350 Năm Dòng Mến Thánh Giá: Cuộc đời Đức cha Pierre Lambert De La Motte

19/05/2020
2596
NĂM THÁNH MỪNG 350 NĂM THÀNH LẬP DÒNG MẾN THÁNH GIÁ

BÀI 1: 
CUỘC ĐỜI ĐỨC CHA PIERRE LAMBERT DE LA MOTTE
 
Nhóm Nghiên Cứu Linh Đạo Mến Thánh Giá thực hiện
 
WHĐ, 09-05-2020 - Dòng Mến Thánh Giá là Dòng nữ đầu tiên mang bản sắc Á Đông, do Đức Cha Pierre Lambert de la Motte thành lập tại Đàng Ngoài năm 1670, tại Đàng Trong năm 1671, và tại Thái Lan năm 1672. Ngược dòng lịch sử của Giáo Hội Việt Nam từ những thời kỳ đầu, chúng ta có thể thấy rằng, Dòng Mến Thánh Giá được khai sinh và lớn lên cùng song hành với Giáo Hội. Khởi đi từ “một số phụ nữ đạo đức ở Đàng Ngoài, từ lâu đã tự nguyện khấn giữ đức khiết tịnh. [...] Chúa Quan Phòng đã dùng để đặt nền tảng cho đời sống tu trì tại Đàng Ngoài, và thành lập nên một Tu Hội đặc biệt, mang danh hiệu Dòng Nữ Mến Thánh Giá Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta”[1].

Mở đầu trang sử và là mốc điểm đánh dấu cho sự thành lập Dòng Mến Thánh Giá Việt Nam là sự kiện hai nữ tu đầu tiên được tuyên khấn công khai vào ngày 19/02/1670 tại Phố Hiến, Đàng Ngoài, trước sự hiện diện của Đức Cha Pierre Lambert de la Motte, vị Đại Diện Tông Tòa tiên khởi miền truyền giáo Đàng Trong, Đấng Sáng Lập Dòng Mến Thánh Giá. Từ thời điểm lịch sử ấy cho đến hôm nay, Dòng Mến Thánh Giá đã tròn 350 năm.
350 năm hiện diện và tồn tại trên quê hương đất Việt là một hành trình đầy thách đố của niềm tin, của hy sinh và dâng hiến, để người nữ tu Mến Thánh Giá có thể minh chứng tình yêu phi thường dành cho Đức Giêsu-Kitô Chịu-Đóng-Đinh.
350 năm đồng hành với Giáo Hội Việt Nam dưới bóng Thánh Giá Chúa Giêsu Kitô. Dòng Mến Thánh Giá thật sự là quà tặng của Thiên Chúa ban cho Giáo Hội Việt Nam và là một trong ba nhân tố chính của Giáo Hội, bên cạnh Hàng Giáo Sĩ và Hội Thầy Giảng. Trong bài giảng Thánh Lễ Khai mạc Năm Thánh mừng 350 năm thành lập Dòng Mến Thánh Giá, Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam, sau khi trưng dẫn sự phát triển của Dòng cùng những hoạt động tông đồ hữu hiệu của nữ tu Mến Thánh Giá trên toàn quốc, đã nhìn nhận: “Dòng Mến Thánh Giá quả là kiệt tác của Chúa Quan Phòng để các nữ tu hoạt động và đáp ứng thiết thực cho những nhu cầu mục vụ của thời đại. Đời sống chứng tá của các nữ tu để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp trong lòng Giáo Hội Việt Nam và trong lòng từng người con của Đất Việt. [...] Không những thế, chị em Dòng Mến Thánh Giá còn có mặt trong mọi ngõ ngách, mọi môi trường, tận tụy phục vụ trong mọi lãnh vực [...].Thật vậy, trải qua bao nhiêu thăng trầm của lịch sử và thời thế, chị em Mến Thánh Giá đã đồng hành với Hàng Giáo phẩm, đã cùng với mọi thành phần dân Chúa xây dựng Nước Chúa và Giáo Hội khắp nơi, vượt qua bao cuồng phong bão táp, có khi phải trả bằng giá máu, các chị vẫn kiên trì bước theo ánh sáng soi đường của Chúa Thánh Linh, qua Đấng Sáng Lập và đặc sủng của Dòng. Không thể có một dòng lịch sử uy hùng như thế nếu không có sự hỗ trợ của Chúa!”[2]
Hôm nay nhìn lại Lịch Sử Dòng Mến Thánh Giá, chị em hân hoan trong niềm vui trọng đại mừng kỷ niệm 350 năm thành lập Dòng. Dù khiêm tốn đến mấy chị em cũng không thể che giấu được niềm tự hào về những bước chân sáng ngời của các thế hệ tiền nhân. Đây là cơ hội giúp người nữ tu Mến Thánh Giá canh tân chính mình và truyền bá gia sản tinh thần quý giá của Đức Cha Lambert đã để lại. Và đây cũng là dịp thuận lợi để chị em cất cao lời cảm tạ, ngợi khen Thiên Chúa Ba Ngôi đã thương quy tụ chị em dưới bóng Thánh Giá của Đấng Chịu-Đóng-Đinh; cùng tri ân Đấng Sáng Lập, biết ơn các Đấng Bản Quyền và ghi ơn các vị tiền bối, các ân nhân đã quảng đại nâng đỡ, vun trồng cho cây đại thụ Mến Thánh Giá ngày càng vững mạnh, nhằm phục vụ tốt và hữu hiệu hơn nữa trên cánh đồng truyền giáo của Mẹ Giáo Hội.
Để tìm hiểu Dòng Mến Thánh Giá, trước tiên chúng ta phải biết về Đức Cha Pierre Lambert de la Motte, Vị Đại Diện Tông Tòa Tiên Khởi Đàng Trong, Giám Quản Tông Tòa Đàng Ngoài và là Đấng Sáng Lập Dòng Mến Thánh Giá. Qua cuộc đời với những kinh nghiệm thiêng liêng sâu sắc và sống hết mình vì sứ mạng của Đức Cha Lambert, chúng ta khám phá ra đặc sủng, linh đạo Mến Thánh Giá mà Đấng Sáng Lập đã sống và chuyển trao cho con cái của ngài.
 
 
BÀI 1: CUỘC ĐỜI
ĐỨC CHA PIERRE LAMBERT DE LA MOTTE

Đức Cha Pierre Lambert de la Motte sinh ra và lớn lên trong thế kỷ XVII, thế kỷ mà một số sử gia gọi là “vĩ đại” hay còn được gọi là thế kỷ của tâm linh.[3] Thật vậy, nước Pháp thời kỳ này đã sản sinh nhiều vĩ nhân trong phạm vi văn học và triết học, đặc biệt, đã cống hiến cho Giáo Hội 27 vị Chân Phước và Hiển Thánh. Đức Cha Pierre Lambert là người con của Giáo Hội Pháp, chắc hẳn ngài đã đón nhận nhiều và cũng góp phần trong gia sản vĩ đại và thánh thiện ấy.
 
I. GIAI ĐOẠN TẠI PHÁP (1624-1660)
1. Gia đình
Pierre Lambert de la Motte chào đời ngày 28/01/1624 tại Lisieux, trong một gia đình quý tộc giàu sang[4], thuộc giới tư pháp, đã định cư lâu đời tại vùng Normandie, phía Tây Bắc nước Pháp. Song thân là ông Pierre Lambert de la Motte, từng là Tử Tước thành phố Évreux, và bà Catherine Heudey de Pommainville[5], ái nữ của một vị Cố Vấn Tòa Án ở Rouen. Tuy nhiên, Pierre Lambert sớm chịu cảnh tử biệt: cậu mất đi ba người em khi chưa được chín tuổi, mồ côi cha lúc hơn 11 tuổi, chịu tang bà nội khi 14 tuổi, và mồ côi mẹ vào tuổi 16[6]. Những biến cố đau thương này đã ảnh hưởng không nhỏ trong việc hình thành nên một cậu thanh niên trầm lắng, nhạy bén, và đặc biệt, trên những cảm nghiệm thiêng liêng sâu sắc sớm được hé mở và vun đắp trong tâm hồn cậu.
2. Giáo dục
Pierre Lambert được hưởng nền giáo dục chu đáo của một đứa trẻ thuộc giới quý tộc, dưới sự hướng dẫn tỉ mỉ của người cha và sự dạy dỗ của giáo sĩ Zacharie de Lisieux[7]. Ngoài những môn học tự nhiên, cậu còn được học giáo lý để chuẩn bị Rước Lễ lần đầu.
Khoảng năm 1634, Pierre Lambert theo học trung học tại Trường Collège du Mont ở thành phố Caen, do các tu sĩ Dòng Tên điều hành. Phương pháp giáo dục của Dòng Tên nhấn mạnh tầm quan trọng của ý chí và hành động sáng suốt trong ý thức trách nhiệm, đã góp phần cho Pierre Lambert hình thành một nhân cách mạnh mẽ, có khả năng đương đầu với nghịch cảnh và thử thách trong cuộc sống.
Sau giai đoạn trung học, Pierre Lambert theo học Luật tại đại học thành phố Caen như truyền thống lâu đời của dòng họ Lambert[8].
3. Sự nghiệp
Năm 1646, sau khi tốt nghiệp đại học Luật, ngài Pierre Lambert bắt đầu con đường sự nghiệp, làm thẩm phán tại Tòa Án Thuế Vụ thành phố Rouen lúc mới 22 tuổi[9]. Tại đây, vị thẩm phán trẻ hằng ngày đến nhà thờ các cha Dòng Tên để nguyện ngắm và đọc kinh nhật tụng trước khi tới tòa án làm việc. Khi đi ngang qua nhà thờ Chính Toà, ngài ghé vào để dâng cho Đức Mẹ những vụ xét xử phải thực hiện theo chức vụ của mình. Rồi sau ngày làm việc, ngài lại vào nhà thờ để tạ ơn Đức Mẹ về những vụ án ngài vừa xử kiện. Như thế, vị thẩm phán đã nối kết được lòng đạo đức vào công việc, ý hướng ngay lành vào các tranh luận của nghề nghiệp, đến độ chẳng bao lâu ngài nổi tiếng là một quan tòa rất có năng lực và liêm chính[10].
4. Hành trình ơn gọi linh mục và thừa sai
Ơn gọi linh mục và thừa sai nơi Pierre Lambert được Thiên Chúa Quan Phòng chuẩn bị chu đáo từ lâu. Thật thế, ngay từ lúc chín tuổi, một tiếng gọi huyền nhiệm đã vang lên trong tâm hồn Pierre Lambert. Từ đó, Thiên Chúa đã dùng những con người và những biến cố ngang qua cuộc đời ngài để làm sáng tỏ tiếng gọi đó.
Trước tiên, phải nói đến cha Julien Hayneuve, Dòng Tên, với đời sống khiêm nhường thẳm sâu, nguyện ngắm cao siêu[11], kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa, ngài đã ảnh hưởng không nhỏ trên đời sống tâm linh của Pierre Lambert, qua việc gặp gỡ và trao đổi mỗi ngày.
Tiếp đến, người ảnh hưởng đến khúc ngoặt quan trọng của vị thẩm phán Lambert là ông Jean de Bernières de Louvigny, một giáo dân đạo đức, đã lập ra Ẩn Viện Caen. Cuối năm 1654, Thiên Chúa đã thúc đẩy ngài Pierre Lambert đến tĩnh tâm năm tháng tại Ẩn Viện[12] để tìm hướng đi cho cuộc đời mình. Qua sự hướng dẫn của ông Jean de Bernières, Pierre Lambert đã tiến xa trên đường thiêng liêng, yêu thích sự tự hủy.
Sau cuộc tĩnh tâm, Pierre Lambert quyết định ba việc quan trọng: Bỏ chức thẩm phán, theo ơn gọi linh mục và tham gia chương trình truyền giáo tại Canada[13]. Tuy nhiên, việc thứ ba không thành, vì Thiên Chúa đã chuẩn bị một chương trình khác cho ngài.
     4.1. Chịu chức Linh Mục
Để chuẩn bị cho ngày lãnh nhận các chức thánh, Pierre Lambert bắt đầu cuộc tĩnh tâm 30 ngày[14]. Sau đó, ngài thực hiện cuộc hành hương khổ nhục, đi bộ từ Caen tới Rennes, khoảng 150 cây số.
Sau khi chịu các chức nhỏ, thầy Pierre Lambert chọn Chủng Viện Coutances của cha Jean Eudes, tĩnh tâm 40 ngày[15] để chuẩn bị tâm hồn cho ngày trọng đại sắp đến. Ngày 27/12/1655, thầy Pierre Lambert lãnh Chức Linh Mục tại nhà thờ Chánh Tòa Bayeux[16].
Ngày 08/02/1656, Tân Linh Mục dâng Thánh Lễ mở tay tại Chủng Viện Coutances. Chính ngài đã ghi lại cảm nghiệm thiêng liêng sau Thánh Lễ này: “Tình yêu mà Thiên Chúa đã khấng ban cho tôi hôm nay đang cháy bừng lên trong lòng khi tôi cử hành Thánh Lễ và sau Thánh Lễ, như muốn lôi kéo tôi đến với các dân tộc chưa hề biết Chúa hơn là đến với các dân tộc đã biết Ngài. Có lẽ tôi cần phải tìm kiếm bên kia bờ đại dương những người mù lòa đáng thương mà Thiên Chúa muốn kéo ra khỏi nơi tối tăm, nhờ công nghiệp Máu Thánh Chúa Kitô đã đổ ra cho mọi người”[17]. Linh cảm trên có ý nghĩa như thế nào trong cuộc đời của linh mục Pierre Lambert thì chưa được tỏ hiện ngay, nhưng phải chờ đợi thêm một thời gian nữa.
     4.2. Hoạt động xã hội - mục vụ
Sau Thánh Lễ mở tay, cha Pierre Lambert bất ngờ nhận được lời đề nghị làm Giám Đốc Trung Tâm Xã Hội ở Rouen. Ngài lưỡng lự, nhưng sau hai lần hành hương cầu nguyện ở Đền Đức Bà Giải Cứu và làm tuần cửu nhật để xin ơn soi sáng, ngài nhận lời. Ngày 28/03/1656[18], ngài lên đường đến thành phố Rouen nhận nhiệm sở.
Tại Trung Tâm Xã Hội Rouen, vị Tân Giám Đốc dấn thân hết mình cho công việc bác ái mang tính chất vừa xã hội vừa mục vụ[19]: chăm sóc những người vô gia cư, người thất nghiệp và các thiếu niên đường phố hoặc mồ côi; quan tâm tới việc giáo dục các trẻ em: cho học văn hoá, nghề nghiệp, giáo lý, cầu nguyện và cho lãnh nhận các bí tích; xây nhà trú ẩn cho các thiếu nữ hoàn lương có chỗ nương thân, xây nhà tĩnh tâm cho những người muốn từ bỏ Tin Lành trở về với Giáo Hội Công Giáo[20].
Ngoài công việc ở Trung Tâm Xã Hội, cha Lambert còn chú tâm tới Hàng Giáo Sĩ bằng cách tổ chức những buổi giảng thuyết, huấn đức tại Cambremer. Ngài giúp tài chánh cho Chủng Viện Coutances[21] và thao thức tìm cách thành lập một chủng viện tại Rouen.
Mặc dù công việc hằng ngày của Trung Tâm Xã Hội chiếm rất nhiều thời gian, nhưng cha Pierre Lambert vẫn quan tâm đến đời sống tâm linh một cách đặc biệt. Ngài thường bớt giờ ngủ để dành bốn hoặc năm tiếng cho việc nguyện ngắm. Ngài cử hành Thánh Lễ như việc khởi đầu cho một ngày mới, và chầu Thánh Thể để kết thúc cuối ngày.
Khi có thể, vào những buổi tối, ngài học thần học với một linh mục khôn ngoan và thánh thiện người Ái Nhĩ Lan[22], đã từng là giáo sư ở Đại Học Sorbonne - Paris đến Rouen giúp ngài.
Để thăng tiến hơn nữa trong đời sống tâm linh, cha Pierre Lambert gia nhập các hội đoàn đạo đức, đặc biệt là Hiệp Hội Thánh Mẫu của Dòng Tên[23], và Dòng Ba Bé Mọn. Thời gian này, cha Lambert chọn cha Simon Hallé, tu sĩ Dòng Bé Mọn, làm linh hướng, và từng bước ngài đi sâu vào linh đạo khổ hạnh của Dòng này.
     4.3. Ơn gọi thừa sai
Vào mùa hè năm 1657, cha Pierre Lambert đi Paris để tìm nguồn trợ cấp cho Trung Tâm Xã Hội. Tại đây, ngài có dịp tiếp xúc với Nhóm Bạn Hiền khi đến thăm bào đệ là chủng sinh Nicolas Lambert, một thành viên của Nhóm[24]. Từ đó, cha Lambert được biết về chương trình truyền giáo tại Việt Nam mà cha Đắc Lộ (Alexandre de Rhodes) đã vận động ở Rôma và ở Pháp từ năm 1649 đến năm 1654, nhưng không thành.
Năm 1655, Đức Tân Giáo Hoàng Alexander VII[25] cho xem xét lại kế hoạch của cha Đắc Lộ. Kế hoạch này được sự cộng tác nhiệt thành của Nhóm Bạn Hiền, sự hậu thuẫn mạnh mẽ của bà công tước d'Aiguillon và sự hăng say của Hiệp Hội Thánh Thể. Tuy nhiên, công việc vẫn còn những vướng mắc chưa thể giải gỡ. Lúc này, có năm linh mục trong Nhóm Bạn Hiền sang Rôma để thỉnh cầu Đức Giáo Hoàng xúc tiến chương trình truyền giáo của cha Đắc Lộ trước đây[26].
Về phần cha Pierre Lambert, sau lời khuyến khích của cha Simon Hallé, ngài ngỏ ý với ban tổ chức xin được gia nhập đoàn thừa sai đi truyền giáo ở Viễn Đông. Và khi tham dự Hội Nghị về Truyền Giáo, cha Lambert rất ngạc nhiên thấy tên của ngài được Hội Nghị nhắc tới ở vị trí thứ hai trong danh sách ba người được đề cử với Thánh Bộ vào chức vụ Đại Diện Tông Tòa ở Châu Á[27].
Sau đó, cha Pierre Lambert lên đường sang Rôma theo lời khuyên của cha Simon Hallé[28]. Ngài tới Rôma ngày 18/11/1657, gặp nhóm năm linh mục người Pháp, trong đó có cha Vincent de Meur và cha Franẹois Pallu[29], đang vận động cho chương trình truyền giáo trên. Tuy nhiên, các ngài gặp nhiều khó khăn trong việc vận động Tòa Thánh bổ nhiệm các Đại Diện Tông Tòa cho Đông Á. Với kinh nghiệm của một thẩm phán, cha Lambert đã nhìn thấy vấn đề, nên quyết định dâng tài sản của mình cho công cuộc truyền giáo, nhờ đó vướng mắc được tháo gỡ và chương trình tiến triển tốt đẹp[30].
Cuối năm 1657, chỉ còn cha Francois Pallu và cha Pierre Lambert ở lại Rôma. Các ngài soạn thảo dự án để thành lập một chủng viện chuyên lo việc truyền giáo hải ngoại. Trong thời gian làm việc với nhau tại Giáo Đô, các ngài đã trở thành đôi bạn thân và gắn bó với nhau suốt đời trong tinh thần liên đới trách nhiệm[31].
Năm 1658, cha Francois Pallu ở lại Rôma tiếp tục công việc, cha Pierre Lambert trở về Pháp. Ngài đi vòng qua Nancy để viếng mộ phần của thân phụ đã qua đời 23 năm trước, đây là lần thứ nhất và cũng là lần duy nhất. Thứ Bảy Tuần Thánh, ngày 20/04/1658, ngài về đến Paris. Liền sau đó, ngài bị những cơn đau cấp tính hành hạ suốt bốn, năm ngày, đến nỗi không ai khác có thể làm gì giúp đỡ ngài được. Qua cơn bệnh, ngài trở về Rouen tiếp tục công việc của Trung Tâm Xã Hội. Ngài còn tiến hành việc xây dựng một chủng viện cho Tổng Giáo Phận Rouen, và sau khi hoàn thành ngài trao chủng viện cho Dòng Thánh Jean Eudes điều hành[32].
5. Đại Diện Tông Tòa
Trong lúc cha Pierre Lambert bận rộn với muôn ngàn công việc tại vùng Normandie, thì ở Rôma, vào ngày 13/05/1658, Thánh Bộ Truyền Bá Đức Tin kiến nghị bổ nhiệm hai Giám Mục Đại Diện Tông Tòa người Pháp. Kiến nghị được Đức Giáo Hoàng Alexander VII phê chuẩn ngày 08/06/1658. Ngày 29/07 cùng năm, qua đoản sắc Apostolatus Officium, Đức Giáo Hoàng bổ nhiệm cha Pierre Lambert làm Giám Mục hiệu tòa Bérythe và cha Francois Pallu làm Giám Mục hiệu tòa Héliopolis[33]. Ngày 17/08/1658, Thánh Bộ chỉ định miền truyền giáo cho hai Tân Đại Diện Tông Toà: Đức Cha Pierre Lambert chịu trách nhiệm Địa Phận Đàng Trong, bốn tỉnh ở Trung Hoa và đảo Hải Nam; Đức Cha Francois Pallu cai quản Địa Phận Đàng Ngoài, năm tỉnh ở Trung Hoa và vương quốc Lào. Sự chỉ định này được Đức Giáo Hoàng Alexander VII phê chuẩn ngày 09/09/1659 qua đoản sắc Super Cathedram[34]. Thánh Bộ còn gửi cho các Vị Đại Diện Tông Tòa bản Huấn Thị năm 1659, được ký vào ngày 10/11/1659[35], trong đó xác định rõ sứ vụ của các thừa sai, công tác phải làm, lộ trình nên theo và cách thức cần giữ nơi truyền giáo...
Dù đã nhận được sắc chỉ bổ nhiệm của Tòa Thánh, Đức Cha Lambert vẫn còn miệt mài với công việc ở Trung tâm Xã Hội cho đến phút cuối. Ngày 02/06/1660, ngài rời Rouen đi Paris một cách kín đáo. Tại Paris, sau tám ngày tĩnh tâm, ngài được Đức Cha Lebouthiller, Tổng Giám Mục Giáo Phận Tours, truyền chức Giám Mục trong nhà nguyện của Dòng Đức Bà Đi Viếng vào ngày 11/06/1660.[36] Sau đó, Đức Tân Giám Mục Pierre Lambert tĩnh tâm ngắn ngày để chuẩn bị cho một sứ vụ mới.
II. GIAI ĐOẠN TẠI CHÂU Á (1660-1679)
1. Hành trình sang Châu Á
Ngày 18/06/1660, Đức Cha Pierre Lambert âm thầm rời Paris lên đường sang Châu Á, có cha Jacques de Bourges tháp tùng. Khi vừa tới Lyon, Đức Cha ngã bệnh nặng, phải nằm liệt 52 ngày liền. Nhưng rồi ngài đã lành bệnh đột ngột, khiến thầy thuốc điều trị coi đó như một phép lạ. Đức Cha tiếp tục lên đường. Khi tới Marseille, ngài nhận thêm cha Francois Deydier vào đoàn thừa sai, và lên tàu vượt biển Địa Trung Hải ngày 27/11/1660. Hành trình thật kín đáo, đến nỗi cả người em ruột của Đức Cha Lambert cũng chỉ được biết sau vài ngày.[37] Các ngài đi theo lộ trình mà Thánh Bộ đã đề nghị.
Sau khi vượt Địa Trung Hải, đoàn thừa sai bắt đầu con đường bộ xuyên qua các miền Hồi Giáo vùng Cận Đông đến Ispahan, kinh đô xứ Ba Tư; từ Surate đi bộ xuyên qua bán đảo Ấn Độ đến Masulipatan; từ Masulipatan, xuống tàu và đến Mergui, thuộc Thái Lan ngày 28/04/1662. Ngày 19/05, các ngài tới Tenasserim, và đến Ayutthaya, kinh đô Siam (Thái Lan) vào ngày 22/08/1662[38].
Cuộc hành trình đầy gian khổ và hiểm nguy kéo dài trên hai năm. Đó là một cơ hội để Đức Cha Pierre Lambert sống kinh nghiệm của Thánh Phaolô: “Gặp bao nguy hiểm trên sông, nguy hiểm do trộm cướp, nguy hiểm do đồng bào, nguy hiểm vì dân ngoại, nguy hiểm ở thành phố, trong sa mạc, ngoài biển khơi, nguy hiểm do những kẻ giả danh là anh em. [...] Phải thức đêm, bị đói khát, nhịn ăn uống và chịu rét mướt [...], nhất là bị dày vò bởi mối bận tâm lo cho Hội Thánh” (2Cr 11, 26-28). Hơn nữa, đối với Đức Cha Lambert, đây là một cuộc hành hương đặc biệt, giúp ngài nhận thức được nhu cầu phải hoán cải không ngừng và vun trồng đời sống nội tâm cho hoàn hảo và thánh thiện hơn. Mỗi chặng dừng chân là một dịp ngài tĩnh tâm để lắng nghe Thánh Thần chỉ dạy.
Hành trình sang vùng truyền giáo của Đức Cha Pierre Lambert, từ lúc khởi hành cho đến lúc này, đã gặp biết bao sóng gió, nhưng điều nổi bật nhất là càng gặp thử thách, gian nan thì đức tin của ngài càng mạnh mẽ hơn. Từ đây, tình yêu ngài dành cho Chúa Giêsu-Kitô Chịu-Đóng-Đinh được triển nở và đạt đến đỉnh cao, bởi vì ngài đã đón nhận thập giá đời thường với một tình yêu phi thường. Đức Cha Lambert không những đã sống triệt để tình yêu với Chúa Giêsu-Kitô Chịu-Đóng-Đinh, mà còn ước ao cho có thật nhiều người hiểu biết và sống linh đạo này[39].
2. Đức Cha Pierre Lambert tại Châu Á
Ngay sau khi tới Ayutthaya, Đức Cha Lambert đã thực hiện một cuộc tĩnh tâm 40 ngày. Đây là dịp cho phép ngài trở về nguồn mạch thiêng liêng, lượng giá những gì đã khám phá được trong cuộc hành trình và xin ơn soi sáng cần thiết để tiếp tục sứ mạng[40].
     2.1. Công việc khởi đầu tại Thái Lan
Để có thể thi hành sứ vụ cách hữu hiệu nhất, Đức Cha Lambert bắt đầu ngay vào việc học tiếng địa phương và tìm hiểu phong tục, văn hóa dân bản xứ. Khi được biết ở trại người Đàng Trong tại Ayutthaya có khoảng 40 người Công Giáo, Đức Cha Lambert rất vui mừng. Ngài và các đồng sự bắt đầu dạy giáo lý và ban các bí tích cho họ. Đức Cha đã cử hành Lễ Giáng Sinh đầu tiên ở trại của người Đàng Trong[41].
Đức Cha Lambert và các thừa sai Tông Tòa cố gắng thực hiện đúng tinh thần của một thừa sai, để có thể điều chỉnh lại cách sống buông thả của số đông thừa sai thuộc chế độ Bảo Trợ Bồ Đào Nha. Vì thế, các ngài gặp nhiều khó khăn ở Ayutthaya: những phản ứng không thân thiện từ các thừa sai thuộc chế độ Bảo Trợ, thái độ ác cảm của người Bồ Đào Nha tại Siam, cũng như sự chống đối của chính quyền Bồ Đào Nha với các thừa sai Tông Tòa[42].
Nhận thấy tính mạng của các thừa sai Tông Tòa bị đe doạ, người Đàng Trong đã đón đoàn thừa sai về trại của họ. Tại đây, họ bảo vệ các ngài, giúp làm một nhà thờ để cử hành phụng vụ và một căn nhà đơn sơ làm nơi cư trú cho các ngài. Đức Cha dâng nhà thờ này cho Thánh Giuse[43]. Và cũng từ trại Đàng Trong, các ngài đón nhận những tín hữu đầu tiên, mở đầu cho sứ vụ thừa sai của các ngài tại Châu Á.
     2.2. Sang Trung Hoa bất thành
Đức Cha Pierre Lambert mong ước sớm đến được nhiệm sở của ngài ở Đàng Trong, nhưng đạo Công Giáo đang bị bách hại nơi đó nên ngài chưa thể đến được. Vì thế, ngày 12/07/1663, Đức Cha quyết định xuống tàu đi Trung Hoa cùng với cha Francois Deydier, nhưng tàu gặp bão ngoài khơi Campuchia nên các ngài phải trở về bằng đường bộ và đến Ayutthaya ngày 15/09/1663[44].
Ngày 14/10/1663, Đức Cha sai cha Jacques de Bourges lên đường về Châu Âu để tường trình cho Thánh Bộ tình hình cụ thể tại vùng truyền giáo Châu Á. Còn ngài và cha Francois Deydier tĩnh tâm 40 ngày để chuẩn bị cho sứ vụ của mình[45].
     2.3. Công nghị Ayutthaya
Ngày 27/01/1664, Đức Cha Pierre Lambert rất vui mừng đón tiếp Đức Cha Francois Pallu cùng bốn linh mục thừa sai và một giáo dân đến Ayutthaya. Mặc dù rất nóng lòng trao đổi tin tức cho nhau, nhưng các ngài quyết định giữ thinh lặng ba ngày để tạ ơn Chúa Quan Phòng đã cho các ngài được đoàn tụ sau biết bao gian nan thử thách[46]. Tiếp đến, các ngài dâng Lễ Cầu Hồn cho Đức Cha Cotolendi, bốn linh mục và một giáo dân trong đoàn thừa sai đã từ trần trên đường sang Đông Á.
Sau khi trao đổi tin tức, Đức Cha Lambert đề nghị tổ chức một Công Nghị địa phương, gọi là Công Nghị Ayutthaya. Công Nghị khai mạc vào thứ sáu ngày 29/02/1664 và bế mạc khoảng cuối tháng năm[47]. Tham dự Công Nghị gồm tám người: hai Giám Mục, năm linh mục và một giáo dân. Trong Công Nghị, các ngài đã quyết định ba việc quan trọng: Lập Hội Tông Đồ, xây dựng một Chủng Viện, và soạn thảo Huấn Dụ gửi các thừa sai.
- Ngày 06/01/1665, hai Đức Cha Pierre Lambert và Francois Pallu cùng hai thừa sai là cha Francois Deydier và cha Louis Laneau đã tuyên khấn trong Hội Tông Đồ[48]. Tuy nhiên, Hội này không được Tòa Thánh phê chuẩn.
- Theo sát hướng dẫn của Thánh Bộ, các ngài đã hoạch định dự án xây một Chủng Viện chung cho miền Đông Á nhằm đào tạo các ứng sinh linh mục bản xứ tương lai, dự án này được Đức Cha Lambert thực hiện năm 1665.
- Huấn Dụ gửi các thừa sai là kết quả quan trọng nhất của Công Nghị Ayutthaya. Nhìn chung, Huấn Dụ lấy cảm hứng từ Huấn Thị năm 1659 của Thánh Bộ gửi cho các Đại Diện Tông Tòa; nội dung gồm ba mục chính: sự thánh hóa người tông đồ nhằm phần rỗi của các tín hữu, giảng đạo cho lương dân, và tổ chức giáo xứ. Huấn Dụ Ayutthaya được Tòa Thánh phê chuẩn năm 1669.
Sau khi khấn vào Hội Tông Đồ, ngày 20/01/1665, Đức Cha Francois Pallu tình nguyện trở về Châu Âu để tường trình cho Tòa Thánh và những vị hữu trách một số việc quan trọng tại vùng truyền giáo Viễn Đông. Sau đó, các thừa sai lần lượt được sai đến các vùng truyền giáo của các ngài. Còn Đức Cha Pierre Lambert và cha Louis Laneau ở lại Ayutthaya điều hành công việc.
     2.4. Những tương quan khó khăn giữa Đức Cha Lambert với chế độ Bảo Trợ
Đức Cha Lambert gặp rất nhiều khó khăn với chế độ Bảo Trợ Bồ Đào Nha, như vụ việc đối với các thừa sai Dòng Đa Minh. Chúa Nhật ngày 02/05/1666, sau lễ Phục Sinh, cha Fragoso, đưa một ông giàu có, gốc Macao, đến xin chịu Phép Thêm Sức và cha sẽ là người đỡ đầu. Đây là điều trái với Giáo Luật, nhưng Đức Cha đã ban phép chuẩn để tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra[49]. Sau đó, thừa sai Francois Deydier, tiến sĩ thần học, lưu ý là cha không có quyền đỡ đầu. Cha Fragoso không hài lòng, nên đã tìm cách chống lại bằng việc yêu cầu Đức Cha xuất trình sắc chỉ bổ nhiệm Giám Mục của ngài. Đức Cha từ chối, vì ngài cho rằng, cha Fragoso không có quyền trên Giám Mục.
Câu chuyện qua lại với những tình tiết khá gay go. Cuối cùng, với tư cách là ủy viên Tòa Án Tôn Giáo, cha Fragoso viết thông cáo ra vạ tuyệt thông Đức Cha Pierre Lambert và các thừa sai Pháp. Thông cáo này được niêm yết tại nhà thờ Thánh Phanxicô, Dòng Tên, vào thứ năm ngày 02/12/1666, và tại nhà thờ Dòng Đa Minh vào Chúa Nhật ngày 05/12/1666. Đức Cha không phản hồi, chỉ làm bản phúc trình gửi về Tòa Thánh và yêu cầu cha Fragoso cũng hãy làm như vậy.
Ngoài việc liên quan đến cha Fragoso nêu trên, ngày 01/11/1667, cha Valguarnera, Dòng Tên, còn làm một bản báo cáo gửi về Tòa Thánh tố cáo Đức Cha Pierre Lambert nhiều điều[50]. Khoảng giữa tháng 04/1669, Đức Cha Lambert và các thừa sai Pháp bị các tu sĩ Dòng Tên tại Ayutthaya gửi một tuyên cáo chống đối. Đức Cha quyết định không trả lời. Sau này khi đi kinh lý Đàng Ngoài và Đàng Trong, Đức Cha còn gặp những chống đối khác từ các thừa sai Dòng Tên tại địa phương.
Ngày 05/11/1670, Đức Cha Lambert nhận được sắc lệnh từ Tòa Tổng Giám Mục Goa yêu cầu phải xuất trình mọi giấy tờ mà Tòa Thánh chỉ định ngài trong nhiệm vụ Giám Mục, nếu không, Đức Cha sẽ bị vạ tuyệt thông và bị phạt 200 đồng bạc[51]. Để tránh những hậu quả tồi tệ có thể xảy ra, Đức Cha đã trình giấy tờ đầy đủ, nhưng họ cho rằng các giấy tờ này không hợp lệ vì chưa được thông qua triều đình Bồ Đào Nha.
     2.5. Hiệp Hội Nam Nữ Tín Hữu Mến Thánh Giá Đức Giêsu Kitô Chúa Chúng Ta
Đức Cha Pierre Lambert sớm nhận ra vai trò chứng tá của người giáo dân trong mọi lãnh vực, nên đã viết ra bản luật “Hiệp Hội Nam Nữ Tín Hữu Mến Thánh Giá Đức Giêsu Kitô Chúa Chúng Ta”[52], có thể vào năm 1668 tại Thái Lan, và thành lập Hiệp hội này khoảng năm 1669 tại Đàng Ngoài. Mục đích chính yếu của Hiệp Hội là thôi thúc các tín hữu khắp nơi hướng tới tình yêu thực tiễn đối với Thánh Giá Con Thiên Chúa, qua việc hằng ngày suy gẫm sự Thương Khó Đức Giêsu Kitô, rồi thể hiện sự suy gẫm ấy ra bên ngoài bằng việc hãm mình hy sinh liên lỉ của họ[53].
Từ những yếu tố căn bản của Hiệp Hội trên, Đức Cha Lambert sẽ thành lập Dòng Nữ Mến Thánh Giá sau này.
3.  Đức Cha Pierre Lambert với Giáo Hội Việt Nam
Theo sát chỉ dẫn của Thánh Bộ, Đức Cha Pierre Lambert lưu tâm đặc biệt đến việc thành lập Hàng Giáo Sĩ địa phương. Vì thế, tại Ayutthaya ngày 31/03/1668, Đức Cha truyền chức linh mục đầu tiên cho thầy Giuse Trang là người Đàng Trong cùng với thầy Francois Pérez, người Siam, gốc Bồ Đào Nha[54]. Vào tháng Sáu cùng năm, Đức cha truyền chức linh mục cho hai thầy giảng người Đàng Ngoài là Bênêđictô Hiền và Gioan Huệ. Khoảng tháng 01/1669, Đức Cha truyền chức linh mục cho thầy Luca Bền, người Đàng Trong tại Piply, Siam[55].
4. Đức Cha Pierre Lambert Kinh lý Đàng Ngoài
Mặc dù Địa Phận Đàng Ngoài không trực tiếp thuộc quyền Đức Cha Pierre Lambert, nhưng vì Đức Cha Francois Pallu phải trở về Châu Âu, nên ngài tìm đường sang Đàng Ngoài với tư cách là Giám Quản Tông Toà.
Ngày 16/07/1669, Đức Cha Pierre Lambert cùng hai cha Jacques de Bourges và Gabriel Bouchard lên tàu của ông Junet đi xứ Đàng Ngoài, các ngài đến cửa biển Đàng Ngoài vào ngày 30/08. Chuyến kinh lý mục vụ này kéo dài đến ngày 14/03/1670[56]. Tại Đàng Ngoài, các thừa sai Tông Tòa đã thực hiện được những việc quan trọng:
- Trước tiên, Đức Cha chỉ thị cho cha Francois Deydier triệu tập một cuộc họp công khai tại Kinh Đô[57] để công bố các sắc lệnh của Tòa Thánh về thẩm quyền của Đại Diện Tông Tòa cho các tín hữu, có sự hiện diện của các cha Dòng Tên.
- Tiếp đến, Đức Cha thành lập Hiệp Hội Nam Nữ Tín Hữu Mến Thánh Giá mà ngài đã soạn thảo quy luật từ tháng 08/1668, tại Ayutthaya[58].
- Sau đó, Đức Cha truyền chức linh mục cho bảy thầy giảng ưu tú đã được cha Tổng Đại Diện Francois Deydier tuyển chọn và đào tạo chu đáo[59].
- Ngày 14/02/1670, Đức Cha Lambert triệu tập Công Nghị tại Đàng Ngoài, còn gọi là Công Nghị Phố Hiến; thành viên tham dự gồm có Đức Cha, ba thừa sai Pháp và chín linh mục bản xứ[60]. Đây là một Công Nghị nhằm xác lập quyền bính của các Đại Diện Tông Tòa, được đúc kết trong một văn kiện gồm 34 điều khoản.
- Cuối cùng, ngày 19/02/1670, Đức Cha Lambert thành lập Dòng Nữ Mến Thánh Giá qua việc nhận lời khấn của hai nữ tu tiên khởi là Anê và Paula[61]. Ngay ngày hôm đó, Đức Cha vội vã lên tàu trở về Siam, nhưng vì không thuận gió nên mãi đến ngày 14/03, con tàu mới ra khơi được. Ngài về đến Ayutthaya khoảng trung tuần tháng 04/1670[62]. Được biết Đức Cha Lambert từ Đàng Ngoài trở về, Vua Siam là Phra-Narai rất vui mừng, nhưng ông cũng buồn phiền khi nghe tin Đức Cha lên cơn sốt nặng vào đầu năm sau đó. Vì quý mến Đức Cha, nên vua sai lương y tài giỏi nhất của hoàng gia đến chữa trị cho ngài[63]. Khi khỏi bệnh, Đức Cha nhận ra rằng, Chúa chưa muốn kéo ngài ra khỏi chốn lưu đày này[64].
5. Đức Cha Pierre Lambert kinh lý Đàng Trong lần I
Khoảng cuối tháng 02/1671, tại Ayutthaya, Đức Cha Lambert nhận được tin hai thừa sai Pháp đang hoạt động tại Đàng Trong từ trần: cha Antoine Hainques qua đời tháng 12/1670 và cha Pierre Brindeau ra đi tháng 01/1671[65]. Ngài đau buồn và lo lắng, còn giáo dân tại đó bàng hoàng và bất an. Vì thế, họ cử một đoàn người đại diện gồm cha Giuse Trang, cha Luca Bền với hai thầy giảng và vài giáo dân lên một con thuyền nhỏ sang cầu cứu Đức Cha Lambert. Phái đoàn đến Ayutthaya ngày 08/05/1671[66].
Lo lắng cho đoàn chiên không người chăn dắt, ngày 20/07/1671, Đức Cha quyết định sang Đàng Trong bằng chính con thuyền nhỏ ấy, cùng đi có bốn thừa sai Pháp. Qua nhiều gian nan, thoát được bão tố và cướp biển, cuối cùng con thuyền cũng cập bến vùng biển Nha Trang. Đức Cha Lambert vào làng Lâm Tuyền tối ngày 01/09/1671[67]. Ngài lưu lại Lâm Tuyền vài ngày để thăm viếng các giáo điểm trong vùng Khánh Hòa và Ninh Hoà, rồi ra Phú Yên. Tại đây, Đức Cha bị một ông quan địa phương đầu độc khiến cho ngài bị bệnh liệt giường và phải lưu lại một thời gian khá lâu[68]. Khi tạm bình phục, ngài tiếp tục hành trình tới Nước Mặn và cử hành lễ Các Thánh Nam Nữ tại đó rồi lên đường đến Quảng Ngãi. Trong thời gian ở An Chỉ, Đức Cha tạm trú tại nhà một quả phụ tên là Lucia Kỳ, ngài đi thăm một vài địa điểm và thành lập Dòng Mến Thánh Giá ở Đàng Trong vào trước Lễ Giáng Sinh năm 1671[69].
Ngày 19/01/1672, Đức Cha triệu tập Công Nghị Hội An trên một hòn đảo tên là Chiêm Bồng[70]. Tham dự Công Nghị gồm có các thừa sai của Đức Cha, hai linh mục người Đàng Trong và một số thầy giảng. Kết quả của Công Nghị là một văn kiện gồm 10 điều khoản nhắm tới việc tổ chức Giáo Hội địa phương theo ý Tòa Thánh và biệt lập khỏi quyền bảo trợ truyền giáo Bồ Đào Nha.
Sau Công Nghị, Đức Cha lưu lại Hội An khoảng một tháng rồi lên thuyền trở về Bình Định, Khánh Hoà. Ngài chỉ đến được Nước Mặn thăm các nhà thờ trong vùng mà không thể vào Ninh Hoà, Nha Trang vì thuyền gặp giông bão.
Sau khi bổ nhiệm nhân sự cho Đàng Trong, ngày 29/03/1672, Đức Cha quyết định trở về Ayutthaya, ngài còn mang theo 10 thiếu niên người Đàng Trong[71]. Không may, khi đoàn về tới Ayutthaya vào ngày 21/04/1672[72], thì gặp sứ thần Đàng Trong đang ở đó. Ông ta rất giận vì Đức Cha đã vào Đàng Trong cách lén lút, lại còn đưa về Siam 10 thần dân của ông. Để xoa dịu tình hình bất lợi trên, Đức Cha hứa với ông sẽ cho người sang Đàng Trong để trình bày với triều đình rõ ràng sự việc.
6. Tại Ayutthaya
Trước khi sang Đàng Trong, Đức Cha Pierre Lambert đã nhận được sắc lệnh Speculatores của Đức Giáo Hoàng Clêmentê IX[73]. Sắc lệnh yêu cầu tất cả các thừa sai, khi làm việc tại nơi nào đã được Tòa Thánh trao cho các Đại Diện Tông Toà, đều phải tuyên thệ vâng lời các ngài, thừa sai nào không vâng lời sẽ bị vạ tuyệt thông. Nên biết, từ năm 1669, Tòa Thánh đã đặt Siam dưới quyền cai quản của vị Đại Diện Tông Tòa người Pháp, nhưng các thừa sai Dòng Tên và Dòng Đa Minh đang hiện diện ở Ayutthaya đều từ chối vâng phục vì chưa thông qua triều đình Bồ Đào Nha. Dù luôn bị các thừa sai thuộc chế độ Bảo Trợ chống đối, Đức Cha Lambert vẫn kiên trì thực thi sứ vụ đã nhận từ Tòa Thánh.
 
Trong năm 1672, Đức Cha Pierre Lambert xây dựng một nhà thương và thành lập Dòng Mến Thánh Giá Thái Lan,[74] với bốn hay năm nữ tu đầu tiên là người gốc Đàng Trong.
Ngày 27/05/1673, Đức Cha Francois Pallu trở lại Ayutthaya lần thứ hai mang theo thư của Đức Giáo Hoàng Clêmentê IX và Vua Louis XIV gửi cho Vua Siam.[75] Nhà Vua đã long trọng tổ chức một buổi tiếp đón các Giám Mục người Pháp, cùng với việc tiếp nhận hai lá thư trên. Từ đây, mối giao hảo giữa Nhà Vua và các Giám Mục ngày càng thêm thân thiện và gần gũi.
7. Đức Cha Lambert kinh lý Đàng Trong lần II
Theo lời đã hứa với sứ thần Đàng Trong tại Ayutthaya, Đức Cha Pierre Lambert sai hai cha Bénigne Vachet và Guillaume Mahot mang thư và quà của ngài sang dâng cho Chúa Nguyễn tại Huế. Nhận được thư, Chúa Nguyễn rất hài lòng, mời Đức Cha Lambert sang Đàng Trong và còn cho phép ngài tự do giảng đạo.
Ngày 30/07/1675, Đức Cha Lambert và cha Mahot rời Ayutthaya lên con tàu của Chúa Nguyễn gửi tới, và các ngài đến Hội An ngày 06/09.[76] Một tuần sau, Đức Cha Pierre Lambert cùng với các cha thừa sai Bénigne Vachet, Jean de Courtaulin và Manuel Bổn đến triều đình Huế. Đức Cha lưu lại Huế một tháng, nhưng Chúa Nguyễn không tiếp đón các ngài được vì người con trai của ông vừa qua đời.
Sau một tháng ở Huế, Đức Cha trở lại Hội An. Tại đây, ngài tiếp đón giáo dân, ban các bí tích cho họ một cách công khai. Ngài làm việc ngày đêm, hầu như không có giờ nghỉ ngơi.

Vào giữa tháng 12, Đức Cha đến Quảng Ngãi và cho năm nữ tu đầu tiên Dòng Mến Thánh Giá Đàng Trong được tuyên khấn trong Thánh Lễ do ngài cử hành tại An Chỉ và Bàu Tây[77].
Trong chuyến viếng thăm lần này Đức Cha lại phải đương đầu với hai cha Dòng Tên là Joseph Candone và Barthélémy d'Acosta. Đức Cha sai cha Vachet đem sắc lệnh Speculatores đến cho hai cha tại Hội An[78], nhưng họ từ chối vâng phục. Vì vậy, theo chỉ thị của Tòa Thánh, hai cha này bị Đức Cha ra vạ tuyệt thông. Để phản kháng lại, cha Candone, với tư cách Tổng Đại Diện của vị tổng quản Tòa Giám Mục Malacca, gửi một thông cáo cho bổn đạo biết rằng, cha đã cách chức Đức Cha và tuyên bố Đức Cha bị dứt phép thông công, các Giám Mục Pháp không có quyền tài phán nào trên xứ này, và dứt phép thông công những ai lãnh nhận các bí tích do các thừa sai Pháp cử hành[79].
Để trấn an các bổn đạo, Đức Cha gửi một thư chung thông báo cho họ biết hai điều quan trọng: một là triều đình Huế ban phép cho Đức Cha được tự do đi lại làm nhiệm vụ tôn giáo và được gửi thừa sai vào vương quốc này bất cứ lúc nào; hai là vì vâng lời Tòa Thánh, ngài buộc phải ra vạ tuyệt thông cho những ai không tuân phục, theo như chính sắc lệnh Speculatores. Đức Cha còn gửi một sứ điệp kêu gọi sự hiệp nhất và phục quyền chủ chăn hợp pháp. Lá thư chung của Đức Cha Lambert mang lại kết quả bất ngờ: đại đa số các thầy giảng nộp cho Đức Cha chứng thư bổ nhiệm do các cha Dòng Tên cấp và xin ngài ban chứng thư mới[80].
Bên cạnh những việc không vâng phục Tòa Thánh và chống đối các thừa sai, những người theo chế độ Bảo Trợ Bồ Đào Nha còn tố cáo Đức Cha với triều đình Chúa Nguyễn ba tội rất nặng: Năm 1669,
Đức Cha đi Đàng Ngoài là nơi thù địch với Chúa Đàng Trong; năm 1671, ngài đến Đàng Trong cách lén lút như một gián điệp; khi ra đi, ngài còn bắt cóc một số thiếu niên đem sang Ayutthaya. Đây là những tội phải chịu hình phạt nặng nề nhất ở Đàng Trong. Hơn nữa, tại Hội An, ngày 27/12/1675, Đức Cha còn phải chứng kiến cảnh các giáo dân bị bách hại rất thương tâm[81], do cha Barthélémy d'Acosta đút lót để lính tráng làm việc này.
Vì những lời tố cáo và vì sự kiện trên, Đức Cha Lambert quyết định trở lại Huế. Ngày 16/01/1676, ngài được quan phò mã tiếp đón, rồi sau đó, được đàm đạo riêng với con trai cả của Chúa Nguyễn. Đức Cha không những tạo được uy tín với Chúa Nguyễn mà còn cả với các quan trong triều đình, nên ngài thoát được những nguy hiểm mà chính người Công Giáo thuộc chế độ Bảo Trợ Bồ Đào Nha định gây ra cho ngài.
Trong thời gian ở Huế, Đức Cha đã trừ quỷ cho một phụ nữ và chữa bệnh cho một em bé mới sinh được bốn tháng qua việc cầu nguyện[82]. Hai việc này đã tăng thêm uy tín cho Đức Cha đối với các tín hữu Công Giáo cũng như lương dân tại địa phương.
Trước khi rời Đàng Trong, ngày 21/03/1676[83], Đức Cha truyền chức linh mục cho thầy Louis Đoan. Một tháng sau, ngài lên thuyền ra khơi và về đến Ayutthaya ngày 12/05/1676, nơi đây bao công việc đang chờ đợi ngài, bao khó khăn ngài sẽ phải đối phó.
8. Những năm tháng cuối đời
Trước khi đi Đàng Trong lần thứ hai, Đức Cha Lambert đã lập chúc thư đề ngày 22/07/1675 để lại toàn bộ tài sản của ngài cho công cuộc truyền giáo[84].
Khi từ Đàng Trong trở về Siam, sức khoẻ của ngài yếu dần. Tuy nhiên, Đức Cha vẫn còn phải điều hành công việc của vùng truyền giáo được Tòa Thánh giao cho ngài và Đức Cha Francois Pallu cho đến cuối đời.
Dù rất bận rộn với bao công việc, nhưng cuối năm 1676, Đức Cha vẫn dành thời gian để thực hiện một cuộc tĩnh tâm 40 ngày tại Bangkok. Đây là cuộc tĩnh tâm dài cuối cùng của ngài trên dương thế. Ngày 18/07/1677, hai thầy giảng cuối cùng, gốc Đàng Ngoài, là Philipphê Trà và Đa Minh Hảo, được nhận Chức Thánh từ tay Đức Cha Lambert tại Ayutthaya[85].
Tổng cộng lại, Đức Cha Pierre Lambert đã truyền chức linh mục cho 15 thầy người Việt Nam: 11 thầy người Đàng Ngoài và 4 thầy người Đàng Trong.
9. Sự ra đi lành thánh
Chứng bệnh đường ruột và sạn thận làm cho Đức Cha Pierre Lambert rất đau đớn, khiến sức khỏe của ngài ngày càng xấu đi. Ngài cảm thấy cần được yên tĩnh để cầu nguyện và kết hợp mật thiết với Chúa Kitô Chịu-Đóng-Đinh. Trong cơn bệnh, ngài thường tự nhủ: “Can đảm lên, giờ gần đến, ta hãy chịu khổ vì Chúa muốn như vậy” và ngài không ngừng dâng lời tạ ơn: “Đến muôn đời con ca ngợi lòng từ bi Chúa”[86].
Vào những giờ phút cuối đời, Đức Cha luôn sống trong tâm tình cầu nguyện. Cha Claude Gayme kể lại: “Trước đó, lúc nửa đêm, ngài còn xin rước Mình Thánh Chúa và bảo tôi đọc cho nghe lời nguyện tuyên tín. Phải thú thật tôi vừa đọc vừa ứa lệ”[87]. Sự kiện này chứng tỏ ngài luôn kết hiệp mật thiết với Chúa Giêsu Thánh Thể và tuyệt đối trung thành với Giáo Hội cho đến hơi thở cuối cùng. Trong những cơn đau khủng khiếp lúc hấp hối, Đức Cha Lambert không ngớt kêu lên: “Lạy Chúa, xin gia tăng sự đau đớn, xin ban thêm sức chịu đựng cho con”[88].
Ngày 15/06/1679, khoảng bốn giờ sáng, Đức Cha Pierre Lambert de la Motte, Đại Diện Tông Tòa tiên khởi Địa Phận Tông Tòa Đàng Trong, Giám Quản Địa Phận Tông Tòa Đàng Ngoài, Đấng Sáng Lập Dòng Mến Thánh Giá, đã an nghỉ lành thánh trong Chúa tại Ayutthaya.
Để nhận định về cuộc đời và sự nghiệp của Đức Cha Pierre Lambert, không có gì chính xác và có giá trị bằng lời của những người cận kề với ngài trong cuộc sống và trong sứ vụ.
Sau đây là lời của Đức Cha Louis Laneau, một người sống gần gũi và làm việc với Đức Cha Lambert nhiều năm tại Ayutthaya: “Mặc dù thân xác bị dày vò, nhưng trong thâm sâu của tâm hồn, ngài vẫn hoàn toàn bình an thanh thản. Ngài phó linh hồn như một người tôi tớ đau khổ đích thực của Thiên Chúa, đúng như ngài đã sống trong suốt cuộc đời giữa muôn vàn thập giá và gian truân, không phải chỉ bên ngoài mà ngay trong tâm hồn... Chính Chúa Kitô để cho Đức Cha Pierre Lambert cảm nếm tột độ sức nặng của Thánh Giá Chúa mà ngài đã say mến suốt đời”[89].
Đức Cha Francois Pallu nhận định về người bạn đồng hành và đồng chí hướng của mình như sau: “Công trình mà Đức Giám Mục hiệu tòa Bérythe đã thực hiện, không ai khác có thể làm nổi. [...] Sau Thiên Chúa, chính nhờ Đức Cha Lambert, chúng ta có được những công trình hiện nay tại Siam, Đàng Ngoài và Đàng Trong, là những nơi ngài đã vượt qua vô vàn khó khăn và đương đầu với bao cơn bão tố... Thiên Chúa ban cho ngài một tinh thần vững mạnh, không bao giờ lùi bước hoặc mềm yếu khi biết mình có lý. Nhưng ngài cũng biết nhượng bộ đúng lúc và hy sinh một điều gì nếu cần để đạt cái chính yếu, ngài có nhiều sáng kiến tuyệt vời để giải quyết mọi vấn đề và thực hiện đến cùng điều đã dự tính”[90].
Sau này, cha Louis Louvet, thành viên Hội Thừa Sai Hải Ngoại Paris, đã nhận định: “Người ta có thể nói không quá đáng, Đức Cha Lambert là vị thánh, và có nhiều sự kiện ngoại thường do các thừa sai cùng sống với ngài chứng nhận, theo đó hình như Chúa đã ban cho ngài được ơn làm phép lạ. Đức Cha có một đức tin rất sống động và hoàn toàn phó thác cho Thiên Chúa Quan Phòng. Dầu bận rộn muôn ngàn công việc, nhưng mỗi ngày ngài cầu nguyện nhiều giờ, và khi dâng Thánh Lễ, chỉ một ý nghĩ đến người ngoại giáo và kẻ tội lỗi, cũng đủ làm ngài rơi lệ. Đức Cha rất hy sinh hãm mình, đầy nhiệt tình và cương nghị vì lợi ích của Giáo Hội. Bất kỳ ngăn trở nào, vụ việc nào, nguy hiểm nào cũng không ngăn cản được ngài chu toàn nghĩa vụ”[91]. Tất cả là để Tôn Vinh Thiên Chúa và vì Ơn Cứu Độ cho con người.

Trích Tập san Hiệp Thông / HĐGMVN số 116 (Tháng 1 & 2, năm 2020) 

__________
[01] Nhóm Nghiên Cứu Linh Đạo Mến Thánh Giá (Nhóm NCLĐMTG), “Luật Tu Hội Các Trinh Nữ và Phụ Nữ Đạo Đức” (Luật Tiên Khởi), trong Tuyển Tập Bút Tích (Di Cảo) Đức Cha Pierre Lambert de la Motte..., 2017, I, 5-7, tr.27-28.
[02] Thánh Lễ Khai Mạc Năm Thánh Mừng 350 Năm Thành Lập Dòng Mến Thánh Giátại Trung Tâm Mục Vụ Tổng Giáo Phận Sài Gòn, ngày 05/08/2019.
[03] Cf. Daniel-Rops, Histoire de l'Église du Christ, tome VII, Le Grand siècles des âmes, Paris, Fayard, pp.55-56.
[04] X. F. F. Buzelin, Người Cha Bị Lãng Quên Của Công Cuộc Truyền Giáo Hiện Đại. Pierre Lambert de la Motte- Đại Diện Tông Tòa Tiên Khởi Đàng Trong (1624-1679), bản dịch của Lucien Hoàng Gia Quảng, nxb Phương Đông, 2014, tr.48.
[05] X. H. Frondeville, Đức Cha Pierre Lambert de la Motte (1624-1679), Nguyễn Xuân Hùng dịch, Tp.HCM, 2007, lưu hành nội bộ, tr.9.
[06] X. F. F. Buzelin, Người Cha Bị Lãng Quên..., sđd., tr.61.
[07] X. nt., tr.49.
[08] X. H. Frondeville, sđd., tr.10.
[09] X.F. F. Buzelin, Tìm Về Nguồn Gốc Hội Thừa Sai Hải Ngoại, Đức Cha Pierre Lambert de la Motte, 1624-1679, bản dịch của Lucien Hoàng Gia Quảng, nxb Phương Đông, 2015, tr.26-27.
[10] X. F. F. Buzelin, Người Cha Bị Lãng Quên..., sđd., tr.71.
[11] X. J. Ch. Brisacier, Cuộc Đời Đức Cha Lambert de la Motte, Giám Mục Hiệu Tòa Béryte, lưu hành nội bộ, 2006, số 14.
[12] X. nt., số 16.
[13] X. nt., số 26.
[14] X. nt., số 43.
[15] X. nt., số 65.
[16] F. F. Buzelin, Người Cha Bị Lãng Quên..., sđd., tr.132.
[17] J. Ch. Brisacier, sđd., số 76.
[18] X. nt., số 87.
[19] X. F. F. Buzelin, Người Cha Bị Lãng Quên..., sđd., tr.138-141.
[20] X. J. Ch. Brisacier, sđd., số 90.
[21] X. F. F. Buzelin, Người Cha Bị Lãng Quên..., sđd., tr.155.
[22] X. nt, tr.142.
[23] X. J. Ch. Brisacier, sđd., số 104.
[24] X. Nhóm NCLĐMTG, Lịch Sử Dòng Mến Thánh Giá, 2018, tr.82.
[25] X. F. F. Buzelin, Người Cha Bị Lãng Quên..., sđd., tr.180.
[26] X. nt., tr.180.
[27] X. J. Ch. Brisacier, sđd., số 150.
[28] X. F. F. Buzelin, Người Cha Bị Lãng Quên..., sđd., tr.152.
[29] X. nt., tr.152.
[30] X. J. Ch. Brisacier, sđd., số 148.
[31] X. Nhóm NCLĐMTG, Lịch Sử Dòng Mến Thánh Giá, sđd., tr.94.
[32] X. F. F. Buzelin, Người Cha Bị Lãng Quên..., sđd., tr.153-154.
[33] Cf. A. Launay, Histoire Générale de la société des Missions Étrangères, Paris, Téqui, 1874, p.34.
[34] Cf. A. Launay, Histoire de la Mission du Tonkin. Documents Historiques: 1657 -1717, Paris, Maisonneuve, 1927, réedité en 2000, pp.3-4.
[35] Cf. Ibib., A. Launay, Documents Historiques relatives à la Société des Missions Étrangères, Paris, 1904, pp.27-35.
[36]  X. F. F. Buzelin, Người Cha Bị Lãng Quên..., sđd., tr.224.
[37]  X. nt.
[38]  X. nt., tr.281.
[39] X. Nhóm NCLĐMTG, “Động Lực Thúc Đẩy Một Thừa Sai Tông Tòa...” (Động Lực), trong Tuyển Tập Bút Tích (Di Cảo) Đức Cha Pierre Lambert de la Motte..., sđd., 24, tr.127.
[40] X. F. F. Buzelin, Người Cha Bị Lãng Quên..., sđd., tr.282.
[41] X. J. Ch. Brisacier, sđd., số 223.
[42] X. Đỗ Quang Chính, Hai Giám Mục Đầu Tiên Tại Việt Nam, Tp.HCM, lưu hành nội bộ, 2005, tr.146-150.
[43] X. J. Bourges, Ký Sự Cuộc Hành Trình Của Đức Cha Bérythe, lưu hành nội bộ, 1996, tr.202-203.
[44] X. nt., tr.215.
[45] X. J. Ch. Brisacier, sđd., số 233.
[46] X. F. F. Buzelin, Người Cha Bị Lãng Quên..., sđd., tr.370.
[47] X. Nhóm NCLĐMTG, Lịch Sử Dòng Mến Thánh Giá, sđd., tr.113.
[48] Cf. AMEP, vol. 169, pp.21-22.
[49] X. F. F. Buzelin, Người Cha Bị Lãng Quên..., sđd., tr.440.
[50] X. Đào Quang Toản, Giáo Hội Việt Nam năm 1659, Tp.HCM, nxb Phương Đông, 2009, tr.129.
[51] F. F. Buzelin, Người Cha Bị Lãng Quên..., sđd., tr.512.
[52] Cf. J. Guennou, Missions Étrangères de Paris, Fayard, 1986, p.164. Nhóm NCLĐMTG gọi tắt Hiệp Hội này là Hiệp Hội Mến Thánh Giá Tại Thế.
[53] Nhóm Nghiên Cứu Linh Đạo Mến Thánh Giá (Nhóm NCLĐMTG), “Luật Tu Hội Các Trinh Nữ và Phụ Nữ Đạo Đức” (Luật Tiên Khởi), trong Tuyển Tập Bút Tích (Di Cảo) Đức Cha Pierre Lambert la Motte..., sđd., II,1-2, tr.88.
[54] Cf. A. Launay, Histoire de la Mission de Cochinchine, tome I, Paris, Téqui, 1923, p.62.
[55] X. Đào Quang Toản, Đức Cha Lambert de la Motte, 2016, tr.28.
[56] X. Nhóm NCLĐMTG, Tiểu Sử - Bút Tích Đức Cha Phêrô-Maria Lambert de la Motte, 1998, số 15, tr.26.
[57] Cf. AMEP, vol. 677, p.196.
[58] Cf. Ibib., vol. 121, p.757.
[59] X. Bùi Đức Sinh, Giáo Hội Công Giáo Ở Việt Nam, quyển I, Calgary, Canada, 2002, tr.260.
[60] X. J. Ch. Brisacier, sđd., số 253.
[61] Cf. A. Launay, Histoire de la Mission du Tonkin, tome I, op.cit., pp.104-105.
[62] X. F. F. Buzelin, Người Cha Bị Lãng Quên..., sđd., tr.510.
[63] X. nt., sđd., tr.513.
[64] Cf. Journal de la Mission, p.132.
[65] X. J. Ch. Brisacier, sđd., số 260.
[66] X. F. F. Buzelin, Người Cha Bị Lãng Quên..., sđd., tr.514-515.
[67] X. nt., tr.523.
[68] X. B. Vachet, Chuyện Đức Cha Lambert, Cao Kỳ Hương dịch, 2005, tr.48-50.
[69] Cf. A. Launay, Histoire de la Mission de Cochinchine, tome I, op.cit., p.96.
[70] X. Đào Quang Toản, Đức Cha Lambert de la Motte, sđd., tr.32.
[71] X. J. Ch. Brisacier, sđd., số 269.
[72] Cf. Relation des Missions et des Voyages des Évesques Vicaires Apostoliques, et de leurs Ecclesiastiques des années 1672, 1673, 1674 et 1675, Paris, Charles Angot, 1680, pp.33-34.
[73] X. Bùi Đức Sinh, Giáo Hội Công Giáo Ở Việt Nam, sđd., tr.289.
[74]  X. J. Ch. Brisacier, sđd., số 270.
[75]  X. nt., số 271.
[76]  X. nt., số 289.
[77] X. Đào Quang Toản, Tìm Hiểu Lịch Sử Dòng Mến Thánh Giá, lưu hành nội bộ, 2013, tr.254.
[78] Cf. H.Chappoulie, Aux Origines d'Une Église: Rome et les Missions d'Indochine, Paris, 1943, pp.276-341.
[79] X. F. F. Buzelin, Người Cha Bị Lãng Quên..., sđd., tr.610.
[80] X. Nguyễn Văn Trinh, Lịch Sử Giáo Hội Việt Nam, tập III, 1994, tr.258.
[81] Cf. AMEP, Vol 877, pp.575-576.
[82] X. J. Ch. Brisacier, sđd., số 294-295.
[83] Cf. AMEP, vol 877, pp.581-582.
[84] Nhóm NCLĐMTG, “Di Chúc Của Đức Cha Pierre Lambert de la Motte..., 1675” (Di Chúc), trong Tuyển Tập Bút Tích (Di Cảo) Đức Cha Pierre Lambert de la Motte..., sđd., tr.192-195.
[85] X. Đào Quang Toản, Đức Cha Lambert de la Motte, sđd., tr.42.
[86] Cf. Launay, Histoire de la Mission de Cochinchine, op.cit., pp.87-88.
[87] Ibib., p.237. 
[88] A. Launay, Histoire de la Mission de Siam: Documents historiques: 1662-1696, Paris, Téqui, 1920, p.36.
[89] Lettre de Laneau aux Directeurs du Séminaire, Siam, 02/11/1679, AMEP, vol. 860, p.25.
[90] A. Launay, Histoire générale de la société des Missions Étrangères, op.cit., pp.253-254.
[91] L. E. Louvet, La Cochinchine religieuse, tome I, Paris, Ernest Leroux, 1883, pp.305-307.