Đào Tạo Linh Mục Theo Ratio 2016

17/05/2017
7446
Đào tạo linh mục luôn là mối quan tâm hàng đầu của Hội Thánh. Sau Ratio Fundamentalis Institutionis Sacerdotalis năm 1970, dựa vào những thay đổi của Giáo luật 1983, Bộ Giáo sĩ đã công bố Ratio Fundamentalis Institutionis Sacerdotalis ngày 19-3-1985. Sau đó, một văn kiện rất quan trọng mang tính tổng hợp là tông huấn hậu Thượng Hội Đồng Pastores Dabo Vobis (1992) của thánh Giáo hoàng Gioan-Phaolô II về việc đào tạo linh mục trong hoàn cảnh hiện nay. Từ đó đến nay đã có rất nhiều văn kiện của các Hội Thánh tại các quốc gia nhằm áp dụng việc đào tạo linh mục vào hoàn cảnh đặc thù của các địa phương.
Hoàn cảnh xã hội văn hóa của thế giới thay đổi sâu xa, thực trạng của Hội Thánh cũng thay đổi nhiều, do đó cần có một Ratio mới phù hợp với những nhu cầu mới hướng đến mục tiêu tân Phúc-Âm-hóa thế giới. Vì thế, được sự chấp thuận của Đức Thánh Cha Phanxicô, ngày 8-12-2016, Đức Hồng Y Beniamino Stella, Bộ trưởng Bộ Giáo sĩ, đã công bố Ratio Fundamentalis Institutionis Sacerdotalis mới, thay thế cho Ratio 1985. Ratio 2016 tổng hợp và thích nghi các giáo huấn có trước, đặc biệt dựa vào giáo huấn và gương sáng của Đức Thánh Cha Phanxicô để phác hoạ mẫu người mục tử hôm nay.
  1. Đào tạo linh mục là một tiến trình duy nhất, tiệm tiến và suốt đời
Có lẽ câu hỏi đầu tiên được đặt ra là tại sao lại nói với những người đã là linh mục về Quy chế đào tạo linh mục.
Cần tránh hiểu lầm rằng Ratio chỉ liên hệ đến việc đào tạo chủng sinh để trở thành linh mục, tức là chỉ liên hệ đến các chủng sinh và các linh mục có trách nhiệm đào tạo trong môi trường chủng viện.
Trong Ratio có một phần nói về đào tạo trường kỳ (formation permanente) cho các linh mục, thường gọi là thường huấn linh mục, trong các số 80-88. Tuy nhiên cần nhận thức rằng việc thường huấn linh mục và đào tạo chủng sinh thành linh mục làm thành một thực tại duy nhất. Điều này đã được ĐTC Bênêđictô XVI khẳng định trong Tự sắc Ministrorum Institutio (6-1-2013).
Ratio 2016 nói rõ hơn :
“Việc đào tạo linh mục diễn tiến trong sự liên tục của «hành trình đào tạo người môn đệ», một hành trình duy nhất khởi sự với phép Rửa, được kiện toàn trong các bí tích khai tâm Kitô giáo, được đón nhận như điểm trung tâm của đời sống khi bước vào chủng viện và được tiếp tục trong suốt cuộc đời(Ratio, Dẫn nhập, số 3).
Đào tạo linh mục là một “việc đào tạo duy nhất và tiệm tiến”, bắt đầu với giai đoạn đào tạo sơ khởi trong chủng viện và tiếp tục trong cuộc đời người môn đệ nay đã là linh mục. “Linh mục luôn ở lại làm môn đệ của Thầy và không ngừng đồng hình đồng dạng với Thầy” (Ratio, Dẫn nhập, số 3). Pastores Dabo Vobis số 71 nói rằng giữa đào tạo sơ khởi và đào tạo trường kỳ có mối liên hệ nội tại, còn Ratio mới nói đó là một tiến trình duy nhất không bao giờ dừng lại.
Chính trong ý hướng đó mà Ratio 2016 thay đổi cách gọi các giai đoạn trong Đại chủng viện : giai đoạn vốn được gọi là ban triết học nay đổi thành thời kỳ đào tạo người môn đệ Chúa Kitô, sequela Christi (Ratio, số 61), giai đoạn vốn được gọi là ban thần học nay đổi thành thời kỳ đào tạo nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô (Ratio, số 68), và giai đoạn thực tập mục vụ nay đổi thành thời kỳ tổng hợp ơn gọi (synthèse vocationnelle, Ratio, số 74). Như vậy, bí tích Rửa tội tự nó đã bao hàm việc biến đổi nên môn đệ Chúa Kitô và đồng hình đồng dạng với Ngài, và ngược lại, việc đào tạo trong chủng viện và thường huấn sau chủng viện có một liên hệ nội tại với bí tích Rửa tội và làm nên một tiến trình liên tục duy nhất.
Đào tạo người môn đệ nghĩa là đào tạo một người để theo Chúa Giêsu, kết hợp với Chúa và trở thành môn đệ thừa sai loan báo Tin Mừng Nước Trời (x. Ratio, số 61, 62). Đào tạo nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu là tập luyện chiêm ngắm Chúa Giêsu là Mục tử và là Tôi tớ để mang lấy tâm tình và lối sống như Chúa, nhất là thái độ hiến mình cho đoàn chiên như Chúa (x. Ratio, số 68-69).
Đào tạo linh mục là việc trường kỳ và liên tục, được thực hiện trong hai giai đoạn : đào tạo ban đầu (formation initiale) và đào tạo trường kỳ (formation permanente). Do đó, không chỉ có 9 số nói về thường huấn, mà toàn bộ Ratio đều nói với những người đã là linh mục.
Chẳng hạn khi nói về căn tính linh mục như là Đầu, Mục tử, là Tôi tớ và Hôn phu, thì căn tính này không phải chỉ là khuôn mẫu cho các chủng sinh nhìn vào đó mà uốn nắn, nhào nặn, mài giũa con người mình, mà cũng là nguyên mẫu cho các linh mục chiêm ngắm để tiếp tục nhào nặn, thanh luyện bản thân và cuộc đời mình, là mô hình cho linh mục suy ngắm không ngừng để từng ngày trở thành hiện thân của Chúa Giêsu.
Hoặc những đoạn nói về những chiều kích của việc đào tạo : nhân bản, thiêng liêng, tri thức, mục vụ, thì cũng là những điểm qui chiếu để các linh mục hoàn thiện bản thân và thường xuyên tự kiểm xem mình có đạt được những điều Hội Thánh mong muốn nơi mình chưa.
Hay khi nói về đồng hành thiêng liêng và cộng đoàn, thì không phải chỉ có chủng sinh mới cần có cha linh hướng và sống trong cộng đoàn, mà cả các linh mục cũng cần có người đồng hành thiêng liêng (Ratio, số 48) và cần có những hình thức khác nhau để sống tình hiệp thông trong Hội Thánh (Ratio, số 51, 82). Chẳng hạn cuộc hội ngộ linh mục giáo tỉnh là một kinh nghiệm quí báu của sự đồng hành cộng đoàn : gặp gỡ và chia sẻ giữa các linh mục nhiều thế hệ, nhiều giáo phận, để nên như một chứng từ, một sự khích lệ động viên, và một sự phong phú hóa kinh nghiệm đời linh mục trên nhiều bình diện. “Tình huynh đệ phát xuất từ bí tích là một sự trợ giúp quí báu cho việc đào tạo trường kỳ của linh mục” (Ratio 87).
  1. Căn tính linh mục
Dựa trên giáo huấn của Hội Thánh, Ratio phác họa căn tính linh mục để các chủng sinh và linh mục chiêm ngắm và thể hiện nơi bản thân mình.
Linh mục là thành phần trong Dân Chúa, là người ở trong Hội Thánh, đồng thời cũng là người đối diện với Hội Thánh (Ratio, số 32; Pastores 16). Cần giữ thế quân bình cho tương quan lưỡng diện này. Không thể quá nhấn mạnh đến vai trò là mục tử và là đầu để rồi quên rằng linh mục cũng là một môn đệ của Đức Kitô, một người môn đệ đồng hành với Dân Chúa và ở giữa Dân Chúa. Ngược lại, linh mục cũng không thể dấn thân hoà mình vào giữa đoàn chiên để rồi coi nhẹ vai trò là mục tử và là đầu đối diện với Hội Thánh.
Nguyên mẫu của linh mục là chính Chúa Giêsu. Mục tiêu của việc đào tạo linh mục là khơi dậy nơi cuộc đời người môn đệ những tâm tình và lối sống của Con Thiên Chúa (x. Ratio, số 69) :
  • Là tư tế : linh mục tham dự vào chức tư tế duy nhất của Đức Kitô, là cộng tác viên của giám mục, là dấu chỉ hữu hình của lòng thương xót của Thiên Chúa trong Hội Thánh và trong thế giới (x. Ratio, số 35). Đời sống và thừa tác vụ linh mục tự bản chất cắm rễ trong bí tích Thánh Thể (x. số 36).
  • Là mục tử : đây là trọng tâm của việc đồng hình đồng dạng. Linh mục là người noi gương Đức Giêsu Mục tử, qui tụ đoàn chiên, đi theo và chăm sóc các con chiên, đến độ có thể hy sinh mạng sống vì đoàn chiên (x. số 37). Linh mục cần từ bỏ tất cả, nhất là những lợi lộc vui thú riêng tư, như Đức Giêsu, để sinh sản và dẫn dắt Dân Thiên Chúa.
  • Là tôi tớ : linh mục xác tín rằng mình được gọi để phục vụ, phục vụ trong khiêm tốn, như Con Người (x. Mt 20, 25-28), chứ không coi thừa tác vụ như một đặc ân hoặc nghề nghiệp (x. số 42). Ratio nhắc nhở rằng quyền bính là để phục vụ. Hội Thánh không phải một định chế của loài người, vì thế linh mục phải loại trừ não trạng giáo sĩ trị (cléricalisme) (x. số 33-34).
  • Là hôn phu : linh mục như hôn phu yêu mến hiền thê và hy sinh mạng sống mình vì hiền thê yêu dấu (x. số 38-39).
  • Người loan báo Tin Mừng : Ratio nhấn mạnh việc đào tạo tinh thần truyền giáo : linh mục là “môn đệ truyền giáo” (x. số 44, 54). Đời sống của linh mục phải trở thành dấu chỉ hữu hình của lòng thương xót của Thiên Chúa cho mọi người.
“Nhờ kết hợp với Đức Kitô, linh mục có khả năng loan báo Tin Mừng và trở thành khí cụ của lòng thương xót của Thiên Chúa, có khả năng dẫn dắt và sửa bảo, chuyển cầu và chăm sóc đời sống thiêng liêng của các tín hữu được trao phó cho mình ; lắng nghe, đón tiếp và đáp ứng các nhu cầu và những vấn nạn sâu xa của thời đại hôm nay” (Ratio, số 40).
  1. Đào tạo trường kỳ (thường huấn)
“Kiểu nói «đào tạo trường kỳ» diễn tả ý tưởng này là những người được kêu gọi tới chức linh mục không bao giờ được quên mình là môn đệ. Không những linh mục «học biết Đức Kitô», mà hơn nữa, dưới tác động của Chúa Thánh Thần, ngài còn đi vào tiến trình đồng hình đồng dạng với Đức Kitô một cách tiệm tiến và liên tục, trong hữu thể và trong hành động. Điều này tạo nên một thách đố trường kỳ cho việc tăng trưởng nội tâm. Cần không ngừng nuôi dưỡng ngọn lửa để đem lại ánh sáng và nhiệt huyết cho việc thực thi thừa tác vụ, vì biết rằng «đức ái mục tử là linh hồn và là khuôn mẫu của việc đào tạo trường kỳ của linh mục».” (Ratio, số 80).
“Đào tạo trường kỳ nhằm nâng đỡ sự trung thành với thừa tác vụ linh mục theo một hành trình hoán cải liên tục, để làm tươi thắm hồng ân đã nhận lãnh ngày thụ phong” (Ratio, số 81).
“Chính linh mục là người có trách nhiệm đầu tiên và chính yếu lo cho việc đào tạo trường kỳ của mình” (Ratio, số 82).
Không được quên rằng dù ở trong bất cứ lãnh vực nào hay theo đuổi một nghề nghiệp nào, kể cả trong ơn gọi linh mục, con người là một hữu thể luôn tăng trưởng ; và vì thế, linh mục không ngừng ở dưới mái trường của vị Thầy duy nhất là Đức Kitô. Điều này chỉ có thể thực hiện được nếu linh mục có thái độ docilitas (= ngoan ngoãn, dễ bảo), và hơn nữa, thái độ docibilitas, (= muốn học hỏi), muốn lắng nghe sự dạy bảo của Thánh Thần ngang qua các biến cố, các tương giao, nhất là qua lịch sử đời mình.
Như vậy, đào tạo trường kỳ không phải là một việc nhiệm ý, nhưng là một đòi hỏi thiết yếu để làm cho hồng ân linh mục đã nhận lãnh trong ngày thụ phong ngày càng triển nở và đem lại hoa trái dồi dào, để trở thành “mục tử như lòng Chúa mong muốn”.
Những thách đố và cám dỗ trong đời linh mục
Mỗi giai đoạn trong đời linh mục có những nguy cơ và thách đố riêng. Ratio số 84 đề cập đến những cám dỗ đặc thù sau khi làm linh mục một thời gian, nhưng thiết tưởng đây cũng là những cám dỗ xuất hiện trong mọi giai đoạn :
  • Kinh nghiệm về sự yếu đuối của bản thân : nhận biết mình yếu đuối nên cần khiêm tốn và cậy trông vào lòng thương xót của Chúa hơn, đồng thời cũng biết cảm thông với người khác hơn. Linh mục không được tự cô lập, trái lại, cần sự trợ giúp và đồng hành về phương diện thiêng liêng cũng như tâm lý.
  • Nguy cơ coi mình như một công chức của Hội Thánh hoặc của sự linh thánh, không có trái tim của mục tử. Linh mục cần gần gũi anh em linh mục, tìm sự an ủi nơi Chúa, tập trung vào điều chính yếu để tiếp tục tận hiến đời mình cho Chúa và tha nhân.
  • Sự quyến rũ của quyền lực và tiền bạc : lòng ham muốn địa vị, uy quyền, tiền bạc của cải, đưa tới chỗ không còn sẵn sàng làm theo ý Chúa và đáp ứng nhu cầu của dân Chúa. Khi đó, cần có sự nhắc nhở của anh em linh mục, hoặc một phương thế nào khác phát xuất từ sự chăm sóc mục vụ của giám mục. Đôi khi có những hành vi tạo nên một tội phạm cần áp dụng một hình phạt.
  • Thử thách trong cam kết độc thân vì Nước Trời, nhất là trong bối cảnh xuất hiện những cám dỗ khơi gợi mới hoặc do những căng thẳng trong đời mục vụ. Tình trạng trên có thể tạo nên sự dồn nén tình cảm và thúc đẩy người ta đi tìm bù trừ. Tuy nhiên từ những cám dỗ và căng thẳng đó, linh mục có thể lớn lên và trưởng thành hơn trong tình cảm, phát huy tình phụ tử linh mục và đức ái mục tử.
  • Giảm sút lòng nhiệt thành tông đồ và dấn thân trong mục vụ : sau một thời gian hoạt động, bắt đầu xuất hiện sự mệt mỏi, sức khỏe sa sút, mất hứng thú, những va chạm, thất vọng hay vỡ mộng, vì nhàm chán hoặc vì thay đổi các điều kiện văn hóa xã hội.
Để giúp linh mục vượt thắng những nguy cơ nói trên, ngoài những phương thế đạo đức truyền thống, Ratio nhấn mạnh tới tình huynh đệ linh mục phát xuất từ bí tích Truyền chức (x. Ratio, số 87). Để sống tình huynh đệ bí tích cách cụ thể, những hình thức sau đây được nhấn mạnh cách đặc biệt :
  • Gặp gỡ huynh đệ, để cầu nguyện và chia sẻ Lời Chúa (Lectio divina), để học hỏi về một đề tài thần học hay mục vụ, chia sẻ kinh nghiệm mục vụ ;
  • Xưng tội hoặc bàn việc linh hướng với nhau để giúp nhau nhận ra căn nguyên của những vấn đề và tìm ra phương thế để vượt qua;
  • Tĩnh tâm chung để gặp Chúa và nhìn lại đời sống ;
  • Dùng bữa chung với nhau, để hiểu biết nhau và lắng nghe nhau;
  • Thực hiện một hình thức sống chung với nhau, trong đó có cầu nguyện chung, suy gẫm Lời Chúa chung, chia sẻ hoạt động mục vụ với nhau. Đời sống chung cũng nhằm nâng đỡ sự quân bình tình cảm và giúp hiệp thông với giám mục ;
  • Tham gia các hiệp hội linh mục. Các hiệp hội này nhằm cổ võ sự hợp nhất trong linh mục đoàn và hiệp thông với giám mục, giúp nhau nên thánh hơn, nhiệt thành hơn trong sứ vụ và dấn thân hơn trong hoạt động truyền giáo.
  1. Những điểm nhấn
Ứng sinh linh mục “tựa như viên kim cương thô, cần mài giũa cẩn thận và kiên trì, với sự tôn trọng các lương tâm, để viên kim cương chiếu sáng giữa lòng Dân Chúa” (Ratio, Dẫn nhập, số 1).
Ratio tổng hợp các chỉ thị đã có trước của Hội Thánh về việc đào tạo linh mục. Tuy nhiên, có thể nhận ra ít điểm được nhấn mạnh đặc biệt.
Ratio nhấn mạnh tới đào tạo phẩm chất của con người linh mục. Việc đào tạo trong chủng viện không phải là cung cấp kiến thức để các chủng sinh trở thành công nhân viên chức của Hội Thánh, trái lại, đó là một tiến trình đào tạo các mục tử. Vì thế, như đã nói trên, các giai đoạn trong chủng viện đã được đổi tên gọi : từ thời kỳ “đào tạo thành môn đệ”, sang thời kỳ “đồng hình đồng dạng với Đức Kitô”, rồi tới thời kỳ “tổng hợp ơn gọi”. Suốt cuộc đời, từ thời làm chủng sinh đến khi đã là linh mục, lúc nào người ta cũng là môn đệ, với ước muốn được đồng hình đồng dạng với Đức Kitô để thi hành thừa tác vụ của người mục tử (x. Ratio, số 57).
Đào tạo linh mục là đào tạo những người môn đệ Đức Kitô biết lắng nghe Lời Chúa, biết gắn bó với Chúa và quảng đại đi theo Chúa, biết hoán cải liên tục từng ngày để ngày càng trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa, mang lấy thái độ tự hiến của Chúa để hiến mình vì đoàn chiên và nhiệt thành loan báo Tin Mừng. “Linh mục không được coi thừa tác vụ của mình như là một lô các việc phải làm hoặc các chuẩn mực phải tuân giữ, nhưng phải cố gắng để làm cho đời mình thành một «nơi» đón nhận và lắng nghe Thiên Chúa và lắng nghe anh chị em mình” (Ratio, số 120).
Vì nhằm đào tạo những mục tử ưu tuyển cho Hội Thánh, nên cần thận trọng ngay từ giai đoạn tuyển chọn ứng sinh :
“Cần xét xem người này có ở gần Chúa không, có là người lành mạnh không, quân bình không, có khả năng trao hiến cuộc đời và loan báo Tin Mừng không, có khả năng đào tạo một gia đình và đồng thời từ chối đời sống gia đình để theo Chúa Giêsu không. Ngày nay chúng ta có rất nhiều vấn đề, trong nhiều giáo phận, vì một vài giám mục đã sai lầm khi nhận những người đã bị các chủng viện khác hay hội dòng khác trục xuất, với lý do đang thiếu linh mục. Làm ơn ! xin đừng làm như thế ! Chúng ta phải nghĩ tới thiện ích của Dân Chúa” (ĐGH Phanxicô, Diễn từ ngày 3-10-2014)
Chiều kích nhân bản
Điều đáng ghi nhận là Ratio nhấn mạnh nhiều đến tầm quan trọng của chiều kích nhân bản : “đức tính nhân bản” (số 16, 19, 146, 189, 206), “trưởng thành nhân bản” (số 18, 64, 137), “chiều kích nhân bản” (số 62, 89, 93, 137).
Kinh nghiệm cho thấy những trì trệ trong hành trình nên thánh hay những trục trặc trong đời hoạt động mục vụ rất nhiều khi phát xuất từ những lệch lạc hoặc bất cập trong đời sống nhân bản. Không thể coi nhẹ chiều kích nhân bản. Theo tâm lý, các thói quen tạo nên lối sống, rồi chính lối sống định hình tính cách của một người, và cuối cùng, tính cách của mỗi người quyết định sự thành công hay thất bại trong cuộc sống. Không thể có đời sống thánh thiện hoặc có những tương giao mục vụ tốt đẹp nếu không khởi đầu từ đời sống nhân bản.
Ratio nói đến tầm quan trọng của lịch sử mỗi người[1]. Lịch sử đời người không phải chỉ là những sự việc riêng lẻ hay biến cố xảy ra rời rạc ; trái lại, đó là những biến cố xảy ra trong sự liên hệ nội tại với toàn thể cuộc sống, là kết quả của những nguyên nhân gần hoặc xa, và đến lượt mình, các biến cố ấy lại là nguyên nhân đưa đến các hành vi khác về sau. Điều quan trọng là phải biết đọc lịch sử, biết “phân định lịch sử” dưới ánh sáng của Chúa Thánh Thần.
Đời sống của chủng sinh và linh mục ví như trận bóng đá : thời kỳ huấn luyện là nền tảng và quan trọng để trở thành cầu thủ bóng đá ; sau đó mỗi trận bóng đều là những kinh nghiệm quí báu cho các trận bóng về sau. Do đó, cần phải có “sự trưởng thành nội tâm để trở thành người của sự phân định nhờ đó họ biết đọc các biến cố trong cuộc đời mình với ánh sáng của Chúa Thánh Thần, và biết chọn lựa, quyết định, và hành động theo thánh ý Thiên Chúa” (Ratio, số 43).
Chiều kích thiêng liêng
Điều đáng ghi nhận là Ratio nhấn mạnh tới đào tạo con người nội tâm. Không được bằng lòng với bề ngoài đạo đức, phụng vụ phô trương, hư danh, giữ kỷ luật nghiêm túc hoặc bảo vệ giáo lý chính thống (x. Ratio, số 42). Đời sống nội tâm hệ tại ở chỗ sống kết hợp liên lỉ với Chúa, sống theo tinh thần Phúc Âm và ngoan ngoãn dễ dạy đối với Chúa Thánh Thần (x. số 46, 101, 111), và ngoan ngoãn dễ dạy với người hướng dẫn (x. số 58, 77, 107, 132). Người sống nội tâm là người biết đọc các dấu chỉ dưới ánh sáng của Chúa Thánh Thần để làm theo ý Thiên Chúa, phân định các dấu chỉ và biến cố để nhận ra ơn gọi và sống ơn gọi. Đây là điều rất quan trọng nên Ratio nhắc đi nhắc lại việc phân định 38 lần[2].
“Chăm lo mục vụ cho các tín hữu đòi linh mục phải có sự đào tạo và sự trưởng thành nội tâm vững chắc. Linh mục không thể chỉ bằng lòng với vẻ ngoài đạo đức, tựa như lớp dầu bóng, hoặc vâng phục bề ngoài, tuân giữ các nguyên tắc trừu tượng. Trái lại, ngài được mời gọi hành động với sự tự do nội tâm. Điều đó đòi ngài từng ngày nội tâm hóa tinh thần Phúc Âm, nhờ mối tương quan bạn hữu kiên trì và cá vị với Đức Kitô, tới độ thông dự vào tâm tình và thái độ của Ngài.” (Ratio, số 41)
Chiều kích mục vụ
Ratio nhấn mạnh đặc biệt đến tinh thần truyền giáo, lòng hăng say truyền giáo. Hai đặc tính môn đệ và thừa sai được ghép chung : môn đệ thừa sai, linh mục thừa sai. Sứ mạng của linh mục là truyền giáo[3].
Việc đào tạo để thi hành sứ vụ truyền giáo không có gì là mới. Cái mới hệ tại ở chỗ cho thấy người môn đệ tự bản chất đã là thừa sai, và các chủng sinh đã sống kinh nghiệm môn đệ-thừa sai ngay từ trong chủng viện ; rồi trong suốt quá trình đào tạo, tâm hồn của người môn đệ thừa sai biến đổi dần thành trái tim của mục tử nhân hậu. Như vậy không phải chờ cho đến cuối thời kỳ học tập chủng sinh mới là người truyền giáo, trái lại, ngay từ chủng viện, họ đã là thừa sai, nhất là khi thực tập tại các giáo xứ và trong các hoạt động tông đồ. Rồi một khi đã là linh mục, họ càng phải làm triển nở tính cách môn đệ thừa sai trong lối sống đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu.
Những người có khuynh hướng đồng tính
Một vấn đề thời sự được Ratio đưa ra những chỉ dẫn rõ ràng, đó là vấn đề đồng tính (x. số 199-201). Cần phân biệt hai trường hợp :
  • Những người có hành vi đồng tính, có khuynh hướng đồng tính sâu xa, chủ trương đồng tính : họ không thể tiến tới chức linh mục, vì họ rất khó thiết lập tương giao đúng đắn với người nam và người nữ, và sẽ gây ra nhiều hậu quả tai hại nếu làm linh mục.
  • Những người có khuynh hướng đồng tính trong một giai đoạn ngắn, chẳng hạn lúc còn trẻ khi chưa được giáo dục giới tính : họ có thể tiến tới chức linh mục, với điều kiện trước khi lãnh phó tế, họ phải hoàn toàn vượt qua được ít là trong ba năm.
Dù là trường hợp nào, các chủng sinh phải thành thật cởi mở với cha linh hướng và những nhà đào tạo, và tuyệt đối không được che giấu để tiến tới chức thánh.
Bảo vệ người yếu thế
Một vấn đề thời sự khác được Ratio lưu ý đặc biệt, đó là việc bảo vệ người yếu thế (x. số 202), tức là trẻ vị thành niên hoặc ngay cả những người trưởng thành dễ bị tổn thương. Cần có những khoá học trong chủng viện và cả trong việc đào tạo trường kỳ cho các linh mục, để loại trừ việc ấu dâm, khai thác trẻ em lao động.
Không được nhận vào chủng viện những người đã gây ra tội phạm liên quan tới vấn đề này. Ngoài ra phải luôn luôn đứng về phía các nạn nhân, chăm sóc bảo vệ họ.
+ Giuse Nguyễn Năng
 
[1] Ratio số 27, 43, 69, 94, 120 note, 130.
[2] Xem Ratio Dẫn nhập 3, số 13, 14, 24, 27, 28, 4 lần trong số 43, 44, 48, 54, 59 note, 60, 88, 93, 119, 2 lần trong số 120, 125, 126, 2 lần trong số 128, 134, 136, 141, 152, 153, 170, 174, 178, 189 note, 192, 194 note, 197, 198, 199 note, 204,
[3] Xem Ratio số 3, 33, 44, 54, 61, 69, 88, 4 lần trong số 91, 113, 123, 157.