Hội Đồng Giáo Hoàng Giải Thích Các Bản Văn Luật Pháp
24/02/2020
2444
Hội Đồng Giáo Hoàng Giải Thích Các Bản Văn Luật Pháp
Theo tin Zenit ngày 21 tháng 2 năm 2020, Hội Đồng Giáo Hoàng phụ trách việc giải thích các bản văn luật pháp đã họp phiên toàn thể để khảo sát Sách thứ Sáu của Bộ Giáo luật, tức Sách nói về các chế tài trong Giáo Hội (de Sanctionibus in Ecclesia). Kết thúc phiên họp này, Hội Đồng đã được yết kiến Đức Phanxicô. Nhân dịp này, ngài đã ngỏ lời với Hội Đồng.
Đại cương, Đức Phanxicô nhắc lại nhiệm vụ của Hội Đồng là trợ giúp chức năng lập pháp của Đức Giáo Hoàng, Nhà Lập Pháp phổ quát, trong việc giải thích đúng đắn các luật lệ do ngài ban hành, trợ giúp các Bộ Sở trong vấn đề Giáo Luật, cũng như lo liệu để các bản văn có tính qui phạm do các nhà làm luật dưới thẩm quyền tối cao ban hành được hợp pháp.
Hội Đồng cũng cam kết trợ giúp các mục tử của các Giáo Hội đặc thù và các Hội Đồng Giám Mục trong việc giải thích và áp dụng đúng đắn các luật lệ. Trong khía cạnh này, Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh: “điều cần thiết là tái thủ đắc và suy tư về ý nghĩa thực sự của luật lệ trong Giáo Hội, Nhiệm Thể Chúa Kitô, trong đó, Lời Thiên Chúa và Các Bí Tích là ưu việt, trong khi qui phạm pháp lý có vai trò cần thiết nhưng phụ thuộc và để phục vụ sự hiệp thông”.
Ngài nói thêm: cần phải hiểu rõ chiều kích mục vụ của Giáo Luật nghĩa là tính dụng cụ của nó nhằm phần rỗi các linh hồn (salus animarum).
Nhân đây, ngài nhắc lại giáo huấn của Đức Bênêđíctô XVI trong Thư Gửi Các Chủng Sinh: một xã hội không có luật lệ là một xã hội không có quyền lợi. Luật lệ là điều kiện của tình yêu.
Cũng nhân dịp này, Đức Phanxicô nhắn nhủ các Giám Mục nói chung: vai trò thẩm phán giữa các tín hữu đã được ủy thác cho các ngài luôn có đặc tính mục vụ nghĩa là hướng tới việc hiệp thông giữa các thành phần dân Chúa.
Cụ thể, khi vị bản quyền đã nắm chắc rằng dù đã hết cách, mà vẫn không thể có được đầy đủ sự sửa sai tai tiếng, tái lập công lý, tu sửa người vi phạm, thì chỉ khi ấy mới nên khởi sự thủ tục tư pháp hay hành chánh để ban hành và công bố các hình phạt thỏa đáng để đạt mục tiêu.
Suy diễn từ đó, ta thấy hình phạt tội hình luôn là lý do tối hậu (extrema ratio), phương thuốc tối hậu, cực chẳng đã mới áp dụng, sau khi mọi phương thế khác tỏ ra vô hiệu. Ngài nói: “trái với điều được nhà làm luật của Nhà Nước dự liệu, hình phạt theo giáo luật luôn có ý nghĩa mục vụ và không chỉ tuân theo chức năng tôn trọng trật tự mà còn cả việc sửa chữa và nhất là thiện ích của chính phạm nhân. Mục đích sửa chữa hướng tới việc phục hồi, bao nhiêu có thể, các điều kiện có trước việc vi phạm vốn làm đảo lộn sự hiệp thông”.
Đối với ngài, “mọi tội phạm, thực tế, đều liên quan đến toàn thể Giáo Hội, mà việc hiệp thông đã bị vi phạm bởi người cố ý vi phạm chống lại Giáo Hội bằng tác phong của họ. Cùng đích của việc phục hồi cá nhân nhấn mạnh điều này: hình phạt giáo luật không phải chỉ là phương thế cưỡng chế, mà nó có đặc tính chữa lành khác biệt”.
Trong đồng văn trên và cũng nhân dịp kỷ niệm một năm Hội Nghị Thượng đỉnh về việc bảo vệ các vị thành niên trong Giáo Hội, chúng tôi xin giới thiệu với qúy độc giả của VietCatholic một công trình giải thích của Hội Đồng Giáo Hoàng Giải Thích Các Bản Văn Luật Pháp về Phúc Nghị của Đức Phanxicô về việc hủy bỏ Bảo Mật Giáo Hoàng, công bố hồi tháng Sáu năm 2019.
Nhận định của Đức Cha Juan Ignacio Arrieta, Tổng thư ký Hội Đồng Giáo Hoàng Phụ trách Các Bản văn Luật Pháp về Phúc nghị của Đức Giáo Hoàng liên quan đến Tính Bảo mật của Các Thủ tục luật pháp
Phúc nghị từ một cuộc hội kiến (rescriptum ex audientia), được Đức Giáo Hoàng Phanxicô ban cho vị Phó Phủ Quốc Vụ Khanh vào ngày 6 tháng 12 vừa qua rồi được Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh ký, để ban hành Chỉ thị Về Tính Bảo Mật của Các Thủ tục Luật Pháp, đã được công bố hôm nay. Chỉ thị này nhằm nói rõ mức độ bảo mật theo đó phải xử lý ra sao các tin tức hoặc tường trình việc lạm dụng tình dục do các giáo sĩ hoặc các người thánh hiến vi phạm đối với các vị thành niên và các chủ thể khác được xác định ở đây, cũng như bất cứ tác phong nào của các thẩm quyền Giáo Hội có xu hướng bắt người ta im lặng hay che đậy chúng. Như sẽ thấy, mục đích của Chỉ thị mới là bãi bỏ việc phải tùy thuộc điều gọi là “bí mật Giáo Hoàng”, thay vào đó, đem “cấp độ” giữ bí mật, cần thiết để bảo vệ tiếng tốt của những người liên hệ, trở lại “mức bí mật chính thức” thông thường do điều 471, Bộ Giáo Luật thứ hai (điều 244 §2, Bộ Giáo Luật Đông Phương) thiết lập, là điều mỗi Mục tử hay vị giữ một chức vụ công buộc phải tuân hành nhiều cách khác nhau tùy việc họ là các chủ thể có quyền biết thông tin ấy hay, mặt khác, không có quyền này.
Tài liệu này nhằm mục đích đem lại sự chắc chắn trong việc phải hành xử ra sao trong những tình huống, trong một số trường hợp, đặc biệt đối với các thừa tác viên thánh, có thể liên quan tới các nghĩa vụ luân lý không thể miễn chước phải giữ bí mật. Chỉ thị này cũng là bước tiếp theo các biện pháp khác được Tòa Thánh thông qua gần đây, đặc biệt là sau cuộc họp của chủ tịch các Hội đồng Giám mục được tổ chức vào cuối tháng 2 năm ngoái. Tông Tòa Xá giải (Apostolic Penitentiary) cũng can thiệp vào những vấn đề này với Thông tư (Note) ngày 29 tháng 6 vừa qua về tầm quan trọng của tòa trong và tính bất khả xâm phạm của ấn tín bí tích; một bối cảnh trong đó ta cần phải đọc Chỉ thị này.
Thực thế, tuy không trực tiếp đề cập đến bí mật giáo hoàng, tự sắc La tutela dei minori (Bảo vệ vị thành niên), ngày 30 tháng 3 năm 2019, và Điều 3 của Luật Vatican CCXCVII về việc bảo vệ các vị thành niên và những người dễ bị tổn thương, ngày 26 tháng 3 năm 2019, áp đặt lên toàn bộ Tòa Thánh nghĩa vụ phải báo cáo loại tội phạm này do các nhân viên gây ra hoặc trong bất cứ trường hợp nào xảy ra trong lãnh thổ Vatican, trừ ngoại lệ duy nhất – dĩ nhiên - được dự liệu bởi ấn tín bí tích, một điều phải luôn được vị linh mục giải tội tôn trọng (điều 3 § §1, 3 Luật số CCXCII). Sau đó, vào ngày 7 tháng 5 năm 2019, tự sắc Vos estis lux mundi, một tự sắc thậm chí không nhắc đến bí mật giáo hoàng hoặc ấn tín bí tích - vì coi điều đó hiển nhiên - đã mở rộng nghĩa vụ báo cáo hành vi bất hợp pháp của các giáo sĩ hoặc các người thánh hiến, kể cả các hành vi tình dục với người lớn thực hiện với sự lạm quyền và tội im lặng đối với hành vi này trong diễn trình điều tra giáo hội khởi xướng chống lại những người phải chịu trách nhiệm đối với những tội ác này. Vos estis lux mundi áp đặt lên các giáo sĩ và các người thánh hiến trong toàn Giáo hội nghĩa vụ báo cáo bất cứ thông tin nào về tác phong đó, bằng cách nói rõ rằng không trong trường hợp nào, việc báo cáo như vậy bị coi là vi phạm “tính bí mật chính thức” cả (Điều 4 §1).
Những biện pháp của Đức Giáo Hoàng này đã vượt quá năng quyền độc hữu đã ban cho Bộ Giáo lý Đức tin trong tự sắc Sacramentorum sanctitatis tutela ngày 30 tháng 4 năm 2001 và sau đó được tu chính, là tự sắc giới hạn trách vụ của Thánh Bộ vào các lạm dụng đối với các vị thành niên và những người khuyết tật (incapacitated) chỉ do các giáo sĩ vi phạm mà thôi.
Nghĩa vụ tố cáo được quy định bởi các qui tắc này, vì lý do nhất quán về quy phạm, đòi phải kiểm tra cẩn thận từ viễn ảnh của bí mật giáo hoàng, một việc chưa được các tài liệu khác đề cập đến. Thực thế, bí mật nói trên không là gì khác hơn nghĩa vụ đặc biệt phải giữ tính bí mật - được bảo vệ nghiêm ngặt hơn bởi giáo luật và được thực hiện qua một công thức tuyên thệ chuyên biệt – được áp đặt lên một số loại người (giám mục, viên chức giáo triều, v.v.) liên quan đến một số vấn đề mà họ phải giải quyết do chức vụ của họ. Tuy nhiên, đó là trường hợp mà điều I, §4 của Chỉ thị Secreta Continere, năm 1974, một chỉ thị cho đến nay vốn quy định “bí mật giáo hoàng”, đề cập đến các lời tố cáo, các phiên xét xử và các phán quyết liên quan đến các tội phạm nghiêm trọng chống lại đạo đức, và nhiều chủ đề lệ thuộc qui tắc đó: trong thực tế, tất cả các hành vi vốn là đối tượng của các biện pháp gần đây.
Đó là bối cảnh và động lực của Chỉ thị ngắn gọn này, một chỉ thị, vì không thể nào khác hơn, chỉ liên quan đến nghĩa vụ pháp lý của một chủ thể mà, trong một số khía cạnh, cũng có thể liên quan, (chủ yếu trong trường hợp các linh mục), đến nghiã vụ đạo đức nhất thiết phải giữ im lặng mà không một nhà lập pháp nhân bản nào có khả năng sửa đổi. Nó cũng là một bản văn trong đó năm đoạn làm thành bản văn được liên kết chặt chẽ với nhau, bổ sung cho nhau để cùng chỉ ra hành vi đúng cần phải tuân theo.
Chỉ thị không hề chống lại bổn phận tuyệt đối phải giữ ấn tín bí tích, vốn là nghĩa vụ đặt lên vị linh mục do chính chức vụ mà ngài chiếm giữ trong việc quản lý Bí tích Giải tội, và, ngay cả chính hối nhân cũng không thể tha cho ngài khỏi tuân gữ. Chỉ thị cũng không liên quan đến nhiệm vụ nghiêm ngặt giữ bí mật những điều có thể nghe được ở ngoài việc xưng tội, trong toàn bộ tòa gọi là “bên ngoài bí tích” (extra-sacramental). Cuối cùng, Chỉ thị không liên quan đến các nghĩa vụ đạo đức khác về việc bảo mật liên hệ tới các tình huống được ủy thác cho linh mục theo nghĩa được mô tả trong số 2 của Thông Tri của Tòa Tông Giải (Apostolic Penitentiary).
Như đã đề cập trên đây, Chỉ thị bắt đầu bằng cách loại khỏi phạm trù “Bí mật giáo hoàng” - với một sửa đổi mặc nhiên điều I §4 của Chỉ thị Secreta Continere - cả hai là các chủ đề được mô tả trong điều 1 tự sắc Vos estis lux mundi (lạm dụng quyền hành trong cưỡng bức các hành vi tính dục, lạm dụng tình dục các vị thành niên hoặc người dễ bị tổn thương, che giấu các hành vi này trong các cuộc điều tra của giáo hội) và những điều chứa trong điều 6 của tự sắc Sacramentorum sanctitatis tutela, hiện đang có hiệu lực, liên quan đến tội phạm ấu dâm đối với trẻ em dưới 18 tuổi ở độ tuổi hoặc đối với các đối tượng mất khả năng, cũng như các tội phạm văn hóa khiêu dâm trẻ em liên quan đến những người trẻ dưới 18 tuổi (theo sự tu chỉnh điều 6 §1, 2 nay có hiệu lực nhờ một Phúc nghị từ một Cuộc Hội kiến khác (Rescriptum ex audientia) mà sau này tôi sẽ đề cập đến sau này. Do đó, tất cả các hành vi như vậy không còn là chủ đề của bí mật Giáo Hoàng nữa, ngay cả khi nó bị vi phạm, như được chỉ ra trong số 2 của Chỉ thị, kết hợp với các tội phạm khác cũng là chủ đề của bí mật giáo hoàng (ví dụ: các tội ác khác chống lại đạo đức hoặc chống lại các Bí tích trong thẩm quyền của Bộ Giáo Lý Đức Tin và được đề cập trong Chỉ thị Secreta Continere).
Tuy nhiên, và đây là một chi tiết quan trọng, sự kiện kiến thức về các hành động tội phạm này không còn bị ràng buộc bởi “bí mật Giáo hoàng” không có nghĩa là nó cho phép tự do công khai nó bởi những người nắm giữ nó, một điều ngoài việc là vô luân ra, còn làm suy yếu quyền có tiếng tốt của những người được bảo vệ bởi điều số 220 trong Bộ Giáo Luật. Về phương diện này, số 3 trong Chỉ thị đề cập đến những người không hề được yêu cầu xử lý chính thức các tình huống đó trong tính bí mật thông thường hoặc bảo mật chính thức được nêu trong các điều 471, 2 ° Bộ Giáo Luật và điều 244 §2, 2 Bộ Giáo Luật Đông Phương, như trong trường hợp điều 2 §2 của tự sắc Vos estis lux mundi. Điều này có nghĩa: những người được thông tri về tình huống hoặc có liên quan bất cứ cách nào đến các cuộc tìm hiểu hoặc điều tra vụ án đều được yêu cầu “bảo đảm an ninh, tính toàn vẹn và bảo mật”, và không chia sẻ thông tin bất cứ loại nào với các bên thứ ba không liên quan đến vụ án. Trong số những người tham gia phiên tòa, một khi đã được chính thức dẫn nhập, rõ ràng có bị cáo, vì vậy biện pháp mới cũng cổ vũ quyền bào chữa thoả đáng.
Tuy nhiên, trong hai số sau của Chỉ thị, chúng ta thấy hai minh xác quan trọng khác về nghĩa vụ bảo mật. Một chứa trong số 5, là số, cũng theo điều được qui định bởi Điều 4 §3 của tự sắc Vos estis lux mundi, nghiêm cấm việc áp đặt bất cứ loại “ràng buộc phải giữ im lặng nào liên quan đến các sự kiện của vụ án” lên các chủ thể đã nộp báo cáo hoặc khiếu nại lên chính quyền, hoặc lên những người cho rằng đã bị hại, hoặc lên các nhân chứng can thiệp vào vụ án. Ngoại lệ duy nhất đối với việc ngăn cấm này liên quan đến bản thân bị cáo, người, trong loại biện pháp này, ngay từ đầu thường xuyên chịu các loại ngăn cấm và biện pháp phòng ngừa khác nhau, tùy thuộc các tình huống cụ thể. Do đó, bí mật nghề nghiệp liên quan đến tất cả những người này, vì vai trò của họ, phải can thiệp vào việc xử lý vụ kiện.
Phạm vi quan trọng khác của bí mật chính thức, hiện đang được tái khẳng định thêm, luôn phù hợp với chuẩn mực của điều 19 tự sắc Vos estis lux mundi, là việc nhắc nhở phải tuân thủ đúng mức các luật lệ của nhà nước được thiết lập trong vấn đề này. Do đó, số 4 trong Chỉ thị tái khẳng định rằng bí mật nghề nghiệp cần phải tuân thủ trong các trường hợp này không hề là trở ngại đối với “việc chu toàn các nghĩa vụ được đặt ra ở mọi nơi bởi luật pháp của Nhà nước, bao gồm mọi nghĩa vụ báo cáo nào [về tin tức có thể có về một tội ác], và việc thi hành các yêu cầu chấp hành của các tòa án dân sự”, các yêu cầu, lẽ dĩ nhiên, có thể buộc phải nạp, thí dụ, các văn bản tài liệu của tòa ngoài.
Trong bản chất, đây là nội dung của Chỉ thị mới, một chỉ thị, phù hợp với các quy tắc được đưa ra trong những tháng gần đây về chủ đề này, đã điều chỉnh đôi chút Chỉ thị Secreta continere, mang lại sự nhất quán hơn cho toàn bộ hệ thống kỷ luật và luôn đứng ngoài các nghĩa vụ luân lý giữ bí mật và bảo mật mà luật lệ do con người tạo ra (positive law) không thể hủy bỏ.
Đồng thời với việc ban hành Chỉ thị Về Tính Bảo mật của Các Thủ tục Tố tụng, một văn kiện khác về một chủ đề tương tự đã được công bố hôm nay. Đó là một Phúc Nghị Từ Một Cuộc Hội Kiến khác, lần này đã được ban cấp một cách bất thường cho hai Hồng Y – một là Quốc Vụ Khanh hai là Bộ trưởng Bộ Giáo lý Đức tin - sẽ được ghi vào bản cập nhật định kỳ về các quy tắc của tự sắc Sacramentorum sanctitatis tutela, liên quan đến việc xử lý các tội phạm nghiêm trọng nhất thuộc thẩm quyền của Bộ Giáo lý Đức tin, như kinh nghiệm pháp lý của việc thực hiện các phiên tòa thích đáng thường đòi hỏi. Những thay đổi được đề nghị trong dịp này, nhằm thay thế các bản văn trước đây của tự sắc đã trích dẫn, về cơ bản có hai.
Thay đổi đầu tiên liên quan đến việc dẹp bỏ yêu cầu có tính cách mệnh lệnh theo đó, cho đến nay, vai trò của luật sư và công tố viên phải được chu toàn bởi một linh mục, cả khi vụ án đang được các tòa án giáo phận nghiên cứu lẫn khi nó được xem xét bởi Bộ Giáo lý Đức tin. Từ nay vai trò này cũng có thể được nắm giữ bởi một tín hữu giáo dân sở đắc các đòi hỏi tiên quyết được thiết lập cho mục đích này bởi các quy định pháp lý của Giáo hội.
Thay đổi khác mà Phúc Nghị đã nói ở trên đưa ra cho tự sắc Sacramentorum sanctitatis tutela, như đã lưu ý, liên quan đến việc tăng lên 18 - chứ không phải 14, như từ trước đến nay - trong độ tuổi của các đối tượng được mô tả trong các hình ảnh như điều kiện tiên quyết để xác định tội phạm khiêu dâm trẻ em. Quyết định này cũng vậy, bất chấp các khó khăn nó có thể tạo ra trong việc xác định độ tuổi, tượng trưng cho một hậu quả nhất quán của việc tổng quát tăng tuổi lên 18 trong giới hạn để cấu thành tội phạm ấu dâm được thiết lập nhân dịp có những tu chính đối với bản văn gốc của tự sắc hồi tháng 5 năm 2010.
Vũ Văn An - Vietcatholic Networks.
Tin bài khác