
Giáo hội Burkina Faso cử hành 125 năm loan báo Tin Mừng
Hồng Thủy - Vatican News
Burkina Faso là một quốc gia nghèo ở Tây Phi, có dân số khoảng 21 triệu. Thế giới biết đến quốc gia này nhiều qua những tin tức về tình trạng mất an ninh, khủng bố do các nhóm thánh chiến Hồi giáo hay các nhóm vũ trang gây nên.
Với 62% dân số theo Hồi giáo, dù các Kitô hữu Burkina Faso chiếm 23%, trong đó khoảng 14,5% là tín hữu Công giáo, tương đương với khoảng 2,6 triệu người, nhưng vẫn là nhóm thiểu số và thường chịu những cuộc tấn công của các nhóm cực đoan. Trong thời gian gần đây đã có những cuộc tấn công khủng bố vào các làng có đông người Công giáo. Cuối tuần qua, Giáo hội nước này đã thương khóc 2 giáo lý viên thuộc giáo phận Dédougou bị sát hại sau khi tham dự một khóa huấn luyện.
Bất ổn và bách hại là những điều các tín hữu Burkina Faso đang phải sống chung. Tuy nhiên, đức tin của họ vẫn kiên cường mạnh mẽ. Và mới đây, Giáo hội nước này đã cử hành lễ kỷ niệm 125 Burkina Faso đón nhận Tin Mừng
Lịch sử truyền giáo tại Burkina Faso
Được truyền giáo bởi các Cha Thừa sai Phi Châu thuộc Giáo hạt Tông tòa Sahara Sudan, những người đã thành lập các phái bộ truyền giáo Koupela và Kanande vào năm 1900, Burkina Faso đã nhận được sự đóng góp của nhiều dòng tu khác nhau trong nhiều thế kỷ. Sau khi Đại chủng viện Pabré được mở cửa vào năm 1933, ba lễ truyền chức linh mục đầu tiên đã được ghi nhận vào năm 1942, trong khi vào ngày 14 tháng 9 năm 1955, hàng Giáo phẩm được thành lập, với tòa giám mục chính tòa Ouagadougou. Năm sau đó, giáo phận Koupéla được thành lập, là giáo phận đầu tiên ở Châu Phi thuộc Pháp trước đây được giao cho giáo sĩ bản địa. Năm 1965, Burkina Faso có Hồng y đầu tiên, đó là Đức Hồng y Paul Zougrana. Sau khi ngài qua đời vào năm 2000, năm 2014 Burkina Faso có Hồng y thứ hai: Đức Hồng y Philippe Nakellentuba Ouédraogo, Tổng giám mục thủ đô Ouagadougou hiện nay.
Burkina Faso thiết lập quan hệ ngoại giao với Tòa Thánh vào ngày 14 tháng 6 năm 1973. Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã đến thăm Burkina Faso hai lần: vào năm 1980 và 1990, trong chuyến tông du quốc tế thứ 5 và thứ 45 của ngài.
Trong chuyến viếng thăm ad limina Apostolorum của các Giám mục Burkina Faso tại Roma vào ngày 20 tháng 3 năm 2010, Đức cố Giáo hoàng Biển Đức XVI khi đó đã nhấn mạnh đến mối quan hệ liên tôn tốt đẹp tại đất nước này, bày tỏ hy vọng rằng “mối quan hệ hiệp nhất giữa các Kitô hữu và Hồi giáo nói riêng sẽ tiếp tục được củng cố để thúc đẩy hòa bình và công lý cũng như thúc đẩy lợi ích chung, từ chối mọi cám dỗ bạo lực hoặc không khoan dung”.
Giáo hội ủng hộ hòa bình và hòa giải dân tộc
Là một quốc gia có đa số dân theo đạo Hồi, thách thức chính đối với Giáo hội Công giáo là đối thoại liên tôn. Là một quốc gia thế tục có Hiến pháp công nhận quyền tự do tôn giáo, Burkina Faso luôn chứng kiến các cộng đồng tôn giáo khác nhau duy trì mối quan hệ tốt đẹp. Các tổ chức được đối xử bình đẳng; Người Hồi giáo, Công giáo và Tin lành đều điều hành các trường tiểu học và trung học, và các tổ chức này được tự do lựa chọn đội ngũ nhân viên của mình, mặc dù họ phải báo cáo việc bổ nhiệm hiệu trưởng nhà trường cho chính quyền. Tuy nhiên, những năm gần đây chứng kiến sự gia tăng các cuộc tấn công vào cộng đồng Kitô hữu. Giáo hội đã đưa ra lời kêu gọi hòa bình rất mạnh mẽ: “Trước tình trạng bạo lực vô nhân đạo này, đối với chúng ta, những người Kitô hữu, câu trả lời cho những khẩu Kalashnikov trước hết và quan trọng nhất là lời cầu nguyện và Thiên Chúa”.
Trong những năm khủng hoảng chính trị, các giám mục Burkina Faso đã nỗ lực hết mình vì hòa bình và hòa giải dân tộc. Sau khi tổng thống từ chức, Đức Hồng y Philippe Ouédraogo đã kêu gọi người dân đối mặt với tình hình: “Tất cả công dân của đất nước đều có trách nhiệm với tương lai quốc gia trong tình hình khó khăn này”. Đồng thời, ngài kêu gọi cầu nguyện cho sự hòa giải, công lý và hòa bình.
Cuộc hành hương kết thúc Năm Thánh kỷ niệm 125 năm Burkina Faso đón nhận Phúc Âm
Giáo hội Burkina Faso đã kết thúc Năm Thánh kỷ niệm 125 năm Burkina Faso đón nhận Phúc Âm với cuộc hành hương đến đền thánh Đức Mẹ Yagma thuộc giáo phận Ouagadougou. Sự kiện này đánh dấu sự kết thúc của hành trình kỷ niệm nhiều năm, phản ánh di sản và tương lai của Giáo hội tại quốc gia Tây Phi này.
Phát biểu với các nhà báo, Cha Jules Pascal Zabré, Giám đốc Đền thánh Yagma, đã nêu bật những cột mốc quan trọng mà Giáo hội Burkina Faso đã đạt được trong 125 năm qua, nhấn mạnh đến tác động của Giáo hội đối với giáo dục, chăm sóc sức khỏe, nông nghiệp và việc thúc đẩy quyền của phụ nữ tại quốc gia này. Cha nói: “Lễ kỷ niệm này là thời điểm tạ ơn, là khoảnh khắc để suy ngẫm về ân sủng của Chúa và để cử hành niềm vui khi đã đón nhận Phúc Âm”.
Cha nói thêm, “125 năm truyền giáo là cơ hội để chúng tôi đánh giá lại các lựa chọn mục vụ của mình. Kể từ năm 1942, khi chúng tôi có những Linh mục đầu tiên, những Giám mục, hàng giáo sĩ đã có một chiều kích rất đáng trân trọng, và chúng ta có những Giám mục, với tư cách là người hướng dẫn dân Chúa, luôn gặp nhau để xem cách định hướng cho dân Chúa”. “Sự hồi tưởng này cho phép chúng ta mừng về hiện tại và hướng tới tương lai. Đồng thời khi chúng ta đánh giá lại các lựa chọn mục vụ, cũng có một góc nhìn để xem Giáo hội sẽ như thế nào vào ngày mai, đặc biệt là ở Burkina Faso”. Cha lưu ý rằng sự phát triển của Giáo hội từ một tín hữu duy nhất thành hàng ngàn tín hữu là minh chứng cho sức mạnh bền bỉ của công cuộc truyền giáo.
Thánh lễ do Đức Hồng y Quốc vụ khanh Tòa Thánh chủ sự
Vào ngày 16/2/2025, Đức Hồng y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, đã chủ sự Thánh lễ được tổ chức tại Đền Đức Mẹ Yagma để kết thúc các cử hành Năm Thánh kỷ niệm 125 năm Burkina Faso đón nhận Phúc Âm. Ngài kêu gọi những người Công giáo nước này hãy giữ vững sự chính trực, nuôi dưỡng hy vọng và nuôi dưỡng tình đoàn kết khi họ kỷ niệm 125 năm truyền giáo của đất nước mình. Trong bài giảng, ngài đã thúc giục dân Chúa ở quốc gia Tây Phi này hãy tiếp tục bám chặt vào Phúc Âm và tìm sức mạnh trong đức tin Kitô giáo của mình giữa những thách thức về kinh tế xã hội trong nước.
Lời mời gọi mang hy vọng
Đức Hồng y nói: “Kỷ niệm 125 năm truyền giáo trong bối cảnh hiện tại là một hành động của hy vọng vui tươi. Đó là lời mời gọi mang đến một khuôn mặt cụ thể cho hy vọng”. Ngài nói thêm rằng Năm Thánh là thời điểm để xét mình và canh tân sự dấn thân của mình đối với Phúc Âm. “Truyền thống Kinh Thánh dạy rằng Năm Thánh là thời điểm ân sủng vì lòng nhân từ nhận được từ Thiên Chúa, nhưng cũng là thời điểm sám hối và hòa giải chung”. “Kỷ niệm 125 năm loan báo Tin Mừng là hát kinh Magnificat, chiêm ngưỡng vẻ đẹp của Đức Trinh Nữ Maria và phản ánh vẻ đẹp đó trong chính chúng ta”. “Lễ kỷ niệm của chúng ta chứng minh Giáo hội Công giáo tỏa sáng rực rỡ như thế nào trên khắp thế giới. Đối với tôi, đây là lý do chính đáng để tạ ơn”.
Đức Hồng y Parolin đã vinh danh các nhà truyền giáo, những người tiên phong trong việc truyền bá đức tin Kitô giáo đến Burkina Faso, ghi nhận những thành tựu của Phúc Âm tại quốc gia này và mời gọi mọi người cầu nguyện để chấm dứt các cuộc xung đột bạo lực ở quốc gia này.
Thông điệp ủng hộ của Đức Thánh Cha
Ngài cũng truyền đạt thông điệp ủng hộ từ Đức Thánh Cha, nói rằng Đức Thánh Cha Phanxicô “đã giao phó cho tôi sứ mạng truyền đạt lời chào của người cha, lời chúc mừng chân thành và sự hiệp nhất, cùng với những lời chúc nồng nhiệt của ngài cho một Gia đình Giáo hội ngày càng tỏa sáng hơn và cho một đất nước được giải phóng khỏi mọi hình thức bạo lực; một đất nước mà chiến thắng của sự sống trước cái chết, của điều thiện trước cái ác, có thể được tôn vinh”.
Tinh thần nghèo khó: nhìn nhận mình cần Thiên Chúa
Suy tư về các Mối Phúc trong bài Tin Mừng Chúa Nhật theo thánh Luca, Đức Hồng y nói rằng sự nghèo khó, khi được hiểu là thái độ của trái tim thừa nhận sự phụ thuộc vào Thiên Chúa, sẽ mở lòng người tin với ân sủng của Người. “Người nghèo trong các Phúc thật là người cần đến Chúa, trong khi người giàu ngu ngốc lại tự tôn thờ mình”, ngài cảnh báo, và thúc giục các Kitô hữu nhìn nhận sự giàu có vật chất là “món quà của Chúa và dành cho tất cả mọi người”. Theo ngài, việc tích lũy của cải trong khi những “con người khác sống trong điều kiện không xứng với con người là một sự bất công kêu thấu đến trời”.
Thiên Chúa luôn đồng hành cùng chúng ta
Đức Hồng y kêu gọi những người trẻ tuổi và những người dự tòng chống lại sự quyến rũ của những thần tượng giả tạo như chủ nghĩa vật chất và hình ảnh bản thân. “Chúa kêu gọi các bạn giải độc để không còn là một con người ô nhiễm và làm ô uế”. Ngài cũng khuyến khích các nhà giáo dục và phụ huynh biến các tổ chức tương ứng của họ thành “trường học của hòa bình, liêm chính, thận trọng, sáng suốt, bền bỉ và hy sinh”.
Ngài nói với trẻ mồ côi: “Đừng sợ, vì Chúa thực sự là cha của các con”.
Nói với những người di tản, Đức Hồng y đảm bảo với họ về sự hiện diện vĩnh cửu của Chúa: “Chúa là người bạn đồng hành trung thành của các bạn trên hành trình”.
Đức Hồng y nhấn mạnh đến nhu cầu nuôi dưỡng lòng tin tích cực vào Chúa. Ngài nói: “Đức tin là tình yêu định hình chúng ta ngay bây giờ cho cuộc sống vĩnh hằng. Sự chắc chắn về cuộc sống sau khi chết không khiến chúng ta thụ động; ngược lại, nó khiến chúng ta dấn thân vào thế giới này”.
Nguồn: vaticannews