HÔN NHÂN TRONG NHÃN QUAN KITÔ GIÁO ( PHẦN II )
SUY TƯ THẦN HỌC KITÔ GIÁO VỀ HÔN NHÂN GIA ĐÌNH
Mục đích của suy tư thần học này là giúp độc giả khám phá ra sự thánh thiêng của đời sống hôn nhân gia đình để đáp trả lại những thách đố như dã trình bày trong phần I. Đồng thời làm giảm thiểu những lực cản đang ảnh hưởng nặng nề trên cuộc sống, sự hiệp nhất, tính hiệp thông và liên đới của các gia đình. Những suy tư này được rút ra từ dữ liệu Kinh Thánh và giáo huấn của Giáo Hội, giúp cho đời sống hôn nhân gia đình hướng đến nền văn hóa sự sống. Nền văn hóa sự sống này đặt trọng tâm trên giao ước sự sống với Thiên Chúa, ở đó những giá trị Nước Trời như tình yêu, sự hiệp thông và tình liên đới giữa các cá nhân, giữa các gia đình và xã hội được nêu cao.
1. Ý định của Thiên Chúa về hôn nhân gia đình.
1.1. Tình yêu hôn nhân, hình ảnh của tình yêu Thiên Chúa
Thiên Chúa đã tạo dựng con người theo hình ảnh Ngài, giống như họa ảnh của Ngài[37]. Vì yêu thương mà Ngài kêu gọi con người bước vào cuộc sống, Ngài cũng đồng thời mời gọi họ sống cho tình yêu[38]. Thiên Chúa là Tình Yêu[39]. Chính vì yêu thương mà từ hư vô Ngài đã tạo dựng con người giống hình ảnh Ngài để thông ban cho họ vinh quang vĩnh cửu. Ngài dựng nên con người có nam có nữ, tuy khác biệt về phái tính nhưng hoàn toàn bình đẳng với nhau và bổ túc cho nhau. Ngài ban cho họ có khả năng yêu mến để hướng về những ước vọng chân chính tốt lành. Nơi đời sống hôn nhân, tình yêu liên kết người nam và người nữ cách mật thiết đến nỗi họ không còn phải là hai, mà chỉ là một xương một thịt.
Tình yêu hôn nhân còn phản ánh chính tình yêu của Thiên Chúa và được Chúa chúc lành[40]. Thiên Chúa là Tình Yêu và nơi chính mình Ngài, Ngài đang sống mầu nhiệm hiệp thông yêu thương giữa Ba Ngôi: Cha, Con và Thánh Thần. Do đó, khi tạo dựng nhân tính của người nam và người nữ theo hình ảnh Ngài và liên lỉ bảo toàn cho nhân tính ấy được hiện hữu, Thiên Chúa ghi khắc vào đó ơn gọi cũng như cả khả năng và trách nhiệm, mời gọi con người sống yêu thương và hiệp thông[41].
Thiên Chúa không được tạo thành theo hình ảnh của con người là nam là nữ nhưng con người được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa [42]. Tự nơi bản thân Người, Thiên Chúa là sự hiệp thông phát sinh sự sống của Ba Ngôi Vị. Chúa Cha, từ muôn thuở, chính Người mãi là quà tặng tình yêu cho Chúa Con. Và Chúa Con, mãi muôn đời nhận quà tặng của Chúa Cha, lại trao tặng chính mình làm quà cho Chúa Cha. Tình yêu giữa hai Ngôi quá chân thật, quá thâm sâu, đến nỗi tình yêu này lại là một Ngôi vị khác: Chúa Thánh Thần. Và chúng ta thực hiện việc này đặc biệt trong cương vị người nam và người nữ khi họ trở thành vợ chồng của nhau. Người nam tự căn là hướng về người nữ, biến chính mình thành quà tặng cho người nữ. Và người nữ tự căn là hướng về người nam, nhận quà tặng của người nam vào trong mình và trao tặng lại bản thân mình cho người nam. Và tình yêu của họ thật là trung thực, sâu đậm, đến nỗi, nếu đẹp lòng Chúa, có thể trở thành một con người khác.
1.2. Hôn nhân gia đình, sự hiệp thông giữa Thiên Chúa và con người
Sự hiệp thông yêu thương giữa Thiên Chúa và con người, tức nội dung căn bản của mặc khải và của kinh nghiệm sống đức tin nơi dân Israel, được diễn tả cách đầy đủ ý nghĩa trong giao ước ngày cưới giữa người nam và người nữ [43].
Trong Cựu Ước, các Ngôn sứ thường mượn hình ảnh hôn nhân để diễn tả mối hiệp thông giữa Thiên Chúa và Dân Ngài[44]. Sau này, Thánh Phaolô còn cụ thể hơn khi dùng hình ảnh khế ước tình yêu nam nữ để diễn tả mối gắn bó giữa Đức Giêsu và Giáo Hội[45]. Hôn nhân công giáo được nâng lên hàng bí tích, trở thành dấu chỉ và khí cụ của tình yêu giữa Đức Kitô và Giáo Hội. Đó là tình yêu quảng đại, hy sinh và hiến mạng sống vì người mình yêu. Vì thế, như Đức Kitô đã làm gương qua việc Người hiến mình vì Giáo Hội như thế nào thì tình nghĩa vợ chồng phải được xây dựng trên mẫu mực nền tảng đó[46]. Đức Gioan Phaolô II nhắc lại điều này trong Tông huấn về gia đình rằng: “Hôn nhân của những người đã lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy trở nên biểu tượng thật của giao ước mới và vĩnh cửu được ký kết trong máu Đức Kitô. Thánh Thần mà Chúa Cha đã đổ tràn xuống, ban cho họ một trái tim mới và làm cho cả người nam và người nữ có khả năng yêu thương nhau như Đức Kitô đã yêu thương chúng ta”[47]. Tình yêu trung thành mãi mãi của Thiên Chúa được giới thiệu như kiểu mẫu cho những tương quan tình yêu trung tín phải có giữa vợ chồng. Giao ước thượng nguồn có sự chênh lệch một bên là Thiên Chúa luôn trung thành, một bên là con người hay bất trung, cả hai bên đều được mời gọi trở nên trung thành và đưa đến một sự kết hợp vĩnh viễn. Tình yêu đó ngày nay được thể hiện nơi các đôi hôn nhân trong đời sống vợ chồng, họ được mời gọi để bước tới một lý tưởng là trung thành mãi mãi trong tình yêu, trung thành trong sáng tạo, thúc đẩy con tim bừng cháy yêu thương.
1.3. Đức Giêsu Kitô, hôn phu của Hội Thánh và bích tích hôn nhân
Sự hiệp thông giữa Thiên Chúa và con người được hoàn tất vĩnh viễn nơi Đức Giêsu Kitô, vị Hôn Phu yêu thương và hiến mình làm Đấng cứu độ nhân loại bằng cách kết hiệp nhân loại với Người như chính thân mình Người. Người mặc khải sự thật nguyên thuỷ của hôn nhân, sự thật của "thuở ban đầu" và khi giải phóng con người khỏi tâm hồn chai đá, Người làm cho con người có khả năng thực hiện sự thật này một cách trọn vẹn. Người mặc lấy bản tính nhân loại và trong việc hy sinh hiến mình trên thập giá cho hiền thê của Người là Hội Thánh. Sự hy sinh ấy biểu lộ trọn vẹn ý định mà Thiên Chúa đã ghi khắc vào trong nhân tính của người nam và người nữ từ khi tạo dựng nên họ. Như thế hôn nhân của những người đã chịu phép rửa tội trở nên biểu tượng thật của giao ước mới và vĩnh cửu được ký kết trong máu Đức Ki-tô. Thánh Thần mà Chúa đã đổ tràn xuống, ban cho họ một trái tim mới và làm cho cả người nam và người nữ có khả năng yêu thương nhau như Đức Ki-tô đã yêu thương chúng ta[48].
Hôn nhân Kitô giáo là Bí tích vì đó là môi trường giúp cho vợ chồng cảm nghiệm được tình yêu Thiên Chúa dành cho họ một cách cụ thể qua tình yêu của người yêu. Nói cách khác, trong tình yêu hôn nhân đôi vợ chồng cảm nghiệm được tình yêu Thiên Chúa dành cho họ một cách cụ thể: Họ dễ dàng xác tín rằng Thiên Chúa yêu thương họ tha thiết trong vòng tay của người yêu. Tình yêu trong hôn nhân như thế chính là hình ảnh tình yêu của Chúa dành cho con người. Công đồng Vatican II cũng xác quyết: "Tình yêu chân chính của hai người được thông phần vào tình yêu của Thiên Chúa"[49]. Sự gặp gỡ giữa hai người nam nữ yêu nhau và tự trao hiến cho nhau quả là một hành động nhân bản mang một tầm trọng yếu đối với cặp tình nhân. Chính ở trong mối tình ấy, đức tin phát hiện ra một chiều kích khác còn sâu sắc hơn nữa, đó là Thiên Chúa hiện diện giữa họ qua mối tình ấy, cùng muốn dùng nó làm biểu tượng cụ thể của ơn thánh và tình thương Ngài dành cho con người"[50].
Giáo huấn Giáo Hội chỉ dạy rõ ràng: “Ngay tự bản chất, tình yêu vợ chồng đòi hỏi sự đơn nhất và bất khả phân ly cho cộng đoàn nhân vị bao trùm toàn bộ đời sống của họ” [51] và cũng “tự bản chất, tình yêu hôn nhân đòi hỏi hai vợ chồng phải thủy chung. Đây là hệ quả của việc hai vợ chồng tự hiến cho nhau. Tình yêu đòi hỏi phải dứt khoát và không tạm bợ”[52]. Nhưng nhờ đặc tính bí tích, hôn nhân Kitô giáo nhận được sự trợ giúp đặc biệt của Thiên Chúa qua ân sủng của bí tích phù hợp với bậc sống, để nhờ đó “vợ chồng được củng cố và được thánh hiến để chu toàn nghĩa vụ và nâng cao phẩm giá bậc sống của mình”[53]. và vì có tính bí tính nên những đặc tính chính yếu của hôn nhân là sự đơn nhất và bất khả phân ly mang yếu tố bền vững cách đặc biệt[54]. Chính Chúa Kitô đã nâng sự ưng thuận và hai người phối ngẫu là tín hữu trao cho nhau một cách hợp pháp lên hàng bí tích[55]. Do đó “Bí tích gắn liền với hôn nhân Kitô giáo một cách mật thiết đến nỗi giữa những kẻ đã chịu phép Rửa không thể có hôn nhân đích thực nào mà không tự thân là một Bí tích. Vậy khi các tín hữu thành tâm nói lên lời ưng thuận là họ mở rộng kho tàng ân sủng Bí tích, trong đó họ tìm được sức mạnh siêu nhiên để chu toàn các bổn phận và nhiệm vụ của họ một cách trung thành, thánh thiện và kiên vững cho đến chết”[56].
Cũng theo Giáo huấn Giáo Hội, cấu trúc hôn nhân được hình thành “do giao ước hôn nhân giữa một người nam và một người nữ” [57] có “năng cách về mặt pháp lý” [58] được bày tỏ cách hợp pháp và tự do bởi một hành vi của ý chí [59]. Việc hai người phối ngẫu trao nhau hôn ước trong Giáo Hội là một hành vi thuộc bình diện của việc quyết định trong đức tin: “quyết định này được hiểu không chỉ như là hành động công khai nói lên tình liên đới trước mặt Giáo Hội, nhưng chủ yếu như là cách thế tự hiện thực hóa của tình liên đới ấy giữa đôi vợ chồng, qua cuộc sống chung trong đức tin, niềm cậy trông và lòng yêu mến”[60].
1.4. Hôn nhân gia đình và khiết tịnh
Nhiều người cho rằng, khiết tịnh trong bậc sống hôn nhân là điều mâu thuẫn. Làm sao vừa sống bậc vợ chồng, lại vừa có thể khiết tịnh được? Chúng ta cần loại bỏ quan niệm sai lầm khi cho rằng, khiết tịnh có nghĩa là không sử dụng tính dục. Hơn bao giờ hết, hôn nhân và khiết tịnh là hai cách thức để diễn tả cùng một mầu nhiệm duy nhất về giao ước giữa Thiên Chúa và Dân Ngài. Ở đâu không có sự kính trọng đối với hôn nhân, cũng không thể có được sự khiết tịnh tận hiến. Ở đâu người ta không nhìn tính dục con người như là ân sủng lớn lao của Đấng Tạo Hóa, thì ở đó việc sống khiết tịnh vì Nước Trời cũng mất đi ý nghĩa của nó[61]. Những hành vi kết hợp thân mật và thanh khiết của đôi vợ chồng đều cao quý và chính đáng. Được thi hành cách thực sự nhân linh, những hành vi ấy biểu hiện và khích lệ sự hiến thân cho nhau nhờ đó hai người làm cho nhau thêm phong phú trong hoan lạc và biết ơn[62]. Chính Đấng Tạo Hóa đã muốn rằng trong nhiệm vụ truyền sinh, đôi vợ chồng cảm thấy một sự vui thú và thỏa mãn nơi thân xác và tinh thần. Vì vậy, vợ chồng chẳng làm điều gì xấu khi tìm kiếm và tận hưởng sự khoái lạc đó. Họ đón nhận những gì Đấng Sáng Tạo đã ban cho. Tuy nhiên, họ phải biết giữ tiết độ[63].
Nhờ sự kết hợp của vợ chồng, hai mục đích của hôn nhân được thực hiện: lợi ích của chính đôi vợ chồng và lưu truyền sự sống. Như thế tình yêu vợ chồng đòi hỏi người nam và người nữ vừa phải chung thủy với nhau vừa phải sẵn sàng đón nhận con cái[64]. Đời sống chung thủy này được gầy dựng do giao ước hôn nhân, nghĩa là sự ưng thuận cá nhân và không thể rút lại. Cả hai hiến thân cho nhau vĩnh viễn và trọn vẹn. Họ không còn là hai nhưng đã là một thân thể duy nhất. Qua Bí tích Hôn Phối hai vợ chồng tham dự vào sự trung tín của Đức Kitô đối với Hội Thánh. Nhờ sống khiết tịnh trong hôn nhân, họ minh chứng mầu nhiệm đó trước mặt thế gian[65]. Người có gia đình được mời gọi giữ đức khiết tịnh trong đời sống vợ chồng ; người độc thân giữ đức khiết tịnh khi sống tiết dục. Cha mẹ biết rằng điều kiện hữu hiệu nhất cho việc giáo dục con cái sống tình yêu khiết tịnh và thánh thiện trong cuộc đời, đó là chính họ phải sống khiết tịnh trong đời sống hôn nhân. Có nghĩa là họ phải ý thức trong tình yêu của họ có tình yêu của Thiên Chúa hiện hữu và ý thức việc trao ban tính dục phải được thể hiện trong sự kính sợ Thiên Chúa và theo chương trình tình yêu của Người, với sự trung tín, tôn trọng và quảng đại đối với người phối ngẫu và đối với sự sống ; chỉ qua cách thức này hành động tính dục mới thực sự trở thành biểu tượng của tình thương. Chính vì thế, ngay trong hôn nhân, người kitô hữu được mời gọi sống sự tận hiến này ngay trong liên hệ cá nhân của mình với Thiên Chúa, như là biểu tượng của đức tin và tình yêu của mình đối với Thiên Chúa, cũng như với sự trung tín và sung mãn, đó là những điểm đặc thù của tình yêu Thiên Chúa[66].
Để sống khiết tịnh trong đời sống hôn nhân gia đình, trước hết các người phối ngẫu phải tin tưởng mạnh mẽ vào chân giá trị của đời sống, của gia đình và phải tập luyện thế nào để có thể hoàn toàn làm chủ lòng mình. Việc dùng lý trí và ý muốn tự do để làm chủ bản năng lẽ tất nhiên đòi hỏi phải có một đời sống thiêng liêng đặc biệt, vì chỉ có thế đôi vợ chồng mới có thể biểu lộ một cách tốt đẹp tình thương yêu trong hôn nhân, đặc biệt trong việc hạn chế sử dụng tính dục trong từng thời kỳ. Kỷ luật của đời sống thanh tịnh giữa hai người phối ngẫu không hề làm suy giảm tình yêu trong hôn nhân, trái lại, còn làm cho hôn nhân ấy tăng thêm giá trị nhân bản. Kỷ luật này đỏi hỏi bậc vợ chồng phải luôn luôn cố gắng, nhưng nó có một ảnh hưởng tốt đẹp và giúp cho hai người phối ngẫu phát triển toàn diện nhân vị của mình và được phong phú hóa bằng các giá trị siêu nhiên. Chính nhờ đó, đời sống gia đình sẽ trở nên thanh tao, hòa hiệp, giúp vợ chồng giải quyết dễ dàng các vấn đề khác. Cũng chính nhờ đó, người bạn sẽ lưu tâm đến người phối ngẫu của mình và cả đôi bên sẽ tránh được tính ích kỷ là một yếu tố làm hại tình yêu chân chính, đồng thời tinh thần trách nhiệm của hai người sẽ có dịp tăng thêm. Bậc cha mẹ nhờ tuân giữ kỷ luật này, sẽ tạo được một ảnh hưởng tốt đẹp mỹ mãn hơn trong việc giáo dục con cái: vì các trẻ em và thiếu niên được lớn lên trong tinh thần tôn trọng các giá trị nhân bản, và có hoàn cảnh thuận tiện để phát triển các khả năng thiêng liêng và cảm xúc của mình[67].
2. Hôn nhân Gia đình, cộng đoàn hiệp thông giữa những ngôi vị
2.1. Hiệp thông giữa người nam và người nữ
Hôn nhân không phải là một lời cam kết đối với một định chế. Hôn nhân là một lời cam kết đối với một con người, một viễn tượng và một tiến trình. Bởi đó, sự hiệp thông đầu tiên là sự hiệp thông được thiết lập và phát triển giữa đôi bạn: nhờ khế ước của tình yêu vợ chồng, người nam và người nữ "không còn phải là hai nhưng là một xác thịt" và được mời gọi lớn lên không ngừng trong sự hiệp thông với nhau qua việc trung thành mỗi ngày với lời cam kết hôn nhân là trao hiến trọn vẹn cho nhau. Sự hiệp thông vợ chồng ăn rễ sâu từ trong sự bổ túc tự nhiên giữa người nam và người nữ, và được nuôi dưỡng nhờ ý chí của đôi bạn đích thân muốn chia sẻ với nhau toàn thể dự phóng cuộc đời của họ, chia sẻ với nhau điều họ có và điều họ là. Bởi đó, một sự hiệp thông như thế là kết quả và là dấu hiệu của một đòi hỏi nhân bản sâu xa. Nhưng trong Chúa Ki-tô, Thiên Chúa nắm lấy cái đòi hỏi đó, củng cố nó, thanh luyện nó và nâng nó lên cao, bằng cách dùng Bí Tích Hôn Phối mà đưa nó đến chỗ toàn thiện: Chúa Thánh Thần được đổ tràn xuống khi cử hành bí tích, đã trao tặng cho đôi bạn Ki-tô hữu một sự hiệp thông mới, hiệp thông trong tình yêu là hình ảnh sống và thực của sự duy nhất hết sức độc đáo đang làm cho Hội Thánh trở thành thân mình mầu nhiệm không thể phân chia của Đức Ki-tô[68]. Do đó, trong hôn nhân người nam và người nữ đều trao hiến cho nhau trong một tình yêu toàn diện và cũng là một tình yêu duy nhất, không dành cho ai khác. Công Đồng Va-ti-ca-nô II đã viết: "Phải nhìn nhận phẩm giá biệt vị bình đẳng giữa vợ chồng trong tình tương ái trọn vẹn để nhờ đó biểu hiện rõ ràng tính cách duy nhất của hôn nhân đã được Chúa xác nhận"[69].
Sự hiệp thông giữa người nam và người nữ được đánh dấu không những do sự duy nhất nhưng còn do tính chất bất khả phân ly của nó: "Sự kết hợp mật thiết, việc hai người tự hiến cho nhau cũng như lợi ích của con cái buộc hai vợ chồng phải hoàn toàn trung tín và đòi hỏi họ kết hợp với nhau cách bất khả phân ly". Bắt nguồn từ trong sự trao ban trọn vẹn và đích thân giữa hai vợ chồng, cũng như do lợi ích của con cái đòi hỏi, sự bất khả phân ly của hôn nhân dựa trên nền tảng là ý định Thiên Chúa đã bày tỏ trong mặc khải của Ngài: chính Ngài muốn hôn nhân phải bất khả phân ly và Ngài ban cho nó ơn này như kết quả, dấu chỉ và đòi hỏi của tình yêu tuyệt đối trung thành mà Thiên Chúa đã có đối với con người và là tình yêu mà Chúa Giê-su đã tỏ ra đối với Hội Thánh[70]. Đối với đôi bạn Ki-tô hữu, ơn bí tích là một ơn gọi và đồng thời cũng là một lệnh truyền phải trung thành mãi mãi, bất chấp các thử thách và khó khăn với một lòng quảng đại tuân theo ý Chúa: "Điều Thiên Chúa đã phối hợp thì người ta không được phân ly"[71].
2.2. Hiệp thông giữa cha mẹ và con cái
Sự hiệp thông vợ chồng tạo nên nền tảng trên đó xây dựng được sự hiệp thông rộng lớn hơn trong gia đình, giữa cha mẹ và con cái, giữa những anh chị em trong nhà với nhau, giữa những người bà con gần và những thành phần khác của gia đình. Một sự hiệp thông như vậy ăn rễ từ trong những liên hệ tự nhiên ruột thịt và được phát triển cho đến mức toàn thiện nhân bản, nhờ biết thực hiện và làm cho trưởng thành những mối liên hệ còn sâu xa và phong phú hơn của tinh thần, tức là: tình yêu, linh hồn của những tương quan liên vị giữa những thành phần khác nhau trong gia đình, tình yêu này là sức mạnh bên trong làm cho sự hiệp thông và cộng đồng gia đình được hình thành và sống động[72]. Tình hiệp thông giữa các thành viên trong một gia đình sẽ góp phần củng cố gia đình nhân loại và gia đình Thiên Chúa, tức là Giáo Hội[73].
Yếu tố căn bản tạo để nên sự hiệp thông như thế, chính là sự trao đổi có tính cách giáo dục giữa cha mẹ và con cái, làm cho mỗi người đều có thể cho đi và nhận lại. Qua tình yêu, sự kính trọng và vâng lời đối với cha mẹ, con cái mang lại phần đóng góp đặc biệt và không thể thay thế được của chúng cho việc xây dựng một gia đình thật sự nhân bản và Ki-tô giáo. Điều đó sẽ dễ dàng hơn cho chúng nếu các bậc cha mẹ thực hành nghiêm chỉnh quyền bính của họ như một tác vụ thật sự hay đúng hơn, như một việc phục vụ nhắm tới lợi ích nhân bản và Ki-tô hữu của con cái, và đặc biệt hơn, như một việc phục vụ nhằm làm cho con cái đạt được một sự tự do thật sự có trách nhiệm, và nếu chính các cha mẹ cũng luôn giữ được một ý thức bén nhạy về hồng ân mà họ không ngừng nhận được từ nơi con cái họ. Chỉ có một tinh thần hy sinh cao cả mới giúp gìn giữ được và kiện toàn được sự hiệp thông trong gia đình. Thực vậy, sự hiệp thông này đòi hỏi mọi người và mỗi người biết quảng đại và mau mắn mở lòng ra để thông cảm, bao dung, tha thứ cho nhau, và hoà giải với nhau. Không gia đình nào mà không biết rằng sự ích kỷ, những bất hoà, những căng thẳng, những xung đột đã làm hại cho sự hiệp thông gia đình biết chừng nào, và đôi khi còn có thể làm tiêu tan sự hiệp thông ấy: chính từ đó mà phát xuất muôn hình thức chia rẽ khác nhau trong đời sống gia đình. Đồng thời, mỗi gia đình đều luôn luôn được Thiên Chúa Chủ Tể của sự bình an, mời gọi sống kinh nghiệm tươi sáng phấn khởi của việc hoà giải, trong việc tái lập sự hiệp thông, tìm lại sự hiệp nhất[74].
3. Hôn nhân gia đình phục vụ sự sống
3.1. Gia đình là thánh điện của sự sống
Dựa vào những bản văn Thánh Kinh, Ki-tô Giáo giúp cho nền văn hóa sự sống được vươn tới những tầm mức siêu việt khi tin nhận rằng: Thiên Chúa chính là sự sống, Ngài làm chủ sự sống và cho con người tham dự vào công trình sáng tạo của Ngài. Vì thế, Giáo Hội luôn đề cao giá trị của hôn nhân gia đình như "cung thánh sự sống" và không ngừng lên tiếng bảo vệ quyền sống của con người. Công Ðồng Vatican II tuyên bố: "Hôn nhân và tình yêu vợ chồng tự bản tính qui hướng về sự sinh sản và giáo dục con cái. Con cái là ơn huệ cao quý nhất của hôn nhân và là sự đóng góp lớn lao kiến tạo hạnh phúc của cha mẹ. Thiên Chúa đã phán: "Ðàn ông ở một mình không tốt"[75]. Ngài là Ðấng: "...từ buổi đầu, đã dựng nên một người nam và một người nữ rồi nói: "Hãy sinh sôi nảy nở cho đầy mặt đất"[76].
Tình yêu vợ chồng tự bản chất luôn mở ra để đón nhận sự sống[77]. Gia đình là nơi trong đó sự sống, một quà tặng của Thiên Chúa, được tiếp đón và bảo vệ thích đáng khỏi rất nhiều sự tấn công mà sự sống có nguy cơ gặp phải, cũng như được phát triển phù hợp với những gì làm nên sự tăng trưởng nhân bản đích thực[78]. Gia đình có vai trò trong việc cổ vũ và xây dựng nền văn hóa sự sống, chống lại khả năng hình thành một tình trạng “phản văn minh” có sức phá hoại, như nhiều xu hướng và tình cảnh hiện nay xác nhận. Đây là một vai trò mang tính quyết định và không thể thay thế được[79].
Thiên Chúa còn ban giới răn "Không được giết người" [80] hiểu như một sự tôn trọng sự sống và làm cho sự sống thêm phong phú; nhất là khi Ðức Giêsu tuyên bố: Ngài đến là để làm cho chiên được sống và sống dồi dào[81] và sự chết của Ngài cũng chính là để cho chúng ta được sống sự sống viên mãn[82]. Giá trị thánh thiêng của sự sống con người từ lúc chào đời cho đến hồi kết thúc đến từ Thiên Chúa. Ðó là quà tặng của Ngài, là hình ảnh và là dấu ấn của Ngài, là sự thông phần vào hơi thở ban sức sống của Ngài. Cho nên, Thiên Chúa là Ðức Chúa duy nhất của sự sống ấy: loài người không có quyền quyết định trên sự sống đó. Sự sống con người là ân phúc hàng đầu của nhân loại mà tất cả mọi người chúng ta phải bảo vệ. Giáo Hội luôn nhìn nhận rằng: Ơn ban sự sống được nối liền với gia đình vốn là "cung thánh của sự sống". Ðó là ý định của Thiên Chúa, từ khi tạo dựng, không những chỉ bằng sự cộng tác vào công trình tạo dựng ở lúc thụ thai, nhưng còn kéo dài suốt quá trình giáo dục (như một cuộc đồng tạo dựng toàn diện), là một quá trình phải làm cho mỗi con trẻ, mỗi nhân vị lớn lên theo hình ảnh Thiên Chúa, và giống như Ngài, nghĩa là theo như hình tượng tối hảo là chính Chúa Ki-tô. Gia đình là nơi mà nền văn hóa sự sống phát sinh, nơi mà sự sống được công bố khi thụ thai, như một Tin Mừng trong Chúa Ki-tô, nơi mà sự sống được tôn dương và nơi kiến tạo tương lai cho nhân loại, một nhân loại được coi như trung tâm điểm và trái tim của nền văn minh tình yêu[83].
3.2. Con cái, ơn huệ quý báu của hôn nhân
Niềm vui lớn lao nhất của cha mẹ trong cuộc sống luôn gắn liền với việc có con cái. Vui mừng về ngày chào đời của con và những ngày đầu được chăm sóc con; xúc động khi nhìn thấy những bước chân chập chững đầu tiên của con; biết bao nhiêu giây phút mãn nguyện mà cha mẹ cảm nghiệm được trong cuộc mạo hiểm với đứa con để đi vào trong một thế giới tuyệt vời do bàn tay Thiên Chúa tạo dựng. Do đó, truyền sinh là một ân huệ, một mục tiêu của hôn nhân, vì tình yêu vợ chồng tự nhiên hướng về việc sinh sản con cái. Con cái là hoa quả và là thành tựu của tình yêu vợ chồng, hiện diện ngay trong việc vợ chồng hiến thân cho nhau, chứ không phải một cái gì từ bên ngoài ghép vào. Vì thế, mọi hành vi ân ái tự nó mở ngỏ cho việc truyền sinh[84].
Được đón nhận sự sống từ nơi Thiên Chúa, con người cũng được ban cho khả năng thông truyền sự sống. Tình yêu đôi lứa không đóng kín trên chính mình một cách ích kỷ, nhưng phải mở ra khả năng trao ban sự sống. Tuy nhiên, trong cuộc sống hiện tại, nhờ những hiểu biết khoa học về con người, cả về mặt tâm lý và sinh lý, con người biết thăng hoa tình yêu đôi lứa khi biết dành thời giờ cho nhau nhiều hơn, biết cùng nhau chăm sóc con cái, biết chú ý đến việc bảo vệ sức khỏe của người phụ nữ và con cái.. Vì thế, cả hai vợ chồng đều cần phải có ý thức trách nhiệm về đời sống chung, về quyền lợi của con cái. Điều này giúp đôi vợ chồng ý thức hơn về việc sinh con một cách có trách nhiệm. Sinh con một cách có trách nhiệm không có nghĩa là cha mẹ có quyền quyết định đứa con được sinh ra hay không, nhưng là những lần sinh được cách quãng vừa đủ để người mẹ có điều kiện chăm sóc sức khỏe và nuôi dạy con cái[85].
Trong việc kế hoạch hoá gia đình, người Công giáo không được sử dụng cách ngừa thai nhân tạo mà chỉ được sử dụng cách ngừa thai tự nhiên, khi có lý do chính đáng theo những tiêu chuẩn của Hội Thánh[86]. Việc sử dụng những phương pháp tự nhiên cần phải được hổ trợ bằng đời sống cầu nguyện và sự quảng đại quan tâm đến nhau nhiều hơn. Những phương pháp ngừa thai nghịch tự nhiên luôn đi ngược lại với quyền lợi của đôi bạn trong hôn nhân như : uống thuốc ngừa thai, bao cao su.. Những phương pháp đặt vòng, viên thuốc ngày hôm sau không phải là ngừa thai, nhưng là không cho trứng đã thụ tinh được sống. Sự từ chối đón nhận con cái qua các hình thức như phá thai, triệt sản vĩnh viễn, sử dụng thuốc triệt sản…đều xúc phạm đến tính thánh thiêng của sự sống mà chỉ một mình Thiên Chúa mới có quyền. Tìm kiếm có con bằng mọi cách cũng thể hiện sự ích kỷ của cha mẹ và hạ giá đứa con mình có vì xem nó như vật sở hữu chứ không phải là hoa trái tình yêu và quà tặng nhưng không của Thiên Chúa. Đứa con sẽ đau khổ khi nhận ra mình chỉ là “một thứ sản phẩm” chứ không phải là một quà tặng của tình yêu[87]. Hôn nhân của những cặp vợ chồng hiếm muộn không phải vì thế mà kém phong phú khi họ mở rộng tình yêu qua việc đón nhận con nuôi hay tham gia việc từ thiện bác ái. Họ có thể nhận ra lòng nhân hậu của Thiên Chúa khi nhận chúng làm dưỡng tử trong Đức Giêsu Kitô[88]. Sống và trao ban sự sống là ân huệ, nhân đức và bổn phận của con người trong việc kéo dài sự sống của nhân loại. Con cái xuất hiện ngay nơi trung tâm của việc vợ chồng hiến thân trong tình yêu hỗ tương, hữu thể mới mẻ đó xuất hiện như hoa trái của niềm vui và việc trao hiến đó. Tình yêu sáng tạo được mở ngỏ cho sự sống như phần thưởng cao quý nhất của hôn nhân và trong tình yêu vợ chồng có trách nhiệm[89].
Từ những suy tư trên và trước thực trạng “văn hóa sự chết” đang tấn công và làm băng hoại những giá trị cao quý của đời sống hôn nhân. Hơn bao giờ hết, cần tôn vinh nền “văn hóa sự sống” ngay trong chính đời sống hôn nhân gia đình ( còn tiếp... )
Lm. Joseph Phan Cảnh
BTT GIÁO PHẬN THANH HOÁ
XEM PHẦN I HÔN NHÂN TRONG NHÃN QUAN KITÔ GIÁO
Chú thích
[37] St 1,26-27.
[38] FC,11
[39] 1Ga 4,8.
[40] HĐGMVN, Môi trường giáo dục Kitô giáo, thư chung 2008, 4.
[41] Hiến Chế Mục Vụ, 12.
[42] GLHTCG, 370.
[43] FC,12.
[44] Hs 2,21; Gr 3,6-13.
[45] Ep 5,21- tt.
[46] HĐGMVN,Môi trường giáo dục Kitô giáo, thư chung 2008, 6.
[47] FC,13.
[48] FC, 13.
[49] GS,48,2.
[50] José María Castillo, Thần học về Bí Tích Hôn Phối – Một quá trình lịch sử phức tạp, do Felipe Gómez Ngô Minh chuyển Việt ngữ, in trong Tuyển Tập Thần Học số 17, http://www.htth.org/so17/thhonphoi.html.
[51] GLHTCG, 1644,
[52] GLHTCG, 1646.
[53] Giáo Luật, Đ 1134.
[54] Giáo luật, Đ 1056.
[55] Công đồng Tridentinô, Giáo lý về Bí tích Hôn phối (khóa 24, 1563) DH 1798 – 1812, 839.
[56] Đức Piô XI, Thông điệp về hôn nhân Kitô giáo “Casti connubii” (1930), DH 3700 – 3714, bản việt ngữ: Bí Tích Học qua các tác giả, do cha Nguyễn văn Hòa OP chuyển ngữ, 662 -663.
[57] Giáo luật, Đ 1055.
[58] Giáo luật, Đ 1057 § 1.
[59] Giáo luật, Đ 1057 § 2.
[60] José María Castillo, Thần học về Bí Tích Hôn Phối – Một quá trình lịch sử phức tạp, do Felipe Gómez Ngô Minh chuyển Việt ngữ, in trong Tuyển Tập Thần Học số 17.
[61] FC,16.
[62] GS, 49,2.
[63] Đức Giáo Hoàng Piô XII, bài giảng ngày 29/10/1951.
[64] GLHTCG, 2363.
[65] GLHTCG, 2364 – 2365.
[66] Hội Đồng Tư Vấn Giáo Hoàng, Sự thật và ý nghĩa tính dục con người, ngày 8/12/1996, 20.
[67] Đức Phaolô VI, Thông điệp Humanae Vitae,1968,21.
[68] FC, 19.
[69] GS, 49.
[70] FC, 20.
[71] Mt 19,6.
[72] FC, 21.
[73] HĐGMVN,Môi trường giáo dục Kitô giáo, thư chung 2008,7.
[74] FC,21.
[75] St 2,18.
[76] GS, 50.
[77] GLHTCG, 1652.
[78] ĐTC Gioan PhaoLô II, thông điệp Centesimus Anus, 1991, 850.
[79] HĐGMVN, UB Bác Ái Xã Hội, tóm lược học thuyết xã hội của Giáo Hội Công Giáo, nxb tôn giáo, 231.
[80] Mt 5, 21.
[81] Ga 10, 10.
[82] Rm 6, 4.
[83] Lời Giới Thiệu Thông Ðiệp Tin Mừng về Sự Sống (Evangelium Vitae) của Ðức Hồng Y A.I. Trujillo Chủ Tịch. (HÐTT về Gia Ðình).
[84] Đức Phaolô VI, Thông điệp Humanae Vitae,1968,11.
[85] UB Giáo Lý Đức Tin trực thuộc HĐGMVN, Giáo lý hôn nhân và gia đình, nxb tôn giáo Hà Nội, 2004, 158.
[86] UB Giáo Lý Đức Tin trực thuộc HĐGMVN, Giáo lý hôn nhân và gia đình, 159.
[87] José Noriega, Vận mệnh của ái tình – Những viễn tượng của luân lý tính dục, chưa rõ dịch giả, Bologna, 2007, 256.
[88] Ep 1,3-10.
[89] GS, 48;50.