Tính pháp lý và mục vụ của bổn phận cổ võ ơn gọi linh mục và tu sĩ

19/05/2018
3002
Nhiều vấn đề liên quan đến ơn gọi linh mục và tu sĩ đã được bàn từ lâu và khá nhiều trong Giáo Hội[1], trong đó bổn phận cổ võ ơn gọi thường được nhấn mạnh trong nhiều văn kiện như của công đồng Vaticanô II, những sứ điệp ơn gọi hàng năm của các Đức Giáo Hoàng, Tông huấn Pastores Dabo Vobis [=PDV] (1992) của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Bộ Giáo luật 1983, Huấn thị Xuất phát lại từ Đức Kitô (2002) của Bộ đời sống thánh hiến và hiệp hội đời sống tông đồ, Tông huấn Evangelii Gaudium (2014) của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, tông thư Năm đời sống thánh hiến (2015) cũng của Ngài, sứ điệp ngày thế giới cầu nguyện cho ơn gọi nếu tính đến năm 2016 đã là lần thứ 53…

 
 
                             TÍNH PHÁP LÝ VÀ MỤC VỤ CỦA BỔN PHẬN CỔ VÕ ƠN GỌI LINH MỤC VÀ TU SĨ 
 


Trong bài này chúng ta chỉ xét đơn giản bổn phận cổ võ ơn gọi theo khía cạnh pháp lý và mục vụ. Bổn phận cổ võ ơn thiên triệu thực sự không đơn thuần chỉ là một lời khuyên thông thường nhưng cần nhìn chúng theo nhãn quan là một bổn phận có tính pháp lý theo giáo luật 1983 và theo luật riêng (hiến chương, hiến pháp của một số Hội Dòng). Với nhãn quan đó, mỗi người tín hữu phải lo việc cổ võ ơn gọi theo từng bậc sống của mình. Đặc biệt, trong hoàn cảnh nhiều khó khăn và thách đố hôm nay, các giáo xứ càng ra sức tìm những giải pháp khả thi và hiệu quả thực thi bổn phận này.


I. KHÍA CẠNH PHÁP LÝ CỦA BỔN PHẬN CỔ VÕ ƠN GỌI LINH MỤC VÀ TU SĨ

Giáo luật điều 233§1 minh định rằng «toàn thể cộng đồng Kitô giáo có bổn phận phải cổ động các ơn gọi để đáp ứng đủ những nhu cầu của thừa tác vụ thánh trong toàn thể Giáo Hội; bổn phận này bó buộc cách riêng các gia đình Kitô giáo, các nhà giáo dục, và đặc biệt là các tư tế, nhất là các cha sở. Các Giám mục giáo phận là những người quan tâm hơn cả về việc cổ động các ơn gọi, phải dạy cho giáo dân của mình biết tầm quan trọng của thừa tác vụ thánh và sự cần thiết của các thừa tác viên có chức thánh trong Giáo Hội, các ngài phải khơi dậy và nâng đỡ những sáng kiến cổ động các ơn gọi, nhất là qua các cơ sở đã được thành lập nhằm mục đích ấy».

Điều 385 còn nói rõ «Giám mục giáo phận phải hết sức cổ võ các ơn gọi cho các tác vụ khác nhau và cho đời thánh hiến, đặc biệt quan tâm đến các ơn gọi tư tế và thừa sai».

Những khoản luật nói trên đã đúc kết tinh thần của công đồng Vaticanô II về việc cổ võ ơn gọi, cách riêng là trong sắc lệnh đào tạo linh mục Optatam Totius [=OT] số 2-3, và sắc lệnh canh tân dòng tu Perfectae Caritatis [=PC] số 24. Ngoài ra còn nhiều khoản luật khác trong bộ giáo luật cũng đề cập vấn đề này[2].

1. Cổ võ ơn gọi là một bổn phận có tính pháp lý

Khi giáo luật điều 233§1 sử dụng cụm từ “bổn phận cổ võ ơn gọi” (officium incumbit fovendarum vocationum), làm chúng ta có thể hiểu rằng đây là chỉ là một lời khuyên. Mà đã là lời khuyên thì không có sự bó buộc nào đó nhất định, bởi vậy ai muốn giữ thì thì giữ không muốn thì thôi. Tuy nhiên theo khoản luật này, việc cổ võ ơn gọi không là một lời khuyên mà là một trách nhiệm có tính pháp lý[3]. Tính pháp lý nói ở đây được hiểu là bổn phận này dựa trên cơ sở pháp luật đã quy định rõ ràng tức là có sự bó buộc do luật định; bổn phận đó có gắn liền với những quyền lợi nhất định và đồng thời bổn phận đó chi phối những người liên hệ do luật ấn định.

a. Trước hết, khi nói bổn phận cổ võ ơn gọi có tính pháp lý chúng ta cần hiểu rằng nó có sự bó buộc do luật ấn định hay do cơ quan hoặc người có thẩm quyền đặt ra chứ không phải do bất cứ ai. Bổn phận là mối ràng buộc giữa con người với nhau, nhờ đó một người có thể yêu cầu người khác điều gì đó như một sự bắt buộc phải chu toàn vì quyền lợi người khác, trong đó vừa không được cản trở người khác thực hiện quyền của mình vừa phải chu toàn việc người khác yêu cầu[4].

Hạn từ “bổn phận” được dịch từ tiếng latin officium có nguồn gốc từ tiếng efficiere, có nghĩa là một hoạt động, hành động phải thực hiện vì người khác. Hạn từ bổn phận để chỉ về một hành vi hay một sự từ khước điều gì đó do luật quy định[5]. Bổn phận cổ võ ơn gọi đã được luật chung và luật riêng cũng như một số văn bản có tính pháp lý khác của Giáo Hội xác định. Thật vậy, Giáo luật quy định rõ ràng về bổn phận này trong một số khoản luật, ví dụ tại các điều 215; 233; 256; 385; 574;… Bổn phận nầy đã được đề cập trong nhiều văn kiện công đồng Vaticanô như Optatam Totius số 2-3; Perfectae Caritatis số 24[6]; cũng như trong những văn kiện hướng dẫn thi hành như Tông huấn Pastores Dabo Vobis số 41, Huấn thị (instructio[7]) Xuất phát lại từ Đức Kitô số 16-17, hoặc mới đây nhất là Tông thư năm đời sống Thánh Hiến 2015 của Đức Giáo Hoàng Phanxicô (số II.1). Trong hầu hết hiến pháp (hiến chương) của Hội dòng sống đời thánh hiến đều nói về bổn phận nầy. Ví dụ Hiến chương Hội Dòng Mến Thánh Gia Qui Nhơn điều 78; hiến pháp Dòng Maria Nữ Vương Hòa Bình giáo phận Ban Mê Thuột, điều 90; Hiến Chương Dòng nữ Tỳ Chúa Giêsu Tình Thương giáo phận Qui Nhơn điều 134; Hiến pháp Dòng Phan sinh Thừa sai Đức Mẹ điều 101 và điều 34 Qui luật bổ túc của Dòng dựa trên hiến pháp cũ…

b. Tiếp đến, bổn phận cổ võ ơn gọi có tính pháp lý vì nó gắn liền với những quyền lợi nhất định. Giữa quyền lợi và bổn phận có mối tương quan chặt chẽ và không tách rời. Mỗi quyền lợi đều ám chỉ một bổn phận hay nghĩa vụ tương ứng kèm theo và ngược lại[8]. Quyền lợi gắn liền với bổn phận cổ võ ơn gọi là gì? Dễ thấy những quyền lợi này nếu hiểu được vai trò, chức năng của hàng giáo sĩ, tu sĩ, giáo dân trong Giáo Hội[9]. Bổn phận cổ võ ơn gọi vừa mang lại lợi ích chung cho Giáo Hội và vừa cho mỗi cá nhân. Đó là một trong những cách để phục vụ dân Chúa, góp phần vào sứ mạng cứu độ của Giáo Hội, đặc biệt là về truyền giáo và nên thánh của mỗi người.

Thật vậy, «ơn gọi linh mục là một ân huệ của Thiên Chúa, ân huệ ấy chắc chắn tạo thành một thiện ích lớn đối với người đầu tiên được trao gởi. thế nhưng đó cũng là một ân huệ dành cho toàn thể Giáo Hội, một thiện ích cho đời sống và sứ vụ của Giáo Hội»[10]. Tương tự, ơn gọi tu sĩ đem lại thiện ích cho sứ vụ vì Nước Trời, vì sự thánh thiện của toàn dân Chúa, vì lợi ích của cộng đoàn hội dòng và cho cá nhân người tu sĩ nữa[11]. Trong bộ giáo luật có nhiều điều đề cập vấn đề này, như điều 1008; và các điều 573- 574.

Những nghĩa vụ và quyền lợi trong Giáo Hội ít nhiều đều nhằm tới salus animarum. Khác với tổ chức xã hội, đối với Giáo Hội đó là một nguyên tắc tối thượng[12], là công ích của Giáo Hội. Trong Giáo Hội, quyền lợi và bổn phận là những phương tiện để đạt tới mục đích nầy, trong đó bổn phận cổ võ ơn gọi linh mục và tu sĩ không phải là một ngoại lệ. Ở đây chúng ta cũng thấy mối liên hệ giữa công ích của Giáo Hội với quyền lợi cá nhân, tức là phần rỗi các linh hồn.

c. Sau nữa, tính pháp lý của bổn phận cổ võ ơn gọi linh mục và tu sĩ ở chỗ nó chi phối đến những người do luật ấn định phải giữ. Đó là các gia đình trong đó đặc biệt là các bậc cha mẹ, rồi đến các nhà giáo dục, các linh mục, nhất là cha xứ và Giám mục giáo phận (đ. 233). Nói chung mọi thành phần dân Chúa đều có bổn phận cổ võ ơn gọi và trong nhiều văn kiện khác của Giáo Hội đều đề cập vấn đề này[13].

2. Cổ võ ơn gọi là bổn phận của mọi tín hữu

Nội dung điều 233§1 cho thấy trách nhiệm cổ võ ơn gọi là của mọi thành phần dân Chúa và được xây dựng theo cấp độ bậc thang hình kim tự tháp, trong đó có đáy là gia đình Kitô hữu, rồi đến các nhà giáo dục, và cao hơn là các tư tế và đặc biệt là các cha xứ, sau cùng trên đỉnh là Giám mục. Điều nầy cho thấy tiến trình thông thường một ơn gọi bắt đầu từ dưới cơ sở căn bản là gia đình rồi sau đó lớn dần lên qua các cơ sở khác trong Giáo Hội.

Giám Mục: «Trách nhiệm đầu tiên của nền mục vụ hướng về các ơn gọi linh mục, đó là trách nhiệm của Giám mục, Giám mục được mời gọi đích thân đảm nhận trách nhiệm ấy, ngay cả khi Ngài có thể và phải cổ võ những nguồn cộng tác đa dạng… Giám mục phải chăm lo cho chiều kích các ơn gọi luôn luôn hiện diện trong toàn bộ mục vụ bình thường, hơn nữa sao cho chiều kích ấy được hội nhập và được đồng hóa với mục vụ. chính Giám mục có trách nhiệm cổ võ và điều hợp các sáng kiến dị biệt ấy để mưu ích cho các ơn gọi»[14]. Và không chỉ lo ơn gọi linh mục, giáo luật cũng nhắc các Giám Mục cổ võ các ơn gọi khác nhau và cho đời sống thánh hiến[15].

Linh mục: Tiếp đến, là những cộng tác viên của Giám mục, các linh mục cùng với Giám mục của mình «đều liên đới với nhau, và đồng trách nhiệm với nhau trong việc mưu cầu và trong việc thăng tiến các ơn gọi linh mục… “Với tư cách là những nhà giáo dục đức tin, các linh mục có trách nhiệm chăm lo sao cho mỗi Kitô hữu, trong chúa thánh thần, đạt tợi sự triển nở ơn gọi của bản thân mình” (PO số 6)»[16]. Hơn nữa, không chỉ lo ơn gọi linh mục, «các linh mục và các nhà giáo dục Kitô giáo phải hết sức cố gắng để cổ động cho ơn gọi tu dòng được thêm đông, được chọn lựa thận trọng và thích đáng hầu đáp ứng đầy đủ với nhu cầu của Giáo Hội»[17].

Cha xứ: Trong giáo xứ, cha xứ có vai trò đặc biệt nên Giáo luật chỉ đích danh bó buộc cha xứ giữ bổn phẩn cổ võ ơn gọi[18]. Thực vậy, cha xứ thường là người biết các gia đình trong giáo xứ, ngài có thể động viên gia đình trong việc giáo dục và định hướng con đường tu trì cho con cái. Cha xứ thường là người chịu trách nhiệm tổ chức hướng dẫn các phong trào, các hội đoàn và từ nơi đó phát sinh mầm ơn gọi được nuôi dưỡng và phát triển. Giáo Hội tại Việt Nam hiện nay cho thấy ảnh hưởng của cha xứ còn rất lớn đối với đời sống cá nhân và gia đình trong giáo xứ. Do đó, trong giáo xứ có nhiều ơn gọi hay không phần lớn là do cha xứ có chu toàn thực sự tốt bổn phận võ ơn gọi linh mục, tu sĩ hay không.

Nói chung, đối với linh mục, bổn phận cổ võ ơn gọi là «một đòi hỏi không thể thoái thác của đức ái mục tử»[19].

Tu sĩ: Đối với các tu sĩ thì càng phải ý thức bổn phận cổ võ ơn gọi, không chỉ cho hội dòng của mình nhưng còn hướng đến cho toàn thể Giáo Hội[20]. Giáo luật quy định rằng trong hiến pháp mỗi hội dòng phải định những gì cần thiết để đạt mục đích ơn gọi[21].

Giáo xứ - hội đoàn: Giáo xứ trong đó có các hội đoàn phải lo cổ võ ơn gọi xét vì «giáo xứ là nơi các thanh niên tham dự vào đời sống phong phú của mình. Các giáo chức và tất cả những ai, bằng bất cứ cách nào, lo việc giáo dục thiếu nhi và thanh niên, nhất là những hội đoàn công giáo phải chú tâm đào luyện các thanh thiếu niên được ủy thác cho mình để họ có thể nhận ra ơn thiên triệu và sẵn lòng bước theo»[22].

Giáo dân - các nhà giáo dục: «Các tín hữu giáo dân, cách riêng giáo lý viên, những nhà giảng dạy, những nhà giáo dục, những linh động viên của mục vụ cho người trẻ, mỗi người tùy theo tài nguyên và khả năng triêng của mình, đóng một vai trò rất quan trọng trong mục vụ ơn gọi linh mục»[23]. Thật vậy, trong giáo phận và giáo xứ có những nhóm, hội đoàn hay những tổ chức lo cổ võ ơn gọi, các thành viên trong các nhóm ấy cống hiến phần đóng góp bằng cầu nguyện và bằng khổ đau của mình cho những ơn gọi linh mục và tu sĩ, đồng thời nâng đỡ các ơn gọi ấy về tinh thần cũng như vật chất. Các tổ chức giáo dân ấy được nhìn nhận là một môi trường đặc biệt giàu ơn gọi tận hiến và họ có thể đóng góp phần mình vào sự phát triển mục vụ các ơn gọi[24].

Gia đình - cha mẹ: Như trên đã nói, cấp độ quan trọng và nền tảng cho việc cổ võ ơn gọi bắt đầu từ gia đình, trong đó cha mẹ có vai trò đặc biệt. Thật vậy, «các gia đình sống tinh thần đức tin, đức mến và đạo hạnh trở nên như chủng viện tiên khởi»[25]. Các tín hữu phải nhờ gia đình hoạt động để xây dựng Giáo Hội[26] và gia đình buộc tán trợ các ơn gọi thánh[27]. Gia đình, “Giáo hội tại gia” (Lumen Gentium, số 11), luôn cống hiến và còn tiếp tục cống hiến những điều kiện thuận lợi cho sự hình thành các ơn gọi khác nhau trong Giáo Hội[28].

Tóm lại, «bậc sống của những người tuyên khấn các lời khuyên Phúc Âm trong các tu hội như thế thuộc về đời sống và sự thánh thiện của Giáo Hội, do đó phải được mọi người trong Giáo Hội khích lệ và cổ võ»[29]. Như thế, «toàn thể cộng đoàn Kitô hữu có bổn phận cổ võ các ơn thiên triệu, mà trước hết phải tiến hành nghĩa vụ ấy bằng một đời sống Kitô hữu trọn vẹn»[30].

II. KHÍA CẠNH MỤC VỤ CỦA BỔN PHẬN CỔ VÕ ƠN GỌI 

Trong việc thực thi bổn phận cổ võ ơn gọi chúng ta không thể không chú ý đến thực trạng hiện nay. Ngoài những yếu tố từ bên trong, những khuynh hướng nơi mỗi người, chúng ta không thể bỏ qua những ảnh hưởng tiêu cực lẫn tích cực từ môi trường sống hiện nay.

1. Những khó khăn và thách đố

Huấn thị Xuất phát lại từ Đức Kitô số 12 đã nêu ra vài khó khăn đồi với đời sống thánh hiến hôm nay. Những khó khăn có ảnh hưởng rất lớn đến việc cổ võ ơn gọi ngày nay. Chúng ta cần đối diện để có thể chu toàn bổn phận cổ võ ơn gọi cách hiệu quả nhất tùy theo bậc sống của mình.

Khó khăn dễ nhận ra trước hết đó là nhiều hội dòng trên thế giới, số tu sĩ suy giảm và số tu sĩ lớn tuổi nhiều. Tại Việt Nam, thực tế cho thấy ơn gọi vẫn dồi dào, số tu sĩ, linh mục trẻ cũng tăng. Những năm sắp tới không lo lắng về con số tu sĩ, linh mục, nhưng về sau, khi mà các gia đình ngày càng ít con, chỉ 1-2 con, thì khó khăn về con số ơn gọi là điều có thể xảy ra trong tương lai gần[31].

Khó khăn tiếp theo đó là đời sống tu trì hiện nay có lẽ đã không còn được trân trọng đúng mức, nhiều người (trong Giáo Hội lẫn xã hội) dần mất sự tin tưởng vào linh mục, tu sĩ.

Sau nữa, người sống đời thánh hiến hôm nay đang cảm nhận những thách đố của sự tầm thường trong đời sống thiêng liêng, của việc trưởng giả hóa và não trạng tiêu thụ. Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhận định «đời sống thánh hiến đang gặp nhiều khó khăn dưới mọi hình thức: ơn gọi sụt giảm, các thành viên tuổi cao, nhất là tại các nước Tây phương, những vấn đề kinh tế tiếp theo cuộc khủng hoảng tài chánh trầm trọng, những thách đố của việc quốc tế hóa và toàn cầu hóa, những nguy cơ của thuyết tương đối, đời tu bị gạt ra bên lề và không được xã hội trân trọng...»[32].

Con người ngày nay đề cao quá mạnh ý thức về sự tự do, tự trị và chủ thể tính của cá nhân từ đó đưa tới tôn sùng chủ nghĩa cá nhân một cách phi lý. Thật vậy, «chúng ta hôm nay đang thấy nơi nhiều người hoạt động mục vụ, gồm cả những người thánh hiến nam cũng như nữ, một sự quan tâm quá mức về tự do và sự thoải mái của bản thân họ, khiến họ coi công việc của họ như chỉ là một cái gì phụ thuộc chứ không phải một thành phần thuộc căn tính của họ… họ có một lối sống rất cá nhân chủ nghĩa, một sự khủng hoảng căn tính và nhiệt tình trở nên nguội lạnh»[33].

Có thể nói rằng «cuộc khủng hoảng các ơn gọi linh mục có những căn rễ sâu xa trong môi trường văn hoá, trong não trạng và trong cách giữ đạo của các Kitô hữu»[34]. Hiện nay tại Việt Nam đời sống linh mục tu sĩ đang phải đối diện khá nhiều thách đố - khủng hoảng về nhiều mặt[35]: Khủng hoảng về luân lý, khủng hoảng về văn hóa, khủng hoảng về con người. 

2. Một số yếu tố thuận lợi cho việc cổ võ ơn gọi

Nhìn vào con số linh mục, tu sĩ tại Việt Nam hôm nay chúng ta có thể rất lạc quan cho tương lai Giáo Hội tại Việt Nam. Người ta cho rằng ơn gọi linh mục, tu sĩ tại Việt Nam dồi dào hơn so với âu mỹ là nhờ có nhiều yếu tố thuận lợi hơn[36].

Trong thực tế hiện nay linh mục và tu sĩ tại Việt Nam vẫn đang được phần lớn công chúng, cộng đoàn Giáo Hội lẫn xã hội quý trọng, được yêu mến và dành những ưu tiên nào đó nhất định.

Bên cạnh đó, không chỉ bản thân linh mục, Giám mục hay tu sĩ mà gia đình và dòng tộc của họ lấy làm hãnh diện, vinh dự, được nhiều sự quý mến vì có con cháu được như thế. Với suy nghĩ rằng “cha mẹ hiền lành để đức cho con”, nên gia đình có con làm linh mục, Giám mục, tu sĩ, làm bề trên… được coi là “phúc đức” của gia đình, gia tộc.

Mặt khác người đi tu còn có mối quan hệ gia đình linh tông linh tộc, cha bảo trợ, cha xứ hỗ trợ, nâng đỡ về nhiều phương diện.

Một yếu tố khác nữa, đó là hiện nay nhiều gia đình, nhất là gia đình vùng quê, hoặc gia đình làm nghề tự do chứ không làm trong công ty hay công sở nhà nước, nên vẫn có nhiều con. Do đó việc dâng con cho Chúa trong đời sống tu trì vẫn còn khá dồi dào.

Trên đây được coi là những yếu tố thuận lợi trong việc cổ võ và đào tạo ơn gọi tại Việt Nam. Tuy nhiên chúng cũng có thể trở thành những cản trở, vì xét rằng những yếu tố đó trở nên áp lực rất lớn đối với người muốn đi tu.

Cuộc sống luôn có những khó khăn, những thách đố chúng ta có thể gọi chung là những khủng hoảng, tức là hiểu theo nghĩa tích cực và tiêu cực. Nghĩa tiêu cực của khủng hoảng ở chỗ đó là những yếu tố đưa đến sự suy thoái và tan rã, còn theo nghĩa tích cực thì đó là những yếu tố giúp biện phân để đi đến những chọn lựa và thay đổi để đạt tới một sức sống mới, hay nói khác đi là để phát triển và lớn lên[37]. Một khi hiểu như vậy chúng ta thấy những thách đố, hay khủng hoảng cũng vừa là cơ may.

3. Phương thế mục vụ cổ võ ơn gọi 

Dựa vào một số văn kiện của Giáo Hội, chúng ta thấy có những phương thế căn bản sau đây.

a- Cầu nguyện: «Công việc đầu tiên của bất cứ chương trình mục vụ ơn gọi nào cũng luôn luôn là cầu nguyện»[38]. Thât vậy, «trong phẩm vị và trong trách nhiệm làm dân tư tế, Giáo Hội chỉ dẫn cho thấy kinh nguyện và việc cử hành phụng vụ là những nhịp cốt yếu và tiên khởi của mục vụ các ơn gọi… Do đó, điều cần thiết là phải giáo dục các thiếu nhi và thanh niên sao cho họ trung thành với việc cầu nguyện và suy niệm Lời Chúa; trong thinh lặng và đón nghe, họ sẽ có thể nhận ra được lời mời gọi của Chúa tiến đến chức linh mục và mau mắn quảng đại đi theo Ngài»[39].

Tại các giáo xứ, cha xứ cần tìm cách thế thích hợp giới thiệu ơn gọi và cần làm thường xuyên, tuy nhiên cũng có những lúc cần tăng cường mạnh như dịp tĩnh tâm các giới trong giáo xứ, chuẩn bị thêm sức hay dịp chuẩn bị cho các em trong đội giúp lễ[40].

b- Phụng vụ: «Là chóp đỉnh và là nguồn mạch của đời sống Giáo Hội, cách riêng, của mọi kinh nguyện Kitô giáo, phụng vụ cũng chiếm giữ một vai trò cần thiết và một ảnh hưởng đặt biệt trong mục vụ các ơn gọi. Thực ra, phụng vụ tạo thành một kinh nghiệm sống động về ân huệ của Thiên Chúa và một trường học đáng kể cho việc lời mời gọi của Ngài»[41].

c- Rao giảng về ơn gọi: «Cần có một “khoa rao giảng trực tiếp về mầu nhiệm ơn gọi trong Giáo Hội, về giá trị của chức linh mục thừa tác, về sự cần thiết bức bách của chức linh mục thừa tác đối với dân Thiên Chúa»[42]. Và dĩ nhiên là kể cả mọi ơn gọi đời sống thánh hiến nữa.

d- Giáo dục: «Trong công việc giáo dục, với một sự chú tâm đặc biệt, Giáo Hội nhằm khơi dậy nơi các trẻ nhỏ, nơi các thanh thiếu niên niềm khát vọng và ước muốn nối gót Đức Giêsu Kitô trong mọi sự và một cách kề cận… Mỗi người cần được giúp đỡ để lãnh nhận ân huệ được giao phó cho mình một cách cá nhân, với tư cách một ngôi vị độc nhất và bất khả thay thế, và cần được giúp đỡ để lắng nghe những lời mà thần khí Chúa tỏ với mình»[43].

e- Linh hướng và đồng hành: «Các trẻ nhỏ, các thanh thiếu niên phải được mời gọi khám phá và đánh giá ơn được ban là việc linh hướng, truy tầm ơn ấy, thực tập ơn ấy, yêu cầu ơn ấy, bằng một thái độ tha thiết và tin cậy, nơi các vị giáo dục mình trong đức tin. Về phía mình, các linh mục phải là những người tiên phong cống hiến thời giờ và năng lực cho công trình giáo dục và trợ giúp thiêng liêng cho từng cá nhân: ước chi các linh mục đừng bao giờ hối tiếc vì đã coi thường hoặc đã để vuột mất sang hàng thứ yếu nhiều điều khác, ngay cả những điều đẹp đẽ và hữu ích, nếu như là việc không thể tránh khỏi để vẫn tiếp tục tin vào thừa tác vụ của mình là cộng tác với thần khí hầu soi sáng và hướng dẫn những ai được mời gọi»[44].

Tiếp cận và đồng hành với các mầm ơn gọi cách khoa học và bài bản sẽ giúp chúng ta thành công làm cho ơn gọi phát triển vững chắc, mạnh mẽ. Điều nầy đòi hỏi phải có “nghệ thuật đồng hành” như Đức Thánh Cha Phanxicô đã mời gọi chúng ta trong tông huấn Evangelii Gaudium[45].

f- Tập phục vụ - tự nguyện dấn thân: «Công việc phục vụ tình yêu là hướng đi cơ bản của mọi ơn gọi[46]». «Chính vì thế, một nền chính hiệu về ơn gọi sẽ không bao giờ nản chí trong việc giáo dục các trẻ nhỏ, các thanh thiếu niên về khát vọng dấn thân, về ý nghĩa của việc phục vụ nhưng không, về giá trị của hy sinh, về sự trao hiến chính mình một cách vô điều kiện»[47].

Xây dựng và củng cố và khích lệ những phong trào tự nguyện do động lực Tin mừng vì chúng ngày càng thu hút nhiều người trẻ, nhờ đó sẽ «giúp giáo dục những người trẻ biết phân định các nhu cầu, giúp họ mỗi ngày một sống tận tụy và trung thành, giúp họ sẵn sàng đón nhận khi cần kíp cuộc dấn thân dứt khoát trong đời tận hiến, lấy việc cầu nguyện làm lương thực. Tự nguyện như thế sẽ đỡ nâng cách chắc chắn hơn một cuộc đời dấn thân vô vị lợi và nhưng không, và sẽ làm cho người nào đeo đuổi cuộc đời ấy trở nên bén nhạy hơn đối với tiếng nói của Thiên Chúa…»[48].

g- Gặp gỡ - giới thiệu: «Các cộng đoàn cần tiếp đón và chia sẻ lý tưởng đời sống với những người trẻ, để cho họ bị thách thức bởi những đòi hỏi của sự chân thực và tự nguyện chấp nhận»[49]. Dĩ nhiên, không chỉ cộng đoàn nhưng mỗi cá nhân, linh mục và tu sĩ đều có những cơ hội để gặp gỡ, giới thiệu Chúa và ơn gọi thánh hiến cho những người trẻ, nhất là qua đời sống gương mẫu và hiện diện của mình trong cuộc sống.

h- Hiện diện và đời sống gương mẫu: «Sự hiện diện tích cực của những người thánh hiến sẽ giúp các cộng đoàn Kitô hữu trở nên những phòng thí nghiệm của đức tin, nơi tìm kiếm, suy tư và gặp gỡ, hiệp thông và hoạt động tông đồ, trong đó mỗi người cảm thấy mình tham gia vào việc xây dựng Nước Thiên Chúa. Bằng cách đó, sẽ làm phát sinh bầu khí đặc trưng của Giáo hội như là một gia đình, một môi trường thuận tiện cho sự hiểu biết hỗ tương, chia sẻ và thấm nhiễm các giá trị vốn là cội rễ của các chọn lựa dâng hiến trọn đời vì sự nghiệp Nước Thiên Chúa»[50].

Cũng vậy, «mọi linh mục phải hết sức nêu cao lòng nhiệt thành tông đồ để khích lệ các ơn thiên triệu và lôi cuốn tâm hồn các thanh thiếu niên đến chức linh mục, bằng chính đời sống cá nhân khiêm nhượng, cần mẫn, vui tươi, cũng như bằng tình tương thân tương ái và cộng tác huynh đệ giữa các linh mục»[51]. «Lịch sử của Giáo Hội và lịch sử của biết bao ơn gọi linh mục, được nở rộ ngay cả vào lúc tuổi thơ, là một chứng cớ hùng hồn cho tính chất của việc sống kề cận với linh mục và của việc nghe lời linh mục nói: không những lời nói nhưng còn là sự kề cận, nghĩa là một chứng từ cụ thể, vui tươi, có khả năng làm trổi hiện những vấn nạn và dẫn đến những quyết định dứt khoát»[52].

Như thế, «mục vụ ơn gọi đòi hỏi phát huy các phương thức gặp gỡ mới mẻ và sâu sát; trao ban một chứng tá sống động về các nét đặc trưng của việc đi theo Đức Giêsu và của sự thánh thiện…»[53].

III. VÀI GỢI Ý – ĐỀ NGHỊ 

Trước những khó khăn và thách đố hiện nay chúng ta cần ý thức rằng: «Điều khẩn thiết là mục vụ về các ơn gọi của Giáo Hội phải dứt khoát và ưu tiên chăm lo tái lập “não trạng Kitô giáo”, phát sinh từ đức tin và được đức tin nâng đỡ. Hơn bao giờ, hết, công cuộc phúc âm hoá hệ tại chỗ trình bày một cách không nhàm chán khuôn mặt thật của Thiên Chúa là Cha Đấng trong Đức Giêsu Kitô, kêu gọi mỗi người chúng ta, đồng thời trình bày ý nghĩa chính hiệu của tụ do nhân linh, xét như là nguyên lý và là sức mạnh của sự trao hiến chính mình một cách có trách nhiệm. Chỉ bằng cách đó mới có thể thiết lập được những nền tảng cần thiết để cho mọi ơn gọi, kể cả ơn gọi linh mục, có thể được cảm nhận trong chân lý của nó, được quí mến trong vẻ đẹp của nó,và được sống với lòng tận tụy hoàn toàn và với niềm vui sâu xa»[54].

Theo chỉ dẫn chung trên đây, chúng ta có thể uyển chuyển để áp dụng những phương thế thích hợp với hoàn cảnh thực tế nơi giáo xứ hay các cộng đoàn tu trì trong việc cổ võ ơn gọi.

1. Học hỏi - chia sẻ lẫn nhau 

Trong giáo phận, giữa ban giáo sĩ - chủng sinh và ban tu sĩ, cách riêng giữa các hội dòng cần có sự hỗ trợ và hiểu biết lẫn nhau về nhiều mặt. Trong thực tế, có nhiều linh mục giới thiệu ơn gọi cho các hội dòng nữ và ngược lại cũng có nhiều nữ tu giới thiệu ơn gọi cho chủng viện hay Dòng nam. Ở đây, cần có sự đồng bộ và một chương trình chung để đạt hiệu quả cao, tránh “đèn nhà ai nhà nấy rạng”.

Việc chọn lựa bậc sống là quyền của người tín hữu mà chúng ta phải tôn trọng[55]. Chúng ta liên đới để thể chu toàn bổn phận cổ võ ơn gọi cho toàn Giáo Hội chứ không chỉ cho chủng viện hay hội dòng nào đó mà thôi. Đây cũng là điều trong hiến pháp của nhiều Hội dòng đã quy định, nhưng trong thực tế lại chưa thể hiện rõ nét và đôi khi có thể xảy ra tình trạng tranh cạnh ngầm, giành giật, lôi kéo ơn gọi giữa các dòng.

2. Hội đoàn cổ võ ơn gọi và phối hợp giữa các hội đoàn

Giáo Hội cần có một tổ chức chính thức hay hội đoàn chuyên lo việc cổ võ ơn gọi. Đó cũng là quyền của giáo dân như giáo luật minh định. «Các Kitô hữu có trọn quyền thành lập và điều hành các hiệp hội nhằm mục đích từ thiện hoặc đạo đức, hoặc nhằm cổ vũ ơn gọi Kitô trong thế giới, họ cũng được trọn quyền tự do hội họp để cùng nhau theo đuổi các mục đích đó»[56]. Tổ chức hay hội đoàn này cũng có thể cổ động tài chính để hỗ trợ ơn gọi lâu dài.

Nơi nào chưa có hội đoàn cổ võ ơn gọi tu trì có thể kêu mời các hội đoàn và tổ chức khác nhau trong giáo phận và từng giáo xứ cùng nhau tham gia chương trình chung: như tổ chức những ngày hay buổi cầu nguyện, giờ thánh - chầu Thánh thể cho ơn gọi, cùng nhau dâng những thánh lễ đặc biệt cầu nguyện cho ơn gọi hay tổ chức phổ biến, học hỏi về các ơn gọi tu trì, về chủng viện và các hội dòng và trong và ngoài giáo phận, đóng góp tiền của…

3. Thành lập và duy trì nhóm tìm hiểu ơn gọi

Nhóm này có thể được xây dựng từ đội giúp lễ hay hay các ca đoàn trong giáo xứ. Có thể gia đình các em và bản thân các em này đã có những ý hướng muốn dâng mình cho Chúa trong đời sống tu trì nên mới vào đội giúp lễ hay ca đoàn của giáo xứ. Các em này ở trong môi trường thuận lợi cho ơn gọi hình thành và phát triển vì được tham dự thánh lễ thường xuyên qua việc giúp lễ hay tham gia ca đoàn cũng như những sinh hoạt khác của giáo xứ và tập làm quen với công việc trong tinh thần phục vụ dấn thân vô vị lợi.

Để duy trì tốt nhóm tìm hiểu ơn gọi, cũng cần đến những phương thế đã nêu trên đây: tĩnh tâm cầu nguyện, có người đồng hành thích hợp với những đức tính cần thiết và “nghệ thuật đồng hành”, tạo cơ hội cho nhóm có những dịp để phục vụ - tự nguyện dấn thân, cần hỗ trợ vật chất cho các em được học hành, kể cả bậc đại học trở lên hay cơ hội phát triển những năng khiếu,…

Những nhóm này cần được hỗ trợ tích cực từ phía cha xứ, gia đình, các hội đoàn và những cá nhân nhất là các đại chủng sinh, các linh mục và nữ tu. Thật vậy, «các nhóm này sẽ có thể, trong một bối cảnh cộng đồng, cung cấp những điều kiện thuận lợi cho sự xác quyết và sự tăng trưởng ơn gọi. Vẫn sống trong gia đình mình, đồng thời thường xuyên lui tới với cộng đoàn Kitô hữu để được giúp đỡ trong tiến trình đào tạo, các thiếu niên và thanh niên này không thể bị bỏ mặc đơn độc. Họ cần đến một nhóm riêng rẽ hoặc một cộng đoàn làm nơi quy tụ, để có thể cậy dựa vào đó mà hoàn thành hành trình ơn gọi mà ơn huệ của Chúa Thánh Thần đã khởi xướng nơi họ»[57].

Mỗi hội dòng thường có một ban chuyên lo về ơn gọi, phân công cụ thể người đặc trách, xác định chương trình giáo dục, hướng dẫn, cơ sở tiếp nhận, những hoạt động hay hỗ trợ vật chất và tinh thần nhằm thu hút và nuôi dưỡng mầm ơn gọi[58]. Đó là điều tốt, nhưng cần tránh gây áp lực vô hình với các em vì «các ơn gọi mới đến gõ cửa đời sống thánh hiến thì rất đa dạng nên đòi hỏi phải có một sự quan tâm riêng và các cách thức khả dĩ đáp ứng hoàn cảnh cụ thể về nhân bản, thiêng liêng và văn hoá. Vì thế, cần có một sự biện phân thanh thản, không ràng buộc bởi các cám dỗ về số lượng hay hiệu năng, để xác minh tính xác thực của ơn gọi và sự trong sáng của động cơ dưới ánh sáng của đức tin và những mâu thuẫn có thể xảy ra»[59].

4. Lưu ý việc cổ võ ơn gọi online

Có lẽ ai trong chúng ta đều thừa nhận rằng các phương tiện truyền thông hiện nay có ảnh hưởng và đem lại ích lợi rất lớn đến cá nhân và đời sống xã hội. Ngày nay nối kết internet ngày càng phổ biến, dễ dàng với tốc độ ngày càng lớn hơn và có khắp nơi kể cả vùng sâu vùng xa hay trên những chuyến bay dài. Thế giới chúng ta đang sống, nhất là giới trẻ hôm nay thường dựa vào kỹ thuật truyền thông để khẳng định sự tồn tại của mình, trở thành “công dân kỹ thuật số” hay “cư dân mạng” là điều bình thường. Nhiều nơi đã áp dụng hình thức “cổ võ ơn gọi tu trì online” và nhờ đó đem lại hiệu quả đôi khi bất ngờ[60].

Một trong những khó khăn của hình thức này là nhân sự quản trị web, vấn đề bảo mật và những cộng tác viên viết bài. Cần tận dụng và mạnh dạn sử dụng nguồn nhân sự và cơ sở vật chất có sẵn nơi các giáo xứ, trong các cộng đoàn hội dòng, nếu cần mời sự cộng tác của người giáo dân có kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm trong lĩnh vực truyền thông.

Chúng ta cần thận trọng bởi vì dù «các hội dòng được phép tuyên truyền cho dòng mình để cổ võ ơn kêu gọi và tìm các ứng sinh, nhưng phải hành động với sự khôn ngoan cần thiết và tuân giữ những tiêu chuẩn do Tòa Thánh và các Ðấng Bản Quyền đã ban hành»[61].

Hơn nữa, lưu ý rằng sử dụng phương tiện truyền thông để hỗ trợ chứ không phải thay thế hay quyết định đối với một ơn gọi tu trì. Giáo luật đã nhắc nhở những nguy hại của việc lạm dụng này. «Trong việc sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội, phải giữ sự phán đoán cần thiết và phải tránh những gì có hại cho ơn gọi riêng và nguy hiểm cho đức khiết tịnh của một người đã được thánh hiến»[62].

5. Đời sống gương mẫu của linh mục và tu sĩ

Phải nói rằng, dưới ánh mắt trẻ em thì nhiều vị linh mục, tu sĩ nam nữ là thần tượng của chúng. Nếu các linh mục và tu sĩ sống hết mực gương mẫu thì thần tượng đó lưu lại nơi các em lâu dài và có ảnh hưởng đến chọn lựa tương lai. Thật vậy, «các tu sĩ hãy nhớ rằng: gương sáng của đời sống cá nhân mới là lời giới thiệu hùng hồn nhất cho hội dòng mình và là lời mời gọi sống đời tu dòng hữu hiệu hơn hết»[63]. Cũng vậy, «các thừa tác viên có chức thánh đóng vai trò hết sức quan trọng bằng chứng từ đức tin và đời sống của mình. Rõ ràng, chính ý thức sâu xa về căn tính của mình, sự nhất quán trong đời sống, niềm vui trong sáng và nhiệt tình truyền giáo của các ngài tạo nên bao yếu tố hét sức cần thiết trong việc mục vụ ơn gọi,… biểu hiện vui tươi gắn bó với mầu nhiệm Chúa Kitô, thái độ cần nguyện, sự chu đáo và sốt sắng của linh mục khi cử hành bí tích thánh thể và các bí tích, sẽ tỏa chiếu ánh sáng và thu hút giới trẻ»[64].

Đối với cá nhân linh mục, người ta thường nói, sự thành công trong cuộc đời của một linh mục được đánh dấu bằng ba việc: thứ nhất, viết được một cuốn sách, thứ hai là xây được một nhà thờ, và thứ ba là hướng dẫn được một người con tinh thần làm tu sĩ hay làm linh mục. Điều nầy có thể gây ra nhiều ý kiến khác nhau, nhưng điều thứ ba, chính cuốn “Chỉ nam linh mục năm 2013” của Bộ giáo sĩ nói rõ ràng: «Mỗi linh mục, với ơn trợ giúp của Chúa Thánh Thần, phải lo khơi dậy ít nữa là một ơn gọi linh mục, nhằm có thể tiếp nối tác vụ của mình để phục vụ Thiên Chúa và mưu ích cho nhân loại»[65].

Trong giáo phận Qui Nhơn trước đây, một trong những điều kiện để thu nhận tiểu chủng sinh là: «Gia tư túc dụng. Nếu nhà nghèo, trẻ phải có một linh mục bảo trợ»[66]. Thiết nghĩ hoàn cảnh xã hội ngày nay dù có thay đổi và mức sống khá hơn trước tuy nhiên vẫn còn nhiều em sống nghèo về vật chất lẫn tinh thần đang khao khát được dâng mình cho Chúa trong đời sống tu trì. Nếu được quan tâm giúp đỡ vật chất và hướng dẫn tâm linh tới nơi tới chốn thì những mầm ơn gọi này phát triển rất tốt. Tuy nhiên cần tế nhị và tránh gây áp lực đối với các em có hoàn cảnh như thế.

KẾT LUẬN

Chúng ta biết rằng ơn gọi xuất phát từ Chúa và là ơn Chúa ban cho Giáo Hội. Mọi thành phần dân Chúa đều có bổn phận cổ võ ơn gọi linh mục và tu sĩ. Đối với linh mục và tu sĩ thì càng đòi hỏi thực thi bổn phận này thấu đáo chiếu theo giáo luật và luật riêng của hội dòng. Rõ ràng đây là một bổn phận có tính pháp lý và chi phối đặc biệt những người có trách nhiệm như cha mẹ, linh mục và tu sĩ, cách riêng Giám mục giáo phận và cha xứ được giáo luật chỉ đích danh.

Các phương thế cổ võ ơn gọi được nhiều văn kiện của Giáo Hội đề nghị và thực tế đã có nhiều sáng kiến rất hay từ những Giáo Hội địa phương, từ các giáo xứ, các hội dòng. Những sáng kiến đó cần được học hỏi và chia sẻ để áp dụng cho thích hợp. Trong hoàn cảnh nhiều khó khăn và thách đố hiện nay, muốn được nhiều ơn gọi có phẩm chất để sau này trở nên những “mục tử như lòng Chúa mong ước” và những tu sĩ thánh thiện, ngoài đời sống gương mẫu cá nhân, Giáo Hội phải đầu tư rất nhiều và cần sự cộng tác của các giáo xứ, giáo hạt, giáo phận, các hội dòng, các bậc cha mẹ, các thầy cô giáo, các giáo lý viên, các nhà giáo dục, các nhà hảo tâm, những người thiện nguyện, các linh mục, tu sĩ nam nữ…

Việc cổ võ ơn gọi linh mục, tu sĩ cần phải được quan tâm và “đầu tư” thích đáng hơn về thời giờ, tiền bạc, nhân sự với bao hy sinh để khơi dậy, nuôi dưỡng mầm ơn gọi. Việc này cần kiên nhẫn vì «trong thời đại vội vã như chúng ta hiện nay, hơn bao giờ hết cần có sự kiên trì và nhẫn nại chờ đợi để thực hiện mục tiêu của việc huấn luyện. Trong những hoàn cảnh mà sự nhanh chóng và nông cạn chiếm ưu thế, thì chúng ta cần có sự thanh thản và thâm trầm, vì trên thực tế con người được hình thành rất chậm»[67]. Điều này càng chính xác hơn đối với việc hình thành một ơn gọi linh mục và tu sĩ vì đó còn là một huyền nhiệm.

Ơn gọi là ơn Chúa, nên không thể tính toán đầu tư để sinh lợi theo kiểu trần thế, người tín hữu chu toàn bổn phận cổ võ ơn gọi của mình với xác tín rằng «kẻ trồng người tưới.. Thiên Chúa làm cho lớn lên» (1 Cr 3,7). Cách riêng người linh mục, tu sĩ, nhiệt thành chu toàn bổn phận cổ võ ơn không phải chỉ vì bó buộc pháp lý mà còn vì họ đã hưởng nhiều ơn lành nhưng không của Chúa và của những bậc tiền nhân đi trước. Ngày nay đã và đang có nhiều vị Giám mục, linh mục và tu sĩ quảng đại “đầu tư” gieo mầm ơn gọi và phó thác trong tay Chúa là cha nhân hậu, Đấng cho mặt trời chiếu soi và cho mưa rơi xuống trên kẻ lành người dữ (x. Mt 5,45), sẽ làm cho hạt nảy mầm, lớn lên, và hy vọng rồi sẽ có “vụ mùa chất lượng”, trong lành không nhiễm độc được tiếp tục cung cấp cho cánh đồng truyền giáo mênh mông của Giáo Hội.
 
Linh mục Giuse Huỳnh Văn Sỹ
_____________________
[1] Xem MAURICE VIDAL, “De l’usage du terme “vocation“, trong Théologie de la vocation, Colloque de l’Institut Catholique de Paris (février 2001), Revue “Jeunes et Vocations”, 3e trimestre, số 102, tr 43-50 (Lm. Phêrô Võ Xuân Tiến chuyển ngữ). Cách riêng, trong tông huấn Pastores Dabo Vobis, ở chương IV trình bày vắn gọn nhưng súc tích về bản chất, nguồn gốc, ý nghĩa, trách nhiệm liên quan đến ơn gọi, đặc biệt xem số 34-37.
[2] Ví dụ, GL các điều 215; 217; 234; 385; 387; 574; 587; 791…
[3] Xem. P. V. Pinto (a cura di) Commento al codice di diritto canonico, Città del Vaticano 2001, tr. 143-144.
[4] R. M. Pizzorni, Filosofia del diritto, Roma 1971, 42-43.
[5] R. M. Pizzorni, Filosofia del diritto, Roma 1971, 43.
[6] Người ta nhận thấy rằng trong 16 văn kiện của công đồng Vaticanô II thì chỉ có hai văn kiện không nói đến tu sĩ đó là tuyên ngôn về liên lạc của Giáo hội với các tôn giáo ngoài Kitô giáo, Nostra Aetatae và tuyên ngôn về tự do tôn giáo Dignitatis Huamnae.
[7] Để hiểu tính chất pháp lý của Huấn thị, xem GL điều 34.
[8] Điều nầy cũng được bộ giáo luật nhấn mạnh trong quyển II, đề mục I và II, trong đó cả hai hạn từ nghĩa vụ và bổn phận được dùng trong tương quan với quyền lợi. Xem G. Aranha, The mission of the family in the Church in the light of can. 226§1, Roma 2002, 121-122. Trong quyển I giáo luật, đề mục I có tựa đề: “nghĩa vụ và quyền lợi của mọi Kitô hữu” và đề mục 2: “Nghĩa vụ và quyền lợi của giáo dân”, (obligationibus et iuribus). Tuy nhiên cả hai hạn từ nghĩa vụ và bổn phận (obligatio và officium) đều được sử dụng. Hạn từ nghĩa vụ và bổn phận có thể được coi gần như đồng nghĩa với nhau, dù giữa chúng có sự khác biệt về ý nghĩa, tùy thuộc văn mạch sử dụng khác nhau. Xem R. Guastini, «Dovere giuridico», trong Enciclopedia giuridica, Roma 1989, vol. XII, 1-7; e «Obbligo», trong Enciclopedia giuridica, Roma 1990, vol. 31,1-6.
[9] Để hiểu vấn đề này, có thể tham khảo một số khoản luật trong Bộ giáo luật, Quyển II: Dân Thiên Chúa, đặc biệt các điều từ 204-223; 224-231 và 273-289.
[10] GIOAN PHAOLÔ II, tông huấn Pastores Dabo Vobis, 25.3.1992, số 41.
[11] Xem BỘ ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN VÀ HIỆP HỘI ĐỜI SỐNG TÔNG ĐỒ, Huấn thị Xuất phát lại từ Đức Kitô, (19.5.2002), số 7 đến 10.
[12] Xem GL điều 1752.
[13] Xem GL các điều 204; 215; 226; 233; 385; 791…; một số văn kiện công đồng như sắc lệnh Optatam Totius số 2; PC số 24; Tông huấn PDV số 41; Huấn thị Xuất phát lại từ Đức Kitô, số 16-17; GIOAN PHAOLÔ II, Tông huấn Familiaris consortio (22.11.981), số 66.
[14] PDV số 41.
[15] Xem GL điều 385.
[16] PDV số 41; Presbyterorum Orrdinis số 11.
[17] PC số 24.
[18] GL điều 233.
[19] PDV số 74.
[20] Xem PC số 24, và Huấn thị Xuất phát lại từ Đức Kitô, số 16.
[21] Xem GL điều 670.
[22] OT số 2.
[23] PDV số 41
[24] Xem PDV số 41 và xem thêm chỉ dẫn cụ thể vai trò cổ võ ơn gọi của giáo xứ, hội đoàn, nhóm người trẻ, hiệp hội…trong PDV số 68.
[25] OT số 2.
[26] GL điều 226.
[27] GL điều 233§1.
[28] PDV số 41. Về tầm quan trọng và vai trò giáo dục của gia đình, xem Tông huấn Familiaris Consortio số 36-39.
[29] Giáo luật điều 574§1.
[30] OT số 2.
[31] Đó cũng là nhận định cúa Đức Cha Phêrô Nguyễn Soạn và Đức Cha Matthêô Nguyễn Văn Khôi đối với ơn gọi linh mục và tu sĩ trong giáo phận Qui Nhơn. Xem Thư hai Đức Giám Mục giáo phận Qui Nhơn gởi các linh mục, tu sĩ nam nữ, chủng sinh và anh chị em tín hữu giáo phận Qui Nhơn nhân ngày cầu nguyện cho ơn thiên triệu linh mục và tu sĩ, 05.05.2011, trong Bản Thông Tin giáo phận Qui Nhơn số 157, tháng 5. 2011, tr. 376.
[32] PHANXICÔ, Tông thư Năm đời sống Thánh hiến (21.11.2014), số I,3.
[33] PHANXICÔ Evangelii Gaudium, số 78
[34] PDV số 37.
[35] Xem F.x VŨ PHAN LONG, Tu sĩ trẻ Việt Nam những thách đố và những cơ may, trong Hiệp Thông, Bản tin của HĐGM Việt Nam, số 88 (tháng 5&6 năm 2015), tr. 72-84.
[36] Xem HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM, Đào tạo linh mục, định hướng và chỉ dẫn (gọi tắt là Ratio). NXB Tôn Giáo, 2012. tr. 61-63.
[37] Xem F.X VŨ PHAN LONG, Tu sĩ trẻ Việt nam những thách đố và những cơ may, trong Hiệp Thông, Bản tin của HĐGM Việt Nam, số 88 (tháng 5&6 năm 2015), tr. 84.
[38] Huấn thị Xuất phát lại từ Đức Kitô, số 16.
[39] PDV số 38.
[40] BỘ Giáo Sĩ, Kim chỉ nam về tác vụ và đời sống linh mục 2013, số 43.
[41] PDV số 38.
[42] PDV số 39.
[43] PDV số 40.
[44] PDV số 40
[45] Xem PHANXICÔ, Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng, Evangelii Gaudium, số 169, 170… (=Evangelii Gaudium). Về vấn đề “nghệ thuật đồng hành theo tông huấn Evangelii Gaudium”, mời xem bài “Canh tân đời sống kỷ luật và nghệ thuật đồng hành” của Lm. Huỳnh Văn Sỹ, trong cuốn “Evangelii Gaudium - niềm vui Tin Mừng, một Hội Thánh mở cửa, khóa thường huấn linh mục giáo phận Qui Nhơn năm 2014, tr. 62-96.
[46] PDV số 40.
[47] PDV số 40
[48] PDV số 40
[49] Huấn thị Xuất phát lại từ Đức Kitô, số 16.
[50] Huấn thị Xuất phát lại từ Đức Kitô, số 16.
[51] OT số 2.
[52] PDV số 39.
[53] Huấn thị Xuất phát lại từ Đức Kitô, số 17.
[54] PDV số 37.
[55] GL điều 219; 574. Điều này cũng được thể hiện nơi giáo luật điều 684 về việc chuyển dòng. Trong đó lý do chuyển dòng có thể vì đương sự ước ao một đời sống tu trì nhiệm nhặt hơn hoặc thích hợp hơn với ý hướng và khả năng của mình, lý do chuyển dòng cũng có thể do những khó khăn trong việc giữ quy luật dòng nào đó hay cũng có thể do yếu tố luân lý và môi trường… Người có trách nhiệm phải tôn trọng ý muốn chuyển dòng và không nên loại trừ họ.
[56] GL điều 215.
[57] PDV số 64.
[58] Ví dụ, xem Hiến Chương Hội Dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn, điều 78§2. Hiến Pháp Dòng Đức Maria Nữ Vương Hòa Bình giáo phận Ban Mê Thuột, điều 90§2 quy định cụ thể hơn, đó là nơi mỗi cộng đoàn, chị em:
a. Thao thức, nỗ lực tìm kiếm và nâng đỡ ơn gọi.
b. Niềm nở đón tiếp các em cảm tình viên.
c. Khích lệ các em học giáo lý, đọc Kinh Thánh, học văn hóa, học nghề, tham gia vào các sinh hoạt giáo xứ.
d. Hướng dẫn các em sống đúng ơn gọi Kitô hữu, làm quen với ơn gọi thánh hiến…
[59] Huấn thị Xuất phát lại từ Đức Kitô, số 18.
[60] Linh mục Hồng Phúc, (C.Cs.R) kể rằng: Cha Giuse Lupo, Giám đốc ơn gọi của Dòng Thiên Chúa Ba Ngôi tại Hoa Kỳ, năm 1971 có sáng kiến đăng một quảng cáo nhỏ về ơn kêu gọi trong tạp chí mà nhiều thanh niên hay đọc, tạp chí Playboy. Kết quả bất ngờ: nhờ quảng cáo ấy mà 27 chàng thanh niên đã đến tìm hiểu Tập Viện và Ðại Chủng Viện của Dòng tại Garrison, tiểu bang Maryland. (HỒNG PHÚC, Dấu chỉ ơn gọi, http://www.cuuthe.com/ongoi/ogdauchi.html
[61] PC số 24
[62] GL điều 666.
[63] PC số 24.
[64] BỘ Giáo Sĩ, Kim chỉ nam về tác vụ và đời sống linh mục 2013, số 43.
[65] BỘ Giáo Sĩ, Kim chỉ nam về tác vụ và đời sống linh mục 2013, số 43.
[66] Bản Thông Tin Địa phận Qui Nhơn, số 20, tháng 1-2 năm 1961, tr.13.
[67] Huấn thị Xuất phát lại từ Đức Kitô, số 18.

 

Lm. Giuse Huỳnh Văn Sỹ
   Giáo phận Qui Nhơn