BAN GIÁO LÝ ĐỨC TIN: CHƯƠNG TRÌNH GIÁO LÝ MÙA CHAY NĂM 2024

05/02/2024
14864
 
 

LỜI NGỎ

 

Kính thưa Anh Chị Em,

Ngày 22.9.2023, kết thúc Hội nghị thường niên kỳ II năm 2023 tại Trung tâm Mục vụ Tổng Giáo phận Sài Gòn, Hội đồng Giám mục Việt Nam (HĐGMVN) đã gửi “Thư Mục Vụ” (TMV) cho toàn thể Dân Chúa tại Việt Nam, để đề ra chương trình mục vụ cho năm 2024.  

Trước tiên, các Giám mục nhắc lại quyết định trong Thư Chung nhân dịp Đại hội Hội đồng Giám mục năm 2022, đã đề nghị lộ trình mục vụ cho ba năm liên tiếp: 

– Năm 2023, chủ đề : Củng cố sự hiệp thông;

– Năm 2024, chủ đề : Thúc đẩy sự tham gia đời sống Giáo hội;

– Năm 2025, chủ đề: Cùng loan báo Tin Mừng.

Nhìn lại Năm mục vụ 2023, Hội Đồng Giám mục Việt Nam “ghi nhận sự hưởng ứng nhiệt tình của mọi thành phần Dân Chúa để củng cố sự hiệp thông với Chúa, thể hiện qua việc học hỏi Lời Chúa và những chấn chỉnh kỷ luật Phụng vụ, nhất là Phụng vụ Thánh Thể; và củng cố tình hiệp thông huynh đệ, thể hiện qua đời sống hiệp nhất cộng đoàn và qua những hoạt động bác ái thiết thực” (TMV. HĐGMVN, 2023).

Từ những nhận định đầy tích cực đó, các Giám mục đề nghị mọi thành phần Dân Chúa tiếp tục sống tình hiệp thông, đồng thời mời gọi anh chị em thực hiện chương trình đề ra cho năm 2024, là “Thúc đẩy sự tham gia đời sống Giáo hội”.

Dựa vào hướng dẫn của HĐGMVN, Ban Giáo lý Giáo phận đã biên soạn tập tài liệu nhỏ Giáo lý Mùa Chay 2024 với ba nội dung chính:

1. Học hỏi Thư Mục Vụ của HĐGMVN 2023 về “Thúc đẩy sự tham gia đời sống Giáo hội” (Câu 01 - 04). Học hỏi về Phụng vụ và Tham gia phụng vụ trong đời sống Giáo Hội (Câu 05 - 36).

2. Học hỏi Kinh Thánh về những đoạn liên quan đến tinh thần quảng đại, hy sinh, dấn thân phục vụ trong đời sống Giáo hội theo mẫu gương Đức Giêsu.

3. Học hỏi những Kinh nguyện ngày Chúa nhật và Kinh tối sáng ngày thường.

Kính chúc Anh Chị Em một mùa Chay thánh thiện, tràn đầy ân sủng và niềm vui.

 

Thanh Hóa, ngày 30/01/2024

 

TM. BAN GIÁO LÝ

 

Lm. Tôma BÙI HUY CƯỜNG

 

I. GIÁO LÝ

 

“Tham gia là một trong ba yếu tố căn bản của Giáo hội hiệp hành. Ở đó, mọi người đều bình đẳng, cộng tác tùy theo ơn gọi của mình và phục vụ lẫn nhau qua các ân huệ đã lãnh nhận từ Chúa Thánh Thần. Việc tham gia xây dựng Giáo hội là sứ mạng tự bản chất của người Kitô hữu. Qua Bí tích Thanh tẩy, chúng ta cùng chung một phẩm giá là con Thiên Chúa, thành viên của gia đình Giáo hội, anh chị em trong Đức Kitô, cùng tham dự vào chức năng tư tế, ngôn sứ và vương đế của Người.”

(Thư Mục Vụ, HĐGMVN, 2023).

 

01.

H.

 T.

Hội đồng Giám mục Việt Nam đã chọn Chủ đề mục vụ cho năm 2024 là gì ?

Đó là: Thúc đẩy sự tham gia đời sống Giáo hội.

02.

H.

 T.

Nền tảng của sự tham gia đời sống Giáo hội là gì?

Việc tham gia xây dựng Giáo hội là sứ mạng tự bản chất của người Kitô hữu, dựa trên nền tảng là Bí tích Thánh tẩy.

03.

H.

 T.

Việc thúc đẩy sự tham gia đời sống Giáo hội có tầm quan trọng thế nào?

Một là thể hiện tinh thần đồng trách nhiệm và hiệp thông sâu xa với Giáo hội hoàn vũ. Hai là đáp ứng nhu cầu cấp thiết của Giáo hội tại Việt Nam.

04.

H.

 T.

Hội đồng Giám mục Việt Nam mời gọi anh chị em giáo dân tham gia xây dựng Giáo hội như thế nào?

Tất cả anh chị em Giáo dân, hãy nhiệt thành tham gia và cộng tác chặt chẽ với các linh mục, để xây dựng Giáo hội, và thực thi sứ mạng làm chứng cho Chúa giữa đời.

05.

H.

T.

Phụng vụ là gì?

Phụng vụ là việc Hội Thánh chính thức cử hành mầu nhiệm Đức Kitô, để thờ phượng Thiên Chúa và thánh hóa con người.

06.

H.

 T.

Phụng vụ có vị trí nào trong Hội Thánh?

Phụng vụ là chóp đỉnh và là nguồn mạch các hoạt động của Hội Thánh, qua đó Đức Kitô tiếp tục công trình cứu độ của Ngài.

07.

 

08.

H.

 T.

 H.

 T.

Phụng vụ là công trình của ai?

Phụng vụ là công trình của Thiên Chúa Ba Ngôi.

Ai hành động trong phụng vụ?

Chính “Đức Kitô toàn thể”, nghĩa là Đức Kitô cùng với Thân Thể của Ngài là Hội Thánh trên trời và Hội Thánh ở trần gian hành động trong phụng vụ.

09.

H.

 T.

Hội Thánh trên trời cử hành phụng vụ gồm những ai?

Hội Thánh trên trời cử hành phụng vụ gồm các thiên thần, các thánh, đặc biệt là Đức Maria Mẹ Thiên Chúa.

10.

 

11.

H.

 T.

 H.

 T.

Hội Thánh trần gian cử hành phụng vụ thế nào?

Hội Thánh trần gian cử hành phụng vụ với tư cách là dân tư tế, nhưng mỗi người hoạt động theo phận vụ riêng, trong sự hợp nhất của Chúa Thánh Thần.

Làm thế nào để gặp gỡ Chúa Kitô trong phụng vụ?

Chúng ta có thể gặp gỡ Chúa Kitô trong phụng vụ qua năm hình thức hiện diện của Người: Một là trong thừa tác viên chức thánh; Hai là trong các bí tích; Ba là trong Lời Chúa; Bốn là trong hình Bánh và Rượu; Năm là trong cộng đoàn họp nhau cầu nguyện.

12.

H.

 T.

Phụng vụ chính thức của Hội Thánh gồm những lĩnh vực nào ?

Phụng vụ của Hội Thánh gồm các lĩnh vực: Hy tế Thánh lễ, các bí tích, các á bí tích và các Giờ kinh Phụng vụ.

13.

H.

 T.

Cử hành phụng vụ gồm những yếu tố nào?

Cử hành phụng vụ gồm hai yếu tố này:

- Một là các dấu chỉ và biểu tượng, để diễn tả và thực hiện hành động cứu độ của Đức Kitô;

- Hai là lời nói và hành động, nhờ đó con người gặp gỡ và đối thoại với Thiên Chúa.

14.

H.

 T.

Ngày Chúa Nhật quan trọng thế nào trong Năm Phụng vụ?

Ngày Chúa Nhật rất quan trọng vì là “Ngày của Chúa”, ngày Chúa Phục sinh. Vì thế, ngày Chúa Nhật là nền tảng và trung tâm của cả Năm Phụng vụ.

15.

H.

T.

Năm Phụng vụ là gì?

Năm Phụng vụ là thời gian Hội Thánh cử hành các mầu nhiệm Đức Kitô, để giúp chúng ta sống những mầu nhiệm ấy, hầu chuẩn bị đón Ngài lại đến trong vinh quang.

16.

 

 17.

H.

 T.

 H.

T.

Năm Phụng vụ được tổ chức thế nào?

Năm Phụng vụ được tổ chức thành các mùa là mùa Vọng, mùa Giáng sinh, mùa Chay, mùa Phục sinh và mùa Thường niên.

Hội Thánh có cần nơi chốn để cử hành phụng vụ không?

Hội Thánh không cần nơi chốn để cử hành phụng vụ, vì Đức Kitô là Đền thờ đích thực của Thiên Chúa, nhờ đó các tín hữu cũng trở thành đền thờ của Thiên Chúa hằng sống, nhưng trong hoàn cảnh trần thế, Hội Thánh cần có nơi quy tụ để cử hành phụng vụ.

18.

H.

T.

Bí tích là gì?

Bí tích là dấu chỉ bên ngoài Chúa Giêsu đã lập và truyền lại cho Hội Thánh cử hành, để diễn tả và thông ban cho chúng ta ân sủng bên trong là sự sống thần linh.

19.

H.

T.

Có mấy bí tích?

Có 7 bí tích:

- Một là Bí tích Rửa Tội;

- Hai là Bí tích Thêm Sức;

- Ba là Bí tích Thánh Thể;

- Bốn là Bí tích Thống Hối;

- Năm là Bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân;

- Sáu là Bí tích Truyền Chức Thánh;

- Bảy là Bí tích Hôn Phối.

20.

H.

 T.

Các bí tích liên hệ với Đức Kitô thế nào?

Các bí tích đều bắt nguồn từ các mầu nhiệm trong cuộc đời của Đức Kitô.

21.

H.

 T.

Các bí tích liên hệ với Hội Thánh thế nào?

Các bí tích đều là của Hội Thánh theo hai nghĩa:

- Một là do Hội Thánh, vì là hoạt động của Hội Thánh;

- Hai là cho Hội Thánh, vì các bí tích xây dựng Hội Thánh.

22.

H.

T.

Ấn tín bí tích là gì?

Ấn tín bí tích là dấu ấn thiêng liêng, Thiên Chúa in vào lòng những người lãnh Bí tích Rửa Tội, Thêm Sức, Truyền Chức Thánh, như lời hứa và bảo đảm cho sự che chở của Ngài. Vì ấn tín không thể xóa được, nên các bí tích này chỉ được lãnh một lần mà thôi.

23.

H.

 T.

Ai ban ân sủng trong các bí tích?

Chính Đức Kitô hoạt động và thông ban ân sủng trong các bí tích, nhưng ân sủng này có mang lại lợi ích hay không thì còn tùy thuộc vào sự chuẩn bị nội tâm của người lãnh nhận.

24.

H.

 T.

Vì sao các bí tích cần thiết cho ơn cứu độ?

Vì các bí tích trao ban ân sủng của Chúa Thánh Thần, để Ngài chữa lành và biến đổi chúng ta.

25.

H.

 T.

Các bí tích giúp chúng ta sống đời sống vĩnh cửu thế nào?

Các bí tích cho chúng ta tham dự trước vào đời sống vĩnh cửu, đang khi mong chờ ngày Đức Kitô ngự đến trong vinh quang.

26.

H.

 T.

Các bí tích của Hội Thánh được phân loại thế nào?

Các bí tích của Hội Thánh được phân thành ba loại này:

- Một là các bí tích khai tâm Kitô giáo;

- Hai là các bí tích chữa lành;

- Ba là các bí tích phục vụ.

27.

H.

 T.

Các bí tích khai tâm Kitô giáo gồm những bí tích nào?

Các bí tích khai tâm Kitô giáo gồm Bí tích Rửa Tội, Thêm Sức và Thánh Thể. Các bí tích này tái sinh, củng cố và nuôi dưỡng các tín hữu trong đời sống mới.

28.

H.

 T.

Các bí tích chữa lành gồm những bí tích nào?

Các bí tích chữa lành gồm Bí tích Thống Hối và Xức Dầu Bệnh Nhân. Các bí tích này phục hồi và củng cố đời sống mới của các tín hữu đã bị suy yếu hoặc mất đi do tội lỗi.

29.

H.

 T.

Các bí tích phục vụ gồm những bí tích nào?

Các bí tích phục vụ gồm Bí tích Truyền Chức Thánh và Hôn Phối. Hai bí tích này đem lại ân sủng riêng cho mỗi sứ vụ đặc biệt trong Hội Thánh, để xây dựng Dân Thiên Chúa.

30.

H.

 T.

Các Giờ Kinh Phụng Vụ là gì ?

Các Giờ Kinh Phụng Vụ là lời cầu nguyện của toàn thể Hội Thánh, để thánh hóa trọn ngày sống của con người, theo lệnh truyền của Chúa Giêsu “phải tỉnh thức và cầu nguyện luôn”.

31.

H.

T.

Á bí tích là gì?

Á bí tích là những dấu hiệu thánh thiêng do Hội Thánh thiết lập, để giúp các tín hữu thánh hóa một số hoàn cảnh trong cuộc sống.

32.

H.

 T.

Nghi thức của Á bí tích gồm những gì?

Nghi thức của Á bí tích gồm một lời cầu nguyện, kèm theo một dấu chỉ cụ thể như đặt tay, dấu thánh giá, rẩy nước thánh...

33.

H.

T.

Có mấy loại Á bí tích?

Có bốn loại này:

- Một là việc chúc lành;

- Hai là việc thánh hiến con người;

- Ba là việc dâng hiến những đồ vật được dùng vào việc thờ phượng;

- Bốn là việc trừ tà.

34.

H.

T.

Ngoài phụng vụ, đời sống Kitô hữu còn được nuôi dưỡng bằng những hình thức đạo đức bình dân nào?

Ngoài phụng vụ, đời sống Kitô hữu còn được nuôi dưỡng bằng những hình thức đạo đức bình dân như việc tôn kính các di tích thánh, viếng nhà thờ, hành hương, rước kiệu, chặng đàng Thánh giá, lần chuỗi Mân côi...

35.

H.

 T.

Hội Thánh có thái độ nào đối với những việc đạo đức bình dân?

Hội Thánh cổ võ những việc đạo đức bình dân phù hợp với Tin Mừng và sự khôn ngoan của con người, đồng thời góp phần làm cho đời sống Kitô hữu được phong phú.

36.

H.

T.

Lễ nghi an táng Kitô giáo có ý nghĩa và mục đích nào?

Lễ nghi an táng Kitô giáo làm nổi bật đặc tính vượt qua của cái chết trong niềm hy vọng sống lại, cũng như sự hiệp thông trong lời cầu nguyện với người đã qua đời.

 

II. KINH THÁNH

1. TIN MỪNG CHÚA GIÊSU KITÔ THEO THÁNH MÁCCÔ.

35 Hai người con ông Dê-bê-đê là Gia-cô-bê và Gio-an đến gần Đức Giê-su và nói: "Thưa Thầy, chúng con muốn Thầy thực hiện cho chúng con điều chúng con sắp xin đây."36 Người hỏi: "Các anh muốn Thầy thực hiện cho các anh điều gì? "37 Các ông thưa: "Xin cho hai anh em chúng con, một người được ngồi bên hữu, một người được ngồi bên tả Thầy, khi Thầy được vinh quang."38 Đức Giê-su bảo: "Các anh không biết các anh xin gì! Các anh có uống nổi chén Thầy sắp uống, hay chịu được phép rửa Thầy sắp chịu không? "39 Các ông đáp: "Thưa được." Đức Giê-su bảo: "Chén Thầy sắp uống, anh em cũng sẽ uống; phép rửa Thầy sắp chịu, anh em cũng sẽ chịu.40 Còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì Thầy không có quyền cho, nhưng Thiên Chúa đã chuẩn bị cho ai thì kẻ ấy mới được."

41 Nghe vậy, mười môn đệ kia đâm ra tức tối với ông Gia-cô-bê và ông Gio-an.42 Đức Giê-su gọi các ông lại và nói: "Anh em biết: những người được coi là thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân.43 Nhưng giữa anh em thì không được như vậy: ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em;44 ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người.45 Vì Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người." (Mc 10, 35-45).

2. TIN MỪNG CHÚA GIÊSU KITÔ THEO THÁNH MÁTTHÊU.

14 "Quả thế, cũng như có người kia sắp đi xa, liền gọi đầy tớ đến mà giao phó của cải mình cho họ.15 Ông cho người này năm yến, người kia hai yến, người khác nữa một yến, tuỳ khả năng riêng mỗi người. Rồi ông ra đi. Lập tức,16 người đã lãnh năm yến lấy số tiền ấy đi làm ăn buôn bán, và gây lời được năm yến khác.17 Cũng vậy, người đã lãnh hai yến gây lời được hai yến khác.18 Còn người đã lãnh một yến thì đi đào lỗ chôn giấu số bạc của chủ.19 Sau một thời gian lâu dài, ông chủ đến tính sổ với các đầy tớ và thanh toán sổ sách với họ.20 Người đã lãnh năm yến tiến lại gần, đưa năm yến khác, và nói: "Thưa ông chủ, ông đã giao cho tôi năm yến, tôi đã gây lời được năm yến khác đây."21 Ông chủ nói với người ấy: "Khá lắm! hỡi đầy tớ tài giỏi và trung thành! Được giao ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ giao nhiều cho anh. Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh! "22 Người đã lãnh hai yến cũng tiến lại gần và nói: "Thưa ông chủ, ông đã giao cho tôi hai yến, tôi đã gây lời được hai yến khác đây."23 Ông chủ nói với người ấy: "Khá lắm! hỡi đầy tớ tài giỏi và trung thành! Được giao ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ giao nhiều cho anh. Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh! "24 Rồi người đã lãnh một yến cũng tiến lại gần và nói: "Thưa ông chủ, tôi biết ông là người hà khắc, gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi.25 Vì thế, tôi đâm sợ, mới đem chôn giấu yến bạc của ông dưới đất. Của ông đây, ông cầm lấy! "26 Ông chủ đáp: "Hỡi đầy tớ tồi tệ và biếng nhác! Anh đã biết tôi gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi,27 thì đáng lý anh phải gởi số bạc của tôi vào ngân hàng, để khi tôi đến, tôi thu được cả vốn lẫn lời chứ!28 Vậy các ngươi hãy lấy yến bạc khỏi tay nó mà đưa cho người đã có mười yến.29 Vì phàm ai đã có, thì được cho thêm và sẽ có dư thừa; còn ai không có, thì ngay cái đang có, cũng sẽ bị lấy đi.30 Còn tên đầy tớ vô dụng kia, hãy quăng nó ra chỗ tối tăm bên ngoài: ở đó, sẽ phải khóc lóc nghiến răng." (Mt 25, 14-30).

3. TIN MỪNG CHÚA GIÊSU KITÔ THEO THÁNH GIOAN.        12 Khi rửa chân cho các môn đệ xong, Đức Giê-su mặc áo vào, về chỗ và nói: "Anh em có hiểu việc Thầy mới làm cho anh em không?13 Anh em gọi Thầy là "Thầy", là "Chúa", điều đó phải lắm, vì quả thật, Thầy là Thầy, là Chúa.14 Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau.15 Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em.16 Thật, Thầy bảo thật anh em: tôi tớ không lớn hơn chủ nhà, kẻ được sai đi không lớn hơn người sai đi.17 Anh em đã biết những điều đó, nếu anh em thực hành, thì thật phúc cho anh em!18 Thầy không nói về tất cả anh em đâu. Chính Thầy biết những người Thầy đã chọn, nhưng phải ứng nghiệm lời Kinh Thánh sau đây: Kẻ đã cùng con chia cơm sẻ bánh lại giơ gót đạp con.19 Thầy nói với anh em điều đó ngay từ lúc này, trước khi sự việc xảy ra, để khi sự việc xảy ra, anh em tin là Thầy Hằng Hữu.20 Thật, Thầy bảo thật anh em: ai đón tiếp người Thầy sai đến là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy." (Ga 13, 12-20).

4. THƯ THÁNH PHAOLÔ TÔNG ĐỒ GỬI TÍN HỮU ÊPHÊSÔ.

1 Vậy, tôi là người đang bị tù vì Chúa, tôi khuyên nhủ anh em hãy sống cho xứng với ơn kêu gọi mà Thiên Chúa đã ban cho anh em.2 Anh em hãy ăn ở thật khiêm tốn, hiền từ và nhẫn nại; hãy lấy tình bác ái mà chịu đựng lẫn nhau.3 Anh em hãy thiết tha duy trì sự hiệp nhất mà Thần Khí đem lại, bằng cách ăn ở thuận hoà gắn bó với nhau.4 Chỉ có một thân thể, một Thần Khí, cũng như anh em đã được kêu gọi để chia sẻ cùng một niềm hy vọng.5 Chỉ có một Chúa, một niềm tin, một phép rửa.6 Chỉ có một Thiên Chúa, Cha của mọi người, Đấng ngự trên mọi người, qua mọi người và trong mọi người. (Ep 4, 1-6).

5. THƯ THÁNH PHAOLÔ TÔNG ĐỒ GỬI TÍN HỮU PHILÍPPHÊ.

1 Nếu quả thật sự liên kết với Đức Ki-tô đem lại cho chúng ta một niềm an ủi, nếu tình bác ái khích lệ chúng ta, nếu chúng ta được hiệp thông trong Thần Khí, nếu chúng ta sống thân tình và biết cảm thương nhau,2 thì xin anh em hãy làm cho niềm vui của tôi được trọn vẹn, là hãy có cùng một cảm nghĩ, cùng một lòng mến, cùng một tâm hồn, cùng một ý hướng như nhau.3 Đừng làm chi vì ganh tị hay vì hư danh, nhưng hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi người khác hơn mình.4 Mỗi người đừng tìm lợi ích cho riêng mình, nhưng hãy tìm lợi ích cho người khác.5 Giữa anh em với nhau, anh em hãy có những tâm tình như chính Đức Ki-tô Giê-su.   (Pl 2,1-5).

 

III. KINH NGUYỆN

01. KINH TRUYỀN TIN

X. Đức Chúa Trời sai Thánh Thiên Thần truyền tin cho Rất Thánh Đức Bà Maria.

Đ. Và Rất Thánh Đức Bà chịu thai bởi phép Đức Chúa Thánh Thần.

- Kính mừng Maria ...  Thánh Maria ...

X. Này tôi là tôi tá Đức Chúa Trời.

Đ. Tôi xin vâng như lời Thánh Thiên Thần truyền.

- Kính mừng Maria ...  Thánh Maria ...

X. Chốc ấy Ngôi Thứ Hai xuống thế làm người.

Đ. Và ở cùng chúng con.

- Kính mừng Maria ...  Thánh Maria ...

X. Lạy Rất Thánh Đức Mẹ Chúa Trời xin cầu cho chúng con.

Đ. Đáng chịu lấy những sự Chúa Kitô đã hứa.

Lời Nguyện:

Lạy Chúa, chúng con xin Chúa ban ơn xuống trong linh hồn chúng con, là kẻ đã nhờ lời Thánh Thiên Thần truyền, mà biết thật Chúa Kitô là Con Chúa, đã xuống thế làm người, thì xin vì công ơn Con Chúa chịu nạn chịu chết trên cây Thánh giá, cho chúng con ngày sau khi sống lại, được đến nơi vinh hiển, cũng vì công nghiệp Chúa Kitô là Chúa chúng con. Amen.

02. KINH LẠY NỮ VƯƠNG THIÊN ĐÀNG (Đọc trong Mùa Phục Sinh)

X. Lạy Nữ Vương Thiên đàng hãy vui mừng. Alleluia.

Đ. Vì Đấng Mẹ đã đáng cưu mang trong lòng. Alleluia.

X. Người đã sống lại thật như lời đã phán hứa. Alleluia.

Đ. Xin cầu cùng Chúa cho chúng con. Alleluia.

X. Lạy Đức Nữ Đồng Trinh Maria, hãy hỉ hoan khoái lạc. Alleluia.

Đ. Vì Chúa đã sống lại thật. Alleluia.

Lời Nguyện:

Lạy Chúa là Đấng đã làm cho thiên hạ được vui mừng quá bội, bởi Đức Chúa Giêsu Kitô là Con Chúa, cùng là Chúa chúng con đã sống lại; xin vì Đức Nữ Đồng Trinh Maria là Thánh Mẫu Người, nguyện cầu cho chúng con được hưởng phúc vui vẻ hằng sống đời đời. Vì công nghiệp Chúa Kitô là Chúa chúng con. Amen.

 

03. KINH ĐỨC CHÚA THÁNH THẦN

Chúng con lạy ơn Đức Chúa Thánh Thần thiêng liêng sáng láng vô cùng. Chúng con xin Đức Chúa Thánh Thần xuống đầy lòng chúng con, là kẻ tin cậy Đức Chúa Trời, và đốt lửa kính mến Đức Chúa Trời trong lòng chúng con, chúng con xin Đức Chúa Trời cho Đức Chúa Thánh Thần xuống.

- Sửa lại mọi sự trong ngoài chúng con

Chúng con cầu cùng Đức Chúa Trời xưa đã cho Đức Chúa Thánh Thần xuống soi lòng dạy dỗ các Thánh Tông Đồ, thì rầy chúng con cũng xin Đức Chúa Trời cho Đức Chúa Thánh Thần lại xuống, yên ủi dạy dỗ chúng con làm những việc lành; vì công nghiệp vô cùng Đức Chúa Giêsu Kitô là Chúa chúng con. Amen.

04. KINH SẤP MÌNH

Lạy Chúa, con sấp mình xuống trước mặt Chúa. Con tin thật Chúa ở khắp mọi nơi, thông biết mọi sự, hằng xem thấy con, hằng nghe lời con cầu nguyện. Xin Chúa rất nhân từ hãy đoái xem sự nghèo ngặt con, và nhận lời con nguyện.

Lạy Chúa, xin hay mở miệng lưỡi con ra, thì con sẽ cao rao những lời ngợi khen Chúa. 

05. KINH THỜ LẠY

Lạy Chúa, con là vật phàm hèn cùng là không trước mặt Chúa, con hết lòng thờ lạy và nhận thật Chúa là đầu cội rễ mọi sự, là cùng sau hết mọi loài. Chúa đã dựng nên con cùng thật là Chúa con nữa, thì con xin dâng linh hồn và xác cùng mọi sự trong ngoài con ở trong tay Chúa. Amen.

06. KINH ĐỘI ƠN

Lạy Chúa, con đội ơn Chúa vì những ơn lành Chúa đã ban cho con xưa nay, nhất là đã dựng nên con và cho Con Chúa chịu chết mà cứu chuộc con, lại chọn lấy con làm con Hội Thánh nữa. Amen.

07. KINH TIN

Lạy Chúa, con tin thật có một Đức Chúa Trời là Đấng thưởng phạt vô cùng. Con lại tin thật Đức Chúa Trời có Ba Ngôi, mà Ngôi Thứ Hai đã xuống thế làm người chịu nạn chịu chết mà chuộc tội thiên hạ. Bấy nhiêu điều ấy cùng các điều Hội Thánh dạy, thì con tin vững vàng, vì Chúa là Đấng thông minh và chân thật vô cùng đã phán truyền cho Hội Thánh. Amen. 

08. KINH CẬY

Lạy Chúa, con trông cậy vững vàng vì công nghiệp Đức Chúa Giêsu, thì Chúa sẽ ban ơn cho con giữ đạo nên ở đời này, cho ngày sau được lên thiên đàng xem thấy mặt Đức Chúa Trời hưởng phúc đời đời, vì Chúa là Đấng phép tắc và lòng lành vô cùng đã phán hứa sự ấy, chẳng có lẽ nào sai được. Amen.

09. KINH KÍNH MẾN

Lạy Chúa, con kính mến Chúa hết lòng hết sức, trên hết mọi sự; vì Chúa là Đấng trọn tốt trọn lành vô cùng, lại vì Chúa thì con thương yêu người ta như mình con vậy. Amen.

10. KINH TIN KÍNH

Tôi tin kính Đức Chúa Trời, là Cha phép tắc vô cùng dựng nên trời đất.

Tôi tin kính Đức Chúa Giêsu Kitô là Con Một Đức Chúa Cha, cùng là Chúa chúng tôi, bởi phép Đức Chúa Thánh Thần mà Người xuống thai, sinh bởi Bà Maria đồng trinh, chịu nạn đời quan Phongxiô Philatô, chịu đóng đanh trên cây Thánh Giá, chết và táng xác, xuống ngục tổ tông, ngày thứ ba bởi trong kẻ chết mà sống lại, lên trời ngự bên hữu Đức Chúa Cha phép tắc vô cùng, ngày sau bởi trời lại xuống phán xét kẻ sống và kẻ chết.

Tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần. Tôi tin có Hội Thánh hằng có ở khắp thế này, các thánh thông công. Tôi tin phép tha tội. Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại. Tôi tin hằng sống vậy. Amen.

11. KINH ĂN NĂN TỘI

Lạy Chúa, Chúa là Đấng trọn tốt trọn lành vô cùng, Chúa đã dựng nên con và cho Con Chúa ra đời chịu nạn chịu chết vì con, mà con đã cả lòng phản nghịch lỗi nghĩa cùng Chúa, thì còn lo buồn đau đớn cùng chê ghét mọi tội con trên hết mọi sự, con dốc lòng chừa cải, và nhờ ơn Chúa thì con sẽ tránh xa dịp tội, cùng làm việc đền tội cho xứng. Amen.

12. KINH PHÙ HỘ

Chúng con thờ lạy ngợi khen Chúa là Đấng có phép tắc vô cùng, đã thương để chúng con đến sớm mai nay, thì xin Chúa xuống ơn phù hộ cho chúng con trót ngày hôm nay, khỏi sa phạm tội gì. Lại xin Chúa sửa sự lo, lời nói, việc làm chúng con hằng nên trọn lành theo ý Chúa; vì công nghiệp Đức Chúa Giêsu, là Đấng hằng sống hằng trị cùng Đức Chúa Cha, và Đức Chúa Thánh Thần đời đời chẳng cùng. Amen.

13. KINH SÁNG SOI

Cúi xin Chúa sáng soi, cho chúng con được biết việc phải làm, cùng khi làm xin Chúa giúp đỡ cho mỗi kinh mỗi việc chúng con, từ khởi sự cho đến hoàn thành đều nhờ bởi ơn Chúa. Amen.

14. KINH LẠY NỮ VƯƠNG

Lạy Nữ Vương Mẹ nhân lành làm cho chúng con được sống, được vui, được cậy. Thân lạy Mẹ, chúng con con cháu Evà ở chốn khách đầy, kêu đến cùng Bà, chúng con ở nơi khóc lóc than thở kêu khẩn Bà thương. Hỡi ôi! Bà là Chúa bầu chúng con, xin ghé mặt thương xem chúng con. Đến sau khỏi đày, xin cho chúng con được thấy Đức Chúa Giêsu, Con lòng Bà gồm phúc lạ. Ôi! Khoan thay! Nhân thay! Dịu thay! Thánh Maria trọn đời đồng trinh. Amen.

15. KINH CÁM ƠN

Con cám ơn Đức Chúa Trời là Chúa lòng lành vô cùng chẳng bỏ con, chẳng để con không đời đời, mà lại sinh ra con, cho con được làm người, cùng hằng gìn giữ con, hằng che chở con, lại cho Ngôi Hai xuống thế làm người chuộc tội chịu chết trên cây Thánh Giá vì con, lại cho con được đạo thánh Đức Chúa Trời, cùng chịu nhiều ơn nhiều phép Hội Thánh nữa, và đã cho phần xác con đêm nay (tối thì đọc: ngày hôm nay) được mọi sự lành, lại cứu lấy con kẻo phải chết tươi ăn năn tội chẳng kịp. Vậy các thánh ở trên nước thiên đàng cám ơn Đức Chúa Trời thế nào, thì con cũng hợp cùng các thánh mà dâng cho Chúa cùng cám ơn như vậy. Amen.

16. KINH HÃY NHỚ

Lạy Thánh Nữ Đồng Trinh Maria là Mẹ rất nhân từ, xin hãy nhớ xưa nay chưa từng nghe có người nào chạy đến cùng Đức Mẹ xin bầu chữa cứu giúp, mà Đức Mẹ từ bỏ chẳng nhậm lời. Nhân vì sự ấy, con hết lòng trông cậy than van chạy đến sấp mình xuống dưới chân Đức Mẹ, là Nữ Đồng Trinh trên hết các kẻ đồng trinh, xin Đức Mẹ đoái đến con là kẻ tội lỗi. Lạy Mẹ là Mẹ Chúa Cứu thế, xin chớ bỏ lời con kêu xin, một dủ lòng thương và nhậm lời con cùng. Amen.

17. KINH PHÓ DÂNG

Lạy Chúa, con xin phó dâng linh hồn và xác con ở tay Chúa. Chúa đã phù hộ con ban ngày, thì xin Chúa cũng gìn giữ con ban đêm, kẻo sa phạm tội gì mất lòng Chúa hay là chết tươi ăn năn tội chẳng kịp. Chớ gì sống chết con được giữ một lòng kính mến Chúa luôn. Amen.

18. KINH MƯỜI ĐIỀU RĂN

Đạo Đức Chúa Trời có mười điều răn:

Thứ nhất: Thờ phượng một Đức Chúa Trời và kính mến Người trên hết mọi sự.

Thứ hai: Chớ kêu tên Đức Chúa Trời vô cớ.

Thứ ba: Giữ ngày Chúa nhật.

Thứ bốn: Thảo kính cha mẹ.

Thứ năm: Chớ giết người.

Thứ sáu: Chớ làm sự dâm dục.

Thứ bảy: Chớ lấy của người.

Thứ tám: Chớ làm chứng dối.

Thứ chín: Chớ muốn vợ chồng người.

Thứ mười: Chớ tham của người.

Mười điều răn ấy tóm về hai này mà chớ: Trước kính mến một Đức Chúa Trời trên hết mọi sự, sau lại yêu người như mình ta vậy. Amen.

19. KINH NĂM ĐIỀU RĂN

Hội Thánh có năm điều răn:

Thứ nhất: Dự lễ và kiêng việc xác ngày Chúa Nhật cùng các ngày lễ buộc.

Thứ hai: Xưng tội trong một năm ít là một lần.

Thứ ba: Rước Mình Thánh Chúa trong mùa Phục Sinh.

Thứ bốn: Giữ chay và kiêng thịt những ngày Hội Thánh buộc.

Thứ năm: Góp công góp của xây dựng Hội Thánh, tùy theo khả năng của mình.

20. KINH BẢY PHÉP BÍ TÍCH

Đạo Đức Chúa Trời có bảy phép Bí Tích:

Thứ nhất: Là phép Rửa tội.

Thứ hai: Là phép Thêm sức.

Thứ ba: Là phép Mình Thánh Chúa.

Thứ bốn: Là phép Giải tội.

Thứ năm: Là phép Xức dầu thánh.

Thứ sáu: Là phép Truyền chức thánh.

Thứ bảy: Là phép Hôn phối.

21. KINH MƯỜI BỐN MỐI

Thương người có mười bốn mối

Thương xác bảy mối:

Thứ nhất: Cho kẻ đói ăn.

Thứ hai: Cho kẻ khát uống.

Thứ ba: Cho kẻ rách rưới ăn mặc.

Thứ bốn: Viếng kẻ liệt cùng kẻ tù rạc.

Thứ năm: Cho khách đỗ nhà.

Thứ sáu: Chuộc kẻ làm tôi.

Thứ bảy: Chôn xác kẻ chết.

Thương linh hồn bảy mối:

Thứ nhất: Lấy lời lành mà khuyên người.

Thứ hai: Mở dạy kẻ mê muội.

Thứ ba: Yên ủi kẻ âu lo.

Thứ bốn: Răn bảo kẻ có tội.

Thứ năm: Tha kẻ dể ta.

Thứ sáu: Nhịn kẻ mất lòng ta.

Thứ bảy: Cầu cho kẻ sống và kẻ chết.

22. KINH CẢI TỘI BẢY MỐI

Cải tội bảy mối có bảy đức:

Thứ nhất: Khiêm nhường, chớ kiêu ngạo.

Thứ hai: Rộng rãi, chớ hà tiện.

Thứ ba: Giữ mình sạch sẽ, chớ mê dâm dục.

Thứ bốn: Hay nhịn, chớ hờn giận.

Thứ năm: Kiêng bớt, chớ mê ăn uống.

Thứ sáu: Yêu người, chớ ghen ghét.

Thứ bảy: Siêng năng việc Đức Chúa Trời, chớ làm biếng.

23. KINH PHÚC THẬT TÁM MỐI

Phúc thật tám mối:

Thứ nhất: Ai có lòng khó khăn, ấy là phúc thật, vì chưng nước Đức Chúa Trời là của mình vậy.

Thứ hai: Ai hiền lành, ấy là phúc thật, vì chưng sẽ được đất Đức Chúa Trời làm của mình vậy.

Thứ ba: Ai khóc lóc, ấy là phúc thật, vì chưng sẽ được yên ủi vậy.

Thứ bốn: Ai khao khát nhân đức trọn lành, ấy là phúc thật, vì chưng sẽ được no đủ vậy.

Thứ năm: Ai thương xót người, ấy là phúc thật, vì chưng mình sẽ được thương xót vậy.

Thứ sáu: Ai giữ lòng sạch sẽ, ấy là phúc thật, vì chưng sẽ được thấy mặt Đức Chúa Trời vậy.

Thứ bảy: Ai làm cho người hòa thuận, ấy là phúc thật, vì chưng sẽ được gọi là con Đức Chúa Trời vậy.

Thứ tám: Ai chịu khốn nạn vì đạo ngay, ấy là phúc thật, vì chưng nước Đức Chúa Trời là của mình vậy.

24. PHÉP LẦN HẠT MÂN CÔI

NĂM SỰ VUI

Thứ nhất thì ngắm: Thiên Thần truyền tin cho Đức Bà chịu thai. Ta hãy xin cho được ở khiêm nhường.

Thứ hai thì ngắm: Đức Bà đi viếng Bà thánh Isave. Ta hãy xin cho được lòng yêu người.

Thứ ba thì ngắm: Đức Bà sinh Đức Chúa Giêsu nơi hang đá. Ta hãy xin cho được lòng khó khăn.

Thứ bốn thì ngắm: Đức Bà dâng Đức Chúa Giêsu trong đền thánh. Ta hãy xin cho được vâng lời chịu lụy.

Thứ năm thì ngắm: Đức Bà tìm được Đức Chúa Giêsu trong đền thánh. Ta hãy xin cho được giữ nghĩa cùng Chúa luôn.

NĂM SỰ THƯƠNG

Thứ nhất thì ngắm: Đức Chúa Giêsu lo buồn đổ mồ hôi máu. Ta hãy xin cho được ăn năn tội nên.

Thứ hai thì ngắm: Đức Chúa Giêsu chịu đánh đòn. Ta hãy xin cho được hãm mình chịu khó bằng lòng.

Thứ ba thì ngắm: Đức Chúa Giêsu chịu đội mão gai. Ta hãy xin cho được chịu mọi sự sỉ nhục bằng lòng.

Thứ bốn thì ngắm: Đức Chúa Giêsu vác cây Thánh Giá. Ta hãy xin cho được vác Thánh Giá theo chân Chúa.

Thứ năm thì ngắm: Đức Chúa Giêsu chịu chết trên cây Thánh Giá. Ta hãy xin cho được đóng đinh tính xác thịt vào Thánh Giá Chúa.

NĂM SỰ MỪNG

Thứ nhất thì ngắm: Đức Chúa Giêsu sống lại. Ta hãy xin cho được sống lại thật về phần linh hồn.

Thứ hai thì ngắm: Đức Chúa Giêsu lên trời. Ta hãy xin cho được ái mộ những sự trên trời.

Thứ ba thì ngắm: Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống. Ta hãy xin cho được lòng đầy dẫy mọi ơn Đức Chúa Thánh Thần.

Thứ bốn thì ngắm: Đức Chúa Trời cho Đức Bà lên trời. Ta hãy xin ơn chết lành trong tay Đức Mẹ.

Thứ năm thì ngắm: Đức Chúa Trời thưởng Đức Mẹ trên trời. Ta hãy xin Đức Mẹ phù hộ cho ta được thưởng cùng Đức Mẹ trên nước Thiên đàng.

 

NĂM SỰ SÁNG

Thứ nhất thì ngắm: Đức Chúa Giêsu chịu phép rửa tại sông Giođan. Ta hãy xin cho được sống xứng đáng là con cái Chúa.

Thứ hai thì ngắm: Đức Chúa Giêsu làm phép lạ tại tiệc cưới Cana. Ta hãy xin cho được noi gương Đức Mẹ mà vững tin vào Chúa.

Thứ ba thì ngắm: Đức Chúa Giêsu rao giảng Nước Trời và kêu gọi sám hối. Ta hãy xin cho được tin vào lòng Chúa thương xót và siêng năng lãnh nhận Bí tích Giao Hoà.

Thứ bốn thì ngắm: Đức Chúa Giêsu biến hình trên núi. Ta hãy xin cho được biến đổi nhờ Chúa Thánh Thần.

Thứ năm thì ngắm: Đức Chúa Giêsu lập Bí tích Thánh Thể. Ta hãy xin cho được sốt sắng tham dự Thánh Lễ và rước Mình Máu Thánh Ngài.


TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1. Bản Hỏi Thưa Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, HĐGMVN, UBGLĐT,  NXB. Tôn Giáo 2013.

2. Kinh thánh, Ấn bản 2011, Bản dịch của CGKPV, NXB Tôn Giáo, 2011.

3. Sách kinh Giáo phận Thanh hóa, TGM. Thanh Hóa, 2023.

4. Thư Mục Vụ, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, 2023, https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/hoi-dong-giam-muc-viet-nam-thu-muc-vu-gui-cong-dong-dan-chua-ve-giao-hoi-tham-gia-52651.

 

Tải file PDF tại đây