Hôn nhân, một ơn gọi?

27/03/2024
1636

 

 
  •  
 
HÔN NHÂN, MỘT ƠN GỌI ?
Anne-Marie Pelletier
Hôn nhân có thể được coi là một “ơn gọi” không? Cuộc sống hôn nhân có thể được biết đến một cách chính đáng như được Thiên Chúa “kêu gọi” không? Việc đưa vấn đề hôn nhân vào một vấn đề thần học về ơn gọi thoạt nhìn có thể gây ngạc nhiên. Cảm giác tự nhiên liên kết ý tưởng ơn gọi với chức linh mục thừa tác hoặc với các bậc sống thực hành các lời khuyên Phúc Âm, qua đó nối kết với việc sử dụng thông thường diễn ngôn thần học. Chắc chắn, một sự tiến triển gần đây, chú ý hơn trước đến thực tại của chức tư tế phép Rửa và cởi mở với sự đánh giá tích cực về bậc sống giáo dân, có thể tái đưa chiều kích của ơn gọi và sứ mạng vào các bậc sống không thánh hiến và, do đó, đưa hôn nhân đến gần hơn với phạm vi ơn gọi. Vì thế, Tông huấn Christifideles laici đã phối hợp một cách phong phú chủ đề về ơn gọi được áp dụng cho các tín hữu giáo dân[1].
Chính xác hơn nữa, hiến chế Gaudium et Spes của Vatican II, sau khi đã định nghĩa hôn nhân là một “cộng đồng sự sống và tình yêu sâu xa” (số 48) và phát triển những hàm ý của tầm nhìn mới này về mối liên hệ vợ chồng, có thể tuyên bố rằng: “ Để kiên trì đối mặt với những nghĩa vụ của ơn gọi Kitô hữu này, cần phải có một nhân đức đặc biệt: đây là lý do tại sao vợ chồng, được ân sủng giúp cho có thể sống một cuộc sống thánh thiện (…)[2].” Dù sao, việc sử dụng từ “ơn gọi” làm vị ngữ gắn liền với “hôn nhân” tiếp tục rất hiếm trong các văn bản đương đại[3]. Vả lại, những bản văn này nhanh chóng tái lập khoảng cách bằng cách xác định rõ chức tư tế thừa tác và đời sống tu trì là “các ơn gọi thánh”. Vì vậy, có một ý nghĩa nào được gán cho từ “ơn gọi”, một sự mở rộng khiến nó bao gồm cả hôn nhân không? Một ý nghĩa làm phong phú thêm sự hiểu biết về hôn nhân? Một ý nghĩa làm phong phú thêm sự hiểu biết về ơn gọi không?
Trước tiên, chúng tôi sẽ nhanh chóng nêu ra những phản đối đối với việc hiểu biết về hôn nhân như một ơn gọi. Sau đó, dưới ánh sáng của Thánh Kinh cũng như của hoàn cảnh – hoàn cảnh của thời điểm hiện tại trong xã hội chúng ta, vốn đặt vấn đề hôn nhân nói chung và hôn nhân Kitô giáo nói riêng – chúng ta sẽ thấy theo nghĩa nào hôn nhân Kitô giáo , một cách chính đáng, có thể có liên quan bởi cách đặt vấn đề về ơn gọi. Vì thế, chúng tôi hy vọng chứng tỏ được lợi ích mà ngày nay có thể có được trong việc cho phép các Kitô hữu đã kết hôn nhận ra trong tình yêu của mình chiều kích của một ơn gọi. Và từ niềm xác tín này rằng, trong Giáo hội, không ai chỉ sống cho riêng mình những gì họ được kêu gọi sống, chúng ta sẽ thấy hôn nhân được hiểu như vậy có thể soi sáng như thế nào cho việc thực hành của các ơn gọi theo nghĩa chặt trong Giáo hội.
I – Một sự kết hợp đầy vấn đề
Rõ ràng điều kiện tiên quyết là phải xác định nội dung của từ “ơn gọi” qua đó chúng ta muốn xác định bậc sống hôn nhân. Chúng ta sẽ giữ lại ở đây bốn nét xác định. 1) Theo nghĩa từ nguyên không thể bác bỏ, từ “ơn gọi” hàm chứa một tiếng gọi chắc chắn chạm tới mỗi cá nhân ngay tại trung tâm cuộc đời họ, nhưng cũng đến với họ từ xa hơn chính họ; lời kêu gọi này là một sự chất vấn đòi hỏi họ. 2) “Ơn gọi” hàm ý một sự lựa chọn cá biệt hóa, đặc biệt hóa, tách riêng khỏi điều kiện hoặc cuộc sống chung. 3) Việc tách riêng này, bằng cách này hay cách khác, gắn liền với một nhiệm vụ Thiên Chúa giao phó. 4) Việc giao phó nhiệm vụ đi kèm với các phương tiện để hoàn thành nó.
Sự đối chiếu đầu tiên của hôn nhân với định nghĩa này về ơn gọi có thể sẽ loại nó ra khỏi lĩnh vực của nó. Thật vậy, ngay từ đầu, không hề ám chỉ sự hiện diện của bên thứ ba, kinh nghiệm yêu đương vốn khởi đầu cho cam kết hôn nhân, là nơi tuyệt vời nhất của sự thân mật, của sự viên mãn được trải nghiệm như là tự đầy đủ và loại trừ ý nghĩ rằng một ý muốn thứ ba có thể có trước họ. Sự hấp dẫn lẫn nhau vốn là nền tảng của tình yêu – nếu nó vượt quá mức độ ham muốn nhục dục – thường nằm trong phạm vi của một chuỗi và sự gắn kết của những câu chuyện cá nhân, tất cả đều diễn ra, theo tình cảm hiển nhiên, giữa bạn và tôi. Hơn nữa, không hề tách riêng họ, hôn nhân còn đưa người nam và người nữ vào thân phận chung của con người; đó là cách sống bình thường của người nam và người nữ: một lý do khác để làm cho hôn nhân thoát khỏi khái niệm ơn gọi[4]. Điều này cũng làm suy yếu hai đặc điểm khác đã nêu ở trên. Hôn nhân, ngay cả hôn nhân Kitô giáo, không tự nhiên được coi dưới những nét của một sứ mạng được Thiên Chúa giao phó. Nó thường được biết đến như một dự án mà một người nam và một người nữ hình thành và cố gắng sống dưới cái nhìn của Thiên Chúa. Cũng thế kết quả là, các phương tiện siêu nhiên để sống hôn nhân, gắn liền với bí tích, có nguy cơ bị bỏ qua khá dễ dàng, ít nhất là trong cuộc sống bình thường, khi cuộc sống này được bảo vệ khỏi thử thách.
Cần lưu ý rằng khoảng cách giữa hôn nhân và các viễn cảnh liên kết với ơn gọi còn bị khoét sâu hơn trong thời điểm hiện tại, vốn tán dương, có lẽ hơn bao giờ hết, sự ngự trị của cảm giác, của xác tín chủ thể, vốn gọi việc từ chối bất kỳ cam kết nào là “tự do” và biến tình cảm chân thành trở thành tiêu chuẩn của tình yêu đích thực[5]. Hơn bao giờ hết, theo sự nhạy cảm thông thường, hôn nhân không thể là một ơn gọi hàm chứa tính ngoại tại của một tiếng gọi từ Thiên Chúa và những nghĩa vụ có thể vượt quá những gì cảm xúc đang sẵn sàng. Chẳng hạn như sự sinh sản. Như chúng ta biết, sự sinh sản này, trong các diễn ngôn trong quá khứ của Giáo hội, nếu không phải là đặc điểm của một hôn nhân – ơn gọi, thì ít nhất là một mục đích, mục đích của một hôn nhân – bậc sống. Rõ ràng là các não trạng đương thời đồng loạt khước từ ý tưởng về một sự sinh sản như là nghĩa vụ của vợ chồng, hoặc thậm chí như một nhiệm vụ được giao phó cho họ.
Chúng ta biết rằng ngày nay người ta dễ dàng nói đến “dự án của cha mẹ”, từ đó đặt việc sinh sản hoàn toàn vào vai trò của một sáng kiến không muốn biết đến bất kỳ thẩm quyền nào bên ngoài suy nghĩ của vợ chồng. Tương tự như vậy, ý tưởng về lòng chung thủy có thể tiếp tục được coi trọng như một lý tưởng hoặc một viễn cảnh dù sao cũng khiến ước mơ. Trái lại, người ta không ủng hộ ý tưởng cho rằng lòng chung thủy có thể là đối tượng của một hợp đồng ràng buộc từng thành viên của đôi bạn. Những thay đổi thất thường của cảm giác áp đặt những giới hạn của chúng lên lý tưởng đẹp đẽ này, vốn sẽ trở thành một sự câu thúc chính xác ở nơi mà người ta muốn làm cho nó có tiếng nói lớn hơn cảm giác. Tất cả điều này rõ ràng làm cho sự liên kết giữa các từ hôn nhân và ơn gọi trở nên xa lạ. Nhưng cần phải nói một cách triệt để hơn: ngày nay, điều này đơn giản, trong con mắt của nhiều người, làm cho hôn nhân Kitô giáo như nó được định nghĩa trở nên xa lạ, đặc biệt đi kèm với đòi hỏi về sự chung thủy được duy trì bất chấp mọi khó khăn.
II – Khi hôn nhân không còn là chuẩn mực
Chính xác là tại thời điểm phân tích này, vấn đề về hôn nhân – ơn gọi có thể nổi lên một lần nữa, trong chừng mực ngày nay chúng ta đang chứng kiến, trong các xã hội phương Tây của chúng ta, điều có thể được coi là sự đảo ngược não trạng tuân thủ (conformisme). Quả thế, hiện nay, não trạng tuân thủ đang chuyển từ một cuộc hôn nhân hiển nhiên trước đây sang từ chối hôn nhân, hoặc ít nhất là chuyển sang phía hoãn nó lại (40% con đầu lòng được sinh ra ngoài hôn nhân ở Pháp), hoặc dù thế nào đi nữa cũng coi nó là có thể xét lại, cam kết chung thủy và bất khả phân ly của sự kết hợp trở thành một quan điểm không tưởng trong mắt đa số. Vì vậy, thật kỳ lạ trong xã hội chúng ta, hôn nhân lại trở thành một sự lựa chọn. Và do đó nó có khả năng mang những ý nghĩa mạnh mẽ và dễ đọc một cách rõ ràng hơn trong quá khứ. Đây là lý do tại sao, cách đây vài năm, Đức Hồng y Danneels, khi nói chuyện với một nhóm thuộc phong trào Equipes Notre-Dame, đã có thể nêu rõ hôn nhân Kitô giáo là một dấu hiệu ưu việt về tính khả tín của Giáo hội trong thời điểm hiện tại. Chẳng hạn, ngài nêu lên, sau đời sống đan viện, trong những thế kỷ đầu tiên của Giáo hội, hay bên cạnh hoạt động bác ái của các dòng tu thời Trung cổ, vốn mang dấu hiệu của sự độc đáo và mới mẻ của Kitô giáo vào thời của họ, ngày nay sẽ có một chức năng ưu việt – ngay cả khi nó không phải là độc chiếm – của đời sống hôn nhân được sống “trong Chúa”, theo cách diễn đạt của các thế kỷ đầu tiên của Giáo hội, nghĩa là kèm theo ý nghĩa và những đòi hỏi được đức tin Kitô giáo gắn liền với nó[6].
Hoàn cảnh mới này của hôn nhân Kitô giáo, vốn liên kết nó với đặc điểm thứ hai của chúng ta về ơn gọi, như một con đường cá biệt, đặc biệt hóa, rõ ràng là không đủ để thiết lập phẩm chất ơn gọi của nó. Nhưng nó có giá trị mời gọi xem xét lại một thực tại và một bí tích đột nhiên ra khỏi sự quen thuộc và tầm thường trước đây, khi hôn nhân chỉ đơn giản là thuật ngữ trung lập của sự đối lập vốn xác định và coi trọng việc thực hành các lời khuyên Phúc Âm và chức linh mục thừa tác[7]. Quả thế, tính chất nghịch lý và khiêu khích rõ ràng của hôn nhân Kitô giáo ngày nay cho phép thúc đẩy sự suy tư vượt quá các vấn đề pháp lý và kỷ luật mà trong nhiều thế kỷ phần lớn đã gạt ra ngoài lề việc đào sâu một nền thần học thiêng liêng và thần bí thực sự về bí tích. Về phương diện này, việc đọc và sử dụng như từng được làm đối với chương 19 của Tin Mừng theo thánh Matthêu, mở đầu bằng câu hỏi của người Pharisêu: “Có được phép rẫy vợ mình không?”, là một triệu chứng báo hiệu. Từ những câu này, người ta thường giữ lại lời loan báo duy nhất về việc ly dị mà bây giờ Chúa Kitô đã từ chối, Đấng không loại trừ những điều chỉnh đã được Môisê đồng ý. Cả ngày nay nữa, cách đọc vốn giảm thiểu bản văn thành mục đích kỷ luật, được khuếch đại bởi cuộc tranh luận vẫn còn mở về câu 9 là câu chêm vào nổi tiếng, đã góp phần bỏ qua những câu tiếp theo. Giờ đây, như chúng ta biết, sau lời nói về tính bất khả phân ly của hôn nhân – thực ra là về việc bước vào thời đại mới mà Chúa Kitô khai mở – bản văn Tin Mừng thiết lập sự đối chiếu, một mặt, giữa hôn nhân và, mặt khác, tình trạng của những người “đã tự ý trở thành hoạn nhân vì Nước Trời”[8]. Sự đối chiếu này là một trong những yếu tố chính của bản văn, được nhấn mạnh một cách hùng biện bởi lý do “Ai hiểu được thì hiểu”, vốn trả lời cho sự ngạc nhiên của các môn đệ khi cho rằng hôn nhân giờ đây rất đòi hỏi (câu 11) và được lấy lại ở phần kết để khai triển về các hoạn nhân vì Nước Trời (câu 12). Như vậy, rõ ràng chúng ta được dẫn đến một ơn gọi Kitô giáo duy nhất, vốn sẽ đương đầu, trong những bậc sống khác nhau, với kinh nghiệm về một điều “không thể đối với con người” mà, trong Chúa Kitô, giờ đây Thiên Chúa làm cho khả thi và có thể tiếp cận được.


III – Sự viên mãn trong ơn gọi của bí tích Rửa tội
Đây là lý do tại sao cần phải nói rằng, ngay từ đầu, độc lập với tính bí tích được khai triển ở phương Tây từ thời Trung Cổ, hôn nhân Kitô giáo đã được đưa vào ơn gọi của bí tích Rửa tội – ngay cả khi theo một cách thức quá ít được giải thích và công thức hóa. Trước bất kỳ xác định cụ thể nào về bậc sống, đều được đặt để một ơn gọi duy nhất và như nhau vốn làm nên phẩm chất của mỗi môn đệ của Chúa Kitô. Được rửa tội trong cái chết và sự phục sinh của Chúa Kitô, tất cả mọi người đều trở thành thụ tạo mới, sự sống của họ được ẩn giấu trong Thiên Chúa nơi Chúa Kitô, tất cả mọi người đều được mời gọi nên thánh trong tình yêu. Tất cả mọi người đều được đưa vào tính mới mẻ của Giao ước mới. Trong viễn cảnh này, hôn nhân trước hết được định nghĩa như một cách đặc thù để sống ơn gọi của bí tích Rửa tội này. Nó là một trong những nơi mà tính mới mẻ của Kitô giáo được thể hiện và biểu lộ. Về vấn đề này, chúng ta nhớ rằng Thư gửi Diognète gợi lên một hoàn cảnh Kitô hữu tương tự như hoàn cảnh của những người khác về mọi mặt, trừ một số điểm rõ ràng trong đó tính đặc biệt của họ nổi bật. Trong số này có việc họ sống một cuộc sống chung vợ chồng vốn không ngả theo sự phóng túng của những người khác[9].
Như thế, hôn nhân về cơ bản là môi trường trong đó, đối với đại đa số Kitô hữu, được sống lời mời gọi của Chúa Kitô hãy yêu thương “như” Người yêu thương, hãy nên thánh trong sự thánh thiện của Thiên Chúa. Đối với những ai, trong Chúa Kitô, giờ đây là “những người được tuyển chọn” (Rm 8, 33; 2Tm 2,10; Tt 1,1 v.v.), những người “được kêu gọi” (Rm 8, 28.30; 1Cr 1, 24; Cl 3,15; Gl 1, 6; v.v.), rõ ràng rằng hôn nhân, con đường bình thường của cuộc sống, là con đường trong đó người nam và người nữ sẽ có thể đáp lại lời kêu gọi này của Thiên Chúa và mang lại hình hài cho ân sủng của Chúa Kitô vốn được lan truyền trong trái tim của họ. Và do đó, trong bậc hôn nhân, cả những ân sủng và những đòi hỏi của đời sống của bí tích Rửa tội đều hội tụ, ngay cả khi thánh Phaolô trong cùng một chuyển động chỉ rõ sự cao cả và ưu thế của một cuộc sống độc thân tập trung trực tiếp và chuyên nhất vào Đấng là nguồn mạch và nguyên lý của mọi tình yêu, do đó là nguồn mạch và nguyên lý của tình yêu vợ chồng[10].
Chắc chắn, chúng ta biết những thay đổi bất ngờ qua nhiều thế kỷ, mà thần học hôn nhân và việc soạn thảo linh đạo hôn nhân đã trải qua. Không thể phủ nhận rằng đối với nhiều người, trong Giáo hội, hôn nhân đã được sống như một thực tại rất hỗn tạp, bị quyết định quá mức bởi những lợi ích đôi khi rất đáng nghi ngờ, mà thực tế lại khá ít được loan báo Tin Mừng, và do đó bác bỏ ý tưởng về ơn gọi hôn nhân. Đồng thời, không thể phủ nhận rằng thần học đã gặp khó khăn trong việc chống lại một diễn ngôn tiêu cực, đôi khi xúc phạm, bỏ qua sự đối chiếu được nêu bật bởi bản văn Tin Mừng Mátthêu đã đề cập ở trên. Cuối cùng, vị trí hạn chế của việc tham chiếu đến Êphêsô 5, 1-32 trong các nghi lễ hôn nhân cho thấy chiều kích thần bí của hôn nhân Kitô giáo, dấu chỉ tình yêu của Chúa Kitô và Giáo hội, có thể đã bị gạt ra ngoài lề như thế nào trong Giáo hội phương Tây[11]. Do đó, chúng ta hiểu rằng việc soạn thảo thần học tích cực về đời sống hôn nhân, giống như soạn thảo đang được đề xuất ngày nay, từ một vài thập niên qua trong các bản văn huấn quyền, đã phải chờ rất lâu mới khai thông được mối lối đi. Nhưng ở đây một lần nữa, có lẽ đây là cơ hội của thời điểm hiện tại cho phép củng cố những đường nét của một hôn nhân – ơn gọi, trong đó người nam và người nữ được kêu gọi sống nhiều hơn những gì họ tin và hy vọng có thể sống.
IV – Một bí tích làm nổi bật một ơn gọi riêng biệt
Trước tiên, chúng ta hãy thừa nhận rằng cách hiểu như vậy về hôn nhân vẫn còn ít được giải thích, và do đó có lẽ ít được tiếp cận đối với các Kitô hữu, những người có nguy cơ giữ lại từ các công thức của nghi lễ ý tưởng duy nhất về một sự “xác nhận” của Thiên Chúa đối với sự cam kết con người của họ[12]. Chúng ta biết rằng từ này xuất hiện trong phụng vụ hôn nhân, và chúng ta thấy ý nghĩa và lý do của thuật ngữ này, cũng như chúng ta thấy ý nghĩa tích cực của thực hành phương Tây trong đó vợ chồng là thừa tác viên của bí tích. Dù sao vẫn còn đó, mà không có thêm lời giải thích, việc nó công nhận cái nhìn về một bí tích vốn chỉ là sự phê chuẩn thứ hai của Thiên Chúa về một cử chỉ hoàn toàn nội tại do sáng kiến của con người. Thiên Chúa có cái nhìn nhân từ và xác nhận đối với một quyết định của con người nảy sinh từ việc nhìn nhận và lựa chọn yêu thương giữa một người nam và một người nữ. Đối với nhiều người, đây là ý nghĩa tối đa của bí tích hôn nhân, mà chúng ta có thể dựa vào đó, và theo một cách ma thuật nào đó, niềm hy vọng về một thời gian lâu dài và vững chắc mà kinh nghiệm thường mâu thuẫn. Ở cấp độ này, thật khó để nhận ra chiều kích ơn gọi của hôn nhân. Nhưng chính bí tích bao gồm nhiều điều hơn thế.
Khi một Kitô hữu nam và một Kitô hữu nữ bày tỏ cho Chúa Kitô tình yêu của họ và quyết định sống tình yêu đó theo thời gian bằng cách cam kết hiến dâng toàn bộ bản thân, họ đang làm nhiều điều hơn là chỉ yêu cầu sự xác nhận đơn giản về một kinh nghiệm và một dự án của con người. Vào lúc họ dấn thân trước sự hiện diện của Thiên Chúa cho một tình yêu trung thành và chuyên nhất, họ bước vào một tình yêu – tất nhiên vẫn là tình yêu của họ – nhưng bây giờ đã được biến đổi, được mở rộng, nếu họ ưng thuận: họ đón nhận nhau trong khoảnh khắc này, không chỉ từ nhau, nhưng mỗi người từ Thiên Chúa nữa. Do đó, cảm giác được vượt quá bởi một cái gì đó lớn hơn chính nó, bao gồm nó nhưng cũng mở rộng nó. Mỗi người đều được mời gọi đón nhận người khác từ Thiên Chúa và nhận ra tình yêu của mình như sự đáp trả đầy kinh ngạc của mình đối với món quà này.
Được đón nhận từ Thiên Chúa đồng thời với việc họ được chọn lựa và tuyển chọn bằng trái tim, người khác cũng được nhìn nhận là người mà Thiên Chúa ủy thác cho tôi, trong khi tôi là người mà người khác giao phó cho tôi trong suốt quãng đời mà, như chúng ta biết, sẽ có thể gặp thấy điều tốt nhất và điều tồi tệ nhất. Vì vậy, trong hôn nhân, tôi nhận ra người khác là người lân cận gần gũi nhất mà chính Thiên Chúa chỉ định cho tôi, dạy tôi biết rằng khi yêu mến người đó, tôi đang chu toàn giới răn yêu thương người lân cận, mà qua đó tôi cũng yêu mến Thiên Chúa, khi yêu người mà Ngài đã ban cho tôi để yêu thương. Phải nói rằng tư tưởng này không làm mất đi sự thật của tình yêu. Ngược lại, nó mang lại cho tình yêu nền tảng, sự nghiêm túc mà nó cần để trải qua thời gian bằng cách trưởng thành chứ không phải héo mòn.
Cả trong những điều kiện này, tình yêu vợ chồng cũng được lôi kéo vào một lôgíc nâng nó lên trên những khuynh hướng thông thường của tình yêu nhân loại của chúng ta, cho dù chúng có thể tốt đến đâu. Đó là yêu thương người khác bằng chính tình yêu của Thiên Chúa (“Hãy yêu nhau như Thầy đã yêu thương các con”), nghĩa là thực sự bằng tình yêu duy nhất tương xứng với ước muốn của con người, và mở ra hạnh phúc[13]. Về bản chất, đây là điều chúng ta có thể gọi rõ là sứ mạng mà đời sống hôn nhân nhận được. Như chúng ta có thể thấy, nó vượt xa lập luận hẹp hòi biện minh cho hôn nhân trong nhiều thế kỷ như được quy định chỉ vì mục đích sinh sản. Sứ mạng không gì khác hơn là giới răn yêu thương được sống ở đây trong những khuynh hướng đặc thù cho bậc sống này, bao gồm toàn thể, thể xác và linh hồn, của con người, được cụ thể hóa nơi cuộc đối diện của một người nam và một người nữ được kêu gọi đến một tình yêu bao la, quảng đại, không nao núng, chung thủy, như tình yêu của Thiên Chúa được thể hiện nơi Chúa Kitô yêu thương Giáo hội, cũng phong như tình yêu sáng tạo của Thiên Chúa.
Ngôn từ được trình bày như thế có vẻ trừu tượng: trên thực tế, nó nhắm đến những thực tại rất cụ thể của cuộc sống hằng ngày trong đó lòng trung thành thực sự với người khác và với Thiên Chúa được thực hiện. Chính trong cái cụ thể của sự kiên nhẫn và tin tưởng này mà mệnh đề thần học vĩ đại được thừa hưởng từ Thư gửi tín hữu Êphêsô được thể hiện, theo đó người nam và người nữ được mời gọi trở thành dấu chỉ tình yêu của Chúa Kitô và của Giáo hội (Êp 5, 21- 33). Và lời kêu gọi này, giống như bất kỳ ơn gọi nào, nhận được phương tiện để thực hiện. Thật vậy, giờ đây khi Chúa Kitô mời gọi lòng trung thành luôn mãi, Ngài công bố thời đại mới của Giao ước mới, của con tim mới theo Êdêkien và Giêrêmia, của Thánh Thần được tuôn đổ, làm cho người nam và người nữ có khả năng, nhờ hiệp thông với Chúa Kitô, đương đầu với sức mạnh của tử thần đang hoạt động trong mọi cuộc sống và tìm cách xóa bỏ tình yêu của họ. Đi tiên phong trong cuộc sống hôn nhân được lãnh nhận từ Thiên Chúa và được sống trong quyền năng của Ngài này, không quên chứng tá cho Thiên Chúa trong xã hội, bởi các Kitô hữu, vì sự sống và hạnh phúc của con người. Điểm quan trọng này đã được nhấn mạnh một cách đúng đắn trong các văn bản huấn quyền. Chúng ta hãy chỉ nói rõ thêm rằng chứng tá này đến tăng thêm, nó là hiệu quả dồi dào của một tình yêu sống trong sự thật. Nói cách khác, người ta không yêu nhau để làm chứng cho tình yêu. Nhưng khi yêu nhau bằng tình yêu của Thiên Chúa, chúng ta làm chứng cho sự tốt lành của công trình tạo dựng và cho ơn cứu độ nhận được qua bí tích Rửa tội.


V – Người khác, nền tảng của một đời sống được kêu gọi
Vào cuối cuộc hành trình này, như chúng ta thấy, tình yêu vợ chồng được sống trong hôn nhân không phải là việc đơn giản thể hiện một tình cảm, cũng không phải là nỗ lực vĩnh cửu hóa tình cảm này bằng cách thể chế hóa nó. Nếu hôn nhân chỉ như vậy, thì nó sẽ không thể có những hứa hẹn về sự lâu dài cũng như những hứa hẹn về hạnh phúc. Như người Kitô hữu biết, tình yêu là một công trình, một trách vụ (officium)[14], cũng như toàn bộ cuộc sống được nhận từ Thiên Chúa và hướng về Ngài. Chính công trình này mà bây giờ chúng ta phải làm sáng tỏ thêm, nhờ đó đào sâu ý nghĩa của hôn nhân như một ơn gọi.
Để làm điều này, chúng ta sẽ xem qua một bản văn của Louis Beirnaert, xuất bản năm 1977 và tạp chí Etudes cho rằng đủ quan trọng để tái bản trong số tháng 5 năm 2000[15]. Bản văn này, tập trung vào vấn đề bất khả phân ly, đề cập một cách hết sức tinh tế đến một kinh nghiệm rất phổ biến và cũng rất căn bản mà người nam và người nữ nhất thiết phải có trong hôn nhân, và điều mà họ thường không biết thực sự nhận ra cũng như đương đầu một cách tích cực. Kinh nghiệm này có thể được mô tả là kinh nghiệm về “sự thiếu thốn”, “thất vọng”, mà về lâu dài ít nhiều sẽ nhất thiết phải áp đặt lên mối quan hệ yêu đương. Chúng ta phải nói “nhất thiết”, bởi vì ngay từ đầu mọi mối quan hệ thực sự cũng nhất thiết bao gồm một điều gì đó có thể được gọi là “ảo tưởng say mê bản thân”. Khi yêu người khác, tôi bắt đầu bằng việc yêu hình ảnh tôi có về người ấy, phù hợp với niềm khao khát tôi có về người ấy. Mọi tình yêu bắt đầu như thế, và đây không phải là một lời nguyền. Đây chỉ là phần mở đầu của một câu chuyện nhằm được đào sâu chính xác thông qua việc vượt qua ước muốn say mê bản thân, thông qua việc khám phá ra người khác, sự đồng thuận với người khác, như L.Beirnaert nói, với “những gì có đó giữa người nam và người nữ”, “sự vắng mặt này có xu hướng được nhận ra trên khuôn mặt chết đi của người ấy”.
Từ đó, ông nói tiếp, thách thức của tính bất khả phân ly hệ tại việc gắn bó với nhau chính ở nơi này và trong thời điểm này vốn dường như đang biểu thị cái chết của tình yêu, và thường được những người đương thời của chúng ta giải thích như vậy, trong khi đây là nơi, nếu người ta chấp nhận gắn bó ở đó, người ta bước vào tình yêu đích thực, vượt lên trên sự say mê bản thân.
Rõ ràng là chúng ta đang xa với một diễn ngôn thống trị đương thời, nơi không biết đến ý tưởng rằng tình yêu có thể liên quan đến điều gì đó khác với sự hiển nhiên của tình cảm, nơi mà viễn cảnh liên kết hành vi của ý chí và sức nặng của một quyết định dường như thường không phù hợp nhất. Trái lại, chúng ta rất gần với kinh nghiệm không kém phần thống trị về những tình yêu mong manh và sự hoài nghi của nhiều người, vì thiếu nhận ra những gì mà kinh nghiệm về “thất vọng” theo nghĩa của Beirnaert mở ra, nên đã thấy mình bị kết án trong trò chơi của những chung thủy liên tiếp vốn là những sự không chung thủy liên tiếp giống hệt nhau. Và cuối cùng, trên hết, có lẽ chúng ta đã đến gần nhất với những gì ý tưởng ơn gọi chứa đựng.
Quả thế, trong đường hướng những gì chúng ta vừa nói, rõ ràng là kinh nghiệm hôn nhân hệ tại sống những gì không chỉ đơn giản được diễn dịch từ một dự án hay mong muốn ban đầu. Ngoài những điều không thể dự kiến mà mọi cuộc sống đều được dệt nên, cuộc sống hôn nhân còn đưa đến cảm nghiệm những điều bất ngờ – điều mà chúng ta không lường trước được – bởi vì, về cơ bản, nó là kinh nghiệm về người khác[16]. Kinh nghiệm về người khác nơi người khác, trước hết, nơi sự thật về tính khác biệt của họ, có lẽ nơi tính dễ bị tổn thương của họ, những khuyết điểm, những giới hạn của họ, cả nơi việc họ thuộc về Thiên Chúa, chứ không phải là địch thủ của sự thuộc về lẫn nhau giữa vợ chồng, nhưng lớn hơn sự thuộc về này. Kinh nghiệm về người khác qua việc làm cha, làm mẹ cũng vậy: con cái không bao giờ đáp lại những ước mơ của cha mẹ (nếu chúng làm vậy, chắc chắn sẽ có nguy hiểm). Khi làm như vậy, đó cũng chính là sự thật về mình bắt đầu được khám phá, qua sự hiện diện của người phối ngẫu hoặc con cái.
Đây dường như là vấn đề trọng tâm của một mối quan hệ hôn nhân vốn được coi như là cuộc sống của tình yêu, trong tình yêu: trong đó – nơi mà vấn đề về người khác cách nào đó được tập trung và cô đọng – cuộc sống được khám phá như là điều nảy sinh từ việc trải qua một thử thách mà thông thường có mùi vị của sự chết đi. Nói điều này không phải là kịch tính hóa cuộc sống một cách giả tạo, đó là chấp nhận một thực tại nền tảng mà đối với một Kitô hữu, tất nhiên, nó báo hiệu mầu nhiệm vượt qua. Một công thức của Đức Gioan Phaolô II diễn tả điều này một cách mạnh mẽ đến mức nó có thể gây hoang mang: ngài tuyên bố trong Famamiris Consortio rằng “đối với Giáo hội, đôi vợ chồng là (…) lời nhắc nhở thường xuyên về những gì đã xảy ra trên Thập Giá[17]”. Do đó, một lời nhắc nhở về sức mạnh của tình yêu, vốn vượt qua cái chết, một cái chết gắn liền với nhân loại vào bất kỳ lúc nào, dưới mọi hình thức. Và một lời nhắc nhở về điều này cho tất cả mọi người, kể cả những người được kêu gọi sống chức linh mục thừa tác hoặc các lời khuyên Phúc Âm trong Giáo hội. Bài viết của L. Beirnaert cũng chứa đựng một ghi chú dài khai triển chủ đề về “sự thất vọng” được trải nghiệm trong mối quan hệ với Chúa mà, như ông nhấn mạnh, không được bảo vệ chút nào khỏi ảo tưởng say mê bản thân và, giống như mối quan hệ yêu đương, cần khám phá Thiên Chúa như là người khác của ước muốn và mong đợi của mình[18].
Tái khám phá sự hiệp nhất của các ơn gọi Kitô hữu và biết rằng họ được mời gọi sống trong một mối quan hệ mang tính dấu chỉ hỗ tương cho nhau, ở đây chắc chắn chúng ta có một suy tư cần đào sâu hơn. Những gì được sống trong đời sống hôn nhân quả thực có liên quan đến một lời kêu gọi, và điều quan trọng là phải làm rõ lời kêu gọi này. Trước hết để giúp các Kitô hữu sống một cách hiệu quả bí tích hôn nhân mà họ không phải lúc nào cũng biết hiểu và huy động trong cuộc sống của mình. Nhưng còn, để soi sáng những thử thách trong mọi đời sống con người, kể cả đời sống thánh hiến, và những thử thách mà các ứng viên đời sống tu trì đang vất vả chiến đấu ngày nay, như được chứng minh bằng những cuộc chuyển hướng đang xảy ra, chẳng hạn, trong các tập viện, thậm chí vượt ra ngoài việc đưa ra những cam kết dứt khoát. Cuối cùng, trong một xã hội đang trải qua tình trạng hỗn loạn lớn trong lĩnh vực này, vấn đề là những người nam và người nữ, để phục vụ mọi người, phải chứng thực rằng tình yêu là tốt đẹp và khả thi, nó mạnh hơn sự chết, từ khi mà, thoát khỏi vòng tròn chết chóc của thói say mê bản thân và chủ nghĩa cá nhân, nó nhận ra mình được kêu gọi, được triệu tập, được yêu cầu bởi người khác, một người khác vốn báo hiệu Đấng Toàn Tha mà nó xuất thân từ đó.
Chuyển ngữ: Tý Linh
Nguồn: xuanbichvietnam.net


[1] Các anh cũng hãy đi. Lời kêu gọi không chỉ dành cho các chủ chăn, linh mục, tu sĩ nam nữ, mà còn mở rộng đến tất cả mọi người: các tín hữu giáo dân cũng được Chúa kêu gọi đích thân, từ Người họ lãnh nhận một sứ mạng đối với Giáo hội và đối với thế giới”, Gioan Phaolô II, Christifideles laici, § 2, Libreria Editrice Vaticana, Editions Mediaspaul, 1988, tr. 4.
[2] Hiến chế Gaudium et SpesGiáo hội trong thế giới ngày nay, phần 2, ch. 1, § 49, Công đồng Vatican II, Centurion Ed., tr.277. Chính chúng tôi nhấn mạnh từ “ơn gọi” trong câu trích dẫn.
[3] Trái lại, từ này xuất hiện dồi dào kèm theo những xác định rõ vốn vượt quá sự quy chiếu đến đời sống thánh hiến hoặc chức linh mục thừa tác. Việc xem xét Sách Giáo lý của Giáo hội Công giáo sẽ có tính hướng dẫn về vấn đề này. Ở đó, chúng ta thấy khoảng bốn mươi lần xuất hiện của từ này đề cập đến một số mô hình chính: ơn gọi của con người nói chung, của nhân loại (liên hệ với công trình tạo dựng); ơn gọi của những cá nhân cụ thể (các tổ phụ, Abraham, Đức Maria), ơn gọi của Israel, của Giáo hội, của những người đã được rửa tội, của Dân Thiên Chúa. Chúng ta chỉ tìm thấy hai trường hợp cùng xuất hiện về hôn nhân – ơn gọi: §1603, trong đó hôn nhân, một cách có ý nghĩa, được coi là một thực tại của công cuộc tạo dựng: “Ơn gọi hôn nhân được ghi khắc trong chính bản tính của người nam và người nữ, như họ xuất phát từ bàn tay của Đấng Tạo Hóa”, §1656, trích dẫn Lumen Gentium để chuyển từ vợ chồng đến con cái: “Chính trong gia đình mà cha mẹ, ‘bằng lời nói và gương sáng (. ..) cho con cái mình, là những sứ giả đầu tiên của đức tin, để phục vụ ơn gọi riêng của mỗi người và đặc biệt là ơn gọi thánh thiêng.”
[4] Xem cách riêng E. Schillebeeckx, Le Mariage, réalité terrestre et mystère de salut, Cogitatio Fidei, Cerf, 1966 đối với bản dịch tiếng Pháp, đặc biệt trang 35 và các trang tiếp theo.
[5] Xem Louis Roussel, La Famille incertaine, Odile Jacob, collection Points, 1989, chương 5 : “Du sentiment amoureux” ; Jean-G. Lemaire, Le Couple : sa vie, sa mort, la structuration du couple humain, Payot, 1979.
[6] Hồng y Danneels, Journées des Responsables des Equipes Notre-Dame, Bruxelles, 11-12/10/1986.
[7] Về lịch sử này bị chi phối bởi các cuộc tranh luận như các cuộc tranh luận liên quan đến những trở ngại, các trường hợp hôn nhân vô hiệu, hoặc thậm chí về mối quan hệ giữa khế ước hôn nhân và bí tích, đặc biệt xem Jean Gaudemet, Le mariage en Occident, Paris, Cerf, 1987; Gérard Mathon, Le mariage des chrétiens, 2 tập, Bibliothèque du Christianisme, Paris, Desclée, 1993, 1995.
[8] Để phân tích bản văn này, xem J. Dupont, Mariage et divorce dans l’Eglise, Bruges, 1959, E. Schillebeeckx, op. cit. tr.130tt.
[9] “Họ kết hôn như mọi người, họ có con, nhưng họ không bỏ rơi đứa con mới sinh của mình. Tất cả họ đều ngồi chung bàn, nhưng không ngủ chung giường”, A Diognète, Sources Chrétiennes 33 bis, V , 6-7.
[10] Rõ ràng là những lời của Thánh Phaolô ở chương 7 của Thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô đặt tương phản giữa việc sống độc thân “vì Nước Thiên Chúa” và hôn nhân, cho thấy một cái nhìn kém tích cực hơn về hôn nhân. Viễn cảnh kỷ luật của phần này phần lớn che đậy sự hiểu biết huyền nhiệm về hôn nhân, vốn có thể được suy ra từ những đoạn khác trong các lá thư của thánh Phaolô suy niệm về mầu nhiệm Giáo Hội, Thân Thể của Chúa Kitô, chưa kể đến mầu nhiệm được đề cập trong Êp 5, 32.
[11] Là trung tâm của nghi thức hôn nhân theo nghi thức Byzantine, tham chiếu này rất ít hiện diện ở phương Tây trước Sách lễ Rôma năm 1570. Liệu chúng ta có thể nói rằng kể từ đó nó thực sự cho lương tâm của các cặp vợ chồng Kitô hữu, những người đặc biệt giữ lại lệnh truyền trong bản văn này: “Người làm vợ hãy tùng phục chồng” (câu 22), lệnh truyền mà cho đến gần đây vẫn mở đầu bài đọc phụng vụ mà quên mất câu trước đó: “Vì lòng kính sợ Đức Kitô, anh em hãy tùng phục lẫn nhau”? Về việc sử dụng Êp 5, 21-33 trong phụng vụ, xem Herman Schmidt, “Rituel et sacramentalité du mariage chrétien”, Questions liturgiques, 1-2, 1975, tr. 3-39.
[12] Xem, sau khi trao đổi sự ưng thuận, những lời được sách Nghi thức cử hành hôn phối đặt trên môi miệng linh mục: “Xin Chúa tỏ lòng nhân hậu chuẩn y sự ưng thuận các con vừa tỏ bày trước mặt Hội Thánh, và xin húa tuổn đổ phúc lành của Ngài trên các con.” Trái lại, Gaudium et Spes nói đến sự thánh hiến tình yêu được chứng thực bằng sự cam kết của vợ chồng (§49). Để đánh giá sách Nghi thức hiện tại, xem Adrien Nocent, ” Le rituel du mariage depuis Vatican II “, trong La celebrazione cristiana del matrimonioSimboli e Testi, Analecta Liturgica 11, Rome, 1986, tr. 129-144.
[13] Về tất cả những điều này, đặc biệt xem Famamiris Consortio, cách riêng số 13.
[14] Khái niệm này được sử dụng dễ dàng liên quan đến việc sinh sản mà cặp vợ chồng có trách nhiệm (kể cả trong Gaudium et Spes, 50, gợi lên trách nhiệm [munus] sinh sản). Vấn đề ở đây là cung cấp cho nó một phạm vi rộng hơn bao gồm việc sinh sản thay vì bị đồng nhất và giới hạn vào nó (x. Gaudium et Spes 50, §3).
[15] Louis Beirnaert, “L’indissolubilité du couple, Réflexions sur sa garantie et son fondement”, Etudes, Tháng 7-Tháng 12 năm 1977, tr. 7-17, được lấy lại trong số tháng 5 năm 2000, tr. 695-704. Bản văn này có thể được tìm thấy trong tuyển tập Aux frontières de l’acte analytic, Editions du Seuil, 1973.
[16] Liên quan đến kinh nghiệm về người khác này, vốn gắn liền với sự đối diện của người nam và người nữ, xem E. Lévinas, Le Temps et l’autre, Paris Quadrige/PUF, 1983.
[17] Gioan Phaolô II, Tông huấn Famamiris ConsortioLes tâches de la famille chrétienne, tháng 11 năm 1981, Libreria Editrice Vaticana, Editions Téqui, phần 2, § 13.
[18] “Về sự xác tín được Thiên Chúa yêu thương, Đấng sẽ giúp đỡ trong những lúc khủng hoảng, tôi muốn lưu ý đến điều này, đó là Thiên Chúa không thể được coi là Đấng thỏa mãn ước muốn được yêu thương, một ước muốn vốn đã thất vọng trong cuộc sống của đôi bạn. Đọc các nhà thần bí vĩ đại, cũng như Cựu Ước và Tân Ước, người ta thấy rõ rằng Thiên Chúa là một Thiên Chúa luôn ẩn giấu, một Thiên Chúa không đáp ứng yêu cầu tức thời, một Thiên Chúa, có thể nói, không yêu thương như chúng ta muốn. Đến độ chính luôn luôn chấp nhận và thừa nhận một sự trống rỗng, một sự thiếu vắng thỏa mãn triệt để mà chúng ta mới hiểu được ý nghĩa của Danh Ngài. Chỉ cần đọc lại thánh Gioan Thánh Giá, thánh Têrêsa và Thánh Inhaxiô để biết mối quan hệ của Thiên Chúa với ước muốn của chúng ta là gì: không có ai trả lời thế chỗ mà chúng ta luôn cố gắng đặt nó (…) Những gì xảy ra trong lĩnh vực này cũng theo trật tự giống như những gì xảy ra giữa người nam và người nữ. Nghĩ rằng chúng ta có thể đạt được trong mối quan hệ với Thiên Chúa chính điều không thể đạt được trong mối quan hệ vợ chồng, là một ảo tưởng. Cả hai bên, mỗi bên đều có cùng một vấn đề: thừa nhận sự thiếu thốn và niềm tin trần trụi. ” Bài được trích dẫn, Etudes, tháng 5 năm 2000, trang 704.