Thánh Jean Théophane Vénard - Ven, tử đạo ngày 23 tháng 12 năm 1860

22/12/2022
624

 

  •  
  •  
Thánh Jean Théophane Vénard - Ven, tử đạo ngày 23 tháng 12 năm 1860
Thánh JEAN THÉOPHANE VÉNARD - VEN
Linh mục Hội Thừa Sai paris (1829 - 1860)
Ngày tử đạo: 23 tháng 12
Bây giờ tôi còn sống, tôi phải cố làm việc, đến khi tôi chết rồi thì tôi sẽ nghỉ ngơi trên thiên đàng.
Thánh Jean Théophane Vénard sinh ngày 21-11-1829 tại làng Saint-Loup-sur-Thouel, thuộc miền Tây Nam của nước Pháp. Ngày sinh của cậu bé Théophane trùng với ngày lễ kính Đức Mẹ dâng mình vào Đền Thánh, và về sau linh mục Jean Théophane Vénard có lòng tôn kính Đức Mẹ cách đặc biệt.
Từ bé, cậu Théophane ham mê đọc sách, nhất là truyện các thánh. Ngày nọ, cha xứ đưa cho cậu chép quyển truyện các thừa sai đi rao giảng Tin Mừng cho dân ngoại, trong đó có Truyện Linh mục Thánh Jean Charles Cornay - Tân (tử đạo tại Sơn Tây ngày 20-9-1837), người cùng địa phận. Cậu bé Théophane không sợ hãi mà có lòng ao ước chịu chết vì đạo như cha Tân.
Cha mẹ của cậu thấy con muốn làm linh mục thì mừng lắm, liền thu xếp cho con học Latinh vỡ lòng với cha xứ, rồi cho vào học tiểu chủng viện, đại chủng viện và được chịu chức linh mục năm 1852.
Cha Théophane nhận bài sai qua Đại Nam phục vụ ở Địa phận Tây Đàng Ngoài. Linh mục Jean Théophane Vénard là người hiền lành thật thà, thương yêu kẻ nghèo khó, nhiệt thành trong việc rao giảng Tin Mừng.
Lúc ấy vào năm đầu vua Tự Đức, nhà vua ra chỉ dụ cấm đạo. Các quan đa phần không chủ ý bắt đạo mà chỉ lấy đó là cớ kiếm tiền, vì thế trong dân gian có câu ca: “Ông Tây không thấy, ông tiền phả đa”[1].
Ngày 13-7-1854, cha Théophane được cử đến Nhà chung Kẻ Vĩnh để giúp Đức cha Liêu, Đức cha phó Khiêm và học Tiếng Việt. Năm 1855-1856, cha Ven theo Đức cha Liêu đi kinh lý thì bị nhiễm bệnh lao.
Ngày 20-7-1857, quan quân vây Nhà chung Kẻ Vĩnh bắt cha Tịnh, thầy Lương và chánh phó lý trưởng, lúc ấy Đức cha Liêu, linh mục thừa sai Đoài và Ven cũng ở đấy nên phải đi ẩn tránh ở nhà giáo dân.
Đang lúc đạo bị cấm ngặt, cha Ven không ngừng đi ban bí tích cho các họ xa. Giáo dân thấy cha yếu vì bệnh nên xin người nghỉ ngơi, nhưng người lại nói: “Bây giờ tôi còn sống, tôi phải cố làm việc, đến khi tôi chết rồi thì tôi sẽ nghỉ ngơi trên thiên đàng”.
Đến năm 1858, nhà trường Hoàng Nguyên, Kẻ Non, Kẻ Vĩnh bị phá, cha Ven phải đi ẩn ở Nhà Mụ Bút Đông, rồi sang làng Phúc Châu một tháng, sau đó tới Kẻ Bèo mở tuần làm phúc khoảng một tháng rồi về làm phúc ở làng Bút Sơn. Khi cha Ven ban bí tích ở làng Kim Bảng, có người đưa cha và các thầy đến Kẻ Bèo thì bị bắt.
Cha Ven bị giải xuống Phủ Lý, rồi lại bị điệu lên Hà Nội. Khi gặp đô Tú chuyên làm nghề bắt đạo, cha Ven nói: “Anh làm nghề bắt đạo thì hèn lắm, vì sách có lời rằng: Tiền nghĩa nhi hậu lợi giả nhân, tiền lợi nhi hậu nghĩa nhục. Vậy anh phải biết chức cửu phẩm như hoa sớm nở tối tàn, chẳng được bao lâu đâu”.
Đức cha Chiêu viết thư cho cha Thịnh rằng: “Khi án cha Ven ra, nếu cha biết sớm thì phải đi ngay lên tỉnh. Khi cha Ven đi ra khỏi cửa thành ba trăm bước và để tay trên ngực thì cha hãy giải tội cho người”.
Thế nhưng vào ngày 23-02-1860, cha Ven bị điệu ra pháp trường nhưng cha Thịnh không kịp biết tin nên không đến như hẹn. Cha Ven bị chém và bêu đầu trong ba ngày, sau đó bị ném đầu xuống sông. Một nhóm thuyền chài tìm thấy và đưa về an táng. Về sau, hài cốt của cha được chuyển về tôn kính tại nhà nguyện Hội Thừa Sai Paris. 
Linh mục thừa sai Jean Théophane Vénard - Ven được nâng lên bậc chân phước ngày 02-5-1909 và được tôn phong hiển thánh ngày 19-6-1988.

Nguồn: hdgmvietnam

[1] Khi giáo hữu đưa nhiều tiền thì quan giả vờ không thấy thừa sai Tây Phương. Trong đó, phả đa: nhiều lắm.