Cơ cấu và sứ vụ của Văn phòng Tổng Kiểm toán Vatican

04/03/2022
871

Văn phòng Tổng Kiểm toán Vatican được thành lập vào năm 2014 và bắt đầu hoạt động từ năm 2015. Đây là kết quả cải cách trong lĩnh vực kinh tế - hành chính do Đức Thánh Cha Phanxicô khởi xướng khi bắt đầu sứ vụ kế vị thánh Phêrô của ngài. Theo quy chế thiết lập, Văn phòng Tổng Kiểm toán trả lời trực tiếp cho Đức Thánh Cha và có sứ vụ góp phần quản lý tài sản của Toà Thánh một cách chính xác và minh bạch.

Tiến sĩ Alessandro Cassinis Righini 

Cuộc phỏng vấn sau đây của Vatican News với tiến sĩ Alessandro Cassinis Righini, Tổng kiểm toán viên sẽ cho thấy rõ sứ vụ của cơ quan mới được thành lập này.

Tổng Kiểm toán viên với ĐTC
Tổng Kiểm toán viên với ĐTC

Thưa tiến sĩ Alessandro, Văn phòng Tổng Kiểm toán Vatican được Đức Thánh Cha Phanxicô thành lập như một phần của việc tái tổ chức cơ cấu kinh tế của Toà Thánh, có trách nhiệm kiểm toán toàn bộ máy tài chính và hành chính phức tạp của Vatican. Điều gì đã thúc đẩy Đức Thánh Cha thành lập văn phòng này? Các mục tiêu cơ bản của hoạt động kiểm toán và nói chung của cuộc cải cách do Đức Thánh Cha thực hiện là gì?

Với Tự sắc Fidelis dispensator et prudens, về các thẩm quyền trong lãnh vực kinh tế tài chính của Toà Thánh được công bố tháng 02/2014, Đức Thánh Cha bắt đầu thực hiện cải cách kinh tế qua ba cơ quan mới, gồm: Hội đồng Kinh tế, Bộ Kinh tế, và Văn phòng Tổng Kiểm toán. Đây là kết quả công việc của uỷ ban nghiên cứu và chỉ dẫn việc tổ chức cơ cấu hành chính-kinh tế của Toà Thánh được Đức Thánh Cha thành lập một năm trước đó.

Vào thời điểm đó tôi chưa làm việc trong Toà Thánh và vì vậy tôi không chứng kiến nguồn gốc của những quyết định này, nhưng cơ sở lý luận của chúng được chỉ rõ trong Tự sắc nói trên, đó là trách nhiệm “bảo vệ và quản lý cẩn thận tài sản của Toà Thánh trong ánh sáng của sứ vụ loan báo Tin Mừng, với việc chăm sóc người nghèo cách đặc biệt”.

Để theo đuổi mục tiêu này, hai tiêu chí đã được đưa ra, về bản chất có liên hệ: một mặt, để làm cho việc quản lý kinh tế của Toà Thánh và Quốc gia Thành Vatican minh bạch hơn, và mặt khác, làm được như vậy bằng cách tự trang bị với các cơ cấu mới có chức năng tham chiếu các thông lệ quốc tế tốt nhất.

Hai tiêu chí này cũng là cơ sở cho mọi cải cách kinh tế theo sau đó: từ việc xây dựng Quy chế vào tháng 02/2015, quy định hoạt động của Hội đồng Kinh tế, Bộ Kinh tế và Văn phòng Tổng Kiểm toán, đến Tự sắc tháng 12/2020 “Về thẩm quyền trong các vấn đề kinh tế và tài chính”, tập trung quản lý tài sản tại Cơ quan Quản trị Tài sản của Tòa Thánh, dưới sự giám sát của Bộ Kinh tế.

Trong khuôn khổ cải cách này, Văn phòng Tổng Kiểm toán đã trải qua một số giai đoạn. Về cơ bản, cơ quan có nhiệm vụ đảm bảo tuân thủ các quy tắc hành chính và kế toán do Bộ Kinh tế ban hành. Để hoàn thành các nhiệm vụ, Văn phòng Tổng Kiểm toán là một Cơ quan độc lập, chỉ trả lời trực tiếp với Đức Thánh Cha, đồng thời hợp tác với các cơ quan kinh tế khác, bắt đầu với Bộ Kinh tế và có mối quan hệ chức năng với Hội đồng Kinh tế. Tôi tin rằng điều quan trọng cần nắm bắt là: sau hơn sáu năm kể từ khi bắt đầu hoạt động vào mùa thu năm 2015, chúng tôi nhận ra rằng có nhiều người trong Vatican không hiểu vai trò của chúng tôi hoặc nghĩ rằng chúng tôi là một Văn phòng phụ thuộc các Bộ khác. Ngược lại, tự chủ và độc lập là những đặc điểm cơ bản mà tất cả các Tổ chức Kiểm toán trên thế giới có được để đáp ứng tốt hơn nhiệm vụ của mình.

Để thực hiện các hoạt động kiểm toán, Văn phòng Tổng Kiểm toán thông qua các tiêu chí kiểm toán do Tổ chức kiểm toán tối cao quốc tế (INTOSAI) ban hành. Điều này là do, như Quy chế quy định, Văn phòng Tổng Kiểm toán phải tuân thủ các thông lệ quốc tế.

Nhân viên
Nhân viên

Cách đây hai năm, Đức Thánh Cha đã ban hành Quy chế mới cho Văn phòng Tổng Kiểm toán, đưa ra một loạt thay đổi so với Quy chế của năm 2015 trong giai đoạn thử nghiệm, bỏ vị trí Trợ lý Kiểm toán, tăng cường quyền kiểm soát của Văn phòng Tổng Kiểm toán, và đồng thời trao cho cơ quan này các chức năng về “Thẩm quyền chống tham nhũng”. Những thay đổi này có ý nghĩa gì đối với công việc của ông?

Tôi cho rằng bước này rất quan trọng và về cơ bản bắt nguồn từ thực tế là vào tháng 10/2016 - tức là sau khi thành lập Văn phòng Tổng Kiểm toán - Tòa Thánh đã quyết định gia nhập Công ước Mérida về chống Tham nhũng. Trong số những điều khác, Công ước này quy định mỗi Quốc gia thành viên có một hoặc nhiều cơ quan chống tham nhũng. Khi gia nhập Công ước, Tòa Thánh đã chỉ định Văn phòng Tổng Kiểm toán là Cơ quan Chống Tham nhũng, nhưng cần phải pháp điển hoá nhiệm vụ này trong luật nội bộ.

Tuy nhiên, nhận thức về tham nhũng ngày càng gia tăng, một khái niệm rộng mà chúng ta không thể dừng lại ở đây, không phải là một hiện tượng xa lạ với thực tế mà chúng tôi đang làm việc. Tôi nghĩ không cần giải thích tại sao Đức Thánh Cha lại luôn cẩn thận điều chỉnh hoạt động phòng và chống tham nhũng. Và ngài cho rằng Văn phòng Tổng Kiểm toán là cơ quan phù hợp nhất để thực hiện vai trò này. Quy chế năm 2015 đã quy định rằng việc xem xét cụ thể có thể được thực hiện bất cứ khi nào có cơ sở hợp lý để nghi ngờ, “hành vi tham nhũng, biển thủ hoặc gian lận đã được thực hiện”.

Trong số các điều khoản của Công ước Mérida, cũng có yêu cầu mỗi Quốc gia thành viên phải đưa ra các cơ chế để làm cho hoạt động đấu thầu minh bạch hơn. Theo sự thúc đẩy của Văn phòng Tổng Kiểm toán, “Các tiêu chuẩn về tính minh bạch, kiểm soát và cạnh tranh trong các hợp đồng công của Tòa Thánh và Quốc gia Thành Vatican” đã được ban hành vào tháng 6/2020. Đây là “luật đấu thầu” nhằm mục đích để giảm rủi ro trong các giao dịch mua sắm của các cơ quan của Vatican và Tòa Thánh, vốn có thể là dịp để thực hiện các hành vi tham nhũng. Nếu không đi sâu vào cách thức hoạt động, có lẽ cần một số đơn giản hóa trong các quy định thực hiện, luật đấu thầu làm cho quyền tài phán của Vatican phù hợp với thẩm quyền của các quốc gia đi đầu trong lĩnh vực này. Và Văn phòng Tổng Kiểm toán có vai trò giám sát trong các quy trình này.

Từ quan điểm hoạt động, trước khi có Quy chế mới và việc ban hành “Các tiêu chuẩn về tính minh bạch, kiểm soát và cạnh tranh trong các hợp đồng công của Tòa Thánh và Quốc gia Thành Vatican”, Văn phòng Tổng Kiểm toán đã thực hiện các hoạt động xác minh trong lĩnh vực này, giờ đây có nhiệm vụ thực hiện như vậy một cách có hệ thống hơn. Vì lý do này chúng tôi luôn đặc biệt chú ý đến quy trình mua sắm và nguồn nhân lực của các Cơ quan, mà chúng tôi xem là hai lĩnh vực thường tiềm ẩn nguy cơ tham nhũng. Và cần lưu ý rằng chúng tôi làm như vậy trong khi luôn hợp tác với các Cơ quan kiểm soát khác, bắt đầu với Bộ Kinh tế và Cơ quan Giám sát và Thông tin Tài chính. Để đạt được mục tiêu này, tôi đã ký hai Biên bản ghi nhớ, với Bộ trưởng Kinh tế và Chủ tịch của Cơ quan Giám sát và Thông tin Tài chính, để điều chỉnh sự hợp tác này và việc trao đổi thông tin.

Điều cũng rất quan trọng cần nhấn mạnh rằng nhiệm vụ của Văn phòng Tổng Kiểm toán trước hết là ngăn chặn tham nhũng. Chúng tôi thực hiện việc này qua “thư nhận xét” gửi cho các vị đứng đầu các Bộ, vào cuối mỗi cuộc đánh giá và đề xuất các thay đổi quy tắc, như trong trường hợp của các Tiêu chuẩn nói trên. Nếu cuộc kiểm toán xuất hiện các yếu tố có vi phạm luật hình sự, Tổng Kiểm toán viên sẽ báo cáo cho Tư pháp Vatican, và với sự hỗ trợ của Hiến binh, xem xét nếu cần đem xét xử trước tòa án.

Ngoài ra, Văn phòng Tổng Kiểm toán còn phải báo cáo “những bất thường trong việc sử dụng hoặc phân bổ các nguồn lực tài chính hoặc vật chất; sự bất thường trong việc cấp đấu thầu hoặc trong việc thực hiện các giao dịch hoặc hành vi tham nhũng hoặc gian lận”. Danh tính của người tố cáo được bảo vệ và Tổng Kiểm toán không được tiết lộ cho bất kỳ ai, trừ các Cơ quan Tư pháp trên cơ sở một quyết định có lý do. Đồng thời, người tố cáo được miễn trừ mọi trách nhiệm pháp lý do vi phạm bí mật chính thức hoặc bất kỳ ràng buộc nào khác đối với việc tiết lộ có thể được áp đặt bởi các quy định pháp luật, hành chính hoặc hợp đồng. Những quy tắc này đưa quyền tài phán của chúng tôi lên hàng tiên phong trên thế giới trong cuộc chiến chống tham nhũng.

Văn phòng Tổng Kiểm toán viên
Văn phòng Tổng Kiểm toán viên

Tiến sĩ có thể đưa ra một bản quyết toán trong sáu năm phục vụ Tòa Thánh và Đức Thánh Cha không?

Từ khi Văn phòng Tổng Kiểm toán được thành lập, tôi có đặc ân lớn là được cộng tác thực hiện các cải cách kinh tế mà Đức Thánh Cha đã đề cập trước đó. Đó chắc chắn là những năm tháng căng thẳng, mặc dù tôi đã có kinh nghiệm làm việc 25 năm trong lĩnh vực này. Thực tế Vatican có những đặc thù riêng cần phải học để hiểu. Những đặc thù này trước hết liên quan đến tính chất đặc biệt của Tòa Thánh, là phục vụ Giáo hội hoàn vũ; sứ mạng, như người ta có thể tưởng tượng, là mục đích duy nhất đối với thực tế này và đòi hỏi một đức tin sâu sắc.

Nếu trong những năm đầu, có một số phản đối từ các Cơ quan của Vatican do thiếu kiến thức về nội dung kiểm toán và thiếu thói quen được kiểm toán, thì theo thời gian, sự hợp tác với các Cơ quan đã được cải thiện. Từ khi tôi có trách nhiệm đứng đầu Văn phòng, tức là từ giữa năm 2017, chúng tôi đã cố gắng đầu tư nhiều thời gian vào việc tạo ra môi trường tin cậy lẫn nhau với các Cơ quan.

Do đó, quyết toán là tích cực, nhưng chắc chắn còn nhiều việc phải làm và tốt hơn nữa, trước hết là về phía chúng tôi, cả về tính kỹ lưỡng của các biện pháp kiểm soát, mà ngày nay liên quan đến hơn 90 cơ quan của Tòa Thánh và toàn thể Phủ Thống đốc, và trong nỗ lực hợp tác tốt hơn với các cơ quan kiểm soát khác, tránh chồng chéo dẫn đến trùng lặp công việc của các cơ quan.

Một buổi họp của Văn phòng Tổng Kiểm toán Vatican
Một buổi họp của Văn phòng Tổng Kiểm toán Vatican

Văn phòng Tổng Kiểm toán được cấu trúc như thế nào?

Chúng tôi là một thực thể nhỏ, tất cả 14 người, trong đó có 6 phụ nữ. Ngoài Tổng kiểm toán có 12 kiểm toán viên, có kinh nghiệm khác nhau; tất cả đều đến từ các công ty kiểm toán quốc tế hàng đầu và một số đã có hơn 20 năm kinh nghiệm. Chúng tôi là một nhóm hoà hợp, nơi mọi người đều có vai trò riêng của mình, nhưng mọi người đều cần có sự linh hoạt, bởi vì ngoài các cuộc đánh giá hàng năm, chúng tôi còn thực hiện nhiều cuộc đánh giá khác về các tình huống cụ thể; hơn nữa, Tổng Kiểm toán tham gia Ủy ban An ninh Tài chính (CoSiFi), một cơ quan của Tòa Thánh có nhiệm vụ điều phối các Cơ quan có thẩm quyền của Tòa Thánh và Quốc gia Thành Vatican trong các vấn đề phòng và chống về rửa tiền, tài trợ khủng bố và phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt. Với khối lượng công việc, không có chỗ cho sự cứng nhắc của tổ chức.

Ngọc Yến - Vatican News
https://www.vaticannews.va/vi/vatican-city/news/2022-03/van-phong-tong-kiem-toan-vatican.html