Ý nghĩa sâu xa của tính dục

14/11/2017
2782
Dẫn Nhập

Tính dục (sex) là điều mà tất cả những người bình thường đều quan tâm và nó ảnh hưởng trên mọi phương diện của nhân vị[1]. Nhà tâm lý học Paul D. Cameron đã làm một thăm dò trên 3416 người về 3 khía cạnh: tôn giáo, tính dục và sự chết. Riêng vấn đề tính dục kết quả cho thấy: trung bình những người trẻ (tuổi từ 18-25) cứ 10 phút lại có suy nghĩ liên quan đến tính dục; nhóm tuổi trung niên thì khoảng 35 phút một lần; và những người tuổi trên 65 thường 1 giờ một lần[2].

Người Việt Nam trong sinh hoạt, giao tiếp hằng ngày, có vẻ ngại dùng những cụm từ như “tính dục”, “làm tình” hay “giao hợp”… Thay cho những cụm từ này người ta thích dùng những kiểu nói né tránh chẳng hạn “chuyện ấy”, “chuyện vợ chồng”, hay “chuyện chốn phòng the”… Riêng đối với những bậc làm cha mẹ, giáo dục tính dục cho con cái là điều chẳng hề dễ dàng, do bởi trong văn hóa ứng xử của người Việt, chúng ta vẫn xem tính dục là chuyện khó nói và không nên nói ra. Thật vậy, khi con cái đặt những câu hỏi liên quan đến tính dục, cha mẹ thường trả lời theo kiểu “huề vốn” như “chuyện ấy lớn rồi khắc biết” thậm chí la rầy chúng “vắt mũi chưa sạch bày đặt học đòi chuyện người lớn”, hoặc “đồ con nít tài lanh”…Việc giáo dục về tính dục trong môi trường gia đình hiện nay dường như là con số không, nên nhiều bạn trẻ tự tìm hiểu qua sách báo, phim ảnh…(xấu có, tốt có), vì thế chưa có một sự nhận thức và hiểu biết đúng đắn về ý nghĩa của khía cạnh này, thậm chí xem nó như là điều xấu xa và tội lỗi. Điều này dẫn đến những hệ lụy hết sức tai hại trong đời sống đức tin và hôn nhân gia đình. Làm sao để các bạn trẻ có được sự hiểu biết đúng đắn và sâu xa ý nghĩa của tính dục? Đây thực sự là một thách đố cho toàn thể xã hội đặc biệt là những chủ chăn và các bậc làm cha mẹ.

1. Tính Dục: Một Tặng Phẩm Của Thiên Chúa

Tính dục là một tặng phẩm quí giá của Thiên Chúa nhằm phong phú hóa mối liên hệ vợ chồng. Thông điệp Amoris Laetitia đã khẳng định rõ: “Chính Thiên Chúa đã tạo ra tính dục, một ơn phúc kỳ diệu dành cho các tạo vật của Người”[3]. Tính dục là kỳ công của Thiên Chúa nên bản chất của nó là tốt đẹp và không có gì phải xấu hổ, từ chối hay loại bỏ (1 Cor 7:5)[4]. Vì là “nén bạc tình yêu” nên không thể đem cất giữ hoặc chôn dấu. Chúng ta nên trích lời dạy của Thánh Phaolô vào trong trường hợp này: “mọi điều Thiên Chúa dựng nên đều tốt lành, không có gì phải loại bỏ, nếu biết tạ ơn mà dùng” (1 Timôthê 4:4).

Thiên Chúa ngay từ thuở ban đầu đã dựng nên con người theo hình ảnh của Ngài. Sách Sáng Thế miêu tả: “con người được dựng nên có nam có nữ và mang hình ảnh của Thiên Chúa” (St 1:27). Giới tính của con người “có nam có nữ” là minh chứng rằng: tính dục nằm trong thiên ý của Ngài, phản chiếu đặc tính của Ngài nên nó là điều hoàn toàn tự nhiên và tốt đẹp. Giáo lý Hội Thánh dạy rằng: “khi tạo dựng bản tính con người theo hình ảnh mình, có nam có nữ, Thiên Chúa khắc ghi vào bản tính ấy ơn gọi, cùng với khả năng và trách nhiệm sống trong tình yêu và sự hiệp thông”[5]. Điều này chứng tỏ, tính dục đúng nghĩa phải diển tả được sự hiệp thông Ba Ngôi[6]. Nên không có cái gọi là “tự do luyến ái” hay những hình thái lệch lạc của hôn nhân (đa thê, ly dị) mà phải được đặt trong định chế hôn nhân[7]. Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II trong Theology of Body (Thần học về cơ thể) gọi đó là “the “nuptial meaning” of the body (tạm hiểu là: tính dục được “thiết kế” cho hôn nhân).

Tính dục là tặng phẩm đặc biệt của Thiên Chúa dành cho những ai sống ơn gọi hôn nhân gia đình. Nhờ tính dục họ thêm khắng khít “người nam sẽ lìa cha mẹ để luyến ái vợ mình, và hai người sẽ nên một huyết nhục. Như thế, họ không còn là hai mà là một huyết nhục” (Marco 10: 7-8); qua tính dục họ cũng minh chứng lòng chung thủy với nhau, thể hiện tình yêu dành cho nhau và chia sẻ hạnh phúc, và họ cũng cộng tác với Thiên Chúa trong công cuộc sáng tạo. Thông điệp Amoris Laetitia còn làm nổi bật vai trò của tính dục trong đời sống hôn nhân gia đình khi viết: “trong niềm vui yêu thương và cuộc sống gia đình của họ, Người ban cho họ ngay trên trần gian này được nếm trước tiệc cưới của Chiên Con”[8].

2. Những suy nghĩ sai lầm về tính dục.

Nhìn chung có hai khuynh hướng sai lầm phổ biến mà nhiều người khi nói về tính dục.

Trước hết, khuynh hướng nghĩ tính dục là xấu. Khuynh hướng này xem tính dục là nguy hiểm vì nó là nguyên nhân dẫn đến những hành vi xấu xa như quấy rối tình dục, lạm dục tình dục trẻ con, hãm hiếp, ngoại tình, phá thai, AIDS…. Lại có người khác nghĩ rằng, tính dục có thể làm tiều tụy cơ thể, cản trở sự tiến bộ và phát triển (tinh thần lẫn thể lý), là nguyên nhân của khổ đau, cho nên chủ chương xem thường, hạ giá. Hậu quả của xu hướng này dấn đến việc nói “không” với việc giáo dục giới tính xem đó là chuyện không nên nói với người trẻ vì sẽ “vẽ đường cho hưu chạy”. Cũng có những người cho rằng “việc huấn luyện về đam mê và tính dục có thể làm người ta ít chú ý tới tính tự phát của tình yêu tính dục”[9]. Những khuynh hướng này ảnh hưởng tiêu cực đến việc giáo dục về tính dục cho những người trẻ.

Đi ngược với xu hướng trên là quan điểm đề cao tính dục quá đáng, thậm chí tôn thờ nó. Những người này xem tính dục như là công cụ đặc biệt để tìm niềm vui và lợi ích và họ chủ chương làm tất cả những gì họ muốn: tự do làm tình khi có nhu cầu; tự do luyến ái miễn hai người đồng ý…Ngày nay nhiều bạn trẻ có xu hướng coi việc tự do trong việc luyến ái (trước hôn nhân) là “sành điệu”, là “hiện đại”, là cần thiết để chuẩn bị cho đời sống hôn nhân gia đình. Vấn nạn này cũng được thông điệp Amoris Laetitia đề cập: “tính dục thường bị phi bản vị hóa và không lành mạnh: kết quả, nó trở thành dịp và dụng cụ để tự khẳng định chính mình và để thoả mãn một cách ích kỷ các thèm muốn và bản năng bản thân. Thời ta, tính dục có nguy cơ bị đầu độc bởi não trạng ‘dùng rồi vứt bỏ’. Thân xác của người khác thường bị coi như một đồ vật để sử dụng bao lâu nó còn làm ta thỏa mãn, và bị vứt bỏ khi không còn lôi cuốn nữa”[10].

3. Tính dục trong ý định của Thiên Chúa và trong giáo huấn của Giáo Hội.

Giờ đây chúng ta có thể rút ra một vài điểm tiêu biểu liên quan đến tính dục (sex) trong ý định nhiệm mầu của Thiên Chúa:

* Vì Thiên Chúa đã tạo ra tính dục nên bản chất của nó là tốt. Vinh quang Thiên Chúa sẽ tỏ rạng khi con người đón nhận tính dục trong tâm tình tạ ơn và tận hưởng nó theo cách mà Ngài muốn.

* Thiên Chúa sắp đặt tính dục cho tình yêu phu phụ giữa người đàn ông và đàn bà[11], nên niềm vui tính dục (sex) chỉ được chấp nhận trong hôn nhân mà thôi (1 Cor 10:23). Tính dục không được xem là “thứ” để giải trí, nên không thể “mua bán” hay “trao đổi”.

* Vì được “thiết kế” cho hôn nhân, nên tính dục “đặc biệt liên quan đến sức mạnh tình cảm, khả năng yêu thương và sinh sản, và một cách tổng quát hơn, khả năng kết nối các mối dây hiệp thông với người khác”[12]. Thiên Chúa mời gọi đôi bạn tham dự vào công trình sáng tạo của Người và, cùng một lúc, biến họ thành dụng cụ tình yêu của Người, ủy thác cho họ trách nhiệm đối với tương lai nhân loại, qua việc lưu truyền sự sống con người”[13].

* Đam mê khoái cảm tính dục không xấu về phương diện luân lý, chỉ hành vi ta làm, do một đam mê kích thích hay đi kèm, mới xấu hay tốt. Là người thật, Chúa Giêsu cũng đã biểu lộ xúc cảm của mình (Mt 23:27; Lc 19:41; Mc 6:34; Ga 11:33, 35) [14]. Thiên Chúa dựng nên chúng ta và “cung cấp dồi dào mọi sự để chúng ta vui hưởng” (1Tm 6:17). Điều quan trọng là được tự do để thực hiện niềm khoái cảm vốn tìm được các cách phát biểu khác nhau ở những thời điểm khác nhau của đời sống, phù hợp với nhu cầu của tình yêu[15].

BAN HUẤN GIÁO GIÁO PHẬN BÀ RỊA

[1] GLHTCG 1992, số 2332.

[2] J. Harold Ellens, Sex in The Bible, 21.

[3] ĐGH Phanxicô, Amoris Laetitia, 150.

[4] ĐGH Phanxicô, Amoris Laetitia, 61.

[5] GLHTCG 1992, số 2331.

[6] ĐGH Phanxicô, Amoris Laetitia, 63.

[7] CĐ. Vatican II, HC Gaudium et Spes, 47.

[8] ĐGH Phanxicô, Amoris Laetitia, 74.

[9] ĐGH Phanxicô, Amoris Laetitia, 151.

[10] ĐGH Phanxicô, Amoris Laetitia, 153.

[11] ĐGH Phanxicô, Amoris Laetitia, 80.

[12] GLHTCG 1992, số 2332.

[13] ĐGH Phanxicô, Amoris Laetitia, 81.

[14] ĐGH Phanxicô, Amoris Laetitia, 144-145.

[15] ĐGH Phanxicô, Amoris Laetitia, 149.


(Nguồn: www.giaophanbaria.org)