GIÁO LÝ VỀ CẦU NGUYỆN CỦA ĐỨC BÊNÊĐICTÔ XVI - BÀI 15: THÁNH VỊNH 126

20/05/2024
1118
Header

GIÁO LÝ VỀ CẦU NGUYỆN CỦA ĐỨC BÊNÊĐICTÔ XVI - BÀI 15: THÁNH VỊNH 126


WHĐ (20.05.2024) – Trong buổi Tiếp kiến chung sáng thứ Tư ngày 12.10.2011, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI tiếp tục trình bày loạt bài giáo lý về cầu nguyện với bài thứ 15: Thánh Vịnh 126. Theo Đức Thánh Cha, chúng ta nên chú tâm nhiều hơn vào những điều tốt lành Chúa đã thương ban cho ta. Chúng ta thường chỉ chú ý tới những vấn đề và những khó khăn, mà hầu như không nhận ra rằng có những điều tốt đẹp xuất phát từ Thiên Chúa. Sau đây là toàn văn bài giáo lý của Đức Thánh Cha.

ĐỨC THÁNH CHA BÊNÊĐICTÔ XVI

TIẾP KIẾN CHUNG

Quảng trường Thánh Phêrô

Thứ Tư, 12 tháng 10 năm 2011

Anh chị em thân mến,

Để tiếp tục các chương về lời cầu nguyện Kitô giáo, giờ đây chúng ta cùng suy niệm về Thánh vịnh 126. Thánh vịnh này chính là một lời cầu nguyện đầy hân hoan vui mừng về sự tín trung của Thiên Chúa đối với những lời hứa của Người trong việc đưa dân Israel trở về từ sau cuộc lưu đày tại Babylon: “Việc Chúa làm cho ta, ôi vĩ đại! Ta thấy mình chan chứa một niềm vui” (Tv 126,3). Một tinh thần vui mừng và tạ ơn tương tự sẽ đánh dấu lời cầu nguyện của chính chúng ta khi ta nhớ lại ơn quan phòng chăm sóc mà Thiên Chúa đã cho chúng ta thấy được qua những biến cố của cuộc sống chúng ta, ngay cả những điều có vẻ đầy đen tối và đắng cay. Vịnh gia đã cầu xin Thiên Chúa tiếp tục ban cho dân Israel ơn trợ giúp của Người: “Ai nghẹn ngào ra đi gieo giống, mùa gặt mai sau khấp khởi mừng” (Tv 126,5). Hình ảnh về hạt giống này âm thầm phát triển cho đến mùa gặt, nhắc nhở chúng ta rằng, ơn cứu độ của Thiên Chúa ngay tức khắc, chính là một món quà được trao ban, và chính là đối tượng của niềm hy vọng cho chúng ta, một lời hứa mà sự thành toàn của nó vẫn còn ở trong tương lai. Chính Đức Giêsu cũng sử dụng hình ảnh tương tự này để diễn tả bản văn nói về việc đi từ sự chết tới sự sống, từ bóng tối tới ánh sáng, cũng phải diễn ra nơi cuộc sống của tất cả những ai đặt trọn niềm tin tưởng nơi Người, và chia sẻ mầu nhiệm vượt qua của Người (x. Ga 12,24). Khi chúng ta cầu nguyện bằng Thánh vịnh này, chúng ta có thể lặp lại bài thánh thi Magnificat của Đức Trinh Nữ Maria, bằng cách hớn hở vui mừng, vì Đấng Toàn Năng đã làm cho ta biết bao điều cao cả (x. Lc 1, 49), và chờ đợi với niềm hy vọng rằng, lời Chúa hứa sẽ trở thành hiện thực.

Những chương trước đã đề cập tới các Thánh vịnh thở than và tín thác, giờ đây tôi muốn suy niệm về Thánh vịnh 126, một Thánh vịnh hân hoan ca tụng những kỳ công của Thiên Chúa, tán dương những điều trọng đại mà Chúa đã thực hiện cùng với dân Người, và còn tiếp tục làm cùng với mọi tín hữu thay mặt cho tất cả dân Israel, tác giả Thánh vịnh đã mở đầu lời cầu nguyện của mình bằng cách nhắc lại những kinh nghiệm cảm động về ơn cứu độ như sau: “Khi Chúa dẫn tù nhân Sion trở về, ta tưởng mình như giữa giấc mơ. Vang vang ngoài miệng câu cười nói, rộn rã trên môi khúc nhạc mừng” (Tv 126,1-2a).

Thánh vịnh nói về việc “đổi vận mệnh”, nghĩa là Israel được khôi phục lại, được trở về tình trạng nguyên thủy ban đầu, trong tất cả sự tốt đẹp xưa kia của nó. Như thế, Thánh vịnh muốn nói tới tình trạng khổ đau và khốn quẫn được Thiên Chúa đáp ứng bằng cách đem lại ơn cứu độ và phục hồi con người cầu nguyện trở về tình trạng tốt đẹp ban đầu của họ; Quả thật, con người cầu nguyện được phong phú hóa và được đổi thay để trở nên tốt hơn. Đó cũng là điều đã xảy ra đối với ông Gióp, khi Thiên Chúa phục hồi cho ông tất cả những gì ông đã bị mất, ban cho ông nhiều gấp đôi và còn ban cho ông một phúc lành lớn hơn trước nữa (x. G 42,10-13), và đó cũng là điều dân Isael cảm nhận được khi trở về quê hương sau cuộc lưu đày tại Babylon.

Thánh vịnh này cần được giải thích bằng cách nghĩ tới việc kết thúc cảnh bị lưu đày nơi đất khách quê người: thành ngữ “đổi vận mệnh Sion” vốn được đọc và hiểu theo truyền thống là “dẫn tù nhân của Sion trở về”. Quả thật, từ cuộc lưu đày trở về, đó chính là mô hình của mọi can thiệp cứu độ thần linh, vì sự sụp đổ của Giêrusalem và cuộc lưu đày sang Babylon là một kinh nghiệm đau thương cho Dân Được Tuyển Chọn, không những về phương diện chính trị và xã hội, mà còn đặc biệt về phương diện tôn giáo và tâm linh nữa. Việc đánh mất lãnh thổ, việc chấm dứt nền quân chủ của nhà Đavít, và việc Đền thờ bị phá huỷ được coi như một sự phủ nhận những lời hứa của Thiên Chúa, và Dân của Giao Ước, bị phân tán vào giữa các dân ngoại, sự đớn đau chất vấn về một Thiên Chúa dường như đã bỏ rơi họ.

Vì thế, việc chấm dứt cuộc lưu đày và hồi hương của họ được cảm nghiệm như một cuộc trở về của đức tin kỳ diệu, của niềm tín thác, của sự hiệp thông với Chúa; nó là một cuộc “phục hồi vận mệnh”, cũng bao gồm cả việc hoán cải của con tim, ơn tha thứ, tìm lại tình bằng hữu đối với Thiên Chúa, nhận ra lòng Chúa xót thương và một sự canh tân khả năng ngợi khen Chúa (x. Gr 29,12-14; 30,18-20; 33,6-11; Ed 39,25-29). Đó là một cảm nghiệm tràn đầy niềm vui, tiếng cười, và những lời ca hân hoan, tuyệt vời đến độ “tưởng mình như giữa giấc mơ”. Ơn phù trợ của Chúa thường mang tính bất ngờ gây ngạc nhiên diệu kỳ, vượt quá mọi điều loài người có thể ước mong; do đó, Vịnh gia đã nói lên sự thán phục và niềm hân hoan rằng: “Việc Chúa làm cho họ, vĩ đại thay!”. Đó là điều mà các dân ngoại đã nói tới, và đó cũng chính là điều dân Israel đã tuyên xưng: “Bấy giờ trong dân ngoại, người ta bàn tán: ‘Việc Chúa làm cho họ, vĩ đại thay!’ Việc Chúa làm cho ta, ôi vĩ đại! Ta thấy mình chan chứa một niềm vui” (Tv 126,2b-3). 

Thiên Chúa đã thực hiện những kỳ công trong lịch sử nhân loại. Trong việc thực hiện ơn cứu độ, Người tự tỏ mình ra như thể một vị Đức Chúa đầy uy năng và nhân từ, bởi Chúa là thành che chở những người bị áp bức, và tiếng những người nghèo khổ, Chúa chẳng quên bao giờ (x. Tv 9,10.13), Chúa yêu thích điều công minh chính trực, tình thương Chúa chan hòa mặt đất (x. Tv 33,5). Như thế, đứng trước ơn giải thoát của dân Israel, mọi dân tộc đều nhìn nhận những kỳ công vĩ đại mà Thiên Chúa đã thực hiện cho Dân Người, và họ mừng Chúa trong thực tại của Người như thể Đấng Cứu Thế. 

Về phần dân Israel, họ vang vọng lại lời tuyên xưng của các dân tộc, tiếp nhận và lặp lại lời tuyên xưng ấy một lần nữa, lần này, như những người chủ đạo, những người trực tiếp được đón nhận hành động thần linh: “Việc Chúa làm cho ta, ôi vĩ đại!”; cụm từ “cho ta” hay đúng hơn là “với ta”, vì trong tiếng Hípri, người ta dùng từ “immanû”, để khẳng định mối liên hệ đặc biệt mà Thiên Chúa vốn dành cho những kẻ Người chọn, mối liên hệ tìm thấy nơi danh hiệu Emmanuel, “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”, một danh hiệu sẽ được đặt cho Đức Giêsu, mặc khải trọn vẹn và đầy đủ phẩm tính của Người (x. Mt 1,23). 

Anh chị em thân mến, khi cầu nguyện, ta nên chú tâm nhiều hơn vào việc Thiên Chúa đã che chở, đã hướng dẫn và phù trợ ta như thế nào giữa mọi biến cố của đời ta, và nên ngợi khen Người về những điều Người đã làm và còn đang làm cho ta. Chúng ta nên chú tâm nhiều hơn vào những điều tốt lành Chúa đã thương ban cho ta. Chúng ta thường chỉ chú ý tới những vấn đề và những khó khăn, mà hầu như không nhận ra rằng có những điều tốt đẹp xuất phát từ Thiên Chúa. Việc nhận ra này rất quan trọng đối với ta, vì nó chính là lòng biết ơn; nó làm ta nhớ tới điều thiện và giúp ta rất nhiều lúc gặp gian nguy. Thiên Chúa đang thực hiện những điều cao trọng, và bất cứ ai cảm nghiệm được điều đó, nghĩa là biết chú ý tới sự tốt lành của Thiên Chúa bằng một sự chú tâm, sẽ được tràn ngập niềm vui. Khổ thơ thứ nhất của Thánh vịnh đã kết thúc với niềm vui ấy. Được cứu độ và được hồi hương sau cuộc lưu đày cũng tựa như một cuộc hồi sinh: tự do mở cửa cho tiếng cười, nhưng nó chỉ làm được thế khi biết chờ mong một thành toàn còn đang được mơ ước và khấn xin. Khổ thơ thứ hai của Thánh vịnh tiếp tục như sau: “Lạy Chúa, xin dẫn tù nhân chúng con về, như mưa dẫn nước về suối cạn miền Nam. Ai nghẹn ngào ra đi gieo giống, mùa gặt mai sau khấp khởi mừng. Họ ra đi, đi mà nức nở, mang hạt giống vãi gieo; lúc trở về, về reo hớn hở, vai nặng gánh lúa vàng” (Tv 126,4-6). 

Nếu như ở khổ thơ thứ nhất đã cầu nguyện, tác giả Thánh vịnh đã ca tụng niềm vui được Thiên Chúa đổi vận mệnh, thì giờ đây ông lại cầu xin điều ấy như một việc chưa được hiện thực. Nếu ta áp dụng Thánh vịnh này vào việc hồi hương sau cuộc lưu đày, thì sự mâu thuẫn này cần phải được giải thích như một kinh nghiệm lịch sử của Israel đối với cuộc hồi hương đầy khó khăn và chỉ một phần, một cuộc trở về khiến người cầu nguyện khẩn nài Thiên Chúa phù trợ, đem lại sự khôi phục của Dân đến chỗ thành toàn.

Nhưng Thánh vịnh này còn vượt trên những phương diện thuần túy lịch sử mở ra những phương diện lớn hơn, đó là phương diện thần học. Dù sao, kinh nghiệm đầy an ủi được giải thoát khỏi Babylon cũng vẫn chưa trọn vẹn, nó “đã” xảy ra rồi, nhưng “vẫn chưa” đạt tới sự viên mãn. Như thế, dù lời cầu nguyện hân hoan cử hành ơn cứu độ đã nhận được, nhưng nó còn hy vọng chờ mong ơn cứu độ được thực hiện trọn vẹn hơn nữa. Vì thế, Thánh vịnh sử dụng nhiều hình ảnh đặc biệt và phức tạp, giúp ta ý thức được thực tại đầy huyền nhiệm của ơn cứu chuộc, một thực tại trong đó, hồng ân nhận được kia vẫn còn phải được chờ mong, sự sống và sự chết, niềm vui mơ ước và nước mắt đau thương, luôn được đan xen với nhau. 

Hình ảnh đầu tiên được đề cập tới những dòng suối cạn Miền Nam, vùng sa mạc Negeb, nhưng rồi khi mưa đã đổ tràn nước xuống hồi sinh đất khô cằn lại làm cho sa mạc nở hoa. Như thế, lời cầu nguyện của Vịnh gia là xin cho vận mệnh Dân Chúa được đổi thay, và việc họ trở về quê hương từ sau cuộc lưu đày sẽ như thể những thác nước tuôn đổ ào ạt và không ngừng, có khả năng biến sa mạc thành những cánh đồng bao la đầy cỏ xanh và nở hoa tươi thắm.

Hình ảnh thứ hai được chuyển từ những ngọn đồi khô cằn sỏi đá của vùng Negeb đến những cánh đồng mà người nông phu canh tác để nó cung cấp lương thực. Ở đây, để diễn tả ơn cứu độ, kinh nghiệm đổi mới hàng năm trong thế giới nông nghiệp đã được sử dụng: thời gian khó khăn và mệt nhọc khi gieo hạt giống, tiếp theo mới là niềm vui trào dâng của mùa gặt hái. Gieo trong nước mắt, vì đã ném xuống đất điều còn phải đợi chờ mới thành cơm bánh, phải để mặc nó cho một thời gian đợi chờ đầy bất trắc: người nông phu làm lụng, chuẩn bị đất đai, gieo vãi hạt giống, nhưng như dụ ngôn “Người gieo giống” từng cho thấy, người ta không biết chắc hạt giống ấy sẽ rơi vào đâu, liệu chim trời có ăn mất không, nó có đâm rễ được không, nó có trở thành bông lúa trĩu hạt hay không (x. Mt 13,3-9; Mc 4,2-9; Lc 8,4-8).  

Gieo hạt giống là một hành động tín thác và hy vọng; sự cần cù chăm chỉ của con người là điều cần phải có, nhưng sau đó, họ buộc phải bước vào thời gian bất lực của chờ đợi, vì biết rõ rằng nhiều nhân tố có tính quyết định sẽ xác định sự thành công của mùa gặt, và nguy cơ thất bại cũng luôn rình rập. Tuy nhiên, từ năm này qua năm khác, người nông phu vẫn lặp đi lặp lại cử chỉ của mình, và tiếp tục gieo giống. Và khi hạt giống đó đã trở thành bông lúa, đồng lúa vàng bội thu, đây cũng là niềm vui của người được chứng kiến một điều kỳ diệu phi thường. 

Đức Giêsu hiểu rõ kinh nghiệm này, và Người nói tới điều đó bằng chính lời quen thuộc của mình như sau: “Chuyện Nước Thiên Chúa thì cũng tựa như chuyện một người vãi hạt giống xuống đất. Đêm hay ngày, người ấy có ngủ hay thức, thì hạt giống vẫn nẩy mầm và mọc lên, bằng cách nào, thì người ấy không biết” (Mc 4,26-27). Cuộc đời luôn có những huyền nhiệm được ẩn giấu, ơn cứu độ có rất nhiều những “điều cao cả” đầy kỳ diệu được Chúa thực hiện trong lịch sử con người mà con người không hiểu hết các huyền nhiệm của nó.

Khi ơn phù trợ của Chúa được tỏ hiện trong cái viên mãn tròn đầy của nó, nó có một chiều kích trào dâng, như suối cạn Miền Nam và như đồng lúa chín vàng. Hình ảnh sau còn gợi cho ta một đặc điểm về tính bất cân xứng trong các sự việc của Chúa: sự bất cân xứng giữa việc “nghẹn ngào ra đi gieo giống” và “mùa gặt mai sau khấp khởi mừng”; giữa việc khắc khoải “ra đi, đi mà nức nở, mang hạt giống vãi gieo” và sự phấn khích của “lúc trở về, về reo hớn hở, vai nặng gánh lúa vàng”; giữa những hạt giống nhỏ bé gieo xuống đất và những gánh lúa vàng óng ánh dưới nắng mặt trời. Tới mùa gặt, tất cả mọi sự đều được biến đổi; tiếng khóc sẽ biến đi, nhường chỗ cho tiếng reo mừng hân hoan. 

Đó là điều tác giả Thánh vịnh muốn nói khi ông đề cập tới ơn cứu độ, đến việc giải thoát, đến việc phục hồi vận mệnh và trở về quê hương sau cuộc lưu đày. Quả thật, Thánh vịnh cho hay, cũng giống như bất cứ tình trạng đau khổ, khủng hoảng nào khác, với bóng tối đớn đau của hoài nghi và Thiên Chúa xem như vắng mặt, cảnh lưu đày qua Babylon cũng giống như việc gieo giống. Trong ánh sáng của Tân Ước, trong Mầu Nhiệm Đức Kitô, sứ điệp trên còn trở nên rõ ràng và minh nhiên hơn nữa: tín hữu nào bước qua bóng tối cũng giống như hạt lúa rơi xuống đất và chết đi, nhưng rồi họ sẽ trổ sinh hoa trái (x. Ga 12,24); hay nói theo một hình ảnh khác rất thân thương với Chúa Giêsu, người tín hữu cũng giống như người đàn bà lo buồn khi sinh con, phải đau như thế mới được chan chứa niềm vui vì đã đem lại một sinh linh mới vào trong ánh sáng (x. Ga 16,21).

Anh chị em thân mến, Thánh vịnh này dạy ta rằng, trong khi cầu nguyện, ta phải luôn mở lòng mình ra cho hy vọng, và vững tin vào Thiên Chúa. Lịch sử cá nhân của chúng ta, dù còn đầy dẫy những khổ đau, bất trắc và những phút giây khủng hoảng, vẫn là một lịch sử của cứu độ và của “phục hồi vận mệnh”. Chính trong Đức Giêsu, mọi cuộc lưu đày của ta rồi sẽ chấm dứt, mọi nước mắt của ta rồi sẽ được lau khô trong mầu nhiệm Thập giá của Người, sự chết biến thành sự sống, như hạt lúa gieo vào lòng đất sẽ trổ sinh một mùa gặt mới. Đối với chúng ta, việc khám phá ra Đức Giêsu Kitô này cũng là niềm vui lớn lao được Thiên Chúa nói “có” để phục hồi vận mệnh của chúng ta. Tuy nhiên, cũng giống như những người sau khi lưu đày từ Babylon hân hoan trở về, đã chứng kiến mảnh đất khô cằn, tan hoang cũng như những khó khăn của việc gieo giống, của sự khóc than, không biết chắc rằng liệu có được mùa gặt hay không, chúng ta cũng thế, sau khám phá vĩ đại về Đức Giêsu Kitô, Đấng là đường, là sự thật, và là sự sống của chúng ta, được bước vào lãnh địa đức tin, vào “mảnh đất đức tin”, ta cũng thường thấy rằng, cuộc đời đầy tăm tối, nhọc nhằn, khó khăn, như thể gieo trong nước mắt, nhưng ta tin chắc rằng cuối cùng ánh sáng của Đức Kitô thực sự sẽ đem lại cho ta một mùa gặt bội thu. 

Và chúng ta cần phải học điều đó ngay trong những lúc đen tối nhất; đừng quên rằng ánh sáng đang ở kia, rằng Thiên Chúa đã đang hiện diện trong đời ta, và chúng ta có thể tung gieo với niềm tín thác vào sự đáp trả bằng từ “có” của Thiên Chúa còn mạnh hơn chúng ta rất nhiều. Điều quan trọng là đừng quên rằng Thiên Chúa đang hiện diện trong cuộc đời chúng ta, đừng đánh mất niềm vui thẳm sâu này là Thiên Chúa đã bước vào đời ta, và qua đó đã giải thoát ta: Đó chính là lòng biết ơn vì đã khám phá ra Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã đến ở giữa chúng ta. Và lòng biết ơn này sẽ biến thành niềm hy vọng; đó chính là ngôi sao hy vọng sẽ đem lại cho ta niềm tín thác; đó là ánh sáng, vì nỗi đau của việc gieo giống chính là khởi điểm của sự sống mới, của niềm vui lớn lao và trọn vẹn nơi Thiên Chúa.

Trích từ: Tác phẩm "Cầu nguyện" của Đức Bênêđictô XVI