GIÁO LÝ VỀ CẦU NGUYỆN CỦA ĐỨC BÊNÊĐICTÔ XVI - BÀI 17: BÀI NGỢI CA VĨ ĐẠI VỀ LUẬT CHÚA, THÁNH VỊNH 119

24/05/2024
1088
Trong buổi Tiếp kiến chung sáng thứ Tư ngày 09.11.2011, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI tiếp tục trình bày loạt bài giáo lý về cầu nguyện với bài thứ 17: Bài ngợi ca vĩ đại về Luật Chúa, Thánh vịnh 119. Theo Đức Thánh Cha, Luật Chúa là đối tượng tình yêu say mê của Vịnh gia và của tất cả mọi tín hữu, là suối nguồn sự sống. Ước mong hiểu biết, tuân giữ và hướng tới Luật Chúa là đặc thái cung cách sống của người công chính và trung thành với Thiên Chúa. Sau đây là toàn văn bài giáo lý của Đức Thánh Cha.
Header

ĐỨC BÊNÊĐICTÔ XVI

TIẾP KIẾN CHUNG

Quảng trường Thánh Phêrô

Thứ Tư, 09 tháng 11 năm 2011

Anh chị em thân mến,

Trong các chương trước, chúng ta đã suy tư về một vài Thánh vịnh, đó là những kiểu mẫu tiêu biểu của lời cầu nguyện: than thở, tín thác và chúc tụng. Trong chương này, tôi muốn dừng lại ở Thánh vịnh 119 (118).

Đây là một Thánh vịnh rất độc đáo, độc nhất vô nhị, vì là Thánh vịnh dài nhất trong số các Thánh vịnh. Thánh vịnh này có 176 câu, được chia thành 22 đoạn, mỗi đoạn gồm 8 câu. Nét đặc trưng của nó là có một “mẫu tự đầu mỗi đoạn”: nghĩa là nó được đánh dấu theo bảng mẫu tự của tiếng Hípri, gồm có 22 mẫu tự. Mỗi đoạn tương ứng với một mẫu tự, mỗi mẫu tự là chữ đầu tiên của đoạn. Hẳn để có được một bố cục của văn chương độc đáo và công phu này, tác giả Thánh vịnh phải vận dụng tất cả tài năng của mình.

Tuy nhiên, điều quan trọng nhất đối với chúng ta là chủ đề trọng tâm của Thánh vịnh này. Quả thật, đây là một bài thánh ca rất trang trọng về Torah (Lề Luật) của Chúa. Hạn từ Torah, hiểu theo nghĩa rộng và đầy đủ nhất như một giáo huấn, một huấn thị, luật sống; Torah là mặc khải, là lời của Thiên Chúa, lời chất vấn con người và mời gọi con người đáp lại trong niềm vâng phục tín thác và quảng đại mến yêu.

Toàn bộ Thánh vịnh này thấm đẫm lòng yêu mến đối với lời Thiên Chúa và cử hành vẻ đẹp, sức mạnh cứu độ, khả năng trao ban niềm vui và sự sống của Lời Chúa. Bởi vì Luật Chúa không phải là gông cùm nô lệ, nhưng là một ơn thánh giúp con người được tự do và dẫn đưa con người đạt tới hạnh phúc. Vì thế, Vịnh gia đã ca lên rằng: “Con vui thú với thánh chỉ Ngài, chẳng quên lời Ngài phán” (Tv 119,16); “Trên đường mệnh lệnh Chúa, xin dẫn con đi, vì con ưa thích đường lối đó” (Tv 119,35); và hơn nữa: “Luật pháp Ngài, lạy Chúa, con yêu chuộng dường bao, suốt ngày cứ suy đi gẫm lại!” (Tv 119,97).

Luật Chúa hay Lời Chúa chính là trọng tâm của đời sống con người cầu nguyện; ông tìm được niềm an ủi trong Lời Chúa, ông gẫm suy và ấp ủ Lời Chúa trong lòng: “Lời Chúa hứa, lòng con ấp ủ, để chẳng bao giờ bội nghĩa bất trung” (Tv 119,11), đó là niềm vui thầm kín của Vịnh gia, và “Nhằm hại con, bọn kiêu căng đặt điều bôi nhọ, nhưng huấn lệnh Ngài ban, con vâng giữ hết lòng” (Tv 119,69).

Lòng trung thành của Vịnh gia đã nảy sinh từ việc lắng nghe, tuân giữ, gẫm suy và yêu mến Lời Chúa, như Đức Maria “hằng ghi nhớ và suy đi nghĩ lại trong lòng” những lời đã được nói với Mẹ và qua các biến cố tuyệt diệu, qua đó Thiên Chúa tự mặc khải bằng cách xin sự đồng ý của Mẹ (x. Lc 2,19.51). Nếu như Thánh vịnh của chúng ta đã mở đầu bằng những lời công bố rằng: “Hạnh phúc thay ai sống đời hoàn thiện, biết noi theo luật pháp Chúa Trời” (Tv 119,1), và: “Hạnh phúc thay kẻ tuân hành ý Chúa” (Tv 119,2a), thì chính Mẹ Maria cũng đã làm cho hình ảnh hoàn hảo của kẻ tin mà Thánh vịnh đã miêu tả. Quả thật, Mẹ thật diễm phúc, như chính bà Êlisabét đã ca ngợi, bởi vì “em đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em” (Lc 1,45), và chính Đức Giêsu đã làm chứng về điều này, khi một người phụ nữ cất tiếng thưa với Người: “Phúc thay người mẹ đã cưu mang và cho Thầy bú mớm!” Và Người đáp lại: “Đúng hơn phải nói rằng: Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa” (Lc 11,27-28). Dĩ nhiên, Mẹ thật diễm phúc vì lòng dạ Mẹ đã cưu mang Đấng Cứu Thế, nhưng trên hết, bởi vì Mẹ lắng nghe lời Thiên Chúa đã được loan báo, Mẹ đã suy gẫm và ấp yêu Ngôi Lời trong chính cung lòng mình.

Vì thế, Thánh vịnh 119 được đan dệt bao quanh Lời ban sự sống và là Lời được chúc phúc. Vì tâm điểm của Thánh vịnh là “Lời” và “Lề Luật”, nên hầu như trong tất cả các đoạn những hạn từ đồng nghĩa được lặp đi lặp lại như “luật pháp”, “mệnh lệnh”, “thánh chỉ”, “huấn lệnh”, “lời hứa”, “các quyết định công minh”, và rất nhiều động từ liên hệ với những hạn từ trên như tuân giữ, ấp ủ, hiểu, nhận biết, yêu mến, suy gẫm, sống. Tất cả các mẫu tự đan quyện vào nhau nhờ 22 đoạn của Thánh vịnh, cũng như tất cả các hạn từ diễn tả mối tương quan mật thiết giữa kẻ tin đối với Thiên Chúa; chúng ta tìm thấy ở trong đó lời ca ngợi, tâm tình tạ ơn, niềm tín thác, cả lời cầu khẩn và kêu than chất chứa đầy xác tín vào ân sủng và quyền năng của Lời Chúa. Ngay cả các câu đượm đầy khổ đau và tăm tối cũng rộng mở cho niềm hy vọng và thấm nhuần đức tin, tác giả đã tin tưởng cầu nguyện như sau: “Tấm thân này bị nhận xuống bùn đen, theo lời Ngài xin cho con được sống” (Tv 119,25); “Dù có như bầu da gác bếp, con cũng chẳng quên huấn lệnh Ngài” (Tv 119,83); “Con sẽ đối đáp với người lăng nhục, vì con tin cậy ở nơi Ngài” (Tv 119,42). Cả trước viễn tượng âu lo của cái chết, tác giả vẫn kiên trì khẳng định rằng Luật Chúa là điểm tham chiếu và niềm hy vọng chiến thắng của ông: “Một chút nữa là chúng diệt con trên đất này, nhưng con chẳng bỏ huấn lệnh Ngài ban” (Tv 119,87).

Luật Chúa là đối tượng tình yêu say mê của Vịnh gia và của tất cả mọi tín hữu, là suối nguồn sự sống. Ước mong hiểu biết, tuân giữ và hướng tới Luật Chúa là đặc thái cung cách sống của người công chính và trung thành với Thiên Chúa. Họ “nhẩm đi nhẩm lại suốt đêm ngày”, như Thánh vịnh 1 đã nói tới (x. Tv 1,1); như lời kinh Shema (Nghe đây) trong sách Đệ Nhị Luật dạy: “Nghe đây, hỡi Israel!... Những lời này tôi truyền cho anh em hôm nay, anh em phải ghi tạc vào lòng. Anh em phải lặp lại những lời ấy cho con cái, phải nói lại cho chúng, lúc ngồi trong nhà cũng như lúc đi đường, khi đi ngủ cũng như khi thức dậy” (Đnl 6, 4.6-7).

Luật Chúa là trọng tâm cuộc sống, đòi hỏi sự lắng nghe của con tim, một sự lắng nghe bao gồm việc vâng lời không phải như một nô lệ nhưng với tình con thảo, tin tưởng và ý thức. Việc lắng nghe Lời Chúa là sự gặp gỡ cá nhân với một vị Thiên Chúa hằng sống, một cuộc gặp gỡ phải được diễn tả bằng các lựa chọn cụ thể và trở thành việc bước theo Chúa. Khi người thanh niên hỏi Đức Giêsu cho biết phải làm gì để được sự sống đời đời, Đức Giêsu đã tỏ cho anh thấy con đường tuân giữ Lề Luật, nhưng cũng cho thấy làm thế nào để đưa nó tới sự toàn vẹn: “Anh chỉ thiếu có một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi” (Mc 10,21). Điều chu toàn Lề Luật chính là bước theo Đức Giêsu, bước đi trên con đường của Đức Giêsu, đồng hành với Người.

Như thế, Thánh vịnh 119 dẫn đưa chúng ta tới chỗ gặp gỡ Thiên Chúa và hướng chúng ta tới Tin Mừng. Đến đây, tôi muốn dừng lại ở câu 57: “Lạy Chúa, con đã nói: phần của con là tuân giữ lời Ngài”. Trong nhiều Thánh vịnh khác, các tín hữu cũng khẳng định Chúa chính là “phần”, là gia nghiệp của mình, như Thánh vịnh 16: “Lạy Chúa, Chúa là phần sản nghiệp con được hưởng, là chén phúc lộc dành cho con” (Tv 16,5); kẻ tin tuyên xưng rằng: “Dẫu cho hồn xác suy tàn, thì nơi ẩn náu, kỷ phần lòng con, muôn đời là Chúa cao tôn (Tv 73,26), hay Thánh vịnh 142: “Lạy Chúa, chính Ngài là nơi con trú ẩn, là phần của riêng con, trong cõi đất dành cho kẻ sống” (Tv 142,6b).

Từ “phần” ghi lại việc phân chia Đất Hứa cho các chi tộc, nhưng chi tộc Lêvi không nhận được phần đất nào cả, vì “phần” của họ là chính Thiên Chúa. Hai bản văn của bộ Ngũ Thư khi đề cập vấn đề này cũng sử dụng hạn từ “phần”. Đó là điều đã được nói đến trong sách Dân Số: “Đức Chúa phán với ông Aharon: “Đất chia cho chúng, ngươi sẽ không có phần; ngươi không có gia nghiệp ở giữa chúng, và chính Ta là gia nghiệp của ngươi giữa con cái Israel” (Ds 18,20), và sách Đệ Nhị Luật tái khẳng định: “Vì thế, chi tộc Lêvi không được chung phần và hưởng gia nghiệp với anh em mình; chính Đức Chúa là gia nghiệp của họ, như Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, đã phán với họ” (Đnl 10, 9, x. Đnl 18,2; Gs 13,33; Ed 44,28).

Các tư tế, thuộc chi tộc Lêvi, không thể sở hữu phần đất hứa mà Thiên Chúa đã ban cho dân Người làm gia nghiệp để hoàn tất lời hứa với Ápraham (x. St 12,1-7). Việc sở hữu đất, một yếu tố quan trọng để được an cư lạc nghiệp, như một dấu chỉ của phúc lành, bởi vì nhờ có đất mới có thể xây dựng nhà cửa, sinh con cái, trồng trọt và thu hoạch hoa màu ruộng đất.

Nhưng các thầy Lêvi là những trung gian (mediators) của việc được thánh hiến và phúc lành của Thiên Chúa, không thể có của cải như những người Israel khác. Đây là dấu chỉ bề ngoài của phúc lành và suối nguồn sự tồn tại. Là những người đã tận hiến hoàn toàn cho Chúa, họ phải sống vì Người mà thôi, tín thác cho tình yêu quan phòng của Chúa và lòng quảng đại của các anh chị em mình, mà không có gia nghiệp, bởi vì Thiên Chúa chính là phần gia nghiệp của họ, nơi đó họ được sống sung mãn.

Con người cầu nguyện của Thánh vịnh 119 áp dụng thực sự nơi chính bản thân ông: “Chúa là phần của riêng con”. Tình yêu ông dành cho Thiên Chúa và cho Lời Chúa thúc đẩy ông thực hiện một quyết định sâu sắc, chọn Chúa như điều thiện hảo duy nhất, và ngay cả việc tuân giữ Lời Chúa cũng là một hồng ân quý giá hơn bất cứ mọi sản nghiệp nào khác. Quả thật, câu: “Lạy Chúa, con đã nói: phần của con là tuân giữ lời Ngài”, có thể có hai cách dịch, nhưng cách dịch như trên rõ nét hơn. Hai cách dịch không hề mâu thuẫn nhau, nhưng đúng hơn, chúng bổ túc cho nhau: tác giả Thánh vịnh khẳng định phần của ông là Chúa, nhưng ngay cả việc tuân giữ Lời Chúa cũng là gia nghiệp của mình, như ông sẽ nói ở câu 111: “Thánh ý Ngài là gia nghiệp con mãi mãi, vì đó là hoan lạc của lòng con”. Niềm vui của Vịnh gia, cũng như của con cái Lêvi chính là Lời Chúa, như phần gia nghiệp đời mình.

Anh chị em thân mến, những câu Thánh vịnh trên đây thật quan trọng đối với tất cả chúng ta. Trước hết, đối với các tư tế, những kẻ được gọi để chỉ sống cho một mình Thiên Chúa và cho Lời Chúa mà thôi, không có một điểm tựa vững chắc nào khác ngoài một mình Chúa, có Chúa như điều thiện hảo duy nhất và là nguồn sống đích thực duy nhất. Trong ánh sáng này, chúng ta tái khám phá vẻ đẹp và sức mạnh của việc chọn lựa sống độc thân vì Nước Trời.

Những câu Thánh vịnh trên đây cũng thật quan trọng đối với tất cả anh chị em tín hữu, là Dân Thiên Chúa, thuộc trọn về Chúa, là “vương quốc tư tế” của Chúa (x. 1Pr 2, 9; Kh 1, 6; 5,10), được mời gọi để sống triệt để theo Tin Mừng, trở thành những chứng nhân cho cuộc sống, được chính Đức Kitô hướng dẫn, một “Vị Thượng Tế Tối Cao” hoàn hảo và mới mẻ, Đấng đã tự hiến chính mình làm hy lễ cứu độ trần gian (x. Dt 2, 17; 4, 14-16; 5,5-10; 9,11tt). Chúa và Lời Chúa: đó là “đất hứa” của chúng ta, để chúng ta sống trong tình hiệp thông và niềm vui.

Vì thế, chúng ta hãy để cho Chúa ngự trong tâm hồn chúng ta, và dành tình yêu cho Lời Chúa, chúng ta hãy dành cho Chúa và thánh ý Người một vị trí trung tâm trong đời sống chúng ta. Nhờ đó, lời cầu nguyện của chúng ta, và tất cả cuộc sống của chúng ta được Lời Chúa soi dẫn, như Thánh vịnh 119 rằng: “Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi” (Tv 119,105), để chúng ta có thể an toàn vững bước trong đất của nhân sinh. Và nguyện xin Mẹ Maria, Đấng đã quảng đại đón nhận Ngôi Lời, cũng sẽ hướng dẫn và khích lệ chúng ta, Mẹ chính là Sao Bắc Đẩu chỉ đường giúp ta tiến tới hạnh phúc.

Vì thế chúng ta cũng sẽ có thể vui mừng trong việc cầu nguyện, như con người cầu nguyện trong Thánh vịnh 16, trước những ân huệ đầy bất ngờ của Chúa, và một gia nghiệp cao quý dành cho ta: “Lạy Chúa, Chúa là phần sản nghiệp con được hưởng, là chén phúc lộc dành cho con;… Phần tuyệt hảo may mắn đã về con, vâng, gia nghiệp ấy làm con thỏa mãn” (Tv 16,5-6).
 

Trích từ Bản dịch của Giuse Phan Văn Phi, O.Cist.
Tác phẩm "Cầu nguyện" của Đức Bênêđictô XVI
Nguồn: hdgmvietnam.com