Hướng Về Tấng Lớp Thấp Hèn

14/04/2017
1876
Hướng về tầng lớp thấp hèn
     (Vers les humbles)
                                    
M.RI-GÔ
 
Tiểu thuyết lịch sử
 
Nhà xuất bản : Maison Bleue -  Paris                                              
 
Chuyển dịch: L.M.Lê Duy Lượng
                                            
 
 
Lời người dịch
 
Nhiều tác giả đã viết và viết rất nhiều về tình hình phát triển của Đạo Chúa Kitô cuối thế kỉ I ở Rôma, trung tâm của thế giới hồi đó. Đạo Chúa Kitô đã thấm sâu vào xã hội Rôma, tác động mạnh nhất vào tầng lớp nô lệ, dân nghèo, tác động cả vào tầng lớp quí tộc, thậm chí cả vào những thành phần vương giả trong cung điện hoàng đế. Cuộc “cách mạng nhung” đó đã bị dìm trong máu lửa. Tuy nhiên, chính giữa lúc bị bách hại ghê rợn nhất, thì đạo Chúa Kitô đã tỏ rõ là nó sẽ toàn thắng.
          Điều đó đúng hay không, chúng ta đang ở cuối ngàn năm thứ hai, chúng ta hiểu rõ, hiểu rất rõ.
          Trong tập truyện loại vừa này, tác giả muốn thông qua một câu truyện thật đơn giản, nhưng không kém phần gây xúc động, nêu bật cái quyết tâm đổi mới xã hội Rôma và thế giới bằng yêu thương, cụ thể là yêu thương đối với tầng lớp nô lệ, “những người thấp hèn” nhất hồi đó. Quyết tâm đó thể hiện nơi lời dạy được nhớ mãi của sứ đồ Gioan, lời thuyết giáo của giáo chủ A-na-cơ-lê, nơi hoạt động âm thầm nhưng rất mạnh mẽ của những con người vô danh, như thầy Cơ-ri-dô-pôx...Phun-vi-ô là người thuộc giai cấp quí tộc, nhưng đã bị giáo lí yêu thương của Đức Kitô chinh phục. Đến lượt chàng, chàng đã dùng quyết tâm đó như vũ khí. Thiên ân là điển hình cho những hoa trái của giáo thuyết yêu thương đó.
          Những người như Xcau-rô, Ban-bi-nô, Cơ-lau-đi-ô...và bao nhiêu người khác nữa chưa hiểu được điều kì diệu này. Nhưng một cách âm thầm, lặng lẽ, chất men Tin mầng tác động vào bột là cõi lòng con người....
          Ngày nay, phương pháp mới cho thời đại mới. Nhưng cái cốt yếu của Tin mầng vẫn là bác ái yêu thương. Chính bác ái yêu thương đang tiếp tục là men đổi mới thế giới.
          Chúng ta hãy sống bác aí yêu thương để góp phần của mình vào cuộc đổi mới không ngừng đó.   
   
                                                        
                                               
                                             Kỉ nguyên Cứu thế năm thứ 95
                                             Hoàng đế Đô-mi-xi-a-nô năm thứ 14
                                             Phơ-la-vi-ô Cơ-lê-men-tê chấp chính,
                                                     Đức A-na-cơ-lê giáo hoàng.
 
 
I.  Ác vàng đang lặn.    
 
          - Kìa ! Phun-vi-ô ! Gì mà vội thế ?
          Anh thanh niên con trai của quan chấp chính A-xi-li-ô Gơ-la-bơ-ri-ô toan bước nhanh qua hàng hiên của đại hoàng đường Giu-li-a. Nghe tiếng gọi, chàng dừng bước ngay, quay người lại :
          - A ! Té ra là Xcau-rô ? ...mới về ?
          - Đúng như cậu thấy đó ! Ba tháng nay, mình rảo khắp Hi lạp. Chà ! Cậu nên biết : dù là đứng trước A-cơ-rô-pôn (1), dù là đối diện với thần Dớt (2) ở Ô-lim-pơ, mình vẫn thấy thiếu vắng Rôma...Mình cần Ca-pi-tôn và Hí trường !
          - Ô ! Tôi tin là như vậy. Nào Xê-nê-ca của chúng ta đã không gọi Rôma là “phòng thí nghiệm của thế giới” là gì ?
          - Chà ! Cậu tuyệt quá, văn chương quá ! Cậu đã không nghỉ ngơi trong lúc mình đi vắng. Thầy của cậu có mạnh giỏi không ? Cụ Cơ-ri-di-pôx thời danh ấy mà ?
          - Vâng, khoẻ để phục vụ anh.
          - Tốt lắm ! Cám ơn lắm. Công việc nghiên cứu làm mình cảm thấy nặng nề. Nghề hùng biện hết còn quyến dũ mình. Mình lối cho cậu đấy ! Mình, ừ, mình là con người của tiệc tùng và lạc thú. Chỉ cái đó mới làm mình chịu nổi dưới bầu trời A-ten.Hoan hô khoái lạc,nào Phun-vi-ô !
          Chàng thanh niên điểm một nụ cười lạ kì :        
          -  O ! Ê-pi-cu-ri-ô đã xâm chiếm anh rồi, tôi nghĩ thế. Nhưng tôi không nhất trí với anh về điểm này : lạc thú giác quan không có gì đáng kể.
          - Thôi ! Cậu là người “ngoại đạo” đối với món đó. Mình nói cho cậu biết : không có cái gì  đáng giá bằng niềm vui của sự xa hoa và tình yêu. Này ! Phun-vi-ô, thiếu những cái đó thì sống không còn là sống nữa.
          - Tôi có ít hi vọng thuyết phục được anh. Nhưng tôi xin nói với anh điều này, vì đây là điều đúng thật : niềm vui của lao động và của sự thanh tịnh là không gì sánh kịp. Về món này, thì anh lại là người “ngoại đạo” rồi. Anh hãy đọc lại những bức thư của Tun-li-ô Xi-xê-rô, anh sẽ thấy rằng bậc danh nhân đó khẳng định rằng không gì đẹp bằng nhân đức.
          - Thề có Giu-pi-te. Chiều nay cậu kì quá ! Ngày mình rời Rôma, cậu đâu có như vậy.
          - Có lẽ. Tôi đã suy nghĩ và đã so sánh nhiều.
          - Ô!. Cậu rõ khéo bày chuyện. ở Rôma này, đâu là chỗ chàng Phun-vi-ô đáng mến nhìn ngắm nhân đức nào ?
          Rồi không đợi Phun-vi-ô trả lời, Xcau-rô bật lên cười, cái cười thô lỗ làm xấu thêm bộ mặt ăn chơi vốn đã xấu của hắn. Hắn giang tay về phía cuối Quãng trường :
          - Cậu đã có dịp tình cờ vào cung điện của các sãi Vet-xtan chưa ?(3). Hắn nói tiếp. Giọng mỉa mai. Mắt nhìn thâm ác.
          Phun-vi-ô tỏ một cử chỉ khinh thường:
          - Tôi có thể vào đó với thái độ hiên ngang. Nhưng tôi cũng chỉ có thể gặp nơi đó nhân đức miễn cưỡng. Không may có những người khác đã vào đó.
          Xcau-rô xích lại gần anh thanh niên, vẻ tò mò, rồi hắn hạ giọng :                     
- Các sãi Vet-xtan đã phá giới sao ?        
             - Không phải tất cả. Số nửa thôi. Phun-vi-ô nói giọng chua chát. Ba trên sáu : một họ Va-rô-ni-la và hai họ Oc-xen-la-ta.
          - Thế người ta đã thi hành luật chưa ?
          - Chưa hẳn. Người ta cho họ chọn lấy cực hình (4). Nhân đức gì mà chỉ tồn tại nhờ sợ chết !
          - Cậu thấy đó. Phun-vi-ô tội nghiệp của mình ơi, nếu ở đó mà cũng không có nhân đức, thì ở đâu có nữa ?
          Phun-vi-ô ngần ngại. Mắt chàng đăm đăm nhìn lên nền trời bao la đỏ nhạt phía Ot-xti. Rồi chàng thì thầm :
          - Thời tiết quá xấu, nên nhân đức đang ẩn mình. Cũng như mặt trời sáng mai sẽ ngập tràn quãng trường này, một ngày kia nhân đức sẽ tỏ lộ...một ngày kia, có thể là sắp tới.
          Xcau-rô nhìn chàng một cách vờ vĩnh:
          - Đúng là mình không nhận ra cậu nữa rồi. Giờ thì cậu là nhà bi quan chủ nghĩa.
          Phun-vi-ô chối :
          - Bi quan, không. Nhưng tôi đã nói với anh. Tôi suy nghĩ và tôi so sánh. Tôi thấy gì trong Rôma này nào ? Những công dân ươn lười, luôn luôn bằng lòng với quyền bính, vì họ được hưởng no nê lòng rộng rãi của những kẻ có quyền : những khách hàng lớn, nhất là khách hàng nhỏ, được “chủ ông” cho nhà ở không mất tiền, được nhận từ các chức sắc hay nhân viên công lực, nào lúa mì, dầu, rượu và những đồng tiền ; những nhà tắm Titô cho tắm miễn phí, những hàng hiên A-gơ-ri-pa tha hồ tắm nắng, được án quan ở hí trường cho xem trò vui không vé; càng cho, họ càng yêu sách. Ơ tầng lớp cao hơn, là những con người ích kỉ, những quí tộc giàu có do thừa kế hay do mới làm ăn nên nổi , những kẻ chỉ sống cho mình và chỉ có một bản năng : là tìm lợi ích cá nhân bằng cách nghiền nát lợi ích người khác, thậm chí không nghĩ là bên trên họ còn có lợi ích của Đế quốc hay Xã hội...Hoàn toàn là “giá áo túi cơm”, chỉ lo cho mình có được cỗ xe khảm ngà, những con tuấn mã chạy nhanh nhất, những nô lệ tài khéo nhất,những món ăn ngon miệng nhất, lạc thú dưới đủ mọi hình thức và liên lỉ không bao giờ ngừng. Những tay ham mê nghệ thuật ít nhiều hợm mình, từ giai điệu mê li của đàn luýt, chuyển sang những cảnh trình diễn dơ bẩn, những kịch câm trên sân khấu và từ lối hưởng lạc đáng hổ thẹn, chuyển sang những cuộc hẹn hò sang trọng, trên những biệt thự nổi bồng bềnh mặt biển, ở a-tơ-ri-um hay ở Ot-xti. Họ là những người có quyền lực, vì họ có vàng và có văn hoá xã hội. Nhưng họ là những người tai hại, vì họ không muốn là những con người, mà cũng không chịu làm nên những con người.”
          Chàng dừng nói. Xcau-rô dù không muốn, cũng đã lắng nghe, không ngắt lời, vì bị khuất phục bởi giọng nói chân thành của cậu thanh niên.
          - Nói tiếp đi ! Cậu hùng biện thật đấy. Hoan hô Cơ-ri-dô-pôx!
          - Anh có thể cười nhạo . Nhưng điều tôi nói là đúng thế. Bên trên là những người giàu có bắt kẻ khác lao động ; ở giữa là những kẻ ăn xin không thể lao động; dưới cùng, những người nô lệ lao động cho những người khác và những người này thì giày đạp họ như người ta giày đạp những chùm nho trong hầm. Mà thật ra, tôi tự hỏi phải chăng đó không phải là hạng người tốt nhất trên đời?
          Có tiếng kẽo kẹt của một cỗ xe nặng, làm Xcau-rô không đáp n chỉ nhún vai, quay mặt nhìn đồi Ca-pi-tôn.
                                          
                                                      
 
         
         
 
 
     Vào lúc một ngày hè sắp kết thúc, Đại Quãng trường thật rực rỡ. Anh nắng tàn hắt lên đền Giu-pi-te vừa được Hoàng đế Đô-mi-xi-a-nô xây lại. Những mặt hoa cương trắng nổi lên những đường vân đỏ tía; những mặt dát vàng, mỗi mặt như một tấm gương, hắt ánh sáng lên Cột Mốc(5); và xa hơn, trên dinh thượng tế, trên những tam cấp đền Cat-xto, ánh nắng vàng trở thành những vệt dài rực rỡ. Dãy trụ quan toà Lưu trữ, hàng hiên Thập nhị thần,vô vàn tượng dựng lên hai bên Thánh lộ, giải những luống tối chạy dài, đan chéo với những chùm sáng đỏ đó, rồi không lâu sau, lấn át cả chúng. Diễn đài (6) trống vắng. Người ta từ các hội trường đi ra : vào cái giờ tắt nắng này, người người đua nhau ra ngoài Rôma hít thở không khí trong lành. Cuộc sống dồn lại, huyên náo nơi những vườn trại do những bậc thầy có tiếng nhất thế giới xây lập nên, trong những biệt thự ngoại ô, tận mãi trên những đại lộ ngoại thành, hai bên là những lăng mộ và cư xá.
          Đôi bạn thân nếm hưởng một lúc những cảnh tưng bừng và những cái trái ngược. Đúng đây là phòng thí nghiệm của thế giới : trong những thành đồn, những hàng hiên, những lối đi chiến thắng kia, các Xê-da đã mỗi khi một ít thực hiện trong một tổng hợp đồ sộ những huy hoàng của toàn thế giới. Những kiệt tác của Hi lạp, những phú túc của Giê-ru-da-lem, những hương liệu Ai cập, hoa cương của Ca-pa-đô-xi-a, đồng Cô-rin-tô, pha lê A-lec-xăng-đơ-ri-a,quả cây Tây ban nha, ngựa I-đu-mê-a, thú rừng An độ, nhất là các dân của địa cầu, người văn minh và người man di, Hi lạp và Do thái, Nu-mit và Xi-căm cũng như Xi-ta, tất cả những thứ đó tan chảy, pha trộn trong cái lò đúc khổng lồ, từ đó, chói ngời trước con mắt choáng ngợp, vinh quang của danh hiệu Rôma.
          Dưới chân Ca-pi-tôn, một cỗ xe do những người nô lệ kéo đang chậm chạp lăn bánh trên mặt đường.
          - Cái gì thế ? Phun-vi-ô hỏi.
          - Mình chả biết. Xcau-rô đáp. à! Lúc nãy cái tên ba hoa Tơ-ra-dê-ax, cái thằng gì cũng biết ấy, nó kể với mình rằng tối nay, người ta định dựng một tượng thần Phoóc-tu-na, hình như lấy ở kho tàng vật quí ở Đen-phơ. Hẳn là người ta đang chở tượng ấy đến.
          Bổng một mệnh lệnh ngắn gọn truyền cho tốp nô lệ rẽ qua phải. Cái trục xe nặng rít lên. Nhưng vì mặt đuờng chỗ ấy nghiêng, cỗ xe húc vào một cột mốc.
          Một tràng tiếng rủa vang lên : người chỉ huy tốp nô lệ vọt lên phía trước, giơ cao ngọn roi da, tới tấp quất mạnh vào khối người. Những tiếng
 rú đau đớn : trên những cái vai trần, những cánh tay trần, hằn lên những làn roi, lặn sâu xuống, máu lênh láng thân mình.
          Phun-vi-ô không cầm được một tiếng kêu kinh tởm. Còn Xcau-rô thì ngay sau đó, hắn lấy thế làm thích chí hả hê.
           - ồ! Nhà thi sĩ đa cảm ơi ! Mới chừng ấy mà cậu đã mủi lòng rồi !
          Phun-vi-ô lại ngần ngại. Thật ra trong cái thành Rôma này, cảnh nô lệ bị coi như thú vật là chuyện thường quá. Chính mình chàng hồi còn non trẻ, cũng đã không mấy lưu ý. Nhưng, như chàng vừa mới nói với Xcau-rô, mấy tháng nay, chàng đã đổi khác. Cuối cùng, chàng nói :
          - Đối với tôi, đây không chỉ là vấn đề tình cảm. Khi tôi muốn, tôi cũng có thể cứng cỏi được. Nhưng tôi không tài nào chịu nổi cái cảnh người ta hành hạ con người như một con vật.
          - Chà ! Nô lệ đâu phải là người !
          - Anh lầm rồi. Phần tôi , tôi không thấy có gì khác về loại giữa những người nô lệ của tôi và bản thân tôi. Chỉ có thân phận là khác thôi,
          Xcau-rô cười khẩy :
          - Đành rằng nô lệ của cậu không phải là những con lừa. Nhưng thân phận chúng đủ để biện minh tất cả. Mặt khác, thưa nhà luật học, đây là luật.
          - Luật có thể lầm.
          - Có lẽ. Nhưng mình thì mình mua nô lệ như mua một cái lọ Pha-lec-nơ : đó là một vật, mình làm gì nó tuỳ mình.
          - Không, anh Xcau-rô ạ. Trong con người, có một cái gì mà anh phải tôn trọng.
          - Vậy, thưa nhà lí thuyết gia tài tình, mình có thể biết đó là cái gì không ạ ?
          - Thế này ạ. Nơi  họ có nhân phẩm. Anh là người. Họ là người. Họ có lí trí như anh, có lương tâm như anh, một ý chí tự do như anh. Và, dù với chỗ dựa của luật pháp, anh vẫn không được quyền lạm dụng họ.
          - Cậu nói càn rồi. Phun-vi-ô ạ !
          - Không. Tôi có thể trích dẫn Xê-nê-ca : ông cho là có bình đẳng giữa nô lệ và người tự do.
          - Còn mình, thì mình có thể trích dẫn một trong những bậc thầy của cậu, đó là A-rit-xtôt người Hi lạp. Ông tuyên bố : “nô lệ không có khả năng hưởng hạnh phúc và tự do tài phán”(Chính trị hoc III,7).
          - A-rit-xtôt đã lầm. Thế thôi.
          - Kì quá ! Luật pháp lầm.A-rit-xtôt lầm. Mọi người lầm. Chỉ có một người không lầm, đó là anh chàng Phun-vi-ô Gơ-la-bơ-ri-ô.
          Hắn ngừng một lát, rồi chậm rãi nói :
          -Lẽ nào một cách tình cờ,cậu đã gia nhập Do thái giáo chăng ? Người ta nói rằng bọn người đó đối xử với nô lệ như bầy vai. Thế thì không xa Xpac-ta-cô mấy nữa rồi !(7)
          Trước miếng đòn trực diện đó, Phun-vi-ô tái mét mặt. Xcau-rô thấy rõ và hắn hài lòng :
          - Dẫu sao, này anh bạn thân yêu của mình ơi, cái đó là quyền của cậu. Nếu cậu thích giải phóng nô lệ của cậu, hoặc thậm chí mời chúng ngồi ăn cùng bàn, tuỳ cậu! Đó là cách mạng thuần tuý, đơn giản rồi. Nhưng mà ai có gu nấy. Tối rồi. Mình được mời ăn ở nhà Quyn-tô Mê-ten-lô. Cậu cho mình chia tay nhé ! Nhân tiện, mai mình sẽ có bữa tiệc chiêu đãi bạn bè để mầng mình đi về bình an. Mình mong cậu đấy !
          - Cám ơn. Nhưng tôi mà vác cái bộ mặt cách mạng  xấu xa này đến sẽ làm bữa tiệc liên hoan mất đẹp. Cho tôi kiêú thì hơn.
          - Thôi ! Thôi ! Đừng giận nào ! Nếu mình đã làm mất lòng cậu, mình xin rút lời lại. Mình muốn cậu phải có mặt giữa chúng ta. Đồng ý rồi. Phải không nào ?
          Phun-vi-ô thấy không thể từ chối.
          - Vâng, tôi nhận lời.
          - Vậy là ngay mai nhé! Quãng 10 giờ.
          Và hai người trai trẻ rời nhau.
                                              
                         
 
         
            Đến góc đền thờ Xa-tu-a-na, Xcau-rô ôm chầm lấy Tơ-ra-xê-ax. Anh chàng này đang chạy săn tin. Hắn chặn anh lại.
          - Mày không biết ư ?
          - Biết chứ ! Tớ biết Pho tượng Pho-tu-na mới này, quan chấp chính mệt này, Vi-cux Pa-tơ-ri-xi-ux cháy này, vụ kiện hiệp sĩ Phut-xcô này...
          - Mới hơn thế nữa kia. Rõ là mày không biết mọi cái. Đồ láo phét ! mày có nghĩ rằng Phun-vi-ô Gơ-la-bơ-ri-ô ...
          - Con trai quan chấp chính A-xi-li-ô ?
          - Đúng. Này nhé. Đã ba tháng nay, nó không còn là nó nữa.
          - Chà ! Như thế à !
          - Thì tao đã nói với mày mà. Giờ đây nó là...Thế này, thôi, tao nghĩ mày đừng biết thì hơn ! Mày béo mép quá!.
          Mặt Tơ-ra-xê-ax tỏ vẻ thất vọng, đến nỗi Xcau-rô bật cười.    - Nhưng mày chịu khó chờ một ít. Không thiệt gì đâu. Mai mày đến dự tiệc mầng tao trở về, quãng 10 giờ. Tao dành cho tất cả tụi mày một cái bất ngờ. Sau đó, mày muốn đàm luận gì về chuyện đó, mặc bọn mày.
 
 
         
            Hắn đi xa rồi  mà cái cười hiểm ác của hắn vẫn còn vang mãi trên  con đường vắng vẻ.
          Sau khi chia tay với Xcau-rô, Phun-vi-ô đứng lại một lúc. Miên man suy nghĩ.
          Khi câu chuyện giữa hai người sắp kết thúc, cỗ xe thoát khỏi trục trặc, đã lại lăn bánh thoải mái, và rồi tốp nô lệ  dỡ pho tượng quí và cái bệ tượng xuống khỏi xe. Giờ thì trong cảnh tranh tối tranh sáng, họ sắp đặt tất cả để rạng đông là dựng tượng lên.
          Thật ra, hoàng hôn đã xuống. Trên Quãng trường, một thinh lặng mênh mông bao trùm tất cả. Những bóng tối đã ngả dài quá mức, rồi tan biến và trong khi đỉnh Ca-pi-tôn còn hội tụ một ít ánh hồng, thì tất cả những khối kiến trúc đều nên bình đẳng với nhau trong bóng tối.
          Bao giờ thì việc đó xảy đến nhỉ ? Chàng trai nghĩ bụng. Trên tất thảy những sào huyệt thần tượng kia, có ngày Đức Kitô phải ngự trị. Ngày nào ?  Sớm hay muộn ? Nhưng Người sẽ ngự trị. Giữa cái tâm điểm của thế giới này, sắp tới, có lẽ thế, Thánh Thể và Tiệc Yêu thương sẽ được cử hành.
          Một nụ cười làm giãn những đường nét trên khuôn mặt chàng. Chàng bước nhanh qua Quãng trường thênh thang, vòng quanh Pa-la-tin (8),đi vào đường Khải hoàn.
                                              
 
 
                                            
II. Trong An Bình
 
Phun-vi-ô Gơ-la-bơ-ri-ô bước vào tuổi 19. Thân phụ chàng làm quan chấp chính, thôi việc đã 4 năm. Ông giao việc dạy con cho một trong những nô lệ đã được phóng thích của ông. Đó là Thầy Cơ-ri-dô-pôx, người Hi lạp. Thầy có nhiệm vụ dạy cho chàng môn triết học và Luật học. Sẵn một trí khôn sắc sảo và lòng ham mê hiểu biết, chàng thanh niên nhanh chóng tiến bộ. Để giải lao sau những giờ học nghiêm túc, chàng trao đổi về văn chương và âm nhạc. Môn sau này, chàng rất sở trường. Ơ Rôma, người ta bắt đầu biết tiếng chàng vì sự phong nhã và tài văn chương.Và quan chấp chính, thân phụ chàng, không tiếc lời khen ngợi và ban thưởng thầy Cơ-ri-dô-pôx.
          Là một kitô hữu được thánh Phaolô rửa tội 3 chục năm về trước và đã sống sót sau các cuộc bách hại, buổi đầu Cơ-ri-dô-pôx không bao giờ ngưng nghỉ việc tông đồ truyền giáo. Học trò của Thầy, ngưòi học tròi mà những phẩm chất tốt đẹp đã là một môi trường có một không hai cho hoạt động của Thầy, chàng đã không thoát khỏi sức thuyết phục của giáo thuyết và cảm tình của Thầy.Từ hai tháng nay, Phun-vi-ô hiến thân cho Đức Kitô và ơn phép thánh tẩy đã kiện toàn chàng một cách lạ lùng.
          Được thân phụ nuôi nấng một cách kiên nghị, được Thầy Cơ-ri-dô-pôx hướng dẫn một cách khôn ngoan, đã quen qúi chuộng mọi cái gì là thanh khiết đẹp đẽ, biết lặng lẽ sử dụng quyền đánh giá của mình để định giá điều mắt thấy tai nghe, được dạy cho biết đúng thời điều phải học và được huấn luyện cách có phương pháp để vận dụng ý chí tự do của mình, chàng thanh niên đã tránh thoát được những xấu xa của Rôma.
          Trên miếng đất trinh khiết đó, mỗi khi một ít, thánh sủng đã xây nên một thánh đền sự sống siêu nhiên đồ sộ. An sủng đó soi sáng trí khôn, thăng hoa thị hiếu và khiếu thẩm mĩ, nên đã đặt vào con tim một ngọn lửa hào hiệp làm nhà hiền triết lão thành vô cùng mầng rỡ.
    
 
          Mỗi khi có thể, Phun-vi-ô đến dự những cuộc tụ họp của cộng đoàn kitô hữu để nghe nói về Đức Kitô và tham dự lễ Bẻ Bánh. Khi Xcau-rô gọi chàng trên Quãng trường, chính là lúc chàng đang trên đường đi tới đó.
Bị trễ vì cuộc dừng chân ngoài ý muốn đó, giờ đây chàng vội vàng lách mình giữa đám người du ngoạn mà chàng gặp ở cuối Cửa Ca-pen và trên đường A-pi-a.
          Đến quãng cột mốc số 3, giữa hai lăng mộ, chàng rẽ phía tay mặt, đi qua một lùm cây bách, rồi một khu vườn rộng và đến gõ vào một cánh cửa thấp, ẩn trong một đám dây thường xuân. Chờ một lúc lâu, chàng có ý nghĩ mình đến trễ qúa, phải  rút lui thôi. Nhưng một tiếng chìa khoá lách cách đang xỏ vào ổ khoá làm chàng vững tâm.
          Cánh cửa cẩn thận hé mở : một tia sáng chói chang từ một chiếc đèn xách tay chiếu lên mặt chàng.
          - Ô ! Là ngài, thưa ngài Phun-vi-ô !
          - Phải. Tôi đây, bác Cơ-lê-tô ạ. Còn kịp chứ ?
          - Thưa kịp ạ. Đức Giáo chủ nói chưa xong. Thánh lễ chưa bắt đầu ạ.
          Và người gác cửa rút lui, dành lối cho chàng thanh niên bước tới. Phun-vi-ô bước xuống ba bậc cấp đưa tới nghĩa trang Lu-xi-đa, men theo một lối đốc và hẹp dần, tới một đường hầm chật chội, chỉ đi được mỗi lượt một người. Lác đác hai bên có những ngọn đèn dẫn đường. Chàng gặp thấy những lối ngang, cửa vào là đâu thì vì đêm tối nên chỉ có thể ước đoán mà thôi. Sau nhiều khúc quanh, chàng nghe âm vang một giọng nói mạnh mẽ, chậm rãi buông từng tiếng một. Chàng bước nhanh lên. Không lâu sau, đã thấy mình ở trong một căn phòng rộng, trong đó có 5 chục người đang đứng nghe, đàn bà bên trái, đàn ông bên phải. Cuối kia, trước một mô cao, nơi yên nghỉ của một vị tử đạo, một thiếu nữ bị thập hình, Đức A-na-cơ-lê đang nói.
          Người đang nói về lòng yêu thương.
          Phun-vi-ô chiếm chỗ trong một hốc đá hồng nhạt.
          Cụ già nói :
         “ Hỡi các con nhỏ của tôi, các con hãy có một tấm lòng cao thượng. Ai yêu thương, chỉ có người đó mới có thể làm được những việc lớn và có thể chiến đấu dũng cảm.
          “ Tinh thần nhẹ nhàng, thể xác thì yếu đuối. Nào thụ tạo dễ hư nát là gì ?  Lẽ nào nó ngăn chặn con mắt các con, xâm chiếm trí óc các con sao ? Nó có đáng ta bỏ công triù mến không ? Ôi tình yêu hư ảo, mong manh, không làm người ta no thoả, và chỉ làm người ta khóc lóc khi nhớ lại nó. Các con hãy yêu mến Đức Giê-su Kitô !”
          Cụ già giơ tay chỉ bức hoạ trên trần hầm. Một thánh giá latinh cỡ lớn, hai bên là hình một phụ nữ đang cầu nguyện và hình Người chăn chiên tốt vác chiên lạc trên vai.
          “ Chính Người là Đấng đầu tiên đã yêu thương chúng ta. Người đã mặc hình hài một người nô lệ. Người sinh ra, người lớn lên cho thập giá. Người đã chấp nhận với tất cả cõi lòng thần linh của mình, vì chúng ta, những roi đòn, gai nhọn, đinh sắt. Chính Người là Đấng chúng ta phải yêu mến, yêu mến đến sẵn sàng chịu cực hình ngựa gỗ, nanh vuốt sư tử giữa hí trường.
          “ Ngày đang lên, tuy chúng ta có thể không thấy nó ló dạng. Hơn là chúng ta tưởng, tiếng Chúa có thể kêu mời chúng ta làm chứng bằng máu. Hãy tranh thủ thời gian còn lại để yêu thương. Hãy củng cố sức mạnh linh hồn chúng ta bằng yêu thương”.
          Trong im ắng, những lời trang trọng đó, từng tiếng, từng tiếng buông xuống, làm các con tim đập mạnh. Từ bức hoạ, các con mắt lại hướng về bàn thờ mộ của vị nữ tử đạo. Có một cái gì đó thật thống thiết và hào hùng trong cái đi lại từ Thầy sang môn đệ, từ Đấng chăn đến con chiên, từ Thập giá đến người thiếu nữ bị xử thập hình.
          “Hỡi các con yêu của Tôi, chúng ta hãy yêu thương nhau. Để chúng ta học biết yêu thương nhau, Đức Kitô, mặc dầu trong quyền uy của Người, Người nắm trọn ý muốn của Xê-da, nhưng Người  đã phái đến với chúng ta người môn đệ cuối cùng của mình là Gioan”.
          Cụ già vừa nhắc đến cái tên hồng phúc đó, Phun-vi-ô thấy cử toạ giật mình. Nhiều người trong họ năm trước đã được nhìn ngắm tận mắt ngay tại Rôma này vị Tử đạo đáng kính trước và sau cuộc tuẫn tiết vẻ vang của người. Họ nhớ lại khuôn mặt hiền dịu đã từng tựa vào ngực Đức Kitô, mà tuổi tác đã không thể làm khuôn mặt đó tàn héo đi được. Nó vẫn mãi toát ra sự thanh thản của tâm hồn. ánh mắt phượng hoàng ấy, sâu mà hiền dịu, nhiều lúc như nhìn thấy bên kia hiện tại, trong dĩ vãng hay tương lai ; đôi bàn tay xanh xao, luôn sẵn sàng chúc lành hay vỗ về ; tính nết hiền hậu trinh bạch làm người ngoại giáo phải sửng sốt, đã từng quyến dũ được hơn một người, chinh phục được nhiều người trong số những người có mặt đây cho Đạo thánh.- Và cử toạ rưng rưng nước mắt.
          “ Mỗi khi chúng ta có thể tiếp cận Người, anh chị em hẳn còn nhớ những câu nói luôn luôn ở cửa miệng Người. Người nói : Hỡi các con nhỏ của Tôi, anh chị em hãy yêu thương nhau !”Ôi!chúng ta như bị chinh phục, khi thấy Người đã từng được Thầy thần linh âu yếm thế ấy, mà lại giang rộng cánh tay cho chúng ta và chia sẽ tình thương của mình cho chúng ta cách rộng rãi như vậy!
          “ Cho nên, chúng ta hãy yêu thương nhau. Những anh chị em giàu có, hãy ở tốt với những người tôi tớ; hãy chăm sóc cả linh hồn cả thể xác họ ; khi truyền lệnh cho họ , hãy nhớ rằng anh chị em có một Chủ ở trên trời; nhớ rằng họ cũng có một Thiên Chúa chung với anh chị em, và Thiên chúa đó sẽ xét xử cả hai bên, không căn cứ vào thân phận từng người. Hỡi anh chị em làm tôi tớ, hãy vâng lời chủ của anh chị em như vâng lời Đức Giê-su Kitô; hãy phục vụ họ cách ngay lành, để làm vui lòng Chúa, chứ không để làm vui lòng người ta.
          “ Các con hãy cầu nguyện cho nhau, hãy tương thân tương ái giúp đỡ nhau, đừng để ý tưởng ghen tương hay ác độc lẻn vào giữa các con. Đừng xét đoán để khỏi bị xét đoán. Uớc gì cử chỉ đầu tiên của các con là tha thứ, chứ không phải là lên án. ước  gì lòng các con sẵn sàng cắt nghĩa mọi sự ra điều lành. Những người có của hãy yêu thương nghiêng xuống những người nghèo nàn, những người thấp hèn. Hãy tặng họ tiền của của mình, hãy tự tay mình ban tặng, hãy ban tặng với thái độ chân thành niềm nở.
          “ Các con hãy yêu thương nhau !”
 
                       
 
          Ngồi cuối nhóm, Phun-vi-ô lắng nghe một cách say sưa bài giáo huấn đó, tiếng vang của bài ca đang rộn rã trong tâm hồn chàng.Ô, phải rồi, yêu thương nhau, thật là tuyệt. Xung quanh chàng, quí tộc và thứ dân, nô lệ và tự do, tất cả đang ngồi thành  một vòng tròn bao bọc lấy chàng, không phân biệt.
          Đang khi trong thế giới ngoại giáo, tất cả tha hồ mà giày xéo chà đạp nhau ,- Xê-da giày đạp dưới chân mình các nghị viên nguyên lão và nịnh thần và tịch thu tài sản của họ ; quí tộc thì hận thù tố giác nhau không hề nguôi ; bình dân thì thích chè chén hưởng lạc, xô nhào địch  thủ; công dân áp bức man dân; cai đội đánh đập nô lệ,- thì Phun-vi-ô, từ khi ở trong xã hội kitô giáo, chàng cảm thấy làn gió thơm mùi bác ái lùa qua, từ khi chàng ngắm nhìn cuộc đấu tranh này, cuộc đấu tranh dịu dàng đối với kẻ tự xoá nhoà mình, đối với kẻ quên mình vì anh em, thì thật sự chàng đã được nếm hưởng những niềm vui cao quí nhất đời. Con tim duy nhất ấy, linh hồn chung ấy, hoàn toàn thanh khiết hiền hoà, tế nhĩ và thẳng thắn, nơi đây người ta tư tưởng như nhau, nói và làm đi đôi, ước vọng đúc kết thành một ước vọng, làm vinh quang Thiên Chúa bằng hiến tế cá nhân. Tất cả cái đó đã xâm chiếm con tim và linh hồn chàng. Trên vách phòng họp, hoa huệ hoa hồng đan quện vào nhau : nhưng còn kém hợp nhất, kém thơm hương hơn tất thảy những cõi lòng yêu thương nhau đó.
          Đức A-na-cơ-lê đã ngưng nói . Với sự phụ tá của hai linh mục mà một là nô lệ phóng thích, Người ban bí tích thánh tẩy cho mấy anh em nô lệ. Trong lúc đó, cộng đoàn hát Thánh vịnh.
          Rồi Người trở lại phía cuối phòng và trên mộ vị nữ tử đạo, Người khởi đầu Thánh lễ. Cử toạ người này tặng người kia cái hôn bình an, trong lúc một người hầu lễ mang bánh và rượu nước dâng tiến đến. Vị giáo chủ nhận lấy, đặt trước mặt mình, trên khối đá và Người thả hồn miên man theo lời Kinh nguyện Thánh Thể. Khi lời kinh kết thúc với những lời Truyền phép Mình Máu Đức Kitô, toàn thể cộng đoàn hô lên trong một niềm hân hoan chung : A-men ! A-men !
          Thế rồi hai phó tế đi giữa các hàng người, mang theo các Hình thánh và những chén bằng thủy tinh. Từng người lần lượt giơ hai tay đón lấy Mình Chúa Giê-su và uống một ít Máu Người trong chén. Khi mọi người đã hiệp lễ xong, một bài ca cảm tạ vang lên trong hầm. Bài ca sau cùng.
          Bây giờ từng người một, các tín hữu đi về phía cửa Toại đạo và lọt vào gian nhà ăn, thông với biệt thự Lu-xi-đa. Nơi đây, một căn phòng rộng, xung quanh là những dãy ghế dài, giữa là một chiếc bàn bày biện thân mật, mọi người bắt đầu bữa Tiệc Yêu thương.
                                       
                         
                                 
          Phun-vi-ô ở lại trong hang hầm. Khi vị giáo chủ sắp đi ra, chàng cung kính chào và quì xuống hôn tay Người.
          - Kià ! Con Cha, Cha chúc lành cho con. Thầy Cơ-ri-dô-pôx
của chúng ta thế nào ?
          - Thưa Cha, con đến trình Cha biết Thầy Cơ-ri-dô-pôx đau đã hai hôm nay.
          - Tuổi tác và công việc chất nặng trên vai Thầy : mai sẽ có một phó tế mang Mình Thánh đến cho Thầy. Còn con, thế nào ?
          - Ô ! Thưa Cha, sung sướng quá ! Ơ đây người ta sống khoan khoái biết bao ! Hồi nãy, trên Quãng trường, giữa những tượng thần, con đã trao đổi với anh chàng ngoại đạo Xcau-rô. Giữa hai chúng con, là cả một bức tường. Con thấy con không thể nói cho anh  ta biết điều con có trong lòng. Còn ở đây, người ta hiểu nhau, người ta yêu thương nhau biết dường nào !
          Cụ già tươi cười ngắm vầng trán thanh khiết của chàng trai, cũng như đôi mắt to rực lửa của chàng:
          - Chà ! Phun-vi-ô hăng nồng của Cha có cái gì trong lòng. Cha có thể biết được không nào ?
          - Thưa Cha, đang lúc con nói chuyện với Xcau-rô, con thấy người ta đánh đập những người nô lệ trên Quãng trường. Vậy mà Xcau-rô cho đó là việc rất tự nhiên.
          - Than ôi ! Satan là tên giết người ngay từ đầu. Kiêu căng đòi đổ máu.
          - Thưa Cha, bất công quá ! Người ta chất nặng quá sức họ, thì có phải là lỗi tại họ đâu ! Chà ! Nếu lúc đó con đã không nghe theo tiếng đập của con tim con, thì con đã đi ngay tới chỗ tên chỉ huy và...
          Chàng ngưng hẳn. Vị giáo chủ cười mỉn. Một chút bất nhẫn cố kích động chàng, nhưng chàng đẩy lùi ngay. Chàng cũng tươi cười :
          - Thưa Cha, Cha bảo như vậy là đứa con của cha đây chưa trở lại.
          - Xin lỗi, hỡi con của cha. Bằng chứng mạnh nhất cho thấy đứa con đó đã đổi khác, ấy là giờ đây nó đầy lòng yêu thương đối với những người khốn khổ.
          - Vâng ạ! Những người khốn khổ không có gì là của họ cả, dù là lao động, dù là giấc ngủ hay thân xác họ, con cái họ, mạng sống họ. Ai chịu được tình trạng đó ?  Lúc nãy, thưa Cha,Cha nói : “ Hỡi các người tôi tớ, hãy vâng lời chủ các con!” Nơi chúng con thì đúng, vì chúng con đối xử nhân đạo, yêu thương. Còn nơi  họ, nơi đại chúng, noi các nghj viên, cũng như nơi nhưng công dân rốt hết, thì không phải là vâng lời, mà là sát tế ! Đúng là,- chàng càng nói càng hăng say,- đúng là có những giờ khắc, trong cảnh người bóc lột người này, trông thấy họ bị nghiền nát vì lao động, trở thành đồ vật trong tay chủ, tha hồ chúng làm gì thì làm,,dù bất xứng mấy cũng mặc, trẻ em, thiếu nữ, phụ nữ...con cứ bị cám dỗ là đứng ra nhận lấy trách nhiệm về họ, ra giữa Quãng trường công khai, và đến tận Pháp đình hay các hoàng đường để bênh vực giới nô lệ.
          Giọng chắc nịch của chàng trai vang vang trong toại đạo.
          “ Vì họ có những quyền của họ, họ có qưyền sống, quyền có gia đình, quyền có danh dự và quyền được tôn trọng trong sự e lệ của họ,vì họ là người.”
          Chàng im lặng. Đôi gò má đỏ ửng.
          Đức A-na-cơ-lê đã để chàng nói, vì Người đang sống lại cái hào hứng chân thành của những năm thanh xuân,, hồi đó Người cũng hăng say như chàng.
          Rồi Người chậm rãi nói :
          - Rồi sao nữa, con ? Con tập họp những người bị áp bức đó lại. Con vẽ lại trước con mắt họ một bức tranh mô tả những khổ thống họ phải chịu, những cái mà họ đã biết quá nhiều rồi. Con sẽ nói với họ về những quyền mà người ta không nhận là họ có. Con sẽ trút cơn giận của con trên những người chủ...Khoan đã ! Cha giả thiết là chủ ý của con hoàn toàn không do tự ái hoặc do tham lam chút nào. Nhưng cuối cùng thì con làm cháy lên trong lòng hàng ngàn con người đó, mà họ là số đông, con làm cháy bùng lên mối hận thù ghê rợn đối với hạng giàu có từng nô dịch họ và đối với xã hội từng đóng đinh họ vào số kiếp. Rồi thì...
          - Rồi thì thế nào nữa, phải không, thưa Cha ? Nhưng lúc đó, dư luận sẽ bị kích động, người ta sẽ động lòng. Người ta sẽ phản tỉnh, người ta sẽ hiểu rằng phải cải thiện thân phận những người thấp hèn đó, rằng đây là một vấn đề công bình, thậm chí đây là một vấn đề thuộc an ninh của đế quốc Rôma.
          - Người ta sẽ phản tỉnh ! Người ta sẽ không phản tỉnh đâu. Con ạ, con còn trẻ và cái xấu cái ác chưa vùi giập con. Con cường tráng, sung sức. Đôi lúc, tính hào hiệp làm người ta đoán sai, con ạ! Con tin là phong hoá của một dân tộc có thể thay đổi cách đó sao ? Con có chắc rằng chỉ cần một tâm hồn hàohiệp, chỉ cần sáng kiến của một quan bảo dân nào đó là đủ để xây lại cả một xã hội sao? Con thông thạo lịch sử Rôma. Vậy con đã quên Xpac-ta-cô rồi sao ?..Ông ta dùng lời nói lôi kéo được cả một đạo binh nô lệ, đánh gục một quan án và ba quan chấp chính, rồi trong vòng hai năm, ông đánh bảy trận. Sau đó, ông chết, mà chẳng có gì đổi mới ở Rôma này cả.
          Hãy giả sử là ông ta đã thắng. Thế là trong trật tự xã hội đã có một cuộc cách mạng bất ngờ. Con có nghĩ là sự quân bình từ đó mà xuất hiện không ? Đến lượt mình, những người này hoá thành những ông chủ, trước kia là nô lệ, bây giờ họ lại nô dịch người khác. Bao nhiêu năm trời họ cầm hãm lòng khát khao báo thù của mình, bổng chốc thoả mạn nó trong một ngày. Xê-nê-ca đã dám nói rằng số người Rôma ngã xuống vì hận thù của các nô lệ, thì nhiều hơn số người ngã xuống vì lòng độc ác của các bạo chúa. Vậy mà Rôma đã từng thấy Ma-ri-ô và Xin-la, Xê-da và Oc-ta-vi-ô, cả Nê-rô nữa ! Vậy nếu bổng chốc được tự do, những người nô lệ buông mình theo bản năng, thì thế nào ?
          Phun-vi-ô không thể cầm mình. Chàng ngắt lời :
          - Thưa Cha, con không nói đến cách mạng đổ máu. Con biết là đường lối đó chẳng ích lợi gì. Nhưng Cha nghĩ là người ta không thể thay đổi tư duy người đồng thời, nhờ can đảm, bền bĩ và trung thực sao ?
          - Thay đổi những người đồng thời với chúng ta, không.
          - Sao thế, ạ ? Nếu chúng ta ném vào đĩa cân tất cả sức  mạnh của niềm tin  !
          Vị giáo chủ lại mỉn cười. Với bàn tay vẫn cương nghị, Người vuốt nhẹ vầng trán chàng trai.
          - Không, con ạ.Ơ thế giới hiện đương, chế độ nô lệ không phải là một tai ương thứ yếu mà một cuộc vận động dư luận có thể chữa lành. Đây là một tai ương đã thành dịch, một tai ương đã ăn sâu bám chặt. Muốn tiễu trừ nó, phải nhiều thế hệ mới được.
          “ Tuổi trẻ bao giờ cũng nhanh nhạy, làm cái gì cũng muốn thấy, muốn nếm hưởng nó. Mỗi ngày,- giọng cụ già trở nên trang trọng,- mỗi ngày Phun-vi-ô có thể được Đức Kitô mời tới hi tế mạng sống. Thế nên, con Cha cứ muốn tự tiêu phí, hành động, chiến đấu và toàn thắng ngay tức khắc. Không, các dân tộc không biến đổi cách đó. Chúng ta làm việc không vì hiện tại, mà vì những thời kì dài lâu. Chúng ta cày xới tiện dân, chúng ta gieo hạt...những người khác sẽ thu hoạch từ những gì công lao chúng ta đã chăm bón. Can gì ! Miễn là khi hiến mình, chúng ta yêu thương nhau.”
          Mấy ngọn đèn chập chờn dao động. Trong bóng tối, vị giáo chủ đứng lên. Phun-vi-ô thấy ra như Người vượt hẳn tầm vóc người thường, Đấng Đại diện Đức Kitô đó làm chủ cả thế giới và các thời đại. Theo bản năng, Người cúi đầu chấp tay lại :
          - Phải. Can gì ! Cũng như Tông đồ Gioan từ vạc dầu sôi bước ra mạnh mẽ hơn, đẹp hơn, Giáo hội Đức Kitô cũng sẽ luôn luôn từ xiềng xích, hí trường bước ra hùng mạnh hơn. Cuộc chinh phục đế quốc sẽ tiến hành, rồi chinh phục các man dân, rồi chinh phục các thế kỉ. Nhưng mỗi khi một ít. Sẽ phải có hơn một đạo chứng nhân, hơn một đạo Tông đồ. Đức Kitô đâu cần thời gian !
          “ Cuộc chinh phục  sẽ thực hiện. Chắc và vững. Muốn cải tạo phong hoá, phải cải tạo những con người. Công việc là đó. Bên ngoài, ít ồn ào hơn. Bên trong, nhiều cố gắng hơn. Mạnh hơn với chính mình, yêu thương hơn với người khác Với những ai satan khống chế, chúng ta hãy hiến thân rao giảng niềm tin. Hãy giành giật cho được những con tim. Hãy soi sáng các linh hồn.
          “ Lúc đó, người giàu sẽ tự hạ, người nô lệ được thanh tẩy, được nâng cao vì đưọc nhận biết có một linh hồn như người tự do.Người giàu sẽ phóng thích nô lệ, người nô lệ sẽ yêu mến. Và rồi trong cái hôn bình an, trong cái hôn của Đức Kitô, thế giới không bị vỡ lỡ, nhưng chúng ta khuấy động nó đến độ xoay hẳn hướng đi của nó.”
                                                                     
                  
 
          Phun-vi-ô vẫn quì gối. Từng hạt nước mắt to nặng của vui sướng, vui sướng tự hào lăn chảy trên đôi gò má. Chàng thì thầm :
          - Thưa Cha, con cám ơn Cha. Ngay bây giờ con hiến dâng mình con trước đi cho Đức Kitô vì họ, vì anh em nô lệ.
          Cụ già đặt hai tay trên đầu người con.
          Trong một lúc, người ở lặng, cầu nguyện.
          Rồi Người đỡ chàng dậy. Cả hai người đi ra phía cửa Toại đạo.                  
          L
úc này đường A-pi-a vắng vẻ . Một làn gió nóng hổi rì rào trên hàng cây. Tiếng ve ca hát.
          Hai bên tả hữu, những ngôi mộ thẳng hàng loang loáng dưới ánh trăng suông mờ ảo !
          Trong khi hai người vượt từng ngôi mộ, chàng tuổi trẻ thấy lớn lên trong mình sự bình an sâu sắc, niềm phấn chấn khôn tả của những con người đang sống mà biết rằng những kẻ chết của họ không những không làm hại họ, mà còn thăng  tiến họ, thăng hoa họ.                                         
 
 
                                                     
III. Bể cá nhà Xcau-rô
 
          Hôm sau, Phun-vi-ô cả ngày truyện trò với thầy Cơ-ri-dô-pôx. Sau trưa, quãng hai giờ, chàng đi dự tiệc Xcau-rô mời. Chàng dừng bước một lúc nơi hiệu sách A-ven-ti-nô, đặt mua mâý thủ bản Hi lạp mà chàng dự định nghiên cứu những ngày tới. Sau đó, vượt qua Vê-la-bơ-rê, men theo Ca-pi-tôn, đến Trường Đua, vì mùa hè, Xcau-rô sống ở biệt thự Trường Đua của hắn, giữa những khu vườn.
          Tuy trời nóng bức, Phun-vi-ô không thích ngồi kiệu. Chàng thích đi bộ hơn. Giờ đây, chàng không muốn dùng những vật dụng sang trọng nữa, tuy ở nhà thân phụ chàng, những cái đó chàng được tự do sử dụng. Không thể để những người nô lệ kiệu mình đi được nữa. Lí luận để thuyết phục mình thế nào cũng vô ích, nhiều khi chàng vẫn do dự trong việc huy động cả đoàn tuỳ tùng đi dự đám hội hè. Như một tiện dân, chàng từ nhà bước ra, giơ tay thân mật vẩy chào người gác cổng.
          Thân phụ chàng đã phản đối chuyện đó. Thậm chí có lân f ông nổi giận nữa. Nhưng cũng mất công. Và ngay sáng hôm nay, theo lời van xin của con, ông đã phóng thích hai “phu tiền hô” và bốn cận vệ của ông. Những vụ phóng thích đó làm chàng sung sướng hết sức và nếu việc đó chỉ tuỳ thuộc ở chàng mà thôi, thì con số vụ phóng thích đó ngày càng nhân lên gấp bội.
          Lúc này, chàng đi qua trước điện chư thần A-gơ-ri-pa, nơi mà lần nào nhìn ngắm, chàng cũng thích thú. Chàng dừng lại cách một quãng để thưởng thức với tư cách  nghệ sĩ, cấu trúc nhà cột, trong đó 16 cột bằng hoa cương phương Đông đội bên trên cách ba chục thước tay, một trán tường có một bức đắp nổi kiểu Hi lạp. Nhìn bức tượng nổi Giuy-pi-te đang quật ngã các Tităng đó, giờ đây Phun-vi-ô không thể kìm hãm được
một nụ cười. Chàng nghĩ đến việc Thiên Chúa toàn năng quật ngã lần lượt Xê-da này đến Xê-da khác trong vinh quang của họ.   
          Sau khi vòng quanh vườn Đô-mi-xi-a, chàng rảo bước một lúc trên đường Pơ-la-mi-ni-a, rồi đến ngang chừng khúc quanh của sông Ti-bơ-rê, chàng rẽ hẳn về phía trái, hướng thẳng biệt thự của Xcau-rô.
          Bên kia sông, những khu vườn của Nê-rô phô trương vẻ huy hoàng của chúng, bên cạnh Hí trường mà tên vua nhạc công và đánh xe ngựa đã cho xây nên. Xa kia, hình bóng những ngọn đồi Va-ti-ca-nô khoanh vòng chân trời như một bức tường của hí trường. Gần bên, hoa lá muôn hồng nghìn tía phô sắc khoe hương.
          Phun-vi-ô gõ của biệt thự.Tiếng xích sắt loảng xoảng báo hiệu người gác cổng đang tiến lại. Chàng thanh niên đi qua tiền sảnh thứ hai : hai nô lệ da đen tiến đến trước mặt chàng, nâng lên tấm thảm của sân trong. Người xướng danh có nhiệm vụ  nhận diện mọi vị khách tới, anh lớn tiếng đọc tên chàng, làm vang động căn phòng còn trống vắng.
          Xcau-rô đến ngay.
          - Phun-vi-ô muôn năm !
          - Chào anh Xcau-rô, bạn thiết nghĩa của tôi. Dường như tôi đến hơi sớm.
          - Một ít thôi. Nhưng mình sung sướng vì chuyện đó. Mình cứ tưởng cậu sẽ thiếu.
          -Ô ! Không đâu. Tôi đã nói là giữ lời.
          - Mình càng ngày càng thấy rõ và mình ca ngợi cậu là vì chuyện đó. Tối qua, công việc cậu kết quả chứ ?
          - Vâng, cám ơn anh. Đường A-pi-a buổi tối có lắm cảnh thú vị quá !
          - Lại mơ mộng rồi ! Hơn nữa, lại có hơi đồng bóng đó !
          Và Xcau-rô cười to tiếng với cái giộng đùa cợt thô lỗ của hắn.
          - Mình thì, cậu ạ, sau đó mình đi ăn tối ở nhà Quyn-tô Mê-ten-lô. Một ông chủ xứng đáng, biết tiếp đãi khách tiệc. cho nên chúng mình được một bữa chén ra trò ! Cái gì cũng tuyệt cả. Chỉ trừ một chuyện : tên hầu rượu vụng về làm vỡ một cái tách, một tách phalê A-lec-xăng-đơ-ri-a trong suốt, không đâu có ! Đồ đần ! Người ta đánh nó, nhưng tách vỡ đâu có liền lại được nữa !
          Bổng hắn ngừng nói. Rồi :- Chà ! Vòng hoa hồng đâu ? Chà, nó quên mất ! Quân ngu ! Li-ba-nô đâu ?
          Viên quản đốc chạy đến .
          - Vòng hoa đâu ?
          - Thưa ngài, con đã giao nhiệm vụ cho tên nô lệ trẻ người Gô-loa.
          - Tao ban khen nó đấy. Nó hoá tượng rồi hay sao ? Tìm nó mau lên !
          Phun-vi-ô can thiệp :
          - Này anh, tôi đến trước giờ, như anh đã biết. Nô lệ của anh không ngờ.
          - Xin lỗi, nó phải túc trực đây.
          Tấm màn gió của sân trong lay động. Tên người Gô-loa bước vào.  Một thiếu niên 14,15 tuổi, hai cánh tay còng xuống dưới những đoá hồng. Trước khi Phun-vi-ô kịp nghĩ tới cử chỉ của hắn, Xcau-rô mà lòng tự ái bị tổn thương, đã tiến lại giáng một cái tát tai mạnh vào em nô lệ. Em không nói gì : hai má đỏ rực và hai giọt lệ bật ra khỏi mắt, không kìm nổi.
          Phun-vi-ô mím môi. Nhưng viên xướng danh vừa xướng tên những khách mới tới. Xcau-rô ra đón họ. Sau những công thức chào kính, thiếu niên người Gô-loa dâng tặng mỗi người một vòng hoa hồng, và họ đặt lên đầu mình. Khi em dâng hoa cho Phun-vi-ô, chàng nghiêng xuống em :
          - Em tên gì ?
          - Dạ, bẩm ngài, con là Ê-rốx
          - E-rôx có nghiã là yêu ! Nhưng ở đây, ai yêu em nào ?
          Em thiếu niên nhìn chàng ngỡ ngàng. Chiếc áo dài hở cổ, để lộ những bờ vai thanh tú. Dưới làn áo mỏng, một vòng vàng thắt sít thân mình, thấp thoáng những đường nét mềm mại của thân thể và hông. Cánh tay và chân trần trắng như hoa cương Hen-lát. Khuôn mặt bình dị, rất hiền, nhưng rầu rĩ. Đôi mắt xanh lơ ,nhưng thiếu sinh khí.
          - Thưa ngài, yêu con phải không ạ ? Thưa không ai cả.
           Em nói câu đó thong thả và lãnh đạm.
          - Tội nghiệp ! Nhưng nếu ta yêu em ?
          - Thưa ngài rất đáng tôn kính, ngài không thể, vì con là người Gô-loa và là nô lê.
            -Can chi ! Đức Kitô đã chết cho nướcGô-loa và cho người nô lệ.
          Ê-rôx không hiểu. Em lặng thinh.
          -Em ở đây khổ không ?
          Thiếu niên ngần ngại, không dám trả lòi.
          - Em có thể tin cậy vào ta, cứ nói đi ! Em ở đây khổ chứ ?
          - Vâng ạ.
          - Người ta đánh em ?
          - Chưa nhiều lắm. Con mới tới.
          - Từ đâu tới ?
          - Dạ. Cam-pa-ni-a.
          - Em làm gì ?
          - Dạ, con dâng những vòng hoa cho khách. Con hầu rượu và con phải luôn luôn thi hành lệnh ông chủ.
          - Cái gì làm em khổ nhất ?
          Thiếu niên nhìn xuống. Anh mắt em nhìn ra vườn một lúc, bên kia sân trong. Rồi :
          - Những đứa khác, ạ.
          - Các bạn cùng nô lệ với em ?
          - Dạ, vâng ạ.
          - Sao lại thế ?
          Em đỏ mặt, rồi thì thầm :
          - Chúng liều lĩnh và xấu nết.
          Phun-vi-ô hiểu. Chàng biết những gì có thể xảy ra trong cái cảnh nô lệ chung chạ như thế. Tính e lệ của em thiếu niên, hiếm có nơi người ngoại giáo đó, làm em bổng trở thành thân thương hơn đối với chàng.
          Vừa lúc đó, cái nhìn của chàng bắt gặp cái nhìn của Xcau-rô . Hắn tuy truyện trò với khách, nhưng mắt hắn vẫn không rời cuộc đối thoại giữa chàng quí tộc và em bé Gô-loa. Xcau-rô cười hiểm độc.
          ở phòng đợi có tiếng bước chân của những người mới tới. Ê-rôx  vội vã đi ra. Phun-vi-ô nhìn em xa dần. Nước mắt của con người thấp hèn bị vả mặt đó đọng lại trong tim chàng. Tại ta. Chàng nghĩ. Sao ta lại đến sớm quá như vậy ? Giá mà ta biết ! ...Cơn giận tàn nhẫn của Xcau-rô làm chàng nhún vai kinh tởm .Có một lúc chàng đã muốn rút lui ; nhưng nghĩ rằng ông chủ bị nhục sẽ trút oán thù lên thiếu niên dâng hoa. Nên chàng đành ở lại.
          Viên quản đốc đi qua, chàng gọi anh :
          - Này, Li-ba-nô. Đứa bé này ở đây lâu chưa ?
          - Chưa, thưa ngài ạ ! Mới mấy ngày thôi.
          - Anh mua nó về ?
          - Dạ, thưa không phải ạ. Chính ông chủ mua nó ở chợ Cơ-ri-dăng-tê ạ. Ông chủ thấy nó xinh. Chắc những đứa con miền Bắc không gầy gò như tụi Hi lạp chúng tôi.
          - Nó có một mình nó ?
          - Thưa ngài, không, có mẹ nó đi với nó nữa. Nhưng ở nhà này không có chỗ cho  mẹ nó. Người ta cho bà ấy về miền quê trồng trọt.
          - Và người ta giữ đứa con lại đây ?
          - Dạ, thưa ngài, phải như thế. Đó là ý ông chủ.
          - Thôi được, cám ơn anh. Anh có thể đi.
          Chàng thanh niên chống tay vào một pho tượng cẩm thạch trắng muốt, đăm chiêu suy nghĩ. Việc tách lìa trái lẽ tự nhiên đó làm chàng không thể chịu nổi. Đứa trẻ xem chừng còn tốt...Nếu may ra Xcau-rô đồng ý bán em và mẹ em cho chàng.. .chàng sẽ làm cho họ sung sướng. Và có lẽ sẽ chính phục họ cho Đức Kitô. Nhưng hắn có thể từ chối, chỉ để làm chàng khổ tâm. Lại nữa, hắn phải quan tâm đến đứa nô lệ này vì chính hắn đã mua em về .
          Tiếng của Xcau-rô vang lên một cách phàm tục :
          - Ngài Phun-vi-ô thích ở một mình, thì xin cứ tuỳ ý.
          Phun-vi-ô giật mình. Thật ra tất cả khách tiệc đều đã có mặt. Chàng thanh niên vội tới nhập bọn, với cung cách lịch duyệt thường ngày của chàng. Tiếng chào hỏi rộn lên cả sân trong.
                           
                  
         
          Một lúc sau, trong phòng tiệc lấp lánh vàng bạc, những câu truyện trao đổi đã rôm rả. Trong khi những món ăn đầu tiên đang làm dịu cơn đói lúc đầu, những nhạc công đàn xita và ca sĩ người Xi-xi-li-a trình diễn những tiết mục hay nhất. Giờ thì người ta uống nhiều hơn thứ rượu let-xbôx có mùi long diên hương hay rượu Si-ô nhiều bọt, người ta ăn ít hơn, nhưng người ta nói hăng hơn.
          Bây giờ một tiết mục giải trí được trình lên các khách tiệc, do hai tốp vũ công người Ai cập, nam và nữ. Lúc đầu đứng xa nhau, rồi họ cùng quện vào nhau cách hài hoà, các vũ công thay đổi tiết tấu đôi chân, theo đàn đệm của các nhạc công.
          Tiếp đó, một lần nữa, những tay dâng rượu lại đi vòng quanh các bàn tiệc. Phun-vi-ô cứ mong được thấy thiếu niên Gô-loa kia tái hiện một lúc. Nhưng em không đến. Vậy mà, chàng nghĩ, em nói với ta : em là tay dâng rượu. Lẽ nào tên Xcau-rô...Chàng nhớ lại trước lúc đi vào phòng tiệc, chàng thấy Xcau-rô thì thầm vào tai viên quản đốc.
          Truyện trò mỗi lúc một thêm rôm rã. Bên trái Xcau-rô, một gã to lớn, uỷ mị, tên là Phê-lix, đang cười híp mắt ; bên phải y là Ho-ten-xi-ô, một người dòng tộc của nhà hùng biện trứ danh cùng tên, đang huênh hoang trao đổi với người bên cạnh, một gã Hi lạp trẻ tuổi, say mê văn chương hơn là cao lương mĩ vị. Xa hơn, Tơ-ra-xê-ax, lão béo mép, đang kể chuyện huyên thuyên, làm ngủ gà ngủ gật một tráng niên tóc hoe tên là Ma-cô. Phía bên kia, gần Phê-lix, là hai lực sĩ : Cơ-lau-đi-ô đánh xe ngựa và Ban-bi-nô vai u thịt bắp , hai gã đang nói chuyện đấu vật. Sau cùng, một anh chàng to cao, là quan bảo dân ở Giéc-ma-ni-a về, tên là Quyn-tô, đang kể cho Phun-vi-ô nghe những chiến dịch anh vừa tham gia, múa tay múa chân mạnh mẽ.
          Bổng một cú đập bàn mạnh của Ban-bi-nô cắt đứt mọi câu truyện.
          - Tao nói cho mày biết : việc đó làm hài lòng các thần minh.
          - Không, thề có Đi-ô-me-đe, Cơ-lau-đi-ô cãi.
          - Tao thề là có.
          - Tao thề là không có.
          - Mày thì biết cóc gì !
          - Thế còn mày ?
          - Mày chưa hề sờ vào một cái đĩa cử tạ.
          - Thế mày đã ra trường đấu lần nào chưa nào ?
          Xcau-rô can :
          - Thôi, thôi ! Được rồi. Anh Ban-bi-nô tài hoa, mà anh Cơ-lau-đi-ô cũng không kém nhanh nhẹn. Im đi nào ! Này Cơ-lau-đi-ô, anh chạy hơn con ngựa của anh rồi đó.
          Câu nói đùa có công hiệu. Cơ-lau-đi-ô hơi xấu hổ. Chàng đáp :
          - Anh có thể cười. Nhưng tôi có lí.
          - Bây giờ tôi xin hỏi : các anh cãi nhau chuyện gì nào ? Xcau-rô nói.
          - Chúng tôi hỏi nhau : cái gì khoái nhất. Ban-bi-nô thì quả quyết : vật nhau mà quật ngã được địch thủ là khoái nhất. Còn tôi thì không gì thích thú bằng không khí cuồng nhiệt ở hí trường.
          Xcau-rô nói :
          - Chà ! chà ! Y tưởng hay quá ! Này thưa các bạn, thế là cuộc thi đã bắt đầu rồi đó : mỗi người trong chúng ta sẽ nói : mình cho thú vui nào là khoái nhất. Nào ! Các tay dâng rượu đâu ? Rót đây rượu Pha-léc-na !
          Thế là trong những chiếc li bằng pha lê, chất lỏng quí hiếm lấp loáng chảy dưới tia nắng đang nghiêng dần ở chân trời trên đồi Gia-ni-cu-la.
          - Ban-bi-nô cho ý kiến !
          Ban-bi-nô đứng lên ngạo nghễ, lấy gân cho cơ bắp nổi cuộn  trên thân mình:
          - Thưa chư vị rất đáng tôn kính, phần tôi đây, mỗi khi tôi đã cố sức nhiều, dầm dề mồ hôi rồi, tôi quật ngã được gã lực sĩ trên nền đất, đầu gối tôi ghì chặt lấy ngực y, không cho y nhúc nhích, thì lúc đó, thề có Héc-cuy-lô, tôi được nếm thú vui tuyệt diệu nhất.
          Ma-cô thì thầm : “ Tuyệt diệu nhất ! Dễ tính thế, hỡi anh chàng to con !
          Nhưng Cơ-lau-đi-ô đã giang hai tay ra phía trước, tựa như đang cầm cương ngựa :
          - Đồ ngu ! Đồ bò ! Hỡi kẻ mà tất cả nghệ thuật là ở tại lấy sức mạnh nghiền nát một địch thủ . Giá như mày được đứng thẳng người trên một cỗ xe, trong khi những con ngựa nòi phi nước đại, lao vun vút trên sân đua, bỏ lại đàng sau mọi đối thủ, vòng sát cột mốc, ngất ngây vì không khí, vì  cuồng nhiệt và vì tiếng hò la của đám đông, giá mà mày được như thế và được về trước hết trong Hí trường ! Lúc đó mày sẽ nói thế nào ?
          Gã chúi người về phía trước theo bản năng, như những tay đua ngựa, mồ hôi lăn tăn trên mặt. Gã nhào xuống giường tiệc.
          - Khá đấy ! A-ki-lê nói. Thằng cha có tài nói đấy chứ !
          - Còn bạn, Xcau-rô hỏi.
          - Riêng tôi, chàng thanh niên Hi lạp đáp lại bằng một giọng kiểu cách, ngài muốn tôi  phát biểu cái gì nào ? Thưa ngài chủ tiệc đáng mến ? Nhưng ngài mới từ Hi lạp về. Nếu tôi gặp ngài bên đó, mà ngài vốn là người sùng bái nàng thơ, thì tôi đã chọn một buổi tối tháng năm thật mát dịu, dẫn ngài lên mõm Xu-ni-um. Ngài biết đó là nơi thiên tài Pla-tô thường đàm đạo với các môn sinh của ông, đang khi Chị Hằng buông rơi muôn ánh bạc trên mặt nước lặng như tờ. ở đó, chúng ta sẽ cùng đọc Phê-đơ-rô hay Phê-đô, thả hồn trong tiếng nhạc thiên thai của những tư tưởng cao siêu  và thuần khiết A-ten.
          Ban-bi-nô nhún vai. Còn Xcau-rô rõ ràng tự ái được xu nịnh, chỉ biết khâm phục.
          - Đến lượt Phê-lix, xin anh cho ý kiến. Hắn đập vào cánh tay người bên cạnh.
          - Tớ à ? Người được yêu cầu nói ấp úng, vì y còn mãi mê thưởng thức món lườn cá tầm, điều tớ nghĩ thì ai cũng biết cả rồi ( và y cười tục tục làm núng nính cái bụng phệ). Cái thú vui lớn nhất tất cả chúng ta đều mang nó trong chúng ta, trong cái bao tử. Bác Gat-xtê nhận nhiệm vụ giúp chúng ta thoả mãn nó. Tớ thì đã thèm rồi !
          Y đưa mắt rảo một vòng, thích thú nhìn chiếc bàn dài, không ngừng được dọn lên những  món mới, ở đó thịt rừng và thịt gia cầm, bánh dẻo bánh ngọt ,quả cây và mứt, được chồng rất tài tình, xen kẽ giữa những bát đĩa vàng, hoa thơm và bình trong suốt lấp lánh rượu quí bên trong.
          - Đã thèm rồi ...nhưng ta cứ chén !
          Bằng một cử chỉ không lấy gì làm đẹp, y thanh toán đĩa lườn cá.
          Cả phòng tiệc cùng cười tán thành.
          Tơ-ra-xê-ax thét to :
          - Cứ chén tuốt, tuỳ thích, nhưng mày không thắng cuộc đâu. Tao mà được cho nói thì...
          Tiếng cười rộn hơn. Hai bên tả hữu gã béo mép, người ta van :
          - Không được. Đủ rồi ! Đủ rồi !
          Tiếng vỗ tay như sấm.
          Y giang rộng hai cánh tay hộ pháp luôn luôn múa máy để lấy trời làm chứng cho việc phá rối đó. Khi tiếng cười đã dịu bớt, y vội nói ngay :
          -  Thời gian hưởng lạc của tôi bắt đầu với những cuộc thăm hỏi ban sáng và chỉ kết thúc với những cuộc thăm hỏi buổi tối. Cao điểm, thưa các ngài hiếu kì, thưa các bạn vô ơn, cao điểm là khi tôi treo các ngài nơi đầu môi người loan tin của tôi.
          Ma-cô nắm áo dài của y mà lôi. Còn Ba-bi-nô thì la to :
          - Đúng, mày treo được như thế thì đáng thưởng, vì như thế là mày mạnh lắm !
          Tiếng cười lại gia tăng.
          - Xin mời Ho-ten-xi-ô.
          Anh chàng đứng lên.
          - Đấu cũng có năm bảy loại đấu. Bẽ gãy những thân mình hay những cột mốc. Đó là thắng về vật chất. Còn bẻ gãy những tâm hồn ! Đứng trước một cử toạ thù địch mà làm thế nào chinh phục được họ ! Vào đề thế nào cho họ dịu bớt đi, kể chuyện thế nào cho họ thích thú, lập luận thế nào cho họ say mình, xác tín thế nào mà họ đứng hẳn về phía mình, vận dụng ánh sáng và đam mê, cột chặt họ vào chính nghĩa của mình, quay ngược họ  chống lại kẻ kình địch mình, rồi đến phần kết luận, làm họ hô hét van nài mình, lúc bấy giờ mà cảm thấy được rằng mình đã chinh phục được họ, rằng họ thuộc về mình rồi, và nếu mình muốn, mình có thể làm họ bật lên những tiếng khóc, hay tung ra những lời nguyền rủa, theo ý mình, thì, hỡi Ban-bi-nô ! hỡi Cơ-lau-đi-ô ! đó là chiến thắng cam go nhất và tuyệt diệu nhât !
          Phòng tiệc rì rầm tiếng ca ngợi. Tất cả những người Rôma kia, dù là bữa tiệc đã no say, vẫn nhạy cảm đối với hùng biện. A-ki-ô giơ tay gửi tặng chàng một lời hoan hô.
          - Hoan hô ! Ngươi đáng vào Pháp đình lắm. Ad multos annos ! Muôn năm !
          Nhà hùng biện trẻ tuổi ánh lên niềm sung sướng.
          Xcau-rô nói :
          - Ta làm nhanh một tí. Trời sắp tối rồi, mà tối thì cuộc vui mất vui. Nào quan bảo dân Quyn-tô cho ý kiến.
          Người quân nhân bối rối ra mặt, ngập ngừng.
          Tơ-ra-xê-ax kêu to :
          - Nhanh lên ! Chúng tôi không phải người Xi-căm đâu nhé !
          - Thề có thần  Mácx và thần Ben-lo-nê, tôi xin vắn tắt. Niềm vui lớn đời tôi, là tôi đã cắm cờ lữ đoàn tôi trên tường thànhd Tơ-rê-vi-na.
          Vỗ tay
          - Còn Ma-cô ?
          Chàng thanh niên xanh xao nhìn trời. Giơ bàn tay mang những vòng xuyến, y làm dấu phải hãm tiếng trống ngực :
          - Ai tình là thần vĩ đại. Cảm thấy được yêu, nghe tiếng nó du dương ca hát, được đón những mơn ru của nó như bằng chứng ngọt ngào ! Trên đời, đó là niềm vui tuyệt hảo.
          Lại tiếng vỗ tay vang dội.
          - Còn cậu, Phun-vi-ô ?
          Chàng thanh niên từ đầu chỉ nghe có một nửa. Chàng đập óc tìm cách rút lui khỏi cái nhà phân phát những vòng hoa này.
          Xcau-rô nói :
          - Này bạn, từ lúc cậu có mặt đây, hầu như cậu chưa động đến một chút cánh cuông và vài giọt rượu. Cậu ốm phải không ?
          - Thưa Xcau-rô sang quí. Không. Tôi không ốm. Nhưng thứ lỗi cho. Người ta nói hết rồi.Tôi nghĩ thế.
          Tiếng phản đối naho nhao:
          - Không. Không, Phải nói. Nói một cái gì đó.
          - Thôi được. Thưa các bạn, vì các bạn muốn, nên tôi xin nói. Ban-bi-nô và Quyn-tô đặt hạnh phúc của họ trong việc phá hại đồng loại mình. Phê-lix và Tơ-ra-xê-ax, xin các bạn đừng giận, các bạn nếm những thú vui tầm thường. Vì muốn mua lòng quần chúng, Cơ-lau-đi-ô, A-ki-ô và Ho-ten-xi-ô cónhững niềm vui cao hơn. Sau cùng, Ma-cô, do gợi hứng của tình yêu, đã tiến gần tới đích. Thế nhưng tất cả các bạn chỉ nghĩ đến mình, các bạn chỉ tìm kiếm các bạn.Đó chưa phải là niềm vui tuyệt diệu !”
          Giọng chàng trở nên thấm thía :
          - Niềm vui tuyệt diệu, thưa các bạn, ở tại nghĩ đến người khác, ở tại làm người khác hạnh phúc. Những người khác ! Không phải là những người quí tộc và giàu có . Nhưng là những người thấp hèn, nghèo khổ, nhất là nô lệ !
          Mọi người sững sờ khi nghe câu nói đó. Đến như Phê-lix mà cũng ngưng uống. Trong cái phòng ăn rộng mênh mông, các nô lệ trố mắt nhìn, ngây dại.
          - Chà ! Ra thế ! Nó điên mất rồi ! Cơ-lau-đi-ô nói với người bên cạnh.
          Ban-bi-nô chả hiểu gì hết. Y mở to đôi mắt. Tơ-ra-xê-ax ghi chép trên bảng sáp để công bố khắp Rôma luận điểm nực cười đó. Y nói :
          - Ô ! ngược đời quá ! Đúng là làm người ta sửng sốt. Liệu có cần trao giải thưởng cho ngài không, thưa ngài triết gia ?
          - Tuỳ ý cậu, chàng thanh niên đáp.
          - Không được. Ho-ten-xi-ô tuyên bố. Làm cho tụi nô lệ hạnh phúc, những cái máy nói được tiếng người đó (9) ! Anh thuộc thế kỉ nào vậy ?
          - Tôi đi trước thế kỉ của anh.Thế thôi!
          Ma-cô hiền hoà cất tiếng :
          - Thế anh lấy việc đó làm vui thú ?
          - Tất nhiên. Anh vừa nói về tình yêu. Vậy làm người ta hạnh phúc không phải là làm người ta yêu mình sao ?  Nào những người nô lệ của chúng ta không có tim sao ? Họ là đá hay hoa cương chăng? Họ không bao giờ khóc sao ? Anh chưa bao giờ đọc thấy khổ đau trong con mắt họ sao ? Ai biết khổ là biết yêu.
          A-ki-lô :
          - Bọn chúng mà lại yêu ! Này anh bạn, anh nói càn rồi !
          - Không. Không. Tôi ý thức là tôi lập luận đúng, Nhiều lúc anh khoe rằng các nô lệ của anh tận tuỵ với những người của anh. Đấy !
           Xcau-rô xen vào :
          - Rõ ràng là cậu làm người ta vướng.
          Hắn làm một cử chỉ, tất cả nô lệ ra khỏi phòng.
          - Bây giờ cậu nói tiếp đi !
          - Tôi xin nói tiếp, vì anh cho phép. Các nô lệ của các ngài ở lại bên các ngài, trung thành. Phải. Nhưng nếu trong họ có một người bỏ trốn, họ sẽ bị săn đuổi bởi những toán săn người, bị nắm lấy, bị đánh đập chảy máu, bị đóng dấu bằng sắt nung đỏ và bị ném vào ngục tối. Các nô lệ của các ngài canh thức các ngài. Phải. Nhưng nếu một trong họ ám sát các ngài, thì tất cả những người khác đều bị coi là có trách nhiệm và bị hành quyết hết. Mà vì đôi lúc việc đó chưa đủ, thì các ngài còn cảnh giác chọn lựa những nô lệ ngu ngơ nhất, vì hạng này nhát hơn và ít thù hận hơn. Sự tận tuỵ đẹp đẽ. Đúng là như vậy. Các ngài thống trị họ bằng máu. Thưa các ngài chí tôn, tốt hơn,  các ngài hãy thống trị họ bằng tình thương !
          Chàng lặng thinh. Trong phòng ăn, hoa trên các giỏ bắt đầu úa. Tất cả đám người ngoại giáo ấy lặng thinh nghe một ngôn ngữ mới...
          Tơ-ra-xê-ax bất trị, gì cũng muốn biết. Y là người cất tiếng nói trước tiên:
          - Còn Xcau-rô thì chưa nói gì cả !
          - Đúng rồi ! Anh chưa nói gì cả. Vậy anh cho cái gì là vui thú nhất nào ?
          Mọi con mắt đổ dồn vào hắn.
          Hắn nói, chậm rãi, để thưởng thức công hiệu của lời nói :
          - Vui thích lớn nhất của tôi, tôi sẽ làm hơn là nói với các bạn. Nắng đã tắt. Một giờ nữa là đêm. Xin mời các bạn ra vườn của tôi, tôi sẽ chỉ cho các bạn điều tôi thích.
          Khi nói lời đó, hắn nhấn giọng thế nào đó mà không biết tại sao Phun-vi-ô thấy lòng mình đau quặn lại.
          Nhưng kìa, theo sau Xcau-rô, tất cả khách tiệc bị kích động, đi ra khỏi phòng tiệc.Chàng đi theo họ.
 
 
          Ở Rôma này, những vườn cảnh của Xcau-rô nổi tiếng.Cũng là phải lẽ. Chúng địch được với những vườn của A-pơ-ri-pi-na và Đô-mi-xi-a kế cận. Đây là một trong những việc phung phí đắt tiền nhất của chàng thanh niên Rôma. Sự phô trương của hắn được hưởng những lời khâm phục tán dương của các khách tham quan say mê vẻ đẹp của chúng
Chiều nay, ngày đang tắt, nên không khí còn ấm, khu vườn còn sáng, nhờ những tia nắng đã bớt chói chang, nhưng đã tỏ ra dè dặt hơn. Khu vuờn phô bày trước những con mắt bỡ ngỡ những viễn cảnh kì thú của các lối đi, những đường nét ngoắt nghéo, những lùm cây, những giống cây quí hiếm, ngoại nhập, những hình khối do những tay thợ vườn bậc thầy từ Xi-xi-li-a  và Tây ban nha đến, những vòi nước đủ loại, phun tía, phun chùm, phun thác đổ và phun thác lượn, những bồn hoa hiếm lạ được bố trí tài tình, màu sắc hài hoà nhau, hoặc tương phản nhau như trong những bức kính màu.
          Xcau-rô và các khách tiệc đi vòng một lúc qua những cảnh đẹp đó, khách thì ngất ngây và hỏi hết thứ này sang thứ khác, chủ thì nói tên nói loại với một thái độ khiêm tốn giả vờ của một tay sưu tập mãn nguyện.
          Hắn dẫn khách đi vào một lối rộng có vòm trần, hai bên rải       rác nhiều pho tượng cẩm thạch. Hắn thích để họ lạc lối trong mê lộ mà hắn mô phỏng mê lộ Cơ-rê-ta; sau đó, qua hai ba khúc quanh tài tình, hắn bổng đưa khách đến giữa trung tâm khu vườn.
          Có bảy lối đi xếp hình ngôi sao đưa tới đây.Trong những khoảng giữa các lối, trên những cột nhô cao, là những bức tượng bán thân các nhà hiền triết Hi lạp bằng đồng. Ơ giao điểm các lối đi, là một bể cá khổng lồ hình tròn.
          Đây là bể mẫu mực : cách bố trí tài tình hoàn toàn mới, cho phép thay nước, tiếp nước, hoặc giảm mức nước tuỳ ý ; có những bậc đá hoa đưa xuống tận đáy bể, trên bờ cuốn tròn một đường nét thanh tú.
          Nhưng cái làm nó độc đáo, là nó chỉ có một loại cá, loại cá lịch, mua rất đắt ở bờ biển châu Phi hay Xác-đê-ni-a.
          Kìa ! người ta nhìn thấy chúng đó : những con lươn khổng lồ, có con dài đến nhiều mét, chúng đang uể oải lượn khúc ngang mặt nước, bổng bổ nhào xuống, để lại sau chúng một đống bọt trắng xoá.
          Các chàng trai tì tay vào lan can bằng sắt. Xcau-rô vỗ tay ra hiệu. Từ trong nhà chạy ra một tốp nô lệ mang những chậu bằng kim loại.
          - Đã đến giờ cho ăn, Xcau-rô nói, thưa các bạn. Đây là cái tôi thích nhất.Xin mời các bạn chia sẻ
          Phun-vi-ô rảo nhanh cặp mắt khắp toán nô lệ. Ê-rôx có đó, mang một chậu đầy cá. Bốn con mắt gặp nhau.
          Lúc này em không còn đờ đẫn như lúc nãy. Chàng nghĩ vậy. Và chàng thấy ra như thiếu niên đó quan sát chàng và đôi mắt em đang van lơn chàng. Chàng lấy thế làm vui. Chàng hứa với mình sẽ điều đình với Xcau-rô xin chuộc thiếu niên đó. Trong lúc ấy, những người khác mãi ngắm cảnh tượng kì thú. Bổng một giọng cộc lốc, giọng ông chủ, làm chàng giật thót:
          - Ê-rôx !
          Thiếu niên vội đi tới. Xcau-rô đưa tay bắt từng con cá trong chậu ném xuống bể. Những người khác cũng làm theo, hăm hở bốc trong những chậu các nô lệ dâng cho.
          Những con vật khổng lồ chen chúc trên mặt nước. Những vòng cuộn của chúng, lấp lánh làn da sẫm màu, quện vào nhau trong xoáy nước, trong lúc những hàm răng nhọn hoắt giành giật nhau từng con mồi.
          Phun-vi-ô không nhìn đó. Chàng thấy lòng đau quặn vì một lo âu điên dại.
          Chậu của Ê-rôx đã hết cá. Xcau-rô cao giọng :
          - Bây giờ, thưa các bạn, vì tôi không hoàn toàn chia sẽ những lí thuyết của Phun-vi-ô về tình yêu giữa loài người và loài nô lệ, tôi xin hiến các bạn một pha thật hiếm có hơn.
          Hắn làm một cử chỉ vắn gọn, chỉ cho em thiếu niên người Gô-loa cái chỗ mà bầy cá lịch đang tranh giành nhau ghê rợn :
          - Mày nhảy xuống đó !
          Em thiếu niên khốn khổ tái mặt .Hai cánh tay run rẩy để rơi cái chậu. Hai gối sụp xuống. Theo bản năng, em chấp tay :
          - Lạy ngài, con xin ngài !
          - Mày chống cự hả ? Nào ! Phê-bô, Ma-sê-đô đâu ?
          Hai lực sĩ tiến lại.
          - Hoan hô ! Hoan hô ! Ban-bi-nô và Cơ-lau-đi-ô thét.
Tơ-ra-xê-ax đã rút bảng sáp ra. Quyn-tô thản nhiên. Nhưng Phun-vi-ô sau giây lát rụng rời đứng như trời trồng, bây giò chàng nhảy tới trước mặt Xcau-rô. Chàng hất mạnh những người nô lệ đã nắm lấy em thiếu niên. Giọng chàng khản đặc:
          - Anh không đưọc phép làm điều đó !
          - Xin lỗi, tôi sẽ làm, vì tôi muốn như vậy!
          - Không được. Vì đây là một thiếu niên !
          - Người lớn hay thiếu niên, hệ gì ! Lùi lại ngay, Phun-vi-ô !
          Cơn giận chiếm đoạt hắn. Đôi mắt đỏ ngầu những máu.
          - Tao sẽ làm. Tao nói cho mày biết. Lùi lại ngay !
          Phun-vi-ô không nhúc nhích. Nhưng chàng tập trung mọi nghị lực để giữ bình tĩnh. Chàng nói bằng một giọng đã trở lại kiên quyết :
          - Tôi còn sống, anh nghe chưa ? Tôi còn sống thì anh sẽ không làm được việc đó !
          Xcau-rô cố gắng cười khẩy:
          - Sao vậy ? Đây là việc của tao. Tao muốn, tao làm. Phải thế không, thưa các bạn ?
          - Đúng, việc của anh. Ban-bi-nô nói.
          - Không. Phun-vi-ô cãi. Đây là việc của tất cả chúng ta. Không đưọc xài phí mạng sống con người như thế! Phải không, Quyn-tô ?
          - Chà ! Người quân nhân đáp, một tên nô lệ !
          Xcau-rô nói ngay :
          - Đấy ! Mày thấy chưa ? Mày đa cảm quá. Mày muốn thì lại đàng kia đi. Chúng tao thích cái này.
          Nói xong, hắn đẩy chàng thanh niên ra và ra hiệu. Những người nô lệ nâng bổng em thiếu niên nô lệ lên. Em oà khóc.
          Phun-vi-ô nhanh như cắt, vứt áo ngoài, giật áo trong ra :
          - Anh ném nó xuống, tôi vớt nó lên !
          Một thinh lặng.
          Một nhà quí tộc liều chết cứu một nô lệ : cảnh tượng đúng là kì diệu !
          Kì diệu đến độ Ho-ten-xi-ô can thiệp :
          - Này ! Xcau-rô, thế này nhé ! Anh đã tặng chúng tôi một pha hoạ hiếm. Anh có thể hài lòng. Chúng tôi đã thấy cảnh tượng đó rồi. Tại Rôma này, thề có các thần minh, chưa bao giò thấy một người tự do liều chính mạng sống mình cứu một nô lệ. Thưa  ngài chí tôn, nhờ ngài, chúng tôi đã được thấy điều chưa từng thấy đó. Chúng tôi cám ơn ngài và nếu ngài đồng ý, thì chừng ấy là đủ rồi.
          Xcau-rô ngần ngại. Lời cám ơn khôn khéo của nhà luật sư mở một lối thoát quí hoá cho lòng tự ái bị đe doạ của hắn. Quả thật, hắn đã hứa niềm vui thú đó. Nhưng nào hắn có ngờ đâu Phun-vi-ô mà hắn định làm cho phải đau khổ, lại đi quá trớn như vậy ! Khi mà tính mạng chàng thanh niên trở thành cái được thua của bữa liên hoan, thì liệu hắn có thể coi thường không ?Tại Rôma này,người ta sẽ nói gì về hắn ?  Nếu hắn muốn báo thù, thì phải chăng là không còn phương thế nào khác nữa ?
          Đến đây , một ý tưởng vụt qua đầu óc hắn. Trong nháy mắt, nét mặt hắn giãn ra và một nụ cười, nụ cười thâm độc, hiện rõ trên môi hắn,.
          - Thôi được ! Hắn chỉ nói chừng ấy.
          Những người nô lệ buông thiếu niên người Gô-loa ra.
          Phun-vi-ô mang áo choàng vào. Nhưng chàng sực nghĩ : chàng đi rồi, có thể tên vũ phu kia sẽ hoàn thành tội ác của hắn. Chàng quay sang Xcau-rô :
          - Xin cám ơn anh, và bây giờ nếu anh tỏ hết lòng nhân ái, anh hãy bán cho tôi tên nô lệ ấy. Tôi trả anh 5o đông vàng.
          - Đồng ý !
          Ngay tức khắc, hắn gọi viên quản đốc:
          - Li-ba-nô ! Trong vòng một tiếng đồng hồ, mày hãy trang điểm cho tên Gô-loa hẳn hoi, rồi đưa nó đến nhà ngài Phun-vi-ô !
          - Xin tuân lệnh, thưa ông chủ.
          Ma-cô thì thầm với Ho-ten-xi-ô :
          - Kìa ! Sư tử trở thành chiên. Chưa chắc, hắn sẽ báo thù.
          - Có thể. Ho-ten-xi-ô đáp.
          - Xin một điều nữa, Phun-vi-ô nói. Anh đã cho tôi mua anh đứa con, thì anh không thể từ chối không cho tôi mẹ nó.
          - Mẹ nó ? Hắn có ở đây sao ?
          - Không.Theo tôi biết, thì anh đã gửi bà ấy về đồng ruộng của anh ở tỉnh lẻ.
          - Điều tra giỏi quá ! Phun-vi-ô, tôi cho không cậu đó !
          Chàng thanh niên, mắt lấp lánh vì vui sướng, tiến lại với Xcau-rô và chìa bàn tay cho chàng bắt.
          - Chiều nay, trước khi trời tối, viên quản đốc của tôi sẽ mang số tiền tới. Nhưng nó sẽ không trả  được lòng biết ơn của tôi đâu.
          - Cái tốt thì kết thúc tốt. Tơ-ra- xê-ax nói to. Từ nãy y quá cảm động, không nói nên lời được. Thề có Giuy-pi-te, thế là ngày mai mình không thất nghiệp rồi.Tha hồ mà tường thuật, các bạn ơi!
          Xcau-rô làm hiệu giải tán tốp nô lệ. Rồi, đang lúc ánh tà dương nhuốm đỏ những khung cửa sổ phòng tiệc, hắn đi theo đám khách tiệc, cho các kiệu xuất phát và một lần nữa tiếng chào lại vang lên ở sân trong.
          Khi Phun-vi-ô đi qua, Xcau-rô cúi người trước mặt chàng và nói :     - Cậu mang trong mạch một dòng máu lạ. Đúng là cậu không thuộc thời đại này. Chúc cậu truờng thọ !
          Đang mãi vui, Phun-vi-ô không để ý tới cái giọng đặc biệt khi hắn nói câu đó. Chàng chỉ cho đó là phép lịch sự.
          - Cám ơn anh. Xin chúc anh Xcau-rô hào hiệp trường thọ !
          Rồi chàng bước qua cửa.
                                           
  
                                          
 
 
          Giờ đây, giữa sân trong trống vắng, Xcau-rô nổi điên lên:
          - Li-ba-nô !
          Viên quản đốc tiến lại. Đã quen với cơn giận của chủ, y run lẩy bẩy.
          - Thằng Phê-bô, thằng Ma-sê-đô...cho chúng mỗi đứa một trăm gậy... rồi ném chúng vào ngục tối. Đồ chó chết !...Nếu chúng tuân lệnh ta ngay, thì ta đã được việc và tên Phun-vi-ô khờ dại kia đã phải khóc hết nước mắt...Đồ chó chết !
          Hắn nắm lấy một tượng bằng ngà để trên bàn và ném xuống sàn vỡ tan.
          Làm được việc đó, hắn thấy nhẹ người. Hắn vào ngay trong phòng. Bàn tay gân guốc của hắn cấm bút viết bức thư sau đây :
 
Ê-mi-li-ô Xcau-rô                  
Kính gửi ngài Pu-bơ-li-ô Gan-lô, Tổng đốc Rôma
 
          Nếu ngài chưa hay biết, thì tôi xin báo tin để ngài biết, là Phun-vi-ô Gơ-la-bơ-ri-ơ, con trai của quan chấp chính A-xi-li-ô, đã gia nhập phái Cơ-đốc. Hôm tôi từ Hi lạp về, người ta cho tôi biết rằng Đức Hoàng đế ( nhờ Thần Giuy-pi-te che chở) chưa có thay đổi gì về vấn đề này. Tôi thiết nghĩ không thể chấp nhận việc những người có địa vị cao nhất lại nêu gương phản loạn chống lại luật pháp và ý muốn của Xê-da.
          Hơn nữa, tên Phun-vi-ô này, lại là một kẻ mị dân cuồng nhiệt. Chính tai tôi đã nhiều lần nghe y huênh hoang cỗ vũ quyền của bọn nô lệ đối với tự do và của cải. Nếu ngài không kịp thời lập lại trật tự trong vấn đề này, thì tên Xpac-ta-cô mới này sẽ gieo hỗn loạn trong Rôma.
          Xin ngài phán đoán.
                                                                 Kính chào
 
 
          Hắn đặt bút xuống. Nhưng lại đổi ý, cầm bút lên. Hắn lại viết:
                                                
           Muôn tâu Hoàng đế Tối thượng
Đức Đô-mi-xi-a-nô
          Kẻ hạ thần thấy cần kính báo Bệ hạ biết rằng con trai của quan chấp chính A-xi-li-ô Gơ-la-bơ-ri-ô, từ mấy tháng nay đã gia nhập lễ nghi Do thái...Y ở trong số bạn hữu của kẻ hạ thần. Tuy nhiên, an ninh của đế quốc và lòng tôn trọng ý muốn của Đức Xê-da nơi  hạ thần, được đặt lên trên tình bạn. Hạ thần dám nghĩ Bệ hạ hài lòng về hạ thần.
                                                            Kính chúc muôn tuổi
 
 
          Khi người đưa thư đã mang hai lá thư đi rồi, hắn ngồi lại một lúc, mặt mày hớn hở. Ngày mai, viên Tổng đốc nhát gan sẽ cho đòi tên con trai nhà Gơ-la-bơ-ri-ô đến công đường và sẽ kết án hắn vì sợ Đức Đô-mi-xi-a-nô Au-gut-xtô
          Hắn thì thầm :
          - Hay quá ! Thượng sách ! Ê-rôx trong vòng tay Phun-vi-ô, ta có thích gì. Nhưng tình nghĩa hai đứa sẽ vắn vỏi !
          Hắn đi ra ngoài cho đầu óc bớt nóng.
          Vườn cảnh ngát hương. Chỉ thỉnh thoảng mới vang lên những tiếng chu chát của bầy cá lịch đang vẫy vùng trong bể.
 
 
 
IV. Nguyện chúc hai người sống mãi trong Chúa.
 
          Hôm sau, suốt buổi mai, Phun-vi-ô ở bên Thầy Cơ-ri-dô-pôx Tối qua vào giờ Xcau-rô đã định, em nô lệ người Gô-loa, ăn mặc sang trọng, đã được đưa đến nhà A-xi-li-ô Gơ-la-bơ-ri-ô. Vừa trông thấy chàng quí tộc, em phục xuống dưới chân chàng, tự đáy lòng thốt ra lời cám ơn.
          Phun-vi-ô đỡ em dậy và dịu dàng đón nhận em. Chàng định một ngày nào sau sẽ trao đổi dài hơn.
          Sáng nay, khi Ê-rôx đến trước mặt chàng, chàng đưa em tới gặp Thầy Cơ-ri-dô-pôx. Ông ôm hôn em như cha con. Thế là cậu bé không rời xa nữa. Từ khi có mặt trên đời, trừ mẹ em, thì chưa bao giờ có ai âu yếm em đến thế. Có lẽ đây là lần đầu tiên kể từ ngày em đến Rôma này, một nụ cười chân  thành nở trên môi em. Giờ thì em đã hoàn toàn tín thác vào chàng thanh niên tốt bụng như thế. Và nước mắt em dàn dụa, em cầm lấy bàn tay Phun-vi-ô và cung kính đưa lên môi.
          Phun-vi-ô nhìn em một lúc lâu.
          - Đúng là bây giờ em yêu ta rồi, phải không nào ?
          Em thiếu niên gật đầu, đôi mắt xanh lơ bình thản để mặc cho cái nhìn tinh khiết của ông chủ mới lọt sâu vào.
          - Em mấy tuổi rồi ?
          - Thưa ông chủ, năm này bắt đầu mười sáu ạ.
          - Em làm được gì ?
          - Dạ, em biết hầu bàn, ca hát, đọc sách  và có lẽ làm được những việc khác nữa.
          - Được, ta sẽ cho em đọc và hát.
          Phun-vi-ô nghĩ tới những buổi tụ họp ở nghĩa trang Lu-xi-na.
          - Trong lúc chờ đợi, nếu em bằng lòng, ta sẽ đổi tên cho em.
          - Dạ, thưa ông chủ, có ạ.
          - Từ nay, em sẽ gọi là Tê-ô-đô-rôx, nghiă là Qùa tặng của Thiên Chúa, gọi tắt là Thiên Ân.
          - Dạ, vâng ạ.
          -Và ta cho em đi với ta, em sẽ là người đọc sách của ta. Này em có biết tế thần không ?
          Tâm hồn hăng hái của chàng chờ đợi câu trả lời. Câu trả lời không có. Nét mặt cậu thiếu niên sa sầm lại
          - Nào, Thiên ân, em không muốn trả lời ta ?
          - Thưa ông chủ, xin tha lỗi cho con, con không hiểu điều ông chủ hỏi ạ.
          - ở nhà Xcau-rô, em không thấy những tượng thần sao ?
          - Dạ, có lẽ có ạ, nhưng con không biết những cái đó.
          - Em đến I-ta-li-a này lúc mấy tuổi ?
          - Thua ông chủ, con sinh trên đất I-ta-li-a này. Mẹ con làm nô lệ ở Cam-pa-ni-a lâu rồi. Mẹ con sinh con tại đó.
          - Em có biết cha em không ?
          - Vừa đặt ra câu hỏi, Phun-vi-ô muốn rút lại ngay. Mặt cậu thiếu niên đỏ ửng.
          - Thưa ông chủ, con không biết ạ. Mẹ con chỉ nói với con rằng đó là một người tự do.
          Phun-vi-ô hiểu. Chàng đứng lặng một lúc. Chàng nghĩ phải đã  có một thiên thần gìn giữ cậu.
          - Mẹ em sắp tới đây, vài ba ngày nữa, em sẽ được gặp mẹ em. Bây giờ em đi gặp người quản gia, ông ta có nhiệm vụ săn sóc em.
          Thiếu niên đi rồi, Phun-vi-ô trình bày với Thầy Cơ-ri-dô-pôx  là chàng muốn chinh phục cho Chúa Kitô cả hai mẹ con. Người nô lệ già được phóng thích lắng nghe những lời nói hào hứng của người học trò của mình. Thầy đáp :
          - Con ạ, cậu bé chắc có một trí khôn hiếm thấy, đặc biệt là nết xấu chưa làm hư nó. Đó là điều họa hiếm. Ta không hồ nghi rằng ân sủng lại không phong nhiêu hoá một mảnh đất đặc biệt như vây. Song, đừng nên cày xới vội vàng quá. Mỗi khi một ít, gương sáng, những lời nói dịu dàng và việc dạy vỡ lòng dần dần các chân lí của Chúa, sẽ soi sáng tâm hồn nó. Con đã cưu mang nó, nó yêu con. Thế là con đường đã rộng mở rồi.
          Tiếp đó, hai người đàm đạo mãi tới trưa.
                                       
         
         
         
          Sau trưa, Phun-vi-ô đi thăm mấy kitô hữu nghèo ở vùng Tơ-răng-xtê-vê-rê.
          Khoảng 3 giờ, chàng về đến nhà, thì thấy dinh của thân phụ chàng có những lính cận vệ đứng gác.
          Chàng vừa bước vào sân trong, thì một viên đội chặn lối chàng: :                    
- Ngài là con trai quan chấp chính A-xi-li-ô ?
          - Phải, tôi đây!
          - Vậy thưa ngài rất đáng tôn kính, xin ngài thứ lỗi. Tôi có lệnh của Tổng đốc Rôma dẫn ngài đến tòa của ông.
          - Tôi ư ? Có lẽ anh lầm rồi !
          - Thưa không ạ. Đây là lệnh của Tổng đốc.
          Tờ lệnh rất hợp lệ.
          - Được, chàng thanh niên nói. Nhưng anh có biết chuyện gì không ?
          - Dạ có. Viên đội nói nhỏ tiếng. Ngài bị tố là kitô hữu.
          Trong nháy mắt, Phun-vi-ô hiểu Xcau-rô đã báo thù như thế nào. Cùng lúc, câu nói của vị giáo chủ vọng lại trong trí : “ Mỗi ngày, Phun-vi-ô có thể được Đức Kitô mời tới hi tế mạng sống...”
Chàng nở một nụ cười, trước đôi mắt ngơ ngác của người quân nhân:
          - Để ta đi chào từ biệt thân phụ và thân mẫu ta đã.
          - Xin ngài cứ việc.
          Cả dinh thự xôn xao buồn bã. Quan chấp chính vốn biết con trai mình đã là kitô hữu. Bản thân ông cũng đã lung lay mạnh bởi lời khuyên bàn tha thiết của Phun-vi-ô con yêu quí của ông. Ông ôm lấy con, khóc nức nở.
          - Thưa cha, xin cha đừng sợ. Con sẽ can đảm và cha sẽ tự hào về con.
           Chàng đến quì gối trước mặt Thâỳ Cơ-ri-dô-pôx. Vị gia sư tuổi tác đứng lên.Trong căn phòng chỉ có hai người.Phun-vi-ô nói :
          - Thưa cha, một  lần nữa, con xin tạ ơn cha, vì nhờ cha mà con đã được đức tin. Bây giờ, xin cha ban Đức Kitô cho con.
          Từ một chiếc tủ bí mật, Thầy Cơ-ri-dô-pôx lấy ra một hộp vàng óng ánh. Thầy mở Hình thánh, cho người con của Thầy hiệp lễ.
          - Thưa cha, xin cha cầu Chúa cho con.
          Từng là một người can đảm như thế,  nhưng người tôi tớ già của Đức Kitô vẫn thấy xúc động tận đáy lòng.
          Từ từ, trên đầu người thanh niên, Thầy vạch một hình thánh giá lớn. Sắp xong, thì hai giọt nước mắt lăn trên đôi gò mà nhăn nheo.
          - Hỡi con của ta, con hãy đi.Con đi trước ta. Nhưng chúng ta chờ nhau không lâu đâu. Ta hẹn sớm gặp lại con bên Chúa.
          Rồi Thầy chấp tay quì gối cầu nguyện.
          Phun-vi-ô đang đi qua sân trong, thì có tiếng ai gọi : cậu thiếu niên người Gô-loa đang vượt lên trước bọn lính, chạy tới ông chủ:
          - Xin ông chủ cho con đi với !
          Phun-vi-ô không nghĩ tới chuyện đó. Đức Kitô giờ đã chiếm trọn chàng rồi. Chàng đỡ em thiếu niên dậy:
          -  Không được. Thiên ân ạ. Ta không thể. Nhưng em nghe đây : bao giờ mẹ em đến đây, em hãy hứa với ta là năng đến bên Thầy Cơ-ri-dô-pôx  xin Thầy nói cho nghe về Đức Giê-su. Em hứa với ta chứ ?
          - Dạ, con xin hứa. Nhung xin ông chủ cho con đi với. Con van ông chủ !
          Người ta phải dùng sức mạnh mới tách lìa được hai người. Giữa vòng vây của bọn lính, Phun-vi-ô bước ra.
                                       
                                                 
 
           Ở toà án hôm nay có đông người. Tin chàng thanh niên bị bắt giữ đồn khắp Rôma. Trong số bạn bè, phần đông không biết chàng đã theo Đạo. Nhiều người không muốn tin chuyện đó. Ho-ten-xi-ô nói với Ma-cô :
          - Chà ! thằng Xcau-rô chơi đểu ! Hôm qua mày nói thế mà đúng !
          Tổng đốc là người chịu ơn A-xi-li-ô Gơ-la-bơ-ri-ô(10), nên cả buổi sáng, ông cứ ngần ngại mãi. Đến trưa, qua một nô lệ được phóng thích của Hoàng đế, ông được lệnh phải truy tố. Ông phải vâng lệnh, tự hứa là sẽ khuyên nài làm cho Phun-vi-ô chối đạo.
          Chàng thanh niên vừa tới, ông bắt đầu hỏi cung :
          - Anh tên gì ?
          - Ma-cô Phun-vi-ô Gơ-la-bơ-ri-ô.
          - Tuổi ?
          - Mười tám.
          - Thành phần ?
          - Tự do theo dòng dõi. Nhưng là nô lệ của Đức Kitô.
          Câu trả lời vắn tắt, làm viên Tổng đốc lúng túng. Nhưng ông nhớ lại bức thư của Xcau-rô. Ông nói tiếp :
          - Ta không hiểu ngươi. Dòng dõi quí tộc của ngươi chống lại lời ngươi nói.
          - Còn tôi, tôi thưa ông rõ : quí tộc đích thực ấy là làm nô lệ Đức Kitô.
          Viên quan cười mỉa mai:
          - Thôi đi ! Đừng đưa ra những điều nghịch lí ấy nữa. Anh là kitô hữu phải không ?
          - Tôi chưa nói với ông sao ?
          - Ta hiểu anh có thật tâm. Nhưng chiếu chỉ của Đức Hoàng đế là rõ ràng. Không ai có thể thục hành những lễ bái Do thái giáo mà không trái lệnh Xê-da.
          - Ông nghĩ tôi chưa biết những điều ấy sao ?
          - Nếu anh biết, anh phải tuân lệnh.
          Trước hết, xin ông cho biết : các nghi lễ Do thái giáo như ông gọi đó, có gì là nghịch lại lợi ích Đế quốc ?
          -Tuyên truyền chống lại luật pháp và làm giảm sút phẩm cách con người.
          -Thưa ngài Tổng đốc Rôma, ngài biết rõ nói như thế là sai. Nếu kitô hữu là những tên phản loạn, thế thì xin ngài giải thích cho biết tại sao Hoàng đế Vet-xpa-diêng cho họ sống yên ổn ? Còn việc làm giảm sút phẩm cách, xin hãy nhìn quan chấp chính đương nhiệm Phơ-la-vi-ô Cơ-lê-men-tê, rồi liệu ngài có dám lặp lại lời cáo buộc đó nữa không.
          Trong đám đông có tiếng xì xào. Cơ-lê-men-tê (11 ) được mọi người quí mến . Mới năm nay, Đô-mi-xi-a-nô vừa đặt ông làm chấp chính. Ông có họ với hoàng đế.
          Một số người vỗ tay. Những người khác thấy như thế là thiếu khôn ngoan tột bực rồi. Viên Tổng đốc mím môi :
          - Tuổi anh lẽ ra bắt anh phải dè dặt hơn thế. Ta không cần tranh luận với anh. Hãy vâng lệnh Hoàng đế mà tế thần!
          - Tôi xin lấy nhân dân đây làm chứng rằng ông khước từ mọi tranh luận. Hoá ra ông sợ sự thật, phải không ?
          - Này, anh lầm rồi. Ơ đây không phải là chỗ lên lớp. ở đây là toà án. Ta có trách nhiệm về anh. Vâng lệnh mà tế thần đi !
          - Tế gì ?
          - Tế các thần minh !
          - Thần minh nào ?
          - Thần minh nào mà anh ưng.
          - Thế sao không tế thần của tôi ?
           Viên Tổng đốc không biết trả lời thế nào.
          Phun-vi-ô tiếp :
          - Tại sao không cho phép chúng tôi tôn thờ Thiên Chúa của chúng tôi ? Ông cho người Hi lạp thờ thần Ha-đex, người Ai cập thờ thần I-dix. Tại sao lại cấm chúng tôi yêu mến Đức Kitô ?
          Chàng nói những lời đó bằng một giọng rung động và luận cứ lương tri gây được tiếng vang trong đám đông. Rõ ràng là chàng thanh niên dáng điệu tự hào, nói năng hùng hồn chân thành, làm người ta cảm kích theo chàng. Viên quan thấy cần trấn áp :
          - Vấn đề không phải ở chỗ đó, giọng ông nên cứng cỏi. Anh có muốn tế thần hay không ?
          - Không bao giờ !
          - Coi chừng ! Hoàng đế đã trao cho ta quyền sống quyền chết !
          - Ông không có quyền đó !
          - Ta có quyền đó.Và anh sẽ thấy, nếu anh ngoan cố !
          - Ông không có quyền. Ông có thể giết chết. Đúng, nhưng quyền đó, ai cũng có. Chúng ta có quyền đó chung với thú dữ. Còn quyền sống, ông không có. Nào ông có dám nói rằng ông có thể làm một người chết sống lại hay không ?
          - Hỗn láo ! Ngươi muốn sống hay muốn chết, nói mau !
          - Nếu tôi không muốn sống, thì tôi đã không tuyên xưng Đức Kitô.
          Viên Tổng đốc không hiểu câu nói đẹp đẽ đó. Ông nghĩ là Phun-vi-ô đã chuyển.
         - Vì ngươi  muốn sống, ta hoan hô ngươi đấy ! Ngươi hãy lấy hương bỏ vào lư hương kia ! Thế là ngươi được tự do. 
             Hi vọng của ông ta vắn vỏi.
          - Thưa quan, quan không hiểu rồi. Sở dĩ tôi tuyên xưng Đức Kitô mà liều mạng sống phần xác của tôi, là vì tôi hi vọng lòng nhân từ Người sẽ ban cho tôi một đời sống khác, đời sống đó sẽ không mất. Cứ đóng xiềng tôi đi ! Trong khi đóng xiềng tôi là quan giải thoát tôi. Kết án tôi đi ! Trong khi giết chết tôi, quan làm tôi sinh vào cõi sống muôn đời.
            - Thôi được ! Viên Tổng đốc nói. Vì ngươi muốn, ngươi sẽ chết !
          Y đứng lên đọc bản án.
          Bỗng có một cái gì xảy đến thật là kì lạ. Từ hàng người thứ nhất, một thiếu niên tiến lên, đến phục dưới chân Phun-vi-ô. Em nói :
          - Ngài đi đâu, con đi đó !
          Trong đám đông có lộn xộn.Người ta chen nhau nhìn cho rõ hơn. Phun-vi-ô, bằng một cử chỉ tình nghĩa, đỡ cậu thiếu niên người Gô-loa đậy :
          - Này con yêu ! Lẽ ra con đừng đến đây thì hơn. Con về với cha con đi !
          - Thưa không. Con muốn theo ngài. Con cũng tin Đức Kitô.
          Quan án can thiệp. Ông hỏi em nô lệ :
          - Mày là ai ?
          Phun-vi-ô vội trả lời :
          - Thưa ngài tổng đốc, xin thứ lỗi. Đây là một trong số nô lệ của tôi. Nó còn quá nhỏ dại, xin quan đừng chấp. Xin cho nó về bình an.
          Bây giờ Thiên ân nhìn thẳng vào mắt chàng :
          - Thế là ông chủ không muốn cho con đi gặp Đức Kitô sao? Ông chủ không yêu con sao ?
          - Nhưng em chưa biết Đức Kitô.
          - Phải lâu mới biết được sao ? Ông chủ biết ngài. mà vì ông chủ muốn chết vì ngài, thì con cũng tin hết những gì ông chủ tin. Ôi ! Xin ông chủ đừng từ chối con !
          Một nụ cười tươi tắn làm rạng rỡ khuôn mặt người thanh niên. Chàng nói :
          - Em nói đúng ! Ta không có quyền giật khỏi tay em ngành dừa chiến thắng của người tử đạo !
          Rồi chàng quay về phía viên Tổng đốc đang chờ :
          - Em này cũng kitô hữu như tôi.
          Viên quan nhún vai :
          - Tuỳ ngươi !
          Và y tuyên án tử hình. An sẽ được thi hành ngay bên ngoài thành, trên đường Xa-la-ri-a.
          Đám đông dân chúng rì rầm.
          Nhưng viên tổng đốc ra hiệu. Bọn lính vây lấy hai người bị lên án.
          Và người ta mục kích điều kì lạ này : ông chủ và người nô lệ, tay trong tay, đầu ngẩng cao, mặt hớn hở, bước đi đến nơi hiến tế tuổi xuân xanh của mình vì đức tin.
                                              
 
 
 
 
 
 
 
Ngay tối hôm đó, thi hài hai vị tử đạo được các bạn bè thu lượm và mang tới nghĩa trang Lu-xi-na.
          Hai con người đã nên một trong cái chết, thì người ta không muốn tách lìa họ trong phần mộ. Người ta đặt kề bên nhau người nô lệ và người quí tộc. Trên mộ chí, vẻn vẹn mấy tiếng này:
 
 
               Nguyện chúc Phun-vi-ô  Tê-ô-đô-rôx sống mãi trong Chúa!    
 
_______________
 
 
Chú thích
           
 (1) A-cơ-rô-pôn  : một ngọn đồi ở A-ten, Hi lạp, nơi có đền thờ thần Mi-nec-va.
 (2) Thần Dớt : Zeus, là Giuy-pi-te của người Hi lạp.
 (3) Sãi Vet-xtan : những thiếu nữ quí tộc được chọn từ nhỏ để giữ lửa thiêng, phải giữ trinh khiết trọn đời. Nơi họ ở là Atrium Vestae, trên Quãng trường.
 (4) Luật Rôma xử chôn sống vet-xtan nào phá giới.
 (5) Diễn đài : Les Rostres, nơi các nhà hùng biện diễn thuyết.
 (6) Cột Mốc : cột bằng vàng, nơi xuất phát mọi con đường của đế quốc Rôma.
 (7) Xpac-ta-cô : cầm đầu cuộc khởi nghĩa của các nông nô Rôma.
 (8) Pa-la-tin : một trong 7 ngọn đồi của Rôma, nơi có cung điện hoàng đé.
 (9) “Instrumentum genus vocale” (Varron).
 (10) A-xi-li-ô Gơ-la-bơ-ri-ô  là thân phụ của Pun-vi-ô, chính ông cũng tử đạo năm 96.
 (11) Pha-vi-ô Cơ-lê-men-tê : cũng tử đạo khi hết nhiệm kì tổng đốc.