
Trong hai ngày, từ ngày 28 đến 29/4/2025, khoảng 10 ngàn người khuyết tật từ hơn 90 quốc gia đã về Roma tham dự Ngày Năm Thánh dành cho người khuyết tật. Họ đã tham dự Thánh lễ và buổi chia sẻ giáo lý do Đức Tổng Giám mục Rino Fisichella chủ sự, cũng như trình bày những chứng từ đức tin thật cảm động.
Hồng Thủy - Vatican News
Trong số các tham dự viên, có hàng ngàn trẻ em, người trẻ và người lớn, phần đông đến từ Ý; nhưng cũng có những nhóm đông người khuyết tật đến từ Hoa Kỳ, Ba Lan, Tây Ban Nha, Mexico, Canada, Argentina, Brazil, Đức, Pháp, Bồ Đào Nha, Croat, Ấn Độ, Indonesia, Colombia, Chile, Ecuador, Philippines, Congo, Nigeria, Australia, Trung Quốc, và nhiều quốc gia khác.
Có rất nhiều hiệp hội tham gia vào việc chăm sóc và hỗ trợ những người hành hương khuyết tật, như UNITALSI, Kairos Forum, Cộng đoàn Con Tàu, Phong trào Tông đồ Người mù, Anfas - Hiệp hội quốc gia các gia đình và người khuyết tật trí tuệ và rối loạn phát triển thần kinh và nhiều vấn đề khác.
Hành hương qua Cửa Thánh và Thánh lễ
Vào sáng thứ Hai ngày 28/4/2025, chương trình Ngày Năm Thánh Người Khuyết tật bắt đầu bằng cuộc hành hương đi qua Cửa Thánh Đền thờ Thánh Phêrô. Vào ban chiều họ đã tham dự Thánh lễ Năm Thánh do Đức Tổng Giám mục Rino Fisichella chủ sự tại Đền thờ Thánh Phaolô Ngoại Thành.
Phụng vụ Thánh Thể có bản dịch bằng Ngôn ngữ ký hiệu quốc tế, cho tất cả các bài thánh ca và lời cầu nguyện.
Trong bài giảng, Đức Tổng Giám mục đã nhắc lại đoạn trích từ Sách Công vụ Tông đồ, trong đó Thánh Phêrô và Thánh Gioan chữa lành một người đàn ông bị bại liệt; các Tông đồ nói rằng mình không có “vàng hay bạc”, mà chỉ nhân danh Chúa Giêsu. Phép lạ này nhằm mục đích phục hồi người bệnh, để có thể lấy lại “quyền tự chủ”, phẩm giá và sức mạnh để trỗi dậy một lần nữa.
Đức Tổng Giám mục nhấn mạnh rằng cộng đoàn Giáo hội tiên khởi đáp lại hành động này không phải bằng cách cầu xin đặc quyền mà là cầu xin lòng can đảm “không im lặng”.
Người khuyết tật có thể là chứng tá tốt nhất về tình yêu của Thiên Chúa
Vào sáng thứ Ba ngày 29/4/2025, trong bài giáo lý tại Quảng trường Thánh Phêrô, Đức Tổng Giám mục Fisichella nhắc rằng năm Thánh Hy vọng với niềm hy vọng đích thực, không gắn liền với những thứ phù du, là Chúa Giêsu thành Nazareth. Niềm hy vọng này mời gọi chúng ta hãy cùng bước đi với Người, để Lời Người hướng dẫn, làm chứng nhân cho Người bằng hành động và lựa chọn cuộc sống bởi vì Người là niềm hy vọng cho mọi người, không loại trừ một ai.
Ngài nói với các những người dễ bị tổn thương, mỏng manh và yếu đuối nhất, những người thường không nhận được sự quan tâm mà họ đáng được nhận: “Anh chị em ở trong trái tim của Giáo hội. Trong sự yếu đuối, chúng ta cần tìm thấy ơn gọi của mình trong Giáo hội, sự yếu đuối là một công cụ để yêu thương nhiều hơn nữa. Hãy biến sự khuyết tật thành sức mạnh của tình yêu được trao cho mọi người, không ai hơn anh chị em có thể làm chứng cho tình yêu Kitô giáo”. Ngài mời gọi họ đừng ngoảnh mặt làm ngơ: “Anh chị em đã sống trong bóng tối quá lâu rồi, đây là lúc thắp lại hy vọng”, vì những ai trải qua sự yếu đuối chính là chứng nhân cho tình yêu của Chúa Kitô.
Lời kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng của một thiếu niên khuyết tật
Đức Tổng Giám mục Fisichella đã kể câu chuyện một đứa trẻ sinh ra trong một gia đình quý tộc vào năm 1013 ở Swabia. Một đứa trẻ khuyết tật và dị dạng được giao cho một cộng đồng tu sĩ. Cậu bé Erman không biết nói hay viết nhưng các tu sĩ vẫn yêu thương đón nhận cậu. Cậu học tiếng Latin, tiếng Hy Lạp, toán học, âm nhạc và thậm chí cả tiếng Ả Rập, và sau đó qua đời vì bệnh viêm màng phổi.
Đức Tổng Giám mục cho biết ngài kể câu chuyện này là “bởi vì Erman đã viết kinh Salve Regina” (Lạy Nữ Vương Thiên Đàng). Đây là một lời cầu nguyện đức tin nảy sinh từ một cậu bé khuyết tật, người “đã trải nghiệm được niềm hy vọng đích thực, đức tin và tình yêu đích thực dành cho Đức Maria, Mẹ của lòng thương xót”.
Vì lý do này, ngài kết luận, chúng ta không bao giờ được bỏ cuộc, “hãy trở nên sáng tạo hơn, vui tươi hơn, có khả năng truyền tải niềm hy vọng trong lòng các bạn”.
Sau đó mọi người hát kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng bằng tất cả các ngôn ngữ của những người hiện diện tại Quảng trường.
Chứng tá đức tin
Tiếp theo chương trình là phần trình bày chứng từ. Từ Kerala, Ấn Độ, thông qua một video, Đức cha Mar Jose Pulickal, Giám mục Giáo phận Kanjirapally, kể lại trải nghiệm của ngài về “Ngôi làng Thiên thần”, một sáng kiến cung cấp cơ hội giáo dục, đào tạo và phục hồi chức năng cho hơn hai trăm trẻ em khuyết tật về trí tuệ. Sau đó, ông Alessio Carparelli và bà Barbara Racca, cha mẹ của hai người con 22 và 15 tuổi, đều mắc chứng tự kỷ nặng, nhớ lại nỗi đau khổ mà họ đã trải qua khi phát hiện ra con mình bị khuyết tật. Ông Alessio nói: “Nó đã phá vỡ kế hoạch gia đình của chúng tôi. Chúng tôi đã cầu xin sự giúp đỡ, học cách thiết kế lại cuộc sống, để sống lại và không chỉ để sinh tồn”. Bà Barbara bày tỏ hy vọng rằng mọi người có thể nhìn nhau mà không vội vàng, có thể mỉm cười, “chúng ta đừng lúc nào cũng vội vã trong cuộc sống và công việc, hãy luôn dừng lại”.
Những chiếc xe lăn lăn trên những con đường lát đá và những cây gậy đi lại kêu lạch cạch trên nền đá cẩm thạch của Đền thờ Thánh Phêrô khi những người khuyết tật đi qua Cửa Thánh để tham dự Năm Thánh Hy vọng, trao gửi lời cầu nguyện của họ cho Chúa.
Anna Maria Gargiulo, 18 tuổi đến từ Perugia, Ý, chia sẻ với hãng tin CNA: “Tôi cầu nguyện cho một thế giới tốt đẹp hơn, tôi cầu nguyện cho một thế giới mà sự hòa nhập trở thành điều bình thường”. Cô nói thêm: “Tôi bị mù từ khi sinh ra, nhưng đối với tôi, đây không phải là vấn đề. Tôi coi đó là một khả năng, vì tôi nhìn thế giới bằng đôi mắt khác”.
Một số gia đình đã chia sẻ về cách đức tin giúp họ đối mặt với những thử thách của cuộc sống. Con trai cả của Wanda Martena có nhu cầu đặc biệt. Bà cho biết: “Gia đình chúng tôi rất gắn bó, chúng tôi rất yêu thương nhau và rất hạnh phúc. Tôi có hai đứa con là những viên ngọc quý của chúng tôi”. Con trai bà, Alessandro, nói thêm “Chúng tôi đối mặt với mọi thứ bằng nụ cười”.
Nguồn:vaticannews.va