Cuộc thương khó của Chúa Giêsu theo thánh Máccô

22/03/2024
1141

 

 
  •  
 
CUỘC THƯƠNG KHÓ CỦA CHÚA GIÊSU THEO THÁNH MÁCCÔ
Raymond E. Brown, S.S
Trình thuật thương khó theo thánh Máccô được đọc trong Chúa Nhật Lễ Lá năm B, là năm Phúc Âm theo thánh Máccô được đọc trong các Chúa Nhật Thường Niên. Khi kết hợp cả hai, Giáo Hội thừa nhận rằng thánh sử không trình bày câu chuyện về cái chết của Chúa Giêsu mà không chuẩn bị từ trước qua những trình thuật về sứ vụ công khai của ngài. Ngay từ khởi đầu Phúc Âm theo thánh Máccô (1,14), Gioan Tẩy Giả bị nộp vào tay Hêrôđê, người bị áp lực từ người khác để giết vị tiên tri này (6,16). Đối diện với câu hỏi Chúa Giêsu là ai, Hêrôđê đã khơi lại cái chết tức tưởi của Gioan: “Gioan, người mà trẫm đã chém đầu, đã chỗi dậy” (6,16). Khi sứ vụ công khai của Chúa ở Galilê bắt đầu, thánh Máccô (3,6) thuật lại cho chúng ta rằng nhóm Pharisiêu và nhóm Hêrôđê đã âm mưu tiêu diệt Ngài. Ba lần Chúa Giêsu tiên báo về cái chết khủng khiếp của mình (8,31; 9,31; 10,33-34), nhưng mộn đệ chưa từng hiểu. Diễn biến trầm trọng hơn khi Chúa lên Giêrusalem, thanh tẩy đền thờ và tuyên bố rằng đây là nhà cầu nguyện cho mọi dân tộc, đã khiến cho các tư tế và kinh sư ở Giêrusalem âm mưu tiêu diệt ngài (11,17-18). Trong tình huống nguy hiểm đó, một phụ nữ hâm mộ Chúa đã chuẩn bị cho cái chết của ngài và xức cho ngài dầu cho việc tẩn liệm (14,3-9), và một người thân tín trong nhóm 12 âm mưu nộp ngài cho kẻ thù là các tư tế (14,1-2; 1—11). Biết việc phản bội này (14,21), Chúa Giêsu trong bữa Tiệc Ly đã muốn đổ máu mình ra cho mọi người như dấu chỉ Giao Ước mới của Thiên Chúa với dân Người (14,24).
A. VƯỜN GIẾTSÊMANI: CẦU NGUYỆN VÀ BỊ BẮT (14:26-52)
Khi Chúa Giêsu rời phòng tiệc ly và cùng với các môn đệ lên Núi Ôliu[1], ngài đã nhận thức việc cần phải chịu khổ nạn và chịu chết trước khi nước Thiên Chúa đến. Tuy nhiên, trong cái nhìn của Máccô, các môn đệ không chấp nhận thực tế này. Cũng vì thế, những lời Chúa Giêsu nói với họ là một sứ điệp bi thảm: tất cả sẽ bị phân tán (14,27). Thánh Phêrô từ chối điều này, và được Chúa cho biết về sự bất trung của mình, chối Chúa ba lần. Cuộc thương khó theo Máccô bắt đầu với tình tiết ảm đạm này, và cảnh tăm tối tăng dần cho đến khi Chúa Giêsu thở hơi cuối cùng ngày hôm sau. Suốt thời gian này, không một môn đệ nào hổ trợ cho ngài, và ngài chết cô đơn. Tấm thảm kịch dường như quá sức cho Chúa. Tách biệt khỏi các môn đệ, khỏi Phêrô, Giacôbê, và Gioan, Chúa tự than vãn cách ai oán: “Linh hồn thầy buồn rầu đến chết được” (14,34). Trước đó Chúa đã quả quyết: “Ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất”; nhưng giờ này ngài cầu xin, khẩn thiết hơn trong các Phúc Âm khác, cho chén này được cất đi. Cho dù ngài tiên báo rằng Phêrô sẽ phản bội, nhưng ngài cũng buồn bực khi ông không thể thức với ngài một giờ. Dù cho không có câu trả lời trực tiếp từ Thiên Chúa cho lời cầu xin giải thoát của ngài, nhưng Chúa vẫn dứt khoát đứng lên và đối diện với kẻ phản bội ngài, điều đó khiến chúng ta hiểu rằng ngài đã hiểu câu trả lời của Chúa Cha rằng ngài phải uống chén đắng và đối diện với giờ đang đến.Đối với Máccô (khác với các trình thuật trong ba Phúc Âm khác), Chúa cam chịu số phận của mình được biểu thị qua việc ngài không đáp trả khi Giuđa hôn hay một người đứng bên tuốt gươm chém đứt tai tên đầy tớ vị thượng tế. Nếu ‘giờ này’ hay chén đắng không được cất đi như Ngài cầu xin, thì ý Chúa được thực hiện. Vì thế khi Chúa Giêsu bị bắt, lời sau cùng của ngài là: “Như thế ứng nghiệm lời Kinh Thánh.” Thấy ngài nộp mình, các môn đệ lìa bỏ ngài và trốn hết.
 
Một lần nữa khác với những thánh sử khác, thánh Máccô nhấn mạnh việc hoàn toàn bị bỏ rơi cách thê thảm. Thánh sử thuật lại câu chuyện người thanh niên trẻ tìm cách theo ngài, nhưng khi bị tóm người môn đệ này thoát khỏi tay những người bắt mình, áo choàng bị tóm và anh chạy mình trần. Vài nhà chú giải tìm cách liên kết hình ảnh này với hình ảnh người thanh niên, sau khi Chúa sống lại, mặc áo trắng ngồi bên mồ trống. Trong số những tính cách biểu tượng liên kết với việc này là người Kitô hữu mình trần bước vào nước rửa tội để chết với Chúa Giêsu và rồi bước ra được khoát lên mình chiếc áo trắng. Có lẽ những biểu tượng đó không có trong ý hướng của thánh sử. Đúng hơn, hình ảnh người môn đệ mình trần tẩu thoát biểu trưng cho việc các môn đệ hoàn toàn bỏ rơi Chúa Giêsu. Những môn đệ đầu tiên được gọi từ bỏ lưới chài và gia đình (1,18,20), có nghĩa là từ bỏ mọi sự (10,28), để theo ngài; nhưng người môn đệ cuối cùng này, người lúc đầu tìm cách theo Chúa Giêsu, đã bỏ lại mọi sự để chạy trốn khỏi ngài.
 
Chân dung ảm đạm của Chúa Giêsu trong trình thuật Máccô thật khó cho cả người tin lẫn người không tin. Các nhà giảng thuyết và các tác giả đã tranh luận với nhau về nỗi thống khổ của Chúa Giêsu không phải ở việc đối diện với cái chết và ngài đã không xin được thoát khỏi đau khổ; nhưng vì thấy trước tội lỗi của thế gian, ngài kinh khiếp với suy nghĩ về quá nhiều sự dữ. Cũng có thể hiểu được khi những phê bình chống Kitô giáo nhận ra rằng thánh Máccô đã mô tả phản ứng trước cái chết; nhưng họ chất vấn rằng Chúa Giêsu sợ chết đến vậy thì sao có thể là thần thiêng, hay một người sùng kính Thiên Chúa có thể cầu xin cho khỏi thập giá là điều mà ngài tuyên bố là cần thiết cho những người khác. Ngay cả cho đến gần đây chân dung Chúa Giêsu đau đớn và hết sức phiền não, như được hiểu, được đặt tương phản với việc Socrate chấp nhận cái chết cách điềm tĩnh như là sự giải thoát khỏi thế giới của những thực tại tăm tối để đi vào một thế giới tốt đẹp hơn. Tất cả những điều này đều không xét đến cái nhìn về cái chết trong Cựu Ước. Trong thần học của sách Khởi Nguyên, con người được tạo thành để được tận hưởng sự hiện diện của Thiên Chúa, không phải để chết. Cái chết là điều xấu cho Ađam và Evà, và cuối cùng trong suy tư của người Israel nó được coi như một lãnh vực cách biệt khỏi Thiên Chúa. Trong Tân Ước, ngay cả sau chiến thắng của Chúa Giêsu, cái chết được coi như kẻ thù cuối cùng bị khuất phục (1 Cor 15,26). Đối với Chúa Giêsu, cuộc chiến đấu với cái chết như là một phần của thử thách hay cám dỗ thời sau hết, và ngài trung thành với Do thái giáo khi ngài bảo các môn đệ cầu nguyện để khỏi sa vào chước cám dỗ (Mc 14,38). Nguy hiểm lớn nhất là thử thách đến vào lúc họ không ngờ và không mong (13,34-37), vì thế Chúa cảnh báo họ phải coi chừng. Không ngạc nhiên khi trong thời xưa hay thời nay vẫn còn thâm nhiễm với những lý tưởng của Platon và coi thái độ của Chúa Giêsu về cái chết như là ô nhục. Câu trả lời của người Kitô hữu không tùy thuộc ở chổ xem nhẹ sự sợ hãi của Chúa Giêsu, nhưng trong việc nhấn mạnh đến tầm quan trọng của sự sống trên thế gian này và vì thế cái chết được xem là một sự biến dạng chứ không phải như là sự giải thoát được chào đón - một kẻ thù không thể khuất phục nhưng, vì chiến thắng của Chúa Giêsu, dù sao cũng là một kẻ thù. Sự tuân phục ý muốn của Thiên Chúa Cha và sự tín thác mà điều này đòi hỏi của Chúa Giêsu càng trổi vượt hơn khi được thực hiện để đối đầu với một kẻ thù rất quỷ ma.
 
B. XỬ ÁN TẠI THƯỢNG HỘI ĐỒNG (SANHEDRIN): PHÊRÔ CHỐI THẦY (14,53-72)
 
Thánh Máccô mô tả việc chuyển tiếp từ vườn Giếtsêmani bằng hai câu, mỗi câu cho biết khung cảnh của trình thuật xãy ra trong đêm đó. Câu đầu tiên (14,53) Chúa Giêsu bị đưa đến hôị đồng các thượng tế, kỳ mục và kinh sư - Thượng Hội Đồng của ngưòi Do Thái (Sanhedrin), là một hội đồng, dù ở dưới sự đô hộ của người Rôma, vẫn có một số quyền cai trị và pháp lý. Câu thứ hai (14,54) cho thấy Phêrô theo Chúa vào trong sân thượng tế, ngồi với lính canh để sưởi ấm bên đống lửa. Chúa Giêsu bị chất vấn trước Thượng Hội Đồng, còn Phêrô bị chất vấn trong sân: thái độ của hai người thật tương phản.
 
Trình thuật đầu tiên của hai trình thuật về đêm này là việc Chúa bị xét xử dẫn đến việc kết án tử cho ngài. Phiên xử bắt đầu với những người làm chứng gian và chứng cứ của họ không ăn khớp với nhau, như Máccô nhấn mạnh. Vì vậy, Máccô, dù cố ý hay vô tình, đã để cho các độc giả thấy chứng cứ về việc phá đền thờ không liên can gì, vì thánh sử không bao giờ giải thích điều gì sai trái trong lời tố cáo Chúa Giêsu: “Tôi sẽ phá Đền Thờ này do tay người phàm xây dựng, và nội ba ngày, tôi sẽ xây một Đền Thờ khác, không phải do tay người phàm!". Chúa đã từng nói điều gì như thế về Đền Thờ? Hay Chúa đã nói điều tương tự nhưng không với cung điệu như chứng từ tố cáo Chúa? Hay Chúa tiên báo việc phá huỷ và xây lại nhưng không nói ngài là tác nhân của việc phá hủy? (xem Ga 2,19). Hay đó là việc khai triển một truyền thống phức tạp hơn, dù những chứng nhân đưa ra những hàm ý sai về những lời của Chúa Giêsu, mà Máccô cho ta những manh mối để giải thích chính xác hơn qua việc làm sáng tỏ hạn từ “do tay người phàm” và “không phải do tay người phàm”. Cặp đôi tĩnh từ về tích cực và tiêu cực tao nhã này trong tiếng Hy Lạp (chỉ có trong Phúc Âm Máccô), rất khó có trong ngôn ngữ Sêmít; những tính từ này dường như tương ứng với lối giải thích Kitô giáo về sau rằng Đền Thờ được thay thế bằng Giáo Hội.
 
Vị thượng tế bực mình vì cả việc vô dụng của những chứng nhân lẫn sự yên lặng của Chúa – sư yên lặng được các Kitô hữu nhìn ra tiên tri Isaia đã tiên báo qua hình ảnh Người Tôi Tớ chịu Đau Khổ của Chúa (53,7). Vị thượng tế gặng hỏi và cố tìm câu trả lời: “Ông có phải là Đấng Kitô Con Thiên Chúa đáng chúc tụng không?”. Chúa Cha đã công bố Chúa Giêsu là Con của Ngài khi chịu phép rửa (Mc 1,11) và trong biến cố Biến Hình (9,7)[2]; thánh Phêrô tuyên xưng Chúa Giêsu là Đấng Mêsia (Thiên Sai) (8,29); như thế không có gì ngạc nhiên khi Chúa trả lời cách quả quyết. Và rồi Chúa tiếp tục giải thích ngài không chỉ là con vua Đavít được xức dầu mà mọi người chờ mong để thiết lập một vương quốc, nhưng còn là Con Người, đấng đến vào thời sau hết từ Thiên Chúa để phán xét nhân loại. Lời cảnh báo của ngài cho vị thượng tế: “Rồi các ông sẽ thấy Con Người ngự bên hữu Đấng Toàn Năng và ngự giá mây trời mà đến," cho thấy Chúa xác quyết rằng ngay cả quân thù cũng buộc phải nhận sự khải hoàn vinh hiển của ngài. Lời cảnh báo bị bác bỏ; vị thượng tế chỉ thấy phạm thượng trong tuyến bố rằng Chúa Giêsu Con Người sẽ ngồi bên hữu Đấng Quyền Năng, và ép mọi người tham gia phiên xử ở đó kết án tử cho Chúa. Không một lời bênh vực ngài. Sự xấu xa của phiên xử đi xa hơn khi một số thành viên của Thượng Hội Đồng nhổ vào mặt Chúa, che mặt Chúa rồi đánh ngài và bảo ngài nói tiên tri. Một lần nữa, người Kitô hữu nghe vang vọng lại mô tả của Isaia về Người Tôi Tớ Đau Khổ của Chúa (50,6) “Tôi đã không giấu mặt tránh nhục nhằn và khạc nhổ.”
 
Phiên toà đã liên kết hai chủ đề phá hủy Đền Thờ và nhận Chúa Giêsu là Đấng Mêssia/Con Thiên Chúa. Những chủ đề này đã được Máccô đề cập rõ ràng trong trình thuật về cuộc đời công khai và sẽ được lập lại hai lần nữa trước khi kết thúc cuộc thương khó; và cuối cùng vai trò tiên tri của Chúa Giêsu được xác nhận, dù Thượng Hội Đồng mỉa mai chế nhạo.
 
Nếu Chúa Giêsu không chịu thua trước những chất vấn của vị thượng tế, thì thái độ của Phêrô trước những câu hỏi của những người tùy tùng của thượng tế là khác hẳn. Chúa tuyên xưng, người môn đệ chối từ. Lời chối đầu tiên của Phêrô là với một tì nữ, ông giả bộ không hiểu, và tìm cách trốn khỏi sân thượng tế để tránh mọi người để ý. Nhưng người tì nữ kiên trì chất vấn và buộc Phêrô phải chối mình không phải môn đệ - không phải là người cùng nhóm với Chúa Giêsu. Lời chối thứ ba đáng xấu hổ hơn, Phêrô thề không biết Chúa Giêsu. Khi nói thế, Phêrô nguyền rủa. Nếu Máccô muốn nói (như nhiều học giả nghĩ) là Phêrô nguyền rủa Chúa Giêsu, thì thật sự Phêrô đã suy thoái sâu xa trong tính chất môn đệ của mình - nhiều độc giả của Máccô về sau thà tử đạo chứ không chối từ hay nguyền rủa Chúa Giêsu. Nhưng lúc này Phêrô nhớ lại lời tiên báo của Chúa rằng ông sẽ chối Chúa ba lần, ông than khóc. Như vậy thánh Máccô chưa hoàn tất mô tả về thánh Phêrô nếu chưa đề cập đến chi tiết cứu độ, cuối cùng, cũng Chúa Giêsu là Đấng tiên báo Phêrô sẽ chối từ đã gồm cả ông trong lời hứa: “Tất cả anh em sẽ vấp ngã, vì Kinh Thánh đã chép: Ta sẽ đánh người chăn chiên, và chiên sẽ tan tác. Nhưng sau khi sống lại, Thầy sẽ đến Galilê trước anh em." (14,27-28). Nếu ai đó nghĩ về những vị tử đạo trong tương lai, câu chuyện của Phêrô cho chúng ta niềm hi vong cho những ai vấp ngã và chối từ Chúa Giêsu. Người đọc đoạn kết của phần này đừng quên chi tiết mỉa mai là ngay khi Chúa Giêsu bị Thượng Hội Đồng nhạo cười và thách thức người nói tiên tri, những lời tiên tri của ngài đã ứng nghiệm.
 
C. PHIÊN TOÀ CỦA NGƯỜI RÔMA (15,1-20)
 
Máccô chuyển tiếp phiên toà của người Do Thái sang phiên toà của người Rôma bằng việc bàn thảo vào buổi sáng của toàn thể Thượng Hội Đồng (15,1). Không rõ là thánh sử có ý mô tả phiên thứ hai của hội đồng này hay muốn tổng kết phiên xử ban đêm bị gián đoạn do trình thuật về việc Phêrô chối Chúa. Thánh Máccô cũng không làm rõ tại sao Thượng Hội Đồng đã kết án tử cho Chúa nhưng không thi hành bản án mà lại chuyển qua cho Philatô (về vấn nạn này trong các thánh sử chỉ có thánh Gioan đề cập đến (Ga,18,31)). Có vẻ như là Máccô kể lại một câu chuyện quá quen thuộc và không cần phải đưa ra những chi tiết kết nối, vì khi Philatô đối mặt với Chúa ông không cần phải được báo cáo về những gì đã xảy ra hay về những sự việc được nêu ra trong phiên toà của người Do thái. Những sự việc về Đền Thờ, về Đấng Mêssia/Con Thiên Chúa không hề được lập lại. Từ đề tài về tôn giáo được chuyển ngay sang chính trị: “Ông có phải là Vua dân Do Thái không?”(15,3) - một câu hỏi về danh xưng mà cho đến nay bạn bè cũng như kẻ thù của Chúa Giêsu chưa bao giờ dùng, điều đó có lẽ phản ảnh quan tâm hay lo sợ của người Rôma.
 
Lời xác định mơ hồ của Chúa: “Ông nói đó” được xem như không trả lời trực tiếp cho Philatô (15,4), như thế cách thức im lặng của Chúa Giêsu trước những người bắt ngài đã được lập lại tại phiên toà của người Rôma như cách ngài đã thể hiện trong phiên toà của người Do Thái (14,61). Như các nước kinh ngạc về Người tôi Tớ của Chúa, là người không nhận được vinh quang từ người khác (Is 52,15), ông Philatô cũng kinh ngạc về Chúa Giêsu (Mc 15,5). Qua mô tả của Máccô, các thượng tế thất bại trong việc thuyết phục Philatô kết án Chúa, nhưng thành công trong việc xúi dục dân chúng xin tha một người tù trong dịp lễ. Nhận ra các tư tế kết án Chúa vì ghen tị, đố ky, Philatô trao Chúa Giêsu, người bị tố cáo là “Vua dân Do Thái”, cho đám đông; nhưng các tư tế xúi dục họ xin tha Baraba, tên tử tù phản loạn và giết người, và đòi đóng đinh Chúa Giêsu. Lời cuối của Philatô được ghi lại: “Người này đã làm gì nên tội?” làm nổi bật sự đối xử tàn bạo với Chúa Giêsu do những người lẽ ra phải nhiệt thành với “Vua” của họ. Họ chỉ thoả mãn khi Chúa bị đánh đòn và đóng đinh.
 
Hiển nhiên là cách nào đó có tính chất bài Do Thái ở đây khi nói về các tư tế và qua họ đám động thù nghịch với Chúa. Tuy nhiên, mô tả của Máccô về Philatô ít được khai triển và cảm thông như những trình thuật trong các Phúc Âm khác, và vì thế sự xung khắc với những đầu mục Do Thái cũng ít mạnh mẻ hơn. Trong Phúc Âm theo thánh Máccô, Philatô không nỗ lực bênh vực cho Chúa Giêsu, và đầu hàng dễ dàng trước dân chúng để tránh dân không ủng hộ. Ấn tượng là không có một người Roma nào, một người Do Thái nào, Chúa không được ai nâng đỡ hết. Điều ấn tượng hơn nữa là sự tàn bạo của lính Rôma can thiệp vào tiến trình đi đóng đinh bằng những trận đòn và khi đưa đi đóng đinh họ bộc lộ sự khinh miệt “Vua dân Do Thái” bằng đánh đập và nhổ vào Chúa. Cả hai phiên xử đều kết thúc bằng sự chế giễu, phiên toà người Do Thái với sự chế giễu một tiên tri; phiên toà người Rôma thì chế giễu một vị vua. Đối với Người Do Thái lẫn người Rôma, Chúa chết thôi chưa đủ với họ, họ còn phải nhạo báng những gì ngài nói. Theo trình tự tiếp nối Giuđa nộp Chúa cho các thượng tế (14,10-11), các thượng tế nộp Chúa cho Philatô (15,1), và Philatô trao Chúa để chịu đóng đinh (15,15), rỏ ràng là cả môn đệ, đầu mục Do Thái, quan Rôma đều cùng góp phần vào tội ác này.
 
D. ĐÓNG ĐINH, CÁI CHẾT, VÀ AN TÁNG (15,21-47)
 
Dù trình thuật của Máccô là ngắn nhất trong các trình thuật của các Phúc Âm về việc Chúa chịu đóng đinh, nhưng ngài đề cập đến mọi chi tiết. Trên đường thập giá, Máccô dừng lại để xác định Simon thành Cyrênê qua hai đứa con Alêxanđrô và Rôphô, có lẽ vì hai ông này quen thuộc với cộng đoàn mà Máccô viết cho. Trong mô tả cực kỳ vắn tắt về việc đóng đinh, thánh Máccô nhấn mạnh chi tiết kỳ lạ về việc cho uống rượu pha với một dược và việc chia áo - dấu hiệu của việc chịu ảnh hưởng của thánh vịnh 69,22; 22,19 mà sau này thánh sử nói rõ.
 
Máccô rõ ràng rất nghệ thuật trong việc cấu tạo theo phương thức con số ba (đã được thấy trong việc tường thuật Chúa cầu nguyện trong vườn Giếtsêmani và Phêrô chối thầy ba lần). Máccô cho thấy ngài tính toán chi tiết theo công thức thời gian giờ thứ Ba, giờ thứ sáu, giờ thứ Chín (9 giờ, 12 giờ, 3 giờ chiều). Giữa giờ thứ Ba và giờ thứ Sáu, ba nhóm chế nhạo Đấng chịu đóng đinh. Lần thứ nhất, khi Chúa chịu đóng đinh người qua đường sỉ nhục Chúa, nhắc về việc phá hủy và xây lại Đền Thờ trong phiên toà của người Do thái và bị tố là phạm thượng, và thách thức ngài hãy tự cứu mình đi. Ở đây Máccô gợi lại thánh vịnh 22, 8-9, một trích dẫn được Phúc Âm Mátthêu nhấn mạnh. Lần thứ hai, càng tăng lên khi các thượng tế và kinh sư đã lấy một chủ đề trong phiên toà của người Do Thái để chế nhạo Ngài là “Đấng Mêsia, Vua Israel”. Lần thứ ba, tên tử tội cùng chịu đóng đinh với Chúa Giêsu cũng lăng nhục ngài.
 
Nếu không một người nào thương cảm Chúa trong ba giờ đầu, thì thiên nhiên trở nên tối tăm bao trùm mặt đất trong ba giờ kế tiếp, từ giờ thứ Sáu đến giờ thứ Chín. Ở đây Máccô nhắc lại lời cảnh báo trong tiên tri Amốt 8,9 rằng mặt trời sẽ lặn xuống giữa ngọ và ánh sáng trở nên tăm tối giữa ban ngày.
 
Sau cùng, vào giờ thứ Chín, Chúa kêu lớn tiếng những lời mà chỉ Máccô thuật lại. Đáp lại ba giờ bị người ta nhạo báng, ba giờ đất trời tăm tối, Chúa lập lại những lời mở đầu của thánh vịnh 22: “Lạy Chúa tôi, lạy Chúa tôi. Tại sao Chúa bỏ tôi?” Lời kêu than này với cung điệu khó có thể làm cho dịu đi, nó còn mạnh mẽ hơn những lời cầu xin với Cha của ngài trong vườn Giếtsêmani. Thật tương phản khi tiếng kêu than được trích dẫn bằng tiếng Aram rất thân thiết trong ngôn ngữ gia đình của Chúa, nhưng ở đây lần đầu tiên Chúa Giêsu gọi Giavê là “Chúa”, thay vì là “Cha”. Máccô trình bày một thực tế quá tàn nhẫn khi Chúa kêu van trong tuyệt vọng lại làm cho người ta cho Chúa uống rượu, nó làm cho những người khác chế nhạo đầy hoài nghi về việc Êlia sẽ đến giúp – là những lời sau cùng của con người mà Chúa nghe – và Êlia không đến giải thoát ngài. Gioan Tẩy giả đã đến trong vai trò của Êlia không phải để giải thoát Chúa Giêsu, nhưng đã chết một cái chết tử đạo, và chỉ về một cái chết tàn khốc đang đợi Chúa phía trước (9,12-13). Trong trình thuật của Máccô về cuộc đời công khai của Chúa, quỷ đã kêu lớn tiếng khi chúng nhận ra sự hiện diện của Con Thiên Chúa. Trong giờ tăm tối này, khi Chúa Giêsu đấu tranh với Satan, chính Con Thiên Chúa kêu lớn tiếng lần nữa trước khi trút hơi. Khung cảnh khải huyền này gọi lên lời của tiên tri Giôen: 2,10-11;4,16: “Trước mặt chúng, đất run rẩy, trời chuyển rung. Mặt trời mặt trăng tối sầm lại, tinh tú không còn chiếu sáng nữa… Tiếng Đức Chúa đã vang lên trước đạo binh của Người…từ Sion Đức Chúa gầm lên, từ Giêrusalem tiếng Người vang dội, trời và đất chuyển rung. Nhưng Đức Chúa là nơi cho dân Người nương náu, là nơi trú ẩn cho con cái Ísraen.”
 
Lời đáp trả của Chúa là Thiên Chúa cho tiếng kêu than của Con của Ngài được Máccô mô tả rất đột ngột. Ngay lúc Chúa trút hơi thở, màn trong đền thờ xé ra làm đôi từ trên xuống dưới. Các học giả tranh luận với nhau đây là tấm màn ngăn sân ngoài và cung thánh hay tấm khăn bên trong ngăn nơi Cực Thánh – các cuộc tranh luận thường tập trung vào dấu hiệu biểu tượng của từng tấm màn. Không có gì cho thấy các độc giả của Máccô (hay ngay cả thánh sử) có được những kiến thức chuyên môn để hiểu được sự khác biệt giữa hai tấm màn hay tính chất biểu tượng của chúng. Quan trọng hơn là cuộc tranh luận xem có phải bức màn bị xé làm đôi nói lên ý nghĩa Chúa bất bình và bỏ Đền thờ hay là mở ra nơi thánh trước kia bị đóng kín cho mọi người vào, đặc biệt là dân ngoại. Trong khi lối chú giải sau xem ra là lối giải thích có cảm tình hơn về thái độ của Máccô đối với Do thái giáo, lối trước xem ra có lý hơn dù hơi khó chịu. Từ ngữ “phân rẽ” (schism) từ trên xuống dưới nói lên việc xé cách mạnh mẽ, tương tự như việc vị thượng tế xé áo trong phiên toà xử Chúa Giêsu.
 
Phiên tòa đó đưa ra hai chủ đề được diễn lại ở đây ngay khi Chúa chết - những chủ đề đã được lập lại một lần trong việc chế nhạo dưới chân thánh giá. Việc đề cập đến màn trong Đền Thờ cho thấy cách nào đó đã thành toàn những gì mà họ gán cho Chúa trong phiên toà: “Ta sẽ phá Đền Thờ do tay con người làm ra.” Với tấm màn bị xé rách, Đền Thờ này bị tiêu hủy, không phải được mở ra cho người ngoài; vì Đền Thờ mà người ngoài sẽ đến không phải do tay người phàm dựng nên. Và người ngoài đầu tiên đã đến ngay lập tức. Khi thấy Chúa trút hơi thở, viên quan bách quân người Rôma đã thốt lên: “Đúng người này là Con Thiên Chúa”. Như vậy, chính ông đã gợi lên chủ đề thứ hai trong phiên tòa của người Do Thái khi Chúa bị buộc trả lời có phải ngài là: “Đấng Mêssia, Con Thiên Chúa đáng chúc tụng không?”. Câu trả lời của ngài khiến ngài bị chế nhạo là tiên tri giả, nhưng ở đây ngài đích thực là tiên tri. Không chỉ Đền Thờ bị phá hủy, nhưng đây còn là lần đầu tiên trong các Phúc Âm một con người đã nhận ra căn tính của Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa. 
 
Bị các môn đệ bỏ rơi, bị Giuđa phản bội, bị Phêrô chối từ, bị các thượng tế kết án là phạm thượng, bị đám đông dân chúng loại trừ để chọn một tên sát nhân, bị Thượng Hội Đồng và binh lính Rôma cũng như những người đứng quanh thập giá chế giễu, bị bóng tối bao trùm, gần như bị Chúa Cha bỏ rơi, trong những giây phút thê thảm này, Chúa Giêsu được minh oan trọn vẹn. Thiên Chúa đã đáp lời van xin của Chúa Giêsu bằng cách thay thế Đền Thờ là nơi thờ phượng và bằng việc cho Con của Ngài được dân ngoại cũng như Do Thái tuyên xưng tại đó. Chỉ sau lời tuyên xưng của viên quan bách quân người Roma chúng ta mới nghe thuật lại là một số người đã đi theo Chúa, các bà đã phục vụ ngài và một số người từ Galilêa, có mặt ở đồi Golgotha; và điều đó khiến chúng ta cho rằng họ cũng cùng chia sẻ lời tuyên xưng của viên quan Roma. Máccô kể rõ ràng về phản ứng của một nhân vật người Do Thái, ông Giuse quê Arimathia, “một hội viên vị vọng trong Thượng Hội Đồng, cũng là người mong đợi Nước Thiên Chúa”. Nhưng cái chết của Chúa Giêsu khiến ông mạnh dạn đến xin xác của người bị đóng đinh. Chỉ có Máccô nhấn mạnh đó là một hành động can đảm – cũng dể hiểu, là vì mọi thành viên trong Thượng Hội Đồng đều cho rằng Chúa đáng chết.
 
Viên quan Rôma và Giuse quê Arimathia bi kịch hoá cái nhìn thần học của Máccô về tầm quan trọng của cuộc khổ nạn của Chúa. Người ta chỉ có thể tin và trở nên môn đệ đích thực qua đau khổ biểu tượng bằng thập giá, nơi bị tước đi mọi sự nâng đỡ của con người và chỉ còn tùy thuộc hoàn toàn vào Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã bị chế nhạo là hãy xuống khỏi thập giá mà cứu mình, trong khi ơn cứu chuộc chỉ đến qua việc chấp nhận thập giá. Nếu Máccô mô tả Chúa chịu đóng đinh cách tàn bạo và trần trụi hơn trong các Phúc Âm khác, có lẽ vì sứ điệp Máccô muốn gửi tới để khích lệ cộng đoàn của mình đang trải qua thử thách nghiêm trọng. (Truyền thống lâu đời cho rằng Phúc Âm của Máccô viết cho các Kitô hữu Rôma sẽ có lý khi cho thấy “đám đông rất lớn” chịu tử đạo cách tàn bạo dưới thời hoàng đế Nêrô) Phúc Âm hay “Tin Mừng” cho họ là những thử thách và đau khổ họ đang chịu không phải là một thất bại nhưng là một gương mẫu mang lại ơn cứu rỗi khi vác thập giá đi theo Chúa.
 
Kết thúc trình thuật về cuộc thương khó của Chúa, chỉ có Máccô trong Phúc Âm Nhất Lãm thuật lại cho chúng ta việc Philatô cho kiểm tra xem Chúa đã chết chưa. Điểm nhấn mạnh này có lẽ là dấu chỉ cho thấy đã có những nhà hộ giáo Kitô giáo đã phải tranh đấu với những tuyên bố rằng Chúa Giêsu, không chết thật, đã được hồi sinh do cái lạnh của nấm mồ, và những người duy lý thế kỷ 18 và 19 cũng khai triển suy đoán này. Việc nhấn mạnh kép của Máccô về sự hiện diện của Maria Madalêna và các bà khác (15,40; 47), là những người “nhìn xem nơi Chúa được an táng” mang ý nghĩa chuẩn bị cho việc họ viếng mồ Chúa vào sáng Chúa Nhật và nhận ra mồ trống. Đối với Máccô, câu chuyện về cái chết của Chúa Giêsu không kết thúc ở việc Ngài được an táng, nhưng với việc sống lại của Ngài.

Lm. Antôn Bùi Kim Phong
Chuyển ngữ từ: Liturgical Press, Collegeville, Minnesota, 2008, Tr.155-171
Nguồn: gpquinhon.org


[1] Tính cách biểu tượng của nơi này sẽ được khai triển tương quan với trình thuật của Mátthêu ở đó nói về liên hệ của Đavít với nơi này.
[2] Chú thích của người dịch: Vì trong trình thuật biến cố Biến hình trong Phúc Âm theo thánh Máccô không đề cập đến dung mạo Chúa Giêsu, chỉ mô tả chiếc áo của Chúa, nên không gọi là Hiển Dung được.