Chắc chắc luân lý - Đức Giáo Hoàng Pio XII, 1-10-1942

02/10/2018
2348
CHẮC CHẮC LUÂN LÝ: Diễn Văn Của Đức Thánh Cha Pio XII Trước Tòa Thượng Thẩm Roma
Thứ sáu, ngày 1 – 10 - 1942

 
Giáo Luật đòi hỏi các thẩm phán phải đạt được sự chắc chắc luân lý (certezza morale) khi tuyên án. Sự chắc chắn này có ý nghĩa như thế nào? Đức Giáo Hoàng Pio XII trong bài diễn văn trước các thẩm phán tòa Thượng Thẩm Roma, ngày 1-10-1942 đã cho chúng ta những chỉ dẫn.

Các con yêu mến,

Các con họp mặt xung quanh Ta để khai mở một năm tư pháp mới của Tòa Thượng Thẩm Roma.

Một lời chúc mừng và khích lệ từ tận đáy lòng của Ta, không chỉ là một lời khôn ngoan và thận trọng của ngài Chánh án đáng kính của các con đã bày tỏ với Ta về công việc của các con và những trường hợp phức tạp đã được thảo luận, nhưng còn hơn thế nữa là vì cuộc họp mặt của lòng hiếu thảo này được diễn ra sau nghi thức sốt sắng cầu xin ơn của Chúa Thánh Thần, Thần Khí được gửi đến từ Chúa Cha [1] và qua Chúa Ki-tô [2] để làm mới lại mặt đất này [3]. Oh, liệu mặt đất này, dưới sự tác động của Thần khí ban sự sống, mà người ta đã thoát ra khỏi sự sợ hãi nguyên thủy của âm ti, ngày nay có thể đổi mới được chăng! Oh, liệu thế giới loài người, bị giao động bởi những sự va trạm kinh khủng giữa các dân tộc và các quốc gia, có thể đổi mới trong một mùa xuân của công lý và của hòa bình được chăng! Nhưng chắc chắn Thần Khí của Thiên Chúa, Đấng đã tái tạo trong Ta niềm hứng khởi để nói với các con, Ngài cũng tái tạo trong các con sự sống và lòng dũng mãnh cho những công việc khôn ngoan mà chúng con mong đợi để bảo vệ luật pháp và nền công lý giữa các dân Ki-tô giáo; bất cứ nơi đâu ước gì lời của Ta đọng lại, như là một sự tái tạo, phẩm giá và quyền bính mà các Đấng Tiền Nhiệm của Ta đã muốn trao phó và ủy thác cho Tòa Thượng Thẩm Roma.

Thần Khí của Chúa Ki-tô, Đấng Cứu Độ nhân loại, với Tin Mừng đã nâng đức tin và văn hóa của Thiên Chúa thật lên mức hoàn hảo hơn, Ngài cũng đã tái tạo cái luân lý thường tình của con người và của hôn nhân, phục hồi hôn nhân trở lại trong sự duy nhất và bất khả phân ly, mà qua những dữ kiện cho thấy đó là nội dung bao hàm nhiều nhất trong các bản án chúng con đã quyết. Giáo hội với quyền bính của mình, quyền đã nhận từ Đấng Tạo Hóa và tính cách tối cao của Đức Giáo Hoàng, là người gìn giữ và bảo vệ các điều kiện của hôn nhân về sự hữu hiệu, về các ngăn trở và về những hiệu quả của mối dây ràng buộc hôn nhân (ngoại trừ quyền bính của nhà nước liên quan đến các hiệu quả có tính thuần túy dân sự).

1. Trong những vụ án liên quan đến sự thiếu khả năng về tâm lý hoặc thể xác để kết hôn, không loại trừ những gì liên quan đến việc tuyên bố hôn nhân vô hiệu hoặc tháo cởi, trong một vài trường hợp cụ thể, dây ràng buộc hôn nhân hữu hiệu, Ta, trong diễn văn được công bố trước các con năm ngoái, đã thấy cần phải xem lại vấn đề về sự chắc chắn luân lý (certezza morale). Sự quan trọng của vấn đề khiến Ta phải xem xét ý niệm này thận trọng hơn; bởi vì, theo như điều 1869 §1[1], luật đòi phải có sự chắc chắn luân lý về tình trạng sự kiện của vụ án cần phán quyết để vị thẩm phán có thể tiến hành tuyên bố bản án của vụ án. Ngày nay sự chắc chắn đó, sự chắc chắn mà người ta dựa vào sự bất biến (costanza) của luật và của tục lệ (usi) là những điều dùng để điều hành cuộc sống con người, bao hàm nhiều mức độ.

Có một sự chắc chắn hoàn toàn (certezza assoluta), trong đó loại bỏ hoàn toàn mọi khả thể nghi ngờ về sự thật của sự kiện và sự vô căn cứ của ý kiến trái chiều. Do đó, sự chắc chắn hoàn toàn này là không cần thiết cho việc công bố bản án. Trong nhiều trường hợp, con người không thể đạt được sự chắc chắn này; việc đòi hỏi phải có điều đó dường như là một đòi hỏi vô lý đối với vị thẩm phán và các bên: gánh nặng ấy có thể làm cho việc thi hành công lý đi xa khỏi chiều kích khoan dung, thậm chí gây cản trở nó trên bình diện rộng lớn.
 
Đối lại với mức độ tối cao của sự chắc chắn ấy, ngôn từ thông thường không hiếm khi gọi là một sự nhận thức nào đó mà, nói theo nghĩa chặt, nó không xứng đáng với danh xưng đó, nhưng phải phân loại thành đại khả thể và tiểu khả thể, vì nó không loại trừ mọi nghi ngờ hữu lý và còn tồn tại một sự sợ hãi có nền tảng về lầm lỗi. Khả thể này hay sự chắc chắn tương đối (quasi-certezza) không cho ta một căn cứ đủ để đưa ra một bản án mà được coi là có sự hỗ trợ bởi sự thật khách quan của sự kiện.

Trong trường hợp đó, khi sự thiếu chắc chắn về sự kiện cần phán quyết ngăn cản việc tuyên bố một phán quyết khẳng định về vấn đề của vụ án, thì luật, và đặc biệt trong trật tự tố tụng, đưa ra cho vị thẩm phán những quy tắc bắt buộc về cách thức tiến hành tố tụng, trong đó những giả định của luật (praesumptiones iuris) và những đặc ân của luật (favores iuris) có sự quan trọng nhất định. Về những quy tắc của luật và của tố tụng, vị thẩm phán không thể không cân nhắc. Tuy nhiên, nó sẽ được coi là việc áp dụng thái quá hoặc sai lầm các điều khoản đó và như là một việc giải thích sai về ý muốn của nhà lập pháp, nếu như vị thẩm phán muốn nại đến điều đó, khi mà vị ấy không chỉ có một sự chắc chắn tương đối, mà còn có một sự chắc chắn theo nghĩa đích thực của nó. Người ta không được nại đến các giả định của luật cũng như các đặc ân của luật để chống lại sự thật và lương tâm chắc chắn của mình.

Giữa sự chắc chắn hoàn toàn và sự chắc chắn tương đối hay có thể, như là hai thái cực, là sự chắc chắn luân lý, mà thông thường nó được bàn thảo trong các vấn nạn được chuyển tới tòa án của các con, và đó cũng là điều chính yếu mà Ta dự định đề cập tới. Về phương diện tích cực, nó là một đặc tính mà nhờ đó nó loại trừ mọi nghi ngờ có nền tảng và hữu lý, và như vậy người ta phân biệt cách căn bản với sự chắc chắn tương đối đã được đề cập tới; rồi về phương diện tiêu cực, nó chấp nhận sự tồn tại của một thuần túy khả thể của sự trái ngược, và nhờ đó người ta phân biệt với sự chắc chắn hoàn toàn. Sự chắc chắn, điều mà chúng ta nói tới bây giờ, là cần thiết và đủ để công bố một bản án, ngay cả trong trường hợp đặc biệt có thể đạt được sự chắc chắn hoàn toàn bằng cách trực tiếp hay gián tiếp. Chỉ như vậy mới có thể có được một sự thi hành công lý có nguyên tắc và trật tự, nhờ đó mà người ta loại trừ được các sự trì trệ vô ích và gánh nặng thái quá cho tòa án và cho cả các bên.

2. Sự chắc chắn luân lý đó sẽ chẳng là gì cả nếu nó không có một vài vật chứng và chứng cứ. Những vật chứng và chứng cứ mà nếu nó đứng riêng lẻ một mình thì không đủ để làm căn cứ cho một sự chắc chắn thực sự, nhưng khi chúng kết hợp lại cùng lúc thì một người có phán đoán lành mạnh sẽ không còn nghi ngờ gì nữa. Dĩ nhiên người ta không thể dùng cách thức đó để đi đến một khả thể về sự chắc chắn bằng một lô những khả thể giản đơn; có thể nói đó là một sự diễn dịch phi pháp từ một thể loại này đến một thể loại khác không cùng bản chất: eis állo génos metábasis;[4] nhưng người ta nói đến một sự nhận thức mà khi tất cả các vật chứng và chứng cứ này cùng đưa ra một lúc thì có thể có một căn cứ đủ về sự hiện hữu một nguồn hay một nền tảng chung mà từ đó nó được rút ra: nghĩa là trong một sự thật và thực tại khách quan. Do đó, trong trường hợp này sự chắc chắn có được từ một áp dụng khôn ngoan một nguyên lý của sự chắc chắn hoàn toàn và của giá trị phổ quát, ý muốn nói đến một nguyên lý về lý do thỏa mãn. Do đó, nếu trong phần lý do của bản án mà vị thẩm phán xác quyết rằng các chứng cứ được đưa ra, xem xét một cách riêng rẽ, không thể thỏa mãn, nhưng, đặt chúng lại với nhau và có một cái nhìn bao quát, chúng cho thấy những yếu tố cần thiết để đi đến một phán quyết chắc chắn, thì người ta phải nhìn nhận rằng lập luận đó là đúng và hợp pháp nhất.

3. Với bất cứ cách nào, sự chắc chắn này được hiểu là sự chắc chắn khách quan, nghĩa là căn cứ vào những lý do khách quan; không giống như một chắc chắn hoàn toàn chủ quan, mà nó đặt nền tảng trên cảm thức hay trên ý kiến hoàn toàn chủ quan của người này hay người kia, có thể ngay cả trên sự cả tin, thiếu cân nhắc, thiếu kinh nghiệm cá nhân. Người ta không thể có một sự chắc chắn luân lý có nền tảng khách quan như thế nếu như có một vài lý do cho thấy có sự đối lập. Sự đối lập này, theo một cách thế nào đó, được cho là đáng chú ý bởi một phán quyết lành mạnh, chắc chắn, và có thẩm quyền; và với những lý do đó người ta thấy rằng sự đối lập này phải được xem xét không chỉ là một điều hoàn toàn có thể, nhưng, trong một cách nào đó, là một điều có thể có.

Để có được sự chắc chắn luân lý khách quan, luật tố tụng đã thiết lập những nguyên tắc rõ ràng về việc điều tra và chứng cứ. Luật yêu cầu xác định chứng cứ hay các xác minh về chứng cứ; trái lại nó cho thấy là chưa thỏa mãn; [5] luật thiết lập những chức vụ và những cá nhân đặc biệt, được ủy thác trong suốt tiến trình tố tụng để giám sát, xác minh và bảo vệ những luật hay những sự kiện xác thực. [6] Đây là cái gì nếu không phải là một nền pháp lý hình thức (formalismo giuridico) đúng nghĩa, một nền pháp lý đôi khi đặt nặng về khía cạnh bản chất (materiale), đôi khi lại đặt nặng về khía cạnh thể thức (formale) của tố tụng hay của một trường hợp pháp lý?

Việc tận tâm tuân giữ các quy tắc này là bổn phận của vị thẩm phán; nhưng mặt khác, trong việc áp dụng, vị thẩm phán phải ghi nhớ rằng tự chúng không phải là cùng đích mà chúng chỉ là các phương tiện để đạt đến cùng đích, điều đó có nghĩa là để gìn giữ và bảo vệ một sự chắc chắn luân lý được đặt nền tảng cách khách quan trên sự thật của sự kiện. Không được dùng ý muốn của nhà lập pháp để làm sự trợ giúp hay sự bảo đảm cho việc khám phá sự thật, và ngược lại, nó cũng không phải là một sự ngăn cản. Trong khi tuân giữ các thể thức luật định mà người ta làm cho nó trở thành bất công hay là thiếu sự công bằng, thì đó luôn luôn là một điều có thể thượng cầu lên nhà lập pháp.

4. Tới đây các con thấy được tại sao mà trong tố tụng pháp lý hiện đại, cả trong giáo hội, người ta không đặt nguyên lý của nền pháp lý hình thức lên hàng đầu, nhưng là nguyên tắc về việc tự do đánh giá các chứng cứ (libero apprezzamento delle prove). Vị thẩm phán phải – không có định kiến về những quy định tố tụng đã được nói tới – quyết định dựa theo lương tâm và sự hiểu biết của chính mình khi các chứng cứ đã có và việc điều tra được tiến hành đã đủ hay chưa, [7] nghĩa là đủ cho một sự chắc chắn luân lý cần thiết về sự thật và thực tế của vụ án cần phán quyết.

Chắc chắn đôi khi có thể xảy ra sự xung đột giữa “pháp lý hình thức” và “tự do đánh giá các chứng cứ”, nhưng trong đa số các trường hợp chúng có liên hệ với nhau nên thường không khó giải quyết. Bởi vì, chẳng hạn có một sự thật khách quan, thì ngay cả một sự chắc chắn luân lý được xác định cách khách quan không thể là điều duy nhất. Vì vậy, không thể chấp nhận việc một vị thẩm phán, dựa trên những án từ, tuyên bố mình có sự chắc chắn luân lý về sự thật của sự kiện cần phán quyết, đồng thời vị ấy lại phủ nhận sự chắc chắn khách quan ấy dưới khía cạnh luật tố tụng.

Trong trường hợp có sự xung đột như vậy, tốt hơn là xem xét cẩn trọng hơn nữa về vụ án. Chúng thường phát sinh trong trường hợp mà các khía cạnh của vấn đề, những khía cạnh mà ở đó giá trị và tầm quan trọng tròn đầy của chúng chỉ có được khi chúng được xem xét cùng với nhau, đã không được đánh giá một cách trực tiếp. Và như vậy rõ ràng là các nguyên tắc pháp lý hình thức đã được giải thích sai lạc hoặc đã được áp dụng ngược với ý nghĩa và ý định của nhà lập pháp. Dù thế nào, sự tín nhiệm, điều mà các tòa án phải có được trong dân chúng, đòi hỏi rằng, luôn luôn ở trong một khía cạnh khả thể nào đó, những xung đột tương tự giữa ý kiến chính thức của các thẩm phán và những cảm thức hữu lý của công chúng mà đặc biệt là các học giả phải được ngăn ngừa và giải quyết.

5. Nhưng, như chúng ta đã nói, vì sự chắc chắn luân lý có nhiều mức độ, vậy mức độ nào vị thẩm phán có thể hay phải đòi hỏi để được tiến hành đưa ra bản án? Trước hết, vị thẩm phán phải thẩm tra bằng mọi giá, nếu thực sự có một chắc chắn luân lý khách quan, nghĩa là nếu mọi nghi ngờ về sự thật được loại bỏ. Một khi điều đó được bảo đảm, thông thường vị thẩm phán không phải đòi hỏi một mức độ chắc chắn cao hơn, ngoại trừ trường hợp luật quy định điều đó, đặc biệt là vì lý do quan trọng của vụ án. [8] Sự khôn ngoan cho thấy rằng vị thẩm phán, mặc dù không có bất cứ quy định cụ thể nào của luật, trong những trường hợp nghiêm trọng sẽ không thỏa mãn với một mức độ tối thiểu của sự chắc chắn. Vì thế, nếu sau khi đã lưu tâm và xem xét, vị thẩm phán có được một sự chắc chắn tương ứng với các quy định của luật và với tầm quan trọng của vụ án, thì vị ấy không phải đòi hỏi thêm, với gánh nặng đáng kể của các bên, vì có thể người ta sẽ đưa ra những chứng cứ mới cho một mức độ còn cao hơn nữa. Việc đòi hỏi sự bảo đảm lớn nhất có thể, cho dù đã có sự chắc chắn tương ứng, không phải là lý do chính đáng để từ chối.

Với sự bày tỏ về suy nghĩ của Ta về một điểm tế nhị của chức vụ thẩm phán như vậy, Ta muốn chào, khen ngợi, và cảm ơn giữa các con những thành viên sáng suốt của Hội đồng ưu tú này và Tòa án của nền pháp chế Ki-tô giáo, trong các con những điều mà không chỉ không được quên, mà còn phải thực hiện câu của vị Tiến Sỹ Thiên Thần rằng: mỗi người phải hướng đến việc phán quyết các sự việc theo như những gì nó là (unusquisque debet niti ad hoc quod de rebus iudicet, secundum quod sunt).[9] Bởi vì chân lý với nghĩa là thực thể và là sự thật: để cho trí năng của chúng ta, cái mang lại sự nhận thức về các sự vật, nó cũng mang lại nguyên tắc và thước đo cho những sự vật theo như chính những gì nó là và nó không là; theo cách thức mà sự thật là luật của công lý. [10] Thế giới cần sự thật mà sự thật là công lý, và cần công lý mà công lý là sự thật; bởi vì công lý là, như vị Triết gia vĩ đại của thành Stagira đã nói, sự hữu ích cả trong chiến tranh và trong hòa bình (et in bello et in pace utilis: kaì en polémoi kaì en eiréne chrésimos).[11] Ước gì Mặt Trời vĩnh cửu của công lý chiếu soi trên trái đất và các quy luật của nó; và trong các con, ước gì vinh quang của Thiên Chúa và của Giáo hội và của dân Ki-tô giáo, toát ra nơi mỗi bước đi tìm kiếm thực tại của sự thật đó, một sự thật làm thanh thản khuôn mặt của công lý trong sự chắc chắn luân lý.

Vì vậy, với sự giúp đỡ thánh thiêng này, Ta cầu khấn cho tất cả và từng người trong các con những đặc ân soi sáng nhất của Đấng Khôn Ngoan, cùng với sự dạt dào tình cha yêu mến Ta ban cho các con Phép Lành Tông Đồ của Ta.
 
 ________________
[1] Gv 14, 26.
[2] Gv 16, 7.
[3] Sal 104, 30.
[4] Aristotele, De coelo, I, 1.
[5] Cf. CIC, liber IV, p. 1, tit. X De probationibus, cann. 1747-1836. Come anche varie disposizioni particolari del diritto criminale e matrimoniale.
[6] Cf. cann. 1585-1590.
[7] Cf. can. 1869, § 3.
[8] Cf. can. 1869, § 3, e can. 1791, § 2.
[9] San Tommaso d'Aquino, Summa theologiae, II-II, q. 60, a. 4, ad 2.
[10] Cf. ibid., I, q. 21, a. 2.
[11] Aristotele, Rhetorica, I, 9.

 
Lm. Giuse Lê Danh Tường chuyển ngữ
 
[1] Can. 1869. par. 1. Ad pronuntiationem cuiuslibet sententiae requiritur in iudicis animo moralis certitudo circa rem sententia definiendam.
 

(Nguồn: giaoluatconggiao.com)