Số liệu về Giáo hội Myanmar và Giáo hội Bangladesh

28/11/2017
3627
WHĐ (27.11.2017). Từ 27-11-2017 đến 2-12-2017, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ viếng thăm hai quốc gia châu Á Myanmar và Bangladesh. Đây là chuyến tông du thứ 21 của Đức Thánh Cha ngoài Italia và là chuyến tông du thứ 3 tại châu Á. Sau đây là số liệu về hai quốc gia và hoạt động của Giáo hội tại Myanmar và Bangladesh. 

Số liệu tính đến ngày 31 tháng Mười Hai 2015, do Văn phòng Trung ương Thống kê Toà Thánh công bố.  
 
 

1 – Dân số và cơ cấu Giáo hội
Myanmar Bangladesh
Diện tích (km2) 676.578 143.998
Dân số (ngàn người) 51.790 153.998
Mật độ (dân cư/km2) 77 1.104
Số tín hữu Công giáo (ngàn người) 659 375
Tỉ lệ người Công giáo so với dân số 1,27 0,24
Giáo phận 16 8
Giáo xứ 384 106
Giáo điểm 43 374
Bình quân số tín hữu tại giáo xứ 1.544 781

2 – Giám mục. linh mục, tu sĩ & giáo dân tham gia hoạt động tông đồ
Myanmar Bangladesh
Giám mục (cập nhật ngày 31.10.2017) 22 12
Linh mục giáo phận 777 189
Linh mục dòng 111 183
Tổng số linh mục 888 372
Phó tế vĩnh viễn 2
Nam tu sĩ (không có chức linh mục) 128 111
Nữ tu sĩ 1.961 1.269
Tổ chức tu hội đời 1 1
Thừa sai giáo dân 601 1.210
Giáo lý viên 3.056 1.427

3 – Chăm sóc mục vụ
Myanmar Bangladesh
Số tín hữu/linh mục coi sóc 742 1.007
Số tín hữu/thừa tác viên phục vụ 99 85
Bình quân linh mục/giáo xứ, giáo điểm 2,1 0,78
Tỉ lệ linh mục đảm trách các hoạt động mục vụ 13,7 8,7

4 – Ơn gọi linh mục
Myanmar Bangladesh
Tiểu chủng sinh 698 671
Đại chủng sinh 394 122
Đại chủng sinh trên 100.000 dân 0,76 0,1
Đại chủng sinh trên 100.000 tín hữu 59,79 32,5
Đại chủng sinh trên 100 linh mục 44,37 32,8

5 – Các cơ sở giáo dục do giáo phận hoặc dòng tu sở hữu/quản lý
Myanmar Bangladesh
Trường học:
Mẫu giáo và tiểu học 369 647
Cấp 2 & cấp 3 4 84
Cao đẳng & đại học 2 14
Học sinh-sinh viên:
Mẫu giáo và tiểu học 13.327 74.224
Cấp 2 & cấp 3 386 49.720
Cao đẳng & đại học 128 12.014

6 – Các trung tâm bác ái xã hội do giáo phận sở hữu/quản lý
Myanmar Bangladesh
Bệnh viện 6 10
Phòng khám 65 74
Trại phong 3 9
Nhà chăm sóc người già và người khuyết tật 13 14
Cô nhi viện 390 89
Trung tâm tư vấn gia đình 2 25
Trung tâm giáo dục xã hội hoặc trung tâm phục hồi 70 8
Các cơ sở xã hội khác 19 124
 

(Nguồn: Libreria Editrice Vaticana)

 Thành Thi


Lịch sử Giáo Hội Công Giáo tại Miến Điện
 
Vũ Văn An


Năm 2015, Đức Phanxicô ban cho Giáo Hội Miến Điện vị Hồng Y đầu tiên của họ, Đức Cha Charles Bo, Tổng Giám Mục Yangon. Trong vài ngày tới, Đức Thánh Cha sẽ là vị Giáo Hoàng đầu tiên tới thăm đất nước của họ. Dịp này, hãng tin Eglises d’Asie có giới thiệu một bài viết công phu về lịch sử Giáo Hội Miến Điện.

Đó là bài viết của Cha Joseph Ruellen, thuộc Hội Thừa Sai Paris, 91 tuổi, một vị cựu truyền giáo ở Miến Điện. Bị đuổi ra khỏi Miến năm 1966, sau đó, ngài phục vụ tại Madagascar. Trở về Pháp, ngài dành thì giờ nghiên cứu về lịch sử Giáo Hội tại Miến Điện. 

Những người Công Giáo đầu tiên của Miến Điện là người Bồ Đào Nha: từ năm 1510, những người này đến tiếp xúc với Miến Điện, thường trà trộn làm người làm thuê phục vụ cho các vương quốc và công quốc khác nhau rồi từ từ có cửa hàng riêng để lập nghiệp, đặc biệt tại vùng Syriam. Năm 1613, vì tham vọng tàn ác của người đứng đầu khu định cư gồm 5,000 nhân đinh này, tên là Felipe de Britto, họ đã bị tống xuất lên lãnh thổ của nhà vua Ava, tên của vương quốc Miến Điện phía bắc. Vị vua này đã sử dụng họ làm vệ binh hoàng gia, lính mang súng trường và súng thần công, nhưng được một điều là ông để họ tự do thực hành tôn giáo của họ.

Bắt đầu từ năm 1722, các cha dòng Barnabite người Ý được quyền chăm nom các cộng đồng Kitô hữu này, nhưng các cuộc chiến tranh liên tục trong đó các Kitô hữu phải tham gia đã giảm dần con số của họ một cách đáng kể. Một chủng viện được mở cửa năm 1772, một trường cao đẳng được thành lập ở Yangon và đào tạo được 3 linh mục đầu tiên. Hai trong số 3 vị này, Joseph Maung Gyi và Andrew Koo, được phong chức từ năm 1793 tại Amarapura. Tại nơi mà 100 năm trước, các Cha Jean Jorret và Jean Genoud, thuộc Hội Thừa Sai Paris, đã bị kết án bó trong bị liệng xuống sông vì làm tông đồ. 

Vua Mindon, người che chở các vị truyền giáo

Các cuộc chiến tranh trong thời kỳ này chống lại Xiêm La, Trung Hoa, Arakan và Assam không ngăn cản đoàn chiên Kitô hữu nhỏ bé này tồn tại, cách này hay cách khác. Nhưng bắt đầu từ năm 1816, binh lính Miến Điện phải đối phó với người Anh thuộc Công Ty Ấn Độ ở Assam và Arakan; cứ mỗi lần người Anh tấn công, các làng Kitô Giáo ở phía bắc lại chịu nhiều sỉ nhục bởi các láng giềng Phật Giáo. Tuy nhiên, các vị vua đã giữ họ phục vụ mình và che chở họ. Sau này, sau năm 1830, nhiều linh mục người Ý khác, nhất là thuộc Dòng Oblat, đến trông coi các nhóm Kitô hữu khác nhau. Nhưng rồi trong đợt tấn công thứ hai của người Anh vào năm 1852, mọi linh mục đều bị bắt và bị tra tấn, và chính nhờ Mindon, tân vương của Ava, đã giải cứu họ. Các cuộc chiến tranh giữa người Anh và người Miến này đã làm con số các khu truyền giáo giảm đi khá nhiều. 

Năm 1856, các nhà truyền giáo người Ý kêu gọi Hội Thừa Sai Paris. Đức Cha Paul Bigandet, truyền giáo tại tỉnh Tenasserim từ năm 1838, được sự sủng ái của Vua Mindon nhờ tài xử sự và kiến thức Phật Giáo của ngài. Điều này giúp các nhà truyền giáo đi truyền giảng Tin Mừng cho các dân tộc thiểu số nơi Phật Giáo chưa bén rễ: nhờ thế mà các cộng đồng Kitô hữu đầu tiên đã được thiết lập nơi người Karens ở phía nam Pathein và Mergui, nơi người Kachins ở đông bắc và nơi người Chins ở phía Tây. Từ năm 1866, các cha Dòng Truyền Giáo Milan trông coi Taungu và các tỉnh phía tây, mở nhiều khu Kitô giáo nơi người Karens. Nhiều người trẻ được gửi đi đào tạo tại chủng viện Penang và một hàng giáo sĩ địa phương được phát triển. Trong vòng 1 thế kỷ, 334 sinh viên đã được gửi qua Penang và 153 người đã trở thành linh mục. Khi Đức Cha Bigandet qua đời vào năm 1893, Giáo Hội đã được trồng vững chãi tại Miến Điện, và mọi giọng nói đều nhất tề ca ngợi ngài. Người Anh, người Miến, người Ấn Độ và nhiều người khác đặc biệt nhớ tới công trình giáo dục của ngài. 

Năm 1934, các nhà truyền giáo của Thánh Colomban phụ trách các lãnh thổ của người Kachin sát biên giới Trung Hoa trong khi các nhà truyền giáo Hoa Kỳ La Salette phụ trách vùng phía đông Akyab, rồi vùng Prome ở miền trung. Trước cuộc tấn công của Nhật năm 1942, Giáo Hội Miến Điện phát triển mạnh về mọi mặt, với nhiều công trình xã hội, nhất là trong lãnh vực chống bệnh cùi. Lãnh tụ giành độc lập Aung San, từ năm 1941, vốn đã lập ra một quân đội Miến Điện để chống lại người Anh, nhưng một số nhóm vô kỷ luật đã tấn công các làng Kitô giáo, chủ yếu trong vùng châu thổ; nhiều vụ tàn sát đã diễn ra.

Người Công Giáo, tấm gương hợp nhất trong một đất nước bị xâu xé

Trong chiến tranh, Aung San vốn cảm nghiệm các chia rẽ của đất nước ông, nhất là về phía người Karens và người Shans. Sau khi Nhật đầu hàng vào tháng 8 năm 1945, ông nghĩ tới việc tổ chức cuộc gặp gỡ liên sắc tộc tại Panglong để tạo nên một Liên Bang Miến Điện đích thực. Sáu tháng trước ngày độc lập 4 tháng Giêng năm 1948, ông bị ám sát ở Yangon bởi phe chính trị đối lập. Các rắc rối diễn ra sau đó là dịp để đủ loại băng đảng có vũ trang tính sổ các người láng giềng. Nếu khởi đầu chỉ người Karens theo phái Baptist bị nhắm, thì chẳng bao lâu sau, tất cả những ai không phải là Phật Giáo đều bị coi là đồng hóa với kẻ thù: nhiều trận đánh bọc hậu đã diễn ra, nhất là ở vùng châu thổ, nhiều căn làng bị tấn công và nhiều linh mục Âu Châu và địa phương bị giết. Các giám mục cố gắng hết sức để không đổ lỗi cho chính phủ nên họ đánh giá cao lòng trung thành của người Công Giáo hơn là người Baptist, là nhóm có mặt khá nhiều nơi người Karens và Kachins; những người này, trái lại, đã phản ứng một cách bạo động và ủng hộ các phong trào nổi loạn. Nhưng dần dần, yên ổ đã trở lại dưới một chính phủ dân sự và các cộng đồng Kitô giáo lại được phát triển. Các chia rẽ chính trị tiếp tục sâu xa và hoạt động của chính phủ trở nên yếu kém. 

Năm 1954, một phái đoàn linh mục của Miến Điện qua Rôma, và hàng giáo phẩm được thiết lập: hai trong số các linh mục này được tấn phong giám mục, Đức Cha Joseph U Win, người Miến, ở Mandalay, và Đức Cha George U Kyaw, người Karen, ở Pathein. Đây là dịp để Thủ Tướng U Nu bầy tỏ với các vị cầm quyền Công Giáo lòng ngưỡng phục của ông đối với các hoạt động của Giáo Hội tại đây. Nhưng song song, ông đã khuyến khích hoạt động truyền bá Phật Giáo bằng cách gửi các nhà sư tới các nhóm thiểu số, thậm chí tới cả nhóm sơn cước Chin, sát biên giới Ấn Độ ở phía tây bắc, nơi phần đông dân cư theo Kitô Giáo nên đâu có cần các nhà “truyền giáo Phật Giáo” này: các linh mục Công Giáo người Miến rất được hoan nghinh tại đây, còn các viên chức Miến thì không được hoan nghinh bao nhiêu. 

Năm 1956, tại Yangon, người ta cử hành lễ kỷ niệm 1 trăm năm việc Đức Cha Bigandet tới đây và việc thành lập một đại chủng viện bằng một Đại Hội Thánh Thể, trong đó, Giáo Hội Công Giáo qui tụ 50,000 tín hữu, đến từ khắp nơi trong nước. Dịp này, khâm sứ Tòa Thánh và Đức Hồng Y Gracias, đặc sứ của Đức Giáo Hoàng, đã được Thủ Tướng U Nu tiếp đón. Ông ca ngợi sự hợp nhất mà người Công Giáo đã nêu gương cho cả nước. Phần đông là người Karens, nhưng y phục nhận ra cả người Kachins, người Shans, người Labus, và nhiều sắc tộc khác nơi các Cha người Ý từng rao giảng Tin Mừng. 40 đại biểu đến từ sắc tộc sơn cước Chin đã đến góp vui trong dịp lễ này; quả thực Giáo Hội Công Giáo qui tụ mọi sắc tộc. 

Sự tan vỡ năm 1966: “Chúng tôi trở nên trắng tay trong một đêm”

Sau cuộc biểu dương lực lượng năm 1962, quân đội đã nắm quyền vào năm 1966 và buộc mọi nhà truyền giáo đến đây từ ngày độc lập phải ra đi. Mọi cơ sở giáo dục và bác ái của Giáo Hội bị quốc hữu hóa. Chứng cớ được cung cấp bởi các cựu học sinh của “Trung Học Giáo Dục Căn Bản Số 6” tức trường trung học công lập, trước đây có tên là “Trung Học Thánh Phaolô”, nằm cạnh Nhà Thờ Chính Tòa Đức Bà ở Yangon. 

Đức Tổng Giám Mục Yangon là Đức Cha Charles Bo, năm 2011, cho hay: “Chúng tôi trở thành trắng tay trong vòng một đêm. Thế nhưng, việc rao giảng Tin Mừng và công việc bác ái vẫn đã tiếp tục. Từ 8 giáo phận, chúng tôi đã vượt lên 16; từ 300,000, con số tín hữu đã tăng lên 750,000. Các linh mục lúc đó la 150 vị, nay các vị tăng lên 750; các tu sĩ lúc đó là 400, nay là 1,600. Về các giáo lý viên, phải kể hàng trăm. Mọi giáo phận đều lập một Caritas và tổ chức các hoạt động vừa có tính mục vụ vừa có tính bác ái".

Các người Công Giáo tiếp tục sống và tự phát triển, về con số cũng như việc tự lập, không pha mình vào chính trị. Đây không luôn luôn là thái độ của người Karens và Kachins theo phái Baptist. Cho đến nay, các nhóm nổi loạn này vẫn chưa hoàn toàn được bình định. 

Các giám mục Miến Điện luôn rao giảng hòa bình, không tỏ ra đối nghịch với hội đồng quân sự, và Giáo Hội nêu gương hợp nhất giữa các nhóm sắc tộc khác nhau. Nhờ thế, các linh mục Miến Điện, những vị từ đầu vốn tham gia vào việc phát triển truyền giáo nơi người Chin và người Kachins, dần dần thay thế các vị người Ấu Châu bị tống xuất và dần dần các vị giám mục được đề cử trong mọi giáo phận bất kể nguồn gốc. Nhờ thế, mà ngày nay, chúng ta có Đức Hồng Y Tổng Giám Mục Yangon, Đức Cha Charles Bo, người gốc Monhla, một trong các làng Kitô Giáo cổ xưa nhất ở phía bắc Mandalay, sau khi là giám mục Lashio, sát biên giới Trung Quốc. Đức Tổng Giám Mục Mandalay, Đức Cha Nicholas Mang Thang, là một người Chin ở Mindat; trước đây, ngài vốn điều khiển giáo phận Haka-Kalemyo. Việc thuyên chuyển các trách nhiệm này trong Giáo Hội từ vùng này tới vùng nọ là dấu chỉ cho thấy trong Giáo Hội Công Giáo, việc hợp nhất quốc gia là một thực tại. 

Sự hỗ trợ kín đáo của các giám mục Miến đối với Bà Aung San Su Kyi

Năm 1988, dân chúng nổi dậy chống nền độc tài quá nặng nề. Nhiều nhóm dân chúng đoàn kết trong cuộc đấu tranh và quả là nhẹ nhõm khi tất cả đều ủng hộ Aung Sang Suu Kyi, người từ năm 1988 đã trở thành hiện thân của quốc gia Miến Điện. Khi giam bà trong tù hay tại nhà, hội đồng quân sự chỉ gia tăng lòng ngưỡng mộ bình dân đối với bà và cuối cùng đã phải nhường chỗ cho một chính phủ trong đó, bà, chứ không phải uy quyền, có ưu thế tinh thần của một cố vấn quốc gia. Trong các biến cố này, Giáo Hội Công Giáo để các tín hữu tự do xử lý các chọn lựa chính trị của họ, chứng tỏ một sự thận trọng khôn ngoan.

Năm 2011, Đức Tổng Giám Mục Yangon, Đức Cha Charles Bo, tổ chức năm thánh kỷ niệm 100 năm nhà thờ chính tòa: 400 linh mục, 21 giám mục và 3 tổng giám mục, được vây quanh bởi một đám đông rất lớn ngồi chật ngôi thánh đường vừa được tân trang. Đây cũng là dịp để mời các đại diện của đoàn tăng sĩ Phật Giáo và nhất là Aung San Su Kyi, nhà nữ quán quân của tự do và dân chủ. Người ta hoan hô bà và điều này, một lần nữa, biểu lộ rõ sự hợp nhất của người Công Giáo thuộc đủ sắc tộc của quốc gia. 

Năm 2016, bất chấp sự ngập ngừng của quân đội, Aung San Suu Kyi đã tái tục các cuộc thương thuyết tại Panglong, việc mà cha bà đã dự liệu trước đây nhằm thiết lập ra Liên Bang quốc gia dựa trên sự đồng thuận của các nhóm sắc tộc, chứ không dựa trên sự đàn áp. Kết quả chưa có chi hiển hiện, nhưng mọi người đều biết rằng chính sự hiện diện của bà đã thống nhất xứ sở. Ngày nay, một số người tự hỏi liệu bà có đủ quyền lực để buộc quân đội phải tuân theo hay không; hiện quân đội đang tự tô vẽ là lực lượng bảo vệ quốc gia và Phật Giáo. Bất chấp các biến cố gần đây ở Arakan, xem ra các giám mục Miến tiếp tục ủng hộ bà, thấy nơi bà quả cân cân bằng duy nhất trước sự ngạo nghễ của quân đội.

P. Joseph Ruellen (Tháng 10 năm 2017)
(Nguồn: Eglises d'Asie, 27 tháng 10, 2017)