các thẩm phán đồng ý rằng:
Hôn phối được luận xét này là vô hiệu do bởi thiếu trầm trọng phán đoán của nguyên đơn, phát sinh từ một tình trạng tâm lý hoàn toàn riêng biệt và bất thường, mặc dù tạm thời, vào lúc ưng thuận hôn nhân. Hoàn cảnh bị chấn thương trước kết hôn, ảnh hưởng của thuốc men, và sự lo lắng không yên phát sinh từ chuyện có thai ngoài ý muốn, cùng với sự không thể ngay cả xin bị đơn tư vấn về tình trạng khó khăn – tất cả những hoàn cảnh riêng biệt đã làm giao động sự hoạt động của những khả năng của nguyên đơn đến nỗi cô ta không thể định được giá trị của những bổn phận thiết yếu của hôn nhân một cách có suy xét nghiêm túc được và không thể chọn lựa chúng với tự do bên trong đòi hỏi.
Tòa án đã nhận lý do thiếu phán đoán của nguyên đơn. Bà ta đã thiếu một sự phán đoán tối thiểu, tương xứng với tuổi còn rất trẻ (chỉ mới 15 tuổi khi mang thai), quyết định kết hôn đã bị điều kiện hóa bởi hai hoàn cảnh rất đặt biệt.
Ann, chị của bà, nói rằng: “Họ không trưởng thành và có trách nhiệm do tuổi tác”.
Thomas C nói: “Tôi không nghĩ là cô ta đủ trưởng thành để kết hôn vào thời gian đó. Cô ta còn ở trong giai đoạn nữ sinh”.
Người anh, Vincent: “Chúng tôi đang nói về những người chỉ hơn những trẻ con đang đi học (26/9). Xét đến khái niệm về hôn nhân, ông ta nói: “Họ có thể có những ý tưởng trẻ con về hôn nhân”.
Ann K, mô tả họ như là: “hai người rất thiếu trưởng thành với một kết hôn vội vã” (31/3), thêm rằng: “Thật là sai lầm ngay cả đề nghị kết hôn”.
Tòa ghi nhận rằng, theo chứng cứ của nguyên đơn, bắt đầu có quan hệ tình dục giữa hai bên vào khoảng 2 năm sau cuộc gặp gỡ đầu tiên, gần sau khi bà ta bị tai nạn bom và bà mang thai chỉ một tháng sau vụ nổ bom. Bà ta đã toan tự tử khi biết mình có thai.
Các thẩm phán đã kết luận: "Xác nhận chỉ cho nghi vấn đầu tiên, nghĩa là, hôn nhân đã được chứng minh vô hiệu trong vụ án trước tòa, dựa vào nền tảng là thiếu trầm trọng phán đoán về phía nguyên đơn”.

d. Chồng bạo lực, bất trung, bài bạc, lừa dối, Coram Cormac Burke, 26-10-1992[41]

Sau một năm đính hôn, Anne T và Frank M kết hôn ngày 23-2-1980. Khi đó, cả hai đều 23 tuổi. Hầu như bắt đầu đời sống chung, chồng đã cư xử bạo lực với vợ. Càng tệ hại hơn, khi ở bệnh viện, nàng biết được chồng mình đã qua những đêm với một cô gái khác tại chính nhà mình. Không lâu sau đó, 16 tháng sau kết hôn, nàng chia tay chồng.
Một số điều khác được ghi nhận trong bản án như sau:
-Nguyên đơn, trước khi kết hôn, nói hoàn toàn sai lầm về bản tính của bị đơn, nhưng thẩm phán thấy khó mà xác định.
- Ấn tượng của cô ta trong thời gian đính hôn về chàng ta là “ngay thẳng, thật thà, tử tế; nhưng sau đám cưới chẳng bao lâu thì đã đối xử “bạo lực nghiêm trọng”, mà cô ta nói “tiếp tục cho đến cuối hôn nhân”.
- Anh ấy đã đối xử bạo lực với nguyên đơn. Nguyên đơn bị “hành hung”. Dường như bị đơn đã đòi hỏi quan hệ tình dục ngay sau khi đánh vợ (13). Trong khi đó anh ấy khai rằng mình chỉ hành hung vợ chỉ có bốn lần.
- Cô ta khai rằng cô đã bị lừa dối về tật cờ bạc của anh ta, bởi vì trước kết hôn cô nghĩ rằng chỉ chơi nho nhỏ. Sự thật anh ta là tay cờ bạc lớn, được xác nhận vào hồ sơ vụ án.
- Bị đơn xác nhận rằng, cha mình là người uống rượu nhiều. Có một chút khác với mức độ uống của anh ta.
- Sự vô trách nhiệm về hôn nhân trầm trọng của anh ta nói chung (và cách riêng trong vấn đề tài chánh), được thấy rất nhiều trong hồ sơ vụ án. Tòa nhận ra sự hững hờ đối với vợ trong những lúc rất cần thiết: khi cô ta ở bệnh viện, lần đầu vì xẩy thai, và lần thứ hai vì sinh đứa con duy nhất của họ. Bị đơn có xác nhận sự vô trách nhiệm của mình.
- Bị đơn cũng thú nhận mình không chung thủy. Tòa lưu ý đặt biệt đến cảnh anh ta đã ngoại tình ngay trong nhà vợ chồng mình khi vợ đang ở bệnh viện sinh con. 
Quyết định của tòa Rota về vụ án này cũng khá đặc biệt, vì phần cuối bản án, Tòa đã ra phán quyết xác nhận hôn nhân vô hiệu nhưng lại không xác định rõ một nguyên nhân vô hiệu nào, chỉ có nghiêng về sự lừa gạt, như sau:
27. Việc anh ta cờ bạc thì rõ là trước kết hôn. Khuynh hướng bạo lực thì cũng không nghi ngờ là cũng vào thời đó, dù anh ta rõ là kiểm soát được chúng, nhưng có lẽ với những hoạch định để có thể có được ưng thuận kết hôn.
28. Bạo lực và không chung thủy sau hôn nhân không chứng minh thiếu khả năng đảm nhận những nhiệm vụ chính yếu của hôn nhân là đã có trước và thường xuyên. Bài bạc và thiếu trách nhiệm tài chính cũng không được coi là bỏ bê nhiệm vụ cốt yếu (cấu thành) nào của giao ước hôn nhân. Chứng cứ của thiếu khả năng ưng thuận không có được từ những khiếm khuyết cá nhân này. Tuy nhiên, khi tổng hợp lại và sau khi suy xét kỹ lưỡng các dữ kiện và hoàn cảnh, cũng đặt biệt không bỏ lơi những lừa gạt được đề xuất ra, chúng tôi đồng ý rằng lời xin của nguyên đơn nên được chấp thuận.
29. Sau khi xem xét tất cả những khía cạnh pháp lý và sự kiện, chúng tôi, những dự thẩm của phiên tòa này… trả lời cho nghi vấn đã được nêu ra là:
“XÁC NHẬN”, nghĩa là, “sự vô hiệu hôn nhân đã được chứng minh, trong vụ án trước tòa, dựa trên những lý do đơn thuần là bị đơn thiếu khả năng đảm nhận những bổn phận của hôn nhân”. 
 

Bài 5

KẾT HÔN VÔ HIỆU

DO LẦM LẪN (Đ. 1097)

 
Can. 1097 
§ 1. Error in persona invalidum reddit matrimonium.
§ 2. Error in qualitate personae, etsi det causam contractui, matrimonium irritum non reddit, nisi haec qualitas directe et principaliter intendatur.
 
Điều 1097
§1. Sự lầm lẫn về nhân thân làm cho hôn nhân bất thành.
§2. Sự lầm lẫn về tư cách của một người, ngay cả khi tư cách ấy là nguyên nhân của khế ước, không làm cho hôn nhân bất thành, trừ khi tư cách ấy được nhắm đến cách trực tiếp và chính yếu.
 
Vấn đề cần được giải thích là, trong triệt 1,  chữ “nhân thân” có nghĩa là gì. Theo triệt 2 thì hôn nhân chỉ có thể bất thành khi lầm lẫn một tư cách đã được nhắm đến một cách trực tiếp và chính yếu. Ý niệm “trực tiếp và chính yếu” được hiểu như thế nào?

1. Lầm lẫn về nhân thân (persona), đ. 1097§1

Chữ nhân thân (persona) ở đây thường chỉ giới hạn trong  nghĩa thể lý, một con người vật lý. Ví dụ, tưởng là anh A, nhưng thật sự là anh B.
Tuy nhiên án lệ không giới hạn chữ “nhân thân” trong nghĩa thể lý nữa mà còn mở rộng thêm ý nghĩa, được nói cách tóm tắt là “lầm lẫn về tư cách đến mức độ lầm về con người”.
Ví dụ, cô gái biết và tin rằng anh A là người có ăn học, đàng hoàng, là một phó giám đốc của một công ty nhưng sau kết hôn thì cô mới biết anh A thật sự là một công nhân, mới học lớp ba, chuyên nghề lừa đảo. Cô ta đã lầm đến độ anh A mà cô biết lúc trước kết hôn khác hẳn anh A sau kết hôn. Cũng là anh A thể lý đó, thân hình đó, gương mặt đó nhưng anh A đã biến sang một con người với những phẩm chất khác. Anh A ban đầu là một phó giám đốc, có ăn học đàng hoàng, khác hẳn với một anh A công nhân, thất học, lừa đảo. Để diễn tả án lệ dùng kiểu nói “lầm lẫn về tư cách đến mức độ lầm về con người”.
Jarawan trong quyết định 1991 (83-77) đã nhận định: “Từ những năm 70, việc xác định một  nhân thân (persona) trong án lệ Rota không còn định nghĩa bởi những tiêu chuẩn và những lý lẽ hầu như là vật lý, nhưng cũng bao gồm cả những phẩm chất  pháp lý, luân lý, xã hội”[42].
Thực ra, lý thuyết đã được mở rộng trên trong lịch sử đã được bộ Giáo luật 1983 đã thu nhận và quy định rõ ràng trong điều 1097§2. Nó không dùng khái niệm “lầm về tư cách đến mức độ lầm về con người (persona)” mà diễn tả cách rõ hơn: “tư cách ấy được nhắm đến cách trực tiếp và chính yếu”.[43]

2. Lầm lẫn tư cách, đ. 1097§2

2.1. Lầm lẫn về một tư cách không làm hôn nhân bất thành

Tư cách được dịch từ chữ La tinh “qualitas”, có nghĩa là quality: phẩm chất, đặc nét, đặc tính, tài năng, năng lực, đức tính, đặc trưng, cái mà người ta sở hữu…
Tư cách của một người có thể bao gồm nhiều đặc điểm về đạo đức luân lý, địa vị hay tương quan xã hội, tương quan gia đình, thể lý, tài năng, tâm lý, hoàn cảnh giàu nghèo… Trong án lệ có thể có những sự lầm lẫn như:
- người đạo đức - gian dối, lừa đảo
- có địa vị xã hội như chủ tịch, thủ trưởng - thường dân, công nhân
- Giàu sang - nghèo hèn
- Nết na, ít nói, thật thà  - ba hoa, gian dối
- Có vẻ tốt - có những tật xấu trầm trọng: rượu chè, cờ bạc, nghiện hút
- Đạo đức bình thường - làm nghề điếm
- Con của người bình thường - con của một người bê tha rượu chè

Giáo luật xác định: “Sự lầm lẫn về tư cách của một người, ngay cả khi tư cách ấy là nguyên nhân của khế ước, không làm cho hôn nhân bất thành”.
Chỉ khi một tư cách “được nhắm tới một cách trực tiếp và chính yếu” thì mới làm cho sự kết hôn vô hiệu.

2.2. Lầm về một tư cách được trực tiếp và chính yếu nhắm đến

“Trực tiếp” ở đây có nghĩa là tư cách nhắm đến không phải là điều trung gian hay phương tiện. Ví dụ như khi kết hôn cũng đồng thời nhắm đến người chồng trong tương lai có sức khỏe. Sức khỏe trong trường hợp này chỉ là điều nhắm tới cách gián tiếp.[44]
“Chính yếu” ở đây có nghĩa là trước hết, ưu tiên hơn hết cái khác (suppratutto).
Ví dụ 1: Anh A muốn sức khỏe của người mình kết hôn phải tốt. Sức khỏe phải là điều tiên quyết. Anh muốn kết hôn với người có sức khỏe hơn là muốn chính người đó. Sức khỏe đối với người này còn quan trọng hơn cả con người được chọn kết hôn. Anh ta chọn kết hôn không phải vì chính người đó mà vì người đó có sức khỏe tốt.[45]
Ví dụ 2: Cô gái có chủ ý kết hôn với một bác sỹ. Nếu anh ta không là bác sĩ thì cô không kết hôn. Cô ta coi địa vị bác sĩ hơn là con người có địa vị đó. Tư cách bác sĩ đã được cô nhắm tới một cách trực tiếp và chính yếu.
Ví dụ 3: Chàng trai khi quyết định kết hôn nhắm đến cô gái Công Giáo, thực hành đạo. Nếu như cô ta không là người Công Giáo đạo hạnh thì anh ta không kết hôn. Tư cách Công Giáo đạo hạnh đã được chàng trai nhắm đến một cách trực tiếp và chính yếu.
Ví dụ 4: Đến ở trong một xóm có tật hay chơi bài, anh rất ghét bài bạc vì gia đình anh đã tan hoang vì cha mình có tật cờ bạc. Anh quen một cô gái mà anh thấy không chơi bài. Anh tự nhủ nếu cô chơi bài anh sẽ không kết hôn. Không bài bạc đối với anh ta là một phẩm cách được nhắm đến trực tiếp và chính yếu.

2.3. Tính chất của chủ ý

Sự nhắm tới hay chủ ý về tư cách cũng có nhiều khác biệt. Nó thực sự là nhắm đến hay chỉ là một sự mong muốn hay mơ ước.  Wrenn, trong quyển “The Invalid Marriage” đã đề nghị một sự phân biệt như sau:[46]

a. Những chủ ý không đủ để được xét hôn nhân vô hiệu

- Chủ ý được suy đoán (presumed intention): là ý định mà không biết là có hay không, chỉ có dựa vào hoàn cảnh để suy đoán.
Ví dụ: “Cô ấy là người Công Giáo đạo đức, vì thế cô ấy chỉ muốn lấy người có đạo và giữ đạo”. Không thể vì thấy cô ta đạo đức (một hoàn cảnh) mà thẩm phán suy đoán suy đoán rằng cô ta đã có chủ ý kết hôn với người có đạo và giữ đạo. Tương tự, không thể vì thấy anh ta ghét bài bạc mà ta có thể suy đoán rằng anh ta nhắm đến kết hôn một cô gái không bài bạc.
- Chủ ý giả tưởng (interpretive intention):  là ý định có được là do nghĩ tưởng mà thôi, chứ thực ra không có chủ ý rõ ràng.
Ví dụ: “Nếu tôi đã biết anh ấy không giữ đạo, tôi đã không lấy anh ấy”. Giả tưởng tức là điều được tưởng tượng ra, giả thiết là có, nhưng nó đã không có thực, thường được diễn tả bằng chữ “nếu”, “giả như”, “nếu biết rằng”. Sự nhắm đến phải là có thực trước kết hôn hay khi kết hôn chứ không là một giả tưởng có sau kết hôn.
- Ý định chung chung (generic intention):
Ví dụ: “Tôi thích lấy người Công Giáo giữ đạo hơn”. Thông thường ai cũng muốn điều tốt, không muốn một điều xấu nơi người mình sắp kết hôn. Một ước muốn, hay ý định chung chung như vậy không đủ để xét hôn nhân là vô hiệu.
- Ý định theo thói quen (habitual intention):
Ví dụ: “Khi tôi kết hôn, tôi sẽ lấy một người Công Giáo giữ đạo”. Xét ước muốn theo thói quen hay, lệ thường, tục lệ thì khác với xét một điều được nhắm đến một cách riêng biệt

b. Những chủ ý không cần đòi hỏi phải có để xét hôn nhân vô hiệu

Thẩm phán cũng giữ sự quân bình, không đòi hỏi qua nghiêm khắc. Sự chủ ý hay nhắm tới một tư cách được xác nhận là có, mà không cần phải:
- Chủ ý có ngay lúc kết hôn.
Ví dụ: “Khi tôi đứng đó, trong buổi lễ kết hôn, lúc tôi trao đổi ưng thuận kết hôn, tôi kết hôn chỉ vì anh ấy là người Công Giáo giữ đạo thật sự”.
- Chủ ý rõ ràng (explicit intention): ý định được nói rõ ra.
Ví dụ: ‘Tôi chỉ kết hôn hữu hiệu với điều kiện là anh ấy phải là người Công Giáo giữ đạo”.

c. Những ý định cần và đủ để xét hôn nhân vô hiệu

  1. Chủ ý tích cực (possitive intention): Nó hơn là một ý định được suy đoán, được giả tưởng  hay theo thói quen.
  2. Chủ ý thực sự (virtual intention): ý định không nổi lên ngay khi kết hôn nhưng kéo dài và là như một phần của ưng thuận.
  3. Chủ ý hàm ẩn (implicit intention): ý định được tỏ ra nhưng không trực tiếp. Trong thực tế, có hai dạng thức: Thứ nhất, ý định được bày tỏ bằng lời nói nhưng chỉ gián tiếp.
Ví dụ, chàng trai nói: “Tôi không hề muốn sống chung với người vợ nào mà đòi quản lý hết mọi tiền bạc trong gia đình”. Thứ hai: ý định không được diễn tả bằng lời, nhưng bằng hành động. Ví dụ: Cô gái thấy bạn trai của mình uống rượu, cô không nói gì cả, nhưng sau đó cô tránh không làm quen nữa.
Tóm lại, sự lầm lẫn một tư cách mà làm vô hiệu hôn nhân chỉ khi:  1- tư cách ấy được nhắm đến bằng một ý muốn hay chủ ý tích cực mà ít nhất là có biểu lộ ra hoặc hàm ẩn; và 2- được trực tiếp và chính yếu nhắm đến.

2.4. Chứng cứ về lầm lẫn[47]

- Sự lầm lẫn phải được chứng tỏ bởi những bằng chứng có từ sự thú nhận của người bị lầm và những nhân chứng đáng tin cậy.
- Hành động hay phản ứng của người bị lầm trước và sau hôn nhân là rất quan trọng để chuẩn đoán điều gì thật sự xảy ra trong tâm trí người đó. Không xác nhận được sự lầm lẫn của một người nếu sau kết hôn khi biết được tư cách (nhắm đến) người ấy phản ứng hoàn toàn thụ động.
- Có quan tâm tìm biết đến điều kiện hay tình trạng của tư cách đó không? Ví dụ, nếu một người nhắm đến có được một người vợ sinh con nối dõi, thì người ấy phải tìm biết những dấu chỉ người vợ khỏe mạnh; nếu một cô gái nhắm đến lấy người giàu có, thì cô ấy phải tìm biết về tài sản của anh ta trước kết hôn.
- Cần thấy rõ nguyên nhân hay động lực nào đã khiến nạn nhân lầm lẫn đã có ý nhắm tới tư cách đó. Ví dụ. Người đứng tuổi, đã có vợ trước đã chết mà không con, nay chỉ nhắm đến có con ngay nên vội vã kết hôn vì tưởng rằng người tình mới đã có thai với mình.
- Không thể tin là lầm, nếu người ấy đã yêu ngay lần gặp mặt đầu tiên, ăn nằm với người yêu, nói rằng mình đã gặp người lý tưởng và đã nhanh chóng đòi kết hôn.
- Nếu người lầm than van nhiều tư cách và trong tâm trí anh ta chẳng có ý tưởng  rõ ràng thì phải kết luận là chẳng có tư cách nào được nhắm đến một cách trực tiếp và chính yếu.
- Cũng cần phân biệt tư cách được nhắm đến với điều kiện kết hôn. “Kết hôn với điều kiện về tương lai thì bất thành” (đ. 1102§2).

4. Lầm lẫn theo điều 126[48]

Trong một số trường hợp sự lầm lẫn có thể được xét theo quy tắc của điều 126:
 “Một hành vi được thực hiện do không biết hoặc do lầm lẫn về yếu tố cấu thành bản chất của hành vi, hoặc về điều tất yếu thì vô giá trị; …”
Khi kết hôn, nếu bị lầm lẫn hay không biết những yếu tố cấu thành hôn nhân, thì hôn nhân vô hiệu. Các yếu tố đó (đ. 1055) được kể như sau:
- Sự hiệp thông trọn đời  (permanent consortium);
- Giữa một người nam và một người nữ;
- Được hướng về sự sinh sản con cái;
- Bằng những phối hợp thân xác nào đó;
- Của người nam và người nữ biết nhau về mặt thể lý.
Khi không biết hay lầm lẫn một trong những yếu tố cấu thành bản chất hôn nhân trên, hôn nhân vô hiệu, mà không đòi thêm về chủ ý. Ví dụ khi kết hôn mà không biết hay lầm lẫn hôn nhân là một sự hiệp thông trọn đời (permanent consortium) thì hôn nhân vô hiệu. Không đòi người kết hôn phải có chủ ý là không trọn đời để kết luận hôn nhân vô hiệu.
Tuy nhiên khi không biết hay lầm lẫn một trong những yếu tố khác không phải là yếu tố cấu thành bản chất hôn nhân thì hôn nhân không vô hiệu. Sự duy nhất và bất khả phân ly là những đặc tính chính yếu (đ. 1056), không phải là yếu tố cấu thành. Vì vậy,  lầm hay không biết về những đặc tính này không làm hôn nhân vô hiệu (đ. 1099).

3. Vụ án điển hình về lầm lẫn kết hôn

Sau đây là một số trong những vụ án về lầm lẫn mà tòa Thượng Thẩm Roma đã xử, được A. Mendonca ghi tóm tắt lại trong quyển  Rotal Anthology. An Annotated Index of Rotal Decisions from 1971 to 1988.

a. Tưởng lầm là bác sỹ (Coram Di Felice, Dec 69 (1987) 147-156, Turin, Pháp)[49]

Nguyên đơn đã muốn cưới một bác sĩ và bị đơn đã nói rằng anh ta là bác sĩ, nhưng thực ra anh ta không phải là như vậy.
Ở tòa cấp I, hai nguyên nhân tiêu hôn được đề nghị: “điều kiện và lầm lẫn về phẩm chất”. Tòa cấp I đã ra phán quyết đã xác nhận hôn nhân vô hiệu nhưng chỉ xác nhận là lầm lẫn về phẩm chất. Thẩm phán Di Felice của  tòa cấp II Rota cũng xác nhận như vậy. Trong vụ này, sự ưng thuận không tùy thuộc vào một điều kiện “là bác sĩ” vì nó đã không được đặt ra. Sự ưng thuận là do lòng muốn kết hôn một bác sĩ nhưng đã bị lầm lẫn.

b. Tưởng lầm là anh hùng chiến sỹ (Coram Di Felice 70 (1988) 13-20, Cambrai, Pháp)[50]

Trước khi kết hôn, chồng đã diễn tả mình như một kẻ mồ côi và một chiến sĩ anh hùng. Nguyên đơn cảm thấy khâm phục và đồng ý kết hôn. Trong năm đầu sau khi kết hôn bị đơn bị đi ở tù. Thật ra, anh ta không phải là một kẻ mồ côi mà là một kẻ trộm. Nguyên đơn xin tòa án dân sự hủy bỏ hôn ước và đã được chấp nhận với lý do lầm lẫn về căn tính (identity) của chồng. Năm 1948 với đơn xin tiêu hôn vì lý do lầm lẫn, tòa án cấp I ở Cambrai đã phủ quyết. Tòa cấp II năm 1970 cũng phủ quyết. Tòa cấp III Rota tòa cũng đã phủ quyết.
Với thư giới thiệu của Đức Tổng Giám Mục địa phương Cambrai, Pháp, bị đơn khẩn xin Đức Thánh Cha cho tái xét xử. Luật sư đã biện hộ và thẩm phán Di Felice đã ra phán quyết xác nhận hôn nhân vô hiệu do lầm lẫn về phẩm chất một người. Trong trường hợp này phẩm chất chiến sĩ anh hùng được coi là điều được nguyên đơn nhắm tới trực tiếp và chính yếu.[51]

c. Tưởng lầm vợ còn trinh (Coram Pompedda Dec 72(1987) 522-528, Goa – Daman, Ấn Độ)[52]

Trong nố này, người chồng khiếu nại rằng anh ta đã muốn kết hôn với một trinh nữ chân thực. Những sự kiện cho thấy tư cách người vợ không đúng với ý muốn trước khi kết hôn của anh, cô ta đã không còn trinh.
Thẩm phán Pompedda đã thẩm định sự lầm lẫn về tư cách chỉ khi một bên kết ước nhắm đến một cách trực tiếp và chính yếu hơn là nhắm đến con người. Tuy nhiên, sự thẩm tra cho thấy tư cách ấy (trinh nữ) đối với nguyên đơn, chỉ là gián tiếp hay phụ thuộc. Vì thế, thẩm phán phủ nhận hôn nhân vô hiệu.

d. Lầm lẫn vì vợ có bệnh kinh niên (Coram  Stankiewicz, Dec 76 (1989), Turin, Italia)[53]

Trong vụ án này, nguyên đơn, người chồng khiếu nại: anh ta đã biết rằng người vợ không hề có bệnh động kinh (epilepsy). Thật ra, người vợ đã bị chứng động kinh từ khi 7 tuổi.
Thẩm phán Stankiewicz giải thích rằng sự lầm lẫn về tư cách chỉ đạt tới lầm lẫn về nhân thân chỉ khi tư cách ấy được nhắm đến một cách trực tiếp và chính yếu, và khi tư cách ấy tự bản tính là cần thiết  để thực hiện những quyền lợi, nghĩa vụ của hôn nhân, và sự thiếu vắng phẩm chất ấy có thể gây xáo trộn nghiêm trọng sự hiệp thông vợ chồng. Bệnh động kinh của người vợ không trầm trọng, không gây xáo trộn nghiêm trọng sự hiệp thông vợ chồng. Phán quyết, vì thế, phủ nhận hôn nhân vô hiệu.
 
 
 

Bài 6

KẾT HÔN VÔ HIỆU

DO LỪA GẠT (Đ. 1098)

 
Can. 1098
Qui matrimonium init deceptus dolo, ad obtinendum consensum patrato, circa aliquam alterius partis qualitatem, quae suapte natura consortium vitae coniugalis graviter perturbare potest, invalide contrahit.
Điều 1098
Người kết hôn bị lừa gạt về một tư cách nào đó của phía bên kia, với chủ ý để ưng thuận, và nếu tư cách ấy tự bản chất có thể làm xáo trộn nghiêm trọng sự hiệp thông vợ chồng, thì hôn nhân bất thành
 
Sự lầm lẫn do người khác có ý gian dối (dolus) thường được án lệ diễn tả là lầm lẫn do lừa gạt, erro dolosus, tiếng Ý là “errore doloroso”, và tiếng Anh là “imposed error”. Điều 1098 quy định về sự bất thành của hôn nhân dựa trên hà tỳ ưng thuận do lầm lẫn mà sự lừa dối là duyên cớ.

1. Lầm lẫn do lừa gạt

1.1. Lầm lẫn về một tư cách và sự vô hiệu

Giáo luật xác định: “Sự lầm lẫn về tư cách của một người, ngay cả khi tư cách ấy là nguyên nhân của khế ước, không làm cho hôn nhân bất thành” (đ. 1097§2).
Sự lầm lẫn nói chung là không được tòa án xét làm cho hôn nhân vô hiệu. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp đặc biệt, mà luật diễn tả: “trừ khi tư cách ấy được nhắm đến cách trực tiếp và chính yếu” (đ. 1097§2). Vấn đề này được bàn đến ở phần lầm lẫn của điều 1097. Đó là khi một tư cách “được nhắm tới một cách trực tiếp và chính yếu” thì làm cho sự ưng thuận kết hôn bị hà tỳ và làm cho hôn nhân vô hiệu.
Trong điều luật 1098 đang khảo sát ở đây nêu ra một nguyên tắc: lầm lẫn do lừa gạt có thể gây vô hiệu hôn nhân, đòi phải hội đủ hai yếu tố chính yếu:
a- Lầm lẫn về một tư cách do lừa gạt
b- Tư cách ấy tự bản chất có thể làm xáo trộn nghiêm trọng sự hiệp thông vợ chồng.
Lưu ý là, sự lầm lẫn của một bên làm ưng thuận của bên này bị hà tỳ và gây kết hôn bất thành. Sự lừa dối của bên kia hay của người khác chỉ là nguyên cớ cho sự lầm lẫn cho bên này. Chính sự lừa dối của một người không làm cho người đó bị hà tỳ ưng thuận, vì người lừa dối, thông thường làm như vậy để được kết hôn. Người này muốn được kết hôn nên sự ưng thuận không hà tỳ.
Sự xấu xa, tội lỗi hay lừa dối của một người, tự nó cũng không làm cho hôn nhân vô hiệu. Tuy nhiên, nếu người này làm như vậy để có một hôn nhân sai mục đích, hôn nhân vô hiệu do giả hình (simulatio), theo quy tắc của điều 1101#2; hoặc nếu người này thiếu phân định nghiêm trọng về hôn nhân và nghĩa vụ, hôn nhân vô hiệu theo quy tắc của điều 1095,20. Vì vậy, trong thẩm cứu vụ án bị lầm lẫn do lừa gạt, không đòi hỏi phải có sự gian dối hay âm mưu rõ rệt nơi người lừa dối.
Mặt khác, Giáo Luật cũng không đòi người lừa phải là người kết hôn. Điểm chính là sự lầm lẫn gây nên sự hà tỳ ưng thuận chứ không là sự bị lừa. Người lừa có thể là người thứ ba, hoặc là cha mẹ, người làm mai mối…, để cho một bên ưng thuận kết hôn.[54]

1.2. Lừa gạt tích cực và lừa gạt tiêu cực

Nhiều tác giả và án lệ Rota và phân biệt sự lừa dối trong hôn nhân theo điều 1098 bao gồm hai loại: lừa dối tích cực (dolo commissivo) lừa dối tiêu cực (dolo ommisivo):[55]
- Lừa dối tích cực (dolo commissivo): Sự lừa gạt hệ tại bởi một thái độ hay cách ứng xử tích cực của người lừa gạt, nghĩa là hệ tại bởi những mưu mẹo, âm mưu, nói dối ….
- Lừa dối tiêu cực (dolo ommisivo): Sự lừa gạt hệ tại bởi một thái độ hay cách ứng xử  tiêu cực của người lừa gạt, nghĩa là hệ tại bởi  sự trầm lặng hoặc đặc biệt bởi sự im lặng gian manh về một điều xấu xa, khiếm khuyết nơi mình. Loại lừa gạt này có thể gọi là lừa gạt tiêu cực.
Từ sự phân biệt trên, có thể suy xét trên hai điều nền tảng: Lừa gạt tích cực là gây ra một sự hiểu lầm do chính người lường gạt, bằng cách tạo ra một sự biểu hiện sai lạc; ngụy trang cho mình những tính chất mà mình không hề có. Ngược lại, trong lừa gạt tiêu cực, người lừa gạt bằng sự thụ động tạo ra cho người phối ngẫu một sự không biết về tình trạng con người hoặc về những khiếm khuyết của mình.
- Khi nào thì có đầy đủ lý lẽ để có thể áp dụng điều luật 1098 về sự lừa gạt tiêu cực? Dựa vào ý kiến của nhiều luật gia, Mauro Bardi trả lời:
“Đối với câu hỏi có đủ hay không để áp dụng điều 1098, ngay cả chỉ có sự âm thầm hoặc chỉ im lặng, thì xét về bất cứ hạnh kiểm (condotta) nào, ngay cả tiêu cực (passiva), thì được coi là lừa gạt khi mà  đủ để cho rằng hạnh kiểm đó là do có ý lừa (intentio depiendi) và để tìm được sự ưng thuận”.[56] 
Tại sao không nói ra lại là một sự lừa gạt?
Không nói ra cho bên kia biết, được xét là một lừa gạt, dựa vào chính bản chất một giao ước hôn nhân. Kết ước hôn nhân để sống thân mật hiệp thông của cả cuộc sống hiện sinh,  đòi hỏi một sự cởi mở tối đa (massima apertura) và sự tin cậy (confidenza) giữa hai người phối ngẫu. Vì thế, có thể khẳng định, người phối ngẫu có bổn phận phải cho nhau biết về tình trạng riêng của mình nếu thấy nó có nguy cơ cho sự chung sống hiệp thông. Nếu không nói ra thì được hiểu là hành vi dối trá, lừa gạt đối với một giao ước trọng đại.[57]
Trong Coram Serrano, Dec (1987) 308 – 325, Munster, Tây Đức, thẩm phán tòa Rota là Serrano cho rằng, khi có sự nghi ngờ về phẩm chất thì phải nhìn vào dolus (lừa gạt) và condition (điều kiện). Trong trường hợp người chồng đã biết mình vô sinh trước khi kết hôn và anh ta cũng ý thức được điều đó là quan trọng đối với người vợ. Tuy nhiên, vì anh đã không nói ra cho cô ta biết, anh đã lừa gạt để kết hôn.

2. Tư cách tự bản chất có thể làm xáo trộn nghiêm trọng sự hiệp thông vợ chồng

 

2.1. Những tư cách

Có những tư cách mà theo khách quan thì tự nó không gây ra sự nhiễu loạn sự hiệp thông vợ chồng, như hay uống rượu, hay cá độ, nóng tính… Có ý che dấu gây lầm lẫn những tư cách như vậy không làm cho hôn nhân vô hiệu.
 Những tư cách mà tự bản chất nó có thể gây sự xáo trộn cho sự hiệp thông vợ chồng có thể được kể ra như:
- Sự vô sinh, được coi là một khiếm khuyết của cơ thể khiến không thể sinh sản được. Nó gây cho người chồng hay vợ không thể có con được. Đây là một điều gây nhiễu loạn đời sống hôn nhân nhất. Ngay khi có hồ nghi tích cực về khả năng sinh sản của mình cũng cần phải cho người sắp kết hôn được biết.
- Có con riêng, được coi là một điều cần phải cho người sắp kết hôn biết, nếu không sự bất hòa giữa vợ chồng sẽ nổ ra, gây nhiễu loạn đời sống hôn nhân. Con riêng có thể do một hôn nhân trước hoặc do một mối tình nào đó.
- Có bệnh truyền nhiễm nghiêm trọng, ví dụ như có nhiễm HIV, giang mai, lậu…
- Nợ nần lớn khiến cho người vợ hay chồng cảm thấy một gánh nặng quá sức chịu đựng hoặc cảm thấy người phối ngẫu đã gạt mình hay lợi dụng mình để trả nợ.

2.2. "Có thể" hay "phải" gây ra

Cũng nên chú ý rằng, luật nói đến tư cách mà tự bản chất “có thể” (potest) gây ra nhiễu loạn đời sống hiệp thông vợ chồng. Luật không nói  tự bản chất nó “phải” gây ra. Những trường hợp vừa kể, theo cái nhìn khách quan, là nó có thể xảy ra chứ không không nhất thiết là phải xảy ra.
Vì vậy, không nhất thiết phải đòi phải có sự nhiễu loạn đời sống hôn nhân thực sự đã xảy ra do bị hiểu lầm về một tư cách. Có nhiều trường hợp người vợ hay chồng đã cố gắng hòa hoãn với nhau để xây dựng hạnh phúc gia đình và lo giáo dục con cái. Sự tan vỡ gia đình không thể hồi phục xảy ra sau đó có thể vì lý do khác nhưng nguyên đơn vẫn có thể xin được tuyên bố hôn nhân vô hiệu với lý do lầm lẫn do lừa gạt về một tư cách.
Điều này có thể tương tự với  những trường hợp kết do sợ hãi nghiêm trọng (Vd. bị cha mẹ ép buộc, có thai nên sợ hãi và kết hôn), hôn nhân vẫn có thể được bền vững do sự cố gắng chịu đựng hay bị tan vỡ do không chịu nỗi sự sống chung. Nếu bị tan vỡ, bên bị sợ hãi vẫn có quyền được tuyên bố hôn nhân vô hiệu với lý do sợ hãi (đ.1103).

2.3. Chủ quan hay khách quan

Tư cách khách quan gây nhiễu loạn là những tư cách mà xã hội thấy nó là bất công cho người bị lầm, có thể kể như: bệnh truyền nhiễm, nghiện ngập đến đồi bại, …
Tư cách chủ quan gây nhiễu loạn là tư cách mà người bị lầm đã mong ước rất mạnh mẽ hay thái quá. Ví dụ cô gái chống lại mạnh mẽ việc kết hôn với người nghiện thuốc lá. Có lẽ bởi vì cô ta đã có bạn bè hay người thân bị chết vì ung thư phổi do hút thuốc. Cô ta đã nói với người yêu rằng cô ta chẳng bao giờ kết hôn với người nghiện hút thuốc lá. Anh ta đã biết vậy nhưng cứ cố tình che dấu để có sự ưng thuận kết hôn. Cô gái đã kết hôn vô hiệu do lầm lẫn lừa gạt.
Theo Giáo sư P.V. Pinto, việc giải thích về ý định lừa gạt và tư cách thì không chỉ bởi cái nhìn khách quan mà còn phải xét đến khía cạnh chủ quan của nguyên đơn và bị đơn.[58] Thẩm phán Sylvestry của Napoli cũng viết rằng: Tòa Rota thường nhắc là vấn đề dolus cần phải được thẩm xét cả trong ý nghĩa khách quan lẫn chủ quan.[59] Trong một số trường hợp với cái nhìn khách quan thì một sự kiện chưa có nghĩa là lừa gạt hay tư cách tự bản chất không gây xáo trộn sự hiệp thông vợ chồng, nhưng xét theo cái nhìn chủ quan của người vợ hay chồng trong chính hoàn cảnh của họ thì kết luận sẽ khác đi.
Việc một người đàn ông che dấu mình hút thuốc lá để tiến tới kết hôn với một cô gái không thích thuốc lá có thể xảy ra hai trường hợp.
1- Che dấu hút thuốc để tỏ ra mình tốt, giúp chinh phục cô gái, tiến tới kết hôn;
2- Che dấu hút thuốc để có thể tiến tới kết hôn, trong khi biết rõ cô gái ấy rất ghét thuốc lá đến nỗi sẽ không kết hôn nếu biết anh ta hút thuốc lá.
Trong trường hợp thứ nhất, tuy có mang tính chất dối trá nhưng không đến mức độ gọi là lừa gạt để kết hôn. Mặt khác, sự lầm lẫn của cô gái chỉ là lầm lẫn về một tư cách mà tự bản chất không gây xáo trộn sự hiệp thông vợ chồng.
Trong trường hợp thứ hai, ý định lừa gạt khá rõ và sự lầm lẫn của cô gái về một tư cách và tư cách này lại gây xáo trộn sự hiệp thông vợ chồng xét theo cảm nhận hay chủ quan của cô ấy.

3. Những tiêu chuẩn để thẩm xét

Để vô hiệu hôn nhân, cần phải đáp ứng những tiêu chuẩn sau:
- Tư cách phải thật: tư cách nội tại hay thuộc tính của một người.
Ví dụ, một bên đã có ăn nằm với một người khác trước kết hôn, thì tư cách đó không thực. Nó chỉ là một hành vi và đã chấm dứt. Trong khi đó một người đã hành nghề mãi dâm, đã thực hiện nhiều lần hay đã tạo thành phẩm chất của người đó thì đó được kể là tư cách thực.
- Tư cách đó phải hiện hữu khi kết hôn: không phải là một tư cách mong muốn hay hy vọng sẽ có trong tương lai.
Ví dụ, một cô gái hy vọng chàng trai là bác sỹ hay tỷ phú, nhưng rồi không xảy ra như vậy thì sự thất vọng, hôn nhân không vô hiệu.
- Bị lừa về tư cách: nạn nhân đã biết sai về tư cách  
Nếu người bị lừa đã biết đúng là có tư cách đó hoặc hồ nghi mạnh mẽ về sự hiện hữu của tư cách thì đó không thể nói là bị lừa. Sự không biết thường được kiểm chứng bằng những phản ứng ngạc nhiên hay giận dữ của người bị lầm. Ví dụ đột nhiên người vợ biết được chồng mình có một đứa con riêng mà chẳng có phản ứng gì mạnh mẽ, chỉ coi đó là chuyện rất có thể xảy ra, vì cô đã biết trước đây, ông chồng đã ăn ở với những cô gái khác.

4. Những vụ án minh họa về kết hôn lầm lẫn do lừa gạt

     Sau đây là một số vụ án đã được xử bởi Tòa Thượng Thẩm Roma (Rota Romana)

a. Bên không Công Giáo không cho con được rửa tội[60]

Vài tuần sau khi kết hôn với phép chuẩn hôn nhân khác đạo với một người Hồi giáo, cô Matta Công Giáo được anh Angelo Hồi giáo cho biết: “Nếu chúng ta có con, chúng phải được chăm sóc lo liệu, chúng không được rửa tội bên Công Giáo mà phải được giáo dục trong Hồi Giáo”. Nghe vậy Matta sửng sốt, chịu không được, cuộc sống vợ chồng trở nên xáo trộn. Cuối cùng Matta đưa đơn lên Tòa xin tiêu hôn.
Nghi vấn Tòa án đặt ra: “Hôn nhân này có vô hiệu không: 1) do cả hai người kết hôn, hoặc ít là bên nguyên đơn, đã loại bỏ “bonum prolis” (thiện ích con cái) (đ. 1101§2); 2) do nguyên đơn lầm lẫn vì lừa gạt được tạo nên về một tư cách của bị đơn (đ. 1098)”.
Các thẩm phán đã  lời rằng: Phủ nhận (Negative) đối với giả thiết sự loại bỏ của nguyên đơn, Xác nhận (Affirmative) do bên bị can đã loại bỏ bonum prolis” (đ. 1101§1) và do lầm lẫn vì bị lừa gạt gây những thiệt hại mà bên bị đơn tạo ra cho nguyên đơn (đ. 1098), vì thế, hôn nhân vô hiệu do bên bị đơn loại bỏ “bonum prolis” (đ. 1101§2)  và do bên nguyên đơn bị lầm lẫn vì lừa gạt (đ. 1098)”. [61]
Nhận xét: Vụ án này điển hình cho phán quyết về sự lầm lẫn do lừa gạt về phía người Công Giáo vì bên không Công Giáo sau khi kết hôn mới cho biết quyết định là không cho con được Rửa Tội. Điều này khiến, bên Công Giáo, khi bằng lòng kết hôn đã tưởng lầm rằng  mình được tự do Rửa Tội cho con, trong khi đó bên không Công Giáo đã im lặng, không nói ra ý định của mình.
 

b. Lầm lần về vô sinh (a)

(Coram Serrano, Dec (1987) 308 – 325, Munster, Tây Đức)[62]
Người chồng đã có bệnh trong thời gian đi lính và anh bị vô sinh. Mười năm sau khi kết hôn, nguyên đơn là người vợ mới khám phá ra sự vô sinh của chồng. Tòa án cấp I ở Đức đã tuyên bố hôn nhân vô hiệu với nguyên nhân lý do simulatio về phía bị can; lý do điều kiện và lầm lẫn về tư cách về phía nguyên đơn. Ở tòa cấp II Rota, thẩm phán Serrano đã trình bày một tổng hợp rất có giá trị về những nguyên tắc và lý thuyết về nguyên nhân tiêu hôn thuộc lầm lẫn về tư cách.
Thẩm phán Serrano cho rằng khi có sự nghi ngờ về tư cách thì phải nhìn vào dolus (lừa gạt) và condition (điều kiện). Trong trường hợp này người chồng đã biết mình vô sinh một năm trước khi kết hôn và anh ta cũng ý thức được điều đó là quan trọng đối với người vợ. Tuy nhiên anh đã không nói ra cho cô ta biết. Thẩm phán đã cho rằng sự dolus (lừa gạt) này tạo nên của sự lầm lẫn về tư cách.

c. Lầm lẫn về vô sinh (b)

(Coram Pinto, Dec 65 (1982) 725-737, Montevideop, Uruguay[63]
Nguyên đơn xin tiêu hôn với lý do: không đạt đến những mục đích của hôn nhân; và lầm lẫn về tư cách đến mức có ý nghĩa lầm lẫn về nhân thân. Dường như bị can là người vợ, đã có giải phẩu trứơc khi kết hôn và vì thế không thể sinh con.
Coram Pinto xem xét về mục đích chính và phụ của hôn nhân. Những mục đích phụ không phải là điều cốt yếu của hôn nhân. Trong trường hợp này, phán quyết là phủ nhận.
Nhận xét: Vụ án này, cũng có thể được giải thích theo điều 1084§3, “Tình trạng son sẻ không ngăn cản và cũng không hủy tiêu hôn nhân, miễn là vẫn giữ nguyên những quy định của điều 1098”. Chỉ có sự son sẻ nào đó nằm trong trường hợp của điều 1098, tức là sự son sẻ có liên quan đến sự lừa gạt như trường hợp coram Serrano (4) nói trên.
Rõ ràng là ở đây sự giải phẩu chữa bệnh và hậu quả dẫn đến không sinh con là chuyện ngoài ý muốn, không có ý lừa gạt. Sự khiếm khuyết của cơ thể mà không thể đạt tới việc sinh con là chuyện bình thường. Sự ưng thuận trong vụ án  này không bị hà tỳ.

 
 

Bài 7

KẾT HÔN VÔ HIỆU

DO GIẢ HÌNH, SIMULATIO (Đ. 1101§2)

 
Can. 1101
§ 2. At si alterutra vel utraque pars positivo voluntatis actu excludat matrimonium ipsum vel matrimonii essentiale aliquod elementum, vel essentialem aliquam proprietatem, invalide contrahit.
 
Điều 1101
§2. Nếu một bên hay cả hai bên bằng một hành vi tích cực của ý chí, loại trừ chính hôn nhân, hoặc một yếu tố chính yếu nào, hoặc một đặc tính chính yếu nào của hôn nhân thì họ kết hôn với nhau bất thành.
 

1. Ý nghĩa

1.1. Loại trừ bằng hành vi tích cực của ý chí

Loại trừ
Loại trừ (excluding) tức là bỏ ra ngoài, không chấp nhận, không tôn trọng… Ví dụ: người kết hôn mặc nhiên dành cho mình quyền có thể chia tay và kết hôn với người khác, cũng có nghĩa là không tôn trọng luật bất khả phân ly và cũng là loại trừ luật này.
Một người khi kết hôn, vẫn giữ quan điểm riêng của mình về hôn nhân mà coi thường hay không tôn trọng chính hôn nhân, hoặc yếu tố chính yếu nào hoặc đặc tính chính yếu nào của hôn nhân thì người ấy đã kết ước một hôn nhân không đúng với quan niệm hôn nhân công giáo. Kết hôn như vậy, án lệ gọi là một kết hôn simulatio, tạm dịch là hôn nhân giả hình.  
Sự loại trừ này có thể là do gian ý hay dối trá, hoặc giả vờ đóng kịch của người kết hôn, nhưng cũng có thể là do một quan điểm riêng về hôn nhân. Ví dụ, người quen sống trong một môi trường văn hóa cho phép ly dị hay đa thê (Vd. Hồi Giáo) vẫn giữ quan điểm đa thê này và coi thường luật bất khả phân ly hay đơn nhất của Công Giáo. Theo quan điểm của họ, hôn nhân công giáo có thể là quá khắc khe hay không tốt; hoặc cho rằng bên người phối ngẫu công giáo đòi hỏi bất khả phân ly là mê tín. Một quan niệm về hôn nhân như vậy không đương nhiên là một ý đồ xấu hay gian (mala fede).  Người kết hôn có ý tốt hay xấu là một yếu tố khác không mang tính chất quyết định cho simulatio).[64]

1.2. Hành vi tích cực của ý chí

Luật diễn tả sự loại trừ bằng hành vi tích cực của ý chí (positivo voluntatis actu). Cụm từ này, theo ngôn ngữ Việt Nam, có thể hiểu như một hành vi có quyết tâm hay có một chủ ý rất rõ ràng. Tuy nhiên, án lệ xưa nay không hạn hẹp vào nghĩa này.
Luật gia Paolo Bianchi cho rằng nó là một ý định (intention) mà có thể diễn tả như là: “Tôi không kết hôn”, “tôi không muốn có con”… và Bianchi cũng nhận rằng trong thực tế thì rất khó mà phân biệt được mức độ của ý định đó.[65]
Thẩm phán L.G. Wrenn giải thíchhành vi tích cực của ý chí có thể sẽ là minh nhiên hay mặc nhiên nhưng chắc chắn nó là điều gì đó hơn là một hành vi phủ định của ý chí (more than a negative act of the will)”.[66]
Sự tích cực của ý chí, như vậy, cũng chỉ là nhận hay chấp nhận của ý muốn. Nó trái với tiêu cực, tức là trái với sự không chấp nhận.
Trong thực tế, việc kết hôn có thể xác nhận là simulatio nếu chứng minh được trong tâm ý của người kết hôn đã có ý định hay có muốn, hoặc có chấp nhận một sự loại trừ về những điều chính yếu nào đó của hôn nhân (đ. 1101§2) mà không cần phải có một quyết tâm hay một chủ ý rõ ràng về sự loại trừ đó.

1.3. Loại trừ minh nhiên hay mặc nhiên

Sự loại trừ có thể là minh nhiên hay mặc nhiên.
Loại trừ minh nhiên được biểu hiện qua những lời nói hay diễn đạt nào đó trước kết hôn. Ví dụ, anh A nói với vợ sắp cưới: "Nếu em ngoại tình anh sẽ chia tay". Câu nói này chứng tỏ anh A đã loại trừ tính bất khả phân ly.
Sự loại trừ tính bất khả phân ly có thể là mặc nhiên, nghĩa là ý định loại trừ của chủ thể không được nhận ra một cách trực tiếp nhưng qua những sự kiện khác. Tuy thẩm phán không có được những lời tự thú hay lời khai của chủ thể nhưng có thể xác nhận được sự loại trừ qua những sự kiện như: hôn nhân chỉ kéo dài trong thời gian ngắn và người đó chia tay người phối ngẫu một cách dễ dàng…
Ví dụ người chồng vẫn tiếp tục quan hệ xác thịt với người yêu cũ sau khi lấy vợ. Anh đã loại trừ sự chung thủy đơn nhất.
Tuy nhiên cũng cần  phân biệt mặc nhiên với suy đoán. Ví dụ trong trường hợp có quan hệ với người yêu cũ thì chỉ mới có thể suy đoán là đã loại trừ sự chung thủy. Nó có thể là đã không có sự loại trừ, vì điều có thể xảy ra là người chồng đã không có ý định loại trừ khi kết hôn. Anh trở lại với người tình cũ có thể chỉ là sự kiện ngoài ý muốn.
Để xác định là đã loại trừ cách mặc nhiên, trong trường hợp trên, cần thu thập thêm những dữ kiện khác. Ví dụ, người chồng đã miễn cưỡng kết hôn, ngoại tình xảy ra rất sớm sau hôn nhân…[67]

1.4. Những hoàn cảnh giúp suy đoán kết hôn giả hình

a. Tôn giáo văn hóa giáo dục khác lạ

Các nhà Giáo luật đều đã lưu ý rằng một người đã sống trong một nền văn hóa, tôn giáo mà chủ trương cho ly dị tái hôn, đa thê, thì người đó khó có thể chấp nhận lề luật của Công Giáo, và vì vậy họ dễ kết hôn giả hình, đặt biệt là đối với sự loại trừ tính bất khả phân ly.
Ví dụ, có thể suy đoán một người Anh giáo rằng anh ta vẫn giữ nguyên quan điểm về sự cho phép tái hôn, một người Hồi Giáo vẫn giữ nguyên quan điểm đa thê, mặc dù khi kết hôn với người Công Giáo những người này vẫn được học hỏi hiểu biết luật bất khả phân ly và đơn nhất của Công Giáo.

b. Thiếu đức tin

"Thiếu đức tin" có thể là nguồn phát sinh sự "giả hình" trong kết ước hôn nhân. Người thiếu đức tin có thể cho rằng luật bất khả phân ly chỉ là những trói buộc phi lý nên coi thường luật đó.
Mặt khác, có những trường hợp thiếu đức tin lại bao gồm sự thiếu hiểu biết về chính hôn nhân. Sự thiếu hiểu biết này, theo luật không nhất thiết loại trừ ưng sự thuận (đ. 1100), nhưng nếu nó chi phối vào ý chí thì ưng thuận có thể bị hà tỳ và làm cho hôn nhân vô hiệu (đ. 1099). Tòa Thượng thẩm Roma đã chiếu theo giáo huấn của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, giải thích thêm về điều này như sau:
Sự bỏ hay mất đức tin Kitô giáo (scristianizzazione) của xã hội ngày nay dẫn đến một sự thiếu hiểu biết trầm trọng về chính hôn nhân, đến nỗi chi phối vào ý chí. Sự khủng hoảng hôn nhân, vì vậy, trong từ căn gốc, không gì khác hơn là khủng hoảng sự hiểu biết được khai sáng bởi đức tin.[68] Sự đào tạo con người và văn hóa nhân bản chịu một ảnh hưởng mạnh mẽ đôi khi nhất định của não trạng thế gian;[69] của một niềm tin đóng kín trong thuyết chủ thể, đóng kín trong nội tại của lý lẽ và cảm giác,[70] biểu lộ sự khiếm khuyết là không thể có được sự hiểu biết đúng đắn về thiết chế hôn nhân và những bổn phận thiết yếu của nó.
Điều này cũng thường được gắn thêm một hạ tầng của sự yếu đuối mỏng manh về tâm lý và luân lý của người kết hôn. Cách riêng, một số người trẻ hoặc thiếu trưởng thành có thể đi xuống chỗ nhận biết hôn nhân thuần túy là một ân huệ tình yêu.  Nó thúc đẩy người kết ước hôn nhân tới một sự giả hình (simulatio) trong ưng thuận, nghĩa là tới sự duy trì một não trạng riêng về sự kết hợp vĩnh viễn đó, hoặc sự loại trừ nó. [71]

2. Những loại trừ:

2.1. Loại trừ chính hôn nhân

Loại trừ chính hôn nhân khi sự kết hôn chỉ theo thể thức bên ngoài, nhưng trong lòng lại có ý định loại trừ chính hôn nhân hoặc loại trừ quyền vợ hay chồng của người phối ngẫu.[72] Vì vậy loại trừ chính hôn nhân cũng có thể là loại trừ thiện ích của hôn nhân (bonum coniugum), tức là không nhận quyền lợi của bên kia, ví dụ kết hôn nhưng với quan niệm người vợ như một nô lệ.
Học lý và án lệ gọi loại trừ chính hôn nhân là “loại trừ toàn phần”. Có những nhân tố dẫn đến sự loại trừ toàn phần:

a. Miễn cưỡng kết hôn

Người kết hôn đã không muốn kết hôn, hoặc do hôn nhân đến bất ngờ ngoài ý định của mình hoặc do trước đó đã có ý định kết hôn nhưng trước ngày cưới lại thay đổi ý kiến. Có thể kể một vài trường hợp:
- Đến cận kề ngày cưới, mọi sự đã sẵn sàng, chàng rễ thấy cô dâu có khuyết điểm mà mình không thể chịu được, nên thay đổi ý kiến. Tuy nhiên chàng không thể dừng kết hôn lại vì mọi sự đã sẵn sàng.
- Đã lỡ có thai với người bạn trai, cô gái tuy không muốn kết hôn nhưng đành chấp nhận để con mình được sinh ra trong một gia đình có cha mẹ đàng hoàng. Sau khi sinh con, cô gái ra đi bỏ lại đứa con cho gia đình chồng.
Sự miễn cưỡng kết hôn nếu ở mức độ nghiêm trọng có thể làm hôn nhân vô hiệu vì sợ hãi (đ. 1103). Nhưng nếu không có đủ chứng cứ về sự sợ hãi nhưng lại có chứng cứ về ý muốn loại trừ hôn nhân thì vụ án được xử theo kết hôn giả hình.
Ví dụ:
Anh A ở Mỹ, về Việt Nam theo đạo để kết hôn. Vào ngày sắp kết hôn anh thay đổi ý kiến, không muốn kết hôn nữa. Tuy nhiên bên đàng gái nài ép kết hôn. Để cứu vãn danh dự cho gia đình đàng gái anh đành phải kết hôn. Sau đó anh về Mỹ, âm thầm cắt bỏ liên lạc với vợ và lấy vợ khác. Anh A đã loại trừ chính hôn nhân.

b. Có sẵn giả thiết hay điều kiện

Đương sự có ý định rằng: “Nếu hạnh phúc thì giữ hôn nhân, nếu không hạnh phúc thì chia tay”. Trong trường hợp này, người kết ước hôn nhân đã coi thường sự cam kết, mà theo lẽ phải, người này phải quyết tâm giữ gìn: là yêu thương và kính trọng nhau suốt đời.[73] Simulatio hệ tại ở việc người này đã có ý định bội ước ngay khi kết ước.

c. Có mục đích xa lạ với hôn nhân

Người kết hôn không vì chính thiện ích của hôn nhân nhưng vì mục đích xa lạ khác như để được hưởng lợi tài sản, danh giá, tình dục… Điều này trái với bản chất hôn nhân, tức là hướng đến thiện ích đôi bạn (bonum coniugum): sự hiệp thông thân mật, san sẻ tình yêu, tôn trọng nhau, sinh sản và giáo dục con cái và cùng nhau xây dựng mái ấm gia đình.
Ví dụ 1: Kết hôn chỉ để được định cư ở nước ngoài, sau đó chia tay.
Ví dụ 2: Kết hôn chỉ để có cơ hội lợi dụng tiền bạc, ăn chơi bài bạc thỏa thích.
Ví dụ 3: Kết hôn với quan niệm người phối ngẫu như là người giúp việc, phục vụ cho mình và như một người để mình thỏa mãn tình dục.[74]

2.2. Loại trừ tính bất khả phân ly

Loại trừ tính bất khả phân ly hệ tại ở ý định không muốn dấn thân vĩnh viễn làm vợ làm chồng hoặc có ý định nửa chừng, không có quyết tâm kết hôn vĩnh viễn, chấp nhận một sự chia tay nếu không hạnh phúc.

a. Loại trừ bí tích

Loại trừ tính bất khả phân ly cũng thường được đồng hóa với loại trừ bí tích (bonum sacramenti). Thánh Augustino dựa vào thư Thánh Phaolô cho rằng hôn nhân như là bí tích (dấu hiệu) của sự kết hợp vĩnh viễn không thể tách rời giữa Đức Kitô và Hội Thánh. Do đó loại tính bí tích của hôn nhân cũng được kể là loại trừ tính bất khả phân ly.

b. sẵn giả thiết hay điều kiện

Loại trừ tính bất khả phân ly đôi khi cũng thể hiện qua sự đặt điều kiện hay gải thiết. Ví dụ, chàng trai nói với vợ sắp cưới: "Nếu sau này em mà còn liên hệ với thằng đó, anh sẽ chia tay".

c.Do vẫn chịu ảnh hưởng của nền văn hóa hay do thiếu đức tin

Ngày nay, theo quan niệm thông thường, người ta vẫn chủ trương có thể ly dị khi hôn nhân không hạnh phúc, khi bị phản bội hay bị khủng hoảng. Ngay cả một số Kitô giáo không Công Giáo như Tin Lành, Anh Giáo cũng cho phép ly dị tái hôn. Người ta có thể kết hôn simulatio trong một hôn nhân Công Giáo do vẫn giữ quan niệm khả thể ly dị tái hôn
Một tân tòng mà không có đức tin cũng thường kết hôn simulatio. Một cuộc hôn nhân tồn tại ngắn ngũi hay sớm chia tay để lấy người khác là những dấu hiệu chứng tỏ có sự loại trừ bất khả phân ly.

2.3. Loại trừ sự chung thủy

a. Loại trừ độc quyền quan hệ thân xác

Loại trừ sự chung thủy được phân biệt với loại trừ sự đơn nhất, theo ý kiến của một số luật gia.
Loại trừ sự chung thủy là loại trừ quyền độc chiếm hành vi vợ chồng của hai người phối ngẫu, nghĩa là, dành cho mình quyền được quan hệ tình dục với người thứ ba khác.
Loại trừ sự đơn nhất là dành cho mình quyền có nhiều vợ (đa thê).
Tuy nhiên trong án lệ xưa nay thường coi chúng như nhau hay đồng hóa với nhau và điểm chính yếu của chúng là loại trừ độc quyền quan hệ thân xác vợ chồng. [75]
Ngay cả trong trường hợp người kết hôn có bệnh đồng tính, nếu đã có ý định chấp nhận cho mình được quan hệ xác thịt với người đồng giới sau kết hôn, thì sự kết ước hôn nhân vô hiệu.[76]

b. Những khả thể khác

Thẩm phán Bruno của tòa Rota trong quyết định ngày 15-06- 1990 đã kể thêm những kiểu loại trừ chung thủy như sau:[77]
- Cho phép người thứ ba được quan hệ với vợ hay chồng mình.
- Đã luôn tin rằng con người thì yếu đuối tự bản chất nên không thể nào giữ chung thủy được.
- Giới hạn sự chung thủy vào một giai đoạn, chứ không liên tục suốt đời.
- Có ý định chấp nhận sự ngoại tình hơn là chấp nhận vợ chồng chung thủy với nhau.

2.4. Loại trừ thiện ích con cái

Sự loại trừ này có thể xảy ra với hai trường hợp:
- Loại trừ nhiệm vụ nuôi dưỡng giáo dục con cái.
- Loại trừ sinh sản con cái.

a. Loại trừ nhiệm vụ nuôi dưỡng giáo dục con cái

Nuôi dưỡng và giáo dục con cái vừa là quyền và vừa là bổn phận của cha mẹ. Ý định loại trừ nhiệm vụ này có thể xảy ra trong các trường hợp:
- Lợi dụng: bắt con cái lao động kiếm tiền từ nhỏ hoặc chỉ bắt phục vụ, sai bảo và đánh đập mà không lo giáo dục;
- Tước bỏ quyền lợi của một thiếu nhi; quyền được nuôi dưỡng, giáo dục… Ví dụ, người cha là Công Giáo mà lại không cho con được rửa tội và giáo dục theo tinh thần Kitô giáo (đôi khi xảy ra nơi người cha tân tòng, không có đức tin).

b. Loại trừ sinh con

Đây phải là ý định không muốn có con vĩnh viễn với người phối ngẫu. Nó khác với sự tạm ngưng sinh con trong một giai đoạn vì hoàn cảnh khó khăn. Một số hoàn cảnh có thể là nguồn gốc cho sự loại trừ sinh con:
- Cưới để thử: Kết hôn để xem có hợp với nhau không. Họ chưa chắc hôn nhân sẽ tiếp tục nên không muốn có con. Người cưới thử có ý định chia tay một cách tự do không vướng bận con cái nếu hôn nhân của họ bị thất bại hay không hạnh phúc. Trong trường hợp này, ý định thử đó cũng là một sự loại trừ chính hôn nhân.
- Kết hôn vì một mục đích khác: Khi kết hôn vì mục đích khác như để chiếm đoạt gia tài, lợi dụng, tránh né một điều xấu nghiêm trọng, người ta có thể không muốn sinh con trong cuộc hôn nhân đó.
- Vì đã có con riêng: Khi đã có con riêng, người ta có thể không muốn sinh con thêm nữa. Nhất là đối với người đã tiến tới hôn nhân thứ hai, sự sinh thêm con có thể gây thêm khó khăn về vấn đề quyền lợi hay quyền thừa kế.
Việc loại trừ sinh con thường được chứng tỏ qua sự ngừa thai liên tục hoặc phá thai.

3. Những vụ án minh họa

3.1.Vụ án cấp giáo phận

a. Loại trừ sinh con vì đã có con riêng

Ông Tuấn đã có một con trai, sau khi vợ qua đời ông đã tái gía với bà Tú vốn đã góa chồng và đã có hai con. Ông Tuấn có gia cảnh nghèo nhưng bà Tú thì giàu có. Có lẽ ông thích bà vì phần nào bà có gia sản. Bà biết ông thích bà vì bà giàu có nhưng bà cũng thấy ông là người hiền lành chất phác nên bà đã quyết định kết hôn với ông.
Tuy nhiên khi có thai bà đã bảo ông chở bà đi bác sĩ phá thai. Dù ông có ngăn cản bà Tú vẫn nhất quyết phá thai. Họ đã phá thai hai lần. Sau năm năm chung sống vì xung đột họ chia tay.
Tòa án hôn phối đã ra bản án xác nhận hôn nhân vô hiệu dựa trên cơ sở loại trừ sự sinh con về phía bà Tú. Động lực loại trừ sinh con của bà Tú được thấy là sự bảo vệ tài sản cho những đứa con riêng của bà.

b. Loại trừ chung thủy vì giữ quan hệ với người tình cũ

Albert là tài xế xe vận tải hạng nặng chạy xuyên bang. Natalie là cô bán hàng trong một siêu thị. Hai người đã quen nhau hai năm mới làm lễ cưới. Sau sáu năm chung sống có hai mặt con, họ thôi nhau.
Trong suốt thời gian quen nhau, họ chỉ gặp nhau vào những ngày Albert lái xe chở hàng trở về tiểu bang họ đang sống. Tại một tiểu bang khác, nơi Albert thường lui tới, anh lại quen thêm một cô gái khác và chung sống với cô này mỗi lần hai người gặp nhau. Ngay cả sau thời gian anh đã đính hôn với Natalie cũng vậy, cuộc tình vụng trộm vẫn tiếp tục, anh còn hứa cả với cô ta là khi thu xếp mọi chuyện xong hai người sẽ lấy nhau. Albert không cho vợ sắp cưới biết về cô gái nọ và cũng không cho cô gái nọ biết anh đã đính hôn và sắp cưới vợ.
Lễ cưới của hai người diễn ra trang trọng trong nhà thờ và tưng bừng nơi tiệc cưới. Họ đi hưởng tuần trăng mật một tuần lễ tại bãi biển đẹp nhất nước.
Sau tuần trăng mật, hai vợ chồng trở lại cuộc sống bình thường: Natalie đi làm tại siêu thị còn Albert tiếp tục lái xe xuyên bang, tiếp tục gặp gỡ, chung chạ vụng trộm với người tình phương xa. Anh không hề kể cho người tình này biết gì về đám cưới của anh cả. Cô gái vẫn kiên nhẫn, âm thầm chờ ngày Albert thu xếp xong công chuyện để làm đám cưới. Bị thúc dục nhiều lần, cuối cùng, Abert bèn phải đính hôn với cô ta cho có lệ qua một thủ tục đơn giản và một chiếc nhẫn kim cương.
Một ngày kia, cô gái phương xa nọ nghi ngờ Albert ngoại tình bèn chú tâm theo dõi. Khăn gói lên đường xuyên bang, cô ta bắt gặp Albert và một cô gái trẻ sống chung với nhau (cô gái này chính là Natalie - vợ anh). Thế là cô ta làm ầm lên, xỉ vả anh ta và Natalie không tiếc lời. Kết quả là Natalie gào lên khóc lóc thảm thiết cuốn gói bỏ nhà ra đi không bao giờ trở lại.[78]

3.2. Vụ án tòa Thượng thẩm Roma

John yêu Linda và chỉ sau một tuần quen biết họ sống thân mật với nhau. Linđa có thai và họ đã phá thai. Sau đó khi John phải nhập ngũ thì Linđa đi quan hệ với bạn trai cũ. John biết được nhưng vì quá yêu Linđa nên vẫn kết hôn với cô cho dù anh đã đắn đo suy nghĩ rất nhiều. Hôn nhân sau đó tan vỡ vì Linda có đời sống tự do phóng khoáng. John đưa đơn ra tòa án dân sự để ly dị. Trong vụ án xử tiêu hôn nghi vấn được nêu ra là nguyên đơn, anh John, có loại trừ thiện ích bí tích (bonum sacramenti) hôn nhân hay là sự bất khả phân ly hay không.
Tòa án đã xác nhận hôn nhân vô hiệu do loại trừ thiện ích bí tích hôn nhân của John dựa trên những luận chứng như sau:
John lặp đi lặp lại giải thích rõ ràng: “Mùa đông 1969-1970, việc ly dị được công bố. Tôi chấp nhậngiấy kết hôn như tôi đã khẳng định trước pháp luật... Nguyên đơn nói tiếp: Tôi đã luôn luôn nghĩ rằng hôn nhân là một vấn đề nghiêm túc mà các bên, một cách trung thực phải mang lại điều tốt nhất cho nhau, và nếu điều này không xảy ra. Tôi tin rằng việc ly hôn là có lý. Tôi đã nói quan điểm của tôi với Linđa.... Tôi tin rằng trong trường hợp hôn nhân không có kết cục, thì giải phảp ly dị là cơ hội”.
John khẳng định rằngtôi nói với cô ấy rằng tôi sẽ kết hôn với cô, tôi cũng nói chính xác rằng, nếu cô ấy không thay đổi những hành vi của mình để tôi phải sống trong nghi ngờ, tôi sẽ đòi ly hôn”.
Nguyên đơn tự giải thích trong lời khai: “vào một buổi tối trong mùa hè, khi chúng tôi bên nhau tại nhà những người bạn, Linđa đã đi quá xa, cô nàng biểu diễn múa thoát y. Tôi đã rất tức giận và nói với cô ấy một cách rõ ràng chính vì những hành vi ấy có th dẫn đến ly hôn và tôi sẽ không ngần ngại ly dị nếu còn tiếp tục có nhưng hành vi như vậy”.
Điều mà nguyên đơn nói cũng được các nhân chứng xác nhận. Marco Madison nói: Linđa tiếp xúc với tôi như một cô gái phóng khoáng… Tôi cũng đã quan sát thấy cung cách Linđa khiêu gợi như như phô trương đường cong cơ thể. Lawrence Lancaster cũng nói vậy:Tôi cũng cố xem, trong khiêu vũ, cách cách diễn xuất của cô ta cũng lẳng lơ như nơi công việc với các đồng nghiệp khác. Tôi nhớ một buổi tối sau khi ban nhạc của các phi công hải quân cử hành, Linđa phô diễn chiếc váy khoe thân hình. Chẳng qua là muốn mọi người để ý đến cô bằng việc khoe da thịt như thế.”
Anh trai của Linđa tuyên bố chắc nịch “John  tiết lộ cho tôi thấy, anh không mấy thiện chí về hôn nhân của vợ chồng anh vì các tính cách đề cập ở trên. Tuy nhiên, em gái tôi vẫn muốn tiến hành hôn nhân."
Một nhân chứng khác nói, mặc dù, nguyên đơn “có một khái niệm về hôn nhân rất nguyên tắc, nhưng anh ta cũng chấp nhận một khả năng phá vỡ nguyên tắc đó là ly hôn. Đây cũng là suy nghĩ của em gái tôi. Chúng tôi đã nói tích cực về sự phân ly. Chúng tôi đã không coi hôn nhân là việc không thể đảo ngược. Đây là quan niệm của John tôi cùng nghĩ như thế, như tôi đã nói, hôn nhân là một việc hệ trong trong đời nhưng có thể bị phá vỡ nếu nó không thành công."
Nhân chứng cho biết: “Trong hôn nhân của John, anh ta đã không nhìn nhận hôn nhân như là dây ràng buộc vì những lý do đã giải thích trước, anh ta lại kiên quyết ủng hộ sự ly hôn”. Khi quan tòa hỏi thêm các nhân chứng trong các cuộc thảo luận, họ thừa nhận họ đã nói không chỉ về khả năng hủy hôn như là nhận thức trên phương diện lý thuyết hay trừu tượng nhưng ngay cả về ý định mà John ký kết giao ước trong hôn nhân của mình.
Quyết định xác nhận hôn nhân vô hiệu được ban hành tại Tòa án Rota vào ngày 09 Tháng 05 năm 2003, với các thẩm phán Msgr. Joseph Sciacca, ponens; Msgr. Amerigo Ciani; Msgr. Augustine De Angelis.[79]
 

Bài 8

KẾT HÔN VÔ HIỆU

DO SỢ HÃI (Đ. 1103)

Can. 1103
 Invalidum est matrimonium initum ob vim vel metum gravem ab extrinseco, etiam haud consulto incussum, a quo ut quis se liberet, eligere cogatur matrimonium.
Đ. 1103
Hôn nhân bất thành, nếu vì bạo lực hay sợ hãi nghiêm trọng từ bên ngoài, mặc dầu không cố tình gây nên, người ta buộc phải lựa chọn hôn nhân để tự giải thoát.
 
Theo nguyên tắc thông thường, sự sợ hãi không làm cho một hành vi pháp lý trở nên vô hiệu (đ. 125). Tuy nhiên luật cũng quy định sự sợ hãi làm cho hành vi bị vô hiệu đối với những hành vi đòi hỏi có ý chí tự do chọn lựa như khấn dòng (đ.656,40), kết hôn (đ. 1103).

1. Ý nghĩa

Gian Francesco Zuanazzi trong bài biết chuyên đề “Hà tỳ ưng thuận ‘od vim vel metum’: khía cạnh tâm lý” đã giải thích ý nghĩa của vismetus như sau:
1- Vis (violenza: bạo lực, được thực hiện trên thân xác của một bên do một người khác với mục đích có được dấu hiệu bên ngoài của sự đồng ý.
Trong thực tế ngày nay, cưỡng ép người khác kết hôn bằng bạo lực ít khi xảy ra. Vì thế, chúng ta sẽ tìm hiểu nhiều về metus hơn.
2- Metus (timore): sự sợ hãi, “là một sự xáo trộn tâm hồn (turbamento dell’animo) gắn với sự chờ đợi đau khổ của một sự thiệt hại tiềm ẩn: một cảm thức đến việc việc sắp xảy ra.”[80]
Trong  nghĩa này, sự sợ hãi bao gồm những xúc cảm khác nhau: xấu hổ (vergogna), sợ (paura), bồn chồn lo lắng (ansia o angoscia).[81]

1.1. Người ta buộc phải lựa chọn hôn nhân để tự giải thoát

Quy định này không có ý nói nạn nhân bị buộc phải kết hôn với một người  mà chỉ nói buộc phải chọn hôn nhân.[82]
Ví dụ: Cô gái bị một tên du đảng ve vãn nên lo sợ. Cô quyết định chọn kết hôn với một chàng trai hàng xóm mới đi bộ đội về, người mà cô không yêu để tự giải thoát khỏi nỗi sợ.
Cũng cần phân biệt sự không muốn hôn nhân (marriage) với sự muốn hay không thích một người (person). Theo điều 1103, đó là sự không muốn hôn nhân. Vì vậy, có thể có sự yêu thích nhau nhưng lại không muốn kết hôn. Thẩm phán, vì vậy, không luôn đòi là phải có sự ghét hay không thích để chứng minh rừng có sự miễn cưỡng kết hôn.[83]
Ví dụ, cô gái bị một tên du đảng ve vãn nên lo sợ. Cô quyết định chọn kết hôn với một chàng trai hàng xóm mà cô có cảm tình, có thể làm bạn, nhưng cô lại không muốn kết hôn với anh hàng xóm đó. Cô ta không ghét anh ấy, hoặc vẫn có thể thích anh ấy về những điều này điều kia nhưng cô ta lại không muốn kết hôn, vì không yêu anh ấy. Tuy nhiên, cô ta lại kết hôn với anh chỉ vì sợ anh du đảng có thể gây ra cho cô một điều xấu nghiêm trọng. Thẩm phán không lấy chứng cứ về sự có cảm tình, hay sự có thích anh hàng xóm để phủ nhận sự sợ hãi khi kết hôn của cô này.

1.2. Sợ hãi nghiêm trọng từ bên ngoài (ad extrinseco)

Giáo luật đòi sự sợ hãi phải do bên ngoài gây ra (ad extrinseco), không do bên trong như do tự tưởng tượng, quá cẩn trọng, ám ảnh, cuồng nhiệt, mê sảng… không một tình huống đặc biệt như chiến tranh, động đất …
Chính xác hơn là sợ hãi được coi là trực tiếp khi gây ra từ một người khác do đưa ra một hành vi đe dọa. Tuy nhiên, sự đe dọa thôi thì chưa đủ, đương sự phải biết đó là đe dọa, nghĩa là phải biết trước những nguy hại và nghĩ rằng chỉ có kết hôn mới tránh thoát được.

1.3. Mặc dầu không cố tình gây nên

Tác nhân gây sợ hãi thường cố ý và thực hiện bằng sự đe dọa, nhưng nếu tác nhân không cố ý mà thụ nhân vẫn bị sợ hãi, thì sự sợ hãi này vẫn gây hà tỳ ưng thuận và vì thế kết hôn vô hiệu. Trong trường hợp thứ hai, sợ hãi là gián tiếp (metus indirecte incusus).
Vì thế, đôi khi nạn nhân sợ hãi tưởng rằng đã bị đe dọa chỉ bởi những thái độ của người khác, nhưng thật ra, không hề có đe dọa. Ví dụ, người cha khi nghe con gái mình có bầu, liền tức giận và đòi giết chàng trai, người gây ra cái bầu. Trong cơn tức giận ông nói như vậy nhưng không có ý đòi chàng trai này phải cưới con gái mình. Tuy nhiên chàng trai nghe nói như vậy, tưởng cha cô gái đe dọa, đòi phải cưới con gái, nên sợ, kết hôn với cô gái.[84]

2. Chứng cứ

Có hai chứng cứ căn bản trong vụ án kết hôn vì sợ hãi:
Trực tiếp: chứng cứ về sự cưỡng ép;
Gián tiếp: chứng cứ về sự không muốn, miễn cưỡng.
Việc thẩm cứu cần biết hoặc nhắm tới:
  • Sự xác thực của các lời khai của các bên và các nhân chứng;
  • Sự tương hợp giữ nỗi sợ và hoàn cảnh cá nhân bên bị ép hôn: tuổi tác, khả năng, nghề nghiệp, tính khí…
  • Mối liên hệ giữa người ép và bị ép.
  • Động lực của sự cưỡng ép hay sợ hãi. Ví dụ: Cha mẹ sợ con gái hư hỏng, ép nó lấy chồng sớm; kết hôn để khỏi đi nghĩa vụ quân sự …
  • Khi lời khai, hoàn cảnh và động lực ép buộc tương hợp với nhau thì mới có thể xác nhận hôn nhân vì sợ hãi.

3. Sự kính sợ (timor reverentialis)

3.1. Ý nghĩa

Khi bàn đến sự hãi tiêu hôn, các nhà chuyên môn không khỏi không nói đến timor reverentialis. Nó kể như một dạng đặt biệt của sự hãi cần lưu ý và thường xảy ra.
Các tác giả như Conte a Coronata, Wernz-Vidal, Cappello, Gasparri đã phân biệt sự khác nhau giữa kính sợ (timore reverentialis) với sự sợ hãi (metus gravi). Trong những trường hợp thông thường, được coi như kiểu mẫu kinh điển của sự sợ hãi: sợ bị mất quyền thừa kế, sợ bị đuổi ra khỏi nhà, sợ bị tổn thương cơ thể… Trong khi đó, sự kính sợ, đúng như diễn tả của Abate, là một sự sợ gây ra từ một loại điều xấu, xảy ra cho đương sự và đặc điểm của điều xấu này là sự không hài lòng hay tức giận của cha mẹ.[85]
Trong La ngữ, reverentia có nghĩa là kính trọng, sợ, khuất phục. Đó là một yếu tố tình cảm, như quan hệ giữa cha mẹ và con cái. Đối với một số tác giả nó là “một ràng buộc về sự lệ thuộc tình cảm và tâm lý, có thể tìm thấy giữa cha mẹ và con cái, giữa người chăm sóc và người được chăm sóc, giữa thầy và trò”, trong đó, sự sợ không là sợ một điều xấu vật lý mà sợ đau khổ, sợ mất lòng và từ đó dẫn một người đến việc chọn kết hôn để tránh thoát.[86]
Sự kính sợ cha mẹ phát xuất từ tâm tình hiếu thảo của người kết hôn, không muốn làm phiền lòng cha mẹ khi cha mẹ tỏ ý muốn. Trong trường hợp này, cha mẹ không đưa ra những đe dọa mạnh mẽ nhưng người con cảm thấy nếu mình không kết hôn theo ý muốn của cha mẹ thì sẽ xảy ra những điều xấu như: một bầu khí lạnh lùng và giận ghét, hay bị trách mắng… cho nên đương sự sợ và phải kết hôn. Sự kính sợ cha mẹ này làm khiếm khuyết sự ưng thuận hay tiêu hôn đòi phải là một sự kính sợ vì có tai hại nghiêm trọng tiềm ẩn và phải có những biểu hiện ra bên ngoài, có thể kiểm chứng được.[87]
Như vậy, sự sợ hãi, bản chất của nó theo kinh điển, là một sự sợ hãi có tính khách quan và đơn giản. Ví dụ như cha đe dọa giết con gái nếu con gái không chịu kết hôn với một chàng trai mà ông ta chọn làm rễ. Trong khi đó, sự kính sợ, có tính chủ quan, nẩy sinh từ chính cảm thức của chính chủ thể. Nó không gây ra bởi sự đe dọa hoặc do đe dọa có kèm theo điều xấu nghiêm trọng gây ra bởi người khác.
Sự kính sợ không do một lời nói hay cử chỉ nào có tính đe dọa nhưng đôi khi phát sinh ra từ một thái độ không hài lòng, một câu nói tỏ ý mong muốn của cha mẹ, của cấp trên. Sự kính sợ đó như metus indirectus suspicio metus, có giá trị là nguyên nhân tiêu hôn.[88]
 Như chúng ta đã khảo sát, con người có thể sợ hãi trong nhiều cách thức khác nhau và tùy thuộc vào cảm nhận và phản ứng khác nhau của mỗi người. Sự xem xét khách quan, đúng đắn không phải chỉ dựa vào những tiêu chuẩn thông thường nhưng còn dựa vào những yếu tố có tính chủ quan nơi người vì sợ hãi mà kết hôn.

3.2. Khảo sát án lý Tòa Thượng Thẩm Roma

Khảo sát vụ án: Coram Cormac Burke, 20.01.1994[89]

Sự kiện tổng quát:
Vụ án vô hiệu hôn nhân do cha mẹ xếp xảy ra ở Srylanka, thuộc Nam Á Châu, một đảo lớn trong Ấn Độ dương với nhiều nền văn hóa ảnh hưởng bởi Phật Giáo, Hindu và Hồi Giáo.
Cô Fatima 21 tuổi, kết hôn với anh Aeldred 28 tuổi, sau khi biết nhau chỉ được 3 tháng và từ khi đám hỏi đến lúc kết hôn năm 1972 thì hai anh chị chỉ gặp gỡ nhau có hai lần. Hai vợ chồng đã sinh ra bất hòa từ khi có đứa con đầu lòng. Khi cô Fatima thiếu chung thủy thì họ chia tay nhau, sau 6 năm chung sống.
Các dữ kiện:
 Hôn nhân của hai anh chị đã được cha mẹ hai bên dàn xếp qua người làm mai mối. Với chỉ hai lần gặp gỡ trịnh trọng và ngắn ngũi trong một tháng trước khi cưới (x. số 13).
Bà mẹ đã năn nĩ con gái ngày này qua ngày khác và dọa rằng nếu không ưng thuận thì bà sẽ hoàn toàn không biết gì đến con nữa. Vì thế, bị đơn sợ và cam chịu kết hôn (x. số 14).
Cha mẹ bị đơn và nhân chứng xác nhận là có đe dọa con gái mình (x. số 14).
Người mẹ nhận rằng trong tháng đính hôn, cô Fatima có khóc và nói rằng không muốn kết hôn và cô ấy chịu kết hôn là vì sự năn nĩ của mẹ (x. số. 14).
Xét về sự miễn cưỡng, bị đơn đã nói là cô ta đã “không muốn kết hôn”. Sự xác nhận ngắn gọn này rất tương hợp với những lời khai của mẹ cô ta: “Cô ấy đã khóc vài lần nói rằng cô từ chối kết hôn với anh ta”.
Vấn đề cần minh định:
1- Vấn đề được đặt ra là sự sợ hãi trong kết hôn dưới sự thúc ép của cha mẹ như thế nào mới là đủ nghiêm trọng để kết luận hôn nhân vô hiệu?
2- Trong một nền văn hóa cổ truyền hoặc có tục lệ: “Cha mẹ đặt đâu con ngồi đó”, thì sự miễn cưỡng nghe theo  lời cha mẹ kết hôn có làm cho hôn nhân vô hiệu không?
3- Nếu xử hôn nhân vì kính sợ cha mẹ là vô hiệu thì ở Á Châu sẽ có rất nhiều trường hợp như vậy. Phải chăng sẽ gây thiệt hại cho luật bất khả phân ly hôn nhân?
Giải quyết của tòa án
Tòa cấp I: Xác nhận (Affirmative) hôn nhân vô hiệu
Tòa cấp I giáo phận Chilaw đã "xác nhận" hôn nhân vô hiệu với lý luận như sau:
Sự xấu đe dọa trên bị đơn dường như không là những bạo lực trên thể lý, hoặc tước bỏ phương tiện sinh sống. Những sự đe dọa như vậy đặt sự xung đột vào lãnh vực của sợ hãi thông thường. Đàng này, nỗi sợ của bị đơn là riêng biệt và là sự phá hủy nghiêm trọng sự yêu mến và kính trọng trong cả đời sống vốn đã nẩy sinh từ thuở bé.  Mối đe dọa đến quan hệ này và vài sự đau buồn giận dữ của cha mẹ thân yêu do sự không vâng lời, đối với bị đơn là một sự xấu nghiêm trọng. Chúng ta phải tin do sự chứng thực hoàn cảnh đó rằng: bị đơn ở trong tình trạng kính sợ nghiêm trọng (số 14).
Tòa cấp II: Phủ nhận (Negative) hôn nhân vô hiệu
Ở tòa Tổng cấp II Colombo, bảo hệ viên đã chống lại phán quyết của tòa cấp I, biện luận rằng bị đơn đã không bị cưỡng ép, vì:
Trong hoàn cảnh thực tế của đời sống của một thôn nữ, kiểu thuyết phục này thì rất thông thường và được chấp nhận.
Các thẩm phán tòa cấp II Colombo cũng đồng thuận với bảo hệ viên nói rằng:
Đây là một hôn nhân được xếp đặt, một hiện tượng rất thông thường trong nền văn hóa của chúng ta. Thường thì một hôn nhân như vậy được con cái vâng lời chấp nhận, do sự tôn kính cha mẹ, bởi vì con cái tin chắc rằng cha mẹ biết và đề nghị điều gì tốt cho chúng. Đây không được coi là sự kính sợ (số.16).
Tòa cấp II cũng không đồng ý với tòa cấp I với ý kiến cho rằng sự năn nĩ con cái kết hôn của cha mẹ không gây ra sợ hãi hay gây ra điều xấu nghiêm trọng, trừ khi nó được kèm theo với những “đe dọa truất quyền thừa kế, đuổi ra khỏi nhà, bị mất sự nương tựa hoặc tương tự, hoặc ngay cả những đe dọa ràng buộc thể lý hoặc bạo lực” (số. 15).
Tòa Rota xử cấp III: Xác nhận (Affirmative) hôn nhân vô hiệu
Ở Tòa Thượng thẩm Roma (Rota Romana) các thẩm phán đã luận xét rất thấu đáo các vấn đề. Một số luận lý được nêu ra dưới đây:
1. Xét về sự tự do và ép buộc gây sợ hãi
Tòa Rota trước tiên xác nhận tự do có gía trị cao quý nơi phẩm giá con người, vì “Tự do là hình ảnh của Thiên Chúa trong con người…" (GS, 17). Giáo Hội rất tôn trọng sự tự do, vì thế ấn định hôn nhân vô hiệu do sự ép buộc và sợ hãi (đ. 1103), (x. số 4).
Tòa cũng trích dẫn Coram Jullien của Rota trước đó, khẳng định sự tự do kết hôn cũng dựa trên luật tự nhiên, vì thế cho dù hôn nhân của người không được rửa tội thì họ cũng bị chi phối bởi luật tự do này (Coram Jullien, July 9, 1932), (x. số 5).
2. Sự kính sợ gây tiêu hôn
Tòa Rota khẳng định: “Khi sự xấu hệ tại việc sợ làm phật lòng hay buồn phiền cha mẹ hoặc khiến họ giận dữ, người ta có thể nói đó là sự kính sợ cha mẹ (timor reverentialis)”. Theo lý thuyết thông thường và bền vững của tòa Rota, loại sợ hãi này thì “nhẹ theo bản chất” nhưng được coi là “nghiêm trọng” nếu có kèm theo hoàn cảnh trong trường hợp riêng biệt, khiến cho sự tức giận của cha mẹ xuất hiện như một điều xấu nghiêm trọng (Coram Masala, March 14, 1989), (x. số 5).
3. Mức độ sợ hãi nghiêm trọng
Trong vụ án này, thẩm phán Cormac Burke tái khẳng định ý kiến của Coram Palazzini: Còn xét về sự đe dọa thì “không cần phải nghiêm trọng hay trong ý nghĩa tuyệt đối, nhưng đúng hơn là sự tỷ lệ tương ứng với khả năng chống đở của nạn nhân: càng nghiêm trọng trong những trường hợp sợ hãi nghiêm trọng tuyệt đối thì càng nhẹ trong trường hợp kính sợ cha mẹ, trong đó ngay cả sự thúc ép liên tục cũng đủ” (c. Palazzini, Oct. 18 1972), (x. số 5).
4. Tòa án Giáo Hội và vấn đề hội nhập văn hóa
Tòa nhận định về hội nhập văn hóa: “là một tiến trình nhờ đó Tin Mừng cắm rễ trong các giá trị điạ phương, khám phá và một mặt nâng cao sự phong phú của chúng, một mặt khác sửa chửa cho đúng đắn những khiếm khuyết của chúng; và nhờ vậy làm hoàn hảo việc Phúc Âm hóa” (số 6).
Tòa Rota đã trả lời cho vấn đề hội nhập văn hóa trong xử vô hiệu hôn nhân. Các tòa án phải phán xử theo luật của Giáo Hội về hôn nhân, tức là những luật đặt nền tảng trên Kinh Thánh. Hôn nhân và sự kết ước hữu hiệu phải được hiểu theo giáo thuyết của Giáo Hội, không được để tập tục hay văn hóa địa phương lấn át. Khi xử hôn nhân theo đúng với tinh thần của Giáo Hội thì tòa án đã nêu cao những chuẩn mực nhân bản, khai sáng cho những tập tục địa phương.
5. Liên quan đến văn hóa: xếp đặt kết hôn của cha mẹ
Tòa luận giải vấn đề này ở số 9 bản án. Tòa nhận ra đây là một vấn đề lớn có nhiều khác biệt trong xử án, một vấn đề xảy ra khắp nơi và rất nhiều ở Phi Châu và Á Châu. Thẩm phán Cormac Burke nhắc lại một nguyên tắc làm chuẩn mực được nêu ra từ Coram Sabattani của tòa Thượng thẩm Roma 20-12-1963:
Một hôn nhân được xếp đặt bởi cha mẹ cho con cái là không vô hiệu, nếu con cái chấp thuận (ratify) sự xếp đặt đó và kết hôn. Nhưng nếu con cái không ước muốn (wish) chấp thuận sự xếp đặt đó và kết hôn và vì thế họ bị cưỡng ép do sợ hãi vào việc kết hôn, thì hôn nhân vô hiệu” (Coram Sabattani, Dec. 20, 1963)[90]
Thẩm phán Mattioli (coram Mattioli, Feb. 29, 1960) công nhận rằng cha mẹ có ý tốt lành khi xếp đặt cho con cái, tuy nhiên điều này không biện minh cho sự vi phạm đến quyền tự do của con trai hoặc con gái về quyền tự do chọn lựa kết hôn của riêng mình, như Giáo Hội luôn luôn dạy rằng sự tự do kết hôn “không thể bị thay thế bởi bất cứ quyền lực nhân loại nào” (GL. 1057§1), (x. số 10).
Tóm lại, việc luận xét hôn nhân có vô hiệu hay không Tòa án phải dựa trên nghi vấn sau để ra phán quyết:
Một người cuối cùng đã có chấp nhận đề nghị kết hôn với người mình không yêu thích một cách tự do, vì kính trọng kinh nghiệm tốt hơn của cha mẹ hay không; hay là việc chấp nhận hôn nhân đó đi ngược với ước muốn riêng của họ, và đơn giản là do sợ hãi hậu quả của sự không chấp thuận? (số 11).
Đây là nguyên tắc rất cần thiết để xác định sự vô hiệu: 1- Nếu chấp thuận ý kiến cha mẹ một cách tự do, hôn nhân không vô hiệu. 2- Nếu việc chấp thuận kết hôn lại đi ngược với ý muốn bên trong của họ và chỉ vì sợ một điều xấu xảy đến nếu không chấp thuận thì hôn nhân vô hiệu.
Sau cùng, Tòa kết luận và ra phán quyết: “Sự vô hiệu hôn nhân đã đựợc chứng thực, trong vụ án này.” (số 18).
Vụ án được xử bởi tòa án hiệp đoàn gồm ba thẩm phán, gồm: Cormac BURKE, ponens; Thomas G. DORAN; và Kenneth E. BOCCAFOLA, ngày 20.01.1994.

4. Những vụ án minh họa

4.1. Tòa án giáo phận

a. Sợ mất việc trong công ty[91]

Henry là một sinh viên nghèo, mới tốt nghiệp Ðại học vài năm và được nhận vào làm việc tại một công ty lớn. Vì giỏi giang và siêng năng, Henry được đề cử vào chức vụ Giám đốc một chi nhánh của công ty. Một bữa tiệc mừng được tổ chức tại nhà của ông Tổng Giám Ðốc, tại đây Henry gặp Sonia, con gái ông. Hai người bị tiếng sét ái tình với nhau. Qua thời gian tìm hiểu, Henry nhận thấy vì Sonia được gia đình nuông chiều quá đáng nên tỏ ra hách dịch và cô giao thiệp với rất nhiều bạn trai. Mẹ của Sonia còn hách dịch hơn cả cô nữa.
Nhận thấy Henry trẻ có tương lai, bà mẹ của Sonia muốn bắt làm rể, nên đề nghị hai người làm đám cưới. Bà đứng ra lo liệu việc đính hôn và tổ chức đám cưới. Henry thật tâm không muốn mặc dù anh có yêu Sonia, nhưng vì e ngại chức vụ của mình trong công ty sẽ bị đe dọa nên chấp nhận.
Khi được tin, gia đình của Henry vui mừng và cũng muốn Henry làm đám cưới với Sonia vì tương lai của chàng. Henry cho gia đình biết rằng chàng không yêu thương Sonia nhiều lắm và tính nết của nàng không thích hợp với chàng. Gia đình chàng buồn bã ra mặt. Suy đi tính lại, vì tương lai của chính mình, vì gia đình khuyến khích. Henry xúc tiến việc đám cưới. Lễ cưới và tiệc cưới diễn tiến bình thường, vui vẻ.
Ngay trong tuần trăng mật, hai người đã có những xích mích và hơn một năm sau đó, họ chia tay nhau. Sonia đệ đơn nơi Tòa Án Hôn phối xin tháo gỡ hôn nhân với lý do Henry không thật lòng khi nói lên lời ưng thuận đồng ý kết hôn. Những chứng cớ được thu thập từ Henry, mẹ chàng và cha mẹ của Sonia. Tòa Án đã tháo gỡ hôn phối của họ.

b. Sợ tai tiếng vì đã mang thai[92]

Peter và Mary, cả hai người đều 17 tuổi lúc họ gặp nhau. Mary là con nuôi trong một gia đình khá giả. Tuy nhiên, tình cảm giữa Mary và bà mẹ nuôi không được tốt đẹp lắm. Mary luôn cho rằng vì cô là con nuôi nên không thể nào có được tình thương như con ruột.
Gặp Peter, lúc ban đầu hai người rất thân mật với tình yêu thương đậm đà, nhưng dần dần tình yêu phai lạt, hờ hững. Cuối cùng hai người chia tay nhau. Hai tháng sau, Mary mới biết mình đã mang thai với Peter. Cô liên lạc lại với anh và hai người đồng ý cho hai bên gia đình biết.
 Hai gia đình buồn rầu ra mặt, nhưng sự thể đã lỡ làng biết giải quyết thế nào, họ để tùy hai người trẻ quyết định. Nếu hai người muốn làm đám cưới, hai bên gia đình sẵn sàng đứng ra lo liệu, nhược bằng họ quyết định chia tay, bên gia đình ba má nuôi Mary sẽ cáng đáng việc thai nghén, sanh đẻ của Mary. Mary quyết định làm đám cưới, nhưng không tỏ lộ sự sốt sắng hay rộn rã của một người con gái sắp về nhà chồng.
 Dù ngại ngùng, nhưng hai gia đình vẫn thu xếp hôn phối của hai người khá tươm tất với lễ cưới, tiệc tùng v.v...
Sau đám cưới, ngoại trừ một vài lần miễn cưỡng ưng thuận, Mary từ chối không chung chạ với chồng. Cô tuyên bố cô sẽ ở với Peter cho đến khi sanh, để khi sanh, con cô là đứa con có cha và để cho mọi người chung quanh khỏi dị nghị. Sau khi sanh, cô ở lại với Peter được vài tháng, sau đó dọn về nhà cha mẹ nuôi và cuối cùng dọn ra riêng ở một mình với đứa con nhỏ.
Peter nộp đơn ra Tòa Án hôn phối xin tháo gỡ hôn nhân giữa anh và Mary. Dựa trên căn bản việc Mary chỉ ưng thuận nói lên lời kết hôn vì đứa con sắp sinh, vì lời dị nghị của người chung quanh chứ không phải vì yêu thương Peter và muốn sống với Peter suốt đời. Chứng cớ được thu thập từ những nhân chứng, Tòa Án hôn phối tuyên bố hôn nhân giữa Peter và Mary không thành sự.

c- Sợ hãi vì lỡ mang thai

Vào năm 1999, anh Phanxicô Trần Ngọc An có quen với cô Hồ Thị Mi. Họ quen nhau được 4 tháng, vì ham muốn xác thịt nên họ đã quan hệ với nhau và cô Mi đã có thai ngoài ý muốn. Khi cô Mi báo cho biết là đã có thai, anh An rất lo sợ và hoang mang.
Anh An đã nói với mẹ về việc Mi đã có thai, mẹ anh đã bắt anh kết hôn vì cho rằng người Công giáo mà bỏ cô Mi như vậy là có tội. Anh An không muốn kết hôn, vì nghĩ mình còn nhỏ và chưa có gì hết. Anh đã buồn và đi Sài Gòn học nghề hớt tóc. Vài tháng sau mẹ anh đã gọi anh về và ép buộc anh sống chung với cô Mi, do có cháu ngoại, nhưng anh An vẫn không chịu làm đám cưới.
Khi cô Mi sinh con được một tuổi, mẹ anh đã bắt anh và cô Mi đi học Giáo lý để kết hôn. Anh không muốn, còn rất bối rối, nhưng vì muốn cho mẹ vui nên anh đã chấp nhận kết hôn. Sau đó đời sống hôn nhân của họ không hạnh phúc vì không có tình cảm với nhau. Cô Mi đã bỏ nhà đi hai lần. Họ đã có với nhau 3 mặt con nhưng cuối cùng hôn nhân tan vỡ.
Tòa án giáo phận đã tuyên bố hôn nhân này vô hiệu do anh An sợ hãi khi kết hôn.

d. Sợ mất tương lai, sợ mất gia tài[93]

Roger là một bác sĩ y khoa trẻ khá nổi tiếng về nghề nghiệp cũng như về sinh hoạt chính trị. Anh có hoài bão sau này sẽ trở thành người lãnh đạo lớn. Roger gặp Penelope, con gái của một chính trị gia, đồng thời cũng là một nhà triệu phú. Penelope sau khi tốt nghiệp trung học, được gửi sang Thụy sĩ theo học một trường Ðại học nổi tiếng của Âu Châu. Hai người thật xứng đôi vừa lứa, nhưng thật ra hai người chỉ là bạn với nhau mà thôi. Roger đã có tình với một người con gái khác là Candida.
Trong một lần tiễn chân Penelope lên đường sang Thụy sĩ sau kỳ hè, nhà triệu phú tổ chức một bữa tiệc tiễn chân con gái, Roger cũng được mời tham dự. Có lẽ vì cả hai người đều quá chén chăng, nửa đêm ông triệu phú bắt gặp Roger và con gái yêu của mình đang làm chuyện tồi bại trong phòng ngủ của con gái ông.
Ðùng đùng nổi giận, ông bắt Roger và Penelope phải lấy nhau, ông là người thủ cựu, không quan niệm khác được. Khi hai người nhận lỗi và phản đối việc cưới hỏi, ông tuyên bố rằng ông sẽ làm ầm ỹ lên và tương lai của cậu bác sĩ chính trị gia sẽ chỉ là đống bọt ngoài bãi biển, và tương lai của con gái ông là sẽ không được ghi tên trong bản di chúc của ông sau này, nghĩa là mất phần gia tài kếch sù của ông để lại.
  Một năm sau, hôn nhân tan rã. Roger nộp đơn xin tháo gỡ. Tòa Án tuyên bố hôn phối vô hiệu dựa trên căn bản của việc sợ hãi và cưỡng ép khi nói lời ưng thuận kết hôn.

4.2. Tòa Thượng Thẩm Roma

Trong quyển Rotal Anthology. An Annotated Index of Rotal Decisions from 1971 to 1988, Washington, DC 1992, biên soạn bởi Augustine Mendonca,  đã ghi lại tóm tắt những Quyết Định của Tòa Thượng thẩm Roma từ năm 1971 đến năm 1988. Sau đây là một số trường hợp điển hình về sự kết hôn do kính sợ:

a.  Coram Agostoni, Dec 63 (1980) 372-381, Turin, Italy

Người nữ mang bầu sau khi bị cưỡng hiếp. Cha của cô mắng chưởi và buộc cô phải kết hôn. Có chứng cứ rõ ràng là cô ta không thích chàng ấy. Cơ sở phán quyết xác nhận vô hiệu (affirmative) cho vụ này của Rota là dựa trên sự kính sợ cha mẹ.[94]

b. Coram Ferraro, Dec 63 (1980), Naple, Italy

Người nữ khai rằng cô ta đã kết hôn vì mẹ cô ta cứ năn nĩ mãi (insistence). Điều này được chứng tỏ qua những sự kiện miễn cưỡng của cô ta và được chứng minh qua những lời chứng. Rota tuyên bố hôn nhân vô hiệu dựa trên sự kính sợ cha mẹ.[95]

c. Coram Pompedda, Dec 64 (1981) 294-299, Ravena, Italy

Hai người nam nữ quen thân nhau, nhưng sau đó người nữ thay đổi ý kiến, không muốn kết hôn. Tuy nhiên, vì sự nài nĩ (insistence) của mẹ nên cô đành kết hôn. Rota tuyên bố hôn nhân vô hiệu dựa trên sự kính sợ cha mẹ.[96]

d.. Coram Fiore, Dec 63 (1980) 620-624, Caroline Islands[97]

Thẩm phán Fiore  tòa Rota đòi sự kính sợ cha mẹ phải là nghiêm trọng, được chứng tỏ qua chứng cứ trực tiếp và gián tiếp. Chứng cứ trực tiếp là chứng cứ từ người gây sợ hãi; gián tiếp là chứng cứ về sự không muốn kết hôn của người bị ép. Trong vụ án này chứng cớ đã không đủ nên tòa phủ nhân hôn nhân vô hiệu.
 

 

Bài 9

KẾT HÔN VÔ HIỆU

DO ĐẶT ĐIỀU KIỆN (đ. 1102)

 
Can. 1102 -
§ 1. Matrimonium sub condicione de futuro valide contrahi nequit.
§ 2. Matrimonium sub condicione de praeterito vel de praesenti initum est validum vel non, prout id quod condicioni subest, exsistit vel non.
§ 3. Condicio autem, de qua in § 2, licite apponi nequit, nisi cum licentia Ordinarii loci scripto data.
 
Điều 1102
§1. Kết hôn với điều kiện về tương lai thì bất thành.
§2 Kết hôn với điều kiện về quá khứ hay hiện tại có thành sự hay không là tùy theo nội dung của điều kiện có hay không.
§3. Tuy nhiên, điều kiện nói đến ở §2 không thể được đặt ra cách hợp pháp, trừ khi Đấng Bản Quyền địa phương cho phép bằng văn bản.

1. Ý nghĩa

Một điều kiện để kết hôn, có nghĩa là một hoàn cảnh hay tình trạng được đòi hỏi phải có mới thực hiện kết hôn. Bộ luật 1917 (đ. 1092§3) quy định điều kiện tương lai chỉ làm hôn nhân vô hiệu chỉ khi bên bị đặt điều kiện đã không thực hiện được điều kiện. Bộ luật 1983 (đ, 1102§1) lại xác định sự kết hôn vô hiệu nếu có đặt điều kiện tương lai, cho dù nó có được thực hiện hay thỏa mãn hay không.
Bởi vậy trước ngày 27-10-1983, một điều kiện tương lai chỉ vô hiệu hôn nhân nếu điều kiện không được thực hiện. Sau ngày đó, một điều kiện tương lai làm vô hiệu hôn nhân ngay, cho dù sau này điều kiện vẫn được hoàn thành.[98]
Ví dụ: Một cô gái ra điều kiện “Tôi lấy anh với điều kiện là anh sẽ được thừa hưởng gia tài nội trong năm thứ nhất của hôn nhân”. Trong năm thứ nhất của hôn nhân, người chồng đã được cha để lại gia tài, thỏa mãn điều kiện về tương lai mà cô gái đã đưa ra. Tuy nhiên, sau đó hôn nhân tan rã không tái lập được đời sống chung. Khi họ khiéu nại xin tuyên bố hôn nhân vô hiệu, Tòa án hôn phối vẫn tuyên bố xác nhận hôn nhân vô hiệu dựa trên nền tảng kết hôn với điều kiện tương lai, ngay cả khi điều kiện được hoàn thành.
Đối với điều kiện về quá khứ, (ví dụ: “Tôi lấy anh, với điều kiện là mẹ anh đã chết”); hoặc hiện tại (ví dụ: “Tôi lấy em, với điều kiện em còn là trinh nữ”), hôn nhân chỉ vô hiệu khi điều kiện không được thỏa mãn (đ. 1102§2).

2. Đặt điều kiện cho một hôn nhân

Người ta thường nghĩ điều kiện như một điều gì đó được đặt ra cách rõ ràng, được nói thành câu, ví dụ như: “Tôi lấy anh với điều kiện là anh sẽ được thừa hưởng gia tài nội trong năm thứ nhất của hôn nhân”. Thực ra, điều kiện trong hôn nhân còn tế nhị hơn nhiều. Khi thẩm cứu và xét xử vụ án nên chú ý những điểm sau:

2.1. Một điều kiện có thể được đặt ra cách hàm ẩn

 Một điều kiện có thể được đặt ra cách hàm ẩn cũng đủ để kết luận hôn nhân vô hiệu. Nó tương tự như hai kiểu diễn tả về ý định thường có:
a- Ý định được diễn tả bằng lời nhưng chỉ gián tiếp, ví dụ, như một chàng trai, nói rõ ra rằng chàng chẳng bao giờ sống chung với một phụ nữ. Anh ta kết hôn gian ý một cách hàm ẩn.
b- Ý định không được diễn tả bằng lời nhưng bằng hành động, ví dụ chú rễ chẳng nói lời nào nhưng lại biến mất luôn sau lễ thành hôn. Anh ta đã loại bỏ sự sống chung một cách hàm ẩn. 
Trong phán quyết Rota ngày 24 tháng tư năm 1975, thẩm phán Parisella nói về điều kiện hàm ẩn: “Nó là cần thiết và cũng đủ khi người kết hôn không chú trọng nhiều vào đơn thuần là kết hôn, mà chú trọng nhiều hơn đến việc kết hôn với người mà có tư cách riêng biệt nào đó. Vì lý do này, việc gắn kết một điều kiện có thể được suy luận là có, ngay cả khi từ ngữ “điều kiện” đã không bao giờ  dùng đến."

2.2. Không cần đòi có những nghi ngờ

 Thông thường bên này đặt điều kiện kết hôn khi có nghi ngờ rằng bên kia thiếu vắng một tư cách nào đó. Ví dụ người nữ đặt điều kiện: “Tôi kết hôn với anh, với điều kiện anh không phải là đồng tính”. Sở dĩ như vậy là vì có nghi ngờ người nam đồng tính.
Tuy nhiên, thẩm phán không cần đòi có những nghi ngờ của người đặt điều kiện; cũng không đòi có nghi ngờ để chứng tỏ là có đặt điều kiện.
Khi người kết hôn coi là vô cùng quan trọng về tư cách của bên kia, thì người ấy chỉ muốn sự hữu hiệu hôn nhân lệ thuộc vào tư cách ấy, ngay cả khi không có nghi ngờ về tư cách đó. Tòa Rota, ví dụ, xử một vụ án của một người nữ Công Giáo, đã kết hôn với một người Tin lành, với điều kiện anh ấy phải trở đạo Công Giáo sau kết hôn. Chàng trai đã hứa và người nữ đã không nghi ngờ gì về lời hứa đó. Thực tế, sau đó anh chẳng trở lại Công Giáo gì cả. Hôn nhân được kết luận vô hiệu do kết hôn với điều kiện. Thẩm phán Felice cho rằng, đối với cô gái đạo đức, việc chồng mình trở lại đạo là rất quan trọng, cho nên xác nhận cô kết hôn với điều kiện, ngay cả khi cô ấy không có nghi ngờ về tư cách của chàng trai.[99]

2.3. Không biết vô hiệu

Một người có thể đặt điều kiện kết hôn nhưng không biết rằng đặt điều kiện như vậy lại làm vô hiệu hôn nhân (x. Coram Pinto, 26-6-1971, 63, 560).
Chung chung, người đặt điều kiện cho hôn nhân, coi điều kiện là điều quan trọng cho việc kết hôn chứ không ý thức rằng làm như vậy là làm vô hiệu hôn phối. Vì vậy, không cần phải đòi phải có ý thức vô hiệu thì mới xác định là kết hôn có điều kiện.

2.4. Sự quan trọng khách quan và chủ quan của điều kiện

Đối với một số tư cách hoặc hoàn cảnh, một cách khách quan, xã hội hay cá nhân đều coi là quan trọng cho đời sống hôn nhân như: bệnh kinh niên hay truyền nhiễm, rối loạn tình dục… Đặt điều kiện về những phẩm chất này, là điều dễ xảy ra.
Đối với một số khác, khách quan mà nói lại không quan trọng như: công việc, tôn giáo, địa vị xã hội… Đặt điều kiện về những điều này thường ít xảy ra, vì thế, không suy đoán hôn nhân là có điều kiện.
Tuy nhiên, đôi khi tầm quan trọng của một phẩm cách hay tình trạng lại trở nên cực kỳ quan trọng đối với một người nào đó. Ví dụ tôn giáo thường thì không quan trọng nhưng đối với một số người lại là vô cùng quan trọng đối với một số người khác. Ví dụ, một phụ nữ, đặt điều kiện người nam phải trở lại đạo Công Giáo sau kết hôn, vì cô ta đạo đức và luôn mong muốn chồng phải là người Công Giáo một cách rất mạnh mẽ.

2.5. Điểm căn bản của hôn nhân với điều kiện

Người đặt điều kiện coi phẩm cách hay hoàn cảnh được đặt ra là quan trọng hơn cả người kết hôn. Nếu, coi điều kiện đặt ra là phụ thuộc và ưng thuận kết hôn lại là chính yếu thì đó không phải là hôn nhân với điều kiện.
Thẩm phán K. Boccafola, trong phán quyết Rota ngày 27-5- 1987 nói: “Như vậy một mối quan hệ được thành lập giữa tư cách hoặc hoàn cảnh và chính cuộc hôn nhân, mà theo đó, trong tâm trí của người kết ước có ý nghĩa lớn hơn chính cuộc hôn nhân. Trong trường hợp này, hôn nhân gắn liền với một điều kiện ‘sine qua non’, một điều kiện mà thực sự ảnh hưởng và chạm đến bản chất của chính hành vi ưng thuận”.

2.6. Không phải điều kiện, chỉ giống như là điều kiện

Có 4 trường hợp trông giống như là đặt điều kiện nhưng lại không phải, không vô hiệu hóa hôn nhân:
  1. Đòi buộc: một bắt buộc gắn liền với kết ước. Ví dụ: “Tôi cưới anh nhưng sau đó anh phải ngưng uống rượu”.
  2. Bày tỏ: diễn tả một vài phẩm chất nào đó cho người kia. Ví dụ: “Tôi kết hôn với em, quả là một trinh nữ”.
  3. Nguyên nhân: lý do hoặc động lực của kết hôn. Ví dụ: “Tôi cưới anh vì tương lai anh sẽ theo đạo”.
  4. Yêu cầu, đòi hỏi tiền hôn nhân: Có thể có những yêu cầu hay đòi hỏi và ngay cả là điều kiện được đặt ra vào thời gian mới tìm hiểu hay khi đính hôn nhưng lại không được đặt ra như là một điều kiện để kết hôn. Ví dụ cô gái nói: “Tôi chỉ đính hôn với anh với điều kiện anh phải giữ đạo”. Sau thời gian đính hôn,  cô gái không đặt quan trọng điều kiện đó nữa, nó không còn tác dụng đối với việc kết hôn hữu hiệu.
Tuy nhiên, nếu có những chứng cứ rõ ràng cô ấy vẫn coi việc giữ đạo của chàng trai là vô cùng quan trọng thì có thể suy đoán cô ta vẫn tiếp tục đặt điều kiện ấy cho việc kết hôn. Kết hôn, vì vậy, vô hiệu.

2.7. Sự hoàn thiện cá nhân như một điều kiện

Khi kết hôn với một người có nhiều tính xấu như rượu chè, cờ bạc… hoặc đã làm nghề mại dâm, trụy lạc… người ta chắc rằng người này đã từ bỏ những thói hư tật xấu hoặc sẽ từ bỏ chúng như một điều kiện.
L.G. Wrenn trong cuốn  The Invalid Marriage đã viết: “Mọi người đều nhận ra rằng rất nhiều người ngày nay kết hôn trước tiên là vì sự hoàn thiện cá nhân. Sự hoàn thiện cá nhân, có vẻ như là, có được một mức độ đủ đặc biệt  để phẩm định như một hoàn cảnh mà có thể điều kiện cho một hôn nhân…Vì vậy, nếu có thể chứng tỏ được trong một trường hợp riêng biệt mà một bên được gắn với một sự quan trọng tiên quyết với hoàn thiện cá nhân và hôn nhân phụ thuộc vào nó, và giả như nếu sự hoàn thiện không đạt được sau vài năm kết hôn người ta không còn muốn kết hôn. Một hôn nhân như thế: 1) Nếu xảy ra trước ngày 27-11-1983 và điều kiện đã không được hoàn thành, có thể được tuyên bố vô hiệu với lý do của điều 1092,3, 2) Nếu nó xảy ra sau ngày 27-11-1983, ngay cả điều kiện được hoàn thành, có thể tuyên bố hôn nhân vô hiệu theo lý do của điều 1102§1”.[100]
Nói một cách cụ thể hơn, nếu có thể chứng tỏ được trong một trường hợp chị A lấy anh B. Khi kết hôn chị A đã đặt một sự quan trọng tiên quyết là anh B phải từ bỏ rượu chè say sưa (hoặc bài bạc, hoặc nghiện hút, hoặc đĩ điếm… ) và giả sử như anh B không hoàn thiện cá nhân sau một vài năm chung sống thì chị A không muốn kết hôn. Trong trường hợp này, điều kiện hoàn thiện cá nhân có thể đã không được minh nhiên đặt ra, nhưng được hiểu là đã có đặt ra một cách hàm ẩn, do việc chị A đã đặt sự hoàn thiện cá nhân của anh B là điều quan trọng tiên quyết và hôn nhân chỉ là phụ thuộc vào đó và vì vậy chị không muốn kết hôn nếu sau kết hôn anh B đã không hoàn thiện cá nhân.  Tòa án vì thế, có thể công bố hôn nhân vô hiệu dựa theo điều 1102§1, nghĩa là dựa theo lý do hôn nhân với điều kiện ở tương lai, ngay cả khi anh B sau hôn nhân đã hoàn thiện cá  nhân, từ bỏ rượu chè.
Hôn nhân đã vô hiệu vì lúc kết hôn chị A đã đặt tầm quan trọng một cách tiên quyết về những phẩm chất mà anh B cần phải có trong tương lai chứ không vào chính bản thân anh B. Chị đã không kết hôn với anh B trong thực tế hôm cử hành kết hôn, mà chỉ kết hôn với anh B trong tương lai với những phẩm chất mà chị tưởng tượng anh B phải có.

3. Chứng minh kết hôn có điều kiện[101]

Trong việc chứng minh một điều kiện các yếu tố quan trọng cần được xem xét là: 1) Lời khai của các bên, 2) Chứng thư và lời khai của nhân chứng, 3) Sự rõ ràng của hòan cảnh 4) Động lực.

3.1. Lời khai của các bên

Những từ ngữ chính xác được sử dụng bởi các bên là quan trọng. Tuy nhiên, vì "điều kiện" nói ra rất là tế nhị, nên nói chung, những hành động mạnh hơn lời nói, và chúng được hiểu trong bối cảnh và đặt biệt là trong tâm trí các bên kết ước.

3.2. Chứng thư và lời khai của nhân chứng

 Chứng thư và lời khai của nhân chứng cũng rất quan trọng để thẩm định. Tuy nhiên, nếu nhân chứng kể lại những lời nói của người ra điều kiện lại mạnh mẽ hơn người đó thì nên hồ nghi về sự thành thật của nhân chứng.

3.3. Sự kiện và hoàn cảnh

Hoàn cảnh đóng góp rất lớn vào việc chứng tỏ một điều kiện. Cần đặt vấn đề là phẩm cách khách quan hay chủ quan nghiêm trọng đối với người ra điều kiện; điều kiện được đặt ra như thế nào, có rõ ràng không, một lần hay nhiều lần, có cố gắng để gán điều kiện cho  bên kia không. Một kết hôn và chia tay nhanh chóng là dấu chứng cho hôn nhân có điều kiện và đã không hoàn thành điều kiện, nhưng cũng có những trường hợp sự hoàn thành điều kiện xảy ra từ từ và không rõ ràng và  đôi khi có thể làm tổn thương đến danh dự bên kia.

3.4. Động lực

Động lực cho hôn nhân với điều kiện thường do người đặt điều kiện đặt tầm quan trọng rất lớn vào tình trạng của bên kia.

4. Những liên hệ

4.1. Liên hệ giữa điều kiện và lầm lẫn tư cách (đ. 1097§2)[102]

Điều 1097§2 nói rằng khi lầm về một tư cách một người mà tư cách ấy “được nhắm đến một cách trực tiếp và chính yếu” thì hôn nhân vô hiệu. Điều này cũng giống như trong vấn đề hôn nhân với điều kiện, vì điểm mấu chốt của điều kiện cũng là coi tư cách là chính yếu và hôn nhân là phụ thuộc vào tư cách đó. Ví dụ, một phụ nữ nghĩ một cách sai lầm rằng anh ấy là người Công Giáo. Nếu cô ấy nhắm đến chính yếu là kết hôn với người Công Giáo (đối với cô ấy, hôn nhân là ít quan trọng hơn người Công Giáo), hôn nhân vô hiệu. Nền tảng đúng đắn để xử vụ án này là điều kiện chứ không là lầm lẫn. Tuy nhiên, nếu xét trong toàn bộ cấu trúc có hệ thống của bộ Giáo Luật, sự lầm lẫn được xếp trong những hà tỳ về lý trí (đ. 1095-1100: không có khả năng, thiếu trưởng thành, lầm lẫn …) hơn là những hà tỳ về ý muốn (đ. 1101-1103: điều kiện, sợ hãi) thì có thể xử vụ án trên nền tảng lầm lẫn.[103]

4.2. Liên hệ giữa điều kiện và lầm lẫn do lừa gạt (đ. 1097§2)[104]

Có sự liên hệ rất gần giữa kết hôn với điều kiện và lầm lẫn do lừa gạt. Ví dụ như một người nữ kết hôn với một người nam nghiện rượu, chị ta có thể khiếu nại rằng chị ta đã bị lầm lẫn hoặc đã kết hôn có điều kiện.
Tùy theo hoàn cảnh, thẩm phán có thể chọn nền tảng tiêu hôn nào thích hợp hơn. Chẳng hạn, khi sự lừa gạt biểu hiện rõ hơn (người nam che dấu hoàn toàn việc mình nghiện rượu) và sự biết về nó thì ít (người nữ không biết gì về vấn đề ấy của anh ta), thì "lầm lẫn" nên đặt là nền tảng để xét tiêu hôn. Nhưng khi sự biết thì nhiều (người nữ nghi ngờ mạnh mẽ rằng anh ấy nghiện rượu) và lừa gạt thì ít (anh ta có nói rằng anh ta uống nhiều) thì "điều kiện" nên đặt là nền tảng để xét cho tiêu hôn.

5. Những trường hợp thông thường

Trong bối cảnh Việt Nam hiện tại, có thể có những trường hợp kết hôn có điều kiện hoặc bị lầm lẫn. Điều kiện thường không được nói rõ ràng nhưng được hàm ẩn. Nếu chứng tỏ được một hoàn cảnh hay tư cách được nhắm đến là chính yếu và hôn nhân chỉ là lệ thuộc, thì hôn nhân vô hiệu, trong các trường hợp:
  1. Kết hôn với Việt kiều với điều kiện được đi nước ngoài hoặc mục đích khác như được trợ cấp nuôi gia đình …
  2. Kết hôn với người lương (chuẩn khác đạo) với điều kiện người lương sẽ phải theo đạo Công Giáo, hoặc cho con được rửa tội.
  3. Kết hôn với người lương trở lại đạo, với điều kiện người lương phải giữ đạo.
  4. Kết hôn với người đã làm nghề mại dâm, với điều kiện bỏ nghề xấu đó.
  5. Kết hôn với người có những tật xấu như: bạo lực, rượu chè, cờ bạc, nghiện hút… Trong những trường hợp này có thể áp dụng vấn đề hoàn thiện cá nhân khi sự hoàn thiện được nhắm đến hơn cả hôn nhân.
  6. Kết hôn với điều kiện giàu có.
  7. Kết hôn với điều kiện có con dõi hoặc để cho cha mẹ có cháu bồng.
  8. Kết hôn với điều kiện là để chăm sóc cha mẹ già hoặc nhà cửa.

6.  Vụ án minh họa về điều kiện kết hôn

a- Hoàn thiện cá nhân như một điều kiện

Anh Bênađô Nguyễn Vũ Thu kết hôn với chị Maria Nguyễn Thị Chi. Theo lời khai của nguyên đơn là anh Thu thì anh chị đến với nhau bằng tình yêu thực sự (trang 4). Tuy nhiên trong thời gian đó, anh Thu có nghe đồn đại về phẩm hạnh của chị Chi, “con nghe nói cô ta làm gái và con tìm hiểu…là sự thật, nhưng cô ta hứa sẽ bỏ tất cả để đến với con, vì chúng con yêu nhau”. Và sự việc xảy ra khi họ có con với nhau trước, nên quyết định kết hôn. Cô Chi chấp nhận theo đạo, hôn nhân của họ được cử hành.
Trong quá  trình chung sống đã nảy sinh nhiều mâu thuẫn mà nguyên do chính vẫn là, Anh Thu phát hiện vợ mình làm “gái điếm”. Dù nhiều lần dàn xếp, nhưng cô Chi cố tình ăn ở công khai với người đàn ông khác và chủ động li dị. Anh Thu đệ đơn lên Tòa Án Hôn Phối Giáo Phận để xin công bố hôn nhân vô hiệu. Sau khi thẩm tra và phỏng vấn các nhân chứng, tòa án giáo phận quyết định xác nhận hôn nhân vô hiệu trên nền tảng kết hôn với điều kiện tương lai.
Nhận xét:
Điều kiện tương lai đã được hàm ẩn qua lời hứa của cô Chi, là sẽ từ bỏ nghề làm gái. Vì chính lời hứa này anh Thu mới kết hôn. Tuy không nói rõ là "điều kiện" nhưng lời hứa có nghĩa như thỏa thuận một điều kiện.
Mặt khác có thể xét vụ án theo sự hoàn thiện tương lai như là một điều kiện tương lai. Vụ hôn nhân này cũng có thể xét là vô hiệu trên sự lầm lẫn của anh Thu do cô Chi lừa gạt.

b- Điều kiện về nơi ở sau kết hôn

Đây là một vụ án được xử bởi tòa Thương thẩm Roma, Coram  Kenneth E. Boccafola, 27-5-1987.[105].Đôi bạn đã đặt điều kiện về nơi ở trước khi kết hôn.
Cô A sinh năm 1956, đang học ở Âu Châu có cha là người Irag và mẹ là người Anh. Có dự định là gia đình sang sống ở Ý. Nàng gặp anh B và hai người yêu nhau. Tháng 10-1975 hai anh chị đính hôn nhân dịp mẹ của cô A sang thăm, mặc dù cha vì bận việc ở quê nhà nên không đi được.
Phần lớn thời gian đính hôn là êm ả nhưng bắt đầu có vấn đề khi cha cô A đến Âu Châu và cô phải giúp cha trong công việc kinh doanh. Anh B có vấn đề xung khắc với não trạng gia chủ và Đông phương của cha cô A. Sau khi cha cô A cho cô một căn hộ trong chung cư mà ông đang ở, thì vấn đề nẩy sinh: hai anh chị không đồng ý với nhau về ngày cưới và nơi ở cho cuộc hôn nhân. Sau tranh cải trầm trọng, họ dời ngày cưới từ tháng 8 năm 1980 sang tháng 4 năm 1981.
Sau ngày cưới tại nhà thờ, họ sống tại căn hộ, trong chung cư mà cha cô A làm việc. Không may là, bất đồng và tranh cải bùng nổ sau đó không lâu, chỉ sau 4 tháng kết hôn là họ chia tay. Cha của cô A đã cố thuyết phục và họ lại chung sống với nhau  trong căn hộ đó nhưng không hạnh phúc. Vào tháng 12 năm 1981, họ chia tay vĩnh viễn, 8 tháng sau kết hôn.
Người vợ A đã đệ đơn xin tuyên bố hôn nhân vô hiệu lên tòa cấp I với hai lý do: hà tỳ ưng thuận do chồng đã đặt một điều kiện kết hôn không được hoàn thành, nếu tòa không chấp thuận vô hiệu hôn nhân thì, 2) loại trừ bonum sacramenti bởi cả hai bên. Tòa cấp một đã ra phán quyết affirmative dựa  trên nền tảng kết hôn với điều kiện. Tuy nhiên, Bảo hệ viên đã kháng án lên tòa Thượng thẩm Roma và đã được nhận xử vụ này (theo điều 1682§2).
Tòa Rota đã thỏa thuận nghi vấn tiêu hôn như nguyên đơn đề nghị. 
Trong phần lập luận của bản án, có những lý lẽ đáng chú ý như sau:
1. Có tự thú tư pháp của bị đơn được thấy trong hồ sơ vụ án: “Tôi đã nhất định là không sống trong thị trấn của cô ấy đến nỗi nếu yêu cầu của tôi không được tôn trọng, hôn nhân sẽ không xảy ra. Thật sự, thì tôi cũng nói với A rằng, nếu cô ấy không đồng ý sống ở thành phố của tôi, tôi không lấy cô ấy”.
2. Nguyên đơn là bà A, xác nhận rằng có những tranh cải về chuyện này.
3. Có 7 nhân chứng xác nhận về việc ra điều kiện nơi ở.
4. Thẩm phán thấy có động lực của điều kiện: Chồng không muốn sống trong tầm kiểm soát của cha vợ.
5. Đối tượng của điều kiện được chứng tỏ bằng những yêu cầu nhiều lần của chồng. Hai bên đã bàn luận việc này từ mùa hè năm 1980, trước kết hôn.
6. Phản ứng mạnh mẽ: Tháng 8 năm 1981 anh Bc đã chia tay sau khi cải nhau vì vợ đã không giữ lời hứa. Bốn tháng sau, khi vợ nói là không chuyển đến ở thành phố của chồng, anh đã dứt khoát ra khỏi nhà.
Tòa Rota đã xác nhận hôn nhân vô hiệu trên nền tảng hôn nhân với điều kiện tương lai về nơi ở sau kết hôn.
 
 

PHỤ LỤC

Các án từ (hồ sơ) của một vụ án

1- Bìa hồ sơ
2- Đơn xin (thỉnh nguyện đơn, libello)
3- Tường trình hôn phối
4- Chứng nhận Rửa Tội, hôn phối
5- Nếu có: Bản sao giấy ly dị dân sự
6- Nếu có: Bản xác nhận bị đơn vắng mặt với lý do…
7- Quyết định nhận đơn và triệu tập
8- Quyết định nghi vấn tiêu hôn và khởi sự thẩm cứu
9- Chứng cứ: các thẩm vấn các bên và nhân chứng, tài liệu được thu thập.
10- Quyết định kết thúc thẩm cứu và công bố án từ
11- Nếu có: Bản ý kiến của Luật sư hoặc người bảo hộ
12- Bản ý kiến của Bảo hệ viên
13- Các bản kết luận của các thẩm phán chuẩn bị cho họp nghị án
14- Bản án (sentence); hoặc đôi khi là bản quyết định (decree).
15- Bản công bố phán quyết
16- Bản xác nhận phán quyết hữu hiệu và thông báo để ghi chú vào sổ Rửa Tội.
 
Tiếp theo sau đây là một bộ hồ sơ của một vụ án, đã được thực hiện tại tòa án Giáo phận Nha Trang. Tên các bên và một số liên quan đã được thay đổi.

(Bìa hồ sơ)
 
TÒA ÁN GIÁO PHẬN NHA TRANG
Tòa Giám Mục, 22 Trần Phú, Nha Trang
 
 
HỒ SƠ
VÔ HIỆU HÔN NHÂN
157/2016
(HOA - MINH)
 
Tuyên án:  ngày …..30/4/2017…….
□- Xác nhận vô hiệu
□- Phủ nhận vô hiệu
□- Kháng cáo
□- Cấm hôn
□- Ghi chú :
 … ……………………………………………………………
………………………………………………………………

 

 

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
                                     


 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

 
 
BẢNG TƯỜNG TRÌNH HÔN PHỐI
 
Anna Nguyễn Thị Hoa
 
Con xin tường trình về tình trạng hôn phối của con như sau:
Con và chồng con đã quen nhau do sự giới thiệu của hai người cha (cha mẹ chúng con cùng làm nghề mua bán thịt heo). Trong thời gian quen nhau, từ 2009 đến 2011, chúng con thường đi chơi với nhau khi có thời gian rãnh rỗi và chỉ đi trong thành phố này mà thôi như đi cafe, ăn chè... Chúng con chưa ăn nằm với nhau trước hôn nhân. Trong thòi gian này, anh ấy tỏ ra hiền lành, dễ thương và luôn yêu thương con. Cũng trong thời gian tìm hiểu nhau, chúng con tham dự khóa giáo lý dự tòng và hôn nhân tại nhà thờ Phan Rang do các cha dạy.
Sau hai năm quen nhau, năm 2011, chúng con quyết định làm đám hỏi và sau đó là đám cưới vào 11.11.2011.
Trước đám cưới, cha sở có nhờ người đỡ đầu ôn lại giáo lý rồi rửa tội cho anh ấy và cử hành hôn phối cho chúng con.
Thời gian đầu sau đám cưới, anh ẩy vẫn đi lễ với con, ít khi rước lễ dù con có nhắc. Sau khi con có bầu và sinh em bé thì anh ấy hầu như không xưng tội và rước lễ nữa.
về phía gia đình nhà chồng, sau khi cưới và về ở chung, con mới hiểu rõ hơn về gia đình này. Bố chồng ăn nhậu. Anh trai chồng con thì lấy vợ người khác, sau đó vì lăng nhăng rồi ly dị. Chị gái chồng con cũng vỉ lăng nhăng với chồng người khác nên gia đình không hạnh phúc và xảy ra bạo lực gia đình.
Đời sống kinh tế của hai bên gia đình tương đối ổn định. Nhà bên con thì ở thành phố, còn nhà chồng con ở ngoại ô. Sau đám cưới chúng con đi làm cho cha mẹ. Anh ấy thì phụ giúp cha mẹ anh ấy đi thu mua và bắt heo. Con thì giúp mẹ con bán thịt. Hai chúng con đều được trả công xứng đáng.
Khoảng một tuần sau đám cưới, anh ấy đã đánh con. Chỉ vì anh ấy chiều hay đi nhậu mãi đến quá nửa đêm mới về mà hễ con nói là anh ấy đánh. Con có nói chuyện này với bố chồng nhưng bố chồng là bảo: “Tụi mày lớn rồi, tự giải quyết.” Thế nên anh ấy bảo con: “Cha mẹ tao còn nói chưa được mà mày nói tao”.
Tuy có xung đột nhưng đời sống tình dục của vợ chồng con không có gì trở ngại. Khoảng một tháng sau ngày cưới là con có bầu. Dù có bầu, song anh ấy ngày càng tỏ thái độ rõ hơn, thường xuyên đi ăn nhậu và đi với gái. Sau đó lại về đánh đập con rất tàn nhẫn và thô bạo. Vì thế, sau ba tháng, con cảm thấy chán nản và chỉ muốn bỏ nhau cho xong. Con có tâm sự với bố mẹ đỡ đầu và được khuyên bảo rất nhiều, nên con cố gắng cầm cự cho đến khi không thể được nữa thì chia tay.
Trong thời gian con mang thai, con về ở nhà cha mẹ ruột, vậy mà có lần anh ấy đánh đập con. Một hôm mẹ con đi bán buổi sáng, anh ấy đánh con tàn nhẫn và bóp cổ con. Nếu anh ấy không buông tay kịp thời thi con đã chết. Sau đó cha mẹ con có mời cha mẹ anh ấy vào nói chuyện những cũng chẳng giải quyết được gì. Từ đó, con rất sợ hãi vì anh ấy dọa sẽ giết con.
Về tài chính và trách nhiệm gia đình, chồng con hầu như không quan tâm. Con phải đi làm kiếm tiền để sinh sống và nuôi dạy con cái. Vì chúng con hay cãi nhau và đánh đập nên sau một năm, ba mẹ con cho một lô đất, còn ba mẹ anh ấy cho 100 triệu để chúng con ra ờ riêng với hy vọng cải thiện đời sống gia đình chúng con. Song chồng con vẫn chứng nào tật nấy. Ngày mùng 1 tết năm 2014, tức là sau 8 tháng ở nhà mới của chúng con, anh ấy rút dây nịt và rượt đánh con, con chạy thoát được và vào một nhà hàng xóm, nhờ đó con được cứu. Sau khi anh ấy ngủ say, con lén về lấy quần áo rồi về nhà mẹ con ở. Con rất sợ hãi vì không biết khi nào ảnh sẽ đến giết con. Con có lên trình bày với cha sở và ngài cho phép con ly thân, nhưng về mặt đời thì con đưa ra tòa xin ly dị luôn.
Với những sự việc con đã nói trên, con viết tường trình xin quý Cha xem xét. Trong vấn đề này, con thấy mình đã nhầm lẫn khi tin vào những lời ngon ngọt yêu thương của anh ấy khi còn quen nhau. Thật ra con người anh ấy khác hoàn toàn. Anh là người thiếu trách nhiệm đối với con, với gia đình. Anh ấy quá thô bạo và tàn nhẫn. Con thấy sợ hãi!
Sau khi ly hôn, chúng con bán nhà và chia hai. Con và con về ở với cha mẹ. Đến nay, con thấy bình an và mỗi khi nghĩ đến việc lấy chồng là con thấy rất sợ hãi. Con chỉ muốn an phận đi làm để nuôi con khôn iớn mà thôi. Còn tương lai, con xin phú dâng cho Chúa.
Còn chồng con thì về ở với cha mẹ anh ấy và hoàn toàn tự do, quen hết cô này đến cô khác và vẫn chưa có vợ khác. Bố đỡ đầu có nói chuyện với anh ấy nhưng anh ấy bảo không muốn trở lại với con và bỏ đạo luôn.
Sau cùng, con xin quý Cha xem xét trường hợp của con và cho phép con tiêu hôn.
Con xin chân thành cảm ơn quý Cha!
Ninh Thuận, ngày….. tháng…. năm ……
Anna Nguyễn Thị Hoa
(Ký tên)
TÒA ÁN GIÁO PHẬN NHA TRANG
22 Trần Phú, Nha Trang
Ngày 13 tháng 08 năm 2016
Vụ án: 157/2016
(HOA - MINH)
QUYẾT ĐỊNH CHẤP NHẬN PHÁN XỬ HÔN NHÂN VÔ HIỆU VÀ TRIỆU TẬP
Tôi ký tên dưới đây là Lm. JB. Lê Ngọc Dũng, chánh thẩm Tòa Án Giáo Phận Nha Trang, căn cứ vào:
- Đơn của Bà Anna Nguyễn Thị Hoa, ngày 15/08/2016, xin Tòa án Giáo Phận Nha Trang thẩm tra và tuyên bố hôn nhân vô hiệu, hôn nhân giữa bà và ông Giacobe Khổng Văn Minh, ngày 13/08/2016 tại giáo xứ Phan Rang, giáo phận Nha Trang.
- Thẩm quyền của Tòa án Giáo Phận đối với nơi tổ chức lễ cưới là giáo xứ Phan Rang, giáo phận Nha Trang (GL 1672,20);
- Các nguyên tắc Giáo Luật điều 1504 và 1505 về sự hợp pháp của đơn xin và điều 1676 về sự chấp đơn và thông báo cho bị đơn.
QUYẾT ĐỊNH
1- Chấp nhận thẩm tra và phán xử vụ ánvô hiệu hôn nhân, do bà Anna Nguyễn Thị Hoa, thỉnh cầu.
2- Thông báo cho bên nguyên đơn là bà Anna Nguyễn Thị Hoa và bên bị đơn là ông Giacobe Khổng Văn Minh về sự chấp đơn này.
3- Bên bị đơn nếu có ý kiến về đơn xin công bố hôn nhân vô hiệu của nguyên đơn thì trong thời hạn 15 ngày kể từ khi nhận được thông báo, mời đến tại trụ sở tòa án là Tòa Giám Mục, địa chỉ 22 Trần Phú, Nha Trang, để gặp gỡ hoặc gọi điện thoại đến linh mục chánh thẩm JB. Lê Ngọc Dũng, Đt. 0988 214 072, để tỏ bày ý kiến.
4- Bản sao của đơn xin được gởi đến Bảo hệ viên và đến bị đơn.
 
Lục sự                                           Đại Diện Tư Pháp
(Ký tên)                                         (Ký tên)

 
TÒA ÁN GIÁO PHẬN NHA TRANG
 Ngày 15 tháng 08 năm 2016
Vụán: 157/2016
(HOA - MINH)
Thể thức nghi vấn và khởi sự thẩm cứu
 
Tôi ký tên dưới đây là Lm JB. Lê Ngọc Dũng, chánh thẩmTòa án Giáo Phận Nha Trang, căn cứ vào đơn xin và ý kiến của hai bên vụ án,
QUYẾT ĐỊNH
1- Thiết lập thể thức nghi vấn cho vụ án như sau:
Có chắc chắn hôn nhân giữa bà Anna Nguyễn Thị Hoa và ông Giacobe Khổng Văn Minh, ngày 13/08/2016, tại giáo xứ Phan Rang là vô hiệu, dựa trên cơ sở là khi kết hôn:
  1. ông Giacobe Khổng Văn Minh đã thiếu óc phán định nghiêm trọng về nghĩa vụ trao ban và lãnh nhận nhau trong hôn nhân, chiếu theo điều 1095,20 hay không?
  2. ông Giacobe Khổng Văn Minh đã có ý định loại trừ thiện ích hôn nhân (bonum coniugum), chiếu theo điều 1101#2 hay không?
2- Vụ án được tiến hành xử theo thủ tục thông thường.
3- Vụ án được xét xử bởi hiệp đoàn ba thẩm phán:
- Lm. JB. Lê Ngọc Dũng,
- Lm. Phaolô Trần Xuân Lãm,
- Lm. Stephano Nguyễn Thông, ponens
4- Quyết định này được thông báo đến các bên và Bảo hệ viên.
Lục sự (Ký tên)                    Đại Diện Tư Pháp (Ký tên)

 
TÒA ÁN GIÁO PHẬN NHA TRANG
TGM, ngày 06 tháng 01 năm 2017
Vụ án:   157/2016
(HOA - MINH)
PHỎNG VẤN NGUYÊN ĐƠN
Anh chị quen nhau bao lâu trước khi cưới?
  • Dạ 3 năm.
  1. Anh chị có tìm hiểu nhau kỹ không?
  • Dạ có.
  1. Anh ấy đạo theo hay đạo gốc?
  • Đạo theo.
  1. Việc học giáo lý có được tốt không?
  • Có.
  1. Học giáo lý bao lâu?
  • 6 tháng.
  1. Tiến đến hôn nhân vì lý do nào?
  • Hai người cảm thấy hợp nhau rồi tiến đến hôn nhân.
  1. Hợp nhau về điều gì?
  • Hợp nhau về tính tình. Cưới nhau về rồi, sau này mới đổ ra chuyện nhậu nhẹt, trai gái. Lúc bồ nhau không có. Sau này về nhậu quá.
  1. Chị nói sau khi cưới có đổi tính. Lúc đầu thì rất tốt. Chị có thương ảnh không? Ảnh có thương chị không?
  • Dạ có.
  1. Hai người thương nhau rất chân tình phải không?
  • Dạ.
  1.  Chị nói rõ hơn việc biến đổi tính tình, đối xử với vợ con như thế nào?
  • Dạ sau này về ăn nhậu, nói không nghe rồi còn đánh con. Sau khi sinh thì lại ăn nhậu và gái. Con nghĩ là con rán chịu đựng. Khoảng sau 2 năm mấy, đến Tết, có quen với bà bán cà phê, con cấm không cho ra đó nữa thì cũng nghe lời. Tết đó chở mẹ con về ngang qua quán lại rồ xe, con có nói là chở mẹ con của con thì phải giữ an toàn, có cần phải làm như vậy không. Về nhà, dí con đánh đập con, đập đầu con ngày Mùng Một. Con không thể nào chịu đựng nỗi nữa.
  1.  Những chuyện đó có ai làm chứng không?
  • Dạ có nhà con và những người hàng xóm.
  1.  Đứa con có cấm đoán gì không, có chăm sóc gì không?
  • Xuống tòa án thì chu cấp, nhưng con không lấy, từ đó đến nay thì không thấy đến thăm gì hết.
  1.  Đứa con có rửa tội không? Có cấm đi lễ gì không?
  • Dạ đầy đủ hết. Dạ không.
  1.  Chị không nhận chu cấp phải không?
  • Xuống tòa thì con nói không cần, rồi thì ảnh không đề cập gì hết.
  1.  Nếu chị chấp nhận thì ảnh có thể chu cấp phải không?
  • Dạ.
  1.  Chị cảm thấy là ở không được, ai làm đơn ra tòa ly dị trước?
  • Dạ con.
  1.  Lúc đó phản ứng của ảnh ra sao?
  • Cũng nhiều lần nộp đơn, sau đó kêu rút đơn về và làm hòa. Lần này thì nhiều lần quá rồi.
  1.  Chị nói là trai gái, rồi đánh chị?
  • Làm về không đưa tiền về. Ảnh đi làm về rồi tiền không đưa chung. Chỉ có con lo thôi.
  1.  Vấn đề sinh hoạt vợ chồng thì sao?
  • Cũng bình thường.
  1.  Vấn đề về thay đổi tính tình, chị có nói là không thích ảnh nữa phải không?
  • Dạ.
  1.  Chị có nghĩ đến đứa con thì cũng thương nó, nhưng ảnh thì không quan tâm?
  • Dạ.
  1.  Ba mẹ sau khi biết, có phản ứng và có nói gì với chị không?
  • Dạ thấy cảnh bạo lực và mời công an đến, thì để tự giải quyết, ba mẹ không nhúng tay vào.
  1.  Việc ly dị ngoài đời thế nào?
  • Dạ xong.
  1.  Ảnh đã đi bước nữa hay ở như vậy?
  • Dạ ở như vậy mà quen tùm lum, hết cô này đến cô khác.
  1.  Chị thì sao, có đi bước nữa chưa?
  • Dạ con vẫn ở một mình.
  1.  Trong tương lai, chị có nghĩ là có thể hòa hợp lại được không?
  • Dạ không.
  1.  Lúc này chị có liên lạc với anh nữa không?
  • Dạ không, vì con không thích.
Lục sự                                           Dự Thẩm
(ký tên)                                          (Ký tên)

 
TÒA ÁN GIÁO PHẬN NHA TRANG
TGM, ngày 05 tháng 01 năm 2017
Vụ án:     157/2016
 
(HOA - MINH)
PHỎNG VẤN MẸ NGUYÊN ĐƠN
1. Bà nhận xét như thế nào về vợ chồng Hoa và Minh?
- Con nghĩ là không thể nào cho nó trở lại được cha.
Lý do ?
- Minh nó khác người.
2. Khác làm sao ?
  • Nó thương con, tức là thương mẹ vợ. Nó làm rễ mà nó thương con. Con tắm mà nó cứ rình con. Con sợ là nó chụp hình mà đưa lên mạng thì chết con luôn đó cha. Nó quay lén con tắm, vì trên nhà tắm có lỗ nhỏ. Con phát hiện ra là nó. Con sợ nó ngông cuồng: nó nỗi ngông lên con sợ nó giết mẹ con của con là chết luôn đó cha.
  • Nó say xỉn trai gái ghê lắm cha ạ.
2. Tính xấu nhất của Minh là gì ?
  • Mê người ta, rồi về đánh đập, bất cứ cách nào cũng đánh đập vợ được hết. Nó đóng cửa lại rồi đánh, không cho ai can ngăn, lấy dây nịt, chổi đánh. Mấy lần như vậy, mời công an Phường đến (2 lần).
3. Hư hỏng như vậy mà sao cha mẹ lại cho phép cưới?
  • Con không cho chúng nó cưới nhau. Chúng nó thương nhau và lén nhau gặp nhau.Trước khi cưới thì nó hiền lắm, tốt lắm cha ạ.
  • Con thấy hai đứa thương nhau, chưa lộ chuyện gì hết, con thấy cũng thương nhau.
  • Con cũng nói là 5 năm nữa con mới cho phép hai đứa cưới nhau nhưng bên đó và con bàn tính và thấy năm này thích hợp nên cũng cho phép cưới luôn.
 
Lục sự                               Dự thẩm
(Ký tên)                             (Ký tên)

 
TÒA ÁN GIÁO PHẬN NHA TRANG
TGM, ngày 05 tháng 01 năm 2017
 
Vụ án:   157/2016
(HOA - MINH)
PHỎNG VẤN NHÂN CHỨNG
Tên : Nguyễn Quốc, anh nguyên đơn
1. Cách sống của anh Minh như thế nào ?
  • Nhà có tiền nên ỷ vào cha mẹ nên đánh đập vợ bằng dây xích ; dây nịt cha à.
  • Nó đánh quá nên vợ nó bỏ đi đó cha!
2. Anh này có bình thường không ?
  • Không đâu cha ạ.
  • Bỏ nhau rồi trở về lại, rồi năm ba tháng lại bỏ đi.
  • Có gái gú gì không ?
    • Thường xuyên uống bia ôm, con này cũng bắp gặp được.
    • Dân buôn heo nên cũng gái gú;  vợ hay nói nên đánh vợ.
  • Hoàn cảnh gia đình như thế nào ?
    • Khá giả. Có vợ khác rồi cha. Gần cưới rồi. con Hoa vẫn ở như vậy, ở với bà già.
Cám ơn anh
 
Lục sự                        Dự thẩm
(Ký tên)                      (Ký tên)

 
TÒA ÁN GIÁO PHẬN NHA TRANG
Ngày 05 tháng 01 năm 2017
Vụ án: 157/201
(HOA - MINH)
PHỎNG VẤN NHÂN CHỨNG
Nhân chứng: Ông Thạch
  1. Anh Minh có thái độ với vợ như thế nào ?
  • Cùng làng. Mẹ vợ cũng tạo điều kiện ra riêng cho đỡ. Làm phép nhà, con có mời cha Quý đến. Sống được thời gian, nó có vẻ vũ phu quá, đánh vợ.
  1. Mức độ nghiêm trọng như thế nào ?
  • Một thời gian ngắn thôi, vợ nó sinh con mà còn đánh. Nó muốn nắm toàn quyền, cả việc tài chánh. Vợ muốn có tiền mua sữa cho con cũng phải xin. Nó cũng có máu giống như gia đình nó vậy: gái gú, bồ bịch lăng nhăng...
  • Gia đình của nó thì lăng nhăng. Ngay cả ba ruột của nó cũng vậy. Con Hoa, vợ nó, thì không.
  1. Anh ấy theo đạo có giữ đạo không ?
  • Lúc đầu thì cũng có, sau thì không theo nữa.
  1. Chuyện gái gú có nặng không ?
  • Tình trạng là chơi cô này cô kia thôi, không có hậu quả nặng nề gì. Nó đi chơi, gái gú, chở cô này cô kia đi công khai luôn.
  1. Đối với con cái thì sao ?
  • Đứa con còn nhỏ, không có ảnh hưởng gì. Mẹ con riêng, tiền ai nấy lo. Còn nó thì tiền nó xài, không có đưa nuôi con. Mẹ con tự lo. Không lo cho vợ con
  • Đánh đập nặng lắm. Có lần đánh, bóp cổ nghẹt thở, rồi sau đó mà không thả tay ra thì ngộp thở rồi.
  1. Tính tình có bất thường không?
  • Không. Tướng tá đẹp trai lắm.
  1. Có du côn du đãng gì không?
  • Dân lò heo, mổ heo nên cũng ghê lắm, hung dữ lắm. Nhà là mổ heo, bán thịt heo ngoài thành phố; người kia là cũng lò mổ trong thành phố. Hai người buôn bán và mổ heo quen nhau. Hai ông bố là bạn bè với nhau, ăn nhau với nhau rồi gán gép hai đứa con, chứ chúng nó đâu có thương nhau gì đâu.
Cám ơn ông.
Lục sự                        Dự thẩm
(Ký tên)                      (Ký tên)

 
TÒA ÁN GIÁO PHẬN NHA TRANG
TGM, ngày 05 tháng 01 năm 2017
Vụ án:   157/2016
(HOA - MINH)
PHỎNG VẤN BỊ ĐƠN
1. Hai người đã chia tay rồi phải không? Anh có muốn kết hợp lại với nhau không?
  • Dạ, không muốn trở lại vợ cũ. Chia tay rồi thì hết chứ còn trở về gì nữa.
2. Anh đã có vợ khác chưa? Có ý định không?
  • Dạ chưa. Chưa có ý định cưới vợ khác.
3. Anh theo đạo để lấy vợ hay do tin vào đạo?
  • Cũng theo yêu cầu của nhà vợ theo đạo.
4. Anh còn tin không? Có đi nhà thờ không?
  • Có tin chút chút. Không đi nhà thờ nữa.
5. Hai người có con cái gì không?
  • Có chung 1 đứa con, đang ở với mẹ, 4 tuổi.
  • Không đến thăm nó.
6. Lý do chia tay nhau ?
  • Ngày Tết cũng đi lễ bài bản lắm, con có đến nhà ông bà nội chơi, nó nhăn nhó, về kình cãi rồi bỏ về nhà mẹ sống. Con không gọi điện để xem sao nhưng cũng không thấy nó gọi.
  • Hai vợ chồng có kình cãi nhau không?
    • Dạ có cha. Cũng có đanh vài bạt tai.
7. Có vì vấn đề tài chính mà chia tay không?
  • Dạ không, ổn định luôn đó.
8. Chị hay anh có tình cảm gì bên ngoài không?
  • Không luôn. Con nói thật luôn
9. Anh có say xỉn đánh đập vợ không?
  • Dạ có, do vợ con khó chịu lắm.
Cám ơn anh
 
Lục sự                        Dự thẩm
(Ký tên)                      (Ký tên)

 
TÒA ÁN GIÁO PHẬN NHA TRANG
Ngày 10 tháng 02 năm 2017
Vụ án: 157/2016
(HOA - MINH)
KẾT THÚC THẨM CỨU  VÀ CÔNG BỐ ÁN TỪ
Tôi ký tên dưới đây là Lm JB. Lê Ngọc Dũng, Đại Diện tư pháp và là thẩm cứu viên, sau khi đã:
-        Thẩm vấn nguyên đơn, đương sự khẳng định không có gì thêm bớt lời cung khai;
-        Thẩm vấn bị đơn;
-        Thẩm vấn hai (3) nhân chứng;
Nhận thấy tất cả tiến trình thẩm cứu  đã được đầy đủ
QUYẾT ĐỊNH:
1- Kết thúc giai đoạn thẩm cứu vụ án;
2- Bảo hệ viên, Công tố viên, người Bảo hộ hoặc Luật sư được phép xem xét các án từ, nhưng các bên không được phép xem;
3- Bảo hệ viên và người Bảo hộ hoặc Luật sư đệ trình ý kiến trong thời hạn 15 ngày, kể từ khi nhận được thông báo (đ. 1601).
Lục sự                        Đại Diện Tư Pháp
(Ký tên)                      (Ký tên)

TÒA ÁN GIÁO PHẬN NHA TRANG
Vô hiệu hôn nhân số: 157/2016
 
(HOA – MNH)
Bản kết luận của thẩm phán
Stephano Nguyễn Thông
1- Nghi vấn tiêu hôn:
Có chắc chắn hôn nhân giữa bà Anna Nguyễn Thị Hoa và ông Giacobe Khổng Văn Minh, ngày 13/08/2016 tại giáo xứ Phan Rang là vô hiệu, dựa trên cơ sở là khi kết hôn:
a- ông Giacobe Khổng Văn Minh đã thiếu óc phán định nghiêm trọng về nghĩa vụ trao ban và lãnh nhận nhau trong hôn nhân, chiếu theo điều 1095,20 hay không?
b- ông Giacobe Khổng Văn Minh đã có ý định loại trừ thiện ích hôn nhân (bonum coniugum), chiếu theo điều 1101#2 hay không?
2- Kết luận trước khi nghị án: Affirmative
Sự kiện:
Chị Hoa đến với anh Minh bằng tình cảm yêu thương chân thật. hai người quen nhau 3 năm trước khi cưới, hai người hợp tính tình lẫn nhau và tiến đến hôn nhân không có gì ngăn trở.
Sau khi sinh đứa con đầu lòng thì anh Minh thay đổi, nóng nảy hay đánh đập và gái gú. Hai người sống với nhau được hai năm sau khi cưới rồi chia tay.
Hiện anh Minh vẫn ở vậy và chị Hoa cũng chưa bước đi bước nữa. chị Hoa đang ở với mẹ mình và nuôi con 4 tuổi.
Lý chứng:
Hôn nhân giữa chị Hoa và anh Minh vô hiệu dựa trên những lý chứng như sau:
Theo như lời của chị Hoa, anh Minh trước khi cưới thì tính tình rất hiền lành, không rượu chè hay gái gú. Nhưng sau khi về chung sống với nhau thì anh thay đổi bản tính. Hay nhậu nhẹt, gái gú rồi lại về đánh đập chị.
Như mẹ vợ có nói là anh Minh có tính rất khác người nữa, quay lén hình khi mẹ vợ đang tắm, bà ta rất lo sợ vì sự bất thường đó mà nhiều lúc có thể tung hình lên mạng, rồi lại có tính gái gú và đánh đập vợ rất nhiều. đánh bằng dây nịt và chổi quét nhà.
Chị Hoa cũng có nói là anh đánh chị nhiều lần, đến nỗi chị không chịu đựng được nửa sau hai năm chung sống.
Có lần bị anh đánh mà phải mời công an đến làm việc. Người anh trai của chị Hoa cũng xác nhận điều này. Đã có vợ rồi mà anh không yêu thương và gìn giữ hạnh phúc mà anh còn đi tìm người khác. Mặt khác anh còn đánh đập vợ khi vợ ghen tuông về việc anh ngoại tình.
Anh Minh là người không có trách nhiệm trong đời sống hôn nhân, không đảm bảo được trách nhiệm của hôn nhân khi biết mình đã có gia đình rồi mà con lăng nhăng với những cô gái khác, lại đánh đập vợ đến nổi vợ không chịu nổi, thêm vào đó lại có bản tính bất thường về tâm lý. Lại đi quay lén phim khi mẹ vợ tắm. qua các nhân chứng đủ xác nhận anh Minh là người thiếu trách nhiệm trong đời sống hôn nhân vợ chồng.
Vì thế, hôn nhân giữa anh Minh và chị Hoa vô hiệu dựa trên cơ sở anh Minh  đã thiếu óc phán định nghiêm trọng về nghĩa vụ trao ban và lãnh nhận nhau trong hôn nhân, chiếu theo điều 1095,20
II. Kết luận sau khi nghị án:     
Tôi là thẩm phán Stephano Nguyễn Thông, sau khi đã thảo luận, tôi quyết định xác nhận kết luận cho vụ án là:
Affimative
 
Lục sự                        Thẩm phán
(Ký tên)                      (Ký tên)

 
TÒA ÁN GIÁO PHẬN NHA TRANG
Ngày 20 tháng 02 năm 2016
Vụán: 128/2016
(HOA - MINH)
Kết luận của thẩm phán
Lm. Phaolo Trần Xuân Lãm
  1. Nghi vấn tiêu hôn:
Có chắc chắn hôn nhân giữa bà Anna Nguyễn Thị Hoa và ông Giacobe Khổng Văn Minh, ngày 13/08/2016 tại giáo xứ Phan Rang là vô hiệu, dựa trên cơ sở là khi kết hôn:
a- ông Giacobe Khổng Văn Minh đã thiếu óc phán định nghiêm trọng về nghĩa vụ trao ban và lãnh nhận nhau trong hôn nhân, chiếu theo điều 1095,20 hay không?
b- ông Giacobe Khổng Văn Minh đã có ý định loại trừ thiện ích hôn nhân (bonum coniugum), chiếu theo điều 1101#2 hay không?
 
2. Kết luận trước nghị án: Affirmative
Xét một vài bằng chứng sau :
 - Một tuần sau khi cưới có đánh đập con vì anh Minh hay đi nhậu về khuya. Khi con nói thì anh đánh đập (tường trình, 4; nguyên đơn, 12a). Khi vợ có bầu, anh thường xuyên đi ăn nhậu và gái gú (nguyên đơn, 12b; nhân chứng, 14).
- Anh đã đánh đập tàn nhẫn, có lần bóp cổ vợ đến gần chết  Anh ấy dọa giết vợ (tường trình, 5).
- Về tài chính và gia đình hầu như anh ấy không quan tâm (tường trình, 5; nguyên đơn, 6).
- Theo mẹ nguyên đơn, anh Minh rất khác; "nó thương con,… nó rình con tắm,… nó gái gú lắm…, nó thương người ta về hành hạ vợ nó" (mẹ nguyên đơn, 15).
- Sự lệch lạc của anh Minh trong vấn đề tính dục theo như mẹ nguyên đơn minh chứng anh thiếu óc phán định nghiêm trọng về nghĩa vụ trao ban và lãnh nhận nhau trong hôn nhân dẫn đến những xung đột bên ngoài như nhậu nhẹt, trai gái và đánh đập. Vậy hôn nhân giữa anh Minh và chị Hoa là vô hiệu.
3. Kết luận sau nghị án:
Tôi là thẩm phán Phaolo Trần Xuân Lãm, sau khi đã thảo luận, tôi quyết định xác nhận kết luận cho vụ án là:
Affimative.
 
Lục sự                                           Thẩm phán
(Ký tên)                                         (Ký tên)

 
TÒA ÁN GIÁO PHẬN NHA TRANG
Ngày 22 tháng 02 năm 2017
Vụán: 157/2016
(HOA - MINH)
Kết luận của thẩm phán
1- Nghi vấn tiêu hôn:
Có chắc chắn hôn nhân giữa bà Anna Nguyễn Thị Hoa và ông Giacobe Khổng Văn Minh, ngày 13/08/2016 tại giáo xứ Phan Rang là vô hiệu, dựa trên cơ sở là khi kết hôn:
a- ông Giacobe Khổng Văn Minh đã thiếu óc phán định nghiêm trọng về nghĩa vụ trao ban và lãnh nhận nhau trong hôn nhân, chiếu theo điều 1095,20 hay không?
b- ông Giacobe Khổng Văn Minh đã có ý định loại trừ thiện ích hôn nhân (bonum coniugum), chiếu theo điều 1101#2 hay không?
2- Kết luận trước khi nghị án: Affirmative
Các sự kiện của vụ án được ghi nhận như sau:
- Ông Minh sau khi kết hôn đã sớm ăn nhậu và đã đánh vợ khi vợ cản ông. Ông còn thường có gái gú bên ngoài (nguyên đơn, 12b; nhân chứng, 14).
- Ông đã đánh vợ tàn nhẫn, gần chết (nguyên đơn, 4; nhân chứng 14).
- Vợ ông chịu không nỗi nên đành ra tòa án dân sự để ly dị (nguyên đơn, 14)
- Ông là người lương theo đạo nhưng không có đức tin (bị đơn, 13). Ông coi thường hôn nhân Công giáo về sự chung thủy một vợ một chồng. Ông tự coi mình có quyền có bồ bịch bên ngoài, ngay cả cý tình ý với mẹ vợ. Ông đã công khai bồ bịch (nhân chứng, 14).
Những dự kiện trên chứng tỏ ông Minh đã loại trừ thiện ích hôn nhân: nhậu nhẹt, đánh đập vợ nặng nề, cho mình có quyền quan hệ với gái ngoài hôn nhân. Điều này, do từ bản tính hoang đàng và quan điểm sống của một người không có đức tin. Hôn nhân vô hiệu theo nguyên tắc của điều 1101#2.
Những dự kiện trên cũng chứng tỏ ông Minh đã thiếu óc phân định thích đáng về nghĩa vụ  trao ban cho nhau trong hôn nhân. Phán đoán về nghĩa vụ của ông bị sai lệch khá nghiêm trọng. Vì vậy, hôn nhân này vô hiệu theo quy tắc của điều 1095,20.
3- Kết luận sau khi nghị án:
Tôi là thẩm phán JB. Lê Ngọc Dũng, sau khi đã thảo luận, tôi quyết định xác nhận kết luận cho vụ án là:
Affimative.
 
Lục sự                                           Thẩm phán
(Ký tên)                                         (Ký tên)
 

 
TÒA ÁN GIÁO PHẬN NHA TRANG
Tòa Giám Mục, 22 Trần Phú, Nha Trang
Vụ án: 157/2016
Ngày 22 tháng 02 năm 2017
PHÁN QUYẾT
(Hoa – Minh)
Nhân danh  Đức Giêsu Kitô.
Trong năm thứ năm của Giáo Hoàng Phanxicô, ngày 22- 02-2017, hiệp đoàn ba thẩm phán gồm các linh mục:
- JB Lê Ngọc Dũng, chánh thẩm,
- Stephano Nguyễn Thông,
- Phaolo Trần Xuân Lãm,
tụ họp hợp lệ tại văn phòng tư pháp Tòa Giám Mục Nha Trang, xem xét cẩn thận các án từ vô hiệu hôn nhân. Sau khi bàn luận cùng với sự can thiệp của linh mục bảo hệ Phêrô Nguyễn Hoàn Vũ và linh mục Lục sự Pr. Nguyễn Đại, chúng tôi ra phán quyết cho vụ án vô hiệu hôn nhân giữa bà Anna Nguyễn Thị Hoa và Giacobe Khổng Văn Minh.
A- Sự kiện
1. Sự kiện hôn nhân được tóm tắt như sau:
Chị Hoa đến với anh Minh bằng tình cảm yêu thương chân thật. hai người quen nhau 3 năm trước khi cưới, hai người hợp tính tình lẫn nhau và tiến đến hôn nhân không có gì ngăn trở.
Sau khi sinh đứa con đầu lòng thì anh Minh thay đổi, nóng nảy hay đánh đập và gái gú. Hai người sống với nhau được hai năm sau khi cưới rồi chia tay.
Hiện anh Minh vẫn ở vậy và chị Hoa cũng chưa bước đi bước nữa. Chị Hoa đang ở với mẹ mình và nuôi con 4 tuổi.
2. Nghi vấn tiêu hôn đã được thiết lập như sau:
Có chắc chắn hôn nhân giữa bà Anna Nguyễn Thị Hoa và ông Giacobe Khổng Văn Minh, ngày 13/08/2016 tại giáo xứ Phan Rang là vô hiệu, dựa trên cơ sở là khi kết hôn:
a- ông Giacobê Khổng Văn Minh đã thiếu óc phán định nghiêm trọng về nghĩa vụ trao ban và lãnh nhận nhau trong hôn nhân, chiếu theo điều 1095,20 hay không?
b- ông Giacobê Khổng Văn Minh đã có ý định loại trừ thiện ích hôn nhân (bonum coniugum), chiếu theo điều 1101#2 hay không?
B- Pháp lý
3. Điều 1095, 20quy định:
Không có khả năng kết hôn: những người thiếu nghiêm trọng óc phân định thích đáng về quyền lợi và nghĩa vụ chính yếu của việc trao ban và lãnh nhận nhau trong hôn.
Những quyền lợi và nghĩa vụ chính yếu của hôn nhân, được nói đến trong giáo thuyết hôn nhân:
- Bonum prolis: thiện ích con cái, bao gồm sự sinh sản và giáo dục con cái.
- Bonum fidei: thiện ích chung thủy một vợ một chồng.
- Bonum sacramentum: thiện ích bí tích, dấu hiệu của sự thánh thiện và bất khả phân ly (dấu hiệu của sự kết hợp giữa Đức Kitô và Hội Thánh).
- Bonum coniugum: thiện ích vợ chồng (đ. 1055)
"Trao ban và lãnh nhận nhau trong hôn nhân" như là nét cốt yếu hay nền tảng của tất cả các các sự thiện ích nói trên. Điều này đòi sự phán định của người phối ngẫu về nó phải thích đáng.
Nếu một người không có khả năng để phân định thích đáng về nghĩa vụ "Trao ban và lãnh nhận nhau trong hôn nhân", người ấy thiếu khả năng kết hôn.
4. Điều 1101#2 quy định:
"Nếu một bên hay cả hai bên bằng một hành vi tích cực của ý chí, loại trừ chính hôn nhân, hoặc một yếu tố chính yếu nào, hoặc một đặc tính chính yếu nào của hôn nhân. thì họ kết hôn với nhau bất thành"
Hành vi tích cực của ý chí loại trừ được hiểu là sự coi thường hay không chấp nhận. Nếu khi cử hành kết hôn, một người đã có tâm ý chấp nhận loại trừ loại trừ chính hôn nhân, hoặc một yếu tố chính yếu nào, hoặc một đặc tính chính yếu nào của hôn nhân thì họ kết hôn với nhau bất thành.
Sự loại trừ này thể hiện ra bên ngoài sau hôn nhân và thường không có những chứng cớ thể hiện cái tâm ý loại trừ đó. Tuy nhiên có những dữ kiện gián tiếp giúp suy đoán là đã có sự loại trừ nơi một người.
Một người không Công Giáo hay người không có đức tin thường vẫn giữa nguyên quan điểm về hôn nhân theo văn hóa hoặc tôn giáo của họ, cho dù họ có hiểu biết về hôn nhân Công Giáo. Những hiện tượng không chung thủy dành cho mình quyền được quan hệ với những phụ nữ khác, dễ dàng bỏ vợ lấy người khác, hôn nhân mau tan vỡ… có thể giúp suy đoán một người đã kết hôn giả hình, simulatio.
C- Luận chứng
Các sự kiện của vụ án được chứng tỏ như sau:
- Ông Minh sau khi kết hôn đã sớm ăn nhậu và đã đánh vợ khi vợ cản ông. Ông còn thường có gái gú bên ngoài (nguyên đơn, 12b; nhân chứng, 14).
- Ông đã đánh vợ tàn nhẫn, gần chết (nguyên đơn, 4; nhân chứng 14).
- Vợ ông chịu không nỗi nên đành ra tòa án dân sự để ly dị (nguyên đơn, 14)
- Ông là người lương theo đạo nhưng không có đức tin (bị đơn, 13). Ông coi thường hôn nhân Công giáo về sự chung thủy một vợ một chồng. Ông tự coi mình có quyền có bồ bịch bên ngoài, ngay cả cý tình ý với mẹ vợ. Ông đã công khai bồ bịch (nhân chứng, 14).
Những dự kiện trên chứng tỏ ông Minh đã loại trừ thiện ích hôn nhân: nhậu nhẹt say sưa, đánh đập vợ nặng nề, tự cho mình có quyền quan hệ với gái ngoài hôn nhân. Điều này, xuất phát do từ bản tính hoang đàng và quan điểm sống của một người không có đức tin. Hôn nhân vô hiệu theo nguyên tắc của điều 1101#2.
Những dự kiện trên cũng chứng tỏ ông Minh đã thiếu óc phân định thích đáng về nghĩa vụ  trao ban cho nhau trong hôn nhân. Phán đoán về nghĩa vụ của ông bị sai lệch khá nghiêm trọng. Những dữ kiện này đã xuất hiện khá sớm trong hôn nhân. Chỉ một tuần sau kết hôn thì ông Minh đã  đi ăn nhậu và đánh vợ (nguyên đơn, 4). Vì vậy, hôn nhân này cũng được xét là vô hiệu theo quy tắc của điều 1095,20.
D- Kết luận
Vì thế, sau khi đã cứu xét tường tận về luật và về tính pháp lý của sự kiện, chúng tôi, ký tên dưới đây là các thẩm phán của Tòa Án Giáo Phận Nha Trang, sau khi đã kêu cầu danh Chúa, ra phán quyết dứt khoát, trả lời cho nghi vấn tiêu hôn rằng:
Xác nhận (Affirmative), có nghĩa là xác nhận hôn nhân giữa bà Anna Nguyễn Thị Hoa Giacobe Khổng Văn Minh, cử hành ngày 13/08/2016 tại giáo xứ Phan Rang là vô hiệu, dựa trên cơ sở là khi kết hôn ông Giacobe Khổng Văn Minh đã thiếu phân định thích đáng về nghĩa vụ trao ban cho nhau trong hôn nhân (đ. 1095,2) và đã có tâm ý loại trừ thiện ích hôn nhân (bonum coniugum) và sự chung thủy vợ chồng (1101#2).
Vì vậy, giữa hai anh chị đã không có mối dây hôn phối ràng buộc, nên có thể tiến tới một hôn nhân khác hữu hiệu.[106]
E- Quy định pháp lý
Bên nào cảm thấy mình bị thiệt hại, cũng như công tố viên và bảo hệ viên, đều có thể kháng nghị bản án bằng tố quyền xin tiêu hủy bản án hoặc quyền kháng cáo chống lại bản án (đ. 1680).
Nếu có đệ đơn kháng án thì phải nêu rõ lý do kháng án (đ. 1634#1), và trong thời hạn 15 ngày kể từ khi nhận được thông báo, kháng án lên Tòa án cấp II Giáo phận Quy Nhơn hoặc lên Tòa Thượng Thẩm Roma.Tòa án cấp một Nha Trang có nhiệm vụ nhận đơn kháng án và chuyển hồ sơ vụ án lên tòa cấp hai.
Sau thời hạn 15 ngày, nếu không có kháng án, bản án cấp một này sẽ có hiệu lực thi hành (đ. 1679).
Bản án này sẽ được công bố cho các bên phần Kết luận.
Bản Phán quyết này đã được đọc và chuẩn nhận bởi các thẩm phán:
 
Lm. JB. Lê Ngọc Dũng, chánh thẩm (Ký tên)
Lm. Stephano Nguyễn Thông, thẩm phán (Ký tên)
Lm. Phaolo Trần Xuân Lãm, thẩm phán (Ký tên)
Lm. Pr. Nguyễn Đại, lục sự (Ký tên)

 
Tòa Giám Mục,
22 Trần Phú, Nha Trang,
Đt. 0988 214 072,
Email: jbdung@yahoo.com
 
TÒA ÁN GIÁO PHẬN NHA TRANG
Ngày 22 tháng 02 năm 2017
Án vụ số: 157/2016
(HOA - MINH)
CÔNG BỐ PHÁN QUYẾT
Kính gửi:
  • Ông Giacôbê Khổng Văn Minh, ngụ tại An Xuân – Thuận Hải – Ninh Thuận.
  • Bà Anna Nguyễn Thị Hoa, ngụ tại 3 Ngô Gia Tự, Ninh Thuận.
Đơn xin công bố hôn nhân vô hiệu, do bà Anna Nguyễn Thị Hoa, ngày 15 tháng 08 năm 2016 đã được Tòa án Giáo phận Nha Trang nhận xử theo thủ tục thông thường bởi hiệp đoàn ba thẩm phán. Sau khi đã thẩm xét, bàn luận cẩn thận và ra phán quyết, chúng tôi chiếu theo Giáo Luật, công bố phần kết luận của bản án như sau:[107]
Xác nhận (Affirmative), có nghĩa là xác nhận hôn nhân giữa bà Anna Nguyễn Thị Hoa Giacobe Khổng Văn Minh, cử hành ngày 13/08/2016 tại giáo xứ Phan Rang là vô hiệu, dựa trên cơ sở là khi kết hôn ông Giacobe Khổng Văn Minh đã thiếu phân định thích đáng về nghĩa vụ trao ban cho nhau trong hôn nhân (đ. 1095,2) và đã có ý loại trừ thiện ích hôn nhân (bonum coniugum) và sự chung thủy vợ chồng (1101#2).
Bên nào cảm thấy mình bị thiệt hại, cũng như công tố viên và bảo hệ viên, đều có thể kháng nghị bản án bằng tố quyền xin tiêu hủy bản án hoặc quyền kháng cáo chống lại bản án (đ. 1680).
Nếu có kháng án thì phải nêu rõ lý do kháng án (đ. 1634§1), và trong thời hạn 15 ngày kể từ khi nhận được thông báo, kháng án lên Tòa án cấp II Giáo phận Quy Nhơn hoặc lên Tòa Thượng Thẩm Roma. Tòa án cấp I Nha Trang có nhiệm vụ nhận đơn kháng án và chuyển hồ sơ vụ án lên tòa cấp II.  
Sau thời hạn 15 ngày, nếu không có kháng án, bản án cấp một này sẽ có hiệu lực thi hành (đ. 1679).[108]
                     
Lục sự                                           Đại Diện tư pháp
(Ký tên)                                         (Ký tên)

 
Tòa Giám Mục,
22 Trần Phú, Nha Trang,
Đt. 0988 214 072,
Email: jbdung@yahoo.com
 
TÒA ÁN GIÁO PHẬN NHA TRANG
Ngày 10 tháng 03 năm 2017
Án vụ số:  157/2016
(Hoa - Minh)
 
XÁC NHẬN HÔN NHÂN VÔ HIỆU
Kính trình: Đức Giám Mục Giáo phận Nha Trang
Kính gửi:
- Ông Giacôbê Khổng Văn Minh, ngụ tại An Xuân – Thuận Hải – Ninh Thuận.
- Bà Anna Nguyễn Thị Hoa, ngụ tại 3 Ngô Gia Tự, Ninh Thuận.
- Linh mục Quản xứ Phan Rang, Gp. Nha Trang.
 
Theo quy định của Giáo Luật điều 1682§2, Tòa án Giáo Phận Nha Trang xin kính báo:
Hôn nhân đã được cử hành ngày 10/11/2011 tại nhà thờ giáo xứ Phan Rang, Giáo Phận Nha Trang giữa hai ông bà:
  1. Giacôbê Khổng Văn Minh.
Sinh: 22/11/1985, tại An Xuân.
Rửa tội: năm 2011, tại Gx. Thanh Điền, Gp.Nha Trang
  1. AnnaNguyễn Thị Hoa.
Sinh: ngày 22/10/1988 tại Phan Rang;
Rửa tội: 01/01/1989, tại Gx. Phan Rang, Gp. Nha Trang.
đã được Tòa Án Giáo Phận Nha Trang, ngày 22 tháng 02 năm 2017 ra phán quyết xác nhận là vô hiệu và bản án có hiệu lực thi hành từ ngày 10 tháng 03 năm 2017.
Vì vậy, theo Giáo Luật, giữa ông Giacôbê Khổng Văn Minh và bà Anna Nguyễn Thị Hoa không có dây ràng buộc hôn phối; ông bà được phép tiến tới một hôn nhân mới khác hữu hiệu.
Kính xin quý cha ghi chú sự vô hiệu của hôn phối của hai ông bà nêu trên vào sổ rửa tội và hôn phối (đ. 1682§2).
Văn thư này có giá trị như một xác nhận pháp lý của Tòa án Giáo Phận, ông bà nói trên có thể trình với giáo quyền trước khi kết hôn mới hoặc thành sự hóa hôn phối. 
 
Lục sự                                           Đại Diện tư pháp
(Ký tên)                                         (Ký tên)

 
 
[1]  Trong luật cũ đại diện tư pháp được gọi là officialis.
[2]   Đại Diện tư pháp hay phó đại diện tư pháp buộc phải có văn bằng cử nhân hay tiến sĩ Giáo Luật (đ. 1420§4). Các thẩm phán cũng cần có văn bằng như vậy, nhưng luật không buộc ngặt (đ. 1421§3).
[3] Thẩm phán dự thẩm cũng được gọi là dự thẩm - auditor. Auditor có nghĩa là người nghe, tức là, nghe lời trình bày chứng cứ của các bên, của các nhân chứng…
[4] Việc viết bản án khá nặng nhọc, các thẩm phán nên phụ trách luân phiên.
[5] Cf. MI, Sussidio applicativo, 23.
[6] Điều 1506: "Nếu quá hạn định một tháng tính từ lúc nộp đơn, mà thẩm phán vẫn không ra sắc lệnh chấp đơn hay bác đơn chiếu theo quy tắc của điều 1505, bên liên hệ có thể yêu cầu thẩm phán thi hành nhiệm vụ của mình; nếu quá mười ngày, kể từ ngày yêu cầu, mà thẩm phán vẫn không trả lời, thì coi như đơn đã được chấp nhận".
 
[7] Xin xem mẫu đơn được đề nghị của tòa án giáo phận Nha Trang, trên trang giaoluatconggiao.com.
[8] Cf. MI, Sussidio Applicativo, 26.
[9] Cf. MI, Sussidio Applicativo, 27.
[10] Cf. MI. Regole procedurali, art 18§2.
[11] Việc dùng điện thoại để thẩm vấn các nhân chứng rất tiện lợi, vượt qua được khó khăn do người làm chứng không thể tới, hoặc không muốn tới tòa án. Hầu hết các điện thoại di động hiện nay đều có thể cài đặt thêm chương trình tự động ghi âm các cuộc gọi (nhờ nhân viên kỷ thuật hay bán hàng cài đặt giúp).
[12] Theo sự nhận xét riêng, cuộc nghị án sẽ hời hợt và kéo dài, nếu các thẩm phán không chuẩn bị trước ý kiến trên văn bản. Ngoài ra, trong trường hợp thẩm phán đột xuất bị trở ngại không thể dự họp được, ngài có thể gởi bản kết luận mình tới buổi họp. Trong cuộc thảo luận có thể gọi điện thoại để trao đổi ý kiến thêm với nhau và thẩm phán vắng mặt sẽ quyết định giữ nguyên hay thay đổi kết luận ban đầu của mình.
     Cũng chưa thấy có luật cấm họp nghị án qua phương tiện truyền thông hiện đại. Vì vậy, trong trường hợp quá khó khăn, không thể tụ họp được, các thẩm phán có thể gởi cho nhau bản kết luận của mình và bàn thảo trên phương tiện truyền thông (chat, điện thoại, email…). Ý kiến này, cũng dựa trên bản chất của vụ án vô hiệu của hôn nhân, không giống với các vụ án hình sự hay hộ sự khác và sự đơn giản hóa thủ tục của tự sắc Mitis Iudex.
[13] Vấn đề họp nhau đầy đủ trong bối cảnh Việt Nam hiện nay là rất khó khăn, vì các linh mục thẩm phán, bảo hệ hầu như đều phải kiêm nhiệm chức vụ như cha sở, giáo sư…. Vì vậy, để tiến hành trôi chảy, nên giảm thiểu những thủ tục có thể được. Và như đã nói, có thể họp nghị án qua phương tiện truyền thông.
[14] Cf. MI, Regole procedurali, 12.
[15] Cf. MI, Regole procedurali, art. 18§1.
[16] Cf. MI, Regole procedurali, art. 18§2.
[17] Cf. MI, Sussidio applicativo, 40.
[18] Cf. MI, Regole procedurali, art. 20§1.
[19] Cf. M.F. POMPEDDA: "Incapacity to assume the essential obligations of marriage", trong AA.VV. Incapacity for Marriage, Rome 1987, 195.
[20] Cf. lawrence g. Wrenn, The Invalid Marriage …, 25.
[21] Cf. S. WORCHEL – W. SHEBILSUE, Tâm lý học. Nguyên lý và ứng dụng, Nxb Lao động - Xã hội, (Người dịch: Trần Đức Hiển), 530-531.
[22] Cf. lawrence g. Wrenn, The Invalid Marriage …, 27-28.
[23]  Cf. Ibidem, 26.
[24] Cf. lawrence g. Wrenn, The Invalid Marriage …, 35.
[25] Cf. Ibidem, 38.
[26] Cf. http://hoitamthanhoc.com/en/component/content/article/119-tieng-viet/kien-thuc-tam-than-hoc/778-chan-doan-dong-kinh-co-bieu-hien-tam-than-phuc-tap.html.
[27] BS TRẦN DUY TÂM, BS CK1, Phòng KHTH, BVTT TP.HCM (x. http://www.bvtt-tphcm.org.vn/n-vn-1424-0/roi-loan-nhan-cach/roi-loan-nhan-cach.html).
 
[28] Cf. Ibidem, 530.
[29] Cf. lawrence g. Wrenn, The Invalid Marriage …, 28
[30] Cf. Lawrence g. Wrenn, The Invalid Marriage… 44.
[31] Cf. lawrence g. Wrenn, The Invalid Marriage …,  44.
[32] Cf. Lawrence g. Wrenn, The Invalid Marriage, …52.
[33] Cf. Ibidem, 47.
[34] Cf. Ibidem, 48.
[35] Cf. MARIO POMPEDDA, “Incapacitry to Assume the Essential Obligation of Marriage” trong Incapacity For Marriage, Rome 1987, 205-206.
[36] Cf. lawrence g. Wrenn, The Invalid Marriage …, 24.
[37] Vụ án do linh mục Giuse Bùi Đức Tiến sưu tập và biên khảo dựa vào các bản án ban hành của các giáo phận trên thế giới.
 Cf. http://buiductien.com/index_html/books/ToaAnhonphoi/plonearticle.2007-01-09.7337445372
 
[39] Vụ án này được cha Jos. Huỳnh Văn Sỹ biên dịch.
[42] Trong L. G. WRENN, The Invalid Marriage, Washington DC 1998,100.
 
[43] Cf. Ibidem, 104.
[44] Cf. S.I. HILBERT, “Error qualitate in personae (can. 1097§2)”, trong U. NAVARRETE, Errore e simulazione nel matrimionio canonico, E.P.U.G, Roma 1998, 434.
[45] Cf. Ibidem, 435.
[46] Cf. L. G. WRENN, The Invalid Marriage, Washington DC 1998, 100-101.
[47] Cf. L.G. WRENN, The Invalid Marriage, Washington DC 1998, 105; P. BIANCHI, Quando il matrimonio è nullo?, Ancora, Milano 1998, 54-55.
[48] Cf. L.G. WRENN, The Invalid Marriage, Washington DC 1998, 102-103.
[49] Cf. A.MENDONCA, Rotal Anthology. An Annotated Index of Rotal Decisions from 1971 to 1988, Washington, DC 1992, 115.
[50] Cf. Ibidem, 115-116.
[51] Cf. Ibidem, 113, 116
[52] Cf. Ibidem, 118.
[53] Cf. Ibidem.
[54] Cf. L.G. WRENN, The Invalid Marriage, Washington DC 1998, 107.
[55] Cf. Mauro BARDI, Il dolo nel matrimonio canonico, Giuffrè editore, Milano 1996, 169-170..
[56] MAURO BARDI, Il dolo nel matrimonio canonico, Giuffrè editore, Milano 1996, 171.
[57] M.F. POMPEDDA, "Il consenso matri­moniale", in "Il matrimonio nel nuovo codice di diritto canonico",1983, 66-67.
[58] Cf. P.V. PINTO, Commento al Codice di Diritto Canonico, 654.
[59] P. SILVESTRI, La nullita del matrimonio canonico. Raccolta di sentenze, Guida, Napoli 2004, 208.
[60] Cf. P.SILVESTRY, La nullità del martimonio canonico. Raccolta di sentenze,  Napoli 2004, 196- 241.
[61] Cf. Ibidem, 241.
[62] Cf. Ibidem.
[63] Cf. Ibidem, 114.
[64] Cf. PAOLO BIANCHI, Quando il matrimonio e nullo, Ancora. Milano 1998, 73-74.
[65] Cf. PAOLO BIANCHI, Quando il matrimonio e nullo, Ancora. Milano 1998, 75
[66] Cf. lawrence g. Wrenn, The Invalid Marriage, Washington DC 1998, 122
[67] Cf. Ibidem, 133.
[68] Cf. FRANCESCO, Allocuzione alla Rota Romana, 23 gennaio 2015.
[69] Cf. FRANCESCO, Esort. Ap. Evangela gaudium, n. 93.
[70] Cf. Ibidem, n. 94.
[71] Cf. MI, Sussidio applicativo, 33.
[72] Cf. Ibidem, 121.
[73] Cf. PAOLO BIANCHI, Quando il matrimonio e nullo…, 140.
[74] Cf. lawrence g. Wrenn, The Invalid Marriage…, 144.
 
[75] Cf. lawrence g. Wrenn, The Invalid Marriage …, 132.
[76] Cf. Ibidem, 132.
[77] Cf. Ibidem, 234.
[78] Do linh mục Gs. Bùi Đức Tiến sưu tập. Xem tại:
http://buiductien.com/index_html/books/ToaAnhonphoi/plonearticle.2007-01-09.7337445372
 
[79] Cf. VONDENBERGER (Ed.), Rotal Jurisprudence: Selected Translations, Canon Law Society of America, 2011, 169-190.
[80] Cf. G. F. ZUANAZZI, “Vizio del consenso’od vim vel metum’: aspetti psicologici”, trong  AA.VV., La vis vel metus nel consenso matrimonial canonico (can.1103), (SG LXXI), Vaticano 2006, 97.
[81] Cf. Ibidem.
[82] Cf. Ibidem.
[83] Cf. Ibidem,.165.
[84] Cf. L. G. WRENN, The Invalid Marriage, Washington DC 1998, 164.
[85] Cf. A. ABATE, Il Matrimonio nella legislazione canonica, Urbaniana University Press-Paideia Editrice, Roma-Brescia 1979, 488.
[86] Cf. G. F. ZUANAZZI, “Vizio del consenso’od vim vel metum’: aspetti psicologici”, trong  AA.VV., La vis vel metus nel consenso matrimonial canonico (can.1103), (SG LXXI), Vaticano 2006, 108.
[87] A. D'AUREA, Il timore grave nell'attuale legislazione canonica, UUP, Città del Vaticano 2003, 62-63..
[88] Cf. Ibidem.
[90] Desponsatio a parentibus facta pro matrimonio filiorum, non vitiat, si dein filii iam inita sponsalia rata habeant et ita contrahant; si vero desponsationem ratam habere nolunt ac proinde nuptias inire cogantur metu, matrimonia sunt irrita": RRD, vol. 55, p. 973
[91] BÙI ĐỨC TIẾN, Tòa án hôn phối. Tháo gỡ hôn nhân Công Giáo.
[92] Cf Ibidem,
[93] Cf Ibidem,
[94] Cf. A.MENDONCA, Rotal Anthology. An Annotated Index of Rotal Decisions from 1971 to 1988, Washington, DC 1992, 307.
[95] Cf. Ibidem, 308.
[96]Cf. Ibidem,  310.
[97] Cf. Ibidem, 308.
[98] Cf. L.G. WRENN, The Invalid Marriage, Washington DC 1998, 155.
[99] Cf. L.G. WRENN, The Invalid Marriage, Washington DC 1998, 156.
[100] L.G. WRENN, The Invalid Marriage, Washington DC 1998, 159.
[101] Cf. L.G. WRENN, The Invalid Marriage, Washington DC 1998, 160.
[102] Cf. Ibidem, 160-161.
[103] Cf. Ibidem, 161.
[104] Cf. Ibidem.
[105] Cf. V. VONDENBERGER (Ed.), Rotal Jurisprudence. Selescted translations, CLSA, Washington. DC, 2011, 1-18.
[106]Sau thời hạn  mà không có kháng cáo, Tòa án giáo phận sẽ gởi văn thư xác nhận cho các bên văn và cho Đấng Bản quyền để ghi chú vào sổ Rửa tội và Hôn Phối. Khi đó các bên có thể tiến tới một hôn nhân mới khác, trừ trường hợp bị cấm hôn.
[107] Bên nào cảm thấy mình bị thiệt hại, cũng như công tố viên và bảo hệ viên có thể được xem toàn bộ bản án tại trụ sở tòa án, địa chỉ 22 Trần Phú Nha Trang.
[108] Nếu bản án xác nhận hôn nhân vô hiệu, sau thời hạn kháng cáo, Tòa án chúng tôi sẽ thông báo và cấp cho các bên văn bản xác nhận sự vô hiệu của hôn nhân, và từ khi đó các bên có thể tiến tới một hôn nhân mới khác.