Bài giảng của Đức cha Giuse Nguyễn Chí Linh tại Lạng Sơn

11/06/2017
4871

Bài giảng của Đức cha Giuse Nguyễn Chí Linh trong Thánh lễ mừng kỷ niệm 100 năm giáo phận Lạng Sơn–Cao Bằng (21-11-2013)

Kính thưa cộng đoàn phụng vụ.

Chúng ta đang có mặt tại Lạng Sơn, nơi có những thắng cảnh nổi tiếng đã gợi hứng cho hai câu thơ hữu tình “Ai lên xứ Lạng cùng anh. Bõ công cha mẹ sinh thành nên em”.

Về lãnh địa tôn giáo, chúng ta đang có mặt tại giáo phận Lạng Sơn – Cao Bằng, giáo phận ít người có đạo nhất của Giáo Hội Việt Nam. Đại lễ như hôm nay, nếu là tại các giáo phận khác, chắc chắn là sẽ chật ních giáo dân. Nhưng ở đây, như mọi người đang thấy, đa số người hiện diện đều là khách đến từ xa. Tổng số giáo dân của giáo phận Lạng Sơn – Cao Bằng hiện nay chỉ trên năm nghìn, ít hơn một giáo xứ cỡ trung của các giáo phận khác. Chẳng những ít, lại còn rải rác trên một địa bàn dài hơn năm trăm kilômét.

Điều đó đủ nói lên hoàn cảnh đặc thù của giáo phận Lạng Sơn – Cao Bằng. Mỗi lần nghĩ đến miền đất Giáo Hội địa đầu giới tuyến này, dường như ai trong chúng ta cũng đều cảm thấy ít nhiều bồi hồi thương cảm. Bản thân tôi, mỗi lần nghĩ đến Lạng Sơn – Cao Bằng, tôi lại nhớ đến kỷ niệm một chuyến đi tham quan miền Bắc hai mươi năm về trước. Đoàn chúng tôi, gồm 9 linh mục hạt Phan Rang, giáo phận Nha Trang, đã dừng chân tại Lạng Sơn.Trong tâm tưởng của tôi lúc đó, Toà Giám mục nào cũng phải là một ngôi nhà bề thế, vững chắc. Thế mà, đến cái nơi gọi là Toà Giám mục Lạng Sơn ấy, bước vào cổng băng qua một khu vườn hoang liêu cô tịch, chỉ thấy một căn nhà gỗ, còn mới, nhưng thô sơ và nhỏ như một hộ thường dân nghèo. Trước hiên, một cái lu nước trơ vơ, một con khỉ lặng lẽ ăn chuối, vài cái cuốc dựng hững hờ bên vách ván… Lòng tôi lúc ấy chùng xuống theo cảnh vật im lìm tĩnh mịch. Càng xúc động hơn nữa khi nhìn thấy một linh mục già yếu hom hem, lẫm đẫm bước ra tiếp khách. Thì ra, đó chính là Đức cha Vinhsơn Phaolô Phạm Văn Dụ, Giám mục giáo phận Lạng Sơn – Cao Bằng … Từ sau nhà, một cụ bà tuổi chừng 90, nhỏ thó, gầy còm. Thoắt một cái đã thấy bà leo lên cây hồng trong sân, hái quả để tặng chúng tôi. Đức cha giới thiệu đó là sr Mến, nữ tu duy nhất của giáo phận. Ngài còn nói giáo phận có một cha già duy nhất đã ngoài 80 nhưng hôm nay không ở đây.

Thì ra Lạng Sơn – Cao Bằng chỉ có một Giám mục già, một linh mục cũng già, và một nữ tu còn già hơn. Ba con số 1 gầy yếu ấy xem ra rất biểu trưng cho lịch sử giáo phận Lạng Sơn – Cao Bằng.

Thật vậy, thời cực thịnh trước năm 1954, Lạng Sơn – Cao Bằng có đến hai giám mục, 30 linh mục. Thế mà bây giờ chỉ có 1 giám mục và 16 linh mục. Thời bấy giờ đã có chủng viện Têrêxa, nay chủng viện không còn nữa, và không biết đến bao giờ mới khôi phục lại được. Thời bấy giờ, con số giáo dân là 5000. Bây giờ là 5400, chỉ hơn được 400 sau một chằng đường dài đằng đẵng gần sáu mươi năm.

Bao nhiêu năm xây dựng từ khi thiết lập Phủ Doãn Tông Toà năm 1913 để rồi khi đất nước chia đôi năm 1954, Lạng Sơn – Cao Bằng hầu như hoàn toàn phá sản, chỉ còn lại sợ hãi và đói nghèo! Chưa kịp đứng lên thì cuộc chiến Việt-Trung năm 1979 lại cướp đi tất cả : Lạng Sơn – Cao Bằng chỉ còn lại hốt hoảng lo âu ?

Phải chăng lịch sử của miền đất này chỉ là lịch sử của đau thương khốn khó? Phải chăng một trăm năm Phủ doãn Tông toà Lạng Sơn – Cao Bằng chỉ là một trăm năm thoái hoá, một trăm năm đi lùi, một trăm năm hao mòn hy vọng?

Lấy gì để tạ ơn Chúa với một quá khứ dập vùi như thế? Tìm đâu ra nghị lực với một hiện tại mong manh như hiện nay? Trông vào đâu bây giờ để tiến vào tương lai? Đến khi nào Lạng Sơn – Cao Bằng mới theo kịp các giáo phận bạn?

Thật vậy, với những con số thật đáng bi quan hiện nay, Lạng Sơn – Cao Bằng, chúng ta dễ mà nghĩ rằng chả bao lâu nữa giáo phận này sẽ bị xoá tên.

Nhưng thưa cộng đoàn phụng vụ.

Cứ cái nhìn nhân loại, người đời có thể nghĩ như thế. Nhưng dưới con mắt đức tin, lịch sử không chỉ là những con số. Lịch sử chủ yếu là thời gian Thiên Chúa thực hiện ý định của Ngài. Lịch sử dẫu có thăng trầm, có là thất bại, vẫn là lịch sử của tình thương Thiên Chúa. Cuộc đời 25 năm của Têrêxa Hài Đồng Giêsu là một cuộc đời diễn ra trong đau khổ, nhưng cuối cùng chị đã vui mừng kêu lên “mọi sự đều là hồng ân Thiên Chúa”. Thánh Phaolô trong bài đọc thứ hai hôm nay cũng cho rằng lịch sử là thời gian chúng ta mong đợi Thiên Chúa bày tỏ vinh quang của Người.

Quả thế, lần dở lịch sử, chúng ta thấy: Lạng Sơn – Cao Bằng đã được khai sinh bằng máu các thánh tử đạo. Người giáo dân đầu tiên tới đây năm 1858 là Ông Phó Nhậm, thời Tự Đức bị đày lên Lạng Sơn chỉ vì ông là con ruột của ông Trùm Đích, Nam Định, can tội chứa chấp cha Thánh Giacôbê Đỗ Mai Năm Thanh Hoá nên bị xử trảm năm 1838.

Người có đạo thứ hai tại Lạng Sơn cũng là một người bị phát vãng, đó là thầy Trần Triêm tức cụ sáu Trần Lục, người sau này xây nhà thờ đá Phát Diệm. Ba trăm người giáo hữu kế tiếp ở Lạng Sơn hầu hết đều là dân bị triều đình Huế lưu đày biệt xứ. Rõ ràng là Thiên Chúa đã “rút sự lành từ sự dữ”. Ngài đã dùng“viên đá bị thợ xây loại bỏ” làm “đá góc tường” để xây dựng Toà nhà Hội Thánh Chúa tại đây.

Từ đó, hàng hàng lớp lớp linh mục Việt Nam, Pháp, Tây Ban Nha, Dòng Đaminh và các cha triều kế tiếp nhau đổ về Lạng Sơn – Cao Bằng. Giáo dân từ các giáo phận bạn đến Lạng Sơn – Cao Bằng đến đây lập nghiệp tuy không đông nhưng cũng đủ để tạo ra một cộng đoàn mỗi lúc một phát triển.

Có thể nói được rằng giáo phận Lạng Sơn – Cao Bằng là thành phẩm của một công trình hợp tác rộng lớn đa thành phần và đa quốc gia. Phải chăng đó là nét biệt loại nhất của Giáo Hội Chúa tại Lạng Sơn – Cao Bằng? Mãi đến nay, Lạng Sơn – Cao Bằng vẫn còn là một điểm hẹn truyền giáo của các linh mục, nữ tu, chủng sinh và giáo dân đến từ mọi nẻo đường đất nước, từ Long Xuyên xa xôi cực Nam cho đến thủ đô Hà Nội tận miền Bắc, từ giáo phận Thái Bình, Bắc Ninh, Phát Diệm, Bùi Chu, cho đến các dòng Đaminh, Ngôi Lời, Phanxicô, Don Bosco, Chúa Cứu Thế, tu hội Lazaristes, các nữ tu Đaminh Lạng sơn, St Paul de Chartres, Thủ Thiêm…Tất cả đang có mặt trên cánh đồng Lạng Sơn – Cao Bằng sặc sỡ muôn màu với các dân tộc Kinh, Hoa, H’mong, Dao, Tày, Nùng… Đó là bằng chứng hùng hồn nhất cho thấy trong suốt dòng lịch sử đầy máu, mồ hôi và nước mắt, chưa bao giờ cánh đồng Lạng Sơn – Cao Bằng thiếu thợ gặt từ muôn phương đổ về.

Phải chăng Lạng Sơn – Cao Bằng là nơi ứng nghiệm lời tiên tri của thánh vịnh 126 : “Ai nghẹn ngào ra đi gieo giống. Mùa gặt mai sau khấp khởi mừng”? Phải chăng Lạng Sơn – Cao Bằng là nơi hạt cải tẻo teo đang lớn dần và trở thành “đất lành chim đậu”?

Trên đường về Lạng Sơn hôm qua, tôi bỗng phát hiện lượng xe trọng tải đông gấp bội lượng xe trên các trục lộ khác. Tôi chợt nghĩ rằng đó là hình ảnh tuyệt vời nhất về giáo phận Lạng Sơn – Cao Bằng. Rồi đây, sức sống của Lạng Sơn – Cao Bằng sẽ tuôn chảy ào ạt như thác lũ về muôn nơi. Rồi đây, muôn dân sẽ rầm rồ đổ về Lạng Sơn – Cao Bằng như xưa kia các dân tộc thi nhau trẩy hội Giêrusalem.

Tôi còn nhận thấy Lạng Sơn – Cao Bằng có nhiều núi đá vôi nổi tiếng. Đẹp thì có đẹp nhưng cũng phải nhìn nhận là khô cằn và trơ trụi. Thế mà kể từ ngày nông dân tại đây biết cách trồng cây na, thảm xanh bạt ngàn đã bao phủ khô cằn trơ trụi. Đó là ý tưởng mà mà Đức Tổng Giuse Ngô Quang Kiệt, nguyên giám mục giáo phận Lạng Sơn – Cao Bằng, nhân một lần giảng tĩnh tâm cho linh mục đoàn Nha Trang, đã dùng để mô tả viễn ảnh tương lai tươi đẹp của giáo phận Lạng Sơn – Cao Bằng. Có nghĩa là rồi đây, hạt giống đức tin cũng sẽ phủ xanh mọi nơi Lạng Sơn – Cao Bằng như cây na.

Trong bài “tâm tình về quá khứ, hiện tại và tương lai” ngày 20-10-203, Đức Cha Giuse Đặng Đức Ngân của chúng ta đã kể lại chuyến đi thăm Lạng Sơn – Cao Bằng năm 1991 và ngài đã viết rằng : “Lúc bấy giờ, trong tôi không có một tư tưởng nào dù nhỏ nhất là sẽ có ngày mình sẽ hiện diện, sống và làm việc tại Tòa Giám mục của Giáo phận luôn được gọi là “truyền giáo” này? Quả thật, đó là thánh ý của Thiên Chúa mà ngày hôm nay nhìn lại, tôi cảm nhận rằng đó chính là sự huyền diệu trong chương trình quan phòng của Thiên Chúa”.

Ơn Chúa là thế đó. Ngài đưa chúng ta vào sự nghiệp của Ngài một cách tài tình đến độ chúng ta không ngờ. Như lời Thánh Phaolô trong bài đọc thứ hai hôm nay, Ngài dành cho chúng ta vinh dự được “hiệp thông với Con của Ngài là Đức Giêsu Kitô” trong công cuộc xây dựng Nước Chúa trên trần gian.

Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay đi trên vùng biên giới Samaria và Galilêa, bên này là tín hữu, bên kia là lương dân. Giáo phận Lạng Sơn – Cao Bằng hôm nay cũng đang đi trên miền biên giới cực Bắc Việt Nam. Biết đâu, cũng giống như Đức cha Giuse Ngân không ngờ một ngày nào đó sẽ là Giám mục Lạng Sơn – Cao Bằng, người Lạng Sơn – Cao Bằng một ngày nào đó sẽ là những tay thợ gặt lành nghề trên cánh đồng truyền giáo mênh mông bát ngát bên kia thác Bản Giốc? Và nếu vậy phải chăng Chúa đang chuẩn bị cho Lạng Sơn – Cao Bằng một sứ mệnh và một vinh dự lớn lao ?

“Các Đấng Tiền Bối đã làm được bao công việc nơi đây, lẽ nào mình không làm được gì?” Đó là lời tuyên bố đầy tự tin, đầy lạc quan và đầy hứa hẹn của Đức Cha Giuse đương nhiệm nhân dịp Năm Thánh kỷ niệm 100 năm Phũ Doãn Tông Toà Lạng Sơn.

Thay mặt cho tất cả khách mời hôm nay, tôi xin mượn ý tưởng đó của ngài làm lời cầu chúc tốt đẹp nhất gửi đến mọi thành viên đại gia đình Lạng Sơn – Cao Bằng, đến tất cả những ai yêu mến Lạng Sơn – Cao Bằng, đến những người phương xa đang hướng lòng về Lạng Sơn – Cao Bằng.

Bên kia đám mây, mặt trời vẫn chiếu sáng. Hỡi con cái Lạng Sơn – Cao Bằng, hãy cố lên. Amen.

 Giuse Nguyễn Chí Linh

 Giám mục giáo phận Thanh Hóa