"Chúa về trời" trong hội họa

15/05/2021
1991

Về chủ đề "Chúa về trời", cần nói ngay là có rất ít tác phẩm thực sự đặc sắc còn lại trong lịch sử nghệ thuật. Ngay ở thời hưng thịnh của nghệ thuật Công Giáo - kéo dài từ đầu thế kỷ 15 cho đến hết thế kỷ 17 - trong khi có hàng ngàn danh họa tạo ra vô số tác phẩm nghệ thuật bất hủ, với đủ mọi chủ đề vinh danh Thiên Chúa, thì ở chủ đề này, hiếm thấy tác phẩm của một danh họa nào.

Dường như, trong chủ đề "Chúa về trời" ẩn chứa quá nhiều ý nghĩa siêu hình vượt ra ngoài khả năng biểu hiện của nghệ thuật thị giác.

Chỉ mãi đến đầu thế kỷ 19, với William Blake (1757-1827), mới có một tác phẩm "Chúa về trời" được giới nghiên cứu lịch sử nghệ thuật ghi nhận là một hiện tượng độc đáo. Hầu hết các tác phẩm "Chúa về trời" trước đó đều chỉ được xem là sự minh họa giản đơn.

Trước khi phân tích tác phẩm của William Blake, tôi xin giới thiệu sơ lược các tác phẩm "Chúa về trời" trước đó.

1. Ngay dưới đây là hình ảnh bức tiểu họa (Icon) tiêu biểu về chủ đề "Chúa về trời" của nghệ thuật Byzantium mang đậm màu sắc phương Đông (1), một nền nghệ thuật chỉ có chức năng minh họa Kinh Thánh theo các ước thác từ Giáo Hội và truyền thống.

Bức tranh khá đơn giản, được tách bạch thành hai phần: phía trên là "cõi trời", nơi mà Chúa đã về ngự trị trong sự hân hoan của các Thiên Thần, và phía dưới là "cõi người" đang ở lại, với sự "có mặt" của Chúa Thánh Thần. Các chữ "cõi trời", "cõi người" và "có mặt" tôi phải bỏ trong ngoặc kép, bởi vì, tất cả đều chỉ là những tượng trưng. Chúa không ngự trên bầu trời xanh của không gian vật lý. Cái màu vàng huy hoàng của ánh sáng được thể hiện kia đang muốn chúng ta biết rằng Chúa đang ở một cảnh giới khác nằm ngoài khả năng tri giác và kinh nghiệm thường tục (của con người). Cũng không có cảnh Chúa bay lên trời. Cái hình tròn ôm trọn hình Chúa không phải là cái "đĩa bay" các Thiên Thần mang xuống đón Chúa (như có người đã tưởng!). Đó là cái vòng tròn biểu trưng cho sự viên mãn, cho Thiên Chúa (Pascal sau này đã nói: "Thiên chúa là một bầu tròn mà trung tâm ở khắp nơi, còn chu vi thì không ở đâu cả" "Dieu est une sphère dont le centre est partout et la circonference nulle part")(2)

Cái ước thác tượng trưng này, đã được tuân thủ một cách nghiêm ngặt trong tất cả các tác phẩm thể hiện chủ đề "Chúa về trời" thuộc truyền thống Byzantium. Có thể thấy rõ điều này trong hai tác phẩm minh họa dưới đây:

Icon Nga thế kỷ 15

Icon Nga thế kỷ 15

2. Giotto di Bondone (1267-1337) là họa sĩ và nhà kiến trúc người Firenze. Ông được coi là người tạo lập truyền thống trung đại của hội họa Tây phương vì tác phẩm của ông tách khỏi sự cách điệu hóa theo các qui phạm chặt chẽ của nghệ thuật Byzantium, mở đường cho những tư tưởng mới của chủ nghĩa tự nhiên và chủ nghĩa cá nhân. Tác phẩm "Chúa về trời" dưới đây nằm trong bộ tranh tường "Cuộc đời Chúa Giêsu" ông vẽ cho nhà nguyện Arena ở Padua trong giai đoạn từ 1304 đến 1306.
 

Đây là bức tranh đầu tiên thể hiện hình ảnh Chúa về trời như một sự kiện phi thường trong không gian vật lý thuần tuý. Trong tầm nhìn đầu thế kỷ 14 (khi mà phần lớn nhân loại vẫn tin mặt đất mà con người sinh sống như một cái đĩa phẳng và trời là cái lồng bán cầu khổng lồ úp lên trên), mọi người dễ dàng chấp nhận sự minh họa hết sức rõ ràng, dễ hiểu này. Tuy nhiên, sự cụ thể hóa đã đồng nghĩa với sự đơn giản hóa. Ngôn ngữ nghệ thuật mới đã có sức mạnh chinh phục lớn lao đối với người đương thời, nhưng khi trở thành truyền thống, trước chủ đề "Chúa về trời" nó trở thành gánh nặng mà các nhà thần học và các nhà truyền giáo sau đó sẽ phải giải quyết. Câu hỏi "Chúa lên trời là lên đâu trên trời" của các "tín đồ khoa học" với lối tư duy chủ yếu dựa trên kinh nghiệm, kỹ thuật và lý tính là một thách thức...

3. Tác phẩm "Chúa về trời" của thời đại Phục Hưng được biết nhiều nhất cho đến ngày nay là tác phẩm của Garofalo (Benvenuto Tisi: 1481-1559)- họa sĩ người Ý, hoạt động chủ yếu ở Ferrara.

"Chúa về trời" -1520 - Tranh sơn dầu - Garofalo

Garafalo hoàn thành tác phẩm này năm 1520. Về hình thức, nó mang đầy đủ các đặc trưng của nghệ thuật Phục Hưng thịnh kỳ - vững vàng trong cách thể hiện hình ảnh nhân vật, phối cảnh không gian...- nhưng xét về mặt nội dung, cụ thể là cách lý giải chủ đề, lại không khác gì mấy so với tác phẩm của Giotto, vừa phân tích, trước đó hơn trăm năm...

Cũng trong năm 1520, ở Roma, Raphael hoàn thành tác phẩm "Sự biến hình của Chúa". Nếu đặt tác phẩm của Raphael bên cạnh tác phẩm của Garafalo, chúng ta sẽ thấy cái khoảng cách giữa một "thiên tài" với một họa sĩ bình thường nó diệu vợi thế nào!

"Chúa biến hình" - 1520 - Raphael

4. Và đây là tác phẩm được xem là tuyệt tác với chủ đề "Chúa về trời" của William Blake vẽ năm 1803:

"Chúa về trời" - 1803 - William Blake (1757-1827)

William Blake (1757-1827) là họa sĩ, triết gia và nhà thơ người Anh. Trong lĩnh vực thơ ca, ông được xếp vào hàng những tên tuổi hàng đầu của nghệ thuật Lãng mạn Chủ nghĩa - Romanticism (hình thành ở Tây Âu sau Cách mạng tư sản Pháp năm 1789) - ở Anh, nhưng trong lĩnh vực hội họa, ông đi trước thời của mình khá xa. Người ta xem ông là họa sĩ bậc thầy của nghệ thuật Tượng Trưng (Symbolism) cuối thế kỷ 19. Với ông, thực tại được nhìn thấy bởi đôi mắt nhìn ra nơi con người chỉ là những ảo ảnh. Tri giác con người hết sức hạn chế và đầy khiếm khuyết. Người ta chỉ có thể tiệm cận sự thật trong suy tư sâu xa. Và, trong suy tư sâu xa, thực tại hiện hình lên bề mặt, chỉ có thể là những biểu tượng, những tượng trưng, và ẩn dụ... (3)

Trước chủ đề "Chúa về trời", theo William Blake, mọi diễn ngôn dựa vào tri giác-kinh nghiệm đều có nguy cơ trở thành hàm hồ dễ gây ngộ nhận. Chúa về trời không có nghĩa là Chúa thay đổi không gian trú ngụ từ trái đất đến một nơi nào đó ngoài trái đất. Chúa về trời, là về với thể giới siêu hình vốn nằm trong lòng thực tại; Chúa về trời, là thoát ra ngoài thực tại vật chất dị biệt và chia cắt để trở về với thực tại tâm linh bao trùm vũ trụ... Lễ Chúa về trời là để tôn vinh sự chuyển hóa vi diệu này của Thiên Chúa. Và nhắc nhở con người về sự hiện hữu bao trùm vũ trụ của Thiên Chúa trong thực tại tâm linh...

Với suy ngẫm đó, William Blake đã dùng đến ánh sáng như một biểu tượng. Hình ảnh trong tranh, thực chất, chỉ là những hình hiệu chỉ có ý nghĩa vừa đủ để nhận biết chủ đề. Tràn ngập trong tranh là ánh sáng. Ánh sáng của màu trắng tinh tuyền, của màu xanh trong trẻo và của màu vàng huy hoàng với đủ sắc độ lung linh ngọn nguồn sự sống của lửa. Hình hiệu trong tranh (Chúa đã bay lên, các Thánh Tông Đồ vẫn ở phía dưới) thể hiện một sự chia cắt về mặt thể lý, nhưng ánh sáng (ôm trùm như biến tất cả thành ánh sáng) thì lại thể hiện một sự thống nhất mang tính nội tại. Chúa đã không bay lên trời mà đã trở về là Ánh Sáng Thiên Chúa!

Hình ảnh Chúa đang bay lên cũng chính là biểu tượng Thập Tự Giá. William Blake đã vẽ Chúa bay lên trong tư thế quay lưng lại với chúng ta: Người đã giấu mặt, còn lại trên thế gian chỉ là biểu tượng Thập Tự Giá và Ánh Sáng!

Không phải ngẫu nhiên William Blake rất hay được nhắc đến, và hay được trích dẫn trong các suy tư thần học và các bài giáo huấn của các nhà truyền đạo hiện đại. Riêng về chủ đề "Chúa về trời" bằng tác phẩm của mình ông đã đóng góp một cách diễn giải mới, mà ít nhất theo các nhà phê bình nghệ thuật, dễ đi vào thế giới tinh thần con người hiện đại.

Để tạm dừng, thay vì kết luận, tôi xin tặng bạn đọc một câu nói nổi tiếng của William Blake: "Chúng ta đã được đặt vào trần gian ngắn ngủi để học tỏa sáng tình thương"

(1) Nền nghệ thuật gắn liền với Đế quốc La Mã phương Đông do Hoàng đế Constantinius thành lập năm 330 và chấm dứt năm 1453 khi thủ đô Constantinople (tên cũ là Byzantium) bị quân Thổ Nhĩ Kỳ chiếm và đổi tên thành Istanbul và biến thành thủ đô của Đế quốc Ottoman)

(2) Blaise Pascal (1623–1662) là một nhà toán học, nhà vật lý học, triết gia nổi tiếng người Pháp. Trong lĩnh vực toán học, Pascal đã giúp tạo ra hai lĩnh vực nghiên cứu mới. ông đã viết một luận án quan trọng về đối tượng của hình học ánh xạ ở độ tuổi 16. Cùng với Pierre de Fermat xây dựng lý thuyết xác suất, đây là công trình có ảnh hưởng lớn tới sự phát triển của kinh tế học hiện đại và các khoa học xã hội. Sau đó ông đã từ bỏ lĩnh vực khoa học, ông dành tâm sức vào triết học và thần học. Ông đã viết hai tác phẩm nổi tiếng trong thời kỳ đó.

(3) Để biết thêm về William Blake: http://vi.wikipedia.org/wiki/William_Blake\

Nguyên Hưng
Nguồn: 
https://tgpsaigon.net/bai-viet/chua-ve-troi-trong-hoi-hoa-39671