Tội phạm và hình phạt theo luật Giáo Hội Công Giáo

03/03/2019
7976


Xét theo bản chất, Giáo Hội Công Giáo vừa là một thực thể tâm linh (nhiệm thể Chúa Kitô) vừa là một đoàn thể hữu hình bao gồm các giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân Kitô). Đồng thời, Giáo Hội là một tổ chức có cơ cấu phẩm trật, trong đó các phần tử đối với nhau theo công bằng và bác ái. Ngoài ra, các tín hữu phải vâng phục các vị lãnh đạo của mình tại địa phương cũng như tại trung ương.

1. Quyền bính của Giáo Hội

Xét theo đối ngoại, Giáo Hội lãnh nhận quyền hành từ Chúa Giêsu, Đấng Sáng Lập Giáo Hội, chứ không phải do nhân dân hay Nhà nước ban cấp. Do đó, Giáo Hội gọi quyền này là quyền bẩm sinh (x. đ. 362; 747 §1; 1254 §1; 1260). Xét theo đối nội, Giáo Hội phải đặt ra những quy luật thường được gọi là “luật” để xác định rõ ràng tương quan công lý giữa các phần tử. Trước tiên, Giáo Hội phải chu toàn những nghĩa vụ với Chúa như trung thành với Lòi Chúa, đức tin, bí tích, loan truyền Tin Mừng cho mọi người. Tiếp theo, Giáo Hội nhắc nhở các tín hữu chu toàn những nghĩa vụ của họ đối với Chúa và Giáo Hội, sống xứng đáng với địa vị con cái Thiên Chúa, hiệp thông để xây dựng Giáo Hội vững mạnh trong đức tin, đức cậy, và đức ái.

2. Giáo Hội là cộng đoàn các thánh

Giáo Hội ý thức mình là cộng đoàn các thánh nhưng cũng ý thức rằng tất cả thành phần của Giáo Hội đều là những con người yếu đuối tội lỗi (1Ga 1,18). Do đó, có những thánh phần vi phạm luật lệ, không những gây nên xáo trộn trật tự nhưng còn nghịch lại bản tính thánh thiện của các tín hữu cũng như cộng đoàn Kitô. Một đàng, Giáo Hội tỏ ra nghiêm khắc do ý thức cao độ về ơn cứu độ và sự thánh thiện. Đàng khác, Giáo Hội tỏ ra thông cảm do ý thức về thân phận mỏng dòn của con người. Chính các vị lãnh dạo Giáo Hội đã trải qua những sa ngã nhờ ơn Chúa. Thánh Phêrô chối Chúa 3 lần. Thánh Phaolô đã lộng ngôn, bách đạo và ngạo ngược nhưng đã được Chúa thương xót…(1Tim 1,13-15) Trong xã hội hoặc Giáo Hội, có những thành viên hành động sai lầm nên gây thiệt hại cho cộng đoàn và cá nhân. Xã hội có những hình phạt dành cho các phạm nhân vì làm rối loạn trật tự công cộng. Giáo Hội bài trừ các tội phạm vì chúng làm hoen ố sự thánh thiện của Giáo Hội.

3. Ý niệm và những yếu tố tạo nên tội phạm

Theo Giáo luật, tội phạm được hiểu như là sự vi phạm bên ngoài và có thể quy trách một luật có thể gắn theo một chế tài ít là bất định. Có 3 yếu tố cấu thành tội phạm: 1/ Sự vi phạm bên ngoài về một luật hoặc một mệnh lệnh của Giáo Hội qua lời nói hoặc hành động; 2/ Hành vi ấy có thể quy trách được cho chủ thể, nghĩa là đương sự phải nhận trách nhiệm về hành vi đó khi vi phạm luật cách ý thức và tự do; 3/ Luật hay mệnh lệnh có kèm theo chế tài. Một hành vị chỉ bị coi là tội phạm khi vi phạm một luật có kèm theo hình phạt. Một điều đáng chú ý là chỉ có những tín hữu Công Giáo mới là chủ thể của tội phạm bị trừng phạt theo quy định của bộ Giáo luật.

4. Khàc biệt giữa “tội lỗi” (sin) và “tội phạm” (delict)

“Tội lỗi” là từ dùng cho sự vi phạm trong lãnh vực luân lý. Tội phạm dùng trong lãnh vực hình sự. Tội lỗi khác biệt với tội phạm ở những điểm sau: 1/ Tội lỗi có thể diễn ra trong tâm tư, lời nói và hành động. Tội phạm phải được thực hiện ra bên ngoài; 2/ Tội lỗi có thể là nặng hoặc nhẹ (tội nặng hoặc tội nhẹ), trong khi có chỉ có những vi phạm nặng mới có thể trở thành tội phạm; 3/ Tội lỗi là sự vi phạm luân lý nói chung. Tội phạm chỉ giới hạn vào luật hình sự mà thôi.

5. Mục đích Giáo Hội áp dụng những hình phạt 

Giáo luật điều 1399 qui định tổng quát: Ngoài những trường hợp do luật này hay do những luật khác ấn định, sự vi phạm bên ngoài về một luật Thiên Chúa hay luật Giáo Hội chỉ có thể bị một hình phạt thích đáng, khi tính cách nghiêm trọng đặc biệt của sự vi phạm đòi hỏi một sự trừng phạt, và khi có yêu cầu thúc bách phải phòng ngừa hay sửa chữa những gương xấu. Hình phạt là biện pháp của Giáo luật trừng trị tội phạm. Hình phạt gồm có 3 yếu tố: 1/ Bị giới hạn hưởng điều tốt. Phạm nhân có thể bị giới hạn về những điều tốt bên ngoài như không được tham dự các bí tích hoặc giữ các chức vụ; 2/ Vị lãnh đạo mới có quyền thiết lập và áp dụng những hình phạt nhất định (đ. 1319); 3/ Mục đích chính hình phạt là cải hóa phạm nhân và sửa chữa tội phạm. Khi ra hình phạt, Giáo Hội không nhắm đến việc loại trừ phạm nhân ra khỏi cộng đoàn cho bằng tìm cách giúp họ xứng đáng lãnh nhận ơn cứu rỗi. Chính vì thế, cải hóa phạm nhân đi trước việc trừng trị tội phạm.

6. Những hình phạt “chữa trị” (penal remedies) và những hình phạt “đền tội” (expiatory penalties)

Hình phạt “chữa trị” được coi như thuốc chữa bệnh, giúp cải thiện phạm nhân để họ từ bỏ cố chấp. Trước khi ra hình phạt, cần phải cảnh cáo họ để họ từ bỏ sự cố chấp, nếu khuyến cáo vô ích thì mới dùng hình phạt (đ. 1347 §1). Hình phạt này kéo dài cho đến khi phạm nhân thành thực hối lỗi. Phạm nhân được tha khi chấm dứt sự cố chấp (đ. 1358 §1). Hình phạt “đền tội” hay báo đáp được áp dụng vì ích lợi thiện ích công cộng hơn là cá nhân. Hình phạt này thường được xác định thời gian.

7. Những vị có thẩm quyền thiết lập hình phạt dưới hình thức luật hoặc mệnh lệnh

Những vị có thẩm quyền được phân chia ra như sau: 1/ Chí có những vị nào có thẩm quyền lập pháp mới có thể thiết lập luật hình sự (đ. 1315); 2/ Ai được quyền cai quản thì có thể thiết lập mệnh lệnh hình sự (đ. 1319). Những người có thẩm quyền lập pháp gồm có: a) Đức Thánh Cha và Công đồng hoàn vũ, đối với toàn thể Giáo Hội; b) Các công đồng địa phương (quốc gia, miền) trong giới hạn địa phương; c) Giám mục giáo phận trong giáo phận của mình. Điều 1315 giải thích thêm về việc cơ quan địa phương có thẩm quyền trong 5 điểm sau: a) Họ có thể ban hành luật kèm theo hình phạt dành cho địa phương của mình (đ. 1315 §1), thí dụ thêm hình phạt cho các sòng bạc, buôn ma tuý hoặc buôn dâm; b) Họ có thể thêm hình phạt vào một luật Chúa (đ. 1315 §1) thi dụ như thêm hình phạt cho những người ly dị tại toà án dân sự; c) Họ có thể thêm hình phạt vào một luật do cấp trên ban hành (đ. 1315 §1); d) Khi cần thiết trầm trọng, họ có thể tăng thêm hình phạt vào một luật hình do cơ quan lập pháp toàn cầu đã ban hành (đ. 1315 §3); e) Họ có thể quy định hình phạt xác định và bó buộc mà luật chung có tính cách bất định hoặc nhiệm ý (đ. 1315 §3). Tuy nhiên, điều 1317 nhắc nhở: Chỉ nên thiết lập hình phạt khi thực sự cần thiết để bảo vệ kỷ luật Giáo Hội một cách thích hợp.

8. Tính chất hình luật

Khi áp dụng , những hình luật có thể là “xác định” (determinate) hay “bất định” (indeterminate), có thể là “bắt buộc” (obligatory) hay “nhiệm ý” (facultative). Gọi là xác định khi luật đã xác định rõ ràng hình phạt cho phạm nhân, thí dụ ai phạm tội ly giáo thì bị phạt tuyệt thông (x. đi 1364). Gọi là bất định vì nhà lập pháp dành việc xác định hình phạt cụ thể cho cơ quan hành pháp (đ. 1315 §2). Gọi là bắt buộc khi luật buộc phải ra hình phạt phạm nhân. Gọi là nhiệm ý khi luật để cho nhà chức trách tùy nghi thẩm định có cần ra hình phạt hay không (đ. 1369; 1370 §3; 1371; 1372; 1376; 1377; 1379; 1381; 1386; 1392; 1395 §2; 1396). Ngoài ra còn có hình phạt “tiền kết” hay tự kết (latae sententiae) và hình phạt “hậu kết” (ferendae sententiae). Về hình phạt tiền kết, phạm nhân mắc phải hình phạt ngay khi vi phạm do luật qui định và không cần tòa kết án (x. đ 1314). Hình phạt hậu kết chỉ nhận hình phạt sau khi bị toà kết án.

9. Những tội phạm mắc phải các hình phạt tiền kết

a. Có 6 tội phạm mắc hình phạt tuyệt thông tiền kết: 1/ Những người bội giáo, lạc giáo hay ly giáo (đ. 1364 §1); 2/ Những người ném bỏ, lấy hoặc giữ Mình Máu Thánh Chúa với mục đích phạm thánh (đ. 1367); 3/ Người nào dung vũ lực thể lý chống lại Đức Giáo Hoàng Roma (đ. 1370 §1); 4/ Tư tế nào giải tội phạm điều thứ sáu cho người đồng lõa, chiếu theo điều 977 (đ. 1378 §1); 5/ Giám Mục nào phong chức Giám Mục cho một người mà không có thư ủy nhiệm của Đức Giáo Hoàng, cũng như người nào được vị ấy truyền chức cho (đ. 1382); 6/ Cha giải tội trực tiếp vi phạm ấn tòa giải tội (đ. 1388)

b. Có 5 tội phạm mắc hình phạt cầm chế tiền kết: 1 Người nào dung vũ lực thể lý chống lại một người có chức Giám Mục (đ. 1370 §2); 2/ Người nào không phải là tư tế mà cám cử hành Thánh Lễ hay ban bí tích Giải tội hoặc nghe xưng tội như bí tích (1378 §2); 3/ Giám mục phong chức cho một người thuộc quyền Giám Mục khác mà không có thư giới thiệu hợp pháp (đ. 1383); 4/ Người nào cáo gian một cha giải tội với Bề Trên trong Giáo Hội về tội dụ dỗ hối nhân phạm tội điều răn thứ sáu, chiếu theo điều 1387 (đ. 1390 §1); 5/ Một giáo sĩ mưu toan kết hôn, dù chỉ là dân sự, thì bị vạ huyền chức tiền kết (đ. 1394 §1)

c. Có 6 tội phạm mắc hình phạt huyền chức: 1/ Giáo sĩ dung vũ lực thể lý chống lại một người có chức Giám Mục (1370 §2); 2/ Giáo sĩ không phải là tư tế mà dám cử hành phụng vụ Hiến Tế Thánh Thể hoặc dám ban bí tích Giải Tội hoặc nghe xưng tội như bí tích (đ 1378 §2); 3/ Người được thụ phong do một Giám Mục khác mà không có thư giới thiệu hợp pháp (đ. 1383); 4/ Giáo sĩ cáo gian một cha giải tội với Bề Trên trong Giáo Hội về tội dụ dỗ hối nhân phạm tội điều răn thứ sáu, chiếu theo điều 1387 (đ. 1390 §1); 5/ Giáo sĩ mưu toan kết hôn, dù chỉ là hôn nhân dân sự (đ. 1394 §1)

d. Có 1 tội phạm mắc cấm chế tiền kết: Giám Mục truyền chức cho một người thuộc quyền Giám Mục khác mà không có giấy giới thiệu hợp pháp, thì bị cấm truyền thức trong vòng một năm (đ. 1383

10. Những hình phạt chữa trị 

Trong bộ Giáo luật hiện hành, nhà lập pháp đã liệ kê ba thứ hình phạt chữa trị: tuyệt thông (excommunication), cấm chế (censure) và huyền chức (suspension). 1/ Hình phạt vạ tuyệt thông ngăn cấm phạm nhân lãnh nhận tất cả các bí tích. Chính đương sự tự ý rời bỏ Giáo Hội, chứ không phải là Giáo Hội đã trục xuất họ (x. Đ. 316 §1; 1117); 2/ Cấm chế có nghĩa là bị cấm đoán. Trong giai đoạn một, phạm nhân bị: a) cấm không được làm thừa tác viên trong các buổi cử hành phụng vụ; b) cấm không được ban và nhận lãnh các bí tích và á bí tích. Trong giai đoạn hai (sau khi bị tuyên án) phạm nhân bị trục xuất khỏi các buổi cử hành phụng vụ hay buổi lễ phải tạm đình chỉ; 3/ Huyền chức (suspension) chỉ áp dụng cho giáo sĩ. Phạm nhân bị cấm thi hành các chức năng thuộc quyền thánh chức, quyền cai quản hoặc quyền lợi trong bậc giáo sĩ (đ. 1333 §1)

11. Những hình phạt đền tội

Những hình phạt đền tội nhắm mục đích sửa chữa những tổn hại mà tội phạm đãy gây ra. Điều 1336 §1 nêu lên 5 hình thức hình phạt vĩnh viễn hoặc tạm thời: 1/ Cấm chỉ (prohibition) hay bắt buộc lưu trú tại một nơi hay một lãnh thổ nhất định. Hình phạt này áp dụng cho giáo sĩ và tu sĩ; 2/ Tước quyền hành (privation of power) hay chức vụ (office), nhiệm vụ (function), quyền lợi (right), đặc ân (privilege), năng quyền (faculty), ân huệ (grace) danh hiệu (title) hoặc phù hiệu (insignia) dù chỉ là thuần túy danh dự; 3/ Cấm thi hành những điều kê khai ở số 2 hoặc cấm thi hành các điều ấy ở một nơi hoặc ngoài một nơi nhất định; 4/ Thuyên chuyển sang chức vụ khác vì tính cách hình sự. Theo giáo luật, có thứ thuyên chuyển như là thủ tục hành chánh (đ. 190-191; 1748-1752) nhắm tới ích lợi của các tín hữu hoặc nhu cầu của Giáo Hội. Còn sự thuyên chuyển hình sự nhằm trừng phạt một tội phạm; 5/ Trục xuất khỏi hàng giáo sĩ. Ấn tích đã nhận lãnh do chức thánh không thể nào bị hủy bỏ hoặc tước đoạt (đ. 1328 §2). Tuy nhiên, giáo sĩ bị cấm thi hành tác vụ chức thánh và mất hết quyền lợi bậc giáo sĩ. Việc cấm thi hành chức thánh bị đình chỉ mỗi khi cần phải giúp một người tín hữu đang trong tình trạng nguy tử (đ. 1338 §2, đ. 1335)

12. Những biện pháp hình sự và việc sám hối

Điều 1339 nói đến hai biện pháp “cảnh cáo” (warning) và “khiển trách” (rebuke). Bề Trên cảnh cáo để họ dừng lại việc họ đang toan tính hoặc cảnh cáo họ từ bỏ sự cố chấp. Cảnh cáo bằng văn thư là điều kiện hữu hiệu cho việc tuyên kết (đ. 1347). Nhà lập pháp đòi hỏi Bề Trên Dòng tu phải cảnh cáo tu sĩ hai lần trước khi tiến hành thủ tục trục xuất (đ. 697). Bề trên khiển trách đương sự để họ thấy hạnh kiểm của họ gây ra gương xấu và xáo trộn trật tự trầm trọng. Theo sự khôn ngoan của mình, Đấng Bản Quyền có thể thêm những việc sám hối vào dược hình cảnh cáo và khiển trách thay vì đưa ra cách hình phạt nặng hơn vì phạm nhân đáng được khoan hồng (đ. 1324 §1; 1328 §2) hay đã hối cải (đ. 1343)

Lm. Nguyễn Tất Thắng OP