Một Vài Suy Tư Về Giáo Luật Và Quy Tắc Tổng Quát

17/08/2020
4825

Bài viết “GIÁO LUẬT VÀ QUY TẮC TỔNG QUÁT” của linh mục GIUSE TRẦN NGỌC TÍN, được đăng trên trang mạng của giáo phận Kontum. Nguồn trích dẫn tại: https://gpkontum.wordpress.com/
 

 PHẦN I: TRÍCH DẪN MỘT SỐ ĐOẠN TRONG TÀI LIỆU.

 DẪN NHẬP[1]

 “Ở đâu có xã hội, ở đó có luật pháp.

Giáo Hội cũng là một xã hội ở giữa trần gian, cho nên Giáo Hội cũng cần phải có luật pháp.

Khi nói đến luật pháp của Giáo Hội, nhiều người vẫn lẫn lộn giữa Giáo luật[2] (Ius canonicum) và Luật Giáo Hội (Lex ecclesiastica)Thật ra, Giáo luật bao hàm cả Thiên luật và tất cả luật pháp điều hành đời sống Giáo Hội, trong khi Luật Giáo Hội chỉ bao hàm luật do nhà chức trách Giáo Hội thiết lập mà thôi.

Quê hương của người công giáo chúng ta là Nước Trời, là nơi đức mến tồn tại, mà không cần sự hiện hữu của luật pháp nữa, như lời quả quyết của thánh Phaolô: “Đức mến không bao giờ mất được” (1Cr 13, 8). Nhưng hiện tại chúng ta là những lữ khách đang sống trên trần gian này, chúng ta liên kết với những người khác, và thậm chí có lúc chúng ta lại đối đầu với tha nhân. Vậy nhiệm vụ đầu tiên của Luật Giáo Hội là quy định người nào phải làm điều gì và phải tránh điều gì.

Hơn nữa, Giáo Hội còn là một cộng đoàn các tín hữu hướng về một mục đích vượt quá những chân trời trần thế này, vì thế nhiệm vụ của Giáo luật là phải có những tầm nhìn khác với việc xoay quanh một cơ cấu. Mối ưu tư hàng đầu của Giáo Hội không phải là việc tổ chức nội bộ, nhưng là chu toàn sứ mệnh mà Chúa Giêsu Kitô đã ủy thác cho. Giáo Hội phải tổ chức thế nào để những người con của Chúa Cha luôn sống tình huynh đệ ở trần gian này, cho nên mục đích của Giáo luật là phân định và bảo vệ những đoàn sủng của toàn thể Thân Mình.

Cho đến ngày nay, nếu hiểu Bộ Giáo luật theo nghĩa là một cuốn sách luật gồm các điều luật, thì Giáo Hội latinh đã có hai Bộ Luật 1917 và 1983. Nhưng nếu hiểu Bộ Giáo luật theo nghĩa là một bộ sưu tập chính thức các luật pháp, thì ngoài hai Bộ Luật trên, còn phải kể thêm “Những Giáo lệnh” của Đức Giáo Hoàng Grêgôriô IX, được ban hành năm 1234.

Ngoài những bản văn lập pháp chính thức, còn có rất nhiều tài liệu cá nhân, chẳng hạn như “Sắc lệnh của Gratianô”, và những công trình lập pháp của các Công Đồng, các công nghị, các tác phẩm của các Đức Giáo Hoàng, và những quyết định của các Bộ thuộc Giáo triều Rôma nữa.

Bởi vì có quá nhiều luật, cho nên vấn đề “điển chế hóa” Giáo luật được đặt ra từ năm 1904, và sau 13 năm nghiên cứu của các chuyên viên, Đức Giáo Hoàng Bênêđitô XV đã ban hành Bộ Giáo luật 1917.

Thế nhưng sinh hoạt lập pháp của Giáo Hội vẫn luôn tiếp tục với thời gian, cho nên ngày 25-01-1959, Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII đã thông báo quyết định tu chỉnh Bộ Giáo luật 1917.

Sau một thời gian chờ đợi dài 24 năm, Bộ Giáo luật 1983 đã được ban hành ngày 25-01-1983 do Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, qua Tông hiến Sacrae disciplinae leges.

Tập sách này sẽ trình bày những kiến thức căn bản về những quy tắc tổng quát, nhằm giúp các học viên hiểu được những quyển sách khác của Bộ Giáo luật cách dễ dàng hơn”.

CHƯƠNG 1

TRÌNH BÀY LỊCH SỬ LẬP PHÁP CỦA GIÁO HỘI[3]

“Dù giới luật căn bản của Kitô hữu là yêu thương (Ga 13, 24; 15, 12; 1Ga 3, 23, Gc 2, 8-12), nhưng không vì lý do đó mà Giáo Hội bỏ qua biện pháp kỷ luật. Và ngay từ đầu, biện pháp khai trừ khỏi cộng đoàn đã được áp dụng trong thời Giáo Hội sơ khai (Mt 18, 15-18; 1Cor 5, 4-5.12)

Dù mọi tín hữu phải đối xử với nhau như anh chị em, vì tất cả đều là con của Thiên Chúa, nhưng Giáo Hội cũng cần phải có một quyền bính (2Cor 10, 8; 13, 10) do các Tông Đồ nắm giữ.

Những yếu tố đó chính là nền tảng của công cuộc lập pháp của Giáo Hội trong suốt dòng lịch sử của mình.

Vì là một cộng đoàn giữa xã hội, Giáo Hội phải sử dụng ngôn ngữ của các nền văn hóa khác nhau như Do Thái, Hy Lạp, Rôma… cho nên lịch sử lập pháp của Giáo Hội cũng phải chịu ảnh hưởng của những nền văn hóa đó. 

Lịch sử lập pháp của Giáo Hội gồm những giai đoạn chính như sau:

  • Từ thế kỷ I đến thế kỷ XII.
  • Từ thế kỷ XII đến thế kỷ XVI.
  • Từ thế kỷ XVI đến Bộ Giáo luật 1917.
  • Từ Bộ Giáo luật 1917 đến Bộ Giáo luật 1983”.

­Kết tiếp tác giả trình bày 4 giai đoạn chính:

  1. Giai đoạn 1: Luật cũ

  Giai đoạn luật cũ bắt đầu từ thế kỷ I đến thế kỷ XII

  1. Giai đoạn II : luật mới:

“Giai đoạn luật mới được đánh dấu bằng việc soạn thảo Giáo luật trong các thế kỷ XII-XVI. Từ thế kỷ XII, Giáo luật có một chiều kích mới khi trở thành một môn học khác biệt với thần học và ý thức được quyền tự trị của mình. Nhiều tài liệu đã được tập hợp lại để cấu thành phần chính của Bộ Giáo luật vào cuối thế kỷ XV mang tựa đề Corpus Iuris Canonici”[4].

  1. Giai đoạn III : luật cận đại bắt đầu từ thế kỷ XVI đến bộ Giáo luật 1917.
  2. Giai đoạn IV: Luật hiện Đại [5]

“Giai đoạn luật hiện đại khởi sự từ Giáo luật 1917 đến Giáo luật 1983”.

   4) Ban hành Bộ Giáo luật 1983

“Bộ Giáo luật 1983 được ban hành cách trọng thể qua Tông hiến Sacrae discipline leges (Các luật lệ của kỷ luật thánh) ngày 25/01.1983 và có hiệu lực cho Giáo hội latinh từ ngày Chúa nhật thứ I mùa vọng, 27/11/1983.  Nội dung Tông hiến gồm có:

    a. Nhập đề : Lý do

Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trình bày lý do vì sao Ngài chọn ngày 25-01-1983 để ban hành :

Ngày 25-01-1959 là ngày Đức Gioan XXIII đã công khai loan báo lần đầu tiên việc cải tổ Bộ Giáo luật hiện hành đã được ban hành năm 1917.

Ngày 25-01-1959 là ngày Đức Gioan XXIII đã đề cập đến việc triệu tập công nghị giáo phận Rôma và mở Công Đồng chung Vaticanô II.

   b. Phần thân bài

Phần thân bài đề cập đến :

  • Phương pháp làm việc hiệp đoàn

Ngài nhắc lại phương pháp làm việc trong tinh thần hiệp đoàn. Tinh thần ấy không những được thể hiện trong hình thức biên soạn, mà còn trong cả chiều sâu, đối với nội dung các điều luật đã được soạn thảo nữa.Tính cách hiệp đoàn đánh dấu rõ nét tiến trình phát sinh Bộ Luật này, hoàn toàn phù hợp với giáo huấn và đặc tính của Công Đồng Vatican II. Do đó Bộ Giáo luật, không những trong nội dung, mà ngay việc khai sinh, đã thể hiện tinh thần của Công Đồng. Chính vì lý do ấy mà các Giám mục và các Hội đồng Giám mục đã được mời gọi cộng tác vào việc chuẩn bị Bộ Luật mới. Mặt khác, còn có sự cộng tác của các chuyên viên trong mọi giai đoạn của công việc này, tức là các nhà chuyên môn về thần học, lịch sử, nhất là Giáo luật, được tuyển chọn từ khắp nơi trên thế giới. Vì thế, Ngài bày tỏ lòng tri ân sâu xa đối với tất cả và từng người một đã góp phần vào việc tu chỉnh Bộ Giáo luật, dù còn sống hay đã qua đời.

  • Tính cách tối thượng của việc ban hành

Ngài khẳng định hành vi ban hành Bộ Giáo luật này là một sự biểu lộ quyền giáo hoàng của Ngài, và do đó mang tính cách tối thượng. Tuy nhiên, Ngài cũng ý thức rằng Bộ Giáo luật này, xét theo nội dung khách quan, phản ảnh mối ưu tư chung của các Giám mục đối với Giáo Hội. Hơn nữa, phần nào giống như Công Đồng, Bộ Giáo luật này phải được coi như là thành quả của một sự hợp tác hiệp đoàn, bởi lẽ được phát sinh từ sự phối hợp sức lực của những cá nhân và những cơ quan chuyên môn trong Giáo Hội toàn cầu.

  • Cắt nghĩa khái niệm về Bộ Luật

Ngài cũng cắt nghĩa khái niệm về Bộ Luật từ nguồn gốc, mục đích, nội dung, sự trung thành với Công Đồng Vaticanô II, nhất là trong những khái niệm về Giáo Hội như là Dân Thiên Chúa, về sự hiệp thông và về sự tham dự của tất cả mọi tín hữu trong ba sứ mạng của Giáo Hội, về tinh thần của Công Đồng.

  • Sự cần thiết của Bộ Giáo luật

Ngài quả quyết sự cần thiết của Bộ Giáo luật : Bộ Giáo luật rất cần cho Giáo Hội, không những vì những kiến nghị của các Giám mục, nhưng cũng để thiết lập những quy tắc về cơ cấu phẩm trật và tổ chức của Giáo Hội, về việc thi hành ba sứ mạng của quyền hành, cũng như để điều chỉnh các mối tương quan giữa các tín hữu với nhau, dựa trên một sự công bằng đặt nền tảng trên đức ái, nhờ việc xác định và bảo đảm quyền lợi của cá nhân, sau hết để nâng đỡ, củng cố và cổ vũ những sáng kiến chung nhắm tới một đời sống kitô giáo càng ngày càng hoàn hảo hơn nhờ Giáo luật. Vì thế, các luật lệ của Giáo luật tự bản tính đòi buộc phải được tuân giữ.

   c. Kết : Ban hành và hưu luật

Ngài tuyên bố ban hành Bộ Giáo luật 1983 trong toàn Giáo Hội la tinh, và ấn định thời gian hưu luật trước khi Bộ Luật có hiệu lực.

    5) Những nguồn bổ sung của Giáo luật 1983

Giáo luật 1983 còn có hai nguồn bổ sung là Tông hiến Divinus perfectionis Magister và Tông hiến Pastor Bonus.

   a. Tông hiến Divinus perfectionis Magister

Bộ Giáo luật 1983 không bao hàm tất cả Giáo luật, nhưng nhường chỗ bên cạnh cho luật riêng của giáo phận, Hội đồng Giám mục, và các Hội dòng. Điều 2 của Bộ Luật quy định việc tách riêng luật phụng vụ. Ngoài ra, luật phong chân phước và phong thánh cũng không được ban hành chung với Bộ tân Giáo luật.

   b. Tông hiến Pastor Bonus

Khi đề cập đến Giáo triều Rôma, điều 360 đã quy định rằng:

Giáo triều Rôma gồm có phủ Quốc vụ khanh hay Văn phòng thư ký của Đức Giáo Hoàng, Hội đồng Công vụ Giáo Hội, các Bộ, các Tòa án, và các cơ quan khác; cơ cấu và thẩm quyền của những tổ chức đó do luật riêng ấn định”.

Do đó, Tông hiến Pastor Bonus đã bãi bỏ Tông hiến Regimini ecclesiae universae do Đức Giáo Hoàng Phaolô VI ban hành ngày 15-8-1967 về việc ấn định danh sách các cơ quan của Giáo triều, việc tổ chức, cũng như thẩm quyền. Tông hiến này được áp dụng cho cả Giáo Hội Đông phương nữa”[6]

 CHƯƠNG 2

VIỆC ÁP DỤNG BỘ TÂN GIÁO LUẬT[7].

”Bộ Giáo luật được gọi là Luật thánh, vì tác giả có quyền thánh, vì chất liệu liên quan cách chung đến những sự thánh, và vì mục đích tối hậu là ơn cứu rỗi các linh hồn (đ. 1752).

Bộ Giáo luật được gọi là luật giáo hoàng và thiên luật, vì những luật này do chính Thiên Chúa ấn định qua Chúa Giêsu.

Bộ Giáo luật được gọi là luật giáo hội (x. đ. 1156, §2),  vì những luật này do Giáo Hội thiết lập thêm, nhằm giúp mọi tín hữu đạt được ơn cứu rỗi mà Thiên Chúa đã đề ra cho Giáo Hội.

Bộ Giáo luật 1983 gồm 7 quyển:

  • Quyển 1: Những quy tắc tổng quát.
  • Quyển 2: Dân Thiên Chúa.
  • Quyển 3: Nhiệm vụ giáo huấn của Giáo Hội.
  • Quyển 4: Nhiệm vụ thánh hóa của Giáo Hội.
  • Quyển 5: Tài sản vật chất của Giáo Hội.
  • Quyển 6: Biện pháp chế tài trong Giáo Hội.
  • Quyển 7: Tố tụng.

Trong Bộ Luật này, có ba lãnh vực không được đề cập đến:

  • Luật dành cho Giáo Hội Đông phương.
  • Nghi thức cử hành phụng vụ.
  • Luật quốc tế.

Mở đầu quyển thứ nhất là 6 điều dẫn nhập bàn về việc áp dụng Bộ Giáo luật, xét về đối tượng và xét về thời gian.

  1. BỘ GIÁO LUẬT CHO GIÁO HỘI LATINH

Bộ Giáo luật 1983 chỉ áp dụng cho Giáo Hội la tinh mà thôi, chứ không áp dụng cho Giáo Hội Đông phương.

1.1Giáo luật

« Các điều của Bộ Luật này chỉ chi phối Giáo Hội la tinh mà thôi » (đ. 1).

1.2. Giải thích

Năm 395, Hoàng đế Théodose đã chia đôi đế quốc Rôma, và đã đặt các tòa Giáo Chủ Antiôkia, Alexandria, Jêrusalem và Constantinople ở Đông phương[8], và tòa Giáo Chủ Rôma ở Tây Phương[9]. Các Giáo Hội Đông phương và Tây Phương phát triển khác nhau về phương diện phụng vụ, thần học và kỷ luật. Giáo Hội Đông phương từ chối quyền tối thuợng của Đức Giáo Hoàng, sự hiệp nhất trong Giáo Hội công giáo bị đổ vỡ thật sự từ thế kỷ XI. Giáo Hội Tây Phương được gọi là Giáo Hội latinh, bởi vì ngôn ngữ dùng trong phụng vụ lúc bây giờ cho đến thời gần đây là tiếng latinh.

Sau này Giáo Hội Đông phương ly khai lại sáp nhập vào Giáo Hội, nhưng vẫn giữ truyền thống phụng vụ và kỷ luật riêng, dù họ cũng tuân phục Đức Giáo Hoàng.

Chính vì thực tế như vậy, cho nên Bộ Giáo luật 1983 chỉ chi phối Giáo Hội Latinh mà thôi (đ. 1). Còn có một Bộ Luật khác dành cho Giáo Hội Đông phương[10].

  1. LUẬT CHO SINH HOẠT PHỤNG VỤ

Việc tuân giữ những nghi thức trong các buổi cử hành phụng vụ phải quy chiếu về luật phụng vụ.

2.1. Giáo luật

Điều 2 đã quy định :

« Nói chung, Bộ Luật này không ấn định những nghi thức phải tuân giữ trong các buổi cử hành phụng vụ, cho nên vẫn buộc phải tuân giữ những luật phụng vụ hiện đang còn hiệu lực, trừ khi có luật nào trong những luật đó trái ngược với các điều của Bộ Luật này » (đ. 2).

2.2. Giải thích

Bộ Luật không đề cập đến những nghi thức phải giữ (cử chỉ và lời đọc) trong khi cử hành phụng vụ.

Còn những luật thiết lập nghi thức cử hành phụng vụ thì phải tìm trong các sách phụng vụ hiện hành: như Sách lễ, Nghi thức các Bí tích, Phụng vụ các Giờ kinh.

Tuy nhiên, về mặt pháp lý, Bộ Giáo luật trình bày những quyền lợi và bổn phận của các thừa tác viên và những người tham dự trong quyển IV, đồng thời cũng nêu lên những điều kiện buộc phải có để việc cử hành bí tích Thánh Thể được thành sự và hợp pháp, chất lượng dầu dùng cho bí tích Thêm Sức, hoặc bí tích Xức dầu bệnh nhân, giá trị của bài giảng lễ.

Luật trừ:

Trong trường hợp Bộ Giáo luật xác định một vài điểm cho việc cử hành phụng vụ một cách khác với một luật phụng vụ có trong các sách phụng vụ, đến nỗi hai quy tắc không thể áp dụng cùng một lúc được, vì trái ngược nhau, thì phải giữ quy tắc của Bộ Giáo luật.

Để áp dụng luật trừ này, ngày 12-8-1983, Bộ Bí tích và Phụng tự đã ra văn kiện[11] sửa đổi sách phụng vụ trong lần xuất bản mới để thích ứng với Bộ Giáo luật:

  1. GIÁ TRỊ CỦA CÁC THỎA ƯỚC

Bộ Giáo luật 1983 không có ảnh hưởng gì đến những hiệp ước mà trước đây Tòa Thánh đã ký với các quốc gia trên thế giới.

3.1. Giáo luật

« Các điều của Bộ Luật này không bãi bỏ và không sửa đổi các hiệp ước mà Tông Tòa đã ký với các quốc gia hoặc xã hội chính trị khác; do đó, các hiệp ước này vẫn có hiệu lực y như bây giờ, bất kể các quy định trái ngược của Bộ Luật này » (đ. 3).

3.2. Giải thích

Những thỏa ước đã được ký kết giữa Tòa Thánh[12], tức là Người kế vị Thánh Phêrô (x. đ. 361), chứ không phải quốc gia Vatican[13], với các quốc gia và cộng đoàn chính trị, như ONU, UNESCO, FAO … đang còn hiệu lực lúc Bộ Giáo luật được ban hành, thì không bị ảnh hưởng gì cả. Ngay cả khi những thỏa ước đó có những quy định trái với Bộ Giáo luật, thì cũng không bị Bộ Giáo luật bãi bỏ, vì những thỏa ước đó thuộc phạm vi của quốc tế công pháp, trong khi Bộ Giáo luật có tính cách quốc nội.

Chính Công Đồng Vaticanô II đã không muốn đơn phương bãi bỏ những đặc ân của một vài chính quyền dân sự trong việc bổ nhiệm các Giám mục. Công Đồng chỉ muốn cổ vũ các chính quyền từ chối những đặc ân này và đề nghị xóa bỏ qua việc đối thoại với những người có liên quan[14]. Đây là những đặc ân không được ban nữa trong tương lai (x. đ. 377, §5).

  1. QUYỀN LỢI THỦ ĐẮC VÀ CÁC ĐẶC ÂN

Bộ Giáo luật 1983 vẫn tôn trọng những quyền lợi đã được thủ đắc và những đặc ân mà Tòa Thánh đã ban.

4.1. Giáo luật

« Những quyền lợi thủ đắc cũng như những đặc ân do Tông Tòa ban cho các thể nhân hoặc pháp nhân từ trước đến nay hiện đang còn hiệu lực và không bị thu hồi, thì vẫn còn gía trị, nếu không bị các điều của Bộ Luật này thu hồi cách minh nhiên » (đ. 4).

4.2. Quyền lợi thủ đắc

Quyền lợi thủ đắc là quyền lợi mà một người có được do việc thi hành một hành vi mà luật đã ấn định, hoặc do một sự kiện (khế ước, thời hiệu) được luật pháp công nhận. Để có được một quyền lợi thủ đắc, phải tuân giữ những điều kiện mà luật quy định.

Như vậy, quyền lợi thủ đắc không phải là quyền lợi bẩm sinh phát xuất từ việc thuộc về Giáo Hội, qua bí tích rửa tội (đ. 96), và không do luật ban trực tiếp (chẳng hạn như lãnh nhận một bổng lễ để cử hành Thánh Lễ, đ. 945, §1).

Quyền lợi thủ đắc cũng không phải là một khả năng.

Thí dụ: một tu sĩ khấn tạm có khả năng kết hôn thành sự (đ. 1058, §1 Giáo luật 1917). Khả năng này từ nay bị Giáo luật mới loại bỏ, theo điều 1088).

Quyền lợi thủ đắc do một pháp nhân dựa trên một hành vi pháp lý được luật nhìn nhận như là làm nên quyền lợi. Như vậy, một người được bổ nhiệm vào một trọng trách nào đó, thì có quyền lợi thủ đắc là nhậm chức. Cũng vậy, một khi đã nhậm chức, người đó có quyền lợi thủ đắc là thi hành trọng trách đã được bổ nhiệm.

Những quy định của Bộ Giáo luật, dù ngược với những quyền lợi thủ đắc, cũng không bãi bỏ những quyền lợi thủ đắc đó, trừ khi Bộ Luật minh nhiên rút lại.

Thí dụ: Một giám định viên luật không có bằng tiến sĩ hay ít là cử nhân Giáo luật, thì không thể được bổ nhiệm làm thẩm phán (đ. 1420, §4 và 1421, §3). Nếu ông ta được bổ nhiệm trước ngày 27-11-1983, thì ông ta có quyền lợi thủ đắc.

Một người đã đậu tiến sĩ Giáo luật rồi được mang tước hiệu tiến sĩ và được hưởng những quyền lợi mà luật dành cho các tiến sĩ. Sau khi Bộ Luật 1983 ra đời, họ vẫn được hưởng quyền lợi mà không cần phải thi lại.

Điều 4 áp dụng nguyên tắc bất khả hồi tố các luật và sự tôn trọng lời hứa.

4.3.  Đặc ân

Các đặc ân chỉ mất hiệu lực nếu bị các điều luật thu hồi cách minh nhiên. Ở đây muốn nói đến các đặc ân do Toà Thánh ban « hiện đang còn hiệu lực và không bị thu hồi », nghĩa là hiện đang sử dụng, khi Bộ Luật được ban hành. Các đặc ân này không bị bãi bỏ với hai điều kiện là « hiện đang còn hiệu lực và không bị thu hồi ». Nhiều tác giả cho rằng nên gom hai điều kiện lại thành một điều kiện thôi: « hiện đang còn hiệu lực vì không bị thu hồi », nghĩa là chỉ cần sử dụng tùy ý, phù hợp với nguyên tắc theo đó những đặc ân (không bỉ ổi đối với những người khác) không chấm dứt do không sử dụng (x. đ. 82).

Thí dụ về việc thu hồi cách minh nhiên những đặc ân trái ngược.

Chọn giáo sĩ trong việc tháp tùng kinh lý (đ. 396, §2).

Việc trao chức vụ kinh sĩ (đ. 509, §1).

Một giáo xứ, một cha sở (đ. 526, §2).

Việc truyền chức cho thành viên thuộc Hội dòng, Tu đoàn (đ. 1019, §2).

Điều 4 không phân biệt đặc ân với đặc quyền như trong điều 4 của Giáo luật 1917. Điều 1019, §2 của Giáo luật mới bãi bỏ một đặc quyền.

Thông thường, Bộ Giáo luật dùng từ « đặc quyền » để chỉ năng quyền miễn chuẩn những nghĩa vụ của đời sống thánh hiến (đ. 684, §2…) và thường đồng nghĩa với đặc ân (x. đ. 320, §2, vv).

Phải áp dụng điều 4 để phân xử vô số những đặc ân đã được ban cho các tu sĩ trong quá khứ, mà không để ý đến sự lỗi thời (chẳng hạn như đặc ân có thể đọc những sách bị cấm).

Đặc ân giải vạ tuyệt thông trong trường hợp phá thai (đ. 1398) vẫn còn hiệu lực, dù có những thay đổi trong quyển VI, vì việc giải vạ không khác việc giải tội (x. đ. 508, §1). Thể chế pháp lý của việc dành riêng vẫn còn, và thật ra, vạ tuyệt thông này được dành riêng cho các Đấng bản quyền (x. đ. 1355-1356). Nếu việc giải vạ phải được ban bình thường trong và đối với tòa ngoài, thì cũng còn những việc giải vạ trong và đối với tòa trong nữa (đ. 976; 1355, §1; 1357, §1).

  1. TỤC LỆ HIỆN HÀNH KHI BỘ LUẬT ĐƯỢC BAN HÀNH

Bộ Giáo luật 1983 đề cập đến những tục lệ trái luật và ngoại luật.

5.1. Giáo luật

« §1. Các tục lệ phổ quát hay các tục lệ địa phương hiện đang còn hiệu lực mà lại trái ngược với những quy định của các điều này, và bị chính các điều của Bộ Luật này bác bỏ, thì bị hủy bỏ hoàn toàn và không được phép phục hồi lại; các tục lệ trái ngược khác cũng được coi là bị hủy bỏ, trừ khi Bộ Luật đã minh nhiên dự liệu cách khác, tuy nhiên, các tục lệ đã có từ trăm năm hay từ lâu đời có thể được châm chước nếu, theo sự phán đoán của Đấng bản quyền sau khi đã xem xét những hoàn cảnh địa phương và con người, không thể bị hủy bỏ.

  • 2. Các tục lệ phổ quát hay các tục lệ địa phương ngoại luật hiện đang còn hiệu lực, thì được duy trì» (đ. 5).

5.2. Giải thích

Giáo Hội nhìn nhận giá trị của những tục lệ, dù đó là những tục lệ hợp luật, trái luật hay ngoại luật.  

Ở điều 5, Bộ Giáo luật 1983 lấy lại nguyên tắc của Bộ Giáo luật 1917: mọi tục lệ ngược với những điều của Bộ Luật đều bị bãi bỏ, nghĩa là mất hiệu lực pháp lý.

  • Tục lệ trái luật:
  • Những tục lệ trái luật đã bị Bộ Luật này bác bỏ thì được coi như bị hủy bỏ và không thể khôi phục lại được.

Bộ Luật này không phân biệt tục lệ phổ quát (là những tục lệ của cả cộng đoàn Giáo Hội, ngay khi chỉ là tục lệ của một hạng tín hữu, là một tục lệ đặc biệt) với tục lệ địa phương (của một cộng đoàn hạn chế). Nguyên tắc này có giá trị đối với những tục lệ địa phương.

Theo điều 24, §2, tục lệ đã bị luật minh nhiên bác bỏ thì không còn hợp lý. Bộ Luật thực tế đã bác bỏ một vài tục lệ.

Thí dụ:

Việc giáo sĩ tháp tùng Đức Giám mục đi kinh lý (đ. 396, §2);

Việc chỉ định một vị Giám quản giáo phận (đ. 423, §1), chống lại việc chỉ định nhiều Giám quản giáo phận.

Một giáo xứ, một cha sở (đ. 526, §2), chống lại việc có nhiều cha sở trong một giáo xứ.

Bổn phận người quản trị tài sản của Giáo Hội phải tường trình cho Đấng bản quyền địa phương (đ. 1287, §1), chống lại việc miễn tường trình.

Tòa án gồm ba thẩm phán trong những vụ án về hôn nhân và chức thánh (đ. 1425, §1), chống lại việc xét xứ do một tòa án với một thẩm phán duy nhất.

  • Những tục lệ trái luật đã không bị Bộ Luật này bác bỏ thì cũng được coi như bị hủy bỏ, trừ khi:
  • Chính Bộ Luật minh nhiên cho phép duy trì.

Thí dụ:

Việc nộp thuế cho Giáo phận (đ. 1263).

Huấn thị về việc quản trị tài sản (đ. 1276, §2).

Việc quản trị tài sản Giáo Hội thuộc về vị trực tiếp điều hành pháp nhân (đ. 1279, §1).

  • Tục lệ đã có từ trăm năm hay từ lâu đời (thời gian bắt đầu có tục lệ không được cộng đoàn biết đến). Đấng bản quyền phải phán đoán về điều đó. 
  • Tục lệ ngoại luật.

 Tục lệ ngoại luật đang còn hiệu lực vẫn được tiếp tục duy trì.

  1. NHỮNG LUẬT CÓ TRƯỚC BỘ LUẬT

Tất cả mọi luật của Giáo Hội được ban hành trước năm 1983 đều bị bãi bỏ.

6.1. Giáo luật

« §1. Từ khi có hiệu lực, Bộ Luật này bãi bỏ:

10 Bộ Giáo luật ban hành năm 1917.

20 những luật phổ quát hoặc những luật địa phương khác ngược với các quy định của Bộ Luật này, trừ khi có một quy định minh nhiên khác liên quan đến những luật địa phương.

30 tất cả mọi luật hình sự phổ quát hay luật hình sự địa phương do Tông Tòa ban hành, trừ những luật được Bộ Luật này giữ lại.

40 những luật phổ quát khác về kỷ luật có liên quan đến một vấn đề đã được Bộ Luật này cải tổ hoàn toàn.

  • 2. Cũng phải dựa vào truyền thống của Giáo luật để giải thích những điều của Bộ Luật này trong mức độ những điều này lặp lại luật cũ» (đ. 6).

6.2. Giải thích

« Luật » là những quy tắc được viết ra bằng chữ, đối nghịch với tục lệ.

Những luật cũ bị Bộ Luật 1983 bãi bỏ gồm có:

  • Bộ Giáo luật 1917 bị bãi bỏ.
  • Các luật có trước đó, dù phổ quát hay địa phương, trái với quy định của Bộ Giáo luật, đều bị bãi bỏ, trừ khi có quy định minh nhiên của luật địa phương. Do đó, những luật nào không trái ngược với quy định của Bộ Luật thì vẫn có giá trị.

Thí dụ: Quy tắc trái ngược của Hội dòng thánh hiến [xem sắc lệnh của Bộ Tu Sĩ ngày 2-2-1984: AAS, 76 (1984), 500].

Phải bãi bỏ những luật đã có từ khi khởi sự Công Đồng Vaticanô II cho đến khi Bộ tân Giáo luật được công bố.

  • Hình luật (dù không trái ngược) phổ quát và địa phương do Toà Thánh ban hành, đều bị bãi bỏ, trừ khi được Bộ Luật lấy lại. Đây không phải là luật trừ, bởi vì những luật này sẽ có hiệu lực nhờ sức mạnh của Bộ Luật. Như vậy vẫn còn những hình luật không trái ngược (đ. 6, 1, 20) do quyền hành cấp dưới ban hành.
  • Các luật phổ quát về kỷ luật liên can tới những vấn đề mà Bộ Giáo luật đã hoàn toàn chỉnh đốn lại đều bị bãi bỏ.

Thí dụ: Kỷ luật về những ngăn trở hôn nhân (đ. 1073-1082).

Tuy nhiên, « cũng phải dựa vào truyền thống của Giáo luật để giải thích những điều của Bộ Luật này trong mức độ những điều này lặp lại luật cũ » (đ. 6, §2).

Chẳng hạn như chương trình đào tạo các tu sĩ: sau Công Đồng Vaticanô II, huấn thị Renovationis causa cho phép các Hội dòng thử nghiệm thay thế lời khấn tạm bằng lời thề. Những thử nghiệm này đã được sửa đổi lại hoàn toàn trong Bộ Luật mới, vì thế nên mới có quy định trên”.

   

PHẦN HAI:

MỘT SỐ VĂN KIỆN CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II TƯƠNG QUAN VỚI GIÁO LUẬT 1983

 

  • THỎA ƯỚC

Trong phần trình bày,  Chương 2 trong tiêu đề 3 như sau:

“3. GIÁ TRỊ CỦA CÁC THỎA ƯỚC

Bộ Giáo luật 1983 không có ảnh hưởng gì đến những hiệp ước mà trước đây Tòa Thánh đã ký với các quốc gia trên thế giới.

3.1. Giáo luật

« Các điều của Bộ Luật này không bãi bỏ và không sửa đổi các hiệp ước mà Tông Tòa đã ký với các quốc gia hoặc xã hội chính trị khác; do đó, các hiệp ước này vẫn có hiệu lực y như bây giờ, bất kể các quy định trái ngược của Bộ Luật này » (đ. 3).

3.2. Giải thích

Những thỏa ước đã được ký kết giữa Tòa Thánh[15], tức là Người kế vị Thánh Phêrô (x. đ. 361), chứ không phải quốc gia Vatican[16], với các quốc gia và cộng đoàn chính trị, như ONU, UNESCO, FAO … đang còn hiệu lực lúc Bộ Giáo luật được ban hành, thì không bị ảnh hưởng gì cả. Ngay cả khi những thỏa ước đó có những quy định trái với Bộ Giáo luật, thì cũng không bị Bộ Giáo luật bãi bỏ, vì những thỏa ước đó thuộc phạm vi của quốc tế công pháp, trong khi Bộ Giáo luật có tính cách quốc nội.

Chính Công Đồng Vaticanô II đã không muốn đơn phương bãi bỏ những đặc ân của một vài chính quyền dân sự trong việc bổ nhiệm các Giám mục. Công Đồng chỉ muốn cổ vũ các chính quyền từ chối những đặc ân này và đề nghị xóa bỏ qua việc đối thoại với những người có liên quan[17]. Đây là những đặc ân không được ban nữa trong tương lai (x. đ. 377, §5)”.

Chúng tôi xin trích dẫn văn kiện Christus Dominus, số 20 :

20. Tự do trong việc chỉ định và bổ nhiệm Giám Mục. Vì nhiệm vụ tông đồ của các Giám Mục đã được Chúa Kitô thiết lập và theo đuổi mục đích thiêng liêng, siêu nhiên, nên Thánh Công Ðồng tuyên bố rằng quyền chỉ định và bổ nhiệm các Giám Mục là quyền riêng, đặc biệt, và tự nó độc hữu thuộc Thẩm Quyền Giáo Hội.

Vì thế, để bảo vệ đúng mức sự tự do của Giáo Hội, để thăng tiến lợi ích của Kitô hữu cách thích hợp và dễ dàng hơn, Thánh Công Ðồng ước mong sau này các chính quyền dân sự không còn hưởng các quyền lợi hoặc đặc ân nào về việc tuyển chọn, bổ nhiệm, đề cử hay chỉ định chức vụ Giám Mục; còn phần các Chính Quyền dân sự, Thánh Công Ðồng tri ân và quý trọng thịnh tình của họ đối với Giáo Hội và hết sức nhã nhặn xin họ hãy đồng lòng với Tòa Thánh tự ý từ bỏ những quyền lợi hay đặc ân kể trên mà hiện tại họ vẫn hưởng do hiệp ước hoặc tập tục”[18].

B – Bảo vệ đúng mức sự tự do của Giáo Hội, để thăng tiến lợi ích của Kitô hữu cách thích hợp và dễ dàng hơn. Đối với nhà nước, lập trường của Giáo Hội theo Công Đồng Vat.II trong Gaudium Et Spes khẳng định rõ ràng như sau:

1/ Công Đồng Vat.II trong Gaudium Et Spes:

“76. Cộng đoàn chính trị và Giáo Hội.[19]  Ðiều rất quan trọng là cần nhận thức chính xác về mối tương quan giữa cộng đoàn chính trị và Giáo Hội, nhất là trong một xã hội gồm nhiều thành phần. Cũng cần phải phân biệt minh bạch giữa những hành động của các tín hữu hoặc cá nhân hoặc đoàn thể với danh nghĩa công dân dưới sự hướng dẫn của lương tâm Kitô giáo và những hành động của các tín hữu khi họ nhân danh Giáo Hội và hợp nhất với các vị chủ chăn của họ.

Vì lý do chức vụ và thẩm quyền của mình, Giáo Hội không cách nào bị đồng hóa với một cộng đoàn chính trị, và cũng không hề cấu kết với bất cứ hệ thống chính trị nào vì Giáo Hội vừa là dấu chỉ vừa là đảm bảo cho tính cách siêu việt của con người.

Cộng đoàn chính trị và Giáo Hội, mỗi bên với lãnh vực riêng của mình, đều độc lập và tự trị. Tuy nhiên, dầu dưới danh hiệu khác nhau, cả hai cũng đồng phục vụ cho con người trong sứ mệnh cá nhân và xã hội. Tùy theo hoàn cảnh và địa phương, nếu cả hai càng duy trì được sự cộng tác lành mạnh, thì cả hai càng phục vụ lợi ích của con người một cách hữu hiệu hơn. Bởi vì con người không phải chỉ thu hẹp trong nhãn giới trần gian. Nhưng tuy sống trong lịch sử nhân loại, con người vẫn mang một sứ mệnh trường cửu. Ðược thiết lập trong tình yêu của Chúa Cứu Thế, Giáo Hội có sứ mệnh làm cho công bằng và bác ái lan tràn trong mỗi dân tộc và giữa các dân tộc. Khi rao giảng chân lý Phúc Âm và lấy giáo lý và chứng tá của cuộc sống các Kitô hữu soi sáng mọi lãnh vực của sinh hoạt con người, Giáo Hội cũng tôn trọng và cổ võ tự do chính trị cũng như trách nhiệm của các công dân.

Và được sai đi để loan báo Chúa Kitô là Ðấng Cứu Thế cho mọi người, các Tông Ðồ và các Ðấng kế vị cũng như những cộng tác viên của các ngài đều dựa vào quyền lực của Thiên Chúa để làm việc tông đồ; còn Thiên Chúa thường tỏ rõ sức mạnh của Phúc Âm trong chính sự yếu hèn của các chứng nhân. Vậy bất cứ ai hiến thân phục vụ lời Chúa đều phải dùng đến đường lối cũng như phương thế riêng của Phúc Âm. Những đường lối và phương thế này khác biệt ở nhiều điểm với đường lối và phương thế của trần gian.

Thực thế, các thực tại trần thế và những thực tại siêu phàm nơi con người đều liên kết mật thiết với nhau. Và chính Giáo Hội cũng xử dụng các thực tại trần thế tùy mức độ mà sứ mệnh riêng của mình đòi hỏi. Tuy nhiên, Giáo Hội không cậy nhờ vào những đặc ân của thế quyền 89*. Hơn thế nữa, Giáo Hội cũng sẽ từ chối việc xử dụng một số quyền lợi đã được hưởng một cách chính đáng khi thấy rằng việc xử dụng những quyền lợi đó làm cho người ta nghi ngờ về lòng thành thực muốn làm chứng nhân của mình, hoặc trước những hoàn cảnh mới đòi hỏi phải xử sự cách khác. Tuy nhiên, bất cứ ở đâu và bất cứ thời nào Giáo Hội cũng phải được tự do rao giảng đức tin, truyền bá học thuyết xã hội của mình cũng như được dễ dàng chu toàn sứ mệnh của mình giữa loài người. Giáo Hội cũng phải được quyền nói lên nhận định luân lý của mình về cả những vấn đề liên quan đến lãnh vực chính trị khi quyền lợi căn bản của con người hay phần rỗi các linh hồn đòi hỏi. Nhằm mục đích trên, Giáo Hội xử dụng mọi phương tiện và chỉ những phương tiện nào phù hợp với Phúc Âm và lợi ích của mọi người tùy theo thời đại và hoàn cảnh khác nhau.

Trung thành theo sát Phúc Âm và thi hành sứ mệnh của mình trong thế giới, Giáo Hội phải cổ võ và nâng cao bất cứ điều gì là chân, thiện, mỹ trong cộng đoàn nhân loại 9. Làm như thế tức là Giáo Hội xây dựng hòa bình cho con người để làm vinh danh Thiên Chúa 10

2/ Mối tương quan thần quyền và thế quyền[20]

“Xưa nay mối quan hệ giữa thần quyền và thế quyền tức giữa đạo và đời bao giờ cũng phức tạp. Có lúc thần quyền chi phối thế quyền như thời Trung cổ. Nhưng cũng có lúc thế quyền áp đặt thần quyền như dưới triều đại của Theophylac (896-965). Trong vòng 70 năm, triều đại này đã thao túng tới 20 người để đặt lên ngôi Giáo hoàng. Sự tranh giành này đã nổ ra nhiều cuộc chiến ở nhiều nơi và người ta đã tìm ra giải pháp ứng xử là tách bạch đạo – đời qua “luật Phân ly” (1905). Bây giờ đạo là đạo, đời là đời, không bên nào can thiệp vào bên nào. Nhưng khốn nỗi, người tín đồ lại cũng là công dân. Mà nghĩa vụ công dân và bổn phận người Ki tô hữu không phải bao giờ cũng đồng thuận đã đẩy người Công giáo vào những tình huống chọn lựa khó khăn: đạo hay đời? Trong khi cả nhà nước và giáo hội đều muốn lôi kéo, chinh phục thần dân không chỉ “phần xác” mà cả “phần hồn” nữa. Vậy là phải có cách xử lý khác trong quan hệ đạo-đời. Công đồng Vatican 2 đã đưa ra một phương án: “Vì căn cứ vào vai trò và thẩm quyền của mình, giáo hội không cách nào bị đồng hóa với một cộng đoàn chính trị và cũng không bị cấu kết với bất cứ hệ thống chính trị nào… Cộng đoàn chính trị và giáo hội, mỗi bên một lĩnh vực riêng của mình, đều độc lập và tự trị. Tuy nhiên, dầu dưới danh nghĩa khác nhau, cả hai cũng đồng phục vụ con người trong sứ mạng cá nhân và xã hội. Tùy theo hoàn cảnh địa phương, nếu cả hai càng duy trì được sự cộng tác lành mạnh, cả hai càng phục vụ lợi ích của con người một cách hữu hiệu hơn” (MV, 76). Trong sứ điệp gửi các nhà cầm quyền do hồng y A. Lienart đọc còn có đoạn: “Chúng tôi lớn tiếng tuyên bố: Chúng tôi kính trọng quyền hành của quý vị, chúng tôi tôn trọng chức vụ của quý vị. Chúng tôi nhìn nhận những pháp luật chính đáng của quý vị, chúng tôi quý chuộng người làm ra cũng như người áp dụng những luật ấy” (6). Như vậy, đạo – đời tách bạch nhưng không tách rời mà cộng tác lành mạnh với nhau để phục vụ con người và cũng chính là tháo gỡ cho người tín hữu làm tròn bổn phận công dân của cả hai vương quốc nước Trời và trần thế như tinh thần của Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes (Vui mừng và hy vọng) nổi tiếng mà Công đồng Vatican 2 đã thông qua.”

Mặc dù Công đồng Vatican 2 chưa giải quyết hết mọi thách đố của Giáo hội Công giáo nhưng nó đã mở ra một thời kỳ mới cho giáo hội. Đúng như nhà báo Georgé Montaron – Giám đốc tờ Témoignage Chrétien (Chứng từ Ki tô giáo) đã viết: “Một Công đồng có tính tiến công, nhưng không có tinh thần thánh chiến, có tính xây dựng mạnh mẽ và tính mục vụ sâu sắc…Giáo hội đang tỏ ra cho mọi người mùa xuân bất tận của mình” (TC. Ngày 19-10-1962).

Phạm Huy Thông”[21]

 

NHƯ PHẦN KẾT:

Khi nói đến luật pháp của Giáo Hội, nhiều người vẫn lẫn lộn giữa Giáo luật (Ius canonicum) và Luật Giáo Hội (Lex ecclesiastica). Giáo luật bao hàm cả Thiên luật và tất cả luật pháp điều hành đời sống Giáo Hội, trong khi Luật Giáo Hội chỉ bao hàm luật do nhà chức trách Giáo Hội thiết lập mà thôi. Giáo luật là phải có những tầm nhìn khác với việc xoay quanh một cơ cấu. Mối ưu tư hàng đầu của Giáo Hội không phải là việc tổ chức nội bộ, nhưng là chu toàn sứ mệnh mà Chúa Giêsu Kitô đã ủy thác cho. Giáo Hội phải tổ chức thế nào để những người con của Chúa Cha luôn sống tình huynh đệ ở trần gian này, cho nên mục đích của Giáo luật là phân định và bảo vệ những đoàn sủng của toàn thể Thân Mình.

Do đó, người công giáo cần thấu suốt GIÁO LUẬT cũng như LUẬT GIÁO HỘI để làm nền tảng cho việc sống đạo và sứ mạng loan báo Tin Mừng của mình.

Qua những văn kiện Tòa Thánh và những phát biểu được trình bày trong “Mối tương quan thần quyền và thế quyền” (Phần Hai), người Kitô hữu luôn cầu nguyện cho chính quyền, như trong đêm Vọng Phục sinh. Các cán bộ trong chính quyền có cùng một Cha chung là Thiên Chúa, nên chúng ta tôn trọng, cầu nguyện và loan báo Tin Mừng cho họ, cho gia đình họ. Cán bộ cộng sản là con dân đất Việt. Người công giáo cũng là con dân đất Việt, đã đóng góp tài sức xây dựng chữ viết quốc ngữ, văn học. Nhiều người công giáo trong những thế kỷ qua, những năm qua… chống ngoại xâm, bảo vệ nền độc lập nước nhà. Chúng ta đang cùng sống trong một thuyền nên yêu thương, đoàn kết theo tinh thần Chúa Kitô.

Luật quản lý tôn giáo được chính quyền qui định đối với các tôn giáo và nhìn nhận những tổ chức tôn giáo này là những thực thể trong xã hội có “pháp nhân”, có bổn phận và quyền thực thi tôn chỉ, theo giáo luật của họ.

Đặc biệt nhà nước tôn trọng và bảo đảm những cam kết trong “ Quan hệ quốc tế của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo”. Khía cạnh này rất nhạy cảm, nhà nướcvẫn ý thức thực thi nhân quyền, tự do tôn giáo trong mối quan hệ quốc tế này.

Mặt khác, người Kitô hữu sống trong trần thế nhưng không thuộc trần gian, đối diện với luật lệ do chính quyền dân sự chi phối. Thái độ của họ là tôn trọng công ích và khi gặp trạng huống phải lựa chọn, cần cầu nguyện và noi theo mẫu gương của cộng đoàn sơ khai:

“(…) Họ gọi hai ông (Phêrô và Gioan) vào và tuyệt đối cấm hai ông không được lên tiếng hay giảng dạy về danh Đức Giêsu nữa. Hai ông Phêrô và Gioan đáp lại : “Nghe lời các ông hơn là nghe lời Thiên Chúa, xin hỏi: trước mặt Thiên Chúa, điều ấy có phải lẽ không ? Các ông thử xét xem! Phần chúng tôi, những gì tai đã nghe, mắt đã thấy, chúng tôi không thể không nói ra”. (Cv 4, 18-20).

Kontum 01/06/2016

Lm GIOAKIM NGUYỄN HOÀNG SƠN

GPKONTUM (01/06/2016) KONTUM

 

[1]  Xin xem “Giáo Luật và Quy Tắc Tổng Quát”, từ trang tr. 5-6

[2] Phần ghi chữ đậm do chúng tôi thêm vào trong văn bản.

[3] Xin xem “Giáo luật và Quy Tắc Tổng Quát”, từ trang 07-28

[4]  Sđd trang 17

[5]  Sách đã dẫn, từ trang trang 23-27

[6]   Sđd, từ trang 24 đến 27

[7]  Sđd , từ trang 28-38

[8] Xem công đồng Nicêa, năm 325, cc. 6-7.

[9] Xem công đồng Constantinople, năm 381, cc. 2-3.

[10] Le « Code des canons pour les Eglises Orientales », ban hành ngày 18-10-1990.

[11] “Variationes in novas editiones librorum liturgicorum ad normam Codicis iuris canonici nuper promulgati introducendae” in “Notitiae”, 19 (1983), 540-561. (Những thay đổi phải đưa vào các ấn bản mới của các sách phụng vụ theo thể thức Bộ Giáo luật mới được công bố).

[12] Điều 361 – Trong Bộ Luật này, từ ngữ Tông Tòa hoặc Tòa Thánh được áp dụng không những cho Đức Giáo Hoàng Rôma, mà cho cả phủ Quốc vụ khanh, Hội đồng Công vụ Giáo Hội và những cơ quan khác của Giáo triều Rôma, trừ khi bản chất sự việc hay mạch văn cho hiểu cách khác.

[13] Xem AAS, 75 (1983) 205.

[14] Christus Dominus, số 20.

[15] Điều 361 – Trong Bộ Luật này, từ ngữ Tông Tòa hoặc Tòa Thánh được áp dụng không những cho Đức Giáo Hoàng Rôma, mà cho cả phủ Quốc vụ khanh, Hội đồng Công vụ Giáo Hội và những cơ quan khác của Giáo triều Rôma, trừ khi bản chất sự việc hay mạch văn cho hiểu cách khác.

[16] Xem AAS, 75 (1983) 205.

[17] Christus Dominus, số 20.

[18] Như trên.

[19] Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội trong Thế Giới Ngày Nay (Gaudium Et Spes), Phần Thứ HaiChương IV: Ðời Sống Cộng Ðoàn Chính Trị  85*

[20] Công đồng Vatican II: Nửa thế kỷ nhìn lại, Đường dẫn

http://btgcp.gov.vn/Plus.aspx/vi/News/38/0/240/0/2810/Cong_dong_Vatican_II_Nua_the_ky_nhin_lai

[21]  1-   Nguyễn Bình Tĩnh: Biết yêu và sống Lời Chúa, Nxb Thuận Hóa 1993, tr.8

2, 4- Theo Lui Accattoli: Quand le Pape demande pardon, Albin Michel 1998, p.50; p.44

2-   Theo Nguyễn Thế Thoại: Giáo hội đi trong nhân loại, lưu hành nội bộ 1994, tr.514

5,6- Thánh Công đồng Vatican 2, Giáo hoàng học viện Đà Lạt 1972, tr.892 và 880.