Loài Hoa Bé Nhỏ

19/11/2018
1634
“Tình yêu không có giới hạn, sự nhiệt tình của tình yêu vượt qua mọi biên giới. Tình yêu không là cái gì khác, mà là hoàn toàn hy sinh chính mình. Hãy tin tưởng, và tin tưởng sẽ dẫn chúng ta tới tình yêu” (Chị Thánh Teresa Hài Đồng Giêsu).

Bông hoa nhỏ

Thánh nữ Teresa (Thérèse de Lisieux) được mệnh danh là “bé nhỏ” nhưng lại có tính cách và ước muốn mạnh mẽ. Nhưng lại chẳng có gì nhỏ bé, chẳng có gì chật hẹp trong cô gái nhạy cảm này, dù cô đã khép mình trong Dòng Kín từ lúc 15 tuổi. Một lần nọ, Teresa mở lòng mình ra để Chúa Thánh Thần tác động, trái tim thánh nữ mở rộng ngay trong cảm xúc thật và tâm linh, kể cả đau khổ thể lý, cho tới khi đạt tới chiều kích đức ái của Đức Kitô.

Ngay từ đầu hành trình, Thánh Teresa đã nhận thấy ơn gọi nữ giới: “Lạy Chúa Giêsu, làm hôn thê của Ngài là làm nữ tu Dòng Kín, nhờ kết hiệp với Ngài, Người Mẹ của các linh hồn, điều này phải đủ cho con… nhưng không như thế… Con cảm thấy các ơn gọi khác nữa ở trong con… Lạy Chúa Giêsu! Với niềm khao khát của con, Ngài có đáp lại không? Hôm nay, Ngài muốn lấp đầy các ước muốn khác của con lớn hơn cả vũ trụ này”.

Phụng Vụ áp dụng lời ngôn sứ Isaia cho Thánh Teresa: “Hãy vui mừng với Giêrusalem, hãy vì Thành Đô mà hoan hỷ, hỡi tất cả những người yêu mến Thành Đô! Hãy cùng Giêrusalem khấp khởi mừng, hỡi tất cả những người đã than khóc Thành Đô, để được Thành Đô cho hưởng trọn nguồn an ủi, được thoả thích nếm mùi sung mãn vinh quang, như trẻ thơ bú no bầu sữa mẹ” (Is 66:10-11). Khát vọng của Thánh Teresa là YÊU và ĐƯỢC YÊU. Tình yêu đã được trao và ùa vào thánh nữ như một dòng sông, xâm chiếm thánh nữ như thác đổ. Thánh nữ đã dám mở chính mình ra cho những ước muốn rộng lớn, và Thiên Chúa đã ban cho thánh nữ vô hạn.

Từ lâu, nhiều người rất yêu mến Thánh Teresa, yêu mến thánh nữ như người chị, người bạn thân thiết, có người còn có thể hiểu rằng những điều nhỏ bé đó làm nên cuộc sống của họ và những điều lớn lao đối với họ tại một thời điểm nào đó, trắc nghiệm đức tin bằng tình yêu và làm cho ngọn lửa nhỏ cháy lên. Chắc là ai cũng muốn lặp lại lời hứa của thánh nữ được dịch ra rất nhiều ngôn ngữ: “Nếu Thiên Chúa thỏa mãn các ước muốn của tôi, Nước Trời của tôi sẽ có trên trái đất cho đến tận thế. Vâng, tôi muốn dành Nước Trời của tôi để làm những điều tốt lành trên trái đất này”.

Thánh Teresa như đứa trẻ còn bú sữa an bình trong vòng tay mẹ hiền: “Hồn con, con vẫn trước sau, Giữ cho thinh lặng, giữ sao thanh bình. Như trẻ thơ nép mình lòng mẹ, trong con, hồn lặng lẽ an vui” (Tv 131:2).

Thiên Chúa giấu những nhà thông thái nhưng lại mặc khải cho những con người bé mọn (Lc 10:21). Ngài chờ đợi chúng ta, không phải là ở trên đỉnh cao với triều thiên chúng ta lãnh nhận, mà chờ đợi chính chúng ta hoàn tất nhiệm vụ. Ngài chờ đợi chúng ta có trái tim nhân hậu, nơi chúng ta sa ngã vì yếu đuối, bị bầm giập, nhưng khiêm nhường, và làm cho chúng ta nên mạnh mẽ. Chúng ta sa ngã nhưng chỉ có thể ngạc nhiên phát hiện ra rằng chúng ta ở trong tình trạng đơm hoa kết trái nơi vườn của Chúa Cha. Ở đó, trong Thần Khí, Chúa Giêsu vẫn chờ đợi chúng ta, và Ngài nói: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng” (Mt 11:28-30).

Thánh Teresa học được tiếng “Cha ơi!” từ Chúa Giêsu. Bằng cách nào đó, điều đó cũng được tái sáng tạo đối với thời đại chúng ta. Trên môi miệng Thánh Teresa, tiếng “Cha ơi!” được thoát khỏi những công thức sáo rỗng bất xứng, được phát âm cho thế giới và thời đại chúng ta bằng sự mới mẻ của Phúc Âm. Nếu chúng ta không biết gì từ vị tiến sĩ 24 tuổi này, hãy cứ can đảm nói tiếng Cha theo linh hứng của Chúa Thánh Thần, cứ gọi Thiên Chúa là Cha với lòng can đảm của con người bé nhỏ, nghèo hèn, và bạo dạn đến nỗi có thể làm cho người khác cảm thấy khó chịu, tập cho quen nói lời Phúc Âm, hãy cứ tin vào tình yêu!

Giáo lý nhỏ

Thánh Phaolô nói: “Hiện nay đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là đức mến” (1 Cr 13:13). Thánh Tiến sĩ Thiên thần Tôma Aquinô nói: “Đức mến là nữ hoàng của các nhân đức”. Thánh Tiến sĩ Gioan Thánh Giá nói: “Trong cuộc phán xét, chúng ta bị phán xét về đức mến”. Cuối cùng, Thánh Phanxicô Salê cho biết: “Mức độ yêu mến Chúa là yêu mến Chúa vô hạn”.

Thánh Teresa đã tận hiến cho lòng thương xót của Thiên Chúa và là một trong ba thánh nữ được Giáo Hội tôn phong tiến sĩ. Thật vậy, tận hiến là một trong các “điểm son” để thánh nữ nên thánh trong một thời gian ngắn – chỉ 24 năm sống trên thế gian, trong đó có 9 năm sống trong dòng.

Thánh Teresa không có ơn gọi chịu khổ sở và đau đớn tới cùng cực như các thánh tử đạo, cũng chẳng phải ăn chay lâu dài. Thánh nữ nhận ra ơn gọi của mình là “được yêu” giữa Giáo Hội. Thánh Teresa mô tả sự hiểu biết đó với niềm đam mê và khao khát:

Tôi biết Giáo Hội có một trái tim, và trái tim đó có ngọn lửa yêu thương. Tôi biết tình yêu đó làm cho các thành viên của Giáo Hội phải hành động, nếu tình yêu đó cạn kiệt, các tông đồ sẽ không rao giảng Tin Mừng nữa, các vị tử đạo không còn đổ máu nữa. Tôi nhận ra tình yêu đó là mọi thứ, tình yêu đó bắt đầu các ơn gọi, tình yêu đó cũng luôn ấp ủ mọi nơi và mọi lúc. Tóm lại, tình yêu đó là mãi mãi.

Và rồi, hầu như là xuất thần với niềm vui tột đỉnh trong linh hồn, tôi tuyên xưng: Lạy Chúa Giêsu, tình yêu của con, cuối cùng con đã nhận biết ơn gọi của con: ơn gọi của con là yêu thương. Chắc chắn con đã tìm ra vị trí của con trong Giáo Hội, và Ngài đã ban cho con chính vị trí đó, lạy Thiên Chúa của con. Trong trái tim của Giáo Hội, Mẹ của con, con sẽ là tình yêu, và như vậy con sẽ là mọi sự, vì ước muốn của con tìm ra phương hướng của nó.

Việc tận hiến này đòi hỏi điều gì? Lòng khiêm nhường. Đó là tín thác trọn vẹn vào Lòng Thương Xót của Chúa Giêsu, hoàn toàn sẵn sàng yêu mến Ngài mọi lúc và mọi nơi, thể hiện điều đó một cách cụ thể bằng tình yêu nồng nàn dành cho người lân cận.

Hoa trái của sự tận hiến không thể kể hết: sự thanh tẩy linh hồn triền miên, sự hoàn hảo cao độ đóng dấu vào cuộc sống, sự tuôn trào chân lý không ngừng, và mau chóng vào Nước Trời mà không phải qua Luyện Hình (Giáo Lý Nhỏ, số 13).

Cùng với Thánh nữ Teresa, sau khi suy niệm những từ đơn giản mà thâm thúy này – Chúa Giêsu, Vua Tình Yêu, và Mẹ Maria với nhân đức cao cả nhất là đức ái (tình yêu siêu nhiên), chúng ta sẽ vui mừng tận hiến cho Chúa Giêsu khi dâng hiến chính mình làm hiến vật của Lòng Chúa Thương Xót!

Mệnh lệnh cuối cùng và quan trọng nhất của Chúa Giêsu được Ngài cho biết tại Bữa Tiệc Ly: “Hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em!”. Cuộc phán xét của chúng ta sẽ được xác định bằng niềm tín thác của chúng ta đặt vào Lòng Thương Xót của Ngài.

Lạy Chúa, xin dẫn con đến gần Ngài, sống chân thật với chính mình và với tha nhân. Xin dạy con lớn lên trong đức tin, tin tưởng Ngài luôn lắng nghe lời con cầu nguyện (Thánh Teresa Lisieux).

Lạy Thánh Teresa Hài Đồng Giêsu, xin thương nguyện giúp cầu thay và tuôn đổ mưa Hoa Hồng Thánh Ân!

Mary Nguyễn 

Trầm Thiên Thu (chuyển ngữ từ Vultus.stblogs.org và CatholicExchange.com)