MỘT SỐ ĐIỀU CẦN NHẮC LẠI
I. VỀ BÀI GIẢNG LỄ (HOMILIA)
* Khi nói về bài giảng trong Thánh lễ, điều 767 của bộ giáo luật đã trình bày 4 triệt như sau :
§1. Trong những hình thức giảng thuyết, nổi bật nhất là bài giảng thánh lễ vì là phần chính của phụng vụ và dành riêng cho linh mục hay phó tế. Trong bài giảng ấy, phải làm sao để suốt một năm phụng vụ có thể trình bày các mầu nhiệm đức tin và khuôn khổ đời sống Kitô giáo dựa vào bản văn Kinh Thánh.
§2. Trong mọi Thánh lễ ngày Chủ Nhật và ngày lễ buộc khi có dân chúng họp lại, thì buộc phải giảng lễ, trừ khi có lý do quan trọng mới được bỏ qua.
§3. Trong các thánh lễ trong tuần, nhất là trong Mùa Vọng và Mùa Chay, hoặc khi có lễ lớn hay tang chế, khuyến khích nên giảng lễ khi có đông giáo dân tham dự.
§ 4. Cha sở hay linh mục quản đốc nhà thờ phải lo liệu để qui luật trên được tuân giữ chu đáo.
* Khi bàn về nội dung và chất lượng bài giảng lễ điều 768 của bộ giáo luật trình bày 2 triệt :
§1. Giảng những điều phải tin nhằm làm vinh danh Chúa và cứu rỗi nhân loại.
§ 2. Giảng cho các tín hữu biết giáo thuyết của Hội Thánh :
- Về nhân phẩm và tự do của con người
- Về trách vụ của gia đình
- Về bổn phận của công dân
- Về những việc trần thế theo trật tự Chúa ấn định.
* Khi bàn về cách giảng như thế nào, điều 769 của Bộ Giáo Luật nói vắn tắt : Giáo lý Kitô giáo phải được trình bày thích hợp với điều kiện của thính giả và nhu cầu của thời đại.
Người giảng thuyết phải trình bày theo điều kiện văn hóa của quần chúng, không giảng trên mây, không trình bày những điều quá khó hiểu. Lại phải tuỳ theo điều kiện kinh tế của quần chúng nữa, không giam quần chúng ở lâu trong nhà thờ. Và cuối cùng phải trở về với những điều kiện thiết thực, những điều cốt yếu của đạo là mến Chúa yêu người.
Theo sách "Hướng dẫn cử hành phụng vụ" thì bài giảng là thành phần của thánh lễ chứ không phải là một gợi ý nên hay không nên thực hiện. Vì thế phải diễn giảng vào các ngày Chủ Nhật hay lễ buộc trong mọi thánh lễ có đông giáo dân tham dự, người ta chỉ được phép bỏ khi có lý do quan trọng. Giáo hội cũng khuyên giảng vào các ngày trong tuần, nhất là những ngày trong tuần thuộc Mùa Vọng, Mùa Chay và Mùa Phục Sinh (RM 42).
Bài giảng là bài diễn giải hoặc một khía cạnh nào đó của các bài đọc Kinh Thánh, hoặc một bản văn khác thuộc phần chung hay phần riêng của thánh lễ ngày đó, đồng thời lưu ý đến mầu nhiệm được kính nhớ hay nhu cầu riêng biệt của thính giả (RM 41).
Những hướng dẫn trên xác định cho chúng ta nội dung và hình thức của bài giảng. Bài giảng mang tính giáo huấn và đào sâu chân lý Kitô giáo qua Kinh Thánh và phụng vụ, đồng thời kết hợp với kinh nghiệm đời sống của Dân Chúa. Vì thế một bài giảng không chỉ thuần tuý là việc chia sẻ Lời Chúa, với những chia sẻ kinh nghiệm thiêng liêng của từng cá nhân thì chưa phải là bài giảng đúng nghĩa.
Qui chế Sách Lễ năm 2000 phân biệt bài giảng với việc chia sẻ Lời Chúa theo nhóm. Trong thánh lễ bài giảng không phải là bài chia sẻ theo hình thức nhóm. Việc rao giảng Lời Chúa trong thánh lễ không được thực hiện bởi một nhóm người, nhưng chỉ một người mà thôi, người này có thể là giám mục hoặc linh mục hay phó tế, vì thế không cho phép bất cứ một nhóm người giáo dân nào được quyền phát biểu trước cộng đoàn phụng vụ đông người (RM 66). Việc chia sẻ có thể thực hiện trong các nhóm nhỏ hay trong các dịp tĩnh tâm của nhóm ít người chứ không được phép thực hiện trước một cử tọa đông người, theo kiểu từng người phát biểu còn người khác lắng nghe.
II. NGƯỜI TA SẼ ĐEM NHỮNG GÌ KHI DÂNG LỄ VẬT ?
Người ta sẽ dâng những gì cần thiết để chủ tế cử hành Thánh Thể. Như vậy chén thánh và bánh rượu là những yếu tố không thể thiếu khi dâng lễ vật. Tuy nhiên cũng được phép dâng tiền bạc hay các phẩm vật khác để trợ giúp người nghèo hay Giáo Hội (RM 73).
Chúng ta biết rằng phụng vụ canh tân sau Công đồng Vatican II khuyên nên dâng lễ vật vào các Chúa Nhật, Lễ trọng hay Lễ đặc biệt. Đây không phải là sáng kiến mới của phụng vụ hiện nay nhưng là lấy từ truyền thống của những thế kỷ đầu trong Giáo hội : Dân Chúa đem của lễ đến vừa để cử hành Thánh Thể, vừa để trợ cấp cho các sinh hoạt trong Giáo Hội và giúp đỡ người nghèo. Theo chiều hướng canh tân của Giáo Hội ngày nay, nhiều nhà thờ tổ chức các cuộc rước lễ vật mang nhiều ý nghĩa. Nhưng có những nơi đã biến việc dâng lễ vật thành các điệu vũ cầu kỳ, đôi khi trở thành "màn trình diễn" các điệu múa lấn át các cử hành khác. Thật ra trong truyền thống Giáo Hội, việc rước lễ vật chỉ là đem của lễ tới bàn thờ rồi linh mục hay phó tế sẽ nhận các lễ vật này, chứ không biến cuộc rước lễ vật thành điệu múa rườm rà và cầu kỳ.
Khi rước lễ vật, người mang chén thánh và các bình bánh đi trước, rồi đến bánh rượu sẽ được dùng để cử hành thánh lễ, sau đó đến các lễ vật khác như đèn nến hay bông hoa trang trí bàn thờ, sau cùng mới đến các lễ vật không được dùng trực tiếp để cử hành thánh lễ như trái cây, các loại bánh, vật kỷ niệm, tiền bạc… Qui chế sách lễ 2000 qui định chỉ được mang lên bàn thờ chén thánh, bình đựng Mình Thánh Chúa, bánh rượu và đèn nến được dùng để cử hành thánh lễ, còn những thứ khác phải để ngoài bàn thờ, kể cả bình hoa tại chỗ xứng hợp. (RM 73, 306-307). Như vậy có thể để các lễ vật không phải là bánh rượu ở chân bàn thờ hoặc trên một bàn nhỏ cách xa bàn thờ hay trên một kệ quanh bàn thờ… miễn sao không để chúng trên mặt bàn thờ và không che lấp vị trí trung tâm của bàn thờ.
Hơn nữa cũng như cuộc rước đầu lễ, cuộc rước lễ vật cũng phải có bài hát đi kèm. Khi đã nhận lễ vật xong, người ta có thể tiếp tục hát thay vì đọc ca tiến lễ, nhưng cũng có thể thinh lặng lắng nghe và thưa đối đáp với chủ tế trong lời chúc tụng trên bánh và rượu (RM 74).
Dựa theo những chỉ dẫn này, chúng ta cần sửa một số tập quán chưa đúng với ý nghĩa việc dâng lễ vật như các bình hoa, đèn nến… được rước đi trước các bình bánh và chén thánh. Cần tránh dâng lễ vật không đúng ý nghĩa, tức là thay vì đem lễ vật được dùng để cử hành thánh lễ như rượu nho và bánh không men, người ta chỉ đem các loại hoa quả, bánh trái, hương lửa… còn bánh rượu thì không dâng. Cũng đừng dâng "lễ vật giả dối" như đem bình bông giả dâng đi dâng lại nhiều lần, chai rượu lễ đóng kín đem lên bàn thờ rồi cất đi để cho lần khác !
III. TẦM QUAN TRỌNG CỦA THÁNH GIÁ BÀN THỜ
Công đồng Trentô khẳng định : thánh lễ là hy tế của Đức Kitô do chính Người dâng trên bàn thờ[; và khi cử hành thánh lễ là Giáo hội thi hành lệnh truyền của Chúa Giêsu : các con hãy làm việc này để nhớ đến Thầy (1Cr 11,25). Để biểu lộ đức tin vào giá trị hy tế của thánh lễ, nên Giáo hội đòi buộc phải có thánh giá mỗi khi cử hành thánh lễ. Theo Quy chế tổng quát sách lễ Rôma 2000, thánh giá khi cử hành thánh lễ phải luôn luôn có tượng Chúa chịu nạn (Christi crucifixi). Thánh giá này có thể để trên bàn thờ hay gần bàn thờ và phải để thế nào cho mọi người trông thấy, không những lúc đang cử hành thánh lễ mà còn vào mọi lúc, để nhắc nhở cho mọi người tín hữu cuộc khổ nạn cứu độ Chúa Kitô (RM 122, 308).
IV. NHƯ THẾ NÀO ĐỂ ĐƯỢC GỌI LÀ THỪA TÁC VIÊN NGOẠI LỆ TRAO MÌNH THÁNH CHÚA, HỌ GỒM NHỮNG NGƯỜI NÀO ?
Thừa tác viên ngoại lệ trao Mình Thánh Chúa là các tín hữu được ủy nhiệm để giúp linh mục chủ tế trao Mình Thánh Chúa cho anh chị em giáo dân. Họ là những người gương mẫu trong đời sống đức tin và luân lý, được tuyển chọn để phục vụ cộng đoàn (RL 5). Các thừa tác viên này chia làm hai loại : loại từng lần và loại thường xuyên.
1 - Loại từng lần (Ad actum) :
Là những người được uỷ nhiệm trao Mình Thánh Chúa do nhu cầu của từng lần, chẳng hạn khi có quá đông giáo dân rước lễ hơn bình thường mà một mình chủ tế trao Mình Thánh Chúa sợ thánh lễ quá kéo dài, hoặc khi chủ tế đau yếu, hoặc khi cần đưa Mình Thánh cho bệnh nhân mà bình thường linh mục vẫn thực hiện công việc này nhưng hôm đó linh mục mắc ngăn trở thì ngài ủy nhiệm cho một thừa tác viên làm thay… Những thừa tác viên ngoại lệ từng lần sẽ hết quyền ngay sau khi thi hành xong nhiệm vụ được trao phó (RL 1).
2 - Loại thường xuyên (Ad habitum) :
Là những người được uỷ nhiệm trao Mình Thánh Chúa cách thường xuyên trong các thánh lễ hoặc đưa Mình Thánh đều đặn cho bệnh nhân. Những người này ngoài việc cho rước lễ còn có nhiệm vụ coi sóc Mình Thánh Chúa, xướng các ý nguyện trong lời nguyện chung, chủ tọa các buổi cử hành Phụng vụ Lời Chúa khi thiếu thừa tác viên có chức thánh (RL 8). Thừa tác viên thường xuyên được hiểu là những người giúp linh mục chủ tế trao Mình Thánh Chúa cách đều đặn, thường xuyên không cần phải uỷ nhiệm từng lần, vì thế những người cho rước lễ hằng ngày hoặc hàng tuần hoặc theo phiên hoặc theo các dịp lễ trong năm… đều được gọi là thừa tác viên ngoại lệ thường xuyên. Linh mục chủ tế phải xin phép Đấng bản quyền giáo phận và nhận sự đồng ý của ngài về những thừa tác viên thường xuyên này (RL 9).
* Người giáo dân phụ nữ có thể được uỷ nhiệm làm thừa tác viên ngoại lệ trao Mình Thánh Chúa không ?
Để là thừa tác viên ngoại lệ trao Mình Thánh Chúa cần phải là người xứng đáng, gương mẫu trong đời sống đạo ; do đó trong trường hợp cần thiết khi không tìm được người xứng đáng thì linh mục chủ tế có thể chọn người phụ nữ có tiếng tốt trong cộng đoàn để thi hành tác vụ này (RL 5). Theo qui định trên đây thì rất thích hợp tại nhiều xứ đạo ở Việt Nam, các nữ tu được ủy nhiệm làm thừa tác viên ngoại lệ trao Mình Thánh Chúa.
* Thừa tác viên ngoại lệ sẽ thi hành tác vụ thế nào trong thánh lễ ?
Theo qui định của Sách lễ Rôma năm 2000, linh mục chỉ được ủy phép cho các thừa tác viên ngoại lệ trao Mình Thánh Chúa khi con số linh mục hay phó tế hiện diện trong thánh lễ không đủ để trao Mình Thánh Chúa cho giáo dân (RM 162), lúc này linh mục mới được phép uỷ nhiệm cho các thừa tác viên ngoại lệ trao Mình Thánh Chúa. Trong số thừa tác viên ngoại lệ, thầy đã nhận thừa tác vụ giúp lễ (Acolythus) đứng hàng đầu.
Trong cử hành thánh lễ, thừa tác viên ngoại lệ trao Mình Thánh Chúa chỉ có nhiệm vụ là trao Mình Thánh Chúa cho giáo dân ; Vì thế họ chỉ tiến tới bàn thờ sau khi linh mục đã rước lễ và luôn luôn phải nhận bình đựng Mình Thánh từ tay linh mục. Việc phân phối Mình Thánh hay Máu Thánh vào các bình đựng thuộc chức năng của linh mục và phó tế (RM 162). Sau khi trao Mình Thánh Chúa xong, phó tế là người sẽ rước phần Máu Chúa còn lại, khi không có thầy, thì linh mục mới làm nhiệm vụ này. Phó tế hoặc linh mục hoặc thầy đã lãnh nhận tác vụ giúp lễ có thể tráng chén sau khi thánh lễ kết thúc. Các thừa tác viên ngoại lệ khác không được phép tráng chén (RM 279).
V. HUYẾT TỘC (HỌ MÁU)
Theo Giáo luật điều 1091 :
§ 1. Trong trực hệ hôn phối giữa tất cả thân thuộc dù hợp pháp hay tự nhiên đều không thành sự.
§ 2. Trong bàng he, hôn phối vô hiệu cho đến hết cấp thứ 4.
* Cách tính đời
a - Trực hệ : Bỏ ông tổ ra, còn bao nhiêu người thì tính bấy nhiêu đời hàng dọc.
Thí dụ : cha ® con ® cháu ® chắt
Phêrô ® Gioan ® Phaolô ® Giuse
(Bỏ Phêrô ra) : Từ Phêrô đến Giuse là 3 đời - trực hệ, ba đời hàng dọc.
b - Bàng hệ : Bỏ ông tổ ra, còn bao nhiêu người ở hai hàng ngang thì có bấy nhiêu đời hàng ngang.
Thí dụ : Cha Giuse
- con Phêrô 1, con Anna 2 đời
- cháu Phaolô 3, cháu Maria 4 đời
- chắt Gioan 5, chắt Matta 6 đời
- chút Antôn 7, chút Rôsa 8 đời
Vậy cháu Phaolô kết hôn với cháu Maria không được vì còn trong vòng 4 đời hàng ngang.
Chắt Gioan kết hôn với chắt Matta được vì bàng hệ đã quá 4 đời.
Cách tính họ này theo Bộ giáo luật mới 1983 nên khác với bộ giáo luật cũ 1917. Các cha học từ năm 1983 về sau thì không có gì phải sửa. Còn các cha học từ năm 1983 trở về trước thì yêu cầu sửa đổi lại theo luật hiện hành.
VI. VỚI NỮ GIỚI
Trong cuốn CHỈ NAM GIÁO PHẬN VINH đã được Đức giám mục giáo phận cho đem ra thực hành từ ngày 05 tháng 01 năm 1998, số 201 có viết :
"Riêng với nữ giới phải nghiêm túc khi giao tiếp. Không bao giờ tiếp chuyện trong phòng ngủ. Tránh những dịp, những cớ làm cho linh mục bị hiểu lầm và mất thanh danh về đức khiết tịnh. Muốn chọn người giúp việc, phải chọn người đứng đắn, không dưới 45 tuổi. Linh mục nào không giữ luật này kể là lỗi luật cách nặng theo giáo luật và luân lý".
(Direct. Vinh, số 26)