Lời Cầu Vật Lộn Của Giacóp
04/03/2018
4240
Có một người vật lộn với ông cho đến lúc rạng đông. Thấy không thắng được ông, người đó bèn đánh vào khớp xương hông của ông, và khớp xương hông của ông Gia-cóp bị trật đang khi ông vật lộn với người đó. Người đó nói: "Buông ta ra, vì đã rạng đông rồi." Nhưng ông đáp: "Tôi sẽ không buông ngài ra, nếu ngài không chúc phúc cho tôi." Người đó hỏi ông: "Tên ngươi là gì? " Ông đáp: "Tên tôi là Gia-cóp." Người đó nói: "Người ta sẽ không gọi tên ngươi là Gia-cóp nữa, nhưng là Ít-ra-en, vì ngươi đã đấu với Thiên Chúa và với người ta, và ngươi đã thắng." Ông Gia-cóp hỏi: "Xin cho tôi biết tên ngài." Người đó nói: "Sao ngươi lại hỏi tên ta? " Và người đó chúc phúc cho ông tại đấy.
Ông Gia-cóp đặt tên cho nơi đó là Pơ-nu-ên, "vì -ông nói- tôi đã thấy Thiên Chúa mặt đối mặt, mà tôi đã được tha mạng." Khi mặt trời mọc, ông đi qua Pơ-nu-ên; ông đi khập khiễng vì bị trật xương hông. Bởi thế, con cái Ít-ra-en, cho đến nay, không ăn cái gân đùi ở khớp xương hông, vì người đó đã đánh vào khớp xương hông của ông Gia-cóp, vào gân đùi” (Sáng thế, 32:23-33).
Phần lớn các nhà chú giải cho đoạn văn này là một trong các đoạn văn kỳ lạ, khó hiểu hơn cả của Cựu Ước. Khi bình luận đoạn này, Cha Nguyễn Thế Thuấn cho biết đoạn này tương tự như đoạn Xuất Hành 4, các câu 24-26 trong đó Giavê xông đánh Mô-sê ban đêm và muốn giết ông. Dĩ nhiên có sự dị biệt: Mô-sê không đánh trả Gia-vê hay đúng hơn không biết gì về việc Giavê xông đánh ông đêm đó. Ở đây, Gia-cóp đã đánh lại và gần như đã thắng nếu như không bị “người kia” đá vào hông khiến ông cà nhắc. Tuy nhiên, ông vẫn không chịu buông tha cho “người kia” dù “trời đã rạng đông rồi”. Một phần vì cung cách xuất hiện đột ngột, không có mào đầu chi, của “người kia”, một phần vì khi nghe “người kia” xin mình buông tha “vì trời đã rạng đông rồi” mà Gia-cóp đã nghi người lạ mặt này không phải là người nên đã cố cưỡng bắt ông ta phải chúc lành cho mình.
Có người cho rằng câu truyện đấu vật này được đưa vào đây để giải thích tầm nguyên cho cái tên Israel của Gia-cóp. Theo Cha Thuấn, từ yeabeg (đấu) của Hípri chọi với từ yabboq (tên con sông Gia-cóp vượt qua trong truyện này) thành ra từ Israel. Richard J. Clifford SJ và Roland E. Murphy O.Carm cũng đồng ý như thế khi cho rằng ’abaq (đấu) là cách chơi chữ đối với tên con sông yabboq (Giáp-bốc); trong khi từ yisra’el thì tuy tầm nguyên không rõ ràng (rất có thể có nghĩa là “Chúa hãy thống trị”), nhưng người bình dân vẫn hiểu nghĩa là “ngươi đã đấu” (sarita, xem Hs 12:4) với ’elohim (Chúa, thần)...
Truyện này còn đề cập đến một tầm nguyên khác về tên Peniel hay Penuel (Pơ-nu-ên=mặt Thiên Chúa”. Một giải thích có tính tầm nguyên khác trong câu truyện này là tục dân Do Thái không ăn cái gân đùi ở khớp xương hông, một cấm kỵ, theo Cha Thuấn, không thấy nhắc đến ở đâu nữa trong Thánh Kinh.
Truyện không nói rõ tại sao Gia-cóp nhận ra người vật lộn với mình chính là Thiên Chúa, đến nỗi dám quả quyết là mình đã được diện dối diện với Thiên Chúa mà vẫn toàn mạng, và do đó đã đặt tên cho nơi ấy là “Mặt Thiên Chúa”. Trên kia, có nói đến việc người vật lộn xuất hiện cách đột ngột và cung cách “cữ” ban ngày của người ấy khiến Gia-cóp nghĩ rằng người này không phải là người trần. Nhưng cùng lắm ông chỉ dám nghĩ đó là người trời sai đến (Hôsê 12:4 cho là một thần sứ) mà thôi. Mà người trời sai đến là điều ông đang rất cần, đang rất ước mong, để nhận được sức mạnh hay khôn ngoan đủ để đương đầu với người anh mà ông từng đã dùng đủ mọi mưu cách cầu hòa nhưng vẫn chưa thành công. Đàng này, ông lại dám quả quyết đó chính là Thiên Chúa. Do đâu? Do đâu ông biết chắc như thế?
Có người cho rằng người đấu vật với Gia-cóp có một sức mạnh siêu phàm: dù bị ông ôm cứng, nhưng người ấy “không biết làm cách nào” đã đánh được vào xương hông làm ông ra cà thọt. Cũng vẫn chưa đủ để giải thích việc ông nhận ra người ấy là Thiên Chúa. Phải chăng vì việc người ấy dám “tự ý” đổi tên ông trong khi dấu nhẹm tên mình dù được Gia-cóp yêu cầu tỏ lộ.
Theo Richard J. Clifford S.J và Roland E. Murphy O.Carm, biết tên ai đem đến cho người biết một quyền lực trên người có tên. Trong Thánh Kinh, Thiên Chúa không mạc khải tên của Người cho một ai: mãi đến lúc Mô-sê khẩn khoản yêu cầu, Người mới bảo: Tên Ta là Đấng Tự Hữu (Ta Có Sao Ta Có Vậy), một cái tên mà nếu Mô-sê có nói lại cho Dân Do Thái nghe, thì họ cũng ‘như vịt nghe sấm”, không hiểu gì, nên sau đó, Thiên Chúa vẫn thích dùng danh hiệu “Thiên Chúa của Ápraham, Thiên Chúa của I-xa-ác, và Thiên Chúa của Gia-cóp” để chỉ về mình.
Nhận xét về việc này, ông Lý Minh Tuấn, trong “Công Giáo và Đức Kitô, Kinh Thánh Qua Cái Nhìn Từ Đông Phương”, trích lời Lão Tử trong Đạo Đức Kinh mà cho rằng “danh khả danh, phi thường danh” (cái tên mà có thể gọi ra tên, chẳng phải là tên đích thực). Chưa đến lúc Thiên Chúa mạc khải tên của mình ra như sau này với Mô-sê (Đấng Tự Hữu) và nhất là với Chúa Kitô (Cha, Con, Thánh Thần).
Bởi thế, tên liên quan đến “bản thể” sự vật, đến yếu tính của sự vật. Quan điểm Sách Sáng Thế rõ ràng là: đặt tên cho sự vật thuộc về Thiên Chúa hay người được Thiên Chúa minh nhiên ủy quyền (Ađam được Chúa minh nhiên ủy quyền đặt tên cho mọi loài kể cả tên người bạn đời Evà của mình). Và trong Sách Sáng Thế, Gia-cóp biết rõ: đổi tên tuyệt đối là thẩm quyền của Thiên Chúa mà lịch sử đã chứng minh qua trường hợp Áp-ram thành Ápraham, ông nội Ông.
Cho nên khi thấy người đấu vật với mình không chịu nói tên ra nhưng lại “tự ý” đổi tên ông từ Gia-cóp ra Israel, ông hiểu ngay Người chính là Thiên Chúa, Thiên Chúa của Ông Nội Ông, Thiên Chúa của Cha Ông và Thiên Chúa của chính Ông.
Phần lớn các nhà chú giải không cho cuộc đấu vật này là một cách cầu nguyện. Các vị này cho rằng trước đó, trước cuộc vật lộn này, trong cơn bĩ không biết phải hành động ra sao để cầu hòa với người anh mà mình đã cướp quyền trưởng nam, Gia-cóp đã tìm tới Chúa mà cầu xin như sau:
"Lạy Thiên Chúa của tổ phụ con là ông Ápraham, Thiên Chúa của cha con là ông I-xa-ác, lạy Thiên Chúa, Đấng đã phán bảo con: ‘Hãy trở về xứ sở, về với họ hàng ngươi, và Ta sẽ đối xử nhân hậu với ngươi’, con bé nhỏ, đâu xứng với tất cả mọi ân huệ và tất cả lòng thành tín mà Ngài đã tỏ cho tôi tớ Ngài đây. Thật vậy, khi qua sông Gio-đan, con chỉ có cây gậy, thế mà giờ đây đã thành ra hai trại. Xin giải thoát con khỏi tay anh con, khỏi tay anh Ê-xau, vì con sợ anh ấy, sợ anh ấy đến đánh chúng con, đánh cả mẹ lẫn con. Chính Ngài đã phán với con: ‘Ta sẽ đối xử rất nhân hậu với ngươi, và sẽ làm cho dòng dõi ngươi nên nhiều như cát ngoài biển, không thể đếm được vì quá đông.’” (St 32:10-14).
Cha Thuấn cho đây là một lời cầu nguyện “đơn giản, hợp với hoàn cảnh hồn nhiên chứ không công thức, lòng đạo thấm thía biến cả bầu khí của một câu chuyện có vẻ quá trần tục”.
Richard J. Clifford S.J và Roland E. Murphy O.Carm thì cho rằng lời cầu nguyện này có một cấu trúc rõ ràng: ngỏ lời với Chúa đích danh với đủ thuộc từ, nhắc đến cả các lời Người đã hứa; tự hạ mình, và việc tự hạ này càng được nhấn mạnh nhiều hơn bằng tình huống bi thảm hiện nay; cầu xin và mô tả tình thế bi đát; thúc giục Chúa ra tay can thiệp, bằng cách nhắc lại lời Người đã hứa (xem thêm St 28:13-15, 31:3). “Chiến thuật” cầu xin của Gia-cóp là nhấn mạnh đến sự vô dụng của mình để đề cao quyền năng Thiên Chúa.
Chỉ có John White, trong tác phẩm đã dẫn, coi câu truyện này như một lối cầu nguyện đầy vật lộn và đã thắng thế. Ông đặt câu hỏi: “ai trong chúng ta sẽ vật lộn trong cầu nguyện như Gia-cóp đã vật lộn, và thắng thế như Gia-cóp đã thắng thế? Thắng thế Thiên Chúa?”.
Theo White, việc đầu tiên cần ghi nhận: Gia-cóp không phải là người gây hấn. Thánh Kinh ghi nhận rõ ràng: “có một người vật lộn với ông cho đến lúc rạng đông”. Khi bạn bị ai tấn công, bạn có hai lựa chọn: đánh trả hay bỏ chạy. Nhưng bị một ai vật lộn, thì chả còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải vật lộn lại để một là thoát thân hai là dạy người kia một bài học. Gia-cóp không vật lộn vì được lựa chọn mà vì buộc phải làm như thế. “Người” kia ráng hạ ông đo ván.
Vấn đề tại sao Thiên Chúa lại bận tâm đến chuyện vật lộn quả là vấn đề không ai hiểu nổi. Nhưng rõ ràng Người muốn thu nhỏ mình xuống tầm cỡ Gia-cóp. Người không chịu ở thế thượng phong đối với một địch thủ yếu thế. Ít nhất thì Người cũng đã làm thế cho đến lúc thấy Gia-cóp không có ý định bỏ cuộc. Điều này có nghĩa gì? Điều ấy cho thấy cả cuộc đời mình, Gia-cóp luôn phải “vật lộn” với Thiên Chúa. Cuộc tay đôi bên giòng sông Giáp-bốc chỉ là biểu tượng cho cuộc trường chinh suốt đời của ông. Cuộc sống trước đây của ông đã dẫn ông xuống tới điểm này và cuộc sống còn lại của ông từ điểm này sẽ đi lên. Cho đến lúc khẩn trương này, đời ông vốn là một cố gắng dài cưỡng lại lòng tốt của Chúa. Buồn cười thay, nó lại là cuộc tranh đấu chống lại một Thiên Chúa chỉ có một quyết tâm duy nhất là chúc lành cho ông, là trợ giúp ông.
Cuộc vật lộn bắt đầu
Rê-bê-ca, mẹ Gia-cóp, rõ ràng mang thai một cách khó khăn. Các chuyển động trong dạ bà không nhẹ nhàng như cánh chim nhưng “đụng nhau” chí chóe khiến bà hãi sợ phải “thỉnh ý Thiên Chúa”. Người bảo bà: “có hai dân tộc trong lòng ngươi, hai dân từ dạ ngươi sinh ra và sẽ chia rẽ nhau. Dân này sẽ mạnh hơn dân kia, đứa lớn sẽ làm tôi đứa bé” (St 25:22-23).
Đứa ra trước đỏ hoe, mình đầy lông, tên Ê-xau, sẽ trở thành ông tổ nghề săn bắn. Đứa ra sau, “tay nắm gót” thằng anh (St 25:26), được đặt tên là Gia-cóp. Những sự kiện ấy cho thấy Gia-cóp đã phải vật lộn ngay trong lòng mẹ và lúc từ dạ mẹ sinh ra. Khổ một điều, Ê-xau là một người lực lưỡng, bay nhẩy, hiếu động, được cha yêu thương. Gia-cóp “trầm tĩnh” chỉ quanh quẩn bên lều, xem ra thua xa thằng anh, làm sao có chuyện “đứa lớn làm tôi đứa bé” được. Tuy nhiên, cậu sẵn sàng âm thầm chờ đợi thời cơ để lời Thiên Chúa phán với mẹ về cậu sẽ thành sự thật. Điều Thiên Chúa đã nói thì sẽ phải trở thành sự thật mà thôi.
Tuy nhiên, hình như cả Gia-cóp lẫn mẹ cậu đều không hoàn toàn tin tưởng vào lời Thiên Chúa. Kết quả là họ đã dùng đến thủ đoạn để lời Thiên Chúa kia trở thành sự thật. Thủ đoạn này gồm hai yếu tố: đánh vào điểm yếu của Ê-xau (đói) và đánh lừa (cha). Cuối cùng, Gia-cóp đã đạt được điều mà chính Thiên Chúa đã có kế hoạch ban cho ông: quyền trưởng nam, phúc lành của cha, nhưng với một cái giá khá đắt: 21 năm sống trong lo âu sợ sệt, không một chút bình an trong tâm hồn. Việc dùng cố gắng của con người để đạt được điều Thiên Chúa từng có kế hoạch dành cho mình sẽ trở thành mẫu mực cho các cuộc đấu tranh sau này của Gia-cóp: vật lộn để thắng được điều chính ra ông có thể có được cách nhưng không.
Không an bình không che chở
Vì cơn giận của thằng anh Ê-xau, Gia-cóp phải trốn khỏi nhà, lấy lý do đi kiếm vợ. Nhưng chính nhờ thế mà ông giáp mặt được với Thiên Chúa: Trên đường trốn chạy, ông mơ thấy chiếc thang bắc từ đất lên trời, có thiên thần lên xuống và Thiên Chúa bên cạnh Gia-cóp. Người hứa với ông nhiều điều: lãnh thổ mênh mông chung quanh sẽ thuộc dòng dõi ông, không những thế, nhờ dòng dõi này, toàn thế giới sẽ được chúc phúc (St 28:14); mặt khác, Người sẽ hiện diện bên cạnh và đích thân che chở ông khỏi mọi hiểm nghèo cho đến ngày ông hồi cư an toàn trở về quê cha đất tổ. Tỉnh thức, Gia-cóp gọi tên chỗ ấy là Bethel (Nhà Thiên Chúa) và long trọng đưa ra một cam kết: Nếu Thiên Chúa đem ông trở lại an toàn, thì Thiên Chúa sẽ là Thiên Chúa của Gia-cóp, và Gia-cóp sẽ dâng một phần mười của cải của mình cho Người.
Thật khó mà biết tại sao Gia-cóp lại đưa ra một cam kết như thế. Phải chăng ông không tin tưởng vào lời hứa của Chúa mà phải đặt điều kiện với Người? Điều ấy ta không rõ, nhưng điều ta biết chắc là Gia-cóp chọn thái độ chờ xem sao (wait-and-see) đối với các lời Chúa hứa với ông. Và căn cứ vào các hành động sau này của ông, ta thấy ông luôn “giúp” tay cho các lời hứa ấy bằng đủ mọi phương kế ông nghĩ ra được.
Nhiều người tỏ ra phê phán Gia-cóp nặng nề. Nhưng nghĩ cho cùng, ta có hơn gì Gia-cóp? Chúa không trực tiếp nói với ta như nói với Gia-cóp, Người nói với ta qua truyền thống 4, 5 ngàn năm của Thánh Kinh và Huấn Quyền, của các Thánh, của các bằng hữu rất thân cận của Người, những người truyện trò với Người như cơm bữa. Còn Gia-cóp, Chúa nói trực tiếp với ông. Nhưng nào có khác gì nhau? Gia-cóp cũng như ta, cả hai đều cần đức tin mới tiếp nhận được lời Thiên Chúa. Truyền thống lời Chúa đối với Gia-cóp chỉ có mấy trăm năm. Truyền thống lời Chúa đối với chúng ta “dầy” hơn gấp bội. Mà có phải lúc nào chúng ta cũng tin lời Người!
Dù gì, thái độ Gia-cóp cũng dạy ta một điều: Chúa chỉ giúp những ai biết tự giúp mình. Có lẽ đây không hẳn là một dấu chỉ của lòng bất tín khi ta tích cực làm việc để bảo đảm có được sự đáp ứng đối với lời ta cầu xin. Mọi sự tùy thuộc vào nguyên động lực của ta. Có những hoạt động nẩy sinh từ niềm tin, và có những hoạt động nẩy sinh từ việc thiếu niềm tin ấy. Trong trường hợp Gia-cóp, rõ ràng không phải vì thiếu lòng tin, mà chỉ là để nhấn mạnh đến đặc điểm trong đáp ứng của ông với Thiên Chúa. Khi xin gì cùng Thiên Chúa, bạn nên trung thực như Gia-cóp đã trung thực. Ông chỉ muốn có thêm đảm bảo cho lời Chúa Hứa.
Vỏ qúit dầy có móng tay nhọn. Sự tính toán hơn thua và mưu mẹo của Gia-cóp đụng độ chát chúa với sự tính toán hơn thua và mưu mẹo của Laban, người cậu ruột của ông. Làm việc quần quật suốt bẩy năm trường, “rạng ngày sang trống canh năm” người yêu dấu Rachel đâu không thấy, thấy chình ình nàng Leah xấu xí bên cạnh. Nhưng nào có nản, ông sẵn sàng dành bẩy năm quần quật làm việc nữa để “quật ngã” ông cậu Laban mà cưới cho bằng được người yêu dấu kiều diễm Rachel.
Mười bốn năm dài đằng đẵng, hai người vợ lúc nào cũng ghen tương lẫn nhau khiến ông trở thành như một tên điếm đực chứ không hẳn người chồng hạnh phúc (St 30:14-16), một ông cậu kiêm bố vợ lúc nào cũng tìm cách chèn ép: bắt ông phải lấy trâu bò riêng mà thường lại những mất mát trâu bò cho ông cậu... Phải mưu cao chước độc lắm, ông mới tạo cho mình một đàn vật khổng lồ, có tôi trai tớ gái, lạc đà và lừa (xem ST 30:25-43). Những năm tháng đằng đẵng ấy, khó lòng Gia-cóp có được an bình thảnh thơi. Theo lời trần tình của ông với Leah và Rachel trước lúc trốn chạy khỏi Laban, ta thấy càng lúc ông càng cảm thấy mình bị đe doạ, dù Thiên Chúa không bao giờ có ý định cho phép Laban ám hại ông (St 31:24). Ông biết rõ điều đó, nhưng ông vẫn cảm thấy không được bình an. Toàn bộ vấn đề trong tương quan với Thiên Chúa không nằm ở chỗ người ta có được an toàn bản thân hay giàu có phú qúy mà là trong tình bằng hữu với Người và được yên ổn trong tâm hồn. Dường như cả hai thứ này, Gia-cóp đều không cảm nhận được. Ông là người bị ám ảnh bởi tham lam, bởi khủng bố và bởi lộn xộn trong cuộc sống gia đình.
Sói rừng chìa cổ
Thế là vì sợ Laban và các con trai của ông này, Gia-cóp phải cùng vợ con và đoàn tùy tùng và đoàn súc vật lên đường rời khỏi Kha-ran mà trở lại Ca-na-an, quê cha, nơi Ê-xau đang chờ ông, rất có thể để trả thù! Mà xem ra quả tình như thế, vì Ê-xau sai tới 400 tráng đinh đến gặp ông. Tính toán và mưu mẹo lại phải được Gia-cóp dùng đến. Ông sắp xếp đoàn vật, gia nhân và cả gia đình ông nữa như một đại tướng dàn binh bố trận. Lại dùng đến cả tâm lý chiến để thu phục Ê-xau: hàng tấn quà cáp được gia nhân mang dâng cho “ngài Ê-xau” từ “tôi tớ Gia-cóp”. Sau đó còn cho hai bà vợ và các con qua Giáp-bốc trước. Hành động liều lĩnh chường vợ con cho “địch” giống hệt tác phong sói con được các nhà nghiên cứu tác phong thú vật (ethologist) quan sát: khi sói con thách thức quyền chỉ huy của thủ lãnh sói và thua, nó chỉ còn biết dâng cổ họng cho hàm răng lãnh tụ. Lạ một điều, thấy thế, lãnh tụ sói lại mất hết cả sức hung hãn, đành quay đi tìm chỗ tiểu tiện, trong khi sói con quay đi liếm các vết thương của mình. Gia-cóp quả đang dâng cổ họng mình cho Ê-xau.
Chính cái đêm hôm ấy, cái đêm Gia-cóp dâng cổ họng cho Ê-xau, ông ta thấy mình vật lộn với Thiên Chúa ở bên này sông Giáp-bốc.
Theo White, không nên hình dung cuộc vật lộn giữa Gia-cóp với Thiên Chúa như một cố gắng của Gia-cóp để thắng được điều gì đó từ nơi Thiên Chúa. Cần phân biệt điều quan trọng này: khi bạn đến với Thiên Chúa với quyết tâm cầu xin cho bằng được lời mình cầu xin, như thể thành công của cầu nguyện hoàn toàn tùy thuộc cố gắng đầy quyết tâm của bạn, thì chắc chắn bạn sẽ phải thất vọng ê chề. Cho nên phải hiểu thế nào là cầu xin cho bằng được (pray through). Một số người cho rằng lối cầu xin này có nghĩa là phải chờ đợi Thiên Chúa cho tới lúc bạn có được sự soi sáng hoàn toàn, hiểu rõ được ý định của Người, để thay đổi được cái nhìn của bạn. Đây chính là lối cầu nguyện của Ápraham nhân biến cố Xơ-đôm. Có người lại hiểu cầu xin cho bằng được có nghĩa là dùng cường lực mở đường qua mọi trở ngại, mọi chống đối cho tới khi gặp được Chúa, là tiếp tục dùng nắm đấm đã đẫm máu mà liên tiếp đập mạnh vào cửa trời cho tới khi vào được.
Điều ấy xem ra như một hình thức thống dâm (masochism) mà trên thực tế không những làm nản lòng người cầu mà còn làm Chúa mất mặt. Có bạn sẽ nói: ma qủy quả có tìm cách chống lại, kháng cự lại lời cầu nguyện của ta, nên ta phải tìm cách thắng vượt sự chống đối của nó chứ? Điều ấy đúng, nhưng ít nhất ở đây, Gia-cóp đâu có vật lộn với ma qủy, ông vật lộn với Thiên Chúa mà! White cho rằng: trong cầu nguyện, quả là sai lầm nếu ta cứ cố gắng tạo ra một thứ ‘sốt sắng’ giả hiệu (pseudofervor). Điều ấy không những không dẫn bạn tới đâu mà rốt cuộc, còn một là tạo ra kiêu ngạo thiêng liêng hai là tự làm cho mình thất vọng sâu xa. Cho nên, khi không cảm thấy bất cứ một xúc động sâu sắc nào trong khi cầu nguyện, thì hãy quên cảm xúc đi. Đức tin là thái độ muốn nói rằng: “Bất kể tôi có cảm nhận được việc Chúa hiện diện ở đây hay không, có cảm nhận được việc Người sẵn sàng lưu ý tới tôi hay không, Lời của Người vẫn cho tôi hay Người đang lắng nghe tôi và trả lời tôi, và tôi sẵn sàng trông cậy vào điều ấy.
Chiến thắng nhờ tùy thuộc
Như trên đã nói, Gia-cóp vật lộn với Chúa vì ông không có chọn lựa nào khác. Ông chỉ tự vệ, không tấn công. Ấy thế nhưng kết thúc trình thuật lại cho ta thấy ông chiến thắng. "Người ta sẽ không gọi tên ngươi là Gia-cóp nữa, nhưng là Ít-ra-en, vì ngươi đã đấu với Thiên Chúa và với người ta, và ngươi đã thắng” (St 32:28). Một trong các ý nghĩa của tên Israel là “Thiên Chúa đấu”. Nếu Thiên Chúa đấu thì quả tình Người là Đấng đã khởi diễn ra cuộc vật lộn. Nhưng Gia-cóp chiến thắng, là chiến thắng theo nghĩa nào? Hãy đọc lại trình thuật và coi cuộc vật lộn như việc Thiên Chúa tìm cách giúp Gia-cóp hiểu ra điều gì đó, hình dung như thể Người đang cổ vũ các chân lý mà Gia-cóp không muốn nhìn ra, như thể trong lúc vật lộn, Người muốn cho Gia-cóp thấy Người không muốn gây họa cho ông mà chỉ có ý biệu lộ lòng từ bi với ông.
Nhưng Gia-cóp quá sợ hãi. Suốt đời, ông chỉ học được có mỗi một bài học: đừng quá tin ai là hơn cả, ông phải đánh trận đánh của riêng ông. Cho nên cứ thế ông vật lộn, không dám bỏ cuộc. Nhưng rồi cơn đau khủng khiếp và một chiếc chân trở thành vô dụng. Chính trong cái đau và nỗi kinh hoàng ấy, một lời nói vang lên: “Buông ta ra, vì đã rạng đông rồi”. Làm sao buông ra được? Làm sao ông dám buông người đó ra khi ông biết rõ đến bước đi ông cũng chưa chắc đã làm được? Bởi ngay sau đó, ông hiểu rất rõ rằng người đấu với ông, người mà giờ đây ông đang hổn hển và nhầy nhụa mồ hôi tựa nương vào chính là Thiên Chúa, Đấng Thiên Chúa của cha ông ông; nhanh như cắt, Gia-cóp xoay hẳn cái ương ngạnh của ông về hướng khác hẳn, cái hướng thật “ăn tiền”: "Tôi sẽ không buông ngài ra, nếu ngài không chúc phúc cho tôi”.
Thiên Chúa chờ đợi câu nói ấy đã hơn 40 năm nay. Đã từ rất lâu, Người luôn chờ đợi Gia-cóp nhìn nhận sự yếu đuối của mình và trông cậy vào lòng nhân hậu của Người. Người đâu muốn dồn ông vào tình huống cùng cực đến thế, nhưng Gia-cóp dành cho Người quá ít lựa chọn. Đáp trả của Thiên Chúa đến nhanh như chớp. Và Gia-cóp chiến thắng nhờ biết vô vọng tùy thuộc.
Vũ Văn An
Tin bài khác