500 năm nhìn lại Martin Luther

01/11/2017
2960
Đúng 500 năm trước đây, việc Martin Luther công bố 95 luận đề của ông ở Nhà Thờ Chánh Tòa Wittenberg đã làm phát sinh cả một phong trào ly giáo rộng lớn ở Tây Phương. Từ đó, không biết bao nhiêu nhân tố đã góp phần tạo cho bức tường ly giáo ngày thêm kiên cố.

Tuy nhiên, nhiều cuộc cách mạng đủ loại từ đó tới nay đã góp phần làm cho con người khách quan hơn trong việc xét đoán người khác. Nhờ thế nhiều lớp áo giả tạo đã được tháo gỡ giúp người ta nhìn rõ sự thật hơn, sự thật về mình và sự thật về người khác, trong đó, có kẻ thù hay kẻ đối nghịch với mình. Chính trong chiều hướng này, Giáo Hội Công Giáo, mà thời tiền Vatican II vốn được coi là một xã hội hoàn hảo nhưng từ Vatican II trở đi được coi nhiều hơn như một dân lữ hành, và do đó, có thể phạm sai lầm, đã lên tiếng xin lỗi mọi người. Gần đây nhất, Đức Giáo Hoàng Phanxicô không những xin lỗi phong trào do Martin Luther khởi xướng mà còn chính thức tham dự việc tưởng niệm năm thứ 500 ngày ông phát khởi phong trào này nữa. 

Thiển nghĩ nhà lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo, khi làm như trên, không có nghĩa thừa nhận Phong Trào Thệ Phản, mà là nhìn nhận phần trách nhiệm của mình trong việc phát sinh ra nó. 

Thực vậy, Tom Hoopes, chẳng hạn, cho rằng nguyên việc đóng đinh 95 luận đề lên cửa nhà thờ chính tòa Wittenberg ngày 31 tháng 10 năm 1517 mà thôi làm sao tạo ra được phong trào Thệ Phản. Việc này chẳng có chi là dạn dĩ, độc đáo cả, đó là cách thông thường để phổ biến tin tức vào thời ấy, một việc giới học thuật làm thường xuyên để khởi đầu một cuộc tranh luận. 

Thậm chí Glenn T. Stanton còn cho rằng: Martin không hề đóng đinh 95 luận đề của ông ở cửa nhà thờ chính tòa Wittenberg. Nói đúng hơn, ông có đóng đinh ở đấy 2 lá thư, và 1 trong 2 lá thư này có chứa 95 luận đề nổi tiếng về sau. Chúng tôi sẽ đề cập tới vấn đề này sau.

Bây giờ, xin trở lại với nhận định của Tom Hoopes về việc đóng đinh 95 luận đề. Ông cho rằng, chính việc người ta sao chép, dịch chúng sang nhiều thứ tiếng và phổ biến khắp nơi đã tạo nên làn sóng lớn, vượt quá cả chính 95 luận đề. Việc này khiến con người vốn có ý tốt lành Martin Luther thoạt đầu chỉ muốn giới hạn ân xá vào việc làm tốt và việc xưng tội, chứ không vào việc dâng cúng, nay trở thành quá khích, bác bỏ hết mọi thứ ân xá và việc làm tốt, chỉ còn sola gratia. Và càng được công chúng ủng hộ hoan hô, Martin Luther càng xa rời Giáo Hội mà ông vốn kính yêu như con thảo, đến không còn modestia (nhã nhặn) như nhận định của Erasmus. 

Trở lại với nhận định của Stanton cho rằng điều Luther đóng vào cửa nhà thờ chính tòa Wittenberg không phải 95 luận đề mà là hai phong thư gửi các vị giám mục hữu trách và 1 trong 2 phong thư này có chứa 95 luận đề. Tác giả này dựa vào hai công trình nghiên cứu mới đây để quả quyết như thế. Một là công trình của Richard Rex (The Making of Martin Luther), giáo sư về lịch sử phong trào Thệ Phản tại Đại Học Cambridge. Vị giáo sư này cho rằng “Gần như không hề có một chứng cớ nào cho thấy Luther thực sự tới và đóng đinh chúng vào cửa nhà thờ ngày đó, và ta có đủ lý do tin rằng ông không làm việc này”. Công trình thứ hai của Eric Metaxas: Martin Luther, The Man Who Rediscovered God and Changed the World cũng đồng ý như thế. 

Hai lá thư trên cảnh báo các vị giám mục hữu trách về các lạm dụng ân xá của một vị giảng thuyết “đắt khách” Johann Terzel hồi đó. Theo chính lời ông thuật lại (xem Sources for and against the Posting of the Ninety-Five Theses của Volker Leppin và Timothy J. Wengert, đăng trên tạp chí Lutheran Quarterly năm 2015), trước Vọng Lễ Các Thánh năm đó, Luther đã bắt đầu thuyết phục dân chúng đừng tin theo lời truyên truyền của các nhà “bán” ân xá vì có nhiều điều tốt hơn ân xá để làm như làm phúc bố thí chẳng hạn. Sau đó không lâu, ông viết hai lá thư, một gửi cho Đức Cha Albrecht, Tổng Giám Mục Mainz, một lá gửi cho Đức Cha Jerome Scultetus, Giám Mục sở tại Brandenburg. 

Cũng theo ông, trong lá thư gửi Đức Cha Albretch, Luther có kèm các Luận Đề, yêu cầu ngài ngưng việc cho phép Terzel rao bán ân xá, một việc ông cho là ngu đần, “nếu không nó sẽ tạo ra nhiều điều không làm ai vui lòng”. 

Phải nhận là Luther tôn trọng phẩm trật khi làm thế. Vả lại, ông làm thế không phải một cách bất kính hay trong tức giận, mà khá rụt rè là đàng khác. Thực vậy trong lá thư gửi Đức Cha Albretch, ông có những lời ca ngợi vị này, gọi ngài là “Cha rất đáng kính của con… (Cha) đáng tôn kính, sợ sệt và rất nhân hậu”, “Hoàng Tử Vinh Hiển Nhất” của Luther. Còn ông là “cặn bã của nhân loại”. Ông khiêm nhường xin đuợc tha thứ vì đã “dám bạo gan nghĩ đến việc gửi thư cho sự cao cả của Đấng Siêu Phàm”, xin Đức Tổng Giám Mục tốt lành “đoái nhìn một hạt bụi và vì lòng nhân lành của một vị giám mục lưu ý tới lời cầu xin của con”. Metaxas mô tả lá thư này không hơn không kém như một “kiểu mẫu nịnh nọt luồn cúi”. Điều này cho thấy Luther của ngày 31 tháng 10 năm 1517 như một con mèo con kêu rừ, rừ chứ không hề là một con sư tử kêu rống. 

Tinh thần thệ phản của ông mãi sau này mới nổi dậy và không hề chỉ do một biến cố lịch sử duy nhất tạo nên. Nó diễn biến từ từ trong các tuần lễ kế tiếp. Các lời cảnh báo của Luther bị để ngoài tai. Và mưu đồ thì lớn hơn cả trí tưởng tượng của ông, với Đức Cha Albretch chia phần “buôn bán” với Đức Giáo Hoàng trong khi Terzel được lãnh thù lao giảng thuyết. Đức Cha Albretch ngậm miệng ăn tiền, còn Đức Cha Jerome thì khuyên ông đừng gây sóng gío cho con thuyền. 

Sở dĩ ông cho công bố các luận đề sau đó, là vì chúng bị giáo quyền khinh bỉ. Ý định nguyên khởi của ông không phải là công bố chúng, nhưng ông buộc phải làm việc này như một hệ luận hợp luận lý. Căn cứ vào chính lời ông nói, ông không hề là một nhà cách mạng lôi đình, mà chỉ những cố gắng làm một người con ngoan của Giáo Hội Công Giáo. Không một học giả nghiêm túc nào về Luther hỗ trợ cái viễn tưởng về một chàng tuổi trẻ tiên tri múa búa vào Ngày Cải Cách. Đó chỉ là một truyện truyền kỳ tưởng tượng. Không một hành vi cải cách nào đã diễn ra vào ngày 31 tháng Mười năm 1517. Luther không trở thành “người thệ phản” vào hôm đó, dù chắc chắn sau đó ông đã trở thành con người này. 

Gần như không một chi tiết loan truyền nào về câu truyện hoang đường ở cửa nhà thờ Wittenberg là đúng sự thật cả. Văn kiện ư? Nếu có, thì đó chỉ là một đề xuất cho một cuộc tranh luận thần học có tính học thuật về ơn xá, không hề là hiệu lệnh cho một cuộc cách mạng. 
Lời mời gọi tranh luận này là việc làm bình thường của các giáo sư thời ấy, không có gì đáng lưu ý. Tiếc thay, cuộc tranh luận không bao giờ diễn ra. Vì không ai đáp lại lời mời. 

Còn chiếc cửa nhà thờ? Đây không hề là một điển hình của việc dám nói sự thật một cách công khai cho giáo quyền bằng cách trực tiếp đem vụ việc của mình dán ở cửa nhà thờ chính tòa thành phố để ai ai cũng thấy. Các yết thị được công chúng lưu ý đều được dán ở cửa chính nhà thờ. Cửa ấy được sử dụng như bảng yết thị của cộng đồng vì ít nhất một lần trong tuần dân thành phố đều đến đó. 

Các lời mời có tính học thuật trên cũng không được dán ở cửa một nhà thờ mà là tại cửa của mọi nhà thờ trong thành phố, đây là chính sách chung của các đại học thời ấy. Thành thử việc dán hay đóng đinh các lời mời này không hề là một biến cố lịch sử mà chỉ là vấn đề hành chánh thông thường.

Thế còn búa và đinh? Phần lớn người ta dán bằng hồ hay một đinh ghim. Còn người dán, thì thường không phải là một giáo sư danh tiếng, phần lớn là người giữ nhà thờ hay đại học. Có thể là một học trò của Luther, chứ không phại vị tiến sĩ giáo sư này. 

Các luận đề của Luther quả có mang sấm sét đến cho thế giới, phát động cả một phong trào thay đổi văn minh. Không ai chối cãi điều này và nó đáng được mừng kỷ niệm 500 năm. Nhưng nhất định không phải tiếng búa ở cửa nhà thờ Wittenberg mà tiếng leng keng của máy in hồi ấy mới là ngòi nổ. 

Thực vậy, các luận đề của Luther được in ấn và mang ra bán, dù chính Luther không biết và thỏa thuận, bởi các nhà in kinh doanh; các ấn phẩm của họ được loan truyền “khắp nước Đức trong vòng non hai tuần” như chính Luther cho hay. Công trình của ông loan nhanh như vi khuẩn (viral) dù chữ vi khuẩn hồi ấy chưa hề có và chính Luther không hề nhúng tay vào. Hậu quả làm chính ông ngạc nhiên y hệt các tác giả ngày nay bỗng nổi tiếng trên liên mạng. Chính Luther đã gọi việc in ấn và phân phối hợp thời các luận đề của ông như “những khởi đầu thứ nhất, có thực chất và nền tảng cho cuộc ‘náo động của Luther’”. Trước đó, sự việc khá trầm lặng.

Dù Luther không bao giờ nhắc đến việc đóng đinh các luận đề lên cửa nhà thờ chính tòa Wittenberg, người bạn trung thành Melanchthon của ông đã có công phát động màn kịch đó. Ông ta giải thích rằng với các luận đề và chiếc búa trong tay, Luther “đã công khai đóng chúng ở Nhà Thờ cạnh Lâu Đài Wittenberg vào ngày vọng Lễ Các Thánh năm 1517”. Melanchthon viết như thế ít năm sau ngày Luther qua đời dù không phải là nhân chứng nhãn tiền của biến cố. Và lời ông ta hoàn toàn khác với lời Luther.

Còn nội dung của 95 luận đề thì sao? Chúng có phải là một tổng thể gắn bó chống lại các vấn đề thần học và giáo hội học chính của Giáo Hội Công Giáo không? Không hẳn. Vì lúc ấy, ông chỉ quan tâm tới vấn đề ân xá và bản chất của việc ăn năn tội (contrition) đích thực, dù nghị trình Luthêrô chắc chắn lớn mạnh cùng với thời gian. 

Có người còn quả quyết rằng Luther không phải là một nhà cải cách của phái Luthêrô mà là của Công Giáo. Vì lúc đó, ông không quan tâm đến chính việc dùng ân xá mà đến việc chúng bị bán theo kiểu sơn đông mãi võ và thao túng. Các quan tâm này có tính Công Giáo hơn người ta tưởng và nhiều tín hữu Cải Cách thoải mái với nhận định này. Học giả về Luther là Timothy J. Wengert, trong cuốn Martin Luther's Ninety-Five Theses: With Introduction, Commentary, and Study Guide, cho hay một độc giả thời nay than phiền là các luận đề này “nghe không Luthêrô chút nào”. 

Theo Stanton, đúng như thế. Vì vào lúc đó, người tu sĩ trẻ tuổi Luther chỉ coi mình là một người Công Giáo cải cách, như một học giả của bài báo đã trích dẫn trên đây của tờ Lutheran Quarterly vốn quả quyết. Phần lớn các độc giả hẳn sẽ ngạc nhiên khi thấy Luther, trong các luận đề ấy, vẫn còn tin luyện ngục và thẩm quyền của Đức Giáo Hoàng. Tất cả, chẳng bao lâu sau, đã thay đổi. Sự mạnh bạo của Luther, một năm sau, sẽ lớn mạnh, dẫn đầu cho việc thoát xác của ông từ một nhà cải cách thân thiện trở thành môt người phản kháng đầy tính ngôn sứ. Chắc chắn ông ta không trở thành một nhà Thệ Phản, càng không trở thành người sáng lập ra phái Luthêrô vào Lễ Vọng Các Thánh năm 1517. Cùng lắm, chỉ có thể nói ngày ấy thực là Ngày Chuyển Hướng Về Phía Cải Cách. 

Tại sao phải nói thế? Stanton cho rằng không một huyền thoại nào về Luther đã phát khởi từ một ảnh hưởng duy nhất, dù đó là đức tin và thực hành Kitô Giáo mà là do đủ mọi ảnh hưởng chính trị, kinh tế, kỹ nghệ, giáo dục, phân phối chữ viết, nghệ thuật, địa vị phụ nữ, và bản chất cùng ý nghĩa của hôn nhân và gia đình… Ta chỉ có thể mừng kỷ niệm 500 Thệ Phản một cách trung thực khi đặt các huyền thoại này song song với các sự kiện do chính ông kể lại.



Vũ Văn An

(Nguồn: Vietcatholic.net)