Phúc âm Gioan và các tham chiếu tiềm ẩn của Ngũ Kinh

18/04/2018
3827
Trong các chương đầu của Phúc Âm Gioan, ta thấy có nhiều từ ngữ và kiểu nói xem ra tương tự như các thuật ngữ dùng trong Ngũ Kinh, nhất là ở các chương đầu của Sách Sáng Thế. Nhiều người coi đây là những tham chiếu tiềm ẩn hay mặc nhiên, nghĩa là không được phúc âm gia hay nhân vật nói chúng nhắc tới nguồn gốc hay tác giả. Trong bài này, chúng tôi nhắc đến một số từ ngữ và kiểu nói ấy và tìm hiểu xem tại sao chúng đã được dùng trong Phúc Âm này. 

Cây vả và ơn gọi của Nathanien (Ga 1:45-51)

Lúc kêu gọi Nathanien, Chúa Giêsu đưa ra một chi tiết thoạt nghe hết sức tầm thường, nhưng lại có tính quyết định khiến Nathanien đi theo Người. Chi tiết ấy chính là việc Người “thấy Nathanien dưới cây vả”. Ta biết Nathanien là người vốn không có thiện cảm với vị tiên tri mà người ta nói quê ở Nadarét: “có cái gì tốt phát xuất từ Nadarét đâu?”. Có người cho rằng ông ta có óc kỳ thị. Dù sao, ông cũng tỏ ra không hào hứng lắm trước lời mời của Philip đi gặp Chúa Giêsu. Khi đã gặp nhau, thái độ niềm nở của Chúa Giêsu cũng không làm ông thay đổi thái độ bao nhiêu; nhưng khi Người bảo ông: “Tôi thấy anh dưới cây vải”, Nathanien bèn nhìn nhận Chúa Giêsu là con Thiên Chúa,Vua Israel. Chính Chúa Giêsu cũng cho rằng việc Người nói Người thấy Nathanien dưới cây vả đã làm ông tin (câu 50). 

Tại sao thế? Tại sao Chúa Giêsu lại chỉ nhắc đến chi tiết “dưới cây vả” mà không nhắc đến các chi tiết khác chắc chắn có rất nhiều ngay trong khi Nathanien đứng dưới cây vả? Ta biết, trong mấy chương đầu, Phúc Âm Gioan có nhắc nhiều tới nguồn đệ nhất của mình là Ngũ Kinh. Mà trong Ngũ Kinh, khi nói tới việc sa ngã của Adong và Evà, Sách Sáng Thế (3:7) có nhắc đến việc “họ kết lá vả làm khố che thân” sau khi ý thức được sự trần truồng của mình do hậu quả tội lỗi gây ra. Lá vả như một phương tiện che đậy thân phận thấp hèn của Adong và Evà trước Đấng tối cao. Phải chăng Phúc Âm Gioan cũng muốn dùng cùng một cây vả ấy để nói lên thân phận thấp hèn của Nathanien trước Đấng Cao Cả đang đứng trước mặt mình. Lá vả che đậy sự trần truồng của Adong và Evà, nhưng với Đấng Cứu Thế, cây vả trở thành phương thế mở mắt cho Nathanien nhìn ra Đấng Kitô. 

Lý thuyết khai mào

Linh mục Brian Byron, trên tập san The Australasian Catholic Record, số tháng Bẩy năm 2005, đã căn cứ vào yếu tố trên để đưa ra một nhận định rất hay về mục đích việc sử dụng những tham chiếu tiềm ẩn này. Theo ngài, phúc âm gia muốn nhắn nhủ những người rao giảng Kitô Giáo rằng họ không phải chỉ thuật lại câu truyện về Chúa Giêsu, mà còn cần phải có điều mà ngài gọi là tiền giáo lý, nghĩa là hậu cảnh dẫn tới câu truyện ấy. Bởi thế, những tham chiếu đại loại như trên không phải chỉ là những trau chuốt có tính văn phong hay bằng chứng của việc nên trọn các lời tiên tri hay loại hình (types) mà thôi, mà chúng là những nhắc nhở thực tiễn khiến giảng viên giáo lý phải trình bày những điều căn bản trong truyền thống Do Thái dù dưới nhãn quan Kitô Giáo. Những từ ngữ chủ yếu trong Phúc Âm khơi mào để ta chợt nhớ ra các biến cố hay học lý đặc biệt cần dùng làm hậu cảnh dẫn vào Phúc Âm. Nếu cây vả chỉ có nghĩa với Nathanien hay với Chúa Giêsu, thì nó là chi tiết vô ích không cần có trong bản văn Phúc Âm. Nhưng nếu nó hiện diện ở đó như một khơi mào (trigger) hay một nhắc nhở khiến ta nhớ đến câu truyện Sa Ngã, trong đó cây vả là biểu tượng của việc mất sự ngây thơ trong trắng, thì nó có ý nghĩa. 

Thời đại ta vốn là thời đại viết lách dễ dàng nhờ máy vi tính, truyền bá dễ dàng nhờ liên mạng hay máy fax, sao chép dễ dàng nhờ máy photocopier, chưa kể các phương tiện in ấn khác. Những dễ dàng ấy dễ làm ta quên khuấy các khó khăn vật lý, kinh tế và cả giáo dục nữa mà các Kitô hữu đầu tiên gặp phải trong sứ mệnh truyền bá Phúc Âm. Khả năng biết đọc chỉ giới hạn đối với một bộ phận nhỏ dân chúng. Viết là một nghề chuyên môn rồi; giấy sậy, giấy da, nói chung các dụng cụ để viết, kể cả mực, rất mắc mỏ. Sao chép là một việc rất tốn công. Sách vở do đó rất quí giá, nhiều người phải dùng chung, bằng cách một ai đó phải đọc to lên cho nhiều người cùng nghe. Trong thế kỷ thứ nhất, sách vẫn dưới hình thức cuộn (scroll) rất cồng kềnh, khó tra cứu, mãi sau này mới được đóng thành bộ (codex). Thành ra, ‘tiết kiệm’ là nguyên tắc chủ yếu trong việc viết và sử dụng sách, làm thế nào sáng chế ra cách để tối đa hóa điều chứa trong các bản chép?

Các học giả từng ghi nhận tầm quan trọng của việc học thuộc lòng trong giai đoạn truyền khẩu các tư liệu phúc âm. Họ cũng đã giảng giải một số kỹ thuật dùng để giúp việc học thuộc lòng kia. Các nhà truyền giáo được gửi đi rao giảng phải du hành cách gọn nhẹ, không thể mang theo những sách cuộn cồng kềnh, nhất là các sách cuộn Cựu Ước rất khó tiện dụng đối với họ. Họ đành phải để mọi sự trong đầu, học thuộc lòng bằng nhiều phương thế. Các nhà chú giải có nhắc tới những phương thế như thể văn chiasmus (thể văn chuyển hóa ở câu thứ hai, song đối?). Họ không giải thích nhiều về các phương thế này, có thể là để có những sắc thái đa dạng về văn phong, nhưng rõ ràng là để giúp học thuộc lòng các nội dung cần thiết cho việc chuyển giao truyền khẩu. 

Do đó, ta có thể cho rằng việc Thánh Gioan sử dụng các chữ chủ yếu, nhất là trong các chương đầu trong Phúc Âm của ngài, như những khai mào, nhắc cử tọa nhớ tới những câu truyện trước đó dùng làm phông cho câu truyện về Chúa Giêsu. Trong khi các cử tọa gốc Do Thái Giáo không cần giải thích dài dòng vì họ vốn quen thuộc với các câu truyện đó, thì người Dân Ngoại cần được giảng giải kỹ hơn. Bởi thế khi sử dụng Phúc Âm Gioan, các giảng viên giáo lý cần lưu ý tới những tham chiếu tiềm ẩn này.

Các yếu tố của lịch sử Thánh Kinh

‘Lúc khởi đầu’(Ga 1:1): Sáng thế, Chúa hiện hữu và bản tính của Người

Các chữ khởi đầu Phúc Âm Gioan “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời” được mọi người nhìn nhận là tiếng vang của những lời đầu trong Sách Sáng Thế ‘Lúc khởi đầu, Thiên Chúa đã sáng tạo… ”. Theo như giả thuyết trên đây, chắc hẳn Thánh Gioan muốn người rao giảng phải trình bày cho các dự tòng các chân lý căn bản của tôn giáo rằng thế giới đã được Thiên Chúa dựng nên. Trí khôn con người bắt đầu tìm hiểu từ những điều nó biết, nghĩa là từ thế giới chung quanh. Giảng viên giáo lý dĩ nhiên sẽ giải đáp thắc mắc ấy bằng chân lý trình bày ngay ở đầu Sách Thánh. “Lúc khởi đầu, Thiên Chúa đã sáng tạo…”. Dĩ nhiên Người phải hiện hữu trước khi Người sáng tạo. Từ đó, có thể diễn dịch ít điều về bản tính Thiên Chúa: tự hữu, quyền năng vì Người dựng nên trời đất, khôn ngoan vì Người dựng nên đủ mọi loài khác nhau, tốt lành vì có sự hoà hợp giữa muôn loài. Và rồi trong Phúc Âm Gioan có một mạc khải mới: Thiên Chúa sáng tạo muôn loài qua Ngôi Lời.

‘Ngày’ (Ga 1:29, 35, 43; 2:1) 

Chữ ‘ngày’ (ngày hôm sau), được nhắc đến nhiều lần trong các chương đầu của Phúc Âm Gioan, thường được các học giả liên kết với các ngày tạo dựng mô tả trong Sách Sáng Thế. Trong chiều hướng đã trình bày trên, các giảng viên giáo lý được yêu cầu nói đến giáo huấn về bẩy ngày trong tuần, nhu cầu cần một ngày để nghỉ ngơi, để thờ phượng. 

‘Ngày thứ ba’ (Ga 2:1)

Ngày thứ ba trong Sách Sáng Thế nói về việc dựng nên cây cối thảo mộc cùng hạt giống của chúng. Nhưng ngày thứ ba cũng có thể nhắc tới ngày thứ ba trong Xuất Hành (19:10ff), trong đó, nó được mô tả như ngày để chuẩn bị, ngày thần hiện (theophany) vĩ đại trên Núi Xinai, ngày dân được thánh hiến cho Thiên Chúa và Môsê đem Mười Điều Răn xuống cho dân. Giáo lý viên được nhắc nhở đề cập tới các biến cố ấy trong lịch sử cứu rỗi. 

‘Sự sống’ (Ga 1:4)

Câu 1:4 của Phúc Âm Gioan nói về ‘sự sống’ (môt chủ đề rất quan rọng sau này trong Phúc Âm) nhắc ta nhớ tới một ý niệm căn bản khác trong kinh nghiệm nhân bản và là một ý niệm có trong chương đầu Sách Sáng Thế, tức việc tạo dựng ‘những sinh vật’ trong nước, chim chóc trên trời và trên đất ‘các sinh vật tùy theo loại: gia súc, dã thú, và mọi giống vật bò dưới đất” (St 1:20-26).

‘Ánh sáng’ (Ga 1:4)

Thánh Gioan tức khắc liên kết sự sống và ánh sáng, và mô tả chức năng của nó theo cách thế khiến ta nhớ tới Sách Sáng Thế. Trái đất lúc Thiên Chúa mới dựng nên thì tối đen. Người bèn dựng nên ánh sáng, khiến ngày và đêm tách biệt nhau (St 1:14). Thiên Chúa thấy ánh sáng tốt đẹp, giống như mọi sự Người đã dựng nên trước đó. Đối với ngay những người nguyên khai, tầm quan trọng của ánh sáng đã hiển nhiên rồi. Những nhà khoa học thông thái nhất cũng phải nhìn nhận nó tốt lành. Nó chính là ý niệm nền tảng trong Phú Âm Gioan. Ngài sẽ dùng nó là biểu tượng cho đức tin, nhất là lúc nói tới người mù trong chương 9, nhưng ngay ở đây, ngài đã muốn chúng ta nhớ rằng ánh sáng tự nhiên là một hiện tượng vĩ đại và là hồng ân ban đầu của Đấng Hóa Công. Trình thuật Sáng Thế tiếp tục nói đến việc tạo dựng các nguồn sáng như tinh tú, mặt trời và mặt trăng. Thiên Chúa phân rẽ ánh sáng với bóng tối (St 1:14-19). Tự Ngôn của Thánh Gioan cũng nói tới bóng tối, gán cho nó một ý nghĩa thảm bại về luân lý (1:5). 

‘Bên kia Sông Giođan’ (Ga 1:28)

Kiểu nói trên được dùng nhiều lần trong Ngũ Kinh. Tự nó, nó có thể chỉ bên này hay bên kia Sông Giođan, hay việc di chuyển từ bên này qua bên kia hay ngược lại Sông ấy. Tuy nhiên, phần lớn nó chỉ từ đông qua tây. Điều quan trọng hơn là: trong những đoạn có ý nghĩa nhất, nó chỉ phía tây Sông Giođan, tức Đất Hứa. Điều này nhắc giảng viên giáo lý nói tới câu truyện vào Đất Hứa, trước nhất như một biến cố quan trọng trong lịch sử cứu rỗi, thứ hai như chiếc phông cho hình loại học về Chúa Giêsu, một Giosuê mới vượt qua Sông Giođan để tiến về khu vực Giêrusalem, trung tâm của Đất Hứa. 

‘Bêtania, bên kia Sông Giođan, nơi ông Gioan làm phép rửa’ nên được hiểu theo cách sau đây. Đây là một thành quen thuộc, chỉ cách Giêrusalem mấy cây số trên đường đi Giêrikhô. ‘Bên kia Sông Giođan’ phải được hiểu theo nghĩa hướng tây trong tiếng Hibálai cổ điển. Như vậy nó đồng nghĩa với ‘Đất Hứa’. Tác giả Phúc Âm Gioan không phân biệt nó với Bêtania vốn được người ta biết đến nhưng giới thiệu nó lần đầu tiên cho các độc giả không quen thuộc với địa dư Đất Thánh. Ta phải đặt mình vào vị trí của người đọc Phúc Âm lần đầu, một người chưa bao giờ nghe đến tên Bêtania. Như mọi tác giả, Thánh Gioan chủ yếu viết cho các độc giả lần đầu. Ngài không chủ ý viết cho những ai đã quen thuộc với ba phúc âm kia, cũng như cho những người từng miệt mài với Phúc Âm của ngài hết ngày này qua ngày nọ. Ngài sẽ còn nhắc tới Bêtania lần nữa trong Phúc Âm của mình khi không còn phân biệt nó với Bêtania đã nhắc đến vì cả hai chỉ là một. Bây giờ, ở đây (1:28), ngài giới thiệu nó và tuyên bố nó chính là Đất Hứa. Câu giải thích ‘nơi ông Gioan làm phép rửa’ chỉ có thể bổ túc nghĩa cho Giođan, chứ không bổ túc nghĩa cho ‘Bêtania, bên kia Sông Giođan’. Phép rửa của Gioan được liên tưởng với Sông Giođan, chứ không liên tưởng với một thị trấn. Thông tin đó chưa được phúc âm gia nhắc đến, nên nay là lúc ngài phải cho vào bản văn của mình. Nó cũng có thể là một khơi mào để ta nói đến tầm quan trọng của Sông Giođan như là đường phân ranh Đất Hứa, và như một câu truyện cảm kích về cuộc chiến thắng dưới sự chỉ huy của Giosuê. Tên Giêsu, như ta đã thấy, vốn là một cách thâu ngắn tên Giosuê. 

‘Chiên Thiên Chúa’ (Ga 1:29, 36)

Phúc âm Gioan cho thấy vị Tẩy Giả dùng tước hiệu “Chiên Thiên Chúa’ hai lần để chỉ Chúa Giêsu. Hình loại học về chiên vượt qua hình như được đề cập ở đây và sẽ được tóm kết một cách minh nhiên khi Chúa Giêsu chết trên Thánh Giá: “không một chiếc xương nào của Người bị đánh giập” (19:36). Giảng viên giáo lý tất nhiên sẽ tình bày cho các tân tòng không thông thạo truyền thống Do Thái câu truyện về Chiên Vuợt Qua và cuộc Xuất Hành. 

‘Một người It-ra-en, lòng dạ không có gì gian dối’; ‘dưới cây vả’(Ga 1:45-51)

Như đã thấy, phản ứng đầu tiên của Nathanien đối với Chúa Giêsu là một phản ứng tiêu cực. Dù vậy, Chúa Giêsu cũng đã nói một cách tích cực về ông và đã chinh phục được ông nhờ một lời khen và một tham chiếu hơi lạ. Theo chiều hướng của bài này, thì đó là dấu cho thấy tác giả muốn đề cập tới một sáng tạo mới, một con người mới trong một trạng thái ngây thơ trong trắng của Adong và Evà lúc tạo dựng, ‘một người Ít-ra-en lòng dạ không có gì gian dối’.

Việc nhắc tới cây vả có thể là một khơi mào khiến giảng viên giáo lý trình bày câu truyện thử thách, cám dỗ và sa ngã của Adong và Evà. Chữ ‘cây’ có thể có ý nhắc tới chữ “mọi thứ cây’ trong Vườn, nhất là cây biết tốt xấu. Cây vả nhắc người đọc nhớ tới việc dùng lá vả làm áo che thân cho Adong và Evà khi họ khám phá ra mình trần truồng và cảm thấy xấu hổ vì tội lỗi đã phạm. Họ đã đánh mất sự ngây thơ trong trắng vì bất tuân ăn trái cấm. Ngược lại, Chúa Giêsu sẽ qui tụ chung quanh Người những ai được hưởng một sáng tạo mới, ngây thơ trong trắng, không có gì gian dối.

Chi tiết Nathanien ở dưới cây vả là chi tiết hữu ích và khá lạ lùng đối với độc giả nếu không được giải thích thỏa đáng, từ nguồn bên ngoài câu truyện, như một phần của hệ thống khơi mào các bài học trong lịch sử Thánh Kinh. Có thể coi đây như điển hình mạnh nhất cho giả thuyết của bài này.

‘Các thiên thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống’ (Ga 1:51)

Đoạn nói về Nathanien chấm dứt với việc tham chiếu rõ chiếc thang của Giacóp (St 28:10), tuy không minh nhiên. Phúc âm gia muốn xa gần nhắc tới câu truyện Giacóp tại đây, dù sẽ nhắc đến nó một cách minh nhiên hơn tại Ga 4, trong cuộc truyện trò giữa Chúa Giêsu và người đàn bà Samaria bên giếng Giacóp. Câu truyện về chiếc thang Giacóp xa gần nhắc tới ở đây thật là thích hợp. Bởi vì lúc này là lúc Chúa Giêsu từ Bêtania gần Giêrusalem tiến lên phía bắc và chẳng bao lâu sẽ đến Cana miền Galilê. Trên đường, chắc chắn Người tới gần địa điểm Bết-ên (Bethel) hay đi băng qua nó. Giấc mộng của Giacóp đã xẩy ra tại Bết-ên này. Nơi ấy đã trở nên một đền thờ quan trọng. Việc tham chiếu tới chiếc thang có thể là cách để tiên đoán rằng nhờ Chúa Giêsu, “mọi gia đình trên thế gian” sẽ được chúc phúc. 

‘Tiệc cưới tại Cana miền Galilê’ (Ga 2:1-11)

Trong câu truyện tiệc cưới tại Cana, ta thấy một số tham chiếu tiềm ẩn. Chỉ xin vắn tắt nói tới tham chiếu thứ nhất ‘Ngày thứ ba…’, vì nó đã được nói tới rồi. Trước khi đề cập đến tham chiếu kế tiếp, tưởng cũng nên nói qua các nét chính của câu truyện. Nó được dẫn khởi bằng những chữ này ‘Ngày thứ ba, có tiệc cưới tại Cana, miền Galilê và mẹ Chúa Giêsu cũng ở đó’ (động từ ở thì quá khứ không hoàn tất). Rồi sau đó câu truyện bắt đầu như sau: “Đức Giêsu và các môn đệ cũng được mời (động từ ở thì aorist). Thì quá khứ không hoàn tất đã đặt khung cảnh cho câu truyện, thì aorist kể đến diễn biến của câu truyện. Điều ấy có nghĩa: đám cưới đang diễn ra, và Mẹ Chúa Giêsu vốn đã ở đó từ đầu. Một cách mặc nhiên, Chúa Giêsu và các môn đệ thì chưa ở đó ngay, mặc dù nhiều bản dịch vẫn dịch là Người và các môn đệ đã được mời từ trước. Dịch như thế là làm hỏng tính liên tiếp (concatenation) của các biến cố. Thực vậy, có thể chính Đức Mẹ gợi ý mời Chúa Giêsu và các môn đệ tới tiệc cưới, lúc các ngài đang ở Cana. Moloney, trong The Gospel of John, cho rằng: chỉ có Mẹ Chúa Giêsu ở (thì không hoàn tất) đó thôi. Sau đó câu truyện khởi đầu bằng một động từ ở thì aorist: Chúa Giêsu và các môn đệ được mời tới sau. Và Đức Mẹ nói: ‘họ hết rượu rồi’. Tuy nhiên, câu nói bí hiểm nhất vẫn là câu: “thưa bà, chuyện đó can gì đến bà và tôi?”. Câu này chắc chắn muốn hàm ý: Chúa Giêsu là người làm chủ tình hình ở đây. Chính vì thế, Đức Mẹ đã chỉ thị cho các gia nhân phải làm theo lệnh của Chúa. Quả thực Chúa đã ra lệnh cho họ đổ nước đầy các chum lớn vốn đặt gần cửa ra vào nhà.

Quả là ngạc nhiên khi nghe Chúa Giêsu gọi mẹ của Người là ‘bà’ (tiếng Anh dịch là woman, người đàn bà ơi), khiến nẩy sinh nhiều lời chú giải khác nhau. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng nó tham chiếu câu 2:28 Sách Sáng Thế, trong đó, người đàn ông đầu tiên đã gọi người đàn bà ‘trợ tá’ vừa được tạo nên của mình là ‘đàn bà’. Và chữ này, sau đó, được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong trình thuật sa ngã và trong lời phán xét của Thiên Chúa. Cùng với ‘người đàn bà’ dưới chân thánh giá (Ga 19:26) và ‘người đàn bà’ của Sách Khải Huyền (Kh 12), người ta đã có thể khai triển ra một nền thần học về vai trò làm Evà mới và người mẹ mới của Đức Maria. Nhưng ta có thể coi câu truyện về người đàn bà trong sáng thế và trong sa ngã như là một phần của tiền sử (pre-history) đối với Phúc Âm. 

Chính tiệc cưới cũng là một khai mào khiến ta nhớ lại ý định nguyên thủy của Thiên Chúa khi tạo ra cặp vợ chồng đầu hết (St 1:27ff và 2:24), là muốn họ sinh hoa kết trái, tăng số để tràn lan khắp mặt địa cầu, và để họ nên một thân xác. Có thể nhìn việc Chúa Giêsu chấp nhận lời mời tới dự tiệc cưới và bằng lòng làm phép lạ để giúp chú rể tránh cái bẽ bàng của việc thiếu rượu như là việc Thiên Chúa thiết lập ra định chế hôn nhân đầu hết và việc Người chấp thuận tình trạng thánh thiện và hân hoan của định chế ấy, vì rượu vốn là đồ uống trong các cử hành hân hoan. Vì thế, các nhà chú giải đã từ đoạn văn này rút tỉa ra biểu tượng tính về thiên sai. 

Nhắc đến các kinh nghiệm sa mạc của Dân Ít-ra-en (Ga 6)

Điều đáng lưu ý là với câu truyện đám cưới tại Cana, các tham chiếu tiềm ẩn cũng không còn nữa. Từ đây, ta thấy các tham chiếu đều minh nhiên nhắc tới Ngũ Kinh. Thí dụ Giacóp và Giuse. Việc treo Con Người lên đã được so sánh với con rắn đồng trong sa mạc (3:14-15). Trong chương 6, có một mẫu khai triển chủ đề Bánh Sự Sống rõ ràng lấy kinh nghiệm Xuất Hành làm hậu cảnh, với việc minh nhiên nhắc tới manna. Những tham chiếu này đương nhiên cũng khai mào cho một giải thích lịch sử thánh đối với những ai không quen thuộc với lịch sử ấy. Tuy nhiên, những chữ “xầm xì” trong Ga 6:43, “lẩm bẩm” trong Ga 6:61 và “không tin” trong Ga 64 có thể là các âm vang của những lời xầm xì, lẩm bẩm nơi dân Israel trong sa mạc được kể lại trong Xuất Hành 15:24 và các chương kế tiếp. 

‘Tôi Hằng Hữu’ (Ga 8:58) (1).

Theo thánh truyền, các từ ngữ tạo cao điểm (climactic) của Chúa Giêsu, nghĩa là những từ ngữ làm cho lời Người nói với người Do Thái đạt tới một kết thúc bi tráng, đều được hiểu như những âm vang của lời lẽ mà Giavê, từ bụi gai bốc lửa, đã phán ra trong Xuất Hành 3:14. Nếu lối giải thích này hợp lý, thì câu “Tôi Hằng Hữu” của Chúa Giêsu phải được coi là một tham chiếu tiềm ẩn, và rất quan trọng. Các chữ đó có được hiểu như lời chứng về thần tính, hay chỉ là lời chứng về tiền hữu (pre-existence) là điều ta không xét ở đây. Mục đích của bài này chỉ là muốn xét xem nó có tham chiếu Xuất Hành 3:14 hay không.

Các học giả từng liệt kê một số câu “Tôi là” (I am) của Chúa Giêsu trong Phúc Âm Gioan. Trong đa số các câu này, “là” được dùng như một liên hiệp tiếp từ (copula) nghĩa là đòi một thuộc từ (predicate), như “Tôi là bánh hằng sống”; “Tôi là người chăn chiên nhân hậu”; “Tôi là ánh sáng trần gian”; “Tôi là đường, là sự thật và là sự sống”. Trong một số câu, kiểu nói “ɛɤω ειμι” (tôi là, I Am) được dùng gần như ở hình thức liên hiệp liên từ, với nghĩa “chính là tôi (thầy)” (6:20). Trong một vài trường hợp, kiểu nói này được dùng một cách tuyệt đối, nghĩa là không cần thuộc từ. Đó là lối dùng động từ “là” theo lối danh từ (substantive use) với nghĩa là “hiện hữu”. Đó chính là lối dùng tại câu Ga 8:58 ở đây “Trước khi có Ápraham, tôi hiện hữu”.

Phần lớn các nhà chú giải coi đây là một tham chiếu tới câu truyện bụi gai bốc lửa trong Xuất Hành 3:14, dù hiện nay có một số vị thích coi nó như tham chiếu câu Is 51:12. Cái hiểu theo truyền thống hình như thắng thế hơn. Việc Thiên Chúa tự mạc khải cho Môsê từ bụi gai bốc lửa là một trong những giây phút có tính quyết định nhất trong lịch sử Israel. Thiên Chúa tự mô tả với Môsê như là Thiên Chúa của tổ tiên ông, của Ápraham, của Ixaác và của Giacóp. Theo yêu cầu của Môsê, Thiên Chúa mạc khải tên Người là: “Ta là Đấng hằng hữu”. ở đây, người Do Thái dùng một hình thức của động từ “là” giống như trong tên cực thánh Giavê. Tên này phải dịch ra sao là điều đã nhận được khá nhiều đáp ứng, nhưng đều không có động từ “là”. Bởi thế, câu nói của Chúa Giêsu “Tôi [là Đấng] Hằng Hữu” khi ngỏ lời với người Do Thái tại Đền Thờ đã gây nên một phản ứng rất mạnh. Họ tố cáo Người tội phạm thượng và mưu toan ném đá Người. Tuy nhiên, Người đã thoát được và ra khỏi Đền Thờ.

Theo dòng suy luận được dùng trong bài này, ta có thể cho rằng phúc âm gia muốn giảng viên giáo lý thuật lại cảnh thần hiện với Môsê từ bụi gai bốc lửa. Đó chính là khởi đầu việc Thiên Chúa can thiệp vào lịch sử dân của Người. Người sắp sửa giải thoát họ khỏi cảnh nô lệ khốn khổ bên Ai Cập và tái lập họ tại mảnh đất đã ban cho Ápraham. Người là Thiên Chúa toàn năng, nhiều quyền năng hơn Pharaô. Người là Đấng làm nhiều điều lạ lùng cho dân của Người, từng yêu thương họ nhưng vẫn trừng phạt họ và sau cùng đã đem họ về quê hương đích thật của họ. 

Câu truyện này cung cấp cho ta một hậu cảnh mạnh mẽ để Chúa Giêsu tự cho mình là “Tôi là Đấng Hằng Hữu”. Hiểu theo thánh truyền, đó chính là lời tự xưng mình là Thiên Chúa và là sứ điệp trung tâm của Phúc Âm.

Các nhà chú giải gần đây đã không giải thích theo lối trên nữa. Bản văn Hy Lạp “ɛɤω ειμι” không hoàn toàn giống hệt như bản Bẩy Mươi đã dịch điều Giavê phán từ bụi gai bốc lửa trong Xuất Hành 3:14: ɛɤω ειμι ο ων = Ta là sự hiện hữu (I am the being) (2). Do đó, ta có thể biện luận rằng câu Ga 8:58 là lời cho rằng mình hiện hữu trước Ápraham chứ không hẳn cho rằng mình là Thiên Chúa.

Bởi thế, một số học giả hiện đại không tìm thấy âm vang của Xuất Hành 3:14 trong Gioan 8:58, nhưng đúng hơn là một âm vang của Đệ Nhị Isaia (Deutero-Isaiah). Việc xuất hiện trễ của kiểu nói “tôi là” này trong Phúc Âm có thể chỉ rằng nó không được kể vào nhóm tham chiếu tiềm ẩn như trong các chương đầu của Phúc Âm Gioan. Tuy nhiên, để quân bình hóa, thiển nghĩ nên kể chúng vào nhóm đó. Vì nó quả là một tham chiếu, dẫn ta tới một giai đoạn chủ yếu trong lịch sử cứu rỗi. 

Gioan 8:24 cũng có kiểu nói ɛɤω ειμι mà không có thuộc từ: “… nếu các ông không tin rằng Tôi Hiện Hữu, các ông sẽ mang tội lỗi mình mà chết” (3). Nhiều người cho rằng sau “I am” còn có chữ “he” hiểu ngầm (tôi là đấng ấy), nên động từ “là” ở đây là một liên hiệp tiếp từ. Nhiều người khác lại cho nó có nghĩa tuyệt đối như trong Ga 8:58. Trong trường hợp này, người ta có thể coi nó như một âm vang của Xuất Hành 3:14. 

Một trường hợp tương tự cũng có thể áp dụng cho kiểu nói ɛɤω ειμι là cảnh Chúa bị bắt trong Vườn Diệtsimani: “Khi Chúa Giêsu nói với họ: chính tôi đây, thì họ lùi lại và ngã xuống đất” (18:6) (4). Thiết tưởng đây cũng là một điển hình nữa của lối tham chiếu tiềm ẩn hay mặc nhiên. 

Kết luận

Hiện tượng các tham chiếu hay ám chỉ tiềm ẩn tập trung cả ở hai chương 1 và 2 của Phúc Âm Gioan, ngoại trừ tham chiếu “Tôi Hằng Hữu” ở chương 8:58, cho thấy, ngay từ đầu, soạn giả của Phúc Âm này muốn người nghe phải được dẫn nhập trước (pre-introduction) vào câu truyện của Chúa Giêsu, nhất là các thính giả ngoại giáo. Điều cũng đáng lưu ý nữa là các ám chỉ ấy đều xa gần khiến người ta phải lưu ý tới Sách Sáng Thế và Xuất Hành, là hai sách vẫn rất được coi trọng trong Thánh Kinh Do Thái. Ta nên nhớ Ngũ Kinh hay Tôra là bộ duy nhất được chấp nhận một cách phổ quát, kể cả nhóm Xa-Đốc và người Samaria. Tất nhiên, những ám chỉ này bao giờ cũng tùy thuộc mục đích tổng quát của cả Phúc Âm Gioan, nhưng một mục tiêu khiêm nhường hơn, nhằm chuẩn bị, có tính mục vụ và thực tiễn hơn vẫn không bị loại trừ. Độc giả cần biết tới giao ước thứ nhất trước khi đạt được niềm tin rằng giao ước ấy đã được Chúa Giêsu vượt qua. Nếu những chữ và kiểu nói này đã được ‘vọ vạy’ cho vào bản văn để nhắc người ta nhớ một điều gì đó trong Sách Sáng Thế và Xuất Hành, thì chúng phải dọn đường để người ta biết đánh giá một cách có hiểu biết mục đích tối hậu vừa nói ở trên. 

_______________

(1) Lối dịch của Nhóm Phụng Vụ Các Giờ Kinh; Cha Nguyễn Thế Thuấn dịch là “Ta, chính là Ta!

(2) lối dịch của bài này. Nhóm PVCGK dịch là “Ta là Đấng Hiện Hữu”. Cha Nguyễn Thế Thuấn: “Ta có sao Ta có vậy” và xa hơn chút nữa “Ta có”.

(3) Lối dịch của bài này. Nhóm PVCGK dịch là: Nếu các ông khôn tin là Tôi Hằng Hữu. Cha Nguyễn Thế Thuấn dịch là: “Vì nếu các ông không tin: Chính là Ta…”.

(4) Lối dịch của PVCGK. Cha Nguyễn Thế Thuấn: “Vậy khi Ngài vừa nói với họ: Chính là Ta…”


Vũ Văn An

(Nguồn: Vietcatholic.net)