Giáo Luật và việc Giáo Sĩ tham gia vào Chính Trị
A. Lời Mở Đầu:
Gần đây nếu chúng ta có dịp theo dõi sát nút hiện tình của Giáo Hội, thì vấn đề Linh Mục hay giới Giáo Sĩ tham gia vào chánh trị là một đề tài khá nóng bỏng. Được xuất phát từ khuynh hướng bộc phát của Thần Học Giải Phóng, một số Giáo Sĩ tại các quốc gia như: Haiti, Phi Luật Tân, Canada, Hoa Kỳ, Papua New Guinea, Phi Châu, vân vân..., và gần đây nhất là Paraguay... đã quyết định dũ bỏ áo tu trì để tham gia vào trường chánh trị mặc cho những cấm đoán và cảnh cáo của giới Giáo Quyền.
Kết quả nhìn chung cũng chẳng có gì cải thiện cho mấy về đời sống cơ cực cũng như lam lũ của những người dân nghèo, vì rằng một khi đã có chức có quyền, những vị Giáo Sĩ này lại trở thành những nhà độc tài sống theo kiểu mới, hay theo cách nói của thời Cộng Sản Việt Nam là sống theo thời thượng, vốn bị thoái hóa và rồi trở nên sa đọa lầm lạc và tội lỗi.
Riêng trong bối cảnh Việt Nam, ngay từ thời trước 1975 và mãi cho đến ngày nay, cũng đã có không ít các vị thuộc giới Giáo Sĩ đã tham gia vào các hoạt động chánh trị của Đảng để làm tay sai và ăn-ten cho Cộng Sản hòng đấu tố và trù dập những vị Giáo Sĩ đức độ, tài năng, có lòng yêu Giáo Hội và yêu Quê Hương chân chính, để rồi sau đó chính các "đồng chí" khốn nạn khoác áo "giáo sĩ" này cũng đã bị chính chế độ mà các vị này làm nô lệ cho, vắt chanh bỏ vỏ, cho về vườn không thương tiếc, và thậm chí còn bị đàn áp và bỏ tù nữa là đằng khác...
Khác với việc làm chánh trị của các Giáo Sĩ ở nước ngoài, và đặc biệt là ở Phi Luật Tân - một quốc gia Công Giáo rất gần với Việt Nam - việc hoạt động chánh trị của các vị Giáo Sĩ ngoại quốc này là vì dân nghèo và vì đất nước điêu tàn, thống khổ và đổ nát; chứ không giống như tình hình tại Việt Nam, khi việc làm chánh trị là để cũng cố thêm cho quyền lực ác độc của Đảng, để qua đó khiến cho mọi con dân ngày càng thêm thống khổ và Giáo Hội ngày càng bị an nguy trước gọng kiềm gian manh của chế độ đương thời.
Trước những bức xúc đó, người viết tôi mới quyết định viết ra những dòng chữ này, hòng có thể gạn khơi lại lương tâm và trí suy nghĩ của những ai đó - vốn đã từng và nay vẫn còn - để kịp thời thức tỉnh lương tri, để sớm biết quay trở lại với đường ngay nẻo chánh của Giáo Hội, cũng như của Chân Lý và Sự Thật, vốn không hề bao giờ bị đổi thay mặc cho WTO hay OTW gì gì đó sau này nữa....
Thế đâu là những giới hạn và chừng mực của việc Giáo Sĩ tham gia vào chánh trị?
Bài Viết ngắn của kẻ hèn mọn này, chỉ muốn gợi ra một số suy nghĩ nghiêm túc và sâu sa về vấn đề tế nhị này trong chính môi trường cụ thể của Việt Nam, chứ không cố tình đưa ra những câu trả lời thích đáng hay cố tình "búa rùi qua mắt thợ" hoặc "lên lớp dạy đời" Giới Tu Sĩ!
B. Việc Tham Gia của Giới Giáo Sĩ vào Chánh Trị Dựa Theo Các Quy Luật Phổ Quát của Giáo Hội:
1. Theo Bộ Giáo Luật (Code of Canon Law):
Có hai điều khoản (provision) trong Bộ Giáo Luật 1983 vốn ngăn cấm việc tham gia của giới Giáo Sĩ vào một số hoạt động chánh trị cụ thể, đó là:
Can. 285, §3 viết rằng: "Giới Giáo Sĩ không được phép đảm nhận các chức vụ công cộng, vốn có liên quan đến sự tham dự vào việc thực thi công quyền."
(Clerics are forbidden to assume public offices, which entail participation in the exercise of civil power).
Tức các Linh Mục không thể đảm nhận các vị trí công quyền vốn đòi hỏi việc thực thi các quyền hành về mặt hiến pháp, hành chánh và pháp lý.
Can. 287, §2 viết rằng: "Giới Giáo Sĩ không được phép đóng một vai trò tích cực trong các đảng chánh trị và theo khuynh hướng của các công đoàn trừ phi nhu cầu để bảo vệ các quyền lợi của Giáo Hội hay để cổ võ lợi ích chung mà qua đó có được sự suy xét/quyết định hay phán đoán của giới giáo quyền.."
(Clerics are not to have an active role in political parties and in the direction of labor unions unless the need to protect the rights of the Church or to promote the common good requires it in the judgement of the competent ecclesiastical authority).
Điều này có nghĩa rằng các vị Linh Mục không thể nào tham gia vào hoạt động của bất kỳ một đảng phái chánh trị nào trừ phi trong một trường hợp cụ thể "vốn thật sự được đòi hỏi vì lợi ích chung của cả cộng đồng, và nhận được sự cho phép của Đức Giám Mục địa phương sau khi đã tham khảo qua với hội đồng các Linh Mục, và nếu trường hợp cần phải có một hay hai người như vậy, thì phải có sự đồng ý và cho phép của cả Hội Đồng Giám Mục." (trích từ J.A. Coriden in the Code of Canon Law: A Text and Commentary, Canon Law Society of America, New York, 1985, p.228 sq.)
Các Phó Tế Vĩnh Viễn (tức những người đã có gia đình nhưng cũng có đeo cổ trắng như các Linh Mục hay các Tu Sĩ Nam), mặc dầu cũng thuộc vào Giới Giáo Sĩ, thế nhưng lại không bị bất kỳ một sự ràng buộc nào cả bởi sự cấm đoán này, thế nhưng đối với các Tu Sĩ của các Dòng (như được đề cập trong Can. 672) và các thành viên của các Hội Đời Sống Tông Đồ (như được đề cập trong Can. 739) đều phải tuân thủ theo những Điều Khoản này.
2. Theo Những Giảng Dạy của Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị (Magisterium of Pope John Paul II):
Những khoản cấm về Giáo Luật dành cho các vị Linh Mục và Giám Mục, như được liệt kê ở trên, hoàn toàn tương xứng với những lời tuyên bố chính thức của Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị.
Nói chuyện với cuộc họp mặt của các Linh Mục Dòng và Triều tại Thành Phố Mêhicô vào Tháng 1/1979, Đức Cố Thánh Cha nói:
"Các hiền huynh không phải là các vị giám đốc xã hội, các nhà lãnh đạo chánh trị hay những người thừa hành của quyền lực trần thế.... Đừng để cho chúng ta phải rơi vào thứ ảo tưởng cho rằng chúng ta đang phục vụ Phúc Âm nếu như chúng ta 'xem nhẹ' đi ơn gọi thiêng liêng của chúng ta thông qua một sự ham thích quá mức về các vấn nạn tràn lan của thứ thế quyền trần tục."
(You are not social directors, political leaders or functionaries of temporal power… Let us not be under the illusion that we are serving the Gospel if we ‘dilute’ our charism through an exaggerated interest in the wide field of temporal problems).
Và Đức Cố Thánh Cha cũng đã lặp lại những lời tương tự trong Thánh Lể đầu tay của Ngài khi mới đặt chân đến thủ đô Manila, Phi Luật Tân vào ngày 17 tháng 2 năm 1981.
Trong chuyến viếng thăm mục vụ tại nước Zaire, bên Phi Châu, Đức Cố Thánh Cha cũng đã lặp lại những lời nói tương tự, khi Ngài nói rằng:
"Hãy để các trách nhiệm về mặt chánh trị cho những ai được giao phó cho việc này. Các hiền huynh có một nhiệm vụ khác, một nhiệm vụ cao cả hơn; các hiền huynh chính là 'những người lãnh đạo' theo một khuynh hướng khác và trong một ý niệm khác, chính là việc tham dự vào chức vị Tư Tế của Chúa Kitô, như là những Vị Giáo Sĩ của Ngài. Lãnh vực mà các hiền huynh can dự vào là một lãnh vực hết sức rộng lớn, đó là lãnh vực thuộc về đức tin và đạo đức luân lý, chính từ lãnh vực đó mà các hiền huynh được mong đợi để thuyết giảng bằng cả chính ngôn từ can đảm lẫn đời sống gương mẫu của mình."
(Leave political responsibilities to those who are charged with them. You have another part, a magnificent part; you are 'leaders' by another right and in another manner, participating in the priesthood of Christ, as his ministers. Your sphere of interventions, and it is vast, is that of faith and morals, where it is expected that you preach at the same time by a courageous word and by the example of your life).
3. Theo Những Giảng Dạy của các Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới (Synod of Bishops):
Sự thật rõ ràng và như một quy luật chung rằng: các vị Linh Mục và Giám Mục không được phép giữ những chức vụ công quyền, vốn đòi hỏi đến việc thực thi về công quyền, và không được phép tham gia vào các hoạt động chánh trị của các đảng phái. Như Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới vào năm 1971 đã khẳng định một cách rất cụ thể rằng, các Linh Mục "phải giữ một khoảng cách khác biệt rõ ràng về việc tham dự vào bất kỳ một hoạt động chánh trị nào" (trích từ 1971 Synod of Bishops, The Ministerial Priesthood, II, I, 26).
Tuy nhiên, các vị Linh Mục không bị loại trừ khỏi tất cả các hoạt động chánh trị. Trong một số trường hợp cụ thể, các Linh Mục không những được phép, mà đôi lúc còn phải bị bắt buộc tham gia vào hoạt động chánh trị.
Cũng trong Văn Kiện của Kỳ Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới năm 1971, có đoạn viết rằng:
"Cùng với cả Giáo Hội, các Linh Mục bị bắt buộc, theo khả năng cao nhất của mình, để chọn ra một hành động rõ ràng dứt khoát, khi vấn đề có liên quan đến việc bảo vệ nhân quyền (hay các quyền về con người), việc cổ võ cho sự phát triển toàn vẹn của mọi con người, và việc đeo đuổi các mục tiêu hòa bình và công lý."
(Together with the entire Church, priests are obliged, to the utmost of their ability, to select a definite pattern of action, when it is a question of the defense of fundamental human rights, the promotion of the full development of persons and the pursuit of the cause of peace and justice).
Từ điểm này cho thấy rõ ràng là các vị Giám Mục và Linh Mục có thể đảm nhận các kiểu hoạt động chánh trị không theo bất kỳ một thứ đảng phái nào, bao gồm đến việc bảo vệ cho nhân quyền, cho việc cổ võ cho sự phát triển toàn vẹn của mọi con người, và việc đeo đuổi các mục tiêu hòa bình và công lý, khi mà những hoạt động như vậy không có dính liếu gì cả đến việc phải giữ các chức vụ công quyền, vốn đòi hỏi việc thực thi quyền hành dân sự theo kiểu chánh trị của xã hội tục trần.
C. Giáo Hội và Chánh Trị Trong Bối Cảnh Cụ Thể của Một Nhà Nước Cộng Sản Việt Nam:
Bộ Giáo Lý Đức Tin (Congregation for the Doctrine of the Faith), trong Chỉ Thị về Một Số Lãnh Vực Nào Đó của Thần Học Giải Phóng (Instruction on Certain Aspects of the Theology of Liberation), tuyên bố rằng:
"Hơn bao giờ hết, Giáo Hội có ý định lên án những vụ lạm dụng, những bất công và những tấn công chống lại sự tự do, vào bất cứ khi nào những điều này xảy ra, hay bất cứ ai xâm phạm đến những điều này. Giáo Hội có ý định tranh đấu, bằng chính phương cách riêng của mình, để nhằm bảo vệ và thăng tiến các quyền nhân loại, đặc biệt là cho những người nghèo khổ."
(More than ever, the Church intends to condemn abuses, injustices and attacks against freedom, whenever they occur and whoever commits them. She intends to struggle, by her own means, for the defense and advancement of the rights of mankind, especially the poor).
Một Giáo Hội biết hành động như vậy, thì điều đó không có nghĩa là Giáo Hội phải hoàn toàn đứng bên ngoài hay bên lề, hay phải hoàn toàn tham gia một cách trọn vẹn vào trong đời sống chánh trị của quốc gia. Giáo Hội sẽ không có bất kỳ phương cách nào để "lên án những bất công của xã hội" cũng như "tranh đấu để bảo vệ và thăng tiến các quyền thuộc về con người" nếu như Giáo Hội không bước vào lãnh vực chánh trị, bằng chính "phương cách riêng của Giáo Hội."
1. Bối Cảnh Cụ Thể của Việt Nam Thông Qua Hai Lăng Kính của Ba Lan và Phi Luật Tân:
Giáo Hội Việt Nam phải xem việc rao giảng Tin Mừng hay việc hiện thực hóa Sứ Điệp Phúc Âm của Giáo Hội như là cách để "loan truyền, trên tất cả, là nhằm hướng đến việc cứu rỗi nhân loại khỏi mọi thứ tội lỗi; giúp giải phóng con người thoát khỏi những gông cùm, tai ương, và bách hại; giúp nhân loại con người phát triển đầy đủ theo những chiều kích cá nhân và hiệp thông liên đới riêng của từng con người với nhau; và mục tiêu tối hậu vẫn là nhằm để hoán cải một xã hội tục trần hư nát, trong mọi giai tầng xã hội khác nhau, thông qua sự tác động hỗ tương về Sự Thật của Phúc Âm và đời sống vẹn toàn của con người thuộc về Thiên Chúa." Thì đó thiết nghĩ mới chính là Nghĩa Vụ (Task) và Sứ Mệnh (Mission) của Giáo Hội.
Để hiện thực được điều đó thì Giáo Hội có ý định dùng ảnh hưởng của mình vào trong lãnh vực chánh trị, với mục đích là nhằm để "hoán cải xã hội trong mọi tầng lớp thông qua sự tác động hỗ tương về Sự Thật của Phúc Âm với đời sống vẹn toàn của con người vào Thiên Chúa."
Rõ ràng là Giáo Hội không muốn giới hạn sự ảnh hưởng của mình chỉ vào trong phạm vi và chiều kích của đời sống đạo đức luân lý cá nhân, và trong nội bộ của riêng Giáo Hội mà thôi, mà Giáo Hội còn phải biết tìm cách để bước và hòa nhập vào các giai tầng của xã hội và đời sống cụ thể của con người.
Đề minh chứng cho luận điểm này thì chúng ta hãy nhìn về Giáo Hội Công Giáo tại Phi Luật Tân xem sao.
Chính Đức Cố Hồng Y Jaime Sin là người, trên tất cả, đã vượt hẳn lên rất nhiều người để công khai và mạnh mẽ lên tiếng chống lại mọi vi phạm đến quyền con người, cũng như đã gan dạ vạch mặt tố cáo những vụ lạm dụng và đàn áp bất công của chế độ Marcos. Khi Corazon Aquino lên nắm chính quyền, thì chính phủ của Bà cũng đã bị khuấy đảo dữ dội bởi bảy cuộc nổi loạn, và qua từng cuộc nổi loạn như vậy, các giới chức thuộc về Giáo Quyền vốn do Đức Cố Hồng Y Sin lãnh đạo cũng đã dám công khai đưa ra sự ủng hộ của Giáo Hội cho chính phủ của Bà Aquino, để qua đó kêu gọi các quân phiến loạn ngừng chống lại các hoạt động của chính phủ Aquino.
Nhìn về Giáo Hội Công Giáo tại Ba Lan, và đặc biệt là chính gương của Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị, chúng ta học biết được điều gì?
Xuất thân từ một nước Cộng Sản, với tuổi thơ ấu và thanh niên bị tràn ngập trong ách bạo tàn của Phát Xít Đức và sau này của Cộng Sản, Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị, hơn ai hết, đã ý thức rất rõ về sứ vụ mục tử của Ngài trong tư cách là một Linh Mục, Giám Mục, rồi Hồng Y và sau này là Đức Giáo Hoàng của cả Giáo Hội hoàn vũ...
Những giảng dạy về công lý, và về sự công bằng xã hội của Ngài, luôn lúc nào cũng rất rõ ràng và minh bạch, không bao giờ luồn cúi, e sợ, im lặng, hay lật lọng và điêu ngoa. Ngài không chủ trương đi chính sách "hàng hai" và bắt tay thân Cộng, vì như thế, sự đau đớn và tổn hại sẽ thuộc về đàn chiên của Ngài.
Ý thức được chức vụ mục tử của mình đối với đàn chiên, khi đàn chiên của mình bị Cộng Sản bạo quyền đẩm máu và chà đạp, Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị, đã mạnh mẽ lên tiếng bênh vực và lên án công khai sự chà đạp của ý thức hệ Cộng Sản, đã công phẫn bày tỏ sự dã man và mất đi tính người của ý thức hệ Cộng Sản cho toàn thể thế giới, vân vân...qua các sứ điệp, các thông điệp, hòng kêu gọi và làm thức tỉnh lại lương tri của con người. Hay nói cách khác, Ngài đã hiện thực hóa sứ điệp Phúc Âm mà Ngài đã đích thân rao giảng cho nhân loại, bằng chính miệng lưởi của Ngài, trên tất cả mọi diễn đàn và trong những gì mà Ngài có thể làm được.
Thời đó, khó có ai có thể tin được rằng sẽ có ngày Cộng Sản bị sụp đổ tại Đông Âu. Thế nhưng, với Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị, Ngài đã thổi vào cho người dân Ba Lan một chí khí uyên bác hào hùng, nhằm làm bùng nổ lên một cuộc cách mạng ôn hòa.
Lech Walesa, vị sáng lập của Phong Trào Đoàn Kết, đã ghi công Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ II vì đã mang đến sự can đảm cho tất cả mọi người dân Ba Lan để họ can trường đứng lên thay đổi vận mệnh của chính họ.
Walesa cho biết như sau: "Trước khi bắt đầu triều đại Giáo Hoàng của Đức Cố Gioan Phaolô Đệ Nhị, thế giới bị chia thành hai khối, và chẳng ai biết cách làm thế nào để khử trừ bọn Cộng Sản và ý thức hệ ngu dốt của bọn chúng."
Thế nhưng, đối với Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị, thì Ngài chỉ đơn giản nói rằng: "Đừng sợ khi phải thay đổi đi diện mạo của đất nước Ba Lan!"
Chuyến viếng thăm mục vụ Ba Lan vào năm 1979 của Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị chính là đòn bẩy của cuộc cách mạng vốn dẫn đến sự sụp đổ của Cộng Sản. Nhà báo sử gia Timothy Garton Ash viết như thế này: "Không có Đức Giáo Hoàng, thì không có Sự Đoàn Kết. Không có Sự Đoàn Kết, thì không có Gorbachev. Không có Gorbachev, thì không có sự Sụp Đổ của Chế Độ Cộng Sản."
Và sau này chính Gorbachev đã cho Kremlin biết kẻ thù lâu đời nhất của nó chính là ai, qua câu nói như sau: "Mọi chuyện không thể nào có thể xảy ra được nếu như không có Đức Giáo Hoàng." (It would have been impossible without the Pope).
Bằng chính việc khôi phục lại cho mọi người dân Ba Lan về dung mạo đích thực của nền văn hóa và lịch sử về Ba Lan - đất nước của chính họ, Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị đã tạo ra một cuộc cách mạng lương tâm mà 14 tháng sau đó, giúp làm nảy sinh ra phong trào kháng cự không vũ lực có tên là Phong Trào Đoàn Kết, gồm những công nhân và những người trí thức năng động.
Và bằng chính việc khôi phục lại cho những người dân của Ngài một kiểu tự do và một ý chí bất khuất không hề sợ hãi mà bọn Cộng Sản không thể nào có thể đụng tới được, Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị đã làm khuấy động lên một sức năng động con người (human dynamics), mà cuối cùng sau gần hơn một thế kỷ, đã trở nên điều mà tất cả mọi người dân trên khắp hoàn vũ biết được đó chính là Cuộc Cách Mạng vào năm 1989.
Mặc dầu phải mất rất nhiều thời gian, sự hổ trợ và sự hiện diện âm thầm lẫn công khai của Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị, thế nhưng cuối cùng thì ngọn lửa đã kịp bừng sáng, và rồi ngọn lửa, vốn đang được thêu cháy âm ỉ và bập bùng đó, đã bùng nổ lên một cách dữ dội, thêu cháy khắp mọi miền đất nước của Ba Lan rồi lan ra các quốc gia khác đang bị Cộng Sản thống trị kế cận ở vùng Đông Âu.
Như Tướng Jaruzelski nói: "Đó chính là một ngòi nổ quan trọng của hàng triệu người dân Ba Lan kể từ sau chuyến viếng thăm mục vụ đó của Đức Cố Giáo Hoàng vào năm 1979."
Có lẽ câu tuyên bố có ý nghĩa quan trọng nhất mà Đức Cố Giáo Hoàng đưa ra sau sự sụp đổ của chế độ Cộng Sản, cũng như câu tuyên bố có ý nghĩa quan trọng và để đời nhất trong suốt triều đại Giáo Hoàng của Ngài, chính là câu mà Ngài nói tại Prague vào ngày 21 tháng 4 năm 1990 như sau: "Việc đòi hỏi để dựng xây một kiểu thế giới mà không có Thiên Chúa đã chứng tỏ cho thấy đó chỉ là một ảo tưởng mà thôi" ("the claim to build a world without God has been shown to be an illusion").
Cộng Sản đối với Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị chỉ là vấn đề của thời gian: tức khi nào và sự sụp đổ của nó như thế nào mà thôi.
Cộng Sản, chính là một hệ thống, mà theo ý của Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị, sẽ bị sụp đổ không chỉ bởi bàn tay Quan Phòng của Thiên Chúa, mà còn bởi vì hàng loạt các hệ quả đau đớn của những tội ác, của những sự chà đạp, của sự ru ngủ và đầu độc, vân vân... của chính riêng hệ thống của nó, mà các đồng chí Đảng Bắc, Nam lẫn Trung Việt ngày nay đang ôm ấp, đang hưởng lợi và đang cố tình cứu vớt lấy nó một cách yếu ớt, thô thiển và tuyệt vọng, như chúng ta đã từng thấy qua việc xét xử một vị Linh Mục vô tội có tên là Tađêô Nguyễn Văn Lý tại Huế.
Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị đã lặp đi lặp lại về nội dung đích thực của Kitô Giáo, về sứ điệp mang tính luân lý đạo đức và tôn giáo của Kitô Giáo, về sự bảo vệ nhân phẩm con người của Kitô Giáo, và Ngài cứ mãi khăng khăng nhắn nhủ một cách liên lũy cho cả nhân loại thế giới, và đặc biệt cho riêng hàng giáo sĩ của Ngài biết rằng: "đây mới chính là một nguyên lý để tất cả mọi người chúng ta noi theo."
Và chính vì thế, theo sự minh định uyên bác của Ngài rằng: chính Đạo Kitô Giáo, chính những người Kitô Giáo chân chính đã trở thành yếu tố quyết định trong cuộc sụp đổ của chế độ Cộng Sản.
Song song đó, trong lúc dân chúng đang vui mừng tổ chức sự sụp đổ của chế độ Cộng Sản, thì chính Ngài cũng đã lên tiếng cảnh tỉnh dân chúng trong việc chống lại những mối nguy hiểm của chủ nghĩa tư bản.
Ngài nói: "Rũi thay, không phải tất cả những gì mà Phương Tây đề nghị hoặc đưa ra đều hiện thể ra những dung mạo và những giá trị đích thực của Phúc Âm cả," vì rằng Ngài đã sáng suốt thấy được "trong chủ nghĩa tư bản những con côn trùng thật sự của nó gồm: sự trần tục hóa, sự dị biệt hóa, chủ nghĩa tiêu thụ khoái lạc, chủ nghĩa vật chất thực dụng, vốn cũng là một kiểu thuyết vô thần thật sự, không khác gì ý thực hệ và chủ thuyết Cộng Sản."
Với quan điểm cứng rắn và dứt khoát như vậy của Vị Lãnh Đạo của cả Giáo Hội Công Giáo hoàn vũ và vị Lãnh Đạo của riêng Giáo Hội Công Giáo tại Phi Luật Tân thời đó, chúng ta nhận thấy được rằng Giáo Hội có một vai trò hết sức quan trọng trong việc cỗ võ tình đoàn kết, nhằm hổ trợ cho những điều mà Giáo Hội nhận thấy Rất Đúng và Phải Cần Làm để cho Sự Thật của Phúc Âm được minh bạch, tỏ tường ra cho cả công chúng; cũng như biết cách lên án hay chỉ trích những phán đoán hay suy xét thuộc về tội lổi, về sự ác độc lẫn nguy hại đến con người.
Giáo Hội không nhúng tay vào chánh trị, nhưng cũng không thể làm ngơ trước những bất công mà xã hội trần ai đang tìm mọi cách để thao và dung túng cho những hoạt động thiếu và xa rời sự thật nhằm bách hại đến các quyền cơ bản của con người. Cần phải có sự đóng góp tích cực hơn nữa của Giáo Hội trong sự phát triển về mặt chánh trị của người dân.
2. Phải Chăng Giáo Hội Việt Nam Tham Gia Vào Chánh Trị?
Khi chúng ta nói đến sự liên quan của Giáo Hội trong lãnh vực chánh trị, tức là chúng ta ám chỉ đến giáo dân, tức một thành phần rộng lớn của Giáo Hội vốn chiếm hơn 90%. Chính qua giáo dân mà Giáo Hội có liên quan trực tiếp đến các vấn đề chánh trị.
Thế nhưng, điều đó không có nghĩa là giới Giáo Sĩ không đóng một vai trò nào cả trong hoạt động chánh trị. Mà thực chất là giới Giáo Sĩ can thể giảng dạy về những học thuyết có liên quan đến tính đạo đức và luân lý, ngay cả trong các lãnh vực có liên quan đến chánh trị, với điều kiện là các Vị Chánh Xứ có đủ năng lực và sự sáng suốt về các nguyên tắc đạo đức, luân lý có liên quan đến chánh trị và người giáo dân đó cũng có đủ năng lực và sự sáng suốt để trực tiếp và chủ động tham gia vào các hoạt động chánh trị của các đảng phái.
Các vị Giám Mục, các vị Linh Mục và các Nam/Nữ Tu Sĩ, vốn thường được nhận biết đến như là "Giáo Hội" (the Church) phải tự kiềm chế (refrain) khỏi mọi hoạt động chánh trị của đảng phái, đặc biệt là tránh việc sử dụng đến bục giảng cho những mục đích của đảng phái, để tránh gây ra việc chia rẽ giữa đàn chiên mà các Vị được Thiên Chúa trao phó để trông nom.
Hay nói cách khác, khi giới giáo dân tích cực tham gia vào hoạt động chánh trị, với sự tự do hoàn toàn không bị bắt buộc hay kiềm chế, thì các Vị Linh Mục Chánh Xứ có thể dạy cho giới giáo dân của họ biết về các nguyên tắc của đạo đức, luân lý và những chỉ dẫn về đạo đức luân lý có liên quan đến những vấn đề của xã hội, thế nhưng chính bản thân các Vị không được phép và không nên chủ động tham gia vào các hoạt động đảng phái chánh trị như của giới giáo dân.
Thì đây chính là Quy Luật và Nguyên Tắc Chung của việc Giáo Sĩ tham gia vào các hoạt động chánh trị.
Tuy nhiên, đó không phải là một thứ Quy Luật Tuyệt Đối (Absolute Rule) vì khi sự phán xét của giới có thẩm quyền trong Giáo Hội (hay giới Giáo Quyền) về các giá trị có liên quan đến mặt đạo đức luân lý và Phúc Âm bị nguy hại, lung lay, hay có điều gì đó mờ ám hoặc không ổn, thì việc cấm đoán giới Giáo Sĩ không được dính liếu đến các đảng phái chánh trị có thể được bỏ qua, vì nhu cầu cần phải có ai đó dám đứng ra để chống đỡ và bảo vệ các quyền lợi của Giáo Hội, quyền công ích, và các quyền có liên quan đến phẩm giá và sự hòa bình của con người.
(It is not however an absolute rule. When in the judgment of competent authority, moral and gospel values are at stake, the prohibition against clergy involvement in partisan politics may yield to the necessity of upholding the rights of the Church, the common good, and the cause of human dignity and peace).
Thậm chí ngay cả khi giới Giáo Sĩ có hiểu biết rất thấu đáo và sáng suốt cũng như có trọn quyền để đưa ra những chỉ dẫn mang tính đạo đức, luân lý đúng đắn có liên quan đến các vụ bầu cử, thì các Vị Giám Mục lẫn các thành viên khác trong giới Giáo Sĩ cũng không có một thứ quyền đặc biệt nào cả để đích danh nêu ra đâu là những ứng cử viên xứng đáng nhất để cho giới giáo dân bỏ phiếu, vì rằng giới giáo dân cần phải có quyền để thực thi quyền tự do Kitô Giáo của họ trong việc chọn lựa ra các ứng cử viên xứng đáng nhất vào các vị trí công quyền.
Công Đồng Chung Vaticăn II đã nhắc nhở các Vị Linh Mục Chánh Xứ phải "tôn trọng và biết nhìn nhận ra quyền tự do vốn thuộc về mọi người trong lãnh hạt trần gian" (respect and recognize the liberty which belongs to all in the terrestrial city).
Thế câu hỏi được đặt ra là: Liệu một vị Giám Mục hay Linh Mục có được phép và thậm chí có bị ràng buộc bởi Luật Lệ của Giáo Hội để ra vận động chống lại hay ủng hộ cho một ứng cử viên hay một đảng phái cụ thể nào đó không?
Thưa, nếu cuộc bầu cử của một đảng phái hay một ứng viên cụ thể nào đó rõ ràng là có mầm mống gây ra những nguy hại hết sức trầm trọng trong tương lai về các quyền của Giáo Hội hay quyền công ích chung của nhân loại, một khi đảng hay ứng viên đó thắng cử, thì tất cả mọi thành viên trong giới Giáo Sĩ, cũng giống như các thành phần dân chúng khác, không chỉ được phép mà còn phải có nhiệm vụ để ngăn ngừa sự chiến thắng của ứng cử viên hay đảng phái cụ thể nào đó, để bảo vệ Giáo Hội.
D. Lời Kết:
Tóm lại, với những phân tích trên, một điều rõ ràng chúng ta cần nên biết đó là việc cấm đoán giới Giáo Sĩ can dự vào các hoạt động chánh trị của một quốc gia là được dựa trên bản tính rất tự nhiên của chức vụ Tư Tế Linh Mục (Ministerial Priesthood) và về khía cạnh thánh thiên của sứ mệnh đó.
Linh Mục chính là một chứng tá và là một nhà bào chế (dispenser) về các giá trị siêu nhiên thay mặt Chúa Kitô và cùng với Quyền Năng của Chúa Kitô. Trước hết, việc trở thành một vị Linh Mục trong hàng ngũ thánh thiện là để được thích nghi và làm theo ý chỉ của Chúa Kitô, Đấng là Đầu của Giáo Hội, mà không chỉ cho Chúa Kitô mà thôi, mà còn cho cả các thành viên khác của Giáo Hội, giống như những gì xảy ra với tất cả mọi người khác qua chính phép Rửa Tội Kitô Giáo của riêng vị Linh Mục đó.
Trong ý nghĩa đó, thì mối quan tâm chính của Vị Linh Mục chính là việc cứu rỗi các tâm hồn, một sứ mệnh cao cả nhất - vốn ẩn chứa một đặc tính hết sức tâm linh và siêu nhiên nhất. Đặc tính tâm linh và siêu nhiên (spiritual and supernatural character) đó hoàn toàn vượt xa cả những sự đa dạng và mâu thuẩn, vốn khó có thể tránh khỏi của mọi quan điểm và mọi thành phần khác nhau theo quy luật tuần hoàn tự nhiên của quyền lực thế tục, như vấn đề chánh trị chẳng hạn.
Mặc dầu Vị Linh Mục có thể có những quan điểm cá nhân của riêng mình về các vấn đề có liên quan đến chánh trị, thế nhưng vì là Linh Mục và trong tư cách của một Vị Linh Mục, thì Vị đó phải luôn tìm cách vượt qua những dị biệt khác nhau của tất cả mọi thành phần dân Chúa (chứ không có bè phái) để cũng cố và đoàn kết cả đàn chiên của mình lại - để cả thảy cùng nên một với nhau - chứ không phải là để gây khó dễ hay tạo ra bất kỳ sự vướng mắc, hoặc cản trở nào trong và trước những vấn đề có tiềm năng gây ra sự chia rẽ hay sự hiềm khích và căm ghét lẫn nhau, cho dẫu các vấn đề đó có quan trọng đến cỡ nào đi chăng nữa.
Khi chúng ta lắng nghe các Vị Linh Mục chỉ nói về Thiên Chúa không thôi, thì điều đó có nghĩa là thậm chí nếu các Vị đó có phải đề cập hay đụng chạm đến các vấn đề có liên quan đến chánh trị, thì mục đích của việc làm đó là để hoán chuyển và quy hướng tất cả mọi sự về với Thiên Chúa, chứ không phải là để thiên vị, để nghiêng theo phe phái này phe phái nọ, hay thể hiện và áp đặt quan điểm chủ quan cá nhân, hay não trạng nghĩ suy theo "cái tôi" ích kỷ tầm thường của riêng mình, hoặc cố tình để mà dính liếu vào các khía cạnh phức tạp và đen tối của các vấn đề chánh trị.
Thêm vào đó, các Vị phải biết làm việc này sao cho thật khéo, biết tôn trọng quyền tự do Kitô Giáo, luôn lúc nào cũng hàm chứa tình bác ái, lòng nhân từ, cũng như tình yêu thương của Thiên Chúa, và điều quan trọng vẫn là tránh việc thể hiện ra những ẩn ý cay độc nào đó, khi phải đề cập đến các vấn đề có liên quan đến chánh trị.
Liên quan đến điểm này, Niên Giám về việc Mục Vụ và Đời Sống của các Linh Mục (Directory on the Ministry and Life of Priests) có viết ra như sau:
"Vị Linh Mục không thể đóng một vai trò tích cực trong các đảng phái chánh trị.... Mà đúng ra, thậm chí ngay cả khi những vấn đề đó tự bản chất của chúng là chính đáng, thì chúng dẫu sao cũng xa lạ với hiện trạng của giới Giáo Sĩ vì chúng có thể tạo/gây ra nguy cơ nhằm gây ra sự rẽ chia một cách trầm trọng trong cộng đoàn của Giáo Hội.... .
Vị Linh Mục phải biết tự kiềm chế chính mình vào việc tích cực tham gia vào chánh trị để trở nên một điểm quy chiếu về tình huynh đệ tâm linh.... .
Việc trực tiếp can thiệp vào những hoạt động chánh trị và vào các tổ chức xã hội mới chính là một phần trong ơn gọi của những người tín hữu, để qua đó họ hành động tùy theo những sáng kiến của riêng họ, cùng với những công dân khác của họ."
(The priest cannot take an active role in political parties… In fact, even if these are good things in themselves, they are nevertheless foreign to the clerical state since they can constitute a grave danger of division in the ecclesial community.... . The priest ought to refrain from actively engaging himself in politics in order to be a central point of spiritual fraternity...... To intervene directly in political activities and in social organization forms part of the lay faithful's vocation, in which they work by their own initiative together with their fellow citizens).
Phải chăng Giáo Hội Việt Nam hiện nay đang thiếu vắng đi những người giáo dân đáng tin cậy với sự hiểu biết sâu sắc và đích thực nhất về ơn gọi Kitô Giáo của họ, hòng có thể can dự trực tiếp vào các vấn đề chánh trị của nước nhà, để cho giới Giáo Sĩ phải tự "cán đáng" một mình, và phải đi "hàng hai" tức vừa làm Giáo Sĩ lại vừa làm một nhà chánh trị theo khuynh hướng có lợi cho chế độ và làm hại đến chính bản thân của Giáo Hội?
Tôi thật sự không nghĩ như thế, vì dẫu cho sự tàn phá đó có âm ỉ hay bạo tàn tới cở nào đi chăng nữa, thì Giáo Hội Việt Nam vẫn tồn tại và sống mãi, không phải theo bất kỳ quy luật nào của trần thế, dẫu qui luật đó có là của thời WTO hay không, có là cung hoặc cầu đi chăng nữa, thì Giáo Hội Việt Nam vẫn đứng vững.
Giáo Hội Việt Nam tồn tại và song hành với quy luật của trần thế, thế nhưng, Giáo Hội chưa bao giờ bị bóp nghẹt hay phải bị tự đào thải, hoặc bị hòa tan, và phải bị xoay vòng theo đúng như qui luật của thị trường, vì bản chất của Giáo Hội, suy cho cùng và cốt lõi chính là "Thánh Thiện - Công Giáo - Tông Truyền." Việc biết trở lại với tính nguyên thủy, tính đích thực và tính truyền thống của Sứ Điệp Phúc Âm bao giờ cũng là một hướng đi đúng cả!
Hãy nhìn và điều nghiên về các Giáo Hội Công Giáo địa phương tại Âu, Mỹ từ những năm của thập niên 1950s mãi cho đến nay, viết biết bao phong trào tục hóa, giáo phái hóa, vật chất hóa, và gần đây nhất là trào lưu tục hóa suy đồi với việc trợ tử, việc phá thai, việc đồng tính luyến ái, vân vân.... .. thì Giáo Hội vẫn tồn tại và đứng vững theo thời gian.
Con người và xã hội tục trần, hay bất kỳ qui luật nào đi chăng nữa, đến thời gian thì tự chúng sẽ phải chín mùi, tan biến, rồi sẽ phải qua đi một cách vĩnh viễn, thế nhưng với Giáo Hội của Thiên Chúa, thì Giáo Hội đó sẽ vẫn tồn tại, và tồn tại mãi mãi, vì chính quyền năng của Chúa Thánh Thần và sự che chở của Đức Maria sẽ giúp cho Giáo Hội Việt Nam mãi tồn tại qua mọi dòng thời gian, mọi khuynh hướng chánh trị, và suốt dòng lịch sử, mặc cho sự hiểu biết và phán đoán tầm thường của con người có thế này thế nọ, hoặc có đổi thay để dễ cuốn theo những chiều gió thuận - nghịch khác thường.
Cho dẫu là giới Giáo Sĩ Việt Nam có ý định hay không, thì suy cho cùng, giới Giáo Sĩ thật sự đóng một vai trò rất quan trọng trong việc phát triển và hoàn thiện nền chánh trị của quốc gia. Mặc cho những thiếu xót và lầm lỡ, những Vị đã khoác trong mình chiếc áo tu trì, trong khi làm việc để hướng về Vương Quốc của Thiên Chúa ở trên nước Thiêng Đàng, thì các Vị cũng nên góp phần để dựng xây nên một xã hội trần thế, để mọi người biết nhận ra rằng đức tin Kitô Giáo nên được thực thi và hoạt động tích cực trong tất cả mọi chiều kích của đời sống nhân loại, và rằng Giáo Hội cũng đã được tín thác cho một sứ mệnh là để hoán cải và canh tân bộ mặt xấu xa và nham hiểm của một xã hội Cộng Sản đương đại nơi quê nhà.
Honnolulu, Hawaii,
Mùa Hè 2007
TB. Người Viết tham khảo các nguồn tài liệu từ Bộ Giáo Luật, Hội Chuyên Về Giáo Luật Hoa Kỳ, Văn Kiện của Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới 1971, và Niên Giám về việc Mục Vụ và Đời Sống của các Linh Mục để lấy tư liệu cho bài viết kể trên.
Lương Tâm