Như thế nào gọi là đời sống thánh hiến?

05/12/2021
1108


Tên các tài liệu viết tắt:

  • LG: Lumen Gentium, Hiến Chế Tín Lý Về Giáo Hội, năm1964.
  • PC: Perfectae Caritatis, Sắc Lệnh Về Việc Thích Nghi Canh Tân Đời Sống Tu Trì, 1965.
  • ET: Evangelica Testificatio, Tông Huấn Chứng Tá Phúc Âm, 1971.
  • EN: Evangelii Nuntiandi, Tông Huấn Loan Báo Tin Mừng, 1975
  • RD: Redemptionis Donum, Tông Huấn Hồng Ân Cứu Chuộc,1984.
  • VC: Vita Consecrata, Tông Huấn đời sống thánh hiến, 1996.

 Dẫn nhập

Từ sau cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất (1914-1918) và thứ hai (1939-1945), phải thừa nhận rằng nhiều lãnh vực của đời sống bị thay đổi. Một trong những đổi thay đó là phong trào tục hóa càng ngày càng ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống tôn giáo. Đời sống tu trì cũng không miễn nhiễm với trào lưu tục hóa này. Do đó, một trong những nhiệm vụ của Công Đồng Vaticanô II (1962-1965) là đưa ra đường hướng để Giáo hội có thể vừa hội nhập vào xu hướng mới, vừa giữ được căn tính của mình trước những trào lưu tục hóa[1] đang tấn công ở nhiều nơi, nhất là ở Châu Âu.

Ngoài trào lưu tục hóa, phong trào đòi tự do khởi đi từ cuộc cách mạng Pháp[2], chủ nghĩa Cộng sản và nhiều lý thuyết (nhất là tâm lý) tấn công trực tiếp vào thực thể các dòng tu. Đã có những dấu hiệu khủng hoảng về căn tính đời tu. Như là một cách trở về nguồn, hầu hết các tài liệu của Giáo hội về đời tu đều nhấn mạnh rằng đời sống tu trì là đời sống thánh hiến cho Thiên Chúa và phục vụ anh chị em trong lòng Giáo hội. Từ ý hướng này, chúng ta có thể thấy vài điểm quan trọng mà hầu hết các văn kiện của Giáo hội chỉ ra: 1) Ý nghĩa của thuật ngữ; 2) Một trái tim không chia sẻ; 3) Ba lời khấn dòng; và 4) Sứ mạng tông đồ.

1. Thuật ngữ đời sống thánh hiến

Nên thánh là lời mời gọi của Thiên Chúa dành cho hết thảy mọi người. Do đó ngay trong những tài liệu đúc kết của Công đồng đã cho thấy ơn gọi nên thánh là ơn gọi phổ quát. Bởi “Thiên Chúa muốn làm cho họ thành một dân tộc để họ nhận biết Ngài trong chân lý và phụng sự Ngài trong thánh thiện.” (LG 9, 10, 30, 43-46). Như thế mọi Kitô hữu đều được kêu gọi trở nên trọn lành (x. Mt 5, 48). Công đồng Vaticanô II cũng đã khẳng định mọi Kitô hữu đều được kêu gọi nên thánh trong bậc sống của mình và có nhiều con đường để nên trọn lành (x. LG 11, 42), chứ không chỉ qua việc giữ các lời khuyên Phúc âm. Ở đây, chúng ta hãy tập trung vào ơn gọi nên thánh dành cho các tu sĩ. Theo đó ngay khi mở đầu một văn kiện quan trọng liên quan đến đời tu Perfectae Caritatis (1965), Công đồng Vaticanô II liền đề cập đến thuật ngữ “đời sống thánh hiến – the consecrated life”. (PC, 1).

Trong Kinh Thánh, danh từ “thánh” tiếng Do thái là קָדֵשׁ – (kadesh: sacred, holy, saint), được dịch sang tiếng Hy lạp là ἅγιος-hagios, có nghĩa là việc tách ra khỏi những gì là phàm tục, hoặc giúp người ta trở nên gần với Đấng Thánh. Như thế “thánh” là những gì thuộc về thần linh. Chẳng hạn khi Đức Giêsu cầu nguyện cho các môn đệ, Ngài thưa với Chúa Cha rằng: “Xin Cha lấy sự thật mà thánh hiến họ – ἁγίασον αὐτοὺς ἐν τῇ ἀληθείᾳ.” (Ga 17,17). Theo đó, không chỉ sự thật giúp người môn đệ nên thánh, nhưng chính Thiên Chúa tách họ ra khỏi thế gian. Thật đẹp biết bao khi chính thầy Giêsu cũng ước mong rằng: “Lạy Cha, con muốn rằng con ở đâu, thì những người Cha đã ban cho con cũng ở đó với con.” (Ga 17,24).

“Thánh” là từ đặc biệt chỉ phẩm tính của Thiên Chúa, của Ba Ngôi (Is 1,4; Oz 11,9; Ga 6,69). Do đó những gì hoặc những ai thuộc về Thiên Chúa thì cũng được gọi là thánh (Mc 8,38; Dnl 7,6). Như thế khi hiểu tu sĩ là những người bước theo Đức Giêsu (Sequela Christi: PC 5, VC 1, 36-37,52,64,85) thì toàn bộ đời sống của họ, nhờ Đức Giêsu, được gọi là đời sống thánh hiến. Trong việc theo Đức Giêsu, đời sống thánh hiến được tháp nhập vào mầu nhiệm của chính Đức Giêsu và Chúa Ba Ngôi. Có thể nói vì đời sống thánh hiến là sáng kiến (VC17-18) và là món quà (PC 14) nhưng không của Thiên Chúa dành cho người tu sĩ, nên họ được mời gọi tách ra khỏi những gì là phàm tục, tội lỗi. Hoặc nói đúng hơn, khi họ càng dấn thân sâu vào mối tương quan với Thiên Chúa, đời sống của họ càng trở nên thánh thiện hơn. Hay nói như giáo hoàng Phaolô VI: “Người tu sĩ đã cung hiến toàn thể cuộc đời để làm tôi tớ Thiên Chúa và sự cung hiến ấy đã thực sự tạo nên một sự thánh hiến đặc biệt, ăn rễ sâu trong sự thánh hiến của ngày chịu phép rửa tội, đồng thời biểu lộ sự thánh hiến này cách trọn hảo hơn” (PC5).

Như thế, nội hàm của đời sống thánh hiến không chỉ là việc người tu sĩ dâng hiến đời mình cho Thiên Chúa, nhưng còn là sứ mạng họ nhận được từ Thiên Chúa. Trong đời sống này, người tu sĩ nên chứng tá và dấu chỉ cho thấy thực tại Nước trời. Cả cuộc đời người tu sĩ là thánh, tức là nên giống cuộc đời Đức Giêsu (qua ba lời khấn x. Giáo Luật 573§1; EE 4,7) và sống cho lý tưởng Nước Trời.

2. Một trái tim không chia sẻ

Một khi nói đến đời sống thánh hiến, các tài liệu Công đồng đều nhìn nhận rằng đời sống của các tu sĩ là thánh hiến cho Thiên Chúa. Như vậy người tu sĩ thuộc về một ơn gọi đặc thù, nghĩa là trái tim, cuộc đời của họ chỉ dành trọn vẹn cho Thiên Chúa. Họ sống cho lý tưởng chỉ hướng về Thiên Chúa. Như thế có thể hiểu định nghĩa rằng: “Tu sĩ là những người tận hiến cho Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô, để được thuộc về Người cách độc chiếm” (RD 7). Càng dấn thân sâu trong đời sống tu trì, họ càng được mời gọi để thuộc trọn về Thiên Chúa. Cũng giống như Đức Giêsu thuộc trọn về Chúa Cha, người tu sĩ cũng được mời gọi để theo đuổi chỉ một mình Thiên Chúa mà thôi. Ngoài Thiên Chúa ra, người tu sĩ không bám víu vào một đối tượng hoặc một người nào khác. Nói cách khác, người tu sĩ là người mang “một trái tim không chia sẻ”.

Thuật ngữ “một trái tim không chia sẻ” này được nhắc đến đầu tiên trong Tông huấn Evangelica Testificatio (Chứng tá Phúc âm, 1971) của Đức Giáo hoàng Phaolô VI: “Có những con người kiên tâm tìm kiếm Thiên Chúa và hiến dâng cho Đức Kitô một mối tình không chia sẻ và triệt để tận tuỵ với công việc mở Nước Chúa” (ET 3). Thực ra chính trong Kinh Thánh, thánh Phaolô định nghĩa thật hay về những ai bước theo đức Giêsu trong đời sống độc thân hoặc tu trì: “Đàn bà không có chồng và người trinh nữ thì chuyên lo việc Chúa, để thuộc trọn về Người cả hồn lẫn xác, nghĩa là họ tự hiến cho Chúa với một trái tim không chia sẻ” (x. 1 Cr 7,34). Chúng ta cũng gặp lại tư tưởng này trong Vita Consecrata, trong đó Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nhắc lại tính quyết liệt và căn cốt của đời sống tu trì là cả tâm hồn và thân xác đều dâng cho Thiên Chúa (VC 1,21,104). Khi thuộc trọn về Thiên Chúa, người tu sĩ trở nên chứng tá cho Tin Mừng. Theo cách này, người tu sĩ tuy sống trong thế gian, nhưng không thuộc về thế gian. Thiên Chúa chính là “người yêu” của họ. Đời sống người tu sĩ chính là chứng tá Tin Mừng trước một thế giới đang bị tục hóa.

Sau khi nhắc lại ý tưởng của Đức Giáo hoàng Phaolô VI, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã phân tích về ý nghĩa thần học của đời tu. Ngài cho rằng việc dâng hiến là hành vi của trái tim không chia sẻ, nghĩa là “phản ảnh của tình yêu vô biên đang nối kết Ba Ngôi Vị Thần Linh trong chiều sâu nhiệm mầu của đời sống Ba Ngôi; tình yêu mà Ngôi Lời nhập thể làm chứng cho đến hy sinh mạng sống; tình yêu đã được đổ vào lòng chúng ta nhờ Thánh Thần (Rm 5,5), tình yêu thúc bách chúng ta đáp trả với trọn tình thương dành cho Thiên Chúa và anh em” (VC 21). Chính trong tương quan tình yêu thần linh này, cuộc đời người tu sĩ được gọi là thánh hiến. Điều thách đố hơn mà Đức Giáo hoàng nhắc đến ở đây chính là người tu sĩ cần yêu mến Thiên Chúa với một trái tim không san sẻ, với trọn cả cuộc đời. Điều này đòi hỏi người tu sĩ cần hội nhất trong đời sống và làm mới tương quan với Thiên Chúa mỗi ngày.

Trung thành với Thiên Chúa là điều căn cốt mà người tu sĩ cần thực hiện. Điều này làm nên nét đẹp của đời sống thánh hiến. Phải nhìn nhận thực tế rằng lời mời gọi này luôn có những thách đố mà nhiều tu sĩ không thể giữ trọn. Chẳng hạn thật khó để vừa dành trọn trái tim cho Thiên Chúa, đồng thời vừa dành tình yêu cho từng con người cụ thể. Trong sự giằng co giữa hai điều này, đôi khi ranh giới thật mong manh. Dẫu sao đây là lời khích lệ danh cho những người sống đời thánh hiến: “Khi bước theo Đức Kitô trên đường ’chật… và hẹp’ (Mt 7,14), các con cảm nghiệm được một cách phi thường rằng ơn cứu chuộc nơi Người chan chứa.” (RD 1).

3. Ba lời khuyên phúc âm làm nên đời thánh hiến

Chúng ta dễ dàng nhận ra việc dâng hiến trọn vẹn cho Thiên Chúa qua ba lời khấn dòng. Các lời khấn làm nên căn tính của người tu sĩ. Hơn thế nữa, đó còn là “giao ước tình yêu” (PC 8). Nói cách khác, với tự do và tình yêu, người tu sĩ khấn hứa, tuyên thệ rằng họ từ nay thuộc trọn về Thiên Chúa trong việc sống đức khiết tịnh, vâng lời và khó nghèo. Khi hướng dẫn canh tân đời sống tu trì, Đức Giáo hoàng Phaolo VI viết: “Nhờ tuyên khấn các con đã tận hiến cho Thiên Chúa qua thừa tác vụ của Hội Thánh, và đồng thời các con được gia nhập vào gia đình dòng tu của các con.” (PC 7)

Về lời khấn vâng lời: Các tài liệu liên quan đến đời sống thánh hiến đều nhắc đến ba lời khấn. Tùy vào hoàn cảnh và mục đích mà mỗi tài liệu nhấn mạnh đến lời khấn nào. Chẳng hạn đứng trước thách đố của thời đại mà Công Đồng Vaticanô II có thể nhìn thấy, Giáo hội mời gọi tu sĩ tiếp tục canh tân đức vâng phục và khiết tịnh. Theo đó “việc phụng sự Thiên Chúa như thế phải hối thúc và nung đúc họ thực hành các nhân đức, nhất là đức khiêm nhượng và vâng lời, can đảm và khiết tịnh, nhờ những nhân đức ấy, họ tham dự vào sự tự hủy của Chúa Kitô (x. Ph 2,7-8) và đồng thời vào sự sống của Người trong tinh thần.” (x. Rm 8,1-13). Chắc hẳn người ta chẳng thể hiểu hết tại sao người tu sĩ lại phải vâng lời bề trên. Họ càng khó hiểu về việc người tu sĩ sống độc thân, khiết tịnh. Đó là những thách đố không nhỏ cho chính người tu sĩ. Nhớ lại trong những thập niên này, phong trào đòi tự do, giải phóng lan rộng khắp nơi. Người ta không muốn chịu lệ thuộc vào những luật lệ hoặc ý thức hệ khiến họ cảm thấy không còn tự do nữa.

Trước những áp lực thực tế trên đây, Công đồng hướng dẫn các Dòng tu để vừa tìm được câu trả lời trước thời đại, vừa tìm được ý nghĩa của lời khấn này. Perfectae Caritatis nhấn mạnh đến điểm chính để vâng phục: “Tự nguyện trong tinh thần tin kính và yêu mến đối với thánh ý Chúa” (PC 14), và Vita Consecrata sau đó bổ sung thêm một điểm quan trọng: “Vâng phục và tự do không mâu thuẫn với nhau” (VC 91).

 Về đời sống khiết tịnh: Perfectae Caritatis đưa ra một định nghĩa tuyệt vời: Ðức khiết tịnh “vì nước Trời” (Mt 19,12). Như vậy khi sống nhân đức này, họ thực sự thánh hiến cho Thiên Chúa, vì Tin Mừng Nước Trời. “Đức khiết tịnh là dấu chỉ đặc biệt của kho tàng trên trời và cũng là phương tiện thích hợp nhất cho các tu sĩ hân hoan hiến mình phụng sự Thiên Chúa và làm việc tông đồ” (PC 12). Tài liệu Vita Consecrata cũng lặp lại ý tưởng này: “Bằng lời khấn khiết tịnh vĩnh viễn vì Nước Thiên Chúa, những người ấy tự hiến mình theo thân phận hiện tại để sống đời cầu nguyện và phục vụ Giáo hội” (VC 7). Như vậy cả hai tài liệu này cho thấy lời khấn khiết tịnh đòi hỏi các tu sĩ dành trọn cả cuộc đời cho Thiên Chúa và cho các linh hồn. Đây là một thách đố không nhỏ, nhất là thời gian sau Công Đồng Vaticanô II. Đã xuất hiện nhiều phong trào đòi nới lỏng[3] những đòi hỏi của lời khấn này. Trước trào lưu tục hóa và cả những nghi ngờ liệu người tu sĩ có thể sống độc thân suốt đời, Giáo hội cho thấy đây là một ơn, và cũng cần nỗ lực từ phía người tu sĩ. “Quả thế, một điều mà Giáo hội vốn hằng dạy là tính ưu việt của đức khiết tịnh toàn hảo vì Nước Trời (VC 63), và có lý khi coi đó như là “cánh cửa” của đời thánh hiến” (VC 32). Với kinh nghiệm cá nhân, tôi thấy lời khấn này cho thấy rõ nét nhất thế nào là đời sống thánh hiến: Dâng hiến cả thân xác và tâm hồn mình cho một mình Thiên Chúa.

Về lời khấn khó nghèo: Đứng trước sự tàn phá của hai cuộc thế chiến, Giáo hội tiếp tục mời gọi các tu sĩ không chỉ cần chăm sóc những người nghèo, nhưng chính đời sống người tu sĩ cũng là gương sáng về sự khó nghèo. Chẳng hạn, Giáo hội mời gọi các tu sĩ nghe được “tiếng kêu la của người nghèo”, để giúp đỡ họ bằng những phương thức như lao động, chia sẻ huynh đệ. Chính trong bối cảnh này, đời sống khó nghèo của tu sĩ giúp họ đến gần với Thiên Chúa và tha nhân hơn. Cùng với ý hướng này, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II tiếp tục khuyến khích các tu sĩ “dấn thân để phát huy tình liên đới và bác ái” (VC 89). Khi hướng dẫn các dòng tu cải cách về đức khó nghèo, Giáo hội nhấn mạnh rằng “khó nghèo trong đời tu dòng không chỉ hạn hẹp trong sự lệ thuộc Bề Trên khi sử dụng của cải, nhưng là phải nghèo khó trong thực tế và trong tinh thần để chỉ lo thu tích một kho tàng trên trời (x. Mt 6,20).”

Ba lời khấn này dường như lúc nào cũng gặp thách đố, bởi chúng đi ngược lại với tinh thần thế gian và những đòi hỏi tự nhiên của bản thân. Về tinh thần thế gian, ngoài trào lưu tục hóa, sau công đồng Vaticano II, Giáo hội nhận thấy văn hoá hưởng thụ đang tác động trực tiếp đến lời khấn khiết tịnh và khó nghèo. Tính dục như món hàng trao đổi, người ta tôn thờ bản năng tính dục, v.v. Bên cạnh đó, chủ nghĩa vật chất, thèm khát chiếm hữu, dửng dưng với những nhu cầu và đau khổ của những người yếu đuối, không tôn trọng tài nguyên thiên nhiên có xu hướng ngày càng rõ nét. Thái độ tôn thờ tiền bạc hay của cải và lối sống ích kỷ cũng tác động đến người tu sĩ. Sau cùng, những quan niệm về tự do, muốn tách rời đặc trưng cơ bản nhất của con người ra khỏi tương quan với chân lý và quy tắc luân lý (VC 91) đã tấn công trực tiếp vào lời khấn vâng phục. Về đòi hỏi của bản thân, ba lời khấn vốn đi ngược lại những xu hướng tự nhiên của con người. Là tu sĩ, dĩ nhiên xu hướng ấy không mất đi, thậm chí còn thôi thúc người tu sĩ phải tìm cách thỏa mãn. Ở điểm này, chúng ta thấy người tu sĩ thánh thiện thực sự là người dám dâng hiến cả những gì là sâu thẳm và quý giá nhất của họ cho Thiên Chúa. Đó thực sự là cuộc tử đạo mỗi ngày.

Thật may khi Giáo hội kịp thời thẳng thắn nhìn nhận những thách đố trên để đưa ra những hướng dẫn và canh tân đời sống tu trì. Trong đường hướng này, mẫu số chung là Giáo hội mời gọi các tu sĩ tiếp tục can đảm trở nên chứng tá cho Tin Mừng Nước Trời, cương quyết dấn mình vào đời sống tâm linh, lắng nghe Lời Thiên Chúa và trung thành với đặc sủng của dòng tu của mình (VC 109). Tuy cần phải thích nghi, nhưng Giáo hội vẫn mời gọi các dòng tu phải giúp các tu sĩ bước theo Chúa Kitô và kết hợp với Thiên Chúa nhờ khấn giữ các lời khuyên Phúc Âm, dấn thân phục vụ Giáo hội (PC 2). Sau cùng, thay mặt Giáo hội, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI khuyến khích tất cả các tu sĩ hãy nhờ đức tin trọn hảo, đức mến Chúa yêu người, lòng mến thánh giá và niềm cậy trông vinh quang đời sau mà truyền bá Phúc Âm Chúa Kitô trên toàn thế giới, để mọi người thấy dấu chứng của họ và ngợi khen Cha chúng ta trên trời (PC 25).

4. Đời sống thánh hiến trong sứ mạng tông đồ

“Được thánh hiến và được sai đi” là hai chiều kích làm nên đời tu, đời thánh hiến. Cũng như Đức Kitô được thánh hiến và sai vào thế gian thế nào (Ga 10,36), người tu sĩ cũng được được thánh hiến cho sứ mạng, được sai đi vào đời để phục vụ tình yêu như vậy.[4] Người tu sĩ thực hiện sứ mạng tông đồ với tư cách là môn đệ của Đức Giêsu. Họ nhân danh Đức Giêsu và chỉ tìm một mục đích là cho vinh danh Chúa hơn, nhất là trong việc giúp đỡ các linh hồn trở về với Thiên Chúa. Nếu như người tu sĩ cam kết trọn đời dâng hiến cho Thiên Chúa, và để Thiên Chúa thánh hiến cuộc sống của họ, thì lời cam kết ấy cũng được áp dụng cho sứ mạng (VC 72). Giáo hội muốn các tu sĩ hiểu rằng đời thánh hiến là để tỏ bày tình yêu Thiên Chúa trong thế giới. Cụ thể, “đời thánh hiến nhận lãnh sứ mạng ngôn sứ là nhắc nhở và phục vụ ý định của Thiên Chúa đối với loài người” (VC 73). Hơn thế nữa, người tu sĩ còn được mời gọi “yêu thương con người trong sứ mạng với trái tim của Đức Kitô, Đấng mà họ thuộc trọn về” (VC 75).

Như vậy, thế giới sẽ ra sao nếu không có các tu sĩ? Đó là câu hỏi mà Giáo hội muốn khẳng định vai trò rất quan trọng của các tu sĩ.[5] Đời sống của Giáo hội, và của cả xã hội nữa, đang cần những người dám dâng hiến trọn vẹn cho Thiên Chúa và cho tha nhân vì lòng mến Thiên Chúa (VC 105). Trước những phong trào tục hóa và chống đối Giáo hội, đời sống thánh hiến như dấu chỉ sống động và “đóng góp phần độc đáo của các con vào sự biến hình của thế giới” (VC 110). Theo đó, ngay từ tài liệu hướng dẫn cải cách các dòng tu, một mặt Giáo hội muốn đưa các dòng tu trở về nguồn, về đặc sủng linh đạo của vị sáng lập. Mặt khác, Giáo hội muốn các tu sĩ dấn thân vào những môi trường rất đặc thù để cho vinh danh Thiên Chúa hơn. Chẳng hạn những ai sống đời chiêm niệm, họ hãy “hoàn toàn chuyên lo chiêm niệm”. “Họ dâng lên Thiên Chúa hy lễ chúc tụng tuyệt hảo, làm vẻ vang dân Thiên Chúa bằng những hoa trái thánh thiện dồi dào, lấy gương lành lôi cuốn và làm cho dân ấy thêm lớn mạnh bằng việc tông đồ tuy âm thầm nhưng phong phú” (PC 7). Những dòng dấn thân làm việc tông đồ, “các tu sĩ trước hết đáp lại ơn kêu gọi của họ là theo Chúa Kitô, và phục vụ chính Chúa Kitô trong các chi thể của Người” (PC 8).

Dưới những hướng dẫn rất nền tảng của Perfectae Caritatis, những tài liệu sau đó cho thấy chi tiết hơn. Chẳng hạn, Vita Consecrata cho thấy sứ mạng của người tu sĩ được thông phần vào sứ mạng của Đức Kitô. (VC18), Ngài cũng muốn chúng ta chia sẻ sứ mạng của Ngài[6]. Ở đây Giáo hội khuyến khích các Dòng tu không chỉ dấn thân trong sứ mạng truyền giáo, loan báo Đức Kitô cho muôn dân (VC 77). Hơn nữa, vì tu sĩ đang hiện diện ở khắp mọi nơi (VC 78), nên sứ mạng đặc biệt này cũng cần được diễn tả ngay các thực tại trần thế, nhằm quy hướng các trật tự trần thế theo ý Thiên Chúa (VC 32). Dù ở đâu, Giáo hội đều mời gọi tu sĩ trở nên chứng nhân cho con người hôm nay. “Sứ mạng của đời tận hiến càng trở nên hùng hồn và hữu hiệu hơn; đó là nhắc nhở cho các anh chị em khác hãy đưa mắt chăm chú tìm kiếm hòa bình tương lai, và cố gắng đạt tới hạnh phúc vĩnh viễn ở bên Thiên Chúa.”

“Người đương thời sẵn sàng lắng nghe những nhân chứng hơn là những thầy dạy, hoặc nếu họ có nghe thầy dạy, thì bởi vì chính thầy dạy cũng là những nhân chứng” (EN 41). Như vậy đời sống thánh hiến của người tu sĩ là một lợi thế để thực thi sứ mạng tông đồ của Giáo hội. Một khi kết thân đủ sâu, có kinh nghiệm đủ mạnh về Thiên Chúa, và dâng trọn cho Thiên Chúa, cuộc sống của người tu sĩ chắc chắn sẽ là lời chứng mạnh mẽ cho con người thời đại. Họ quảng đại cho đi không tính toán, vì lòng yêu mến Chúa và các linh hồn (VC 104). Giáo hội dạy rằng trên hành trình làm chứng và loan báo Tin Mừng trong từng sứ mạng tông đồ cụ thể, “Các con [người tu sĩ] không những phải nhớ và kể lại một lịch sử huy hoàng, mà còn phải kiến tạo một lịch sử vĩ đại nữa! Hãy hướng về tương lai, tới chỗ mà Thánh Thần đang sai các con đi để cùng với các con làm những việc trọng đại” (VC110).

Tạm kết

Trước thực trạng con số tu sĩ trên toàn thế giới đang giảm mạnh, các hướng dẫn và khuyến khích của Giáo hội về đời tu vẫn còn nguyên giá trị. Thay vì tiêu cực khi nhìn về tương lai, Đức Giáo hoàng Phanxicô vẫn nhắc các tu sĩ sống vui đời hiện tại. Dù trong hoàn cảnh nào, “Đây là lý do chúng ta hy vọng: Thiên Chúa không bao giờ mỏi mệt chờ đợi chúng ta. Khi chúng ta xa cách Chúa, Người đến tìm chúng ta; khi chúng ta ngã xuống đất, Người nâng chúng ta dậy.”[7] Đây là cuộc sống thánh hiến trong tự do, niềm vui và hy vọng.

Giáo hội luôn nhận ra những thách đố và khó khăn mà đời sống thánh hiến gặp phải. Một mặt, Giáo hội tiếp tục mời gọi người tu sĩ can đảm đối diện với chúng; mặt khác, cần tái khám phá ý nghĩa và chất lượng của đời sống thánh hiến. Điều này có nghĩa là mỗi dòng tu, mỗi người tu sĩ có nhiệm vụ quan trọng trong việc chăm sóc cho đời thánh hiến của chính mình ngay từ lúc này[8].

Giuse Phạm Đình Ngọc SJ

https://dongten.net/2021/12/05/nhu-the-nao-goi-la-doi-song-thanh-hien/

……………………

[1] Đọc thêm: https://vntaiwan.catholic.org.tw/tudochanly/tudo45.htm

[2] Cách mạng Pháp (1789–1799) đem lại nguồn cảm hứng cho giới trí thức châu Âu, khiến họ tin rằng mọi người đều có thể làm cho xã hội tốt đẹp hơn. Nó đã trở thành điểm khởi đầu cho sự phát triển của tất cả các hệ tư tưởng chính trị hiện đại, dẫn đến sự ra đời và phổ biến của chủ nghĩa tự do, chủ nghĩa cực đoan, chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa thế tục, chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản và nhiều tư tưởng khác. (theo wikipedia)

[3] “Lúc này, hơn bao giờ hết tình yêu nhân loại bị đe doạ bởi một thứ: “Ái tình cuồng loạn” chúng ta phải hiểu và phải sống đức khiết tịnh với một lòng thẳng thắn và quảng đại hơn bất cứ lúc nào. Khiết tịnh là một nhân đức tích cực chứng tỏ tình yêu Chúa được đề cao hơn hết, và biểu dương một cách chói lọi và tuyệt đối mầu nhiệm kết hợp giữa Nhiệm Thể với vị Thủ Lãnh, giữa Hiền Thê với Bạn Trăm Năm muôn thuở. Sau cùng, nhờ trở nên giống Chúa Kitô một cách huyền diệu, đức khiết tịnh chi phối, biến đổi và thấm nhập vào tận ngóc ngách sâu thẳm nhất của trái tim con người (RD 13).

[4] Tông huấn Đời sống thánh hiến, số 72–75

[5] “Sứ mạng của những người sống đời thánh hiến, đang chăm sóc những con người ở ngoại biên của thế giới, cho thấy sự cống hiến của một Giáo Hội biết ra đi. Nếu như ở một số nơi có sự giảm sút về số lượng và sự vất vả vì tình trạng già nua, thì ở những nơi khác, đời sống thánh hiến vẫn tiếp tục phát triển và đầy sức sáng tạo nhờ vào việc cộng tác đồng trách nhiệm của rất nhiều giáo dân. Họ chia sẻ cùng một tinh thần và cùng một sứ mạng giữa các đặc sủng khác nhau. Giáo Hội và thế giới không thể thiếu quà tặng ơn gọi này, vì đó là một nguồn lực lớn lao cho thời đại của chúng ta.” (số 88. Người Trẻ, Đức Tin Và Phân Định Ơn Gọi. Tài liệu cuối của Thượng Hội Đồng Giám Mục về Giới Trẻ, Roma 01–28/10/2018. Bản dịch của Ủy ban Tu sĩ trực thuộc HĐGM.)

[6] Message of his holiness pope Francis for the 2018 world day of vocations.

[7] https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2021-02/dtc-phanxico-ngay-doi-song-thanh-hien.html

[8] Starting afresh from Christ: a renewed commitment to consecrated life in the third millennium. số 12-17