Tông thư ‘Authenticum Charismatis,’ dưới dạng Tự Sắc sửa đổi điều 579 Bộ Giáo Luật về các viện đời sống thánh hiến

08/11/2020
2228
Theo trang mạng chính thức của Tòa Thánh, ngày 4 tháng 11 vừa qua, Tòa Thánh đã cho công bố Tông thư của Đức Giáo Hoàng ký ngày 1 tháng 11, dưới dạng tự sắc, nhằm tu chính điều 579 của Bộ Giáo Luật hiện hành nói về việc thành lập các viện đời sống thánh hiến. Sửa đổi này có hiệu lực từ ngày 10 tháng 11, 2020.
 

Kể từ ngày trên, việc thiết lập các viện đời sống thánh hiến phải được sự chấp thuận (chứ không phải chỉ là tham khảo) của Tòa Thánh. Nguyên văn Tông thư như sau, dựa trên bản tiếng Anh của hãng tin Zenit:

Dấu hiệu rõ ràng cho thấy tính chân chính của một đặc sủng là bản chất Giáo Hội của nó, khả năng của nó trong việc hòa nhập nhịp nhàng vào đời sống Dân Chúa vì thiện ích mọi người” (Tông huấn Evangelii Gaudium, 130). Các tín hữu có quyền được các Mục Tử cho biết tính chân chính của các đặc sủng và tính đáng tin cậy của các vị tự trình bày mình như Những Vị Sáng Lập. Việc biện phân bản chất Giáo Hội và tính đáng tin cậy của các đặc sủng là trách nhiệm đối với giáo hội của các Mục tử trong các Giáo hội đặc thù. Điều đó được phát biểu trong việc chăm sóc chu đáo đối với mọi hình thức của đời sống thánh hiến và một cách đặc biệt, trong nhiệm vụ có tính quyết định là đánh giá tính thích đáng của việc thiết lập các Viện Đời sống Thánh hiến mới và các Hội Đời sống Tông đồ mới.

Đúng là phải đáp ứng các ơn phúc mà Chúa Thánh Thần vốn khơi dậy trong một Giáo Hội đặc thù, đón nhận chúng cách quảng đại với niềm tạ ơn; đồng thời phải tránh việc xuất hiện thiếu khôn ngoan các Viện vô dụng hoặc không đủ sinh lực”(Công đồng Vatican II, Sắc lệnh Perfectae Caritatis, 19). Tòa thánh có nhiệm vụ đồng hành với các Mục tử trong diễn trình biện phân dẫn đến việc công nhận của Giáo hội đối với một Viện mới hoặc một Hội mới thuộc quyền giáo phận. Tông huấn Via Consecrata quả quyết rằng sinh lực của các Viện và Hội mới “phải được khảo sát bởi thẩm quyền của Giáo hội; thuộc thẩm quyền này là việc khảo sát thích đáng, bất kể là để kiểm tra tính chân chính của mục tiêu gây cảm hứng, hay để tránh việc phát triển tràn lan quá mức các thể chế tương tự nhau, với hậu quả là nguy cơ phân mảnh thành những nhóm quá nhỏ có hại”(n. 12).

Do đó, các Viện Đời sống Thánh hiến mới và các Hội Đời sống Tông đồ mới phải được Tòa thánh chính thức công nhận, nơi vốn có phán quyết cuối cùng. Hành vi thiết lập theo giáo luật của Giám mục vượt quá phạm vi giáo phận và khiến nó trở nên có liên quan với chân trời rộng lớn hơn của Giáo hội hoàn vũ. Thực thế, tự bản chất, mọi Viện Đời sống Thánh hiến hay Hội Đời sống Tông đồ, dù phát sinh trong bối cảnh của một Giáo hội đặc thù, “vì là ơn phúc dành cho Giáo hội, nên không phải là một thực tại biệt lập hay ở bên lề, nhưng thuộc về nó một cách mật thiết, nằm ở chính tâm điểm Giáo hội như yếu tố quyết định trong sứ mệnh của Giáo Hội” (Thư gửi Người thánh hiến, III, 5).

Theo viễn ảnh trên, tôi thiết định việc sửa đổi điều luật 579, được thay thế bằng bản văn sau đây:

Episcopi diocesani, in suo quisque territorio, instituta vitae consecratae formali decreto valide erigere possunt, praevia licentia Sedis Apostolicae scripto data (Trong lãnh thổ của mình, các Giám Mục giáo phận có thể thành lập các viện đời sống thánh hiến bằng nghị định hợp thức, nhưng phải có phép trước bằng văn bản của Tòa Thánh) *.

Như đã nghị bàn với Tông thư này dưới hình thức Tự Sắc, tôi ra lệnh nó phải có sức sống bền bỉ và vững chắc, bất kể điều gì trái ngược cho dù đáng được đề cập đặc biệt và nó được ban hành bằng việc công bố trên L'Osservatore Romano, bắt đầu có hiệu lực vào ngày 10 tháng 11 năm 2020, và do đó, được công bố trong bình luận chính thức của Acta Apostolicae Sedis (Công báo Tòa Thánh).

Ban hành từ Điện Lateran, ngày 1 tháng 11 năm 2020, Lễ trọng Kính Các Thánh, năm thứ tám triều giáo hoàng của tôi.

Phanxicô.
___________________________________________
* Điều 579 cũ qui định rằng : “Trong lãnh thổ của mình, các Giám Mục giáo phận có thể thành lập các hội dòng tận hiến bằng nghị định hợp thức, miễn là sau khi đã bàn hỏi ý kiến của Tòa Thánh”.
 
Vũ Văn An
(Vietcatholic.net)