Có những chiếc cầu...

17/05/2021
2133

(Viết cho người Giáo Lý Viên)

“Có những chiếc cầu là đường đưa ta đi, giúp em đến trường, giúp mẹ đến chợ quê, giúp cho tây sang đông, nối liền đôi bờ sông, những nhịp cầu thơ mộng và bao thân thương…”[1]. Nhân dịp Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô thiết lập Thừa Tác Vụ Giáo Lý Viên, tôi chợt được gợi nhớ về lời bài hát mộc mạc ấy. Đúng rồi! Giáo lý viên là những chiếc cầu…

Chức năng của những nhịp cầu trước là hàn gắn những khoảng cách địa lý. Tuy nhiên, nhịp cầu mà người giáo lý viên đang miệt mài xây đắp không chỉ có ý nghĩa vật chất. Hơn thế, nhịp cầu ấy còn nối kết đức tin để đưa dẫn người khác quy hướng về Thiên Chúa. Nhờ đó, những con người cùng một niềm tin lại khao khát nối kết với nhau: giúp nhau thăng tiến trong đời sống hàng ngày.

Công đồng Đại kết Vatican II đã khẳng định trong Sắc lệnh Ad gentes rằng: “Cũng thế, có một đạo binh thực sự đáng khen ngợi và rất đáng thưởng công nhờ việc truyền giáo nơi muôn dân, đó là đạo binh các giáo lý viên nam cũng như nữ; là những người đã thấm nhuần tinh thần tông đồ, họ vất vả rất nhiều để mang lại sự trợ giúp đặc biệt và hoàn toàn cần thiết cho việc truyền bá đức tin và Giáo hội. Trong thời đại chúng ta, chức vụ của các giảng viên giáo lý rất quan trọng vì số giáo sĩ ít oi không đủ để rao giảng Tin Mừng cho quần chúng quá đông đúc cũng như để thi hành mục vụ”[2]

Bản thân tôi cũng phần nào cảm nghiệm về khẳng định trên của Công đồng. Thật khó để quên lớp học giáo lý nhỏ ở họ đạo của tôi gần hai mươi năm về trước. Một khung viên nhỏ hẹp với vài chiếc bàn gỗ cũ kỹ. Chị giáo lý viên năm ấy là một cô gái trẻ hơn hai mươi tuổi. Chị đã dạy lũ trẻ chúng tôi làm dấu Thánh Giá, đọc Kinh, những kiến thức giáo Lý căn bản hỏi đáp và vui nhất là những giờ sinh hoạt với nhau. Buổi sinh hoạt của chúng tôi gồm những băng reo, trò chơi đồng đội, câu đối đáp hoặc ca hát… tất cả chị đều hướng chúng tôi về Thiên Chúa. Giờ đây, khi đã gần ba mươi tuổi, tôi vẫn không quên những bài hát mà xưa kia chị giáo lý viên đã dạy. Những câu hỏi đáp giáo lý ngắn gọn và đơn giản nhưng lại có sức thấm sâu vào tâm hồn không tưởng được. Như thế, nhịp cầu mà xưa chị đã bắt tuy thô sơ nhưng lại rắn rỏi biết chừng nào.

Từ sứ mạng trung gian nối kết, tôi nghĩ về sứ mạng truyền giáo của người giáo lý viên. Như Sắc lệnh Ad gentes được trích ở trên đã khẳng định, số lượng các Đức Giám Mục, các linh mục và tu sĩ nam nữ quá ít để đáp ứng nhu cầu tìm hiểu đức tin của con người ngày hôm nay. Thực trạng trên thúc đẩy người Ki-tô Hữu giáo dân cũng bắt tay vào việc cộng tác cao cả này. Nhìn vào thực tế sau những đợt khủng hoảng do đại dịch Covid-19 dẫn tới, thì nhu cầu tìm biết Thiên Chúa lại cao hơn và cấp bách hơn. Hơn nữa, khi người giáo lý viên là những giáo dân lại có nhiều thuận lợi để loan báo Tin Mừng. Chính sự thấu cảm và gần gũi mà họ đang có cũng đóng góp một vai trò quan trọng vào công cuộc truyền giáo.

Để xây nên những nhịp cầu vững chắc, người giáo lý viên khởi đi từ việc hoàn thiện chính mình trước. Không thể có chuyện nói một đàng mà sống một nẻo. Chắc chắn họ phải hy sinh và nỗ lực chỉnh đốn bản thân trước khi đứng lên hướng dẫn người khác về những điều Chúa và Giáo Hội dạy. Sau đó, khi đã đủ sức xây nên những nhịp cầu kiên vững, người giáo lý viên trở thành chứng nhân sống động về đời sống đức tin cho mọi người. “Đời sống thường ngày của họ được dệt nên bởi những mối tương quan gia đình và xã hội cho phép chứng thực làm thế nào “họ đặc biệt được kêu gọi làm cho Giáo hội hiện diện và hành động ở những nơi và những hoàn cảnh trong đó Giáo hội chỉ có thể là muối cho đời nhờ họ”[3][4]. Đức Giáo Hoàng đã khẳng định tầm quan trọng của kinh nghiệm thực tế mà người giáo lý viên có được. Họ là người sống trong một gia đình nhiều thế hệ, có những xung đột và khó khăn riêng, có những khủng hoảng cá nhân và tập thể, có những kinh nghiệm đối chọi giữa đức tin và cuộc sống, có cả những sự đồng cảm lớn lao với bà con lối xóm. Với những điều kiện sẵn có, nếu họ thực sự được đào tạo tới nơi tới chốn, thì chính đời sống của họ là gương mẫu sống động cho bà con lối xóm, nhất là những đối tượng mà họ trực tiếp hướng dẫn. Họ đang sống như lời Đức Giê-su nói rằng họ sống giữa thế gian nhưng không thuộc về thế gian.[5]

Cuối cùng nhưng vô cùng quan trọng, người giáo lý viên cũng luôn ý thức mình là chỉ đóng vai trò trung gian như những chiếc cầu. Thiên Chúa mới là Đấng làm việc và họ chỉ là những khí cụ trong tay Thiên Chúa. Với ý thức như vậy, họ luôn nhớ mình cũng là những con người yếu đuối và không thể nào sống toàn vẹn như một vị thánh, vì vậy mà họ luôn ý thức khiêm tốn nài xin Thiên Chúa ban ơn giúp sức cho đời sống chứng nhân của mình. Đồng thời, họ học theo gương thánh Gio-an Tẩy Giả khi nói và sống theo tinh thần: “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại”[6].

Nguyện chúc các giáo lý viên, những nhịp cầu nối giữa Thiên Chúa và tha nhân, luôn mãi trung thành và yêu mến sứ mạng cao cả này…

Little Stream

Nguồn: https://dongten.net/2021/05/17/co-nhung-chiec-cau/
 

[1] Bài hát “Nhịp Cầu” – https://nguyenthoai.files.wordpress.com/2017/10/nhipcau_yv.pdf

[2] Sắc lệnh Ad gentes, số 17.

[3] Lumen gentium, số 3.

[4] Tự Sắc Antiquum Ministerium, số 6.

[5] x. Ga 17,14

[6]  x. Ga 3, 30.