NHÌN LẠI NĂM THÁNH LÒNG THƯƠNG XÓT NĂM 2015 – ĐỨC PHANXICÔ MỞ CỬA THÁNH Ở TRUNG PHI

11/06/2024
614
Năm Thánh Lòng Thương Xót ngoại thường năm 2015 đã được khai mạc trước ở Trung Phi. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử việc mở Cửa Thánh đầu tiên của Năm Thánh không diễn ra ở Đền thờ Thánh Phêrô, trên mộ của Thánh Tông đồ, ở trung tâm thế giới Kitô giáo, nhưng ở một nơi xa xôi mà nhiều người không biết đến, nhưng lại ở trong trái tim của Đức Thánh Cha; đó là ở Bangui, thủ đô Cộng hòa Trung Phi.
Header

Thủ đô thiêng liêng

Trung Phi là một trong những quốc gia đẫm máu và chia rẽ nhất trên thế giới. Đó là lý do Đức Thánh Cha chọn quốc gia này. Sau khi bước ra khỏi chiếc xe mui trần của Giáo hoàng, không có bất kỳ sự bảo vệ nào trước những nguy hiểm có thể xảy ra, đứng trên thềm nhà thờ chính tòa Bangui, Đức Thánh Cha giải thích ngài đến Trung Phi để mang lại lòng thương xót và thông điệp hòa bình cho một “vùng đất đã phải chịu đựng chiến tranh và hận thù, hiểu lầm, thiếu hòa bình trong nhiều năm. Nhưng trên mảnh đất đau khổ này cũng có tất cả các quốc gia đang chịu đựng thập giá chiến tranh. Bangui trở thành thủ đô tinh thần của việc cầu xin lòng thương xót của Chúa Cha. Tất cả chúng ta đều cầu xin hòa bình, lòng thương xót, sự hòa giải, sự tha thứ và tình yêu. Chúng ta cầu xin hòa bình cho Bangui, cho toàn bộ Cộng hòa Trung Phi, cho toàn thế giới, cho các quốc gia đang phải hứng chịu chiến tranh!”.

Một hành động dễ hiểu đối với tất cả mọi người

Một truyền thống cổ xưa được truyền lại cho một đất nước trẻ. Ý nghĩa của việc mở Cửa Thánh và đi qua cửa Thánh bắt nguồn từ một biểu tượng xa xưa và được thực hiện ở Bangui, mang lại những hoa trái mới. Nó mang lấy tương lai. Cử chỉ của Đức Thánh Cha Phanxicô mang tính cách mạng vì ở một nơi khép kín, đầy rào cản, nó mở ra cánh cửa hy vọng, mời gọi chúng ta bước vào để tìm thấy lòng thương xót và bình an, gặp gỡ Chúa Kitô và biến đổi. Bằng cách thức Kitô giáo, ngài biến một điều ẩn dụ trở nên dễ hiểu đối với mọi người, ở mọi nơi trên thế giới, thuộc bất kỳ truyền thống, tôn giáo, kinh nghiệm và lịch sử nào. Bất cứ ai cũng hiểu rằng đây là một nghi thức nền tảng, thiêng liêng.

Cửa Thánh được mở ở mọi nơi

Trong Năm Thánh Lòng Thương Xót đó, nhiều Cửa Thánh đã được mở trên khắp thế giới, gần như một hệ mặt trời được tạo thành từ hàng ngàn ngôi sao sáng rải rác trên trái đất, ngay cả ở những nơi xa xôi nhất. Đó là một cơ hội tuyệt vời, một món quà được trao cho tất cả mọi người, ngay cả những người không thể di chuyển và du lịch vì nhiều lý do. Một Năm Thánh đặc biệt có thể được trải nghiệm ở tất cả các nhà thờ địa phương, cho phép những ai muốn trải nghiệm sự kiện này một cách trọn vẹn, có thể hành hương và đi qua Cửa Lòng Thương Xót trong giáo phận của mình.

Đã nhiều năm trôi qua kể từ ngày 29/11/2015, ngày đầu tiên của Mùa Vọng và ngày bắt đầu Năm Thánh Lòng Thương Xót ngoại thường. Đức Hồng Y Dieudonné Nzapalainga, khi đó là Tổng Giám mục giáo phận thủ đô Trung Phi, hồi tưởng lại và chia sẻ với Vatican News về ngày đáng nhớ đó và những kết quả của chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha tới Trung Phi.

** Thưa Đức Hồng y, con muốn đưa ngài trở lại ngày 29 tháng 11 năm 2015, Chúa Nhật thứ nhất Mùa Vọng, khi Đức Thánh Cha Phanxicô mở Cửa Năm Thánh Lòng Thương Xót. Đó là ở Bangui, Cộng hòa Trung Phi, ở đất nước của ngài: một truyền thống rất cổ xưa đã đến một đất nước trẻ trung. Ngài nghĩ cử chỉ này có ý nghĩa gì đối với tất cả người dân Trung Phi?

- Đó là một cử chỉ độc đáo trong lịch sử không chỉ của Giáo hội hoàn vũ mà còn của Giáo hội chúng tôi. Bởi vì chúng tôi, những người Trung Phi, đối mặt với bạo lực, đau khổ và chết chóc, thấy mình đang sống trong tình trạng phi lý, đã cảm nhận được niềm hy vọng đến từ Roma qua người của Thiên Chúa, Đức Giáo Hoàng, người đã đến để xoa dịu, mang lại hòa bình, yên bình và tha thứ, mang lại sự hòa giải bằng cách mời gọi chúng tôi, những người Trung Phi, hãy mở những cánh cửa trái tim đầy hận thù, oán giận và trả thù để có thể nhìn thẳng vào mặt nhau. Chính vì thế mà chính ngài đã nói hãy hạ vũ khí: “Hãy mang lấy công lý và tình yêu”. Tôi tin rằng cử chỉ của ngài sẽ luôn được ghi nhớ ở đây, tại Cộng hòa Trung Phi. Người Hồi giáo, Tin lành, Công giáo, tất cả chúng tôi đều nhất trí nói rằng sự xuất hiện của ngài được chào đón.

** Và Đức Thánh Cha thực sự đã đến. Đức Hồng y đã nhớ thông điệp này, lời kêu gọi hãy hạ vũ khí xuống. Cho đến hai ngày trước khi Đức Thánh Cha đến Bangui, nơi này đã rất căng thẳng. Có bất kỳ căng thẳng nào khác kể từ đó không? Thông điệp này có được lắng nghe không? Thông điệp của Đức Thánh Cha có được cảm nhận và lắng nghe không? Tiếng súng đã im bặt chưa?

- Tôi nghĩ thông điệp đã được lắng nghe. Sáu tháng sau khi Đức Thánh Cha rời đi, chúng tôi đã sống như thể chúng tôi đang ở một đất nước bình thường. Điều này thật không thể tưởng tượng được trước đó cho đến tận hai ngày trước khi ngài đến. Sự xuất hiện của ngài đã làm giảm bớt áp lực. Chúng tôi thấy những người Hồi giáo ra khỏi khu vực của họ để cùng anh em Công giáo đến sân vận động tham gia vào đại lễ. Mọi người đến và đi. Cột mốc cây số số 5 được coi là nơi có nhiều vũ khí nên không thể vào được. Nhưng tôi đã đến đó cùng với các Kitô hữu để đi theo Đức Thánh Cha và nói với những người Hồi giáo: “Chúng ta hãy cùng đi với nhau!”

Đức Thánh Cha từ Roma đến Cộng hòa Trung Phi, các Kitô hữu ở Bangui rời khu vực lân cận của chúng tôi để đi gặp gỡ anh em chúng tôi, bước đi vì hòa bình. Vâng, chúng tôi đã diễu hành và tiếp tục làm như vậy kể từ ngày đó. Một thủ lĩnh phe nổi dậy nói với chúng tôi rằng chúng ta nên nói chuyện về tâm linh với các imam - giáo sĩ Hồi giáo. Các imam đã tổ chức một cuộc họp quan trọng để yêu cầu các thủ lĩnh phiến quân hạ vũ khí và nhiều điều đã thay đổi kể từ đó. Đây cũng là kết quả của chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha, điều đã mang lại cho chúng tôi động lực, giúp chúng tôi bắt đầu lại và bây giờ chúng tôi đang nhìn thấy kết quả. Ngày nay vũ khí không còn được lưu hành như trước nữa.

** Ngài nghĩ những thành quả khác của sự kiện này là gì?

- Đã có những cuộc gặp gỡ giữa giới trẻ Hồi giáo và giới trẻ Kitô giáo. Các cuộc gặp gỡ khá thường xuyên giữa phụ nữ Hồi giáo và phụ nữ Kitô giáo, và giữa các nhà lãnh đạo chúng tôi. Cách đây không lâu, vào tháng 3, một nhà thờ Hồi giáo cách đây 250 km đã bị phá hoại. Vị giáo sĩ, mục sư Tin lành và tôi đã nói với trái tim của các tín hữu của chúng tôi để trái tim họ không còn mang vũ khí và thay vào đó mời họ cộng tác, tôn trọng, đánh giá cao, tôn trọng nơi này. Theo tôi, đây là kết quả của cuộc viếng thăm đó. Bây giờ chúng tôi cũng yêu cầu công lý được thực thi. Điều này có nghĩa là những người đã mất nhà cửa phải được phép lấy lại, theo nghĩa là những người đã chiếm nhà hàng xóm lâu ngày phải vui lòng ra đi. Và chúng tôi, những nhà lãnh đạo tôn giáo, làm việc từ trái tim. Có một số người ra đi để lại ngôi nhà cho chủ sở hữu mà không qua tòa án hay Nhà nước. Vì vậy tôi nghĩ việc này cũng mang lại lợi ích. Bây giờ trái tim đã sẵn sàng và chúng tôi có thể trò chuyện, chúng tôi có thể tưởng tượng ra một tương lai chung.

** Khi ngài nói rằng họ sẽ rời khỏi nhà của họ, thực chất là họ đang trả lại cho chủ sở hữu hợp pháp của nó, phải không?

- Chính xác là như thế.

** Ở mức độ cá nhân hơn, thưa Đức Hồng y, kỷ niệm mạnh mẽ nhất và có lẽ sống động nhất của ngài về thời gian đó là gì?

- Ký ức sống động nhất là sự việc tại cây số thứ 5 hai ngày trước đó: không thể qua trạm kiểm soát. Tôi cũng đã ở đó. Tôi đã tận mắt chứng kiến ​​điều đó: Đức Thánh Cha đã chọn đi trên một chiếc xe không có kính chống đạn, nhưng là xe mui trần. Mọi người đều biết ở đó có rất nhiều vũ khí. Đức Thánh Cha đã có can đảm để đi và chúng tôi thấy rằng vị giáo sĩ Hồi giáo cũng đồng ý lên xe mui trần của Đức Thánh Cha. Đây là hình ảnh mạnh mẽ nhất. Khi tôi ra ngoài để đến sân vận động, tôi thấy đông đảo những người Hồi giáo đi ra ngoài, chấp nhận nguy hiểm đến mạng sống. Chính đức tin đã thúc đẩy họ bước ra. Một giáo sĩ nói với chúng tôi: “Đức Giáo Hoàng không đến với các bạn là những người theo Kitô giáo, nhưng đến với chúng tôi là những người Hồi giáo. Chúng ta ở trong vòng vây, chúng ta ở trong tình trạng nô lệ. Ngài đã giải phóng chúng ta!”

** Thưa Đức Hồng Y, câu hỏi cuối cùng: Ngài đã trở nên không thể tách rời với vị giáo sĩ Hồi giáo... giữa các Kitô hữu và người Hồi giáo cũng như với các tín hữu Tin Lành. Quý vị thực hiện các sáng kiến ​​cùng nhau gần như hàng ngày. Đây là một loại kết quả khác. Tất nhiên đó là kết quả công việc của ngài, nhưng nó cũng là kết quả của chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha ...

- Chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha đã an ủi, khích lệ và hỗ trợ chúng tôi trong công việc này. Và ba người chúng tôi đã đề nghị ngài đến Cộng hòa Trung Phi. Tôi nghĩ tất cả chúng tôi đều biết ơn ngài. Đây là kết quả chuyến viếng thăm của ngài.

** Năm Thánh 2025. Quý vị đang chuẩn bị thế nào?

- Năm Thánh 2025 là một thời điểm quan trọng đối với Giáo hội. Vâng, các nhóm đã được thành lập ở đây để suy tư, cầu nguyện, gặp gỡ và cũng để xét xem, ở cấp địa phương, chúng tôi sẽ sống thời điểm này như thế nào. Năm nay chúng tôi sẽ kỷ niệm 130 năm truyền giáo tại Cộng hòa Trung Phi, đồng thời, chúng tôi sẽ hướng tới năm 2025, sắp đến gần, và chúng tôi đang thực hiện cả hai dự án. Vì vậy, tôi nghĩ rằng có rất nhiều sự nhiệt tình. Tôi cùng với một nhóm bạn trẻ đang có mặt tại nhà thờ và chúng tôi nói với nhau: đây là thời điểm quan trọng vì đây là thời điểm ân sủng, nhưng cũng là thời điểm phức tạp và cao cả. Chúng ta không được để thời điểm thuận lợi này qua đi.

Nguồn: vaticannews.va/vi