Ai phát minh ra việc Đi đàng Thánh Giá?

19/04/2019
2163

Đi đàng Thánh Giá là một cử hành Phụng Vụ không thể thiếu được trong suốt năm, đặc biệt là trong Mùa Chay ở bất cứ nơi nào trên thế giới có sự hiện diện của Giáo Hội. Có cả những cuộc đi đàng Thánh Giá được truyền hình trực tiếp trên toàn thế giới như buổi đi đàng Thánh Giá trọng thể tại hý trường Colosseo ở Roma.

Câu hỏi được nhiều người đặt ra là ai đã là người phát minh ra việc Đi đàng Thánh Giá. Tờ Aleteia số ra ngày 8 tháng Ba vừa qua có câu trả lời cho câu hỏi thú vị này. 

Trong suốt nhiều thế kỷ qua, một trong những hình thức thể hiện lòng đạo đức bình dân phổ biến nhất đã vượt qua thử thách của thời gian là việc Đi đàng Thánh Giá (tiếng Latin là Via Crucis /vjaˈ - kɾu.sis/). Đàng Thánh Giá bao gồm một số “chặng”, dọc theo đó ta có thể lần theo trong tâm hồn mình những bước chân của Chúa Giêsu Kitô trong Cuộc khổ nạn và cái chết của Người.

Theo một truyền thống có từ ngàn xưa, sau khi Chúa chịu khổ hình, hàng ngày Đức Mẹ đã lang thang qua các địa điểm nơi Chúa Giêsu, Con Mẹ, đã phải chịu nhục hình, vác thánh giá, chịu chết và phục sinh vinh hiển. Nhiều truyền thống khác cũng cả quyết rằng hàng ngày Đức Maria đều đi hết con đường Chúa Giêsu đã đi lên Núi Sọ.

Tuy nhiên, tin tưởng truyền thống này vẫn chưa tạo ra một lòng sùng kính phổ biến trong toàn Giáo Hội với những lời cầu nguyện và các “chặng” cụ thể như ta thấy ngày nay. Khi thực hiện điều này, Đức Mẹ chỉ đơn giản là cố gắng làm sống lại những sự kiện mạnh mẽ trong cuộc thương khó Chúa Giêsu và giữ những hoài niệm này trong lòng Mẹ, cũng như suy đi nghĩ lại về những biến cố đã xảy ra với Mẹ từ khi Thiên thần truyền tin cho đến khi Mẹ phải đứng dưới chân thánh giá chứng kiến cái chết của Con Mẹ.

Theo Bách khoa toàn thư Công Giáo, mãi đến vài thế kỷ sau đó, vào đầu thế kỷ thứ năm, Thánh Petronius, Giám mục thành Bologna bên Ý, đã cho xây dựng các nhà nguyện được kết nối với nhau tiêu biểu cho các đền thờ quan trọng hơn tại Giêrusalem, là nơi mà không phải các tín hữu nào cũng có khả năng tài chính để thực hiện các chuyến hành hương thăm viếng. Ngài gọi các nhà nguyện này là các “stazione” / stá-zi-ố-nề/ hay các “chặng”. Đây có lẽ được coi là mầm mống mà các “chặng” được phát triển sau đó, mặc dù có thể chắc chắn rằng trước thế kỷ thứ 15 không có gì có thể được gọi là Đàng Thánh Giá theo nghĩa chúng ta hiểu hiện nay.

Đến thời Trung cổ, Thánh địa trở thành một khu vực đầy biến động và những người hành hương không dễ dầu gì có thể đến các đền thờ có các di tích cuộc thương khó Chúa Kitô. Do đó, các tu sĩ dòng Phanxicô và những người khác trên khắp châu Âu đã bắt đầu xây dựng các nhà nguyện và các đền thờ mô phỏng các địa điểm ở Giêrusalem. Cụ thể, Chân Phước Álvaro thành Córdoba, linh mục dòng Đa Minh, đã truyền bá lòng sùng kính cuộc thương khó Chúa ở Âu châu, bắt đầu ở Cordoba, nơi ngài dựng lên những nhà nguyện nhỏ có phong cách tương tự như các chặng đàng thánh giá hiện đại.

Theo cha William Saunders, “Ông William Wey, một người hành hương người Anh, đã viếng thăm Thánh địa vào năm 1462 và được coi là người đã dùng thuật ngữ ‘stations’, tức là ‘chặng’, lần đầu tiên khi ông mô tả cách những người hành hương lần theo các bước của Chúa Kitô trong cuộc thương khó. Thuật ngữ này trở nên phổ biến trong Anh ngữ và cuối cùng đã được dùng để chỉ những cảnh được thiết lập trong nhà thờ.

Đến thế kỷ 17, các tu sĩ dòng Phanxicô muốn dựng lên những chặng này bên trong những bức tường của nhà thờ nên nộp đơn xin phép Tòa Thánh. Kèm theo đơn xin phép, các ngài còn muốn Đức Thánh Cha ban những ân xá cho các tín hữu viếng các chặng này tương tự như những ân xá vẫn được ban cho những người hành hương đến Giêrusalem. Đức Giáo Hoàng Innôcentê thứ 11, được ơn soi sáng, đã đánh giá cao sáng kiến này và chấp nhận tất cả các yêu cầu trên, mở đường cho các chặng Đàng Thánh Giá như chúng ta thấy ngày nay.

Do đó, các nhà sử học không thể tuyên dương một cá nhân đặc biệt nào phát minh ra việc đi Đàng Thánh Giá. Nhiều cá nhân thánh thiện khác nhau trong suốt nhiều thế kỷ, bắt đầu với Đức Trinh Nữ Maria, đã đóng góp vào sáng kiến quan trọng này khi các ngài lần theo các bước chân của Chúa Giêsu Kitô, chiêm nghiệm Cuộc Khổ Nạn và cái chết của Người. Đó là một truyền thống đẹp đã được Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 diễn tả như sau:

“Đàng Thánh Giá mời gọi tất cả chúng ta và đặc biệt là các gia đình chiêm ngưỡng Chúa Kitô chịu đóng đinh để có sức mạnh vượt qua những khó khăn. Thập giá của Chúa Kitô là dấu hiệu tối cao của tình yêu của Thiên Chúa dành cho mọi người nam nữ.

Ngài ghi nhận rằng biết bao người đã được ơn trở lại nhờ cử hành Phụng Vụ đáng quý này.

Đặng Tự Do
Source: Aleteia - Who invented the Stations of the Cross?