
“RƠ-LE” GIỮ HẠNH PHÚC GIA ĐÌNH
Tác giả: Joseph Lee
“Cơm sôi thì bớt lửa, chẳng rơi hạt nào.” Câu nói tưởng chừng đơn sơ ấy của cha ông lại ẩn chứa cả một triết lý sống sâu xa, không chỉ trong gian bếp, mà trong cả ngôi nhà hôn nhân, nơi con người được mời gọi sống trong yêu thương, tha thứ và hiệp thông.
Giữa một thế giới nhiều rạn nứt, nơi gia đình bị thách đố từ đủ mọi phía, thì việc “giữ bếp” không còn là chuyện nấu cơm, mà là nghệ thuật giữ lửa của Bí tích Hôn phối: giữ cho bếp hồng cháy đều, không thiêu rụi cũng không tắt ngấm. Giữ để tình yêu không thành tro, mà thành bánh nuôi sống đời nhau.
Ngọn lửa, nồi cơm, và khôn ngoan của những người không học thần học
Cha ông ta ngày xưa không có những khóa học tiền hôn nhân, không đọc được Tông huấn Familiaris Consortio hay Amoris Laetitia, cũng không tham dự hội thảo về “kỹ năng sống chung”. Nhưng từ những mẻ cơm khói bếp, từ căn bếp đất và trái tim nóng hổi, các ngài đã lãnh hội, đã sống và trao truyền biết bao khôn ngoan về đời sống gia đình.
“Chồng giận thì vợ bớt lời,
Cơm sôi nhỏ lửa cả đời không khê.”
Nấu cơm bằng bếp củi, bếp rơm là một nghệ thuật: biết canh lửa, biết lúc nào thêm nước, khi nào bớt lửa. Người nấu khéo là người biết chất gạo, hiểu lửa và hiểu lòng.
Gia đình cũng vậy. Có những ngày “tình cảm sôi” vì áp lực, vì hiểu lầm, vì cái tôi trỗi dậy. Nếu không biết “bớt lửa” nghĩa là bớt lời, bớt tranh cãi, bớt thói quen đáp trả theo bản năng thì cái giá phải trả là một nồi cơm cháy, một mái nhà rạn nứt.
Nên Kinh Thánh dạy chúng ta: “Anh em đừng để mặt trời lặn mà cơn giận vẫn còn.” (Ep 4,26) “Người chậm giận hơn người hùng dũng, kẻ làm chủ mình còn hơn kẻ chiếm được thành trì.” (Cn 16,32)
Nồi cơm điện và “Rơ-le” yêu thương: Bài học mới cho người thời nay
Ngày nay, không còn nhiều người nhóm bếp củi hay canh cơm sôi. Nồi cơm điện xuất hiện như một sáng tạo cứu cánh: khi cơm đủ độ sôi, rơ-le tự động ngắt tránh cho cơm trào, nồi khê, bếp cháy.
Trong đời sống hôn nhân, “rơ-le” ấy chính là khả năng tự điều chỉnh cảm xúc, tự ngắt những phản ứng tiêu cực, trước khi mọi thứ vỡ toang.
Đó có thể là:
– Một khoảng lặng trước cơn bực tức.
– Một lời cầu thầm: “Lạy Chúa, xin giữ miệng con khỏi nói điều dại dột.”
– Một ánh mắt dịu lại, thay cho cái cau có.
– Một lời hứa nhắc nhớ ngày đứng trước bàn thờ Chúa, tuyên thệ sống trọn đời bên nhau.
– Một ánh mắt con thơ, chưa hiểu những lời bố mẹ tranh cãi, nhưng mong manh khát khao mái nhà yên bình.
Đức cố Giáo hoàng Phanxicô viết: “Trong lúc khủng hoảng, các đôi vợ chồng đừng quay lưng lại nhau, nhưng hãy cùng nhau quay về với Chúa Giêsu. Chính Người sẽ giúp họ vượt qua những cơn sóng gió.” (Amoris Laetitia, số 317)
Thiên Chúa chính là RƠ-LE tối thượng, Đấng cắt ngắn mọi hiểm nguy, Đấng gìn giữ giao ước, và là Tình Yêu không bao giờ tắt. Người “đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta.” (Rm 5,5). Nên Ngài phán: “Điều Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly.” (Mt 19,6)
Mỗi nồi cơm – mỗi cuộc đời. Muốn cơm ngon, phải học nấu
Không có loại gạo nào giống nhau hoàn toàn. Cũng không có người chồng, người vợ nào giống nhau trọn vẹn. Lấy nhau là hành trình học nấu cơm với loại gạo chưa từng biết: có dẻo, có khô, có trắng trong, có xỉn màu.
Và trong hành trình ấy:
– Có ngày cơm sống: vì chưa đủ thời gian lắng nghe, vì thương chưa đủ chín.
– Có ngày cơm nhão: vì cảm xúc tuôn trào, nước mắt đổ quá nhiều.
– Có ngày cơm cháy: vì giận dữ vượt ngưỡng, làm tổn thương không rút lại được.
Thánh Gioan Phaolô II viết trong Familiaris Consortio: “Tình yêu vợ chồng là một thực tại sống động, không ngừng lớn lên qua sự hiến thân, học cách yêu thương và vượt qua thử thách.” (số 19)
Nhà tâm lý học John Gottman nhận xét: “Một hôn nhân hạnh phúc không phải là giữa hai người hoàn hảo, mà là hai người biết tha thứ và điều chỉnh mỗi ngày.”
Giữ bếp là chọn yêu, không phải chịu đựng
Người biết “bớt lửa” không yếu đuối mà là người mạnh mẽ trong yêu thương (x. Sứ điệp Mùa Chay 2015, số 3). Dũng cảm để không nói điều đáng nói, im lặng khi cần, lùi một bước để tiến ba bước cùng nhau.
Thường người phụ nữ được xem là “giữ bếp” không vì định kiến, mà vì Chúa ban cho họ một trực giác sâu sắc: biết đỡ nâng, biết chữa lành, biết nhẫn nại mà vẫn dịu dàng. “Người phụ nữ đảm đang ai mà tìm được? Nàng quý giá hơn châu ngọc.” (Cn 31,10)
Nhưng giữ lửa không chỉ là việc của vợ. Có những ngày, chính người chồng là người nhóm lại lò than, khi vợ đã mỏi mệt. Giữ bếp là trách nhiệm chung của hai con người cùng chung một giao ước, giao ước được thiết lập không chỉ giữa họ với nhau, mà còn với Thiên Chúa, Đấng là cội nguồn của Tình Yên.
Tất cả những lựa chọn yêu thương của bạn để “bớt lửa” trong gia đình, đôi khi là âm thầm không ai biết, nhưng Thiên Chúa là Đấng thấy suốt mọi sự. Ngài thấy nước mắt bạn nuốt vào, thấy ánh mắt bạn tránh đi, thấy bạn thinh lặng thay vì quát tháo. Ngài thấy. Ngài hiểu. Và Ngài trân trọng từng cố gắng ấy.
Nếu cơm có khê…
Có những ngày bạn cố giữ mà vẫn khê. Nhưng đừng vì một mùi khét mà đổ cả nồi. Đừng vì một lần tổn thương mà xóa sạch bao yêu thương vun đắp.
Gạt phần cháy ra là tha thứ. Là chọn giữ lại phần vẫn còn tốt. Là chọn bắt đầu lại.
Hãy nhớ lời Chúa dạy: “Hãy chịu đựng lẫn nhau và tha thứ cho nhau, như Chúa đã tha thứ cho anh em.” (Cl 3,13). “Lòng yêu thương che phủ muôn vàn tội lỗi.” (1Pr 4,8)
Điều quý nhất trong bếp không phải là gạo ngon – mà là người nấu có tâm.
Điều quý nhất trong gia đình không phải là ai đúng – mà là ai yêu trước.
Lạy Chúa,
Xin dạy con biết “bớt lửa” khi tình cảm đang sôi,
biết nắm tay thay vì quay lưng,
biết thở dài thay vì trách móc,
và biết thinh lặng trong yêu thương chứ không phải trong lạnh lùng.
Xin đừng để mặt trời lặn mà lòng còn tức giận.
Xin cho con nhớ lại lời thề hôm cưới:
đã hứa yêu nhau khi khỏe mạnh cũng như lúc đau yếu,
khi thành công cũng như lúc thất bại.
Và nếu cơm có cháy,
xin cho con đừng tuyệt vọng,
nhưng đủ bao dung để gạt phần cháy và giữ lại phần đáng quý.
Xin cho con đủ tin yêu để nấu lại với ngọn lửa ân sủng của Chúa,
để cơm đời vẫn thơm và gia đình vẫn ấm.
Amen.