Những nghiên cứu về mộ phần của Thánh Phêrô

19/09/2018
3796


Khách tham quan thường trầm trồ trước kiến trúc tuyệt vời của Vương Cung Thánh Ðường Thánh Phêrô ở Vatican, nhưng không mấy ai biết về các công trình khảo cổ liên quan đến vị Tông đồ trưởng ở bên dưới nhà thờ.

Ðức Giáo Hoàng Piô XI (1857-1939) từng nói rõ ngài muốn được an nghỉ gần địa điểm an táng thánh Phêrô. Sau khi ngài qua đời, Đức Piô XII bắt đầu khởi động dự án khảo cổ khu vực bên dưới Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô nhằm hoàn thành tâm nguyện cuối cùng của vị tiền nhiệm. Với quyết định này, ngài mong muốn được sự cộng tác của các nhà khoa học để xác minh vị trí chính xác mà thánh nhân được chôn cất.

Sau khi hoàn tất quá trình khai quật, các cuộc nghiên cứu về lịch sử, khảo cổ và kiến trúc được triển khai một cách thấu đáo. Đến năm 1950, Đức Piô XII công bố: “Kết luận cuối cùng rút ra từ các công trình và dự án được tiến hành tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô là mộ phần của vị Tông đồ trưởng đã được tìm thấy”.

Ngược dòng lịch sử, sau trận hỏa hoạn thành Rome vào năm 64, hoàng đế La Mã Nero mở cuộc bách hại mới đối với những người theo đạo Kitô. Chính trong thời gian này, thánh Phêrô đã bị hành hình bằng cách treo ngược trên thập giá tại đấu trường trên đồi Vatican. Vào lúc đó, thi hài của thánh nhân được chôn trong ngôi mộ chỉ được đánh dấu bởi một mảnh ngói nhỏ, nằm trong nghĩa trang cũng trên ngọn đồi này. Nơi đây nhanh chóng thu hút những người hành hương đến viếng mộ của ngài, dù ban đầu họ phải đến một cách lén lút vì các Kitô hữu vẫn còn bị bách hại. Đến thế kỷ thứ 4, hoàng đế Constantine cổ võ phát triển đạo Kitô và quyết định xây dựng một nhà thờ để kính thánh Phêrô.
 

Trong nhà thờ này, bàn thờ được đặt thẳng hàng với mộ của ngài. Bên trên ngôi mộ, hoàng đế Constantine tiến hành xây dựng một đài tưởng niệm cao 3m bằng đá cẩm thạch và Pocfia (loại đá màu đỏ, chứa tinh thể đỏ và trắng). Một cây cột và một đoạn bức tường của nhà thờ ban đầu vẫn được bảo tồn đến ngày nay. Khi ngôi thánh đường tráng lệ bắt đầu được xây dựng vào năm 1506, bàn thờ được đặt bên trên ngôi mộ của thánh Phêrô.

Năm 2013 Đức Phanxicô cho trưng bày hài cốt Thánh Phêrô lần đầu tiên để các tín hữu kính viếng.

Vào năm 1941, các chuyên gia thực hiện công trình khảo cổ theo yêu cầu của Đức Piô XII đã tìm thấy một chiếc hộp chứa hài cốt được tìm thấy không xa ngôi mộ, gần một trong những bức tường của nhà thờ đầu tiên được xây dựng dưới thời hoàng đế Constantine. Một thập niên sau đó, trong nỗ lực khai quật lần thứ hai tại nơi này, kéo dài từ năm 1952 – 1958, nhà khảo cổ người Ý Margherita Guarducci đã phát hiện một dòng chữ Hy Lạp có nội dung “Petros eni” (Phêrô ở đây) trên bức tường cổ.

Bên dưới Vương Cung Thánh Đường là công trình khảo cổ về vị Tông đồ trưởng.

Chiếc hộp được mang đến phòng thí nghiệm để phân tích những hài cốt bên trong. Kết quả cho thấy các mảnh xương thuộc về một người đàn ông có thể hình tráng kiện, đã đứng tuổi và có dấu hiệu bị loãng xương, căn bệnh thường thấy ở ngư dân. Một số mảnh vải màu tím dệt bằng tơ vàng được dùng để bao bọc hài cốt, chứng tỏ người đã khuất rất được tôn kính. Số hài cốt này được tìm thấy ở vị trí hơi lệch so với mộ phần ban đầu, có lẽ do các Kitô hữu thời đó sắp xếp với mong muốn ngăn chặn ý đồ xâm phạm của những kẻ bách hại đạo. Các mảnh xương được xác định có niên đại từ thế kỷ thứ I sau Công nguyên. Và ngày 26.6.1968, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI chính thức tuyên bố: “Thánh tích của thánh Phêrô đã được xác định theo một phương thức mà chúng tôi cho rằng đầy thuyết phục”.

Ngày nay, những người tham quan có thể tận mắt thấy những đoạn từng được khai quật thông qua lối đi của một gian phòng thuộc Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô. Ngay đằng sau cổng vào, trên mặt đất, khách hành hương có thể thấy một hình vuông đánh dấu địa điểm được hoàng đế Constantine dựng đài tưởng niệm trong quá khứ, nằm giữa trung tâm đấu trường vào thời hoàng đế Nero. Bên dưới một cầu thang hẹp là nghĩa trang cổ trên đồi Vatican, từ đây, băng qua những hầm mộ của một số gia đình La Mã, sẽ đến được nơi bảo quản hài cốt của thánh Phêrô.
 


Ling Lang
(Nguồn: cgvdt.vn)