Linh đạo và các linh đạo

06/06/2018
4123
F. Vandenbroucke  sinh ngày 20-5-1912 tại Bruxelles (Bỉ). Thụ phong linh mục năm 1938, Cha học tại Đại học Louvain và đạt được những văn bằng : Ứng viên Kỹ sư Dân sự, Cao đẳng (Bachelier) về Triết học Thomiste. 

Cha giữ nhiệm vụ Giám sư Tập sinh trong Dòng; đồng thời đảm nhận trách vụ giám đốc tạp chí "Questions Liturgiques et Paroissiales" và làm giáo sư nhiều ngành. Cha cũng viết nhiều bài vở trong các tạp chí : Questions Liturgiques et Paroissiales; Bulletin de théologie ancienne et médievale; Vie spirituelle...

Những tác phẩm đã xuất bản : Người tu sĩ trong Giáo Hội Chúa Ki-tô (Louvain 1947); Thánh Vịnh và Chúa Ki-tô (Louvain 1955, xb lần hai 1965); Linh hướng và con người thời nay (Paris 1955); Linh Đạo thời Trung Cổ (Paris 1961), cùng cộng tác với J.Leclereq o.s.b và L. Bouyer; Nhập môn Phụng Vụ (Paris 1964). 

I. Tính đa dạng của các nền linh đạo 

Tính đa dạng của các nền linh đạo là một sự kiện trong Giáo Hội . Ngày nay, các Ki-tô hữu càng ngày càng ý thức rõ rệt hơn về sự kiện này. Đã có nhiều tiếp xúc giữa các tầng lớp trong giới Ki-tô giáo, giữa nhiều giai cấp xã hội, giữa các dòng tu vốn xác định một truyền thống riêng biệt của mình. Các Ki-tô hữu Tây Phương tiếp xúc với Ki-tô hữu Đông phương. Người Công Giáo tiếp xúc với anh em Tin Lành. Tất cả đều muốn so sánh gia sản thiêng liêng mình được thừa hưởng với Thánh Kinh và Phụng Vụ; và cũng so sánh truyền thống của mình với những truyền thống khác. 

1. Lợi hay hại

Có nên mừng về tính đa dạng các linh đạo này không ? Dĩ nhiên là có : theo một nghĩa nào đó, đây là dấu chỉ sự đa dạng của các hồng ân Thiên Chúa. Tuy nhiên, điều quan trọng là đừng quá mong đợi nơi các truyền thống ấy hơn mức độ thực tại của chúng. Ngược lại, có nên phàn nàn về tình trạng này không ? Có chứ, xét theo khía cạnh tình trạng này đưa tới sự ngăn cách, hoặc là sự thiếu-hiểu-biết giữa các Ki-tô hữu với nhau, giữa những người Công Giáo trong cùng một nước, cùng một nền văn hóa, hay cùng một môi trường xã hội. Càng đáng phàn nàn hơn, nếu tình trạng này đi tới mức ly giáo hay lạc giáo thực sự trong Giáo Hội. 

Nói chung, vào lúc này, người ta có khuynh hướng coi sự kiện ấy là đáng tiếc. Tuy nhiên, trong mức độ nào đó, điều ấy không thể tránh được. Ngay ở Đông Phương, nơi thường được coi là không có những trường phái thiêng liêng khác biệt, cũng vẫn có những dị biệt rõ nét giữa các truyền thống kế cận nhau. Ở Tây Phương, ta dễ dàng nhận thấy những bậc đức độ cao dầy, xuất thân từ cùng một môi trường, có cùng một văn minh, nhấn mạnh đến những khía cạnh đạo lý mà, về nguyên tắc là đồng nhất, nhưng lại rõ ràng phản ảnh tâm lý riêng của mỗi vị. Ví dụ như thánh nữ Tê-rê-xa A-vi-la, thánh Gio-an Thánh Giá, thánh I-nha-xi-ô Lôi-ô-la : Các vị ấy gần như đồng thời với nhau và lại cùng sống trong khung cảnh nước Tây Ban Nha vào giữa thế kỷ XVI. Các vị ấy cùng chia sẻ một ưu tư tông đồ, một nhiệt tình phục vụ Giáo Hội và mỗi vị đều có một đời sống thần bí ở mức độ cao. Thế mà, ta lại thấy có những dị biệt giữa ba bậc anh hùng trong đời sống thánh thiện ấy, theo tính khí cũng như theo ơn gọi riêng của mỗi vị. Một ví dụ khác: trong nước Đức thế kỷ XIV, ta thấy một "chòm sao" gồm các nhà thần bí Dòng Đa Minh, sống trong một môi trường khá đồng dạng về mặt địa lý, vùng thung lũng sông Rhin : tôn sư Eckhart, Jean Tauler, Henri Suso. Eckhart tỏ ra thực sự là một nhà biện chứng hăng hái và mối quan tâm của ngài là, trong khi giảng thuyết, đừng để người ta dừng lại ở ngôn từ : trong lập trường chính thống của Eckhart, điều đó quả là đáng lo ngại. Jean Tauler làm ta nghĩ nhiều hơn tới Gio-an Thánh Giá và nhấn mạnh đến cách thức từ bỏ để đạt tới sự kết hiệp huyền nhiệm. Henri Suso thì lại nhậy cảm hơn : ngài làm ta nghĩ tới một nhà hiệp sĩ mê say sự Khôn Ngoan phát xuất từ Chúa Ki-tô. Gần như cùng trong thời đại đó và không xa vị trí của các tôn sư nói trên, chúng ta thấy, ở phía nam của miền đất sau này là Hòa Lan, xuất hiện một nhà thần bí lớn người brabancon (Bỉ) là Jean Ruysbroeck. Dù có những lựa chọn khác nhau, dù tính khí khác nhau, các nhà thần bí này, nói chung, vẫn là theo đuổi cùng một lý tưởng : để cho Ngôi Lời sinh ra trong linh hồn mình; và để được như thế, phải làm cho linh hồn chấp nhận những yêu sách của một sự từ bỏ triệt để. 

Nếu chúng ta đã nhìn nhận những khác biệt như thế, chủ yếu là do tính khí và môi trường riêng, giữa những con người sống đời sống thiêng liêng gần như đồng thời và trong cùng khung cảnh địa lý, thì chúng ta càng phải nhìn nhận những khác biệt rộng lớn hơn, nếu so sánh với những trường hợp mà môi trường xa cách nhau cả về thời gian cả về không gian. Ta có thể so sánh tình trạng này với tình trạng những trường phái nghệ thuật, khoa học, triết học, thần học, và cả về kinh tế, chính trị hay xã hội nữa. Tóm lại, âu cũng là một sự kiện của con người. 

2. Nguyên nhận của tính đa dạng

Bây giờ ta tự hỏi do đâu mà có tính đa dạng ấy : đâu là nguyên nhân của tình trạng ấy? Dĩ nhiên trước hết phải nói tới Ơn Chúa Quan Phòng. Ta phải tin vào ý định của Ngài. Vào một số thời kỳ khủng hoảng trong lịch sử Giáo Hội, một số nhân vật có cá tính mạnh nào đó đã được Chúa khơi dậy; và có thể nói, chính những nhân vật này cảm thấy mình phản ứng theo những điều kiện do môi trường. Khi đó, ta phải nhìn ra rằng Chúa Quan Phòng đã hành động cách bình thường, đúng theo lẽ thường; Ngài sử dụng những nguyên nhân con người để làm cho Nước Chúa hiển trị. 

a. Do nhận cách mệnh của vị sáng lập

Nhưng còn phải xét kỹ lưỡng hơn vấn đề nguyên nhân tạo ra những đường hướng thiêng liêng đa dạng như thế. Chẳng hạn, điều gì phân cách trường phái sông Rhin (Đức) như đã nói ở trên, với trường phái Hòa Lan, phát sinh từ ảnh hưởng của Gioan Ruysbroeck ? Điều gì phân cách trường phái Đa Minh với trường phái Phan Sinh ? Hay cụ thể hơn, phân cách thánh Đa Minh với Thánh Phan-xi-cô Át-xi-di ? Thánh Tô-ma A-qui-nô với Thánh Bô-na-ven-tu-ra ? Câu trả lời đầu tiên ta có thể nêu lên, đó là ảnh hưởng của các nhân cách mạnh, có sức in dấu ấn của mình trên nhiều thế hệ môn sinh. Như thế ta hiểu được những khác biệt về tâm lý, khí chất, tư cách, nơi những vị sáng lập cũng như nơi môn đệ các ngài. Có thể nói, khởi đầu của mọi trường phái linh đạo là một cảm nghiệm độc sáng, tức cảm nghiệm của các nhân-cách-mạnh. Đây là một cảm nghiệm kép : cảm nghiệm của đời sống nội tâm riêng nơi vị sáng lập và cảm nghiệm về cách thức đào tạo đời sống thiêng liêng cho hữu hiệu đối với những môn đệ đầu tiên. 

Hai cảm nghiệm này có thể không thành đạt như nhau. Ví dụ trường hợp thánh Phan-xi-cô Át-xi-di : cảm nghiệm thứ hai, tức cảm nghiệm về việc đào tạo môn đệ, rõ ràng có khiếm khuyết. Ngược lại, có những nhà khai sáng có lẽ đã bộc lộ nhiều khuyết điểm, thiếu sót, ngay trong trật tự đời sống thiêng liêng; nhưng đã để lại một dấu ấn lâu bền : đây là trường hợp Gerard Grote (+1384), người Hòa lan; sự thúc đẩy của Gerard Grote đã khơi dậy cả một phong trào đạo đức theo Devotio moderna (Lòng đạo tân thời). Cần phân biệt hai cảm nghiệm này khi ta muốn phán đoán một trường phái, hay một dòng tu, hoặc một loại linh đạo nào. Để hình thành một trường phái, cảm nghiệm thứ hai lại tỏ ra cần thiết hơn. Ví dụ trường hợp thánh Benoit Labre, ngài được gọi sống ẩn dật : cảm nghiệm thứ hai không được thực hiện; ngài không có môn đệ và ngài không lập một trường phái nào. Trái lại, Thánh Gio-an Bốt-cô đã thành công trong việc đào tạo một nhóm anh em đông đảo để nối tiếp cảm nghiệm thứ nhất của ngài, mặc dầu vẫn luôn có sự chênh lệch về mức độ và sự khiếm khuyết nơi các môn đệ. Thánh Đa Minh đã biết ghi khắc nhân cách của ngài trên một nhóm môn sinh, tới mức trường phái mang danh ngài vẫn bền vững mãi. Thánh Phan-xi-cô Át-xi-di cũng thế, mặc dầu những nhóm tự nhận là môn sinh của ngài đã nhờ nhiều vào các đệ tử đầu tiên của ngài, như thánh Bô-na-ven-tu-ra. 

b. Do bầu khí đạo đức

Nhưng chúng ta tự hỏi : phải chăng việc phát sinh các trường phái đạo đức khác nhau trong Giáo Hội chỉ là do các nhân cách mạnh? Trên thực tế, không thể chỉ chú trọng đến các vị sáng lập. Còn có những khác biệt thực sự giữa bầu khí đạo đức của các nước, các thế kỷ khác nhau; và đôi khi, trong cùng một nước và cùng một thời đại, cũng có những nhu cầu tôn giáo khác nhau giữa nhiều từng lớp dân chúng. Chúng ta lại lấy một vài ví dụ : bầu khí đạo đức bên Anh, thế kỷ XIV, chắc đã ghi dấu ấn trên nhiều nhà đạo đức lớn thời ấy, dù họ khác nhau. Nước Anh vốn tỏ ra thích thực tế : nước Anh chỉ dành một sự quan trọng tương đối cho những vấn đề lý thuyết cũng như các vấn đề thần học; nước Anh vẫn mang tính cá nhân chủ nghĩa trong cách thức nhìn về tôn giáo; Phụng Vụ, đối với họ, thật ít hoặc chẳng có tầm quan trọng nào; dân chúng bao giờ cũng bận tâm hơn về những vấn đề liên hệ tới cuộc sinh tồn, về những đòi hỏi của cuộc sống, về chính trị của nhà cầm quyền. Đó là những nét ta có thể đoán định được trong các tác phẩm của Richard Rolle, của Walter Hilton, của một tác giả vô danh đã viết tập khảo cứu đáng quý "Làn mây vô thức" (The Cloud of Unknowing ) . Còn trên lục địa Châu Âu, gần như cùng thời đại đó, lại phát sinh một luồng tư tưởng về đời sống thiêng liêng, Devotio moderna, theo ảnh hưởng của Gérard Grote và các môn đệ; các người này, trước hết, tạo nên một cộng đoàn huynh đệ; nhưng rồi rất sớm, lại trở thành những kinh-sĩ ở Windesheim. Ở đây tràn ngập một bầu khí bi quan; chắc chắn đây là một sự trở lại với Tin Mừng và rao giảng Tin Mừng, nhưng theo lối tu đức có rất nhiều yêu sách và từ bỏ : người ta thấy một bầu khí nặng nề do những cuộc từ nhiệm, những yếu đuối của giáo sĩ và tu sĩ; do những chia rẽ về quyền giáo hoàng, những xung đột liên tục như cuộc Chiến Tranh Trăm Năm. 

Hai thế kỷ trước, tại Tây Âu, ta cũng thấy những khát vọng chung về đời sống thanh bần và về những đòi hỏi của một Tin Mừng tinh tuyền : phong trào này là nét đặc sắc của thế kỷ XII và đầu thế kỷ XIII; nó xuất hiện như một phản ứng của quần chúng chống lại tính cách phong kiến đã được áp dụng một cách không thích hợp vào những tình huống xã hội mới. Thánh Phan-xi-cô Át-xi-di và thánh Đa Minh chắc chắn nằm trong phong trào này; Vả lại, ta cũng thấy rõ ràng ảnh hưởng của phong trào này nơi các đan sĩ như Stephanô de Muret và Joakim de Flore ; đó là chưa kể tới những nhân vật bị nghi ngờ về giáo thuyết như Arnauld de Brescia, Những Anh Em Khiêm Tốn ở Lyon, Dierre Valdès và bao nhiêu người khác. 

II. Đặc điểm của tính đa dạng

Cứ nhìn hai yếu tố - nhân cách và bầu khí đạo đức - người ta có thể giải thích được nhiều điều. Nhưng vấn đề đặt ra là : điều ấy có giải thích được tất cả không ? Bởi vì, nếu không kể đến sự Quan Phòng và ơn huệ của Chúa ban cho có những người khai sáng, những nhà cải cách, những nhà sáng lập, ta có thể tự hỏi hai yếu tố trên kia có đủ để giải thích "những Linh Đạo" khác nhau phát sinh trong hai mươi thế kỷ Ki-tô giáo chăng. 

Chẳng hạn, để xác định sự khác biệt giữa hai trường phái linh đạo, như trường phái Đa Minh và trường phái Phan Sinh, người ta nại tới những liều lượng khác nhau trong việc sử dụng những phương thế để nên hoàn thiện : linh đạo Đa Minh thì dựa trên việc giảng thuyết và khoa thần học; linh đạo Phan Sinh thì dựa trên đức khó nghèo của các nhà giảng thuyết lưu động. Một sự kiện khác, đó là : các dòng đan tu nhấn mạnh tới linh đạo Phụng Vụ; trái lại, dòng Cát Minh nhấn mạnh đến tâm nguyện. Cũng trong dòng đan tu, nhất là ngành Biển Đức, chúng ta thấy đức khó nghèo được cảm hứng đồng thời theo mẫu gương Na-da-rét, theo cuộc sống của Chúa Ki-tô lao động, và theo mẫu sống cộng đoàn Giê-ru-sa-lem, tức mẫu sống của Ki-tô hữu đầu tiên, họ đã để của cải mình làm của chung ; trong khi nơi tu sĩ Phan Sinh đức khó nghèo lại theo sát hình ảnh Đức Ki-tô nghèo khó trên đường rao giảng. Về phần Charles de Foucauld, ngài đưa ra một kiểu sống mà ta có thể nói : vừa theo mẫu gương Bê-Lem vừa là mẫu gương Na-da-rét. Trong dòng Biển Đức, việc chiêm niệm chủ yếu mang tính cách Phụng Vụ và Thánh Kinh; trong khi đó, nơi các trường phái linh đạo Tân Thời, nhất là từ phong trào Devotio moderna, sự chiêm niệm lại mang tính tâm lý, chủ quan và sùng mộ nhiều hơn, đó là lòng sốt sắng, cảm động trước những mầu nhiệm lớn của Chúa Ki-tô. Đến cao điểm, Linh Đạo đời mới này tạo được một kỹ thuật trong các phương pháp suy gẫm và chiêm niệm. Hơn nữa, chúng ta phải nhận ra rằng, trong Giáo Hội, có nhiều gia đình thiêng liêng theo đường lối đạo đức chuyên suy ngắm về các mầu nhiệm Chúa Ki-tô : ta biết rằng, thời đại cuối Trung Cổ ở Châu Âu đã chú tâm vào việc sùng mộ các mầu nhiệm gây xúc động trong đời Chúa Ki-tô và Đức Ma-ri-a; còn những khát vọng hiện nay về sự khó nghèo trần trụi lại đã được giải thích là do bầu khí mác-xít trong thời đại ta, cũng như do mối quan tâm đến Chúa Ki-tô trong Tám Mối Phúc. 

1. Không giới hạn

Dầu luôn có thể giải thích về những khác biệt và những "liều lượng" như thế, người ta cũng lưu tâm đến yếu tố con người và khung cảnh xã hội, qua nhân cách những vị sáng lập ra bầu khí thiêng liêng. Những hình thức đạo đức, những "khuôn mẫu" và, do ảnh hưởng của các nhân cách mạnh, những trường phái đích thực đã được phát sinh như thế. Nói chung, mỗi "linh đạo" là kết-tụ của các nhân cách mạnh và bầu khí thiêng liêng, mang nét đặc trưng của mình nhờ một sự chọn lựa quân bình nào đó giữa các yếu tố thường thấy trong lòng đạo đức Ki-tô giáo như : khổ chế, tâm nguyện hay thần bí, kinh nguyện Phụng Vụ, thực hành các nhân đức. Người ta cũng có thể áp dụng những điều vừa kể cho linh đạo của một giai cấp xã hội nào đó, theo nghĩa mà ta hiểu ngày nay về từ ngữ đó. Theo nghĩa này, có thể nói đến linh đạo của giới công nhân, của giới nông dân, của các người làm nghề tự do, của giới kỹ thuật, của các người làm công tác xã hội, của các hoạt động Công Giáo tiến hành, v.v...và nhiều thành phần khác như thế. Tương tự, người ta có thể nói về linh đạo giáo dân, linh đạo giáo sĩ và linh đạo của đời sống tu trì. 

2. Cỡ tiến triển

Tuy nhiên, những hình thức, những khuôn mẫu, các trường phái ấy cũng tiến triển theo đà tiến của nhân loại. Điều được sáng tạo nên vào thế kỷ XIII, do thánh Phanxicô và thánh Đa Minh, tuy vẫn giữ một số đường nét là gia sản do nhân cách của các ngài, nhưng cũng đổi thay, vì chính nhân loại cũng không ngừng tiến hóa. Điều ấy khiến cho không có trường phái thiêng liêng nào là cố định. Ngày nay ta không thể nói là trường phái Phan Sinh vẫn y nguyên như hồi thế kỷ XIII. Định luật rất thường xẩy ra của cuộc sống con người là: sự biến hoá này đi theo hướng : sức mạnh thiêng liêng suy yếu dần, cho đến khi phát sinh ra những nhà sáng tạo mới. Tôn giáo mở rộng của các vị anh hùng, như Bergson đã nói tới, vẫn luôn luôn bị đe doạ trở nên một tôn giáo khép lại, đóng kín và sơ cứng. Nhưng tự nó, nguyên lý tiến hoá ấy vẫn lành mạnh : đó cũng chính là nguyên lý thăng tiến của nhân loại. Những nhà sáng lập trường phái hay dòng tu, những người đã tạo nên bầu khí cho thời đại và môi trường của mình, không đương nhiên có thể đối ứng được với những vấn đề chỉ được đặt ra trong những thế kỷ sau ; nhưng nếu có phải chạm trán với những vấn đề đó, các ngài sẽ ứng xử với tài ba riêng của mình. Những người kế tục ngày nay phải có nhiệm vụ hoàn thành những gì mà các vị sáng lập sẽ làm nếu đặt mình trong tình huống hiện nay, chứ không phải là lặp lại một cách nô lệ, máy móc, cái công thức ban đầu. Sự lặp lại như thế sẽ có thể là một thảm trạng ; nó là sự phủ định đối với đà tiến hoá. Giáo Hội không thể sống cứ mãi lạc hậu đối với hoàn cảnh cụ thể, hiện sinh của nhân loại; Giáo Hội hiện diện cho hoàn cảnh cụ thể đó và đang sống trong hoàn cảnh hiện sinh đó. 

Những nhận xét này giải thích tính đa dạng các linh đạo trong Giáo Hội. Nhưng tính đa dạng đó lại đưa dẫn chúng ta đi tìm điểm chung trong các trường phái thiêng liêng khác nhau; và bắt ta phải đặt ra vấn đề cơ bản : Linh đạo là gì ? 

III. Linh đạo là gì ? 

Linh đạo không phải cũng là thần học và, cụ thể hơn, không phải là thần học tín lý. Thần học tín lý là môn học nhằm đối tượng là chính Đức Tin, là tín điều mặc khải, là Lời của Thiên Chúa. Nhìn dưới góc cạnh trí thức, Linh Đạo, cũng là môn học, một "tổ chức có phương pháp nhằm để hiểu biết". Nhưng đối tượng của nó là gì ? 

Nếu ta tìm cách xác định điều gì phân biệt đối tượng của linh đạo với đối tượng của thần học, là khoa học về Lời mặc khải, thì có lẽ phải nói rằng : Linh Đạo có đối tượng là "những hiệu ứng (réactions) mà các đối tượng của niềm tin khơi lên trong tâm thức tôn giáo" . Tất cả sách nghiên cứu tu đức và thần bí đều muốn tìm xem linh hồn phải có thái độ nào trước một dữ kiện mặc khải : đức Tin, đức Cậy, đức Ái, các nhân đức, các ơn Chúa Thánh Thần, tiến bộ luân lý, khẩu nguyện, chiêm niệm, đó là những yếu tố khác nhau của một tổ-chức tinh-thần, đáp ứng lại với dữ kiện mặc khải. Đường thiêng liêng Ki-tô giáo "không bám lấy thành kiến của một thứ khoa-học giả tạo, mà thực chất là một sự lố bịch, đó là việc hiểu biết các đối tượng xoay quanh tâm thức tôn giáo, mà, tự căn bản, lại xa lạ với sự hiểu biết về chính tâm thức đó. Ngược lại, Linh Đạo Ki-tô giáo chỉ nghiên cứu tâm thức tôn giáo trong mối quan hệ sống động với các đối tượng ấy, trong một sự thông hiểu thực sự về điều mình tin, như Đức Hồng y Newman đã nói ". 

Tương tự như thế, cũng phải nói rằng Linh Đạo không phải là luân lý, hay đúng hơn, không phải là khoa thần học luân lý. Thần học luân lý cũng là khoa học : Khoa học về các hành vi nhân linh, được nghiên cứu theo ánh sáng Lời Chúa. Vì là thần học, môn Luân lý bao gồm những điều mà Mặc Khải nói cho ta biết về đường lối con người phải đi về với Thượng Đế. Luân lý học bao gồm việc nhận định về sự hoàn thiện Ki-tô giáo, được cụ thể hóa trong Tin Mừng. Trong khi đó, "Linh đạo tập trung vào những hành vi nhân linh được qui về Thiên Chúa không những một cách rõ ràng mà còn trực tiếp ; nghĩa là, trước hết, tập trung vào việc cầu nguyện và vào những gì gắn liền với cầu nguyện, trong đời sống tu đức và huyền nhiệm". Trong những hành vi này, tính cách qui hướng về Thiên Chúa cách rõ ràng và trực tiếp phải là điều tuyệt đối thiết yếu. 

Ta có thể kết luận về những điều ấy rằng linh đạo là một khoa học; trước nhất là khoa học về các phản ứng của ý thức tôn giáo khi đứng trước đối tượng đức Tin, điều này thuộc phương diện trí thức ; thứ đến, là khoa học về các hành vi nhân linh, qui hướng đặc biệt về Thiên Chúa, tức là khoa tu đức và huyền nhiệm. Nói cách khác, ta có thể định nghĩa linh đạo như một khoa áp dụng Tin Mừng vào đời sống Ki-tô hữu, vừa trên bình diện trí thức, vừa trên bình diện tu đức và bình diện huyền nhiệm đích thực. 

Ta nhận thấy ngay là "việc áp dụng này" đã tiến triển theo thời gian và không gian : chính vì điều đó mà ta có thể nói đến các trường phái, hay các công thức, các khuôn mẫu đạo đức khác nhau, nói tắt là "những linh đạo"; hoặc ta cũng có thể nói tới một thứ lịch sử linh đạo. 

Bây giờ, chúng ta cần xem coi điều nào là điểm chung cho các linh đạo Ki-tô giáo ; đồng thời cần xác định điều gì đã đổi thay theo thời gian và không gian. Chúng ta đã thoáng thấy một "linh đạo" là gì: đó là một kiểu áp dụng Tin Mừng vào cuộc sống Ki-tô hữu, một cách thực hiện việc áp dụng này. Nhưng ta có thể xác định những kiểu thức ấy không, nếu trước tiên ta không có cố gắng xác lập đâu là điểm chung của mọi linh đạo Ki-tô giáo ? Ta hãy thử cố gắng xác lập điều này đã. 

IV. Tính chất chung cho các nền linh đạo

Theo những điều đã nói trên kia, trước hết ta phải lưu ý đến điều mà người Ki-tô hữu phải đáp ứng khi đối diện với nó : đó là Tin Mừng với tất cả ý nghĩa Tin Mừng : Lời mặc khải ngỏ với con người, Lời ban cho con người sự khôn ngoan của Thiên Chúa, Lời nói cho con người biết cách thế đi tới Thiên Chúa, Lời chỉ cho con người đường lối đạt tới Thiên Chúa, là những phương tiện nhằm đạt được sự sống đời đời. Thứ hai, ta phải để ý tới những điều xuất phát từ những tính cách tổng quát của tất cả nhân loại : dù là con người thuộc thế kỷ XX, người thuộc thời Cổ Đại, hay thời Trung Cổ; dù là những người thuộc nhiều chủng loại khác nhau, thì vẫn có những đặc điểm chung, và chúng ta phải ít nhiều xác định những tính chất chung đó, tuy vẫn đừng để sa vào một thứ tổng quát hóa. 

1. Tin mừng với ỷ nghĩa Tin mừng

Thứ nhất, phải bắt đầu bằng việc khám phá điều nào trong Tin Mừng có giá trị tuyệt đối - mọi thời và mọi nơi - cho bất cứ ai : trong đó, có điều gì giá trị cho bất kỳ Ki-tô hữu nào ? Xác định điều ấy, không phải là dễ. Ngay Tin Mừng cũng đã được viết vào một thời điểm lịch sử của con người, tại một địa điểm trong không gian. Tuy nhiên, ta có thể dừng lại một chút về suy tư này, bằng cách, trước hết, xác định nguyên tắc rằng mục tiêu của sứ điệp Tin Mừng là đưa con người về kết hiệp với Thiên Chúa, tới chỗ thần hóa con người. Con người được hưởng quyền trở nên con Thiên Chúa và sống đúng như con của Ngài. Chúng ta nói được rằng "nguyên nhân cùng đích" của con người là qui hướng về Thiên Chúa, và chính trong nẻo đường này con người tìm được sự hoàn thành cho vận mệnh của mình. 

a. Chúa Kitô là nguyên nhân mẫu mực

Cũng phải lưu ý đến khuôn mẫu, là "nguyên nhân mẫu mực" mà Tin Mừng đề nghị cho con người, cho bất kỳ người nào. Khuôn mẫu đó không phải là khuôn mẫu trừu tượng, không phải là một bộ luật tương tự như các qui luật khôn ngoan do Đức Phật đề ra. Khuôn mẫu ở đây phải là một Nhân Vật. Dù Nhân Vật này có cụ thể hóa giáo huấn của Ngài bằng một số luật, cũng thật đơn giản, như Tám mối Phúc, thì khuôn mẫu của mọi Kitô hữu vẫn là một Nhân Vật : đó là Chúa Ki-tô. 

b. Chúa Kitô là nguyên nhân tác thành

Bởi vì ta đang nói tới những "nguyên nhân" chung cho tất cả mọi linh đạo Kitô giáo, nên cũng phải nói một lời về "nguyên nhân tác thành" đối với nẻo đường đưa con người về với Thiên Chúa : nguyên nhân này cũng là Chúa Ki-tô. Chính Ngài là tác giả mọi ơn sủng, ơn hiện sủng hay thường sủng. Cách cụ thể, ơn sủng ban cho ta hai điều : tất nhiên, trước tiên, về mặt tiêu cực, đó là việc loại trừ tội lỗi, thanh tẩy linh hồn. Linh hồn lớn lên trong những nhân đức luân lý, trong tu đức, với điều kiện là linh hồn phải loại bỏ những ngăn trở chống lại việc đi về với Thiên Chúa. Về phương diện tích cực : ân sủng, dù là ơn sủng nào, cũng tạo lập, củng cố hay thắt chặt hơn chính mối dây liên kết với Thiên Chúa bằng những nhân đức đối thần : Tin, Cậy, Mến. Sự triển nở những nhân đức này tạo nên một một sự thăng tiến mà cuối đường có thể gọi được là huyền nhiệm, theo nghĩa tiến trình đó đạt đến một ý thức nào đó về các chân lý của Đức Tin, về những đòi hỏi gồm gói trong các chân lý ấy và, sau cùng, về sự hiện diên của Chúa Thánh Thần trong tâm hồn. 

Hai yếu tố này, tiêu cực và tích cực, bổ túc cho nhau và đều thiết yếu cả . Chẳng hạn, bỏ quên điều thứ nhất (loại trừ tội lỗi) có thể sẽ là một thứ "thiên thần thuyết" (angélisme), chối bỏ thực tại là sự sa ngã, ơn Cứu Độ; như thế người ta sẽ đi tới một thứ huyền nhiệm mà không có tu đức; và có thể người ta sẽ đi tới những chủ thuyết "Thiên Khải" sai lạc (illuminismes) vẫn từng đe dọa Giáo Hội trong nhiều trường hợp, suốt dòng lịch sử . Ngược lại, nếu bỏ quên yếu tố tích cực, chỉ thực hiện một thứ "chủ thuyết duy luân lý" thì sẽ lại sa vào một thứ tu đức không có đà tiến, không có huyền nhiệm, không có ý thức sâu xa về sự hiện diện của Thiên Chúa. Đó sẽ là một linh đạo của bổn phận, của tu đức thuần túy, một loại linh đạo giống như của các hiền triết thời thượng cổ, như của Cicero, người đã đề ra một công thức, tự nó thật là tuyệt vời, nhưng lại không đủ cho một người Ki-tô hữu, một công thức về sự cao thượng của con người. Điều này có thể gợi lại những vấn đề của những thế hệ Ki-tô hữu sơ khai khi tiếp xúc với nền văn minh duy lý thời thượng cổ của lương dân. Nền văn minh này là duy lý bởi vì, như Cha Festugière nói, "rõ ràng là nhờ lý trí mà con người đã tạo nên những khoa cần thiết cho cuộc sống và những ngành nghệ thuật tự do; chính trên nền tảng lý trí mà con người thiết lập những qui luật hướng dẫn cuộc sống; nhờ lý trí mà con người đạt được một sự hiểu biết vô vị lợi về tất cả mọi sự, theo như Cicero nói : "ut omnia supera infera, prima ultima media videremus" (tạm dịch: để ta có thể thấy được mọi điều thượng hạ, thủy chung là trung dung vậy") (Tuse.I.25,64) . Nếu người Ki-tô hữu đã không chấp nhận thứ chủ thuyết duy lý mang tính cách duy ý chí này (ce rationalis volontariste), một chủ thuyết không sinh khí, không sức sống ấy, một cách nào đó là một chủ thuyết Khắc Kỷ, đó là vì Ki-tô hữu ý thức rằng, để tìm Thượng Đế và sống như con của Ngài, một viễn ảnh như trên không thể đủ được : vì vấn đề ở đây không phải là nhằm bảo vệ một nhịp sống, một sự quân bình, dầu nó thật cao thượng, như nền văn minh thời thượng cổ của lương dân đã biết đề ra cho những hình thức luân lý của con người : "Phần chúng tôi, chúng tôi lại rao giảng Một Đấng Ki-tô bị đóng đinh, điều mà người Do thái cho là ô nhục không thể chấp nhận, và dân cho là điên rồ. Nhưng đối với những ai được Thiên Chúa kêu gọi, dù là Do thái hay Hy lạp, Đấng ấy chính là Đức Ki-tô, sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa" (1Cr 1,23-24). 

c. Giáo hội là nguyên nhân dụng cụ

Ta cũng cần lưu ý đến một nguyên nhân cuối cùng, "nguyên nhân dụng cụ", của mọi Linh Đạo Ki-tô giáo. Nguyên nhân này chính là Giáo Hội : Giáo Hội cùng với Thánh Kinh và Thánh Truyền, Phẩm trật, các Bí tích và Phụng Vụ. Từ đó, theo nguyên tắc, ta phải chấp nhận trước một giả thuyết được đặt ra, đó là Nhiệm Cục Giáo Hội. Nếu không, người ta chỉ có thể nói về Linh Đạo Ki-tô giáo theo nghĩa mở rộng, theo đó ta nói rằng mọi hồng ân của Chúa đều qua Giáo Hội, như công thức Extra Ecclesiam nulla salus (ngoài Giáo Hội không có ơn Cứu Độ). Bình thường, một linh đạo Ki-tô giáo đính thực được bộc lộ "trong Giáo Hội". Nhưng tính cách thuộc về Giáo Hội - một điều từng được tranh luận trong Công đồng chung Vatican II một cách khá rõ ràng, trong vấn đề Giáo Hội và vấn đề Đại Kết - tính cách đó, một cách căn bản, chính là sự tháp nhập làm con Thiên Chúa qua bí tích Thanh Tẩy. Và chính trong sự nối dài hợp lý của bí tích Thanh Tẩy mà tính cách trung gian nơi các sứ giả của Chúa, nơi những Đấng kế vị các tông đồ, mới được chấp nhận. Điều đó giải thích cho ta thấy rằng các linh đạo Ki-tô giáo khác nhau - Công Giáo, Tin Lành, Chính thống - có thể giữ được những yếu tố đích thực của một nền Linh Đạo Ki-tô giáo trọn vẹn. Những kho tàng của sứ điệp Ki-tô giáo được lưu chuyển trong những cộng đoàn cách biệt nhau, nhưng vẫn nguyên tuyền, trong khi đã có những điều khác hiện diện như một yếu tố làm thức tỉnh. Mong sao các người Công Giáo đừng quên rằng nền tảng của Linh Đạo Tin Lành là Phép Rửa; và Linh Đạo của Chính thống vẫn giữ khuôn mẫu giám mục (type épiscopale) cũng như khuôn mẫu chiêm niệm. Nói chung, nếu Linh Đạo Tin Lành thiếu sự "thừa kế" mà cơ cấu phẩm trật Công Giáo ý thức mình được thừa hưởng từ các Tông đồ ; thì Linh Đạo của Chính Thống lại không nhận Giám Mục Roma giữ vai trò, trong Giám-Mục-Đoàn, giống như vai trò Thánh Phêrô trong Tông-Đồ-Đoàn . Tuy nhiên, người Công Giáo lại được nhắc nhớ, qua phong trào Đại Kết, về nhiều yếu tố hết sức quan trọng của một nền Linh Đạo Ki-tô giáo trọn vẹn : những khía cạnh liên quan đến bí tích Thanh Tẩy, chức giám mục và chiều kích chiêm niệm. 

Chúng ta ghi nhận rằng nền linh đạo Công Giáo chấp nhận Nhiệm Cục Giáo Hội như một giả thiết căn bản tối thiểu. Nhưng sự chấp nhận này không phải là một thứ giáo sĩ trị (cléricalisme): đây là vấn đề chấp nhận những sứ giả của Chúa, có nhiệm vụ mang Sứ Điệp của Ngài, Tin Mừng của Ngài, Phúc Âm của Ngài cho mọi người. 

Nói chung, ở đây chúng ta hãy ghi nhận rằng mọi nền linh đạo lớn nhỏ của Công Giáo đều cần được sự chuẩn nhận của Giáo Hội; nếu không, sẽ luôn có thể xẩy ra những lệch lạc. nhưng chúng ta đừng cường điệu quá về giá trị sự phê chuẩn của Giáo Hội. Chắc chắn, đôi khi trong đó có pha lẫn những yếu tố con người. Đúng hơn, sự phê chuẩn này là một dấu hiệu về mặt tiêu cực : nghĩa là những linh đạo ấy không có chi trái ngược với Đức Tin hay phong hóa Ki-tô giáo. Tuy nhiên, giá trị sâu xa của việc chuẩn nhận của Giáo Hội chính là, một cách nào đó, với phán đoán của mình, Giáo Hội xác nhận giá trị của một cách thế, của một thể loại áp dụng Tin Mừng vào đời sống Ki-tô hữu. 

Ta cũng ghi nhận rằng, Giáo Hội luôn sử dụng các phương tiện phổ quát ban ơn sủng, tức là Thánh Kinh, Thánh Truyền, Phụng Vụ, như là tiêu chuẩn thông thường để phê chuẩn một linh đạo. Bất kỳ linh đạo chính thực nào mang tính Ki-tô giáo cũng phải mang tính Thánh Kinh và Phụng Vụ, hai thành-tố này được hội nhập trong dòng sống của Thánh Truyền.

2. Những đặc điểm chung của nhận loại

Ngoài ra, còn phải khám phá ra yếu tố siêu thời gian, thường hằng, thuộc mọi thời và mọi nơi, trong thực thể phức hợp con người của chúng ta. Có thể hình thành khoa nhân-học này bằng cách xem xét hữu thể con người theo quan điểm triết học trừu tượng, hoặc nhờ đến những dữ kiện của khoa tâm lý học thuần lý về linh hồn và các quan năng của nó. Tuy nhiên cần để ý rằng: khi lưu tâm đến những yếu tố chung của tất cả mọi người, xét theo cách trừu tượng, phải ghi nhận rằng có những não trạng cực kỳ khác nhau, tùy theo giai tầng xã hội, chủng tộc, dữ kiện bẩm sinh và cụ thể của tâm lý. 

Khoa tâm lý học hiện đại và khoa xã hội học đều đặc biệt chú ý đến tầm quan trọng của lãnh vực cá nhân và tập thể, đó là đất sống của khoa tu đức và thần bí. Những dữ kiện ấy cho phép ta hiểu rõ hơn những khác biệt giữa các linh đạo, ít nhất là để nắm bắt được tính thống nhất của con người. Thật vậy, dầu có những biểu lộ thuộc một địa phương hoặc tùy thuộc thời gian, vẫn có một sự thống nhất qua các dị biệt ấy. Trong Giáo Hội có một truyền thống đích thực thuộc lãnh vực kinh nghiệm, song song, một cách nào đó, với truyền thống tín lý. Nói cách khác, qua dòng lịch sử Ki-tô giáo, có một sự liên tục trong các phản ứng của nhân loại đối với Tin Mừng. Ở đây, chính Kinh Thánh - cùng với một sự một sự quan sát vô tư về các sự kiện đã diễn ra qua hai mươi thế kỷ - cũng cho thấy một vài chỉ dẫn rõ ràng. 

a. Khát vọng tuyệt đối

Tâm hồn Ki-tô hữu ở mọi thời và mọi nơi, đều cảm thấy nhu cầu muốn vượt thoát khỏi số kiếp sa đọa và muốn tự đặt mình trong bình diện tuyệt đối. Từ đó, nẩy sinh nỗ lực tu đức muốn sám hối; nẩy sinh cố gắng huyền nhiệm muốn kết hợp với Thượng Đế và sống đời sống cầu nguyện : đối với Ki-tô hữu, những việc ấy đều nhờ việc thể hiện các nhân đức đối thần. Ta cũng nhận thấy điều này tỏ lộ trong các religion-ersatz ("tôn giáo thế vị" ), đang hiện diện trong thế giới ngày nay - những tôn giáo của khoa học, của kỹ thuật hạt nhân, của những cuộc thám hiểm không gian - y như ngày xưa trong ma thuật, trong các đạo thờ quỉ thần (animisme), trong tôn giáo sùng bái thiên nhiên (naturisme). Cả chủ nghĩa Mác-xít cũng không thoát cái nhu cầu của con người muốn vượt thoát khỏi số phận sa đọa, để đặt mình trong bình diện tuyệt đối và lý tưởng. 

Những khát vọng này cũng xẩy ra với bất kỳ tâm hồn con người nào chăng ? Trả lời cho việc này thật là tế nhị, vì phải xét đến các sự hư hoại của trí khôn, của đời sống luân lý, của thái độ dửng dưng đối với những giá trị sâu kín trong lòng, những giá trị có thực và hiện diện một cách tiềm tàng trong mọi cấu trúc tâm lý. Điều muốn nói ở đây là, trong truyền thống của kinh nghiệm Ki-tô giáo, có một hằng số nhân linh : đó là nhu cầu hoán cải và kết hiệp với Thượng Đế. 

b. Nhu cầu hoán cải và kết hiệp với Thượng đế

Tóm lại, trước hết phải coi tất cả những gì làm cho mọi Ki-tô hữu cũng như các nền Linh Đạo dị biệt được gần lại với nhau. Chúa Ki-tô, Giáo Hội, Thánh Kinh và Phụng Vụ, danh phận làm con của Thiên Chúa, ơn sủng : nói tổng lược, đó là những yếu tố của di sản chung; những yếu tố hợp nhất mọi người, bất kỳ thuộc truyền thống nào. Về vấn đề này, ta cũng có thể trưng dẫn đoạn văn thánh Phaolô Tông đồ gửi giáo đoàn E-phê-sô, trong đó Ngài giải thích những lý do sâu xa của sự hiệp nhất Ki-tô giáo. 

"Chỉ có một thân thể, một Thần Khí, cũng như anh em đã được ơn để chia sẻ cùng một niềm hy vọng. Chỉ có một Chúa, một niềm tin, một phép rửa. Chỉ có một Thiên Chúa, Cha của mọi người, Đấng ngự trên mọi người ta trong mọi người. Nhưng mỗi chúng ta đã nhận được ân sủng tùy theo mức độ Chúa Ki-tô ban cho" (Ep 4,4-7). 

Những điều chúng tôi đã nói cho tới đây có thể giúp ta xác định tính chất của Linh Đạo Ki-tô giáo, không lệ thuộc vào bất kỳ một tính chất đặc thù theo thời gian hay không gian nào. Ta có thể chấp nhận rằng điều đó cũng diễn tả chính linh đạo của những thế hệ Ki-tô hữu đầu tiên. Tuy nhiên, cần lưu ý đến sự kiện là, ngay từ thời đại các tông đồ, nhất là với các "nguyên nhân dụng cụ" đã nói ở trên, đã có một sự tiến hóa, có một ý thức tiệm tiến về các yếu tố cấu tạo nên linh đạo Kitô giáo : Thánh Kinh, Thánh Truyền, Phẩm Trật, Bí tích và Phụng Vụ. Tuy vậy, ý thức đó đã không đưa tới một linh đạo mới, khác biệt hẳn với linh đạo sơ khai. Từ đó, các Ki-tô hữu đã hiểu hơn về sứ điệp của Đức Ki-tô. Đồng thời, họ cũng đạt tới một hoặc nhiều cách sống đẹp tốt hơn. 

Vào thời đại các tông đồ, trước khi Mặc khải được đóng lại, tất cả đơn giản chỉ là ý thức về sứ điệp của Đức Ki-tô, không pha phôi, không riêng biệt (accentuation, nhấn mạnh một khía cạnh), trong cách sống cũng như trong tư duy. Về sau, mọi sự mới được triển khai. Ta khám phá được nhiều không khí thiêng liêng khác nhau. Vả lại, người Ki-tô hữu còn chịu ảnh hưởng do những nhân vật, đôi khi thật mạnh mẽ, đôi khi thật tài ba; những nhân vật này đã ghi dấu ấn trên thế kỷ của mình, và thường là trên nhiều thế hệ nữa. Lẽ ra ở đây ta còn phải sơ phác lại toàn bộ lịch sử đời sống thiêng liêng Ki-tô giáo . 

IV. Bầu khí thiêng liêng hiện nay

Thay vì làm cuốn sử ấy - điều đó sẽ đưa ta đi xa quá - chúng ta chỉ nên ghi nhận về bầu khí thiêng liêng của chúng ta hiện nay, vào khoảng hai phần ba cuối thế kỷ XX này. Những năm đầu của thế kỷ này hãy còn chịu ảnh hưởng nhiều của các trường phái thiêng liêng thuộc cuối thời Trung Cổ và đầu thời Cận Đại: phong trào Devotio moderna, những nhà đạo đức Tây Ban Nha thế kỷ XVI, trường phái Pháp thế kỷ XVII. Những tính chất mà cách đây nữa thế kỷ vẫn xuất hiện hàng đầu, đó là một thái độ khinh dể phản-huyền-nhiệm (méfiance anti-mystique), có lẽ do hậu quả của những cuộc tranh luận chung quanh chủ nghĩa vô-vi ; đó là việc cẩn trọng quá trong Phụng Vụ (une mise en veilleuse de la liturgie), do phản ứng chống lại phái Cải Cách, từ đó sinh ra những công thức về linh đạo dựa trên những phương pháp suy gẫm; đó là là một thứ khinh dể phản Thánh Kinh (méfiance anti-biblique), cũng là hậu quả từ phản ứng cũng chống phái Cải Cách; rồi đến chủ nghĩa cá nhân; chủ nghĩa duy ý chí; thuyết khổ hạnh. 

Nhưng ta có thể nói, từ lúc đó, đã nẩy sinh một sự đổi hướng. Nhiều phong trào khác nhau đã được hình thành trong Giáo Hội : phong trào Phụng Vụ; rồi phong trào hiệp nhất, phong trào Thánh kinh tiếp bước theo phong trào Phụng Vụ. Người ta lại khám phá ra những giá trị vượt thời gian của Phụng Vụ và Thánh Kinh, thích ứng cho mọi nền Linh Đạo Ki-tô giáo và, tự căn bản, thích hợp cho chính Linh Đạo Ki-tô giáo. Phong trào Hiệp Nhất giúp người ta khám phá ra những điều tốt lành và đích thực thuộc về Chúa Ki-tô trong nhiều hệ phái Kitô giáo khác nhau : ví dụ như giá trị của Kinh Thánh và của sứ vụ rao giảng trong Anh Em Tin Lành ; hoặc mối liên hệ giữa đời sống huyền nhiệm và đời sống bí tích trong các Giáo Hội Đông Phương. Hơn nữa, vào đầu thế kỷ chúng ta, trong Ki-tô giáo, đã nảy sinh một phong trào xã hội rất rõ nét, không phải do ảnh hưởng trực tiếp của chủ nghĩa Mác-xít, mà là do sự tái khám phá những giá trị đời tông đồ, mục vụ, cộng đoàn, và giá trị Tin Mừng; được cụ thể hóa trong nhiều hình thức Công Giáo Tiến Hành khác nhau. 

Vào khoảng hai phần ba sau của thế kỷ XX, người ta đạt tới một tình thế mà những khát vọng khác nhau ấy cuối cùng đã tìm lại được hiến chương tuyển chọn (charte d' élection) của mình nơi Tin Mừng : Phong trào Kinh thánh cũng như phong trào xã hội, phong trào hiệp nhất, phong trào Phụng Vụ, đã tập hợp mọi Ki-tô hữu về với Tin Mừng, dù có những công thức linh đạo khác nhau thế nào. Đặc biệt, người Kitô hữu tìm lại được Tin Mừng của sự nghèo khó (…vangile de la pauvreté). Ta biết Công đồng Vatican II đã hiểu điều này thật tuyệt vời. 

Về phương diện này, ta có thể nói, một con người như Charles de Foucauld đã bộc lộ được diện mạo một ngôn sứ của thế kỷ XX : Sự nghèo khó, nghèo khó "mang tính vô sản" và theo Tin Mừng, ở giữa cuộc sống con người, mà không có một cố gắng riêng biệt để làm việc Tông đồ; cuộc sống chỉ đơn giản là Chúa Kitô và là Chúa Ki-tô ở những nơi Ngài cần hiện diện hơn hết; Những nơi Ngài chưa đến hoặc không còn ở nữa. 

Tình hình hiện tại như thế chắc chắn phải nhắc nhủ ta phải hết sức khôn ngoan trong phán đoán, và đồng thời gợi lên cho ta một ý thức nào đó về tính tương đối. Có MỘT LINH ĐẠO KITÔ GIÁO : linh đạo ấy đã được xác định ở trên. Cũng có những linh đạo (của) Ki-tô giáo. Nhưng hiện nay, chúng ta càng lúc càng phải lưu ý rằng, một linh đạo nào đó chỉ có giá trị trong mức độ mức độ nó bám rễ sâu vào chính LINH ĐẠO KITÔ GIÁO.

 Francois Vandenbroucke, O.S.B.
Thời sự Thần học – Số 4 – Tháng 4/1996, tr. 18-40.

(Nguồn: https://tsthdm.blogspot.com)