Việc Dạy Giáo Lý Thời Các Giáo Phụ

14/04/2017
3960
Linh mục Phêrô Trần Ðình, Ðàlạt
 
 
Nhập đề
 
 
 
Giáo Phụ  là những tác giả Kitô giáo trổi vượt của những thế kỷ đầu, do giá trị phi thường của toàn bộ công trình của họ và do ảnh hưởng của họ đối với Kitô giáo cổ thời.
 
 
 
Thời kỳ Giáo Phụ trải dài từ hậu bán thế kỷ thứ I thuộc kỷ nguyên này tới thế kỷ IV bên Tây phương và thế kỷ VII bên Đông  phương. Các ngài thực sự là những người” Cha  của Hội Thánh”, đã tiếp tục công cuộc của các thánh Tông Đồ trong việc truyền thông mặc khải Kitô giáo, đặc biệt là trong việc xác định những biểu thức đức tin, những nghi thức phụng vụ , những cơ cấu tổ chức Giáo Hội . Đây chính là những “ gia sản thiêng liêng “ các ngài đã để lại cho hậu thế.
 
 
 
 Cố nhiên, việc học hỏi giáo lý của các Giáo Phụ không phải chỉ là việc quay về quá khứ để ôn lại chặng  đường đã qua của lịch sử Kitô giáo, nhưng còn để nêu bật những giá trị trường cửu trong suốt cuộc lữ hành của Giáo Hội. Các Giáo Phụ là những chứng nhân của một lịch sử sống động, một lịch sử  mãi mãi liên hệ đến chúng ta và đôi khi, ngay cả thường khi chính chúng ta đang sống, đang trải qua lịch sử đó trong tư cách là người kitô hữu. Nói khác đi, tư tưởng  của các Giáo Phụ luôn mang tính hiện đại và thời sự. Một bằng chứng rõ nét nhất là mỗi lần chúng ta tuyên xưng đức tin là chúng ta được dìm sâu trong niềm tin của Giáo Hội thế kỷ thứ IV, và những cuộc canh tân, cải cách về phụng vụ mọi thời đều phải trở về với Giáo Hội  của các Giáo Phụ  để tham chiếu.
 
 
 
Dầu sống giữa một thế giới đối nghịch, các Giáo Phụ đã không co cụm, không bằng lòng đóng khung lại trong những chuyện nội bộ. Với nhiệt tình truyền giáo, các ngài đã viết những tác phẩm hộ giáo, trình bày đạo lý Chúa Kitô, đã đánh tan những hiểu lầm, xuyên tạc của người đời.                                                                                    
 
 
 
Đặc biệt ( và đây là vấn đề chúng ta quan tâm), các ngài đã sử dụng những phạm trù triết học để diển tả mặc khải của Thiên Chúa. Các Giáo Phụ qủa thật là khuôn mẫu cho chúng ta hôm nay trong việc việc đối thoại với các nền văn hóa đương thời, mà tiêu biểu là Giáo Phụ Giustinô. Còn trong lãnh vực phụng vụ  và bí tích, Giáo phụ Xi-ri-lô Giêrusalem đã để lại cho chúng ta một chứng từ về phụng vụ Phép Rửa của Giáo Hội Đông phương.
 
Chúng ta giới hạn việc trình bày giáo lý của các Giáo Phụ trong hai chủ đề này.
 
 
 
A/ Giáo lý của Giáo Phụ Giustinô : một giáo lý đối  thoại
 
Hay là : cuộc gặp gỡ giữa Kitô giáo và văn hóa HiLạp.
 
 
 
 Dẫn nhập
 
 
 
“ Sự phân ly giữa Tin Mừng và văn hóa là thảm trạng của thời đại chúng ta” (Phaolô VI, Tông huấn “ Loan báo Tin Mừng “, soá 20 ). 
 
 
 
Văn hóa là không gian sống của con người, cũng là đất sống của Tin Mừng. Chính vì vậy, đối thoại với các nền văn hóa  chính là sứ mạng cuûa Giaùo Hội mọi thời.   
 
 
 
Giáo Phụ Giustinô là người“ lãnh ấn tiên phưông” trên “ mặt trận” này. Ngaøi tieâu bieåu cho thaùi ñoä côûi môû ñoái thoaïi vôùi triết học Hi laïp.
 
 
 
I. Bối cảnh                                                                                                   
 
Với Giáo Phụ Giustinô, chúng ta đang ở giữa thế kỷ thứ II. Xét về thời gian, Giáo Hội đang xa dần cội nguồn, đi vào một thời kỳ mới trong lịch sử của mình. Các Giáo Hội Kitô giáo gốc Do Thái đã thấy ảnh hưởng của mình bị giảm sút trước sự bành trướng của Kitô giáo phát xuất từ Thánh Phaolô . Từ nay, phần đông các kitô hữu đến từ ngoại giáo, nhiều người trở lại khi đã trưởng thành và đó là trường hợp của Thánh Giustinô. Những vấn đề đức tin phải đương đầu đang chuyển sang những lãnh vực khác.
 
 
 
Kitô giáo ngày càng gặp gỡ rộng rãi với thế giới Hi-La, một thế giới ý thức về các giá trị của mình, tự hào về một số thành quả chính trị và nhất là văn hóa . Đặc biệt, người thời đó đã thành công trong việc xây dựng một nền văn hóa có giá trị toàn cầu. Điều này có thể thấy rõ trong khoảng thời gian đầu công nguyên, được đánh dấu bằng việc thống nhất thật sự về văn hóa trong vùng Địa Trung Hải : tiếng Hi lạp được dùng khắp nơi, đó là ngôn ngữ chung (koinè), ngôn ngữ của thương mại, của triết học và của khoa học. Văn hóa Latinh của Tây phương bị văn hóa Hi lạp thâm nhập. Nói tóm lại, văn hóa Hi lạp là “ nền văn hóa “ của thời bấy giờ.
 
 
 
Như vậy, khi ra khỏi chiếc nôi ban đầu, Giáo Hội đã gặp gỡ thế giới văn hóa Hi lạp.Vì thế, việc đối thoại là điều thiết yếu và không thể né tránh. Hai con người , một dân ngoại và một kitô hữu sẽ đánh dấu giai đoạn đầy ý nghĩa của việc đối thoại này : phía dân ngoại là triết gia Celsiô, phía Kitô giáo là Giáo Phụ Giustinô.
 
 
 
II. Giustinô : hành trình trí thức và thiêng liêng
 
 
 
Ngài nguyên là người Palestina, nhưng được hấp thụ nền văn hóa Hilạp. Vào khoảng năm 132-135, ngài trở thành kitô hữu, nhưng việc ngài trở lại Kitô giáo là thành quả của cả một hành trình tri thức và thiêng liêng.
 
 
 
Tâm hồn của Giustinô là một tâm hồn tôn giáo, luôn thao thức khám phá sự thật về Thiên Chúa và con đường dẫn tới Người. Ngài tìm kiếm điều đó nơi các triết thuyết lớn, vì như ngài nói, mục đích của triết học là tìm kiếm Thiên Chúa  và kết hợp với Người.        
 
 
 
Những triết thuyết đầu tiên mà ngài gặp gỡ là triết học Khắc kỷ, tiếp đến là triết học Aristote, nhưng cuối cùng ngài trở thành môn đệ nhiệt thành của triết học  Platon, do bị chinh phục bởi ý tưởng cao siêu về Thiên Chúa , bởi chiêm niệm thần bí giải thoát tinh thần, đưa tinh thần tới chỗ nên giống Thiên Chúa và kết hiệp với Người.
 
 
 
Nhưng rồi một ngày kia, ngài gặp được một cụ già vừa là kitô hữu vừa là triết gia . Cụ đã giúp ngài nhận thức được rằng triết học tự nó không đủ để dẫn tới chỗ kết hiệp với Thiên Chúa. Cụ vén mở cho Giustinô về các tiên tri và về Đức Kitô: chính việc đón nhận mặc khải này là con đường dẫn đến Thiên Chúa, vì đây là sự tự khải của Thiên Chúa. Giustinô khám phá ra rằng “ không ai có thể thấy được hoặc hiểu biết Thiên Chúa nếu chính Thiên Chúa và Đức Kitô của Người không cho người ấy hiểu. “Khám phá này đối với Giustinô là một sự giác ngộ. Từ nay, ngài gắn bó với đức tin Kitô giáo mà ngài xem là “ triết học duy nhất chắc chắn và bổ ích”.
 
 
 
Là triết gia trở lại, Giustinô vẫn là triết gia . Ngài tiếp tục làm một triết gia , nghĩa là làm thầy dạy sự khôn ngoan, vận áo choàng ngắn, có các môn đệ vây quanh và mở rộng cửa trường. Ngài tạo nên một kiểu mẫu kitô hữu chưa từng được biết đến, qua việc mở đầu một cách làm tông đồ mới. Ngài định vị mình như một nhà thần học giáo dân, xét như là một thành viên trong Giáo Hội
 
 
 
Giustinô cuối cùng đã đến ở hẳn tại Rôma, giữa môi trường sôi động của triết học và phải đương đầu với sự thù nghịch của một ông thầy ngoại giáo bên cạnh. Có lẽ chính sự thù nghịch này đã dẫn ngài đến cái chết.
 
 
 
III. Thách đố của triết học
 
 
 
Tư tưởng của Giustinô triết gia tất nhiên vận hành trong bầu khí triết học đương thời, nhất là trong hai truyền thống triết học ngự trị thời đó : truyền thống Platon và truyền thống Khắc kỷ.
 
 
 
1. Truyền thống Platon phân biệt triệt để giữa thế giới thần linh, tức thế giới của tinh thần, vĩnh cửu, bất biến và chỉ có thế giới đó mới thực hữu,với thế giới khả giác, tức thế giới trần tục, vật chất, thế giới của các hiện tượng và ý nghĩa cao nhất của nó là phản ánh thế giới bên trên, thế giới của thân xác; và tinh thấn nếu có tham dự vào thân xác cũng chỉ vì bị sa xuống vật chất : thân xác là “ mồ chôn”, là tù ngục của linh hồn; linh hồn được mời gọi thoát ra khỏi thân xác để kết hợp với thần linh, tìm lại bản tính đích thực của mình. Để giải thích sự hiện hữu của hạ giới, truyền thống Platon nại tới các trung gian vũ trụ ( intermédiaires cosmiques ) mà Platon gọi là “Đấng hóa công “ ( démiurge ).
 
 
 
Dưới mắt các trí giả Kitô giáo , triết thuyết của Platon được ưa chuộng, bởi ý tưởng cao siêu về thần linh. Ngược lại, nhãn quan nhị nguyên về thế giới và về con người , việc đánh giá thấp vật chất và thân xác của chủ thuyết Platon lại là những nét mâu thuẫn với các dữ kiện Thánh Kinh. Vì thế, một vấn đề thường xuyên được đặt ra nơi các Giáo Phụ  là cân nhắc mức độ thiện cảm hay tránh xa một triết thuyết vừa có những mặt lôi cuốn , vừa bao hàm những khía cạnh hàm hồ như thế.
 
 
 
2. Phái  Khắc kỷ đưa ra một thế giới quan hoàn toàn đối ngược, theo nghĩa là một thế giới quan hết sức thống nhất. Ở nguyên lý cũng như ở trọng tâm vạn vật, có khí thần (pneuma divin), cũng là Lý Tính ( Logos ) thần linh, khơi động, thấm nhập linh hoạt mọi vật thể cả thiêng liêng lẫn vật chất. Sự thống nhất của vũ trụ tương tự như một vật thể vĩ đại, được Khí Thần làm cho chuyển động. Sự thống nhất đó cũng gặp thấy nơi con người. Vì có nguyên lý là Lý Tính thần linh nên sự phát triển của vũ trụ chỉ có thể là một sự phát triển hợp lý, tốt đẹp (quan niệm lạc quan của phái Khắc kỷ trước sự dữ), bất biến (các chu kỳ vũ trụ đồng nhất trở đi trở lại vô hạn định). Lý tưởng đạo đức của người Khắc kỷ là làm cho ý chí của mình phù hợp với lý trí hoặc với thiên nhiên.

 
 
 
Về khía cạnh này, các nhà tư tưởng Kitô giáo cũng tìm thấy những âm hưởng rất  tích cực: trong quan niệm “ tốt đẹp” tự căn bản của tạo dựng, trong quan niệm nhất nguyên về con người, về sự duy  nhất và bình đẳng của nhân loại. Tất nhiên, các ngài không thể chấp nhận quan điểm phiếm thần ( Thiên Chúa bị đồng hóa với hồn vũ trụ ) và tất định của triết học Khắc kỷ, cũng như không theo quan niệm duy lý của phái này.
 
 
 
“ Logos”, thước đo  vạn  vật: đó là xác tín mà các nhà triết học, khoa học thời đó không ngừng lặp đi lặp lại. Chính từ đây đã phát sinh một trong những bác bẻ nền tảng nhất mà các nhà trí thức ngoại giáo thường xuyên đặt ra đối với thái độ “tin” mà Do thái giáo và Kitô giáo đòi hỏi : theo họ, đức tin là cái đi ngược với lý lẽ, là sự phủ nhận lý trí. Chúng ta thấy bác bẻ này đã được đưa ra vào thế kỷ II, dưới ngòi bút của một triết gia chiết trung như Celse chẳng hạn. Ông cho rằng chỉ duy có lý lẽ và sự chứng minh mới là những tiêu chuẩn của chân lý. Nó hiển nhiên đặt ra một vấn đề mà người kitô hữu không thể tránh né. Đây sẽ là mảnh đất của sự đối thoại.
 
 
 
Quyền chính đáng của lý trí là điều mà các nhà trí thức Kitô giáo  như Giustinô vẫn thao thức. Việc nhìn thẳng vào những đòi hỏi này là một nhu cầu sinh tử đối với đức tin. Về điểm này, có lẽ không có một Giáo Phụ nào đã có những lời lẽ mạnh mẽ như Clément d’ Alexanrie đầu thế kỷ III: “ Nhiều kitô hữu sợ triết học Hi lạp như trẻ con sợ ngáo ộp, sợ bị triết học này chinh phục. Nếu đức tin của chúng ta là như thế…nếu nó sụp đổ trước sự thuyết phục của lý luận, thì hãy để cho nó sụp đổ, bởi lẽ qua đó chúng ta chứng tỏ rằng mình không có chân lý”. Nói khác đi, nếu đức tin không muốn phủ nhận chính mình, thì phải chấp nhận nhìn thẳng và trả lẽ về chính mình cho thế giới mình đang sống.
 
 
 
Đây cũng chính là xác tín của Giustinô, nhà trí thức Kitô giáo đầu tiên có một lập trường triệt để trước triết học Hilạp và nỗ lực của lý trí con người .
 
 
 
IV. Logos : mảnh đất của đối thoại
 
 
 
Ở đây cần nhắc lại rằng. mối liên hệ so sánh, đối chiếu giữa mặc khải Thánh Kinh và tư tưởng Hi lạp đã khởi sự từ trước công nguyên, bên trong Do thái giáo Hi hóa, và cách riêng là ở Alexandria. Chính ở đây, Thánh Kinh Do thái đã được dịch sang tiếng Hi lạp ( bản bảy mươi ) bắt đầu từ Thế kỷ III trước công nguyên và một nền văn học Do thái hình thành, mang dấu ấn đặc biệt của sự tiếp xúc với văn hóa và tư tưởng Hy lạp, ngay cả trong một cuốn sách thuộc Thánh Kinh như sách Khôn Ngoan cũng chứng tỏ điều đó. Đại  biểu chính của Do thái giáo- hi hóa là Philon thành Alexandria, nhà chú giải, nhà triết học, thần học, nhà hộ giáo và thần bí đồng thời với Đức Kitô. Ông tìm cách đem lại cho nội dung đặc thù của Thánh Kinh một ý nghĩa phổ quát bằng phương pháp giải thích theo nghĩa ẩn dụ, mà sau này các Giáo Phụ sẽ theo. Ông khai triển một thần học mang tính ngôi vị về Lời của Thiên Chúa, so sánh Lời này với Logos hy lạp.
 
 
 
Người ta vẫn chưa phát hiện thấy ảnh hưởng trực tiếp của Philon trên các nhà hộ giáo thế kỷ II, nhưng hẳn các ngài không thể không biết và không dựa vào khoa hộ giáo trước đây. Bận tâm của các ngài là muốn trình bày khuôn mặt thật của Kitô giáo hầu đánh tan những thành kiến và sự thiếu hiểu biết của dân ngoại, trình bày đức tin sao cho  người đương thời đón nhận được  và chứng minh rằng việc tin theo mặc khải Kitô giáo không không phải là sự từ bỏ lý trí. Một số vị còn triển khai phê bình đa thần thuyết và các tôn giáo dân ngoại cũng như chỉ trích pháp chế bách hại đạo.
 
 
 
Về phần mình, Giustinô làm cho độc giả ngạc nhiên về tinh thần lạc quan và rộng mở trong việc đối chiếu đức tin với lý trí và với triết học Hi lạp. Nhiệt tình hộ giáo của Giustinô dựa trên niềm xác tín rằng đức tin và lý trí không thể mâu thuẫn nhau, vì chân lý là một, chân lý chỉ có một nguồn suối độc nhất nơi Thiên Chúa và nơi Logos, Lời của Người, Lời mà Người đã ban cho nhân loại ngay từ ban đầu.
 
 
 
Tương tự như Philon khi Ông đặt ở trọng tâm thần học của mình Logos của Thánh Kinh như mối liên kết giữa Thiên Chúa và thế giới ; và tương tự như Thánh Gioan khi trình bày Đức Kitô như là Lời ( Logos ), Đấng đã “có từ khởi thủy” và đã “mặc lấy xác phàm”, Giustinô giữ lại từ ngữ này, một từ ngữ mang bao âm hưởng trong triết học Hi lạp: Logos vừa là lời, vừa là Lý Tính thần linh thấm nhập và điều khiển thế giới. Giustinô mang lại cho tư tưởng của Gioan, theo đó Ngôi Lời “soi sáng  mọi người”, một ngữ điệu triết lý hơn và hoàn toàn phổ quát: suốt dòng lịch sử và ngay cả trước khi nhập thể, Logos đã và đang hiện diện nơi mọi người, vì do lý trí của mình, mọi người đều tham dự vào Logos thần linh và đều có khả năng “ sống theo Logos”. Giustinô không ngại quả quyết rằng, những ai sống trước Đức Kitô , Do thái hay dân ngoại, và đã trung thành với ánh sáng của Logos có nơi họ, thì theo một nghĩa nào đó, họ là những “ kitô hữu”, nghĩa là đã mở lòng đón nhận những giá trị tôn giáo và đạo đức,  đã  tiếp cận  thực  sự với Tin  mừng ( như Socrate chẳng hạn ).
 
 
 
Tuy nhiên, Giustinô, triết gia Kitô giáo, cũng đã biết giữ những khoảng cách đối với một số khía cạnh của triết học Hi lạp.Chẳng hạn, dù đánh giá cao luân lý của phái Khắc kỷ, ngài vẫn bác bỏ toàn bộ tín điều của phái này: như chủ trương tất định phổ quát, phiếm thần, không có vận mệnh cá nhân sau khi chết…
 
 
 
Khi đưa ra những đối lập căn bản như thế, Giustinô đã khai mào cuộc tranh luận, và đây cũng là một trong những khía cạnh của cuộc gặp gỡ giữa đức tin của các Giáo Phụ và tư tưởng cổ thời. Dù sống giữa lòng văn hóa Hi lạp, các Giáo Phụ vẫn tỏ ra hết sức tự do.
 
 
 
Cuối cùng, Giustinô đặc biệt nhấn mạnh đến tính siêu việt của mặc khải Kitô giáo .Ngoài Đức Kitô ,nhân loại chỉ có được những “hạt giống”, những “mầm mống” của Logos ( Logos spermatikos ): những chân lý rời rạc và dò dẫm, mâu thuẫn giữa các triết gia chứng minh điều đó. Chỉ có Tin Mừng mới mặc khải “tất cả Logos”, nguồn suối của chân lý toàn vẹn.
 
 
 
Kết luận
 
 
 
Là con người của thời đại và được thấm nhuần văn hóa đương thời , Giáo Phụ Giustinô đã tìm kiếm được một sự quân bình giữa đức tin và những gì đã hấp thụ được trên bình diện tri thức mà ngài không chối bỏ. Sự đối chiếu mà ngài khởi sự sẽ tác động sâu xa lên chính Kitô giáo, vì nó sẽ mở ra những vấn đề mới, đòi hỏi một nỗ lực lớn lao trong việc đưa ra định thức đức tin  cũng như trong suy tư thuần lý về đức tin, nó còn đòi hỏi một nỗ lực rất lớn trong việc vượt thắng những khía cạnh hàm hồ của mọi nền văn hóa, mọi triết thuyết khi đối diện với Mặc Khải. Đây sẽ là công trình chung của các Giáo Phụ ,mà Giustinô là người khai sáng .
 
 
 
Thật vậy, trong số những giáo phụ có thái độ cởi mở đối với văn hóa Hi lạp, ngoài Giustinô, cần phải kể đến  Clêmentê và  Origênê (đầu thế kỷ thứ III ). Cả hai đều mở trường dạy học tại Alexandria, thủ đô văn hóa của Ai Cập, nơi đã diễn ra cuộc đối thoại giữa văn hóa Hi lạp và tư tưởng Do Thái ngay từ trước công nguyên, đặc biệt nhờ Ông Philon. Ông Clêmentê tiếp tục hướng đi của Giustinô khi quan niệm rằng Thiên Chúa đã ban cho dân Hi lạp những mầm mống chân lý, dường như để chuẩn bị cho sự mặc khải chân lý toàn vẹn nơi Đức Kitô. Ông Ôrigênê còn đi xa hơn khi khẳng định rằng các tín hữu cần phải học hỏi triết học Hi lạp để vừa đào sâu sự hiểu biết Thánh Kinh vừa bênh vực đức tin chống lại những cuộc tấn công của người đời.
 
 
 
Phải chờ tới các thế kỷ sau, chúng ta mới thấy các Giáo Phụ dứt khoát nghiêng về thái độ đối thoại với văn hóa  như Eusêbiô, Basiliô, Augustinô.
 
 
 
B/ Giáo lý của Giáo Phụ Xi-ri-lô Giêrusalem:  “Từ Phép Rửa đến Thánh Thể”
 
 
 
Dẫn nhập
 
 
 
Thánh Xi-ri-lô là Giáo Phụ Đông phương, một trong những khuôn mặt sáng chói nhất của thế kỷ thứ IV, đặc biệt là về phụng vụ Ngài sinh tại Palestina khoảng năm 313, làm Giám mục  Giêrusalem vào năm 350, chết năm 387.
 
 
 
Công trình chính yếu của Thánh Xi-ri-lô là 24 bài giáo lý, gồm một bài dẫn nhập (procatéchèse), 18 bài giáo lý tiền phép rửa ( catéchèses prébaptismales ) và 5 bài “giáo lý nhiệm huaán “( catéchèses mystagogiques ).Các bài giáo lý này là những bài trình bày cụ thể, giản dị, trong dó tác giả chứng tỏ là một nhà sư phạm giỏi, biết dùng những ví dụ của đời sống hằng ngày, không ngừng lôi kéo sự chú ý, thay đổi các công thức để lặp lại hàng chục lần cùng một chân lý. Dầu sao, giá trị chính yếu của chúng nằm ở chỗ cung cấp cho chúng ta một chứng tích về giáo huấn dự tòng tại Giêrusalem vào thế kỷ thứ IV.
 
 
 
Chúng ta sẽ trình bày vắn tắt những điểm chính yếu của những bài giáo lý này, để từ đó khám phá ra những nghi thức khai tâm Kitô giáo của Giáo Hội Đông phương, và sau cùng sẽ cho thấy mối liên hệ giữa bí tích Rửa tội và Thánh Thể.
 
 
 
I. Giáo lý của Thánh Xi-ri-lô
 
 
 
Ngoài bài dẫn nhập (procatéchèse), giáo lý tiền phép rửa gồm 18 bài. 
 
 
 
l. Mục đích của các bài giáo lý này là làm cho các ứng viên phép rửa thấy được sự cao cả của bí tích họ sắp lãnh nhận.
 
 
 
2. 18 bài “giáo lý tiền phép rửa” mang tựa đề là giáo lý  “soi sáng” (catéchèse ad illuminandos ), dành cho các dự tòng, kéo dài suốt mùa chay. 18 bài giáo lý này trình bày trước hết “Mười điều khoản chính của niềm tin chúng ta”, và  tất cả đều được rút ra từ những bản văn kinh thánh. 
 
       I      Xh 18,3  Những điều kiện để lãnh Bí tích rửa tội .
 
       II      Ed 18,20            Sám hối tiền phép rửa .
 
       III    Rm 6,3-4            Phép rửa theo kinh thánh .
 
       IV    Cl  2,8                Mười giới răn.
 
       V     Dth 11,1             Đứctin
 
       VI     Is 45,l6-l7           Thiên Chúa duy nhất.
 
       VII    Ep 3,14              Thiên Chúa Cha.
 
       VIII   Gr 32,18-19        Thiên Chúa toàn năng.
 
        IX     Gb 38,2            Thiên Chúa sáng tạo.
 
        X      1Cr 8,5-6           Chúa Giêsu Kitô.
 
        XI     Dt 1,1              Chúa Con duy nhất.
 
        XII    Is 7,10             Ngôi Lời nhập thể.
 
        XIII   Is 53,              Khổ nạn và chôn táng của ĐK.
 
        XIV    1Cr 15,1-4        Sự phục sinh của ĐK.
 
        XV     Đn 7,9-13          Sự quang lâm của ĐK.
 
        XVI    1C12,1-4          Chúa Thánh Thần, I
 
        XVII   1Cr 12,8           Chúa Thánh Thần , II
 
        XVIII  Ed 17,1tt          Sự phục sinh thân xác.
 
 
 
3. Năm bài “giáo lý nhiệm huấn” ( bài  XIX-XXIII )  giáo huấn  các tân tòng trong mùa Phục Sinh, nhằm giải thích ý nghĩa của ba bí tích khai tâm ( rửa tội, thêm sức, thánh thể ) họ vừa lãnh nhận. Có thể đặt tên cho các bài giáo lý ấy như sau :
 
        XIX    Từ bỏ và tuyên xưng đức tin phép rửa
 
        XX      Mầu nhiệm pheùp rửa .
 
        XXI     Xức dầu thánh ( chrismation ).
 
        XXII    Mình và Máu Đức Kitô .
 
        XXIII   Cử hành  Thánh theåthể.
 
Hai mươi ba bài giáo lý này cho phép chúng ta phân biệt hai giai đoạn khác nhau, với những nghi thức riêng của chúng : giai đoạn chuẩn bị và giai đoạn hoàn tất.
 
 
 
 
 
II  Nghi thức khai tâm Kitô giáo:
 
 
 
Nghi thức khai tâm kitô giáo ở Giêrusalem vào thế kỷ thứ IV, theo chứng từ của Thánh Xi-ri-lô, cấu thành một toàn thể : khai tâm các ứng viên về mầu nhiệm vượt qua trong sự trọn vẹn của nó : phép rửa và bí tích thánh thể.
 
 
 
1. Thời gian chuẩn bị:
 
 
 
Thời gian chuẩn bị gồm giai đoạn dự tòng và giai đoạn chuẩn bị gần. Thánh Xi-ri-lô ít nói về giai đoạn dự tòng nhưng nói nhiều về giai đoạn chuẩn bị gần cho việc khai tâm. Đó là thời kỳ sám hối, ăn chay và cầu nguyện. Việc chuẩn bị này được kết thúc vào lễ Phục Sinh. Một vài nghi thức đươc thực hiện trong thời gian này là : 
 
 
 
a/ ghi danh và thái độ thiêng liêng:
 
Trước hết là việc ghi danh: “Anh đã nhập đạo, anh đã được tiếp nhận, tên anh đã được ghi” ( Procat.4 ).
 
 
 
Đối với Xi-ri-lô , các dự tòng được gọi là  “photizoménoi”, nghĩa là “được soi sáng”, bởi vì họ sắp nhận được ánh sáng của các bí tích khai tâm Kitô giáo . Thái độ của họ vì thế phải tinh tuyền. Những mục đích thuần túy nhân loại không thích hợp cho một thái độ thiêng liêng.
 
 
 
b/ trừ tà:
 
Thánh Xi-ri-lô nhấn mạnh việc trừ tà.. Đó là  một phương thức thanh tẩy nội tâm : “Anh hãy mau mắn đến với huấn giáo; anh hãy mau mắn tiếp nhận những nghi thức trừ tà.Việc thổi hơi và những nghi thức trừ tà được thực hiện trên anh mang lại ơn cứu rỗi” ( Procat.6 ).
 
 
 
Như vậy, cần phân biệt nghi thức trừ tà, công thức nguyền rủa ma quỉ, với việc thổi hơi sau đó như một cử chỉ thanh tẩy. Nó được sánh như tác động của lửa đối với vàng.
 
 
 
“Khi các nghi thức trừ tà thổi vào sự kính sợ nhờ Hơi Thở của Thiên Chúa (Thần Khí) và ngang qua lửa, linh hồn  ở trong thân xác như thể ở trong một lò nung, bấy giờ kẻ thù là ma quỉ chạy trốn, nhưng ơn cứu rỗi và niềm hi vọng về sự sống đời đời vẫn tồn tại. Từ nay linh hồn được thanh luyện khỏi những khiếm khuyết và có ơn cứu rỗi”(Procat.9).
 
 
 
Mùa Chay là thời gian thực hành khổ chế, chính vì thế Thánh Xi-ri-lô  nhấn mạnh sự xưng thú công khai  những tội lỗi của mình…( x. Procat.15 ).
 
 
 
2. Thời gian hoàn thành và diễn tiến của những nghi thức.
 
 
 
Phụng vụ khai tâm kitô giáo bắt đầu với canh thức vọng Phục sinh. Diễn tiến các nghi thức như sau :
 
    1. Từ bỏ Satan.
 
    2. Tuyên xưng đức tin .
 
    3. Cởi bỏ y phục.
 
    4. Xức dầu trừ tà ( l’huile exorcée ).
 
    5. Rửa tội : dìm xuống ba lần.
 
    6. Xức dầu sau khi rửa tội
 
    7. Mặc áo trắng.
 
    8. Trao nến sáng.
 
    9. Rước lễ.
 
 
 
III. Từ Phép Rửa đến Thánh Thể:
 
 
 
Từ giáo lý nhiệm ý, chúng ta có thể rút ra mối dây liên kết giữa  Phép Rửa và Thánh Thể. 
 
 
 
1. Mối liên hệ giữa Phép Rửa và Thánh Thể:
 
 
 
a) Bài giáo lý nhiệm huấn đầu tiên giải thích ý nghĩa của các nghi thức được cử hành ngoài giếng rửa tội : các ứng viên hứa từ bỏ Satan và tuyên xưng đức tin Phép Rửa một cách cá nhân.
 
 
 
“Trước hết, anh tiến vào tiền đình của giếng rửa tội, hướng về phía tây, anh đã nghe và anh đã được dạy phải giang tay ra…anh đã từ bỏ Satan” (Cat.myst.I,2 ).
 
 
 
Các cử chỉ kèm theo nghi thức là : đứng thẳng, mặt hướng về phía tây, tay giang ra và đọc :
 
“Hỡi Satan, ta từ bỏ ngươi” ( Cat.myst. I,4 )
 
“tất cả công việc của ngươi” ( I, 5 ).
 
“sự khoa trương của ngươi” ( I, 6 ) 
 
“và việc phượng thờ ngươi” ( I, 7 ).
 
 
 
Ở đây, công thức về sự từ bỏ gồm bốn phần. Đối với thánh Xi-ri-lô , Satan là kẻ tiếm quyền hung dữ, là con rắn quỉ quyệt được nói đến trong kinh thánh , kẻ gây ra mọi sự dữ, là tiền ảnh của Pharaô và binh đội của Ông bị nhận chìm trong Biển Đỏ. Công việc của nó chính là tội lỗi dưới mọi hình thức; sự khoa trương của nó chính là nhà hát, là những cuộc chạy trong trường đua ngựa, những cuộc đấu đá trong gánh xiếc; sự thờ phượng nó chính là các thần tượng, là kinh nguyện trong các đền thờ riêng tư hay tại gia, là ma thuật.
 
 
 
Kế đó, người dự tòng quay mặt về  phía đông, luôn đứng thẳng, tay giang ra và nói :
 
“Tôi tin kính Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần  và tôi tin có một Phép Rửa duy nhất để tha tội” (Cat.myst.I,9).
 
 
 
Ý nghĩa của nghi thức: phía Đông, miền của ánh sáng nơi mặt trời mọc, được xem như hướng mà Chúa sẽ xuất hiện khi quang lâm, các tín hữu sẽ hướng về đó mà cầu nguyện (Cat. Myst. I,4). “Ngược lại, phía Tây là miền của bóng tối và của ma quỉ” (Cat. Myst I,4).
 
 
 
b) Bài giáo lý nhiệm huấn thứ hai bàn về các nghi thức được cử hành trong chính giếng rửa tội : bỏ y phục, xức dầu tiền Phép Rửa  và rửa tội . Biểu tượng của các nghi thức được giải thích như sau :
 
·         Bỏ y phục: là hình ảnh của việc bóc trần con người cũ : “Bị bóc trần, anh trần trụi như Đức Kitô trần trụi trên thánh giá” ( Cat.myst. II,2).  
 
·         Dầu trừ tà: phù hợp với một hình ảnh đã có trong thơ Rm 11,17-24,  biểu thị rằng : nhờ Phép Rửa, người tín hữu sẽ đươc tháp nhập vào Đức Kitô như cây Ôliu dại được tháp với cây Ôliu tốt, để rồi, giữa lòng cộng đoàn, họ trở nên người tham phần vào nhựa sống của Đức Kitô” ( x. Cat. Myst. II,3 ).
 
·         Sau khi xức dầu tiền Phép Rửa, việc rửa tội được mô tả như sau :
 
“ Sau đó, anh được cầm tay dẫn tới hồ thánh của Phép Rửa thần linh như Đức Kitô trên thánh giá đã ở trong mồ trước anh. Rồi người ta hỏi từng người có tin kính Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần không.Và anh đã tuyên xưng sự tuyên xưng cứu rỗi và anh đã được dìm ba lần trong nước, rồi anh đã được lôi ra, biểu thị Đức Kitô bị chôn táng ba ngày trong mồ. Quả thật, cũng như Chúa chúng ta đã trải qua ba ngày đêm trong lòng đất thế nào, cũng thế, khi được nhận chìm lần thứ nhất, anh bắt chước Đức Kitô ngày thứ nhất trong lòng đất, và trong sự nhận chìm là bóng đêm, bởi vì, cũng như kẻ ở trong bóng tối không còn nhìn thấy gì nữa và trái lại ban ngày người ta sống trong ánh sáng. Như thế trong sự nhận chìm cũng như trong đêm tối anh không thấy gì nữa, nhưng trong sự nhận chìm anh cảm thấy mình như trong ban ngày. Và trong một động tác duy nhất anh đã chết đi và đã sinh ra : nước cứu rỗi vừa là mồ chôn vừa là mẹ của anh”.
 
( Cat. Myst. II,4 ). Phép Rửa như thế vừa là sự chết vừa là sự sống.
 
 
 
c) Bài giáo lý nhiệm huấn thứ ba giải thích những nghi thức sau Phép Rửa đươc thu gọn vào việc xức dầu thánh ( chrismation ). Nó cho thấy ý nghĩa thiêng liêng của việc xức dầu : làm cho các tín hữu  trở thành những “Đức Kitô” nhờ dầu thơm. Được thánh hiến qua lời khẩn nguyện, dầu trở thành dấu chỉ sự hiện diện của Chúa Thánh Thần .
 
 
 
Các tân tòng đã được “xức dầu thánh” ( chrismés ) trên trán, tai, mũi và ngực, ngõ hầu từ đây họ biết mình là kẻ mang vinh quang của Chúa ( II Cr 3,18 ), mở ra với lời của Người ( Is 50,4 ; Mt 11,15 ), có nhiệm vụ “làm lan tỏa hương thơm tốt lành của Người” ( 2 Cr 2,15 ) và được trang bị khí giới để chống lại Ác thần (Ep 6,14; I Th 5,8).
 
 
 
Theo thánh Xi-ri-lô, một khi các tân tòng được “xức dầu thánh”, họ trở thành những kitô hữu ( x.Cat. Myst. III,4 ).
 
·      Mặc áo trắng:
 
“ Giờ đây, anh đã cởi bỏ y phục của ngày xưa và đã mặc lấy màu trắng thiêng liêng, phải luôn mặc màu trắng. Tuyệt đối chúng tôi không muốn nói anh luôn phải mặc áo trắng, nhưng anh cần phải được bao phủ bởi màu trắng đích thực của sự tinh tuyền thiêng liêng.(Cat.Myst.IV,8).
 
 
 
d) Bài giáo lý nhiệm huấn thứ tư được dành cho bí tích Thánh Thể, cho các mầu nhiệm. Bí tích Thánh Thể thánh hóa người tín hữu theo cơ cấu xác-hồn của con người :
 
  “ Trong Cựu ước cũng có bánh trưng hiến, nhưng những bánh này thuộc về Cựu ước, đã chấm dứt. Trong Tân ước, có bánh thiên quốc và một chén cứu độ thánh hóa hồn xác. Bởi aân1bánh được làm cho thân xác, cũng thế Lời thích hợp với tâm hồn”  (Cat. Myst. IV,5).
 
 
 
e) Bài giáo lý nhiệm huấn thứ năm :giải thích ý nghĩa các nghi thức của bí tích Thánh Thể.
 
- Rửa tay như dấu chỉ của sự thanh luyện nội tâm.( Cat,myst.V,2).
 
- Chúc bình an giữa các tín hữu như dấu chỉ của sự giao hòa ( Cat. Myst.V,3 ).
 
- Kinh nguyện Thánh Thể  đi từ việc ngợi khen Thiên Chúa  vì công trình sáng tạo của Người đến việc cầu khẩn Chúa Thánh Thần thánh hóa lễ vật  (mà không có câu chuyện lập bí tích Thánh Thể), nhưng phần cuối bao gồm những lời khẩn cầu, nhắc đến các thánh, tưởng niệm người quá cố (Cat.myst. V,4-9)
 
- Sau khi đọc kinh Lạy Cha (Cat.myst. V,11) là kêu mời hiệp lễ và đáp trả của dân chúng.(Cat.myst.V,19-20)
 
- Việc hiệp lễ kết thúc việc mô tả các nghi thức Thánh Thể.(Cat.myst.V,22).
 
 
 
2. Suy tư thần học
 
 
 
Nhờ Giáo Phụ Xi-ri-lô Giêrusalem mà chúng ta có được một chứng từ về phụng vụ Phép Rửa của Giáo Hội Đông phương và ít nöõa là những nét căn bản về mối dây kiên kết giữa Phép Rửa và Thánh Thể một cách tiêu biểu về các mầu nhiệm khai tâm của thời kỳ này.
 
 
 
Thời gian học đạo như con đường hướng về Phép Rửa và Thánh Thể, một tiến trình thiêng liêng.Tâm điểm của việc rửa tội, chính là việc tắm bằng nước, ba lần được nhận chìm kèm theo việc “tuyên xưng đức tin cứu rỗi” vào Ba Ngôi Thiên Chúa . Việc dìm xuống rồi nhô lên khỏi nước biểu thị việc “chết đi” và “sống lại” với Đức Kitô. Đối với Xi-ri-lô, việc nhắc lại ba lần tuyên xưng đức tin kèm theo ba lần dìm xuống nước giải thích rằng nó biểu thị sự mai táng trong mồ ba ngày của Đức Kitô .Phép rửa là hình ảnh cuộc khổ nạn của Đức Kitô mà chúng ta phải tham dự vào, chúng ta tham dự một cách mầu nhiệm vào sự chết và sự phục sinh của Đức Giêsu Kitô. Người ta nhận định rằng thánh Xi-ri-lô trình bày linh đạo của Thánh Phaolô với một hiện thực còn xa lạ cho đến thời bấy giờ: “Nước cứu rỗi này là ngôi mộ của anh”.
 
 
 
Chúa Thánh Thần là tác giả chính yếu của mối giây liên kết giữa Phép Rửa và Thánh Thể. Người hiện diện trong ba mầu nhiệm : Phép Rửa, xức dầu thánh  (chrismation) và Thánh Thể. Cả ba mầu nhiệm tạo thành một toàn thể và tạo thành sự duy nhất của khai tâm Kitô giáo. Còn về sự nối kết giữa nước Phép Rửa và ân sủng, Thánh Xi-ri-lô đưa ta về với lời khẩn nguyện:
 
 
 
“Anh chớ xem việc tắm nước này như nước thông thường, nhưng như ân huệ thiêng liêng được nước ban cho. Bởi vì (…) nước thông thường, khi nhận được lời cầu khẩn Chúa Thánh Thần và Đức Kitô, thì nhận được sức mạnh tác sinh sự thánh thiện” (Cat. III,4 ).
 
 
 
Việc xức dầu thơm  kết thúc việc rửa tội và theo thánh Xi-ri-lô Giêrusalem, nó là cao điểm của việc rửa tội: “Đức Kitô đã được xức dầu (chrismé) hoan lạc thiêng liêng nghĩa là Thánh Thần. Được gọi là dầu hoan lạc vì Người là Tác giả của sự hoan lạc. Đối với anh, anh đã được xức dầu  (chrismés) thơm, đã trở nên người đồng hành và người tham phần với Đức Kitô” (Cat.myst.III,2).
 
 
 
Dầu (của sự xức dầu) này không còn phải là cái gì thông thường nữa sau lời khẩn nguyện, nhưng đã trở thành hồng ân của ân sủng Đức Kitô, và nhờ sự hiện diện của Chúa Thánh Thần, nó trở thành khí cụ của thần tính Người. “ Từ hương thơm hữu hình này, thân thể được xức dầu (chrismé), nhưng  từ  Thánh Thần hoạt động, linh hồn được thánh hóa” (Cat. Myst. III,3).
 
Kết luận
 
Đối với Thánh Xi-ri-lô, Phép Rửa không chỉ  tha thứ các tội lỗi, giải thoát, tái sinh, nhưng còn là “ hồng ân Thánh Thần” (Cat.myst. II,6). Như vậy, nghi thức Phép Rửa, được nhìn trong yếu tính của nó, như dẫn tới sự hiệp thông. Thánh Thể là sự hoàn thành (couronnement) của khai tâm kitô giáo. Các tín hữu, một khi được tháp nhập vào Thân thể Đức Kitô tức là Giáo Hội trong Phép Rửa và kết hiệp với Người trong Chúa bí tích Thánh Thể, trở thành những “christophoros” ( những người mang Ðức Kytô ).l
 
Lm. Phêrô Trần Ðình, Đà Lạt